1
2
3
4

Luận Thích Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Viên Tập Yếu Nghĩa

Tam Bảo Tôn Bồ Tát tạo,

Đại Vực Long Bồ Tát tạo bổn luận,

Tống Thi Hộ đẳng dịch,

Bản Việt dịch của Nguyên Huệ

***

QUYỂN 1

Quy mạng Bát-nhã Ba-la-mật

Mẹ chư Phật: Xuất sinh tất cả

Nhưng Bát-nhã ấy, chỗ dựa vượt

Rốt ráo không vướng, sạch các cấu.

Vì chư Phật hướng, tự tánh lìa

Khiến chúng sinh tương ưng hỷ thắng

Năng, sở thủ, cả hai đều bặt

Trong đó, tánh thường không thể lập.

Do đã giải thoát hai thủ kia

Đoạn kiến, thường kiến đều dứt trừ

Từ nơi Nhất thiết trí sinh ra

Đảnh lễ trí đạt đến bờ giác.

Tôi nay, ở trong Luận Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Viên Tập Yếu Nghĩa, do Bồ-tát Đại Vực Long tạo, giải thích tóm lược về hành tướng, nhằm khiến cho những người trí nhỏ, kém, suy xét về nghĩa có thể nhận biết sơ lược.

Như Tụng nêu:

Thắng tuệ cùng thành tựu

Như Lai trí không hai

Trong ấy nghĩa tương ưng

Thanh kia giáo đạo hai.

+ Nói Thắng tuệ: Tức tuệ đến bờ kia. Thắng tuệ nghĩa là các tuệ như văn, tư v.v…

Bờ: Là bờ bên.

Đến: Là đi đến, đến được. Nghĩa là do diệu tuệ thanh tịnh nên có thể đi đến bờ kia.

Ở đây nên hỏi: Người nào có thể đi đến?

Đáp: Nghĩa là các Bồ-tát. Chư vị ấy do đâu mà thành tựu được? Tức do Bát-nhã Ba-la-mật-đa thành tựu.

+ Thành tựu: Là nghĩa đã hoàn thành.

Tánh của quả như thế là ý lạc tăng thượng đã hoàn thành, như giáo pháp của Bát-nhã tám ngàn tụng, khai thị, diễn nói. Đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa thành tựu. Không phải ở trong tiếng Bát-nhã Ba-la-mật-đa có chỗ thành tựu. Nếu thế nên dùng nghĩa gì để nói về sự thành tựu ấy? Vì vậy Tụng nêu: Trí không hai.

+ Không hai: Là không có hai tướng, gọi là không hai. Trí ấy không hai, gọi là trí không hai. Ý ở đây, như thế là đã nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa lìa chủ thể giữ lấy, đối tượng được giữ lấy, tức là trí không hai. Bồ-tát đã thành tựu trí như vậy. Nếu hoặc ở trong cảnh như sắc v.v… kia chấp trước tướng của đối tượng được giữ lấy, thì tâm của chủ thể giữ lấy đối với trí không hai tức có trở ngại.

Hỏi: Nếu các Bồ-tát thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy, thì vì sao nay ở đây không nói là Như Lai? Nghĩa là do Như Lai, nơi tất cả xứ siêng tu các pháp, nên được thành Phật. Luận tự đáp, nói: Như Lai.

+ Như Lai: Nghĩa là Như Lai kia. Kia: Tức là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Như Lai: Là như thật mà nêu bày, nên gọi là Như Lai. Do Như Lai ấy đã lìa khắp hết thảy lưới phân biệt như vậy, nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa tức là Như Lai. Ở đây, không hai cũng là không phân biệt. Không hai: Là Như Lai không lìa Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cũng không tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Sao gọi là không phân biệt? Nghĩa là như ánh sáng của ngọn đèn, ở đây nghĩa cũng như vậy. Do đó phải nên nhận biết rõ như thật. Như các trí, đã nói tụng:

Chẳng trí lìa nơi không

Có chút pháp đạt được

Ở đây ý nói lìa

Tánh lìa, không xa lìa.

Hai không kia khác thức

Chẳng chút pháp để chấp

Hai không thật, được chuyển

Tánh hai ngã chẳng lập.

Do chứng biết ấy, nên ở trong tướng như thật, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng như vậy. Vì thế, chủ thể nhận biết, đối tượng được nhận biết, nếu có tánh, thì các phân biệt có nơi chốn nương dựa.

Ở đây, nên hỏi: Nếu Bát-nhã Ba-la-mật-đa thành tựu trí không hai, thì vì sao tụng nói giáo, đạo hai? Tụng tự đáp, nêu:

Trong ấy, nghĩa tương ưng

Thanh kia, giáo đạo hai.

+ Trong ấy: Là ở trong âm thanh đó, gồm cả giáo, đạo.

+ Hai nghĩa tương ưng: Theo thứ lớp, nay sẽ nói. Nghĩa là hai thứ giáo, đạo hiện có ấy, cùng với nghĩa của Bát-nhã Ba-la-mật-đa hòa hợp, tương ưng.

+ Thanh kia, giáo đạo hai: Là lời nói của âm thanh kia như trước đã giải thích. Giáo, đạo hai: Tức là phương tiện của Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ở trong âm thanh ấy đã hàm chứa. Cũng như chủng tử, ở phần vị hàm chứa, nghĩa cũng như thế. Như vậy nên biết, tiếng Bát-nhã Ba-la-mật-đa nêu lên 2 thứ nghĩa:

1. Thắng thượng.

2. Chủng loại.

+ Thắng thượng: Là tướng của trí không hai.

+ Chủng loại: Có hai chủng loại: Tức tự tánh của giáo, đạo.

Do hai thứ ấy hòa hợp, thiết lập, nên biết mới có tuyên thuyết, biểu thị. Lại do nương dựa như thế v.v…, nên ngữ nghĩa hiện có trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa ấy được khai diễn thành ba mươi hai phẩm không tăng không giảm. Trong đó đã nói là loại trừ mười thứ phân biệt tán loạn. Lại hiển bày mười sáu thứ không.

Lại nữa, Tụng nêu:

Nương dựa cùng tác dụng

Sự nghiệp đồng khởi tu

Phân biệt tướng cùng tội

Xưng tán, như tiếp nói.

Như trong Tụng đó, có 6 thứ, ấy là: Nương dựa, tác dụng, sự nghiệp, tướng, tội, xưng tán. Ở đây là thế nào, thứ lớp nay sẽ nói.

+ Gọi là nương dựa: Nghĩa là Đức Phật Thế Tôn, đầu tiên nói về trí. Do chỗ dựa của trí ấy như thế, nên các pháp môn thâm diệu hiện có mới có thể nối tiếp diễn nói. Không phải người có thể thuyết giảng như Tôn giả Tu-bồ-đề v.v…, có thể tạo được sự nương dựa, hòa hợp như vậy.

Hỏi: Đức Phật đã giảng nói về trí, sự việc ấy như thế nào?

Đáp: Như Đức Phật ở nơi Kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã, đầu tiên nói như vầy: Nầy Tu-bồ-đề! Theo chỗ ưa thích của Tôn giả, hãy thuyết giảng về Bát-nhã Ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát, phải nên phát khởi như Đại Bồ-tát xuất sinh từ Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì do diệu lực nơi uy thần của Phật đã kiến lập như thế, nên Tôn giả Tu-bồ-đề mới có thể tuyên thuyết về Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy mà không chướng ngại.

Ở đây, đã nói về các nghĩa như thế, là nói về phẩm thứ nhất trong kinh đó.

+ Nói là tác dụng: Tức tác dụng tăng thượng. Nghĩa là Đức Phật nói về trí là tăng thượng. Vì nêu giảng pháp ấy là khởi nói về tác dụng, tức thứ lớp của tác dụng nơi chúng Bồ-tát v.v… Do như thế, nên mới có thể phát khởi tuyên thuyết pháp ấy.

+ Gọi là sự nghiệp: Là sự nghiệp đã tạo tác. Như thế, phát khởi do giáo pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa ấy, an trụ như vậy, nên phải siêng năng, dũng mãnh, phát khởi tu tập, trừ bỏ 10 thứ pháp phân biệt tán loạn, cùng theo trình tự phân biệt về 16 thứ không. Nên biết như vậy.

+ Gọi là tướng: Là nghĩa tiêu biểu. Lại, tướng tức là hình tướng. Đây là thế nào? Nghĩa là, nếu Bồ-tát đối với pháp môn Bát-nhã Ba-la-mật-đa nầy, nếu khi biên chép, nếu lúc đọc tụng, hoặc có người cùng khởi tâm nghi, nên biết đều là tướng của ma sự v.v… Nếu không thối chuyển, là tướng của Bồ-tát.

+ Nói là tội: Nghĩa là đối với pháp ấy tạo sự chướng ngại cùng hủy báng chánh pháp. Hoặc ở nơi Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà sinh khởi tưởng độc hại. Những thứ ấy đều chiêu cảm lấy tội báo.

+ Gọi là xưng tán: Nghĩa là xưng tán về quả. Như kinh nói: Nếu có người đem bảy thứ báu đầy khắp trong Tam thiên đại thiên thế giới để hành bố thí. Hoặc có người, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa nầy, thọ trì v.v…, thì phước có được, hơn hẳn trường hợp trước.

Ở đây, lại nói về nghĩa gì, để làm chỗ nương dựa? Tụng nêu:

Đủ tín dùng làm thể

Sư nhận cùng chứng nêu

Lúc nói, cùng xứ nói

Được tự lượng thành tựu.

Đây là thế nào?

+ Nói là tín gồm đủ: Tín nghĩa là tâm tin tưởng thanh tịnh. Tức các Bồ-tát, do sự tin tưởng kia, nên đối với giáo pháp thâm diệu, có thể sinh thắng giải. Có tin tưởng ấy nên gọi là đủ tín. Bồ-tát có đủ tin tưởng, có thể dùng làm thể. Thể nghĩa là thể của thân. Ví như người có thân làm nhân, mới có thể nối tiếp tạo tác các hành. Nghĩa của tín cũng thế.

+ Gọi là: Sư nhận cùng chứng nêu: Nghĩa là Đức Thế Tôn, bậc Đại sư tuyên thuyết giáo pháp ấy, các Bồ-tát nhận lấy cũng đều tuyên thuyết. Thuyết giảng như vậy rồi, theo chỗ ứng hợp mà biểu thị.

+ Gọi là: Lúc nói, nơi chốn nói: Lúc: Đó là thời gian giảng nói, tạo sự biểu thị, hòa hợp. Đều quyết định riêng, để ấn chứng chỗ đã đạt được, là nghĩa của nơi chốn, nên biết.

+ Hỏi: Người thuyết pháp ấy sẽ đạt được nghĩa gì? Tụng tự đáp, nói: Được tự lượng thành tựu. Nghĩa ấy là thế nào? Tự là chính mình. Lượng là tự lường xét về chỗ đạt được của mình, không trái nhau.

+ Thành tựu: Là nghĩa đã hoàn thành. Tức là người giảng nói pháp, các sự việc được thuyết giảng đều thành tựu đầy đủ.

Như Tụng nói:

Giảng nói pháp nên biết

Thế gian thời, xứ, hai

Người nói, có đồng chứng

Sau đấy được như lượng.

Ở đây là thế nào?

+ Gọi là giảng nói pháp: Là người nói pháp, thế gian, thời, xứ, hai: Nghĩa là ở trong tướng thế gian, trước nên nhận biết rõ về thời gian giảng nói, nơi chốn thuyết giảng, sau đấy mới dựa vào trí, đúng như lý mà nêu bày.

+ Hỏi: Đây là giảng nói về những gì? Tụng tự đáp, nêu: Người nói, có đồng chứng. Nghĩa là nêu bày có đồng chứng, hòa hợp.

+ Hỏi: Thế nào là được như lượng?

Đáp: Đó là đạt được ngôn lượng chân thật, không phải là nghĩa về thời, xứ hiện đã nói.

Ở đây lại dùng nghĩa nào để xác nhận về ba mươi hai phẩm? Nên có Tụng nêu:

Tất cả tập như thế

Đã nói như tôi nghe

Nghĩa hòa hợp như vậy

Ba mươi hai, tối thượng.

+ Ở đây nói: Tất cả tập như thế v.v…: Tất cả là nghĩa khắp hết. Những gì là nghĩa khắp hết? Nghĩa là tụ tập như thế, tụ tập như tôi đã nghe v.v… Như thế: Nghĩa là pháp ấy như thế, đã tạo như thế.

+ Gọi là Tôi nghe v.v…: Tôi: Là đối tượng được tạo thành nghe của tự tướng. Nghĩa là lắng nghe, tức lắng nghe pháp nầy. Ở đây, là ý chung. Tụ tập chung, như: hoặc như thế, hoặc tôi, hoặc nghe v.v… mà thành, nên nói là tôi nghe như thế v.v…

Hỏi: Chỗ gọi là v.v… thì giữ lấy nghĩa nào?

Đáp: Vân vân là cùng thâu giữ xứ.

+ Gọi là Nói: Nghĩa là nêu bày, chỉ rõ. Thế nên ở đây nói tôi đã nghe như vậy.

+ Gọi là: Nghĩa hòa hợp như thế: Tức là người giảng nói ấy, hoặc tạo tác, hoặc không tạo tác, thì sự hòa hợp kia, từ chỗ khởi đầu, theo thứ lớp tuyên thuyết về nghĩa tối thượng như vậy.

+ Tối thượng: Là tối cực, thắng thượng.

+ Thể của ngôn thuyết kia: Nghĩa là nêu bày, giảng giải.

Hỏi: Đây là nói về gì? Tụng tự đáp, nêu: Ba mươi hai, tối thượng.

+ Ba mươi hai: Là số lượng quyết định. Tức là nói về nghĩa trong số lượng như vậy. Do đó nên biết, ở đây đã nói cũng không có giảm thiểu.

Hỏi: Trong Kinh Thập Vạn Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa đã nói về nhiều thứ không. Còn trong Kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa nầy nói mười sáu thứ không, so với chỗ đã nói trong kinh kia là ngang bằng như thế nào?

Vì có nghi ấy, nên Tụng nói:

Phân biệt mười sáu tướng

Không, theo như thứ lớp

Trong tám ngàn tụng nói

Rõ khác, phương tiện nói.

+ Đây nói phân biệt v.v…: Là lớp lớp phân loại về chỗ riêng biệt, nên gọi là phân biệt. Lại, phân biệt tức là nghĩa chủng loại. Chủng loại ấy là nghĩa vô số tánh. Ở đây, phân biệt về gì? Tức phân biệt về không, phân biệt về những gì là không? Là mười sáu không. Mười sáu là phần hạn của số lượng. Ở đây nói mười sáu không cùng với nghĩa đã nói trong Kinh Thập Vạn Tụng Bát Nhã kia, tự bằng nhau. Tụng nêu: Trong tám ngàn tụng nói: Tức là trong Kinh Bát Thiên Tụng (Tám ngàn tụng) Bát Nhã đã nói. Kinh đó nói như thế nào? Do đấy, Tụng nêu: Theo như thứ lớp. Như thứ lớp: Là nghĩa không vượt quá. Pháp nào không vượt quá? Tức là âm thanh của nói không. Nên câu Tụng sau nêu: Rõ khác, phương tiện nói.

+ Nghĩa ấy là thế nào? Khác: Là pháp dị biệt. Ở trong pháp dị biệt đó, chọn lấy phương tiện, thế nên người thuyết giảng, theo phương tiện khác để nói. Rõ: Là nhận biết rõ, nên phải phân biệt nhận biết rõ như thế. Đó là nhận biết rõ về phương tiện khác ấy, để phân biệt nói về không.

Lại nữa, Tụng nêu:

Nay, Bát Thiên Tụng nầy

Như nói nghĩa không giảm

Theo chỗ thích, tụng lược

Nghĩa như vậy, như vậy.

+ Ở đây nói: Nay Bát Thiên Tụng nầy: Là nêu rõ về pháp nên biết.

+ Nói không giảm: Nghĩa là không thiếu, giảm. Những gì là không giảm? Là nghĩa như nói. Tức như nghĩa đã thuyết giảng đó, tự nói viên mãn. Hoặc có nghi vấn: Trong đây đã nói, vì sao là tụng lược? Tụng tự đáp, nêu: Theo chỗ thích, tụng lược. Nay ở đây chỉ nói Bát Thiên Tụng: Vì chỗ thích nghi của ý lạc tối thắng nơi người nghe kia, thế nên tụng lược. Lược nghĩa là lược bớt.

+ Gọi là: Nghĩa như vậy, như vậy: Tức là nghĩa đã nêu giảng như vậy. Điều ấy lại là thế nào? Tụng nói: Như vậy, như vậy: Tức như ngôn thuyết đó, chỗ đã nêu giảng như thế là thành tựu như lý, không phải nghĩa trong pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa có sai biệt. Chỉ vì căn tánh hiện có ba phẩm hạ, trung, thượng, theo sự mong muốn, được thâu nhận. Vì vậy, Đức Thế Tôn, do nhân ấy, nên lược bớt chút ít nói về Bát-nhã Ba-la-mật-đa nầy, theo thứ lớp, dùng phương tiện khác, để nói mười sáu thứ không. Như thế là điều giảng nói đã được hiển minh, khai thị.

Lại nữa, Tụng nêu:

Bồ-tát, Ta không thấy

Đây nói vắng lặng thật

Hay nhận các sự trong

Kia nói tức là không.

+ Nói Bồ-tát v.v…: Bồ-tát là Bồ-đề cùng Tát-đỏa. Đây tức là Bồ-đề Tát-đỏa. Bồ-đề nghĩa là trí không hai. Tát-đỏa tức là người cầu đạt Bồ-đề. Nhưng Tát-đỏa nầy gọi là Bồ-đề Tát-đỏa, tức Bồ-đề Tát-đỏa ấy, Ta không thể thấy, cũng không thể đắc. Ta: Là nghĩa chính mình.

+ Đây nói vắng lặng thật: Đây: Là nghĩa như vậy, như thế. Nói: Là ngôn thuyết. Thật: Tức chân thật, là thắng nghĩa đế. Vắng lặng (tịch mặc): Là Đức Thế Tôn. Nghĩa là Đức Thế Tôn, nơi ba nghiệp thân, ngữ, ý, đều tương ưng với vắng lặng. Như thế v.v… là nói do uy thần của Đức Phật đã gia hộ, nên khiến Tôn giả Tu-bồ-đề, có thể ở trong đó, giảng nói về ngữ nghĩa ấy.

+ Kia nói tức là không: Kia: Tức Đức Thế Tôn kia. Nói là nêu bày, chỉ rõ. Nghĩa là Đức Phật, Thế Tôn nói đây là không. Nói pháp nào là không? Do đấy, Tụng nêu: Hay nhận các sự trong.

+ Các sự trong: Đó là sáu căn xứ bên trong như mắt v.v…, gọi là các sự trong. Do hàng ngu tối chấp cho là thật, có thể thọ nhận lời Đức Thế Tôn giảng nói về các sự trong ấy là không.

Lại, Bồ-tát mới phát tâm, ở đây phân biệt tự tánh có thật. Như thế là đã nêu bày xong về Nội không.

Lại nữa, Tụng nói:

Sắc cùng tự tánh sắc

Đây nói cũng lại không

Là các xứ ngoài ấy

Chỗ thọ phần đều dứt.

+ Đây nói sắc cùng tự tánh sắc: Nghĩa là sáu xứ cảnh bên ngoài như sắc, thanh v.v…

Lại, sắc: Tức là sắc xứ. Nói tự tánh sắc: Sắc nghĩa là tự sắc, như tướng hiện có, tướng ấy không sinh. Do không sinh tức tự tánh là không, nhưng tự tánh ấy cũng không thể hoại. Ví như người khảo xét về nghĩa, nên biết.

+ Chỗ gọi là ở đây nói: Nghĩa là ở đây nêu bày như thế, với những ngôn thuyết như thế.

+ Lại nữa, ở đây Đức Thế Tôn đều nói: Dừng lại: Là nghĩa không tạo tác.

Hỏi: Dừng dứt nơi pháp nào? Tụng tự đáp, nêu: Là các xứ ngoài ấy.

Đây lại là thế nào? Các xứ ngoài: Nghĩa là các cảnh như sắc v.v… Các phần vị bên ngoài thảy đều không thật, nhưng hàng phàm phu chấp cho là có tánh của đối tượng được thọ nhận là thật như vậy. Vì thế ở đây nói dừng dứt, là nghĩa của lời đó. Những điều nêu bày như vậy là nói xong về Ngoại không. Lại nói về không sau. Như Tụng nêu:

Tướng như sắc, thân kia

An trụ và tướng lìa

Nghĩa hướng, nếu kia thấy

Nội kia tức không thật.

+ Nói: Tướng như sắc, thân kia: Ở đây thế nào là thân kia? Đó là hai sắc xứ trong ngoài, tức là thân ấy.

+ Gọi là an trụ: Tức là khí thế gian đều được nương dựa riêng để an trụ, nên gọi là an trụ.

+ Gọi là tướng: Là ba mươi hai tướng biểu hiện của bậc Đại sĩ.

+ Nói lìa: Tức như trên đã nói thảy đều lìa. Lìa tức nghĩa không.

+ Nói nghĩa hướng: Hướng tức là đã qua. Nghĩa của đã qua gọi là nghĩa của hướng. Những pháp nào là nghĩa hướng? Như ở trên Tụng nói: Tướng như sắc v.v…

Đây lại là thế nào? Nghĩa là, nếu sắc xứ trong ngoài như thế thảy đều vô tướng, tức vị ấy đã nhận biết rõ về nghĩa không như vậy. Cũng thế, nghĩa của thanh, do đấy nên biết. Nay, trong tụng nầy, trước nói về 3 thứ không: Là nội ngoại không, đại không, tướng không. Tiếp theo là nói về không không. Như Tụng đã nêu: Nếu kia thấy, Nội kia tức không thật.

+ Nếu: Tức nếu nghĩa hiện có, nghĩa là không trí hiện có.

+ Kia: Tức là thân kia.

+ Thấy: Là nghĩa nhận biết. Nhận biết tức nhận biết rõ. Ý ở đây: Là trí nhận biết về không. Rõ về cảnh là không rồi, tức không trí nầy, đối với nội không thật nên không chỗ có, huống chi là pháp khác có tánh nương dựa. Câu ấy như thế là nói về Không không xong.

Ở đây lại nói về tự tánh không. Như Tụng nêu:

Tánh các nội không kia

Tự tánh cũng lại không

Thức tướng chủng hiện có

Tức khởi Bi, Trí, Ngã.

+ Nói: Tánh các nội không kia v.v…: Nghĩa là tánh không của các xứ bên trong hiện có tương tục, như ở đây đã nói.

+ Nói: Tự tánh cũng lại không: Tự tánh: Là nghĩa chủng tánh. Do tự tánh đã hiển bày về tướng của thức như thế.

+ Gọi là: Thức tướng chủng hiện có: Hiện có tức như nghĩa hiện có. Ở đây, hoặc là tướng của thức, hoặc là tánh của thức. Các chủng tánh kia, tức từ bi, trí của Ta sinh. Bi là muốn khiến cho khổ của kẻ khác được lìa tan. Trí là xét chọn về tướng pháp. Hoặc là bi v.v…, hoặc là trí v.v… Đó gọi là bi, trí.

+ Ngã: Là nghĩa tự tướng. Tức tự hiện có hai thứ bi, trí. Ý ở đây là nói chung về tự tánh không của nội thức xứ.

Lại nữa, sau nói về nghĩa của hai thứ không, như Tụng nêu:

Chẳng sinh cũng chẳng diệt

Hữu tình, đây nêu rõ

Sinh tử dục hữu tình

Kia nói tức là không.

+ Văn của bốn câu tụng nói: Chẳng sinh cũng chẳng diệt v.v…: Ở đây là kết hợp giải thích về nghĩa của hai thứ không.

+ Nói chẳng sinh: Là trong Kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã nói chẳng sinh. Ý trong ấy nói sinh kia ở đây đã dừng dứt. Nghĩa là xưa nay tánh không sinh. Sinh nếu không tánh thì diệt cũng không tánh. Tánh trước không sinh thì tánh sau cũng không diệt.

Hỏi: Đấy là nói về những gì? Tụng đáp, nêu: Hữu tình.

+ Hữu tình: Là thân mạng của năm uẩn. Hữu nghĩa là có tánh của vật kia. Tình nghĩa là tánh tự tạo tác, hòa hợp mà nói, nên gọi là hữu tình, hoặc sinh tử, cả hai đều không, là nghĩa được hiển bày. Nhưng các hữu tình không có biên vực, chết đây sinh kia, sáu nẻo tuần hoàn, sinh tử luân chuyển không có cùng tận. Sinh tử ấy tức là luân hồi. Hành tướng như thế, tức giải thích nghĩa sinh tử của hữu tình, nên biết.

Hỏi: Đây là người nào nói? Tụng đáp: Kia nói.

Kia tức là Đức Như Lai kia đã thuyết giảng chân thật. Kia đã giảng nói về gì? Đó là nói về không. Tức hữu tình, sinh tử, hai thứ đều không. Nhưng không tánh ấy, ở đây cũng lìa như chấp. Không tánh ấy, ở đây cũng không thế. Nếu vậy, vì sao Tụng nói là dục? Dục là nghĩa lạc dục (vui thích, ưa muốn), tức hai dục của hữu tình, sinh tử. Nếu đối tượng ưa muốn rốt ráo như thế, thì “kia” đã nói chân thật như vậy. Ngôn thuyết như vậy là nói về nghĩa của hai thứ không là tất cánh không và vô tế không.

Hỏi: Sao gọi là vô tế? Vô tế nghĩa là không có đời đầu tiên cùng không có phần đầu. Vô tế ấy nói là không, nên gọi là vô tế không. Như Đức Phật đã nói: Sinh tử nơi tế trước không thể biểu thị. Nên lại nói không sau, như Tụng nêu:

Pháp Phật không thể thấy

Pháp Bồ-tát cũng vậy

Điều ấy, như đã nói

Không như mười lực kia.

+ Nói: Pháp Phật không thể thấy v.v…: Pháp Phật là pháp của chư Phật. Đó là: Mười tám pháp bất cộng, mười lực v.v… Pháp như thế, dùng diệu tuệ thanh tịnh quán không thể thấy, cũng không thể đắc. Người ấy như thế, nên hiện có phân biệt mà bị đối ngại.

+ Nói: Pháp Bồ-tát cũng vậy: Tức pháp của các Bồ-tát, đó là các Ba-la-mật-đa như bố thí v.v… với vô số hành tướng. Trí nhập chân thật, như lý mà quán, cũng không có đối tượng được nhận thấy.

+ Nói: Điều ấy như đã nói, Không như mười lực kia. Điều ấy: Là giáo pháp ấy như thế. Như đã nói: Tức như chỗ đã nêu giảng.

Hỏi: Đây là nói về những pháp gì? Tụng tự đáp, nêu: Là mười lực kia, nêu rõ ở trên đã biện minh về các pháp như mười lực v.v…

+ Nói là v.v…: Là cùng gồm thâu mười tám pháp bất cộng.

Lại hỏi: Pháp nầy là nói về điều gì?

Đáp: Đó là nói về không. Không là tự tướng lìa. Những điều như thế, ở đây là đã nói xong về Tất cả pháp không. Lại nói về không sau. Tụng nêu:

Pháp hiện có riêng biệt

Đây nói tánh biến kế

Thắng nghĩa kia không có

Các pháp nêu như thế.

+ Nói pháp hiện có riêng biệt, Đây nói tánh biến kế: Đấy là phá bỏ tánh biến kế.

+ Riêng biệt: Là nghĩa mỗi mỗi đều. Tức là tánh biến kế hiện có ấy. Biến kế: Là nghĩa chấp trước. Chấp trước nơi pháp nào? Tức các pháp như sắc v.v… Đây: Là nghĩa như thế. Nói: Tức là ngôn thuyết. Ý chung ở đây, nghĩa là các pháp đều khác biệt, nhưng trong Thắng nghĩa đế, chúng không có, do đấy Tụng nói:

Thắng nghĩa kia không có

Các pháp nêu như thế.

+ Thắng nghĩa, không có: Tức trong Thắng nghĩa đế không có tự tánh.

Hỏi: Pháp nào không có tự tánh?

Đáp: Nghĩa là các pháp như sắc v.v…

+ Nêu như thế: Tức ở đây đã nói như thế.

Hỏi: Người nào nói như thế?

Đáp: Đức Phật đã nói như thế. Quán tướng của thắng nghĩa hiện có kia là không. Tướng kia tức là tánh của biến kế. Không, chẳng phải chỉ là tướng của chủ thể giữ lấy, mà ở trong thắng nghĩa đế nói đấy là không. Như vậy là đã nói xong về Thắng nghĩa không.

Ở đây, nói như vậy, nghĩa tự hiển bày rõ ràng. Người tạo công việc giải thích nói riêng tụng:

Các tánh biến kế kia

Xứ xứ đều chấp trước

Biến kế ấy như thế

Tự tánh không có thật.

    Xem thêm:

  • Luận Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Cửu Tụng Tinh Nghĩa - Luận Tạng
  • Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán - Luận Tạng
  • Luận Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Sáu Pháp Môn Vi Diệu (Lục Diệu Pháp Môn) - Luận Tạng
  • Luận Kinh Vô Lượng Thọ - Luận Tạng
  • Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa - Luận Tạng
  • Luận Hồi Tránh - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Kim Cang Đỉnh Du Già Trung Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Thành Duy Thức Luận - Luận Tạng
  • Tây Phương Hiệp Luận - Luận Tạng
  • Ý Nghĩa Quán Âm Huyền Diệu - Luận Tạng
  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Ý Nghĩa Quyết Định Của Pháp Hoa Huyền Tán - Luận Tạng