Tây Phương Hiệp Luận
Minh Viên Hoằng Đạo soạn
Bản Việt dịch của Thích Trí Thông
***
QUYỂN 1
Hương Quang Tử mai danh ẩn tích ở chốn núi rừng vắng vẻ, chuyên tu tịnh nghiệp. Có một thiền nhân kiến thức rộng, trình độ cao, quá bước đến tịnh thất để luận đàm. Thấy trên bàn có quyển Tây Phương hiệp luận của cư sĩ Thạch Đầu mới biên soạn, thiền nhân xem chưa hết quyển luận đã lên tiếng chống đối:
– Như pháp môn của bộ luận này vốn tiếp dẫn căn cơ trung, hạ. Tại sao vậy? Vì đối với người căn cơ trung, hạ, trí tuệ kém cỏi, sức nghiệp sâu nặng thì phải nhờ nhớ Phật, niệm Phật mới được sinh về Tịnh Độ, như tảng đá nhờ chiếc thuyền mới có thể đến bờ bên kia. Những người này thật sự cần phải niệm Phật ! Còn như chúng ta thấu suốt cội nguồn, tâm này tức là Phật, lại tìm kiếm Phật ở đâu nữa ? Về mặt lý tuyệt đối thì tìm kiếm cái tướng ba thời gian của chúng sinh và Phật, tới và lui, sinh và chết không thấy có một mảy may. Vừa há miệng nói thành Phật đã là lời nói dư thừa. Sao được phân chia những việc nhơ sạch, bỏ đây, sinh kia ? Nếu ngay chỗ này tỏ ngộ thì đó là người thong dong tự tại. Ngay tánh dâm dục, giận dữ và si mê đều là đạo tràng bình đẳng của A Di Đà, như như bất động. Sao lại từ bỏ Phật của chính mình mà lễ lạy Phật đúc bằng vàng, bằng đồng kia ? Hơn nữa, bảo rằng: “Ngộ và chưa ngộ đều nên tu tập thì đó là đang vô sự mà bỗng nhiên sinh sự. Tôi không thể nào hiểu nổi !”
Hương Quang Tử nghe rồi, thở dài, nói rằng:
– Nếu ông nói như thế thì chỉ là nói cho sướng miệng thôi. Ông không biết một khi nhấc chân lên sẽ rơi vào hầm lửa. Việc sinh tử, vô thường nháy mắt liền đến, sao lại ghi nhớ thuộc lòng những lời tương tự có sẵn của Tông môn rồi cho là cứu cánh ? Những người trong Tông môn đều nói rằng: “Ta đã thành Phật, không cần niệm Phật”. Nếu đứng về phương diện lý lẽ mà nói thì con bọ chét, con rận ở thế gian đều có đầy đủ thể giác thanh tịnh như Như Lai, không hai, không khác, cho đến các đức Phật thành chánh đẳng giác, chứng đại niết bàn mà bản thể chưa từng tăng thêm một tơ tóc. Chúng sinh rơi vào ba đường dữ, trôi chìm liên miên trong biển cả sinh tử mà bản thể chưa từng giảm bớt một mảy may. Thể như như thì thường còn, bất động. Sinh tử, niết bàn đều là cái thấy sai lầm, cũng không có Như Lai, cũng không có chúng sinh. Đối với việc chứng nhập này cũng không có người chứng nhập, cũng không có pháp được chứng nhập, bặt dứt tâm nghĩ ngợi lăng xăng, vượt thoát mọi nhận thức sai lầm. Đại địa không có một tấc đất thì một chữ Phật nhằm vào chỗ nào mà an trụ ? Cho đến pháp môn để tinh tiến tu hành, tu chứng ở trong không tu chứng, đẳng cấp ở trong không đẳng cấp, muôn ngàn sai biệt. Tuy Bồ-tát bước lên địa vị đẳng giác nhưng không biết chỗ nhấc chân lên, để chân xuống của Như Lai.
Từ xưa, tổ sư sở dĩ mắng Phật, quở giáo cũng chỉ là lời nói phương tiện ngăn chấp, vì tâm người chấp chặt giáo tướng, theo lời nói mà sinh tri giải, không tỏ ngộ được bản thể ở ngoài lời nói, quen chấp phương tiện trong lời nói. Họ cứ mãi nói tâm, nói tánh, nói không, nói huyễn, nói đốn, nói tiệm, nói nhân, nói quả; ngàn kinh muôn luận đều thông hiểu cả. Nhưng, khi hỏi đến bản tánh của họ thì liền đem ngôn ngữ sẵn có trong kinh luận để đối đáp, nếu dẹp bỏ cả ngôn ngữ sẵn có ấy thì họ vẫn y như trước kia mù tịt không biết phải làm sao. Đó là điều mà người ta gọi là đếm tiền cho người khác, còn chính mình thì không có một đồng. Hoặc có người tu hành chân thật nhưng không thấy Phật tánh, hành trì khổ hạnh như kẻ đui mù, không được thiện tri thức hướng dẫn, không sinh vào nhà của Như Lai, chỉ gặt hái quả báo trời, người mà thôi. Ở đây, các vị tổ sư biết được tệ nạn ấy, bèn dùng thủ đoạn độc địa quét sạch ngôn ngữ đã che lấp con đường giải thoát, bài trừ tình thức kia để khiến cho họ phải khổ công tham cứu miên mật, lội ngược dòng sinh diệt. Khi thức tình sinh diệt tiêu tan hết thì tâm niệm nắm lấy, xả bỏ đều rỗng không. Có như thế họ mới biết được cha mẹ sinh ra mình, kho báu muôn kiếp của mình. Bấy giờ trở lại đọc kinh, xem giáo thì họ sẽ thấy cái gì cũng đều nói như việc ở trong nhà. Sau đó nói đến tinh tiến tu hành, vận dụng tri kiến Phật để quét sạch tập khí, lễ Như Lai như hoa đốm giữa hư không, tu phạm hạnh như bóng trăng trong nước, bước lên giai cấp như ánh nắng chập chờn, độ chúng sinh như âm vang trong hang đá, không dính mắc vào sự chứng đắc niết bàn. Đó là hạt giống Phật, thật giống như mặt trời chói lọi giữa hư không, đi trên con đường của vua đi, chứ không phải lủi bước trong đêm dài tối tăm mù mịt, vịn níu cây gai, té nhào vào gai góc. Đâu được nói rằng sau một khi tỏ ngộ liền ngang bằng với quả vị Phật, như Cung Phụng hỏi thiền sư Cảnh Sầm:
– Trên quả vị niết bàn, ở trong thiên hạ, thiện tri thức chứng đắc chưa ?
Cảnh Sầm đáp:
– Chưa chứng đắc.
Cung Phụng hỏi:
– Vì lẽ gì chưa chứng đắc ?
Cảnh Sầm đáp:
– Vì công phu chưa ngang bằng với các vị thánh.
Cung Phụng hỏi:
– Nếu như vậy thì sao được gọi là thiện tri thức ?
Cảnh Sầm đáp:
– Thấy rõ Phật tánh cũng được gọi là thiện tri thức.
Thiền sư Hoằng Biện nói: “Ngay khi tỏ ngộ tự tánh thì ngang bằng với Phật. Thế nhưng, có tập khí từ vô thỉ nên phải nhờ sự đối trị. Việc ấy đã khiến cho thuận theo tự tánh để khởi diệu dụng, như người ăn cơm không phải một búng liền no”. Quy Sơn nói rằng: “Người sơ tâm cầu đạo bồ đề phải từ các duyên để đốn ngộ lý tánh của chính mình. Tuy nhiên, còn có tập khí lâu xa từ vô thỉ, chưa thể nào tẩy sạch ngay tức khắc được. Phải dạy họ quét sạch hiện nghiệp lưu thức tức là phải tu tập chứ không có một pháp nào khác, phải dạy họ có ý chí hướng về việc tu hành”. Nếu bàn luận đến chỗ vì người của các vị tổ sư thì như vách đá cheo leo muôn nhẫn, như trong đống lửa lớn chạm đến liền phỏng, như rừng gươm bén nhọn đụng tới liền đứt; chưa từng mở miệng mà đã cách xa ngàn muôn dặm, đến ngoài cơ duyên. Nói một cách xác thực thì chưa từng dứt tuyệt giai cấp, chưa từng bỏ việc tu hành. Truyền đăng lục nói rõ ràng và đầy đủ những điều này. Các thiền sư Đại Tuệ, Trung Phong nói giáo rất khẩn thiết, là tấm lòng son khuyên bảo và khích lệ. Ngài e rằng những người mắc kẹt vào sự hiểu biết rỗng không thì rơi vào việc của ma. Các Ngài ấy đâu từng nói rằng, sau một khi tỏ ngộ không cần dụng công tu tập, liền ngang bằng với bậc Lưỡng Túc Tôn đắc quả niết bàn tối hậu.
Đời sau có người không biết được ý của giáo, không hiểu được cơ của tổ, lại chấp chặt vào các lời quát Phật, mắng tổ, các câu hiểm hóc vỡ mật kinh hồn cho là hành trì. Người xưa bị che lấp bởi kinh, luận vẫn là ăn tạp các thứ lúa , gạo, không thể nào tiêu hóa được. Người sau này ghi nhớ no nê những câu nói của Thiền tông rồi bài nhân, bác quả, vượt quá thân phận của mình. Ngày hôm nay lấy đại hoàng, bã đậu (vị thuốc xổ cực mạnh) cho là trà, cơm. Không chỉ chính mình đã sai lầm mà còn gieo rắc điều sai lầm cho người khác, thật không có gì tồi tệ hơn ! Vì thế, khi vừa bước vào cửa này, họ liền khinh khi đức Như Lai khắp cả mười phương, họ đều tự nói: “ Không có Phật để thành, không hạnh để tu”. Thấy người niệm Phật thì nói: “Tự tánh là Phật”. Thấy người tu Tịnh Độ thì bảo: “Ngay nơi tâm tức là Tịnh Độ”. Nói đến tham thiền thì tôn kính trên chín tầng trời, nói đến niệm Phật thì chà đạp dưới chín lớp đất. Họ hoàn toàn không suy xét rằng, tham thiền, niệm Phật rốt cuộc là tháo tung ngục tù sinh tử, là chiếc cầu để bước qua biển khổ kinh khiếp, là chiếc bè báu để vượt qua thế giới hữu vi sinh diệt. Tất cả đều cùng một nhà, đâu có hơn kém. Trong môn tham thiền, sự tỏ ngộ của các hành giả cũng có cạn, sâu. Còn sự tu tập của các vị niệm Phật cũng có cao, thấp, bất đồng. Tại sao lại chấp chặt rằng người tham thiền là căn cơ bậc thượng, người niệm Phật lại là căn cơ trung, hạ ? Từ khi Đạt Ma từ Ấn Độ đến thành lập Tông môn này, Ngài đã huyền ký: “Hai trăm năm sau, người hiểu đạo thì nhiều nhưng người thực hành đạo thì ít; người nói lý thì nhiều nhưng người thông hiểu lý thì ít”. Hiện nay, trong Truyền đăng lục ghi lại người ngộ nhiều như mè, như lúa, nhưng kỳ thực có nhiều trình độ khác nhau; đến như người có duyên bát nhã rất sâu, căn lành vun trồng đời trước, như chim ca lăng tần già phá vỡ vỏ trứng để chui ra, như con voi chúa rẽ dòng nước để vượt qua; hoặc thấy căn cơ qua một vài lời, hoặc hiển hiện oai phong qua một tiếng hét, một nghe ngàn ngộ, được đại tổng trì, hoặc ôm ấp tâm niệm xuất thế, đầy đủ chí khí của bậc đại trượng phu, buông bỏ thế tình để tham cứu việc lớn này, không dựa vào sự hiểu biết nhỏ mà chỉ cầu trí Phật. Nằm gai nếm mật, uống lạnh nuốt đắng trải qua thời gian ba mươi năm, bốn mươi năm gian khổ, họ gặp được minh sư thống thiết cho một dùi, một trát, giúp cho tâm hướng ngoại của họ chết tuyệt thì đóa hoa của tâm linh bừng nở. Sau đó lại phải kín đáo tu hành, tập khí từ từ tan rã. Kiến giải về pháp còn phải buông bỏ, huống chi kiến giải phi pháp, như Triệu Châu chỉ trừ hai thời cơm cháo mới khởi tâm động niệm, Dũng Tuyền dụng công tu tập suốt bốn mươi năm mà tâm còn rong ruổi, Hương Lâm hạ thủ công phu suốt bốn mươi năm mới nhồi thành một khối. Hành giả vốn chăm chăm cẩn trọng như giữ đầu mắt của mình cho đến khi khói tan, tro lạnh rồi thì tự nhiên một niệm không sinh, nghiệp không thể buộc, tùy ý tự tại đối với sinh tử. Hỏi đến chỗ chứng đắc của họ thì e rằng cũng chưa thể vượt qua địa vị thượng phẩm thượng sinh. Căn cứ vào đâu mà dám nói như thế ? Bồ Tát Long Thọ là tổ khai sáng của Thiền tông. Ngài được đại trí tuệ, đầy đủ đại biện tài, trụ trì Phật pháp, cho nên trước đó vài trăm năm, ở trên hội Lăng Già, Thế Tôn đã thọ ký nhưng chỉ nói rằng: “Chứng sơ hoan hỷ địa được vãng sinh về nước An Lạc mà thôi”. Và, Quán kinh ghi: “Hành giả sinh về cõi kia ở địa vị thượng phẩm thượng sinh, khoảng một giây phút chứng quả sơ địa”.
Các đại tổ sư của Tông môn ngày nay giả sử kiến giải buông lìa được ngũ cái và thập triền, ngôn ngữ tuôn phát vượt khỏi khuôn sáo thì cũng đâu có thể tức khắc vượt qua Long Thọ. Long Thọ đã ngộ cái nghĩa vô sinh vô tướng, đã đủ kiến giải không rơi vào giai cấp mà còn sinh về An Dưỡng, chính là ngang với quả của bậc thượng phẩm thượng sinh chứng. Thế thì, sự chứng đắc của các vị trong Thiền môn đâu có ai có thể vượt qua Long Thọ. Bởi vì bậc thượng phẩm thượng sinh giải đệ nhất nghĩa ngang với bậc tỏ ngộ trong Thiền tông. Tin sâu nguyên lý nhân quả cũng ngang với sự tu tập trong Thiền tông, song chỉ khác biệt với niệm Phật vãng sinh mà thôi. Nhưng, tôi cho rằng người tu tập tỏ ngộ trong Thiền môn đã không thể bám víu vào cái niết bàn vô dư đồng với Như Lai, cũng không chịu bám víu vào cái niết bàn hữu dư đồng với nhị thừa. Dĩ nhiên là bước vào biển hạnh nguyện của Phổ Hiền. Các vị này nếu không buông bỏ một thân , nhận lấy một thân để tế độ chúng sinh thì sẽ từ một cõi này đến một cõi khác để cúng dường các đức Phật. Đã thấy các đức Phật thì cũng như được vãng sinh, rốt cuộc cũng dự vào địa vị thượng phẩm thượng sinh. Do đó, Thiền, Tịnh cũng ngang nhau. Vì lẽ gì lại coi trọng tổ sư mà khinh chê bạn tu Tịnh Độ ?
Hoặc có người đã vào cửa ngộ nhưng mà ngưng nghỉ quá sớm, cho nên trí không vào chỗ sâu xa vi diệu thì đạo cả khó thắng nổi thói quen. Một niệm không dứt sạch là cội nguồn của sinh tử, là bị luồng gió nghiệp thổi dạt, đâm đầu vào bào thai, như Ngũ Tổ Giới tái sinh thành Đông Pha, Thanh Thảo Đường đời sau làm Lỗ Công. Sau khi bỏ thân cũ thọ thân mới, họ sẽ bị lưu chuyển theo từng tình huống. Đạo có tiêu vong mà không có lớn mạnh. Nghiệp có tăng thêm mà không có giảm bớt. Dù cho duyên bát nhã rất sâu, không rơi vào ba đường dữ nhưng mà họ ra khỏi bào thai này đâm đầu vào bào thai khác cũng rất đắng cay ngậm ngùi. So lại thấy các vị vãng sinh trung phẩm, hạ phẩm thì đã cách xa như vực thẳm, trời cao. Sự hơn kém ấy không thể nào ví dụ được. Huống chi tông phong đời sau mỗi ngày mỗi suy vi, năng lực tu tập của con người mỗi ngày mỗi yếu kém. Sự phát tâm phần nhiều không chân thật, công phu cũng không thuần nhất. Ngẫu nhiên, đối với cơ phong của Phật tổ, ngữ ngôn của thiện tri thức, hoặc họ ngộ được chỗ xưa nay thành Phật. Ngay chỗ ấy chính là chỗ mà ý thức bất lực không đạt đến được, ngôn ngữ đuổi bắt không kịp. Tất cả đều không thể nắm lấy. Ngay cái không thể nắm lấy cũng là chỗ không thể nắm lấy. Đem các câu nói của người xưa ra tìm hiểu, họ đều thấy tương tự. Đã được cái kiến giải tương tự này, họ liền nói rằng tâm tìm cầu đã hết, ta là đạo nhân vô sự; biết được phiền não như mộng huyễn mà mặc tình phóng túng phiền não; biết được tu hành vốn không mà mặc tình phá hoại sự tu hành. Nói bố thí vốn không mà thực hành ngược lại, ôm lấy sự keo kiệt. Nói nhẫn nhục vốn không mà trái lại còn cho phép bỏ phế sự nhẫn nhục. Nói đến giới thì bảo rằng vốn không trì, phạm, cần gì phải tôn trọng sự trì giới, xem thường sự phạm giới? Nói đến thiền thì bảo rằng vốn không định, loạn, cần gì xả bỏ loạn tưởng, giữ lấy định tĩnh ? Họ mặc tình giẫm đạp trên có mà lếu láo nói không. Đã nói rằng:
– Pháp còn phải buông bỏ, tại sao giữ lấy phi pháp?
– Chân cũng không cầu, sao lại bỏ chân cầu vọng ?
– Tu quán, tập định đều thuộc về dấu vết hữu vi, sao chỉ tham danh cầu lợi mới riêng hợp với đạo vô vi?
Ngọn lửa yêu, ghét, khen, chê vừa đụng đến liền bốc cao. Ngọn gió sinh, già, bệnh, chết vừa thổi phớt qua đã lay động. Tranh nhân, tranh ngã, nói phải, nói quấy đến nỗi họ cho tánh nóng nảy bừng bừng là khí phách, cho ngã mạn là đủ bản lĩnh, cho gian dối là huyền cơ diệu dụng, cho lời nói dối là phương tiện, cho phóng túng là du hí tam muội, cho lời nói thô tục là cởi mở sự dính mắc. Tán dương người phá giới, vô hạnh, khinh khi người gương mẫu chuẩn mực. Chỉ thiên chấp lý nên cho rằng chỗ cùng huyền tột diệu không còn dấu vết rồi quét sạch pháp môn tu hành. Cho nên, họ tùy ý phóng túng, không gìn quy củ. Miệng nói vãng sinh là pháp tiểu thừa, bảo người tu tập, còn chính mình lại an nhàn, hoặc quanh năm không lạy một đức Phật, quanh năm không lễ một thời sám, quanh năm không đọc một câu kinh . Trở lại xem sách vở không bổ ích gì của thế gian. Làm những việc mà người hành đạo không nên làm, làm gương xấu cho bọn hậu sinh chuyên khoe khoang sự thông minh, chỉ tìm kiếm sự hiểu biết. Vừa biết được điều gì, họ lập tức cho là vượt thoát cảnh giới mê, nhảy thẳng vào cảnh giới giác ngộ, không còn có việc gì nữa, rồi tùy tiện kiêu căng, phách lối làm liều; miệng nói năng không lựa lời, thân không có nết hạnh. Cha đã đền trả mà con lại còn làm nghề cướp giật; viết chữ ô thành chữ mã, truyền cho nhau những điều sai lầm, không nhớ nghĩ rằng tình dục trong thế gian không có bờ mé như con đê bị ngập tràn. Nếu như một ngày nào đó vì nói cho sướng miệng mà phá vỡ cửa nhân quả, đập bỏ bức tường ngăn chặn thì giặc sẽ tràn vào. Chính mình đã mê lầm mà còn gieo rắc điều mê lầm cho người khác. Làm sao tránh khỏi trầm luân đọa lạc ! Họ nếu không bị ma tóm bắt thì chắc chắn cũng sẽ vĩnh viễn rơi vào ba đường dữ. Núi đao, rừng kiếm đền trả cái nhân trước kia. Mang lông, đội sừng trả lại món nợ cũ. Vì vậy, đừng bao giờ nói: “Ta là người tỏ ngộ, nghiệp không thể buộc”. Nghiệp không thể buộc không phải nghĩa là có mà không có. Chính là vì không mà tự không. Lúc sống đã bị động theo cảnh thì khi chết làm sao tránh khỏi sức mạnh của nghiệp lôi kéo mà cam chịu tái sinh ? Trước mắt, một niệm sân hận khởi lên tức là mang hình hài quái dị của con trăn. Trước mắt, một niệm tham lam khởi lên tức là loài ngạ quỉ. Cái nhân khởi niệm vô hình rất nhỏ, nhưng mà cái quả báo hữu hình rất lớn. Một niệm rất nhỏ được giữ lại ở mảnh đất tạng thức, trải qua ngàn muôn kiếp, không bao giờ mất đi, như một thầy tỳ kheo do có trí tuệ nên thân tỏa ra ánh sáng, nhưng vì nói dối nên miệng tuôn ra dòi bọ. Chỉ một lời nói nhỏ nhặt mà thân phận cam chịu quả dữ khốc liệt như thế. Tuy có trí tuệ nhưng nghiệp ác không bao giờ tiêu tan. Huống chi ngày nay, con người vô minh, phiền não mạnh mẽ, không dứt hết dục vọng mà muốn đem cái kiến giải tương tự để làm tiêu mòn nghiệp ác, ra khỏi ba đường dữ thì hẳn là không thể nào được ! Ví như những người ấy không chấp được chút ít cho là đủ, mà thường theo đúng lời Phật dạy tu hành, không bao giờ tự bảo rằng: “Ta đã tỏ ngộ, ngay nơi tâm tức là Phật” thì đâu thể lại bằng người trung căn, hạ căn niệm Phật cầu sinh về Tịnh Độ ? Nếu tỏ ngộ sinh vốn vô sinh thì những người ấy càng mạnh mẽ cầu sinh về Tịnh Độ. Ngay nơi tâm tức là cõi nước thì Liên Bang không phải ở ngoài tâm. Không bỏ việc lễ lạy, không buông lơi tụng niệm, vận dụng cả hai năng lực trí tuệ và tu tập để tiến lên thì họ sẽ ngồi trên đài sen thượng phẩm, ngồi trên lầu báu lơ lửng giữa hư không; buổi sáng ăn cơm thơm ở cõi Phật Hương Tích; buổi chiều tham quan cõi Phật Mãn Nguyệt; nhìn lại những người ở phẩm vị thai sinh đi thong thả trên đất báu, không được nghe pháp ngữ, không được thấy pháp thân còn giống như voi, ngựa khó hợp bầy; gà, phượng khác loại, huống chi cái quả nhỏ của cõi trời, cõi người như con ruồi, con muỗi ở trong cái hũ.
Thế nhưng, lại có người kiến giải rỗng không mà tâm lý kiêu căng, chấp không mà phá có. Rốt cuộc do vì cái kiến giải sai lầm chỉ chấp một bên mà phải chịu quả báo phi thường. Những người ấy không chịu làm con của A Di Đà mà lại làm tù phạm của Diêm La, không làm bạn với chúng thanh tịnh lại làm đồng bọn với ngục tốt ở địa ngục, bỏ rừng cây bằng bảy chất liệu quí báu mà đi vào rừng kiếm, bỏ phạm âm thuyết pháp mà nghe tiếng gào khóc hết sức bi thảm. Kiểm điểm lại thì thấy họ không bằng với người quê mùa dốt nát ở thế gian làm việc lành chút ít, làm công đức chút ít được vãng sinh vào cõi người, cõi trời v.v …Do đó, xê xích một đường tơ kẽ tóc thì đã cách xa nhau như trời, đất, có thể không đau xót lắm sao ?
Vậy thì, đối với người trong Tông môn , bậc thượng căn chưa chắc đã vượt qua địa vị thượng phẩm thượng sinh mà bậc hạ căn thì rơi vào ba đường dữ. Vì thế, nên biết, con đường này vô cùng gian nan, nguy hiểm, chưa dễ gì vượt qua; thành công thì làm Phật, thất bại thì làm ma. Vua và giặc phân chia trong khoảnh khắc, khanh tướng và đồ tể sai khác ở kẽ tóc đường tơ. Phần vui, phần khổ hãy mau mau lựa chọn ! Huống chi thế hệ ngày nay, cửa ngộ như sợi dây một mạch không đứt, nhưng trong cửa thiền thì vắng vẻ không có người chứng ngộ, chỉ có vài ba cư sĩ tại gia có cơ may được truyền thừa pháp này. Thế nhưng đã là cư sĩ, không đồng với các vị sa môn Thích tử còn có giới luật buộc thân mới có thể dấn thân trong đống lửa lớn, dìm tâm trong biển cả phiền não. Tuy ở trong đời làm các việc thế gian nhưng hiếm có được một người vào cửa giải thoát, vì đạo lực rất cạn, nghiệp lực rất sâu. Ngay cả cái nghiệp rất thô trọng không chi bằng nghiệp sát, dâm, họ còn không thể gìn giữ không làm; huống chi trong cái vòng lẩn quẩn của sinh tử luân hồi vi tế kia, làm sao có thể được an nhiên tự tại ? Chỉ thấy những người giàu có sang cả như Vu Địch, gian ác như Lữ Huệ Khanh, nóng vội như Trương Thiên Giác, phong lưu trẻ đẹp như Bạch Lạc Thiên, Tô Tử Chiêm, … đều được liệt vào Truyền đăng mà bèn cho rằng tất cả các vị ấy đều vô ngại, mà đâu biết rằng họ tuy có đầy đủ chánh kiến nhưng nếu nói họ từ đây không còn mang cái thân sinh tử phần đoạn, nghiệp không thể buộc thì tôi không dám chấp nhận. Họ đang ở trong đêm dài chịu quả báo, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Vì thế, nên biết, một pháp môn Niệm Phật này đối với cư sĩ thì càng khẩn thiết. Sức của nghiệp tuy nặng nhưng mà ngưỡng nhờ năng lực của Phật mới tránh khỏi chìm đắm trong biển sinh tử, như người mắc nợ trốn ở cung vua thì khỏi phải bồi thường. Cũng vậy, một khi hành giả sinh về cõi nước Phật thì những điều đã hiểu, những điều đã ngộ từ trước đến nay đều không bị tiêu mất. Lẽ sinh tử thúc giục con người, hơi thở ra rồi khó mong bảo đảm. Hãy sớm tìm con đường trở về để khỏi phải đến nỗi lâm vào tình trạng bấn loạn ! Giả sử ý chí hành giả ưa thích tham thiền lại niệm Phật thêm cũng không có gì chướng ngại. Người thế gian làm quan chức, làm các ngành nghề còn cho rằng không có gì trở ngại tham thiền, huống chi sớm hôm lễ lạy, tụng niệm. Hơn nữa, nhờ niệm Phật khẩn thiết càng làm tỉnh sáng cái tâm tham thiền. Nhờ thấu suốt môn tham thiền thì niềm tin về Tịnh Độ càng thêm vững chắc. Do đó, hành giả nương nhờ cả hai bên thì rất yên ổn. Nếu không tin điều này thì thật là ngu si.
Lúc còn trẻ, cư sĩ Thạch Đầu ưa thích tham thiền, căn tánh rất linh lợi, trong mười năm trời thấu suốt có chỗ vào. Cơ phong linh lợi, sắc bén; ngôn ngữ lưu loát vô ngại. Bình thường bàn luận với người đến việc này thì hạ bút có cả ngàn lời, không đạp nhằm câu nói của tổ sư, trực tiếp từ hông ngực lưu xuất. Thật là con cọp sống, con rồng sống, không có một lời nói chết. Cuối cùng cũng tự nói rằng tỏ ngộ, không còn việc gì để làm nữa. Tình đời tuy giảm bớt, không vào trần lao nhưng cư sĩ còn hưởng ngoạn gió mát trăng thanh, tham quan sông núi, lưu luyến cuộc văn thơ, rượu chè, chìm vào cái nghiệp say sưa tao nhã. Vì kiêu ngạo, ngông cuồng nên tâm ý chưa tránh khỏi sự phóng túng. Cái bệnh trước kia chưa thể nào hoàn toàn thoát khỏi. May thay ! Cư sĩ có tấm lòng tha thiết đối với vấn đề sinh tử, không bị mê muội lâu dài, thống thiết nghĩ rằng, gặp cảnh thì sinh tâm, tiếp xúc với các đối tượng vật lý, tâm lý, sinh lý còn bị vướng mắc, kiến giải phù phiếm chưa thắng nổi thức tình. Nếu giải ngộ mà không tu tập thì rơi vào cảnh ma. Ranh giới giữa Phật và ma chỉ trong khoảnh khắc. Cư sĩ mới bắt đầu chuyển cái kiến chấp không vào biển của Phổ Hiền. Lại suy nghĩ rằng, trong các pháp môn tu hành không có pháp nào bằng Niệm Phật, rồi tạm dẫn mối nghi ngờ của những người trung căn, hạ căn chưa phá hết. Về sau xem rộng các kinh luận mới biết pháp môn này vốn tóm thu cả bậc tỏ ngộ nhất thừa và người chưa tỏ ngộ. Hết thảy mọi người đều phải tu tập. Trong bộ luận này chọn lấy những điều của Phật đã tuyên dương, những điều của bồ tát đã nói rõ, những điều của các đại thiện tri thức đã phát huy và thêm vào ý của mình. Ngàn lượn sóng đua nổi dậy chia ra khắp muôn nhánh sông, thật ra xét kỹ thì đều cùng nhau chung một nguồn. Bộ luận này lấy đệ nhất nghĩa không thể nghĩ bàn làm tông, lấy tỏ ngộ làm bậc thầy chỉ đường vạch lối. Trong mười hai thời lấy trì danh niệm Phật, nhất tâm bất loạn, niệm niệm nối nhau liên tục làm sự hành trì, lấy lục độ vạn hạnh làm trợ nhân, lấy niềm tin thâm sâu nguyên lý nhân quả làm cửa ngõ bước vào. Khi bộ luận này vừa mới hoàn thành, có năm bạn tu thiền phát tâm trì giới, niệm Phật. Năm người ấy đều muốn truyền bá bộ luận này để quét sạch sự sai lầm của Tông giáo.
Hương Quang Tử tôi kiến thức hẹp hòi, căn cơ kém cỏi; từ lâu cũng say mê cái kiến chấp về không, tâm tư mặc tình buông thả như con voi điên cuồng. Năm ngoái, một đêm nọ đang chìm trong giấc ngủ, bỗng tôi nằm mộng thấy đi đến địa ngục Cách Tử. Địa ngục này lửa cháy ngùn ngụt, tôi trông thấy vị tăng quen thuộc đã qua đời. Lúc sinh tiền, ông ta hay bàn luận về lý không, phá giới. Hình hài gầy gò yếu đuối, què chân đang khập khiễng bước qua, tiếng gào khóc chấn động cả trời đất, nghe qua thật bất nhẫn ! Đến khi giật mình tỉnh dậy, lông trên toàn thân dựng đứng, tôi liền phát tâm nương về pháp môn Tịnh Độ. Sau khi đọc bộ luận này, những điều nghi ngờ xưa kia đều tiêu tan hết. Cho nên, ngày nay không ngại lắm lời như người bệnh lâu năm tự biết làm thầy thuốc, như kẻ tha phương biết thương người lưu lạc. Ông hãy quét sạch cái kiến chấp trước kia đi ! Phải khiêm tốn tụng tập thì tự nhiên sẽ có chỗ vào. Việc sinh tử thì vô cùng lớn lao, đừng nên chần chờ nữa !
Lúc ấy, thiền nhân vừa buồn thương, vừa rơi nước mắt, tự nói rằng:
– Nếu không gặp được Ngài thì có lẽ tôi đã bị cái kiến chấp không làm hỏng một đời. Ngài đã sinh ra tôi một lần nữa vậy.
Thiền nhân tha thiết xin thỉnh bộ luận ở trên bàn rồi làm lễ cáo lui.
Ngày hai mươi ba, tháng thứ hai của mùa xuân
Canh Tý, niên hiệu Vạn Lịch thứ 42 (1573).
Đời vua Thần Tông, nhà Minh,
Bá Tu Viên Tông Đạo ghi ở Bạch Tô Trai.
Người chấp vào hình tướng , mê muội bản tâm thì mắc cái lỗi hữu vi. Kẻ chấp không, phá có, phóng túng buông lung thì sinh ra tai họa hiểm nghèo. Tổ Đạt Ma vì cứu người chấp tướng nên nói tội phước đều không. Ngài Vĩnh Minh vì phá sự si mê của kẻ trí tuệ ngông cuồng nên nói tất cả đều qui về muôn điều thiện như người sử dụng nước để dập tắt ngọn lửa, nếu nước tràn trề thì mắc cái nạn đắm chìm. Cỏ cây nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời nên được sum suê xanh tốt, nhưng nếu tiết trời gay gắt thì cỏ cây sẽ bị khô héo, lụi tàn. Giáo pháp của Như Lai cũng theo đây suy ra mà biết. Từ khi có năm tông phái thiền đến nay, sự đơn truyền thì hưng thịnh. Đến ngày nay, những kẻ ngông cuồng đến nỗi lầm lẫn cho rằng duy tâm đồng với thuyết vô vi của ngoại đạo, họ chấp chặt lời nói ấy cho là đúng. Do đó, họ hướng đến chỗ ma ngũ dục, không nghĩ đến việc ngài A Nan chưa đắc tận thông bị đầu đà Ca Diếp tẩn xuất trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Ma Đạt chỉ mang kiết sử vi tế còn bị Tôn giả quở trách. Tập khí dù còn mỏng như cánh con ve thì bảo sở vẫn còn xa tít mù khơi. Huống chi những kẻ tiêm nhiễm nhơ bẩn nhiều như gò đất, núi cao thì niềm vui thanh tịnh từ đâu mà thành tựu ?
Kinh Lăng già được truyền từ Đạt Ma chủ trương ngộ và tu đều được chú trọng. Thanh quy bắt đầu từ Bách Trượng chủ trương thực hiện cả việc ngộ thiền và trì giới. Tôi chưa từng nghe nói cương tông của nhất thừa cười chê việc giữ giới thanh tịnh; con cháu nhà thiền còn tham luyến việc đời.
Thuở xưa có một đạo sĩ đi ban đêm bị con quỉ dẫn vào mộ địa. Người nông phu thấy vậy dắt đạo sĩ vào nhà, rưới nước vào mặt cho tỉnh lại. Khi từ biệt, đạo sĩ nói với người nông phu rằng: “Tôi mang ân chủ nhân nhưng không biết lấy gì để trả, chỉ có hai lá bùa trừ quỉ, xin chủ nhân nhận lấy để gọi là sự đền ơn”. Ai nghe qua cũng tức cười. Người học ngày nay tham lam, giận dữ, tà kiến mạnh mẽ như ngọn lửa hung tàn mà muốn cởi mở sự trói buộc cho người khác. Sao lại mê lầm đến thế ! Tôi học đạo suốt mười năm cũng mang cái bệnh ngông cuồng này. Về sau may nhờ gặp cơ hội nên tạm có sự tỉnh ngộ, bèn quét sạch trần lao mà hướng tâm về Tịnh Độ. Ngoài thời khoá lễ tụng, nhân lúc rảnh rỗi, tôi lấy các bộ luận của các ngài Long Thọ, Thiên Thai, Trưởng Giả, Vĩnh Minh… chú tâm xem qua kỹ lưỡng, bỗng nhiên nghi ngờ tiêu tan, liền tin sâu pháp môn Tịnh Độ. Lại tỏ ngộ các hạnh sai biệt của các đại bồ tát như kẻ nghèo được kho vàng, vui mừng khôn xiết. Hoà Thượng Ngu Am và cư sĩ Bình Sảnh muốn tôi sưu tập các bộ luận nói về Tây Phương. Tôi bèn thuật lại những lời nói cốt yếu của cổ đức và phụ thêm kiến giải của mình, viết thành một tập sách lấy nhan đề là Tây Phương hiệp luận.
Tôi bắt đầu viết vào ngày 23 tháng 10 năm Kỷ Hợi (1594), đến ngày 22 tháng 12 thì hoàn tất. Chưa được mấy ai góp ý sửa chữa, ắt hẳn còn nhiều chỗ sơ sót, nhưng vì muốn làm phương tiện cho người sơ tâm nên rất mong được sự chỉ bảo của các bậc thiện tri thức.
Thể theo người xưa, tôi chia ra đại khái mười chương:
1. Cõi nước.
2. Duyên khởi.
3. Bộ loại.
4. Giáo tướng.
5. Lý đế.
6. Xứng tánh.
7. Vãng sinh.
8. Kiến võng.
9. Tu trì.
10. Thích dị.
Chương I: CÕI NƯỚC
Pháp thân bình đẳng y báo, chánh báo đan xen lẫn nhau. Mười phương cõi Phật nhơ, sạch không có sai biệt. Chỉ vì hạnh nghiệp của chúng sinh bất đồng nên các đức Phật hóa hiện có khác nhau , hoặc nói quyền, hoặc nói thật, hoặc nói thiên, hoặc nói viên, hoặc nói tạm, hoặc nói thường, hoặc nói tiệm, hoặc nói đốn, như vầng trăng tỏa chiếu lung linh xuống muôn ngàn dòng sông thì mỗi lượn sóng nhấp nhô cũng phản chiếu một bóng trăng, như một căn phòng có muôn ngọn đèn, ánh sáng của một ngọn đèn này đều soi chiếu tất cả những ngọn đèn kia. Cũng vậy, chân lý thì chỉ có một nhưng sự tướng có đến vô vàn. Nếu không dẫn nhiều kinh văn thì chúng sinh nắm bắt qui tắc ở đâu ? Vì thế, đứng về phương diện các giáo, tôi trình bày đại khái mười môn:
Tịnh độ khắp tất cả chỗ.
Tịnh độ duy tâm.
Tịnh độ hằng chân.
Tịnh độ do biến hiện.
Tịnh độ ở cõi trời Sắc Cứu Cánh.
Tịnh độ do phân thân.
Tịnh độ dựa vào thân tha thọ dụng.
Tịnh độ ở các phương.
Chỉ một tâm này có đủ bốn cõi tịnh độ.
Tịnh độ tiếp nhận tất cả loài hữu tình khắp mười phương không thể nghĩ bàn.
1/ Tịnh độ khắp tất cả chỗ
Tịnh độ khắp tất cả chỗ tức là cõi nước bản báo của các đức Phật. Tịnh độ này có mười thế giới Hoa Tạng. Thế giới cuối cùng của Hoa Tạng nào cũng đều có mười cõi rộng lớn như số vi trần thế giới Phật thanh tịnh, trang nghiêm; mỗi cõi rộng lớn này lại có các cõi nhỏ như số vi trần thế giới Phật bao quanh, mỗi lớp càng tăng lên gấp bội. Mỗi thế giới Hoa Tạng đều đầy cả hư không, xen lẫn vào nhau, dung hợp nhơ sạch trùng trùng vô tận. Nếu như pháp mà bàn luận thì một ngọn cỏ, một cội cây, một mảy lông, một mảy bụi, mỗi mỗi đều đầy đủ cả pháp giới vô tận này. Phật và chúng sinh không hai, không khác. Hoặc có người nói đây là Thật báo trang nghiêm của chúng sinh ở cõi Cực Lạc, là thật giáo không đồng với quyền giáo cầu sinh về tịnh độ ở phương khác. Hoặc nói rằng, chúng sinh tuy đủ Thật báo này nhưng ngặt vì không thể tự chứng chân như vô tánh, nên mãi ở trong đêm dài không thấy được mặt trời, lăn lóc trong biển khổ mênh mông, không biết đến bao giờ mới đến bờ. Tuy nói rằng ở địa ngục khởi tâm diệu giác thì quả Phật hiện bày ở cõi địa ngục, nhưng mà giường sắt, cột đồng ở trước mắt thì sao? Như ngạ quỉ chết khát ở ven biển, như người nghèo đếm tiền ở hang vàng. Chỉ thấy cảnh tượng hư ảo kia, vì lẽ gì cho là thật ? Nếu không nhờ phương tiện từ quyền vào thật thì chúng sinh đâu có ngày chứng nhập Tỳ lô ?
Đáp: Nếu đứng về phương diện nghi thức giáo hóa của các đức Phật thì có thể được, nhưng trong cõi Thật tướng không có lời nói thừa thãi này. Tỳ lô giá na dịch là khắp tất cả chỗ. Khắp tất cả chỗ tức là biểu hiện nghĩa Vô Lượng Thọ. Do đó, Tỳ lô giá na đâu có hơn kém. Như Lai vì một số phàm phu chấp chặt vào hình tướng nên nói có A Di Đà ở phương Tây cũng như trong kinh Đại Vân, Phật A Di Đà nói với một vị bồ tát rằng : “ Có Phật Thích Ca ở thế giới Ta Bà”. Phật Thích Ca đang làm giáo chủ thì Phật Thích Ca khắp tất cả chỗ, còn Phật A Di Đà là một chỗ của tất cả chỗ. Lại nữa, Phật A Di Đà đang làm giáo chủ thì Phật A Di Đà khắp tất cả chỗ, còn Phật Thích Ca là một chỗ trong tất cả chỗ, như một người lấy chính mình làm bản vị thì mọi người đều là người khác. Nếu lấy người khác làm bản vị thì mình là kẻ nằm trong tất cả mọi người. Vì nghĩa này cho nên tự, tha không đứng vững được. Tự, tha không đứng vững tức là tự cũng khắp tất cả chỗ, tha cũng khắp tất cả chỗ, đâu có phương khác đáng chấp. Cho nên, Tỳ lô giá na ở phương Tây không có tự, tha. Tại sao vậy ? vì Tỳ lô không thể không khắp tất cả. Nếu nói quyền, nói phương tiện thì có cái không trùm khắp. Có cái không trùm khắp thì nghĩa Tỳ lô không đứng vững được.
2/ Tịnh độ duy tâm
Ngay khi tự chứng thì bản thể vô tâm tức là tịnh độ. Kinh Duy Ma Cật nói rằng : “Này Bảo Tích ! Tâm ngay thẳng là tịnh độ của bồ tát; khi bồ tát thành Phật, chúng sinh không có tâm dối trá được sinh về nước kia. Tâm thâm sâu là tịnh độ của bồ tát; khi bồ tát thành Phật, chúng sinh công đức viên mãn được sinh về nước kia. Tâm bồ đề là tịnh độ của bồ tát; khi bồ tát thành Phật, chúng sinh tu pháp đại thừa được sinh về nước kia”. Kinh văn nói rất nhiều, ở đây không thể nào dẫn chứng hết được. Đại loại nói rằng: “Chúng sinh muốn sinh về tịnh độ thì phải thanh tịnh tâm của mình. Tùy theo tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”.
Tâm tức là tâm của cõi nước (độ). Cõi nước (độ) tức là cõi nước của tâm. Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, vì vốn tự nhiên như vậy. Lời nói này chẳng lẽ không phải là lời giải thích về Tây Phương sao? Có nhiều người chấp tâm cho rằng Tịnh Độ ở ngoài tâm khiến cho pháp môn này bị xem là thấp kém, chỉ tiếp dẫn căn cơ ngu độn. Niệm tức là tâm thì niệm Phật chẳng lẽ không phải là tịnh tâm sao? Tâm vốn bao hàm cõi nước thì Liên Bang nào phải ở ngoài tâm. Thế nên, nếu đứng về phương diện sự tướng thì Tịnh Độ không trái nghịch với lý duy tâm. Nói Tịnh Độ ở ngoài tâm thì làm trở ngại về việc độ khắp chúng sinh.
3/ Tịnh độ hằng chân
Tịnh độ hằng chân là chỉ tịnh độ trên hội Linh Sơn. Đức Phật đã chỉ dẫn bồ tát quyền giáo trong tam thừa để khiến cho những người tin mà chưa thấy, biết được tịnh độ này tuy nhơ bẩn nhưng hằng trong sạch. Tánh của nhơ bẩn vốn vắng lặng, tướng của phàm tục thường không. Vì vốn vắng lặng nên bồ tát ở chỗ nhơ uế mà tâm thường lặng lẽ. Vì thường không nên bồ tát bước vào cõi đời trần tục mà tâm thường rỗng không, chính là hiển bày nghĩa Tịnh. Chỉ vì biển chấp của chúng sinh mênh mông khó lặng, dây thức dễ buộc, cho nên nghe nói đến nghiệp vốn không thì tâm tư phóng túng mà tạo nghiệp. Nghe nói hạnh không có bản chất chân thật thì tâm ý buông thả, thực hiện những việc mờ ám. Những người này phạm vào chỗ quở trách của Vĩnh Gia, rơi vào chỗ đọa lạc của Thiện Tinh (đọa địa ngục) cho đến khi sống bị pháp luật thế gian trừng trị, đến khi chết làm quyến thuộc của ma, thường thường là như vậy.
Than ôi! muốn cho tất cả mọi người trên quả đất này đều thành bồ tát thì lời nói phải thật sự có lợi ích. Bồ tát trong thiên hạ thì ít, phàm phu thì nhiều. Vì vậy, lời nói đem lại lợi lạc cho thiên hạ thì ít mà gieo rắc tai hại cho thiên hạ thì nhiều.
4/ Tịnh độ do biến hiện
Trong kinh Pháp hoa, Phật ba lần biến hiện cõi Ta Bà thành tịnh độ, di chuyển các trời, người ở phương khác. Trong kinh Duy Ma, Thế Tôn sử dụng ngón chân ấn xuống mặt đất, lập tức ba ngàn đại thiên thế giới biến thành trăm ngàn trân bảo trang nghiêm. Đây là Như Lai tạm thời biến hiện cũng là sự tự nhiên như vậy thôi. Trí tuệ như Thu Tử (Xá Lợi Phất) đối với Tịnh Độ cũng giống như người đui mù. Chúng sinh căn cơ kém cỏi không làm sao thấy được cõi ấy. Hơn nữa, trời người bị đem để ở phương khác, vì họ hoàn toàn không có nhân duyên tiếp dẫn nên thần lực tạm hiện rồi mất, thì đâu phải là tịnh độ thường hằng; đâu bằng tịnh bang An Dưỡng thường trụ qua số
kiếp nhiều như hạt bụi, và từ phụ A Di Đà không bỏ sót người gây tạo mười điều ác ! Rõ ràng có thể biết được cõi nước hơn kém.
5/ Tịnh độ ở cõi trời Sắc Cứu Cánh
Như Lai ở cõi trời Sắc Cứu Cánh thành chánh đẳng giác thì cõi trời này trở thành tịnh độ Thật báo. Luận Khởi tín ghi: “Ở cõi trời Sắc Cứu Cánh, bồ tát thành tựu công đức viên mãn sẽ hiện thân cao lớn hơn hết thảy thế gian”.
Câu nói ấy có nghĩa là một niệm tương ứng với tuệ thì tức khắc quét sạch bóng tối vô minh, mệnh danh là nhất thiết chủng trí, tự nhiên có nghiệp dụng không thể nghĩ bàn, có thể hiện thân khắp cả mười phương để làm lợi ích cho chúng sinh. Hòa thượng Pháp Tạng nói: “Tại sao báo thân thọ dụng của bồ tát lại trụ ở cõi trời này? Vì mười địa thọ báo thân làm mười vua trời, địa thứ mười thọ thân vua cõi trời này, tức là ngay thân này thị hiện thành bồ đề”. Vị trời này tuy nói là vô lậu nhưng vẫn chưa bằng người ở Liên Bang ra khỏi ba cõi. Tại sao vậy? Vì còn ở cõi trời Sắc Cứu Cánh.
6/ Tịnh độ do phân thân
Kinh Niết bàn ghi: “Phật bảo Cao Quý Đức Vương: Thiện nam tử ! Về hướng Tây cách thế giới Ta Bà này khoảng ba mươi hai cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng, có thế giới mệnh danh là Vô Thắng giống như thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Ta ở thế giới ấy xuất hiện ở đời để giáo hóa chúng sinh và Ta cũng đang ở thế giới này vận hành bánh xe pháp”.
Lại nữa, kinh Ương Quật ghi:“ Phật nói với Ương Quật rằng:
– Ta cư trú ở bờ mé vô sinh mà ông không biết.
Ương Quật hỏi:
– Nếu cư trú ở bờ mé vô sinh thì tại sao Thế Tôn hạ sinh ở cõi này?
Thế Tôn đáp:
– Có Phật ở phương Đông, ông hãy đến hỏi Phật kia.
Ương Quật đến hỏi, Phật kia đáp:
– Phật Thích Ca chính là thân ta”.
Đại ý lời trích dẫn trên nói rằng tịnh độ kia là cõi Thật báo của Phật, còn cõi này là cõi Phật phân thân. Tuy làm sáng tỏ cảnh giới y báo của một Phật, nhưng chưa đủ nghĩa nhiếp phục để giáo hóa chúng sinh. Bởi vì chỉ có phần của Phật mà chưa có phần của chúng sinh, cho nên tịnh độ ấy chưa thù thắng.
7/ Tịnh độ dựa vào thân tha thọ dụng
Kinh Phạm Võng ghi: “Hôm nay, ta là Lô xá na ngồi trên đài sen xung quanh có ngàn cánh hoa. Trên ngàn cánh hoa hiện ngàn Phật Thích Ca. Mỗi cánh hoa lại có trăm ức cõi nước, mỗi cõi nước có một Phật Thích Ca…” Vì các vị sơ địa có khả năng biến hiện trăm cõi Phật, nên hoa có trăm cánh. Nhị địa có khả năng biến hiện ngàn cõi Phật, nên hoa có ngàn cánh. Tam địa, hoa có vạn cánh. Tứ địa, hoa có ức cánh. Cứ thế tăng lên gấp bội. Vì vậy, dựa vào thân tha thọ dụng mà hiện bày cảnh giới của y báo, chỉ có các bậc nhập vào những địa này mới thấy, chứ không phải như trên hội Liên Trì, chúng sinh niệm Phật được mười niệm liền thấy cảnh giới Phật thanh tịnh trang nghiêm.
8/ Tịnh độ ở các phương
Tại phương Đông có Phật Dược Sư, tại phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, tại phương Thượng có Phật Hương Tích, vị Phật nào cũng đều có tịnh độ.
Các kinh nói rất nhiều về tịnh độ của các đức Phật đều là Thật báo trang nghiêm. Ở đây không thể nào ghi đầy đủ được. Trong kinh, hoặc có khi Phật vận dụng thần lực tạm thời hiện ra, hoặc có khi các đại bồ tát đến cúng dường các đức Phật. Vì các đức Phật kia chưa có thệ nguyện tiếp dẫn chúng sinh, cho nên chúng sinh không có nhân duyên sinh về các cõi ấy, chẳng hạn như thế giới Diệu Hỷ, Phật Thích Ca tuy có nói đến vãng sinh nhưng chưa nghe nói đến Phật Vô Động (ở thế giới Diệu Hỷ) tiếp dẫn tất cả chúng sinh. Hơn nữa, thế giới Diệu Hỷ có các núi như núi Thiết Di, núi Tu Di và có quỉ thần, phụ nữ. Vì thế, nên biết, thế giới Diệu Hỷ thanh tịnh trang nghiêm không bằng An Dưỡng.
Lại như Dược Sư Như Lai dùng mười hai lời đại nguyện để cứu vớt chúng sinh, trong kinh Phật cũng khuyên người có niềm tin nên sinh về nước kia. Xét cho cùng, năng lực thệ nguyện của Dược Sư Như Lai phần nhiều là cởi mở tất cả nỗi khổ đau, buồn phiền để đưa chúng sinh đến chỗ an lạc tuyệt đối. Nhưng, chưa bằng A Di Đà Như Lai chỉ dùng một pháp Niệm Phật để tiếp dẫn tất cả mọi người niệm Phật vãng sinh về tịnh độ của Ngài.
9/ Chỉ một tâm này có đủ bốn cõi tịnh độ
1. Cõi Phàm thánh đồng cư.
2. Cõi Phương tiện hữu dư.
3. Cõi Thật báo vô chướng ngại.
4. Cõi Thường tịch quang.
9.1- Cõi Phàm thánh đồng cư có Đồng cư uế độ và Đồng cư tịnh độ.
– Đồng cư uế độ có phàm, có thánh ở chung với nhau. Phàm, thánh đều có hai hạng.
– Hai hạng của phàm là chúng sinh dữ, tức là chúng sinh trong bốn đường dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a tu la ) và chúng sinh thiện tức là trời, người.
– Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh. Thật thánh là các thánh nhân thuộc bốn đạo quả: bậc bích chi Phật, bậc thất địa trong thông giáo, bậc thập trụ trong biệt giáo, bậc thập tín hậu tâm trong viên giáo. Những vị này tuy dứt phần kiến tư hoặc nhưng sắc thân, quả báo vẫn còn, nên đều gọi là thật. Quyền thánh là các vị pháp thân bồ tát và diệu giác Phật cư trú ở các cõi: Phương tiện, Thật báo, Tịch quang. Vì làm lợi ích cho kẻ hữu duyên nên ứng sinh vào cõi Đồng cư. Vì tùy cơ thị hiện nên gọi là quyền.
Những bậc thánh ấy ở chung với chúng sinh trong bốn đường dữ, cho nên gọi là uế độ. Lại nữa, Đồng cư tịnh độ như trong cõi nước Cực Lạc có chúng sinh, trong cõi nước Diệu Hỷ có núi Thiết Vi, nam nữ. Vì những cõi nước này không có bốn đường dữ, nên mệnh danh là tịnh độ.
Tôi xét thấy, cõi Đồng cư uế độ đã có các vị thánh cũng có thể coi là Đồng cư Tịnh độ, như thế giới Ta Bà ở tại lớp thứ mười ba của thế giới Hoa Tạng, cũng có thể gọi thế giới Ta Bà là thế giới Hoa Tạng.
9.2 – Cõi Phương tiện hữu dư là chỗ cư trú của bậc nhị thừa và ba bậc bồ tát (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng) phá kiến tư hoặc, chứng phương tiện đạo, nhưng trần sa biệt hoặc và vô minh chưa quét sạch. Những vị này do xả bỏ thân phần đoạn mà sinh ở ngoài ba cõi nên mệnh danh là Hữu dư. Thích luận nói rằng: “Ngoài ba cõi có tịnh độ, đây là chỗ sinh về của các vị thanh văn, bích chi Phật thọ thân pháp tánh, không còn phần đoạn sinh tử”.
9.3 – Cõi Thật báo vô chướng ngại là nơi không cò nhị thừa,. chỉ thuần là bậc pháp thân bồ tát cư trú. Những vị này đã dứt hết trần sa hoặc, đang phá vỡ từng phần vô minh nên được quả báo chân thật. Nhưng vì chưa quét sạch mây mù vô minh nên còn nhuận nghiệp vô lậu, thọ báo thân pháp tánh. Tịnh độ này cũng mệnh danh là Quả báo độ. Kinh Nhân vương nói rằng: “Tam hiền, thập thánh trụ quả báo”.
Sở dĩ mệnh danh Thật báo là vì những đại sĩ ấy do quán thật tướng, phát sinh được vô lậu chân thật, thọ hưởng quả báo thù thắng, bảy chất liệu quí báu trang nghiêm, đủ cả ngũ trần tịnh diệu . Mệnh danh vô chướng ngại là vì sắc, tâm không hai; mảy lông, cõi nước dung thông không ngại. Kinh Hoa nghiêm thuyết minh thế giới nhân đà la võng chính là cảnh giới này.
9.4 – Cõi Thường tịnh quang là lý pháp giới như như được trí giác ngộ cùng tột chiếu soi, mệnh danh là cõi nước, cũng mệnh danh là pháp tánh độ. Thế nhưng, chỉ một Phật tánh chân như chứ không phải thân, không phải cõi nước (độ) mà nói là thân, là cõi nước. Lìa thân không có cõi nước, lìa cõi nước không có thân. Đây là cảnh giới mà các đức Như Lai du hóa.
Sách Diệu Tông ghi: “Kinh luận nói đến tịch quang vô tướng chính là tâm đã xóa sạch tướng nhiễm ô, chướng ngại chứ không phải như thái hư rỗng rang, không có một vật. Bởi vì ba hoặc (Kiến, tư, vô minh) thanh tịnh tuyệt đối nên y báo, chánh báo, sắc, tâm tỏ rạng vô cùng”. Đại kinh nói rằng: “Do diệt sắc ấy nên được thường sắc, thọ , tưởng, hành, thức cũng theo đây suy ra mà biết”. Kinh Nhân vương mệnh danh là ngũ ấm của pháp tánh. Đây là quả tột cùng.
SƠ ĐỒ TÓM TẮT BỐN CÕI TỊNH ĐỘ
Tuy nhiên , mười phương cõi nước tùy theo tâm tư mỗi vị mà thấy khác nhau; thất bảo, cát đá ngay đấy thấy có sai biệt. Tráp Xuyên nói rằng: “Cực Lạc có bốn cõi bất đồng. Tại sao vậy? Vì đứng về phương diện trời, người tức là hai cõi trước (cõi Phàm thánh đồng cư, cõi Phương tiện hữu dư). Đứng về phương diện Bồ tát, Phật tức là hai cõi sau (Cõi Thật báo vô chướng ngại, cõi Thường tịch quang)”. Nên biết, thân Phật cao sáu mươi vạn ức trăm triệu hằng sa do tuần cũng không ngại gì có thân một trượng sáu. Hoa Tạng hải hội vô biên cõi Phật cũng không ngại gì cõi nước có sông Ni Liên Thiền. Tại sao vậy? Vì tự nhiên như vậy, chứ không phải do thần lực biến hiện.
10/ Tịnh độ tiếp nhận tất cả hữu tình khắp cả mười phương không thể nghĩ bàn.
Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà có công đức rộng lớn như biển cả, có bi trí rộng lớn như biển cả, có nguyện lực rộng lớn như biển cả. Nếu nói đầy đủ thì giả sử trên từ các đức Phật, bồ tát, thanh văn, bích chi Phật, trời, người, ngạ quỉ, súc sinh khắp cả mười phương thế giới, dưới đến loài sâu bọ và tất cả vật vô tri như cỏ cây, ngói đá, mảy bụi cực nhỏ, mỗi mỗi đều có đầy đủ vô lượng miệng, trong mỗi miệng đều có đầy đủ vô lượng lưỡi, trong mỗi lưỡi đều có phát ra vô lượng âm thanh, nói mãi, nói nhiều, nói hăng. Nói như vậy trải qua trăm ức vạn thời kỳ vô số như cát bụi cũng không thể nào nói hết được. Bây giờ xin giải thích sơ lược qua năm nghĩa sau đây:
Thân, cõi nước không thể nghĩ bàn.
Tánh, tướng không thể nghĩ bàn.
Nhân, quả không thể nghĩ bàn.
Đến, đi không thể nghĩ bàn.
Cứu cánh không thể nghĩ bàn.
1- Thân, cõi nước không thể nghĩ bàn
Trong thân A Di Đà có vô lượng chúng sinh, trong thân chúng sinh có vô lượng A Di Đà. Cõi nước cũng đại loại như vậy. Cho nên, một chúng sinh niệm A Di Đà thì một A Di Đà hiển hiện. Nhiều chúng sinh niệm A Di Đà thì nhiều A Di Đà hiển hiện. Chúng sinh niệm A Di Đà trong mỗi niệm thì mỗi niệm A Di Đà hiển hiện. Nếu trong thân của chúng sinh không có A Di Đà thì A Di Đà không thể hiển hiện, như trong cái kính lúp dùng lấy lửa từ mặt trời không thể nào tìm được nước, vì sẵn không có. Nếu trong thân A Di Đà không có chúng sinh thì A Di Đà cũng không thể nào hiển hiện, như người đàn bà không sinh đẻ được (thạch nữ) mà mong cầu sinh con thì không bao giờ được, vì không thích hợp . Do đó, trong một thân bao hàm một thân, trong một thân bao hàm tất cả thân. Trong một cõi nước bao hàm một cõi nước, trong một cõi nước bao hàm tất cả cõi nước. Thân, cõi nước đan xen lẫn nhau trùng trùng vô tận.
2- Tánh, tướng không thể nghĩ bàn
Nếu lìa tánh mà nói tịnh độ thì tịnh độ ở ngoài tâm. Đó là huyễn hóa. Huyễn hóa là tướng đoạn diệt cho nên chúng sinh không sinh. Nếu ngay nơi tánh mà nói tịnh độ thì tánh có hình tướng. Đó là cố định. Cố định tức là không biến đổi gì hết. Vì không biến đổi, chúng sinh dù sinh mà cũng là không sinh. Vì ngay nơi tánh tức là tướng, nên không có tánh thì không có tướng; hễ còn tồn tại tức là và không phải là thì đều hỏng.
3- Nhân, quả không thể nghĩ bàn
Nhân quả không thể nghĩ bàn có hai nghĩa:
a/ Nhân trước quả sau: Như niệm Phật là nhân, thấy Phật là quả. Thấy Phật là nhân, thành Phật là quả. Thành Phật là nhân, độ chúng sinh là quả.
b/ Nhân quả không có trước sau: ngay khi niệm liền đầy đủ cả thấy Phật, thành Phật, độ chúng sinh như con người tuổi từ ba mươi đến bốn mươi thì ba mươi là nhân, bốn mươi là quả. Nhưng, từ ba mươi đến bốn mươi không có tướng gián đoạn. Nếu không có bốn mươi thì không có ba mươi. Nếu không có ba mươi thì không có bốn mươi. Vì thế, nên biết, không thể nào lìa bỏ ba mươi đến bốn mươi được. Nếu lìa bỏ ba mươi đến bốn mươi thì khoảng giữa có tướng gián đoạn, mà thân này của ta không có tướng gián đoạn. Nếu từ ba mươi đến bốn mươi thì khoảng giữa có tướng tương tục, mà thân này của ta cho đến tướng tương tục cũng không tìm được. Nhân quả niệm Phật cũng theo đây suy ra mà biết.
4. Đến, đi không thể nghĩ bàn
Nếu Phật A Di Đà do thệ nguyện mà đến cõi Ta Bà để tiếp dẫn chúng sinh, thì chúng sinh do nhớ nghĩ đến Phật mà sinh về cõi Cực Lạc. Vì vậy có đến, đi; có đến, đi tức là có con đường đi; có con đường đi tức là có khó , dễ như người gần kinh đô yết kiến vua dễ dàng, người ở xa xôi yết kiến vua khó khăn. Nếu giống như vậy thì niệm Phật cầu sinh về Tây Phương lẽ ra cũng có khó, dễ; nhưng thật ra con đưòng về Tịnh Độ đâu phải xa xôi. Kinh Bát chu tam muội ghi: “Chẳng phải đợi đến khi lâm chung mới sinh về cõi Phật, vì Phật không đến, tôi cũng không đi”. Lại nữa, tiên đức có câu: “Sinh thì quyết định sinh, đi thì thật không đi”, như dóng trống Trời, mọi người xa gần đều nghe; như bóng trăng trong nước, đi về hướng Đông thì thấy nó hiện ở hướng Đông, đi về hướng Tây thì thấy nó hiện ở hướng Tây, nhưng thật ra thì nó không có đi đâu cả.
5- Cứu cánh không thể nghĩ bàn:
Như núi non soi bóng dưới đầm nước trong, như trăm hoa nở rộ dưới nắng xuân, như nghiệp lực của chúng sinh, như ánh sáng của vầng nhật nguyệt, như các căn trong thai mẹ, như ngã trong thân, như răng cứng lưỡi mềm, như mày ngang mũi dọc.
Sỡ dĩ mười phương các đức Phật hết lòng hết dạ đối với chúng sinh là vì muốn nói về cái pháp hiếm có khó tin này mà thôi. Tuy có hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp ba ngàn đại thiên thế giới để tuyên dương, nhưng cũng chưa thể nói được trong muôn một. Khổng Tử có nói: “Đạo lý thông thường thì kẻ ngu dốt có thể biết được, nhưng nói đến chỗ vi diệu thì thánh nhân cũng không biết nổi”. Đúng thay lời này! Cho nên, vô lượng pháp môn chỉ cần lấy một pháp môn Tịnh Độ này là xâu suốt hết.