1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 4

Chương IV: GIÁO TƯỚNG

Giáo lý thâm sâu trong Đại tạng cũng như đồ vật chứa hư không. Hư không thì không có hình tướng mà đồ vật lại có hình dáng vuông, tròn. Khi trừ bỏ đồ vật rồi, thì hư không không còn bị giới hạn trong đồ vật nữa. Khi nhân duyên hết, thì giáo pháp cũng tiêu vong. Cho nên, Như Lai tùy duyên ứng hiện khắp nơi rồi cũng thể nhập chân như, niết bàn như đồ vật kia. Chuyên trì danh tướng thì xứng hợp với trí tự tại như hư không.

Thuốc không có bài thuốc cố định, chỉ cho thuốc theo từng căn bệnh. Đâu có thể nói rằng mạt ngọc, san hô là thuốc vô cùng tuyệt diệu có thể điều trị bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh. Thuốc trị hết bệnh là loại thuốc quý thì nước tiểu tức là đề hồ (thuốc hay). Còn đối với những chứng bệnh khác nhau mà chỉ dùng một loại thuốc thì phục linh, nhân sâm cũng trở thành độc dược; huống chi thuốc của y sĩ bậc nhất điều trị cho bậc tam thừa xuất thế gian, và chữa trị những bệnh ung nhọt cho phàm phu, người, trời, thanh văn v.v… Vì vậy, đứng về phương diện giáo nghĩa, tiên đức hoặc nói một, hoặc nói nhiều. Danh tướng tuy có muôn vàn khác biệt nhưng lý thú chỉ có một mà thôi. Tôi không ngại sự hiểu biết giới hạn ở tôi, dựa vào lời của các nhà hiền triết thời xưa, phân biệt các câu để làm sáng tỏ nghĩa lý nhất thừa, để khiến cho người xem qua biết được pháp môn Tịnh Độ bao hàm cả giáo pháp mà Thích Tôn đã tuyên thuyết trong một đời. Chớ để bị mê hoặc bởi những người chỉ biết qua loa về Thiền tông mà lại khinh khi giáo nghĩa.

1/ Giáo giả có.

2/ Giáo hướng về chỗ vắng lặng.

3/ Giáo hữu dư.

4/ Giáo vô dư

5/ Giáo đốn ngộ.

6/ Giáo viên cực.

1/ Giáo giả có

Kẻ phàm phu đam mê, đắm chìm trong biển cả ái dục rồi tạo đủ thứ nghiệp dữ. Như Lai thương xót, chỉ bày những nỗi khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, và nỗi khổ của chúng sinh không có phước đức, chấp chặt vào cái ta và những gì thuộc về cái ta. Muốn sinh trong cõi trời, cõi người, chúng sinh nên tu tập căn lành như mới thành đạo, Phật vì Đề Vị mà tuyên thuyết nguyên lý nhân quả thế gian. Khi đó có năm trăm người lái buôn cùng thọ năm giới. Trước tiên, họ sám hối những tội lỗi như tội ngũ nghịch, thập ác, tội khinh chê pháp … Đây là giáo giả có. Quán kinh chỉ dạy tu tập ba điều phước:

1/ Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng

2/ Tâm từ bi không sát sinh.

3/ Tu tập mười nghiệp lành.

Kinh Vô Lượng Thọ hết sức răn nhắc về nỗi khổ do tạo năm điều dữ mà hiện đời bị chính quyền trừng trị, thân bị tai nạn khốn cùng; đời sau chịu quả báo trong ba đường dữ. Kinh dạy mọi người tu tập năm điều lành cũng bao hàm nghĩa này. Nhưng mà, kinh này chỉ dạy chúng sinh ngăn dứt các điều dữ vì cầu vãng sinh, chứ không phải vì ưa thích quả nhỏ của người, trời. Việc tu tập tuy giống nhau nhưng sự chứng quả có thiên sai vạn biệt. Kinh Lăng nghiêm, kinh Hoa nghiêm và các kinh Phương đẳng tuy không nói riêng nhưng vẫn bao hàm nghĩa này, không nên cho đó là giáo giả có. Quán kinh sao ghi: “Hành giả tu tập bên giáo viên đốn đâu có trái nghịch với đường lối của các vị xuất gia bên tiểu thừa, cũng đâu có trái nghịch với tam qui, giới luật, các oai nghi v.v…”. Lại nói: ”Người mới đến giai vị trước thì không đạt được các giai vị sau, người đến được giai vị sau thì đã đạt được các giai vị trước”. Tại sao vậy? Vì tất cả đức Phật đều từ mười điều lành mà được giải thoát. Kinh Hoa nghiêm ghi: “Mười điều chẳng lành là nguyên nhân tái sinh trong cõi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, còn mười điều lành chính là nguyên nhân tái sinh trong cõi người, cõi trời cho đến cõi trời Hữu Đảnh”.

– Đối với mười điều lành thượng phẩm này, hành giả vận dụng trí tuệ để tu tập, do tâm lượng hẹp hòi, do sợ hãi nỗi khổ trong ba cõi, do thiếu tâm đại bi, do nghe lời dạy từ người khác mà tỏ ngộ nên thành bậc thanh văn thừa.

– Đối với mười điều lành thượng phẩm này, hành giả do tu tập thanh tịnh, không do người khác chỉ dạy, do tự mình giác ngộ, do phương tiện đại bi không đầy đủ, do giải ngộ thâm sâu pháp nhân duyên nên thành bậc độc giác thừa.

– Đối với mười điều lành thượng phẩm này, hành giả do tu tập thanh tịnh, do tâm rộng lớn vô lượng, do đầy đủ lòng thương xót, do phương tiện tiếp nhận, do phát nguyện rộng lớn, do không bỏ rơi chúng sinh, do mong cầu trí tuệ thâm sâu, rộng lớn như đức Phật, do tu tập thanh tịnh các địa của bồ tát , do tu tập thanh tịnh tất cả các độ nên thành tựu hạnh rộng lớn của bồ tát.

– Đối với mười điều lành thượng phẩm này, hành giả do tất cả các thứ thanh tịnh cho đến chứng nhập mười lực, vô úy nên tất cả Phật pháp đều thành tựu.

Vì vậy, hôm nay, chúng ta tu tập mười điều lành khiến cho tất cả chúng sinh đều được thanh tịnh viên mãn cho đến bồ tát tích lũy căn lành, thành tựu căn lành, thêm lớn căn lành, suy xét căn lành, buộc niệm căn lành, phân biệt căn lành, ưa thích căn lành, tu tập căn lành, an trụ căn lành. Vị đại bồ tát đã tích lũy các căn lành như thế, vận dụng kết quả mà căn lành này thành tựu để tu hạnh bồ tát. Ở trong mỗi niệm thấy vô lượng Phật, theo sự ứng hiện của các Ngài để thừa sự cúng dường. Lại nói: “Dù không có làm gì hết nhưng thường an trụ căn lành. Dù biết các pháp không có chỗ nương tựa nhưng nói được giải thoát do dựa vào pháp lành”. Kính khuyên các vị tỏ ngộ chớ khinh thường giới luật, chớ tham đắm hư danh, hãy mạnh dạn xét rõ lời răn ngài Vĩnh Gia về tai hại của sự chấp không mà sớm tìm bạn bất thỉnh trong Bạch Liên xã thì Liên Bang không cách xa. Xin hãy cố gắng!

2/ Giáo hướng về chỗ vắng lặng

Giáo hướng về chỗ vắng lặng tức là giáo tịch diệt của nhị thừa hướng về niết bàn. Đối với sự lợi tha của pháp môn Tịnh Độ, nhị thừa không ưa thích. Đó là sự khác biệt giữa giáo lý tiểu thừa với Tịnh Độ đại thừa. Bây giờ nói về phần tiếp nhận:

Kinh Vô Lượng Thọ và Quán kinh đều có nói đến quả tu đà hoàn cho đến quả a la hán. Tiên đức nói rằng: “Hàng tiểu thừa không sinh về Tịnh Độ, vì căn cứ vào tánh quyết định”. Ở đây nói nhị thừa được sinh về Tịnh Độ, vì ở thế gian, trước tiên, những người này phát tâm đại thừa huân tập thành hạt giống . Về sau, tâm lui sụt xuống địa vị thấp. Thế nhưng, đến khi lâm chung, họ chuyển tâm tiểu thừa để hướng về đại thừa.

Hỏi: Đã chuyển tâm hướng về đại thừa, tại sao họ sinh về cõi nước kia lại chứng quả vị nhỏ?

Đáp: Vì tâm đại thừa của họ lui sụt đã lâu mà công phu huân tập bên tiểu thừa lại thâm sâu. Cho nên, vì thích hợp với thói quen, Phật A Di Đà nói pháp tiểu thừa khiến cho họ chứng đắc quả vị. Về việc chứng đắc quả vị nhỏ này, họ không mắc kẹt vào quả vị nhỏ mà khởi tâm rộng lớn. Vì vậy, sự chứng quả càng mau chóng, hoặc năm kiếp, hoặc mười kiếp chứng đắc sơ quả. Tiến trình tu tập như thế thật là thù thắng, cho nên có sự bất đồng. Trong kinh này cũng có nói đến vua Tần Bà Sa La chứng quả a na hàm, nhưng không phải là căn cơ được tiếp nhận chính yếu của giáo này. Bây giờ, Phật dạy Vi Đề Hy mười sáu phép quán về Tịnh Độ còn không phải thông giáo, biệt giáo, chẳng lẽ là tiểu thừa sao? Phật Thích Ca Văn ra đời cũng có thanh văn nhưng rốt cuộc hướng về đại thừa. Đây chính là xe dê, xe nai, v.v… chứ không phải xe thật.

3/ Giáo hữu dư

Bậc thấu suốt chân lý nhị không, tu tập vạn hạnh để hướng về quả Phật của đại thừa thì không chấp nhận xiển đề, nhị thừa thành Phật vì cho rằng xiển đề không có Phật tánh, nhị thừa có tánh quyết định. Nếu nói như thế thì chưa thông suốt chân lý của đại thừa, cho nên gọi là hữu dư. Kinh này nói rằng: “Trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch thì không sinh về Tịnh Độ”. Lại nói rằng: “Nhị thừa cũng không sinh về Tịnh Độ”, nghĩa lý của giáo này ở trên đã giải thích rồi.

Kinh nói những kẻ tạo tội ngũ nghịch không được sinh về Tịnh Độ vì khinh chê pháp, vì không tin tưởng, vì tánh quyết định nên không thể nào thành tựu. Quán kinh ghi: “Người phá giới, đến khi lâm chung, thấy các tướng dữ. Người này nghe thiện tri thức tán dương công đức của Phật nên địa ngục, lửa dữ biến thành gió mát cho đến kẻ tạo tội ngũ nghịch, thập ác niệm danh hiệu Phật đầy đủ mười niệm thì thấy hoa sen vàng giống như vầng mặt trời, trong khoảng giây phút liền được vãng sinh”. Đây là do công đức không thể nghĩ bàn của tự tánh, và cũng do nương tựa năng lực Phật không thể nghĩ bàn mà thành tựu. Nếu không có Phật tánh viên mãn thì như hòn đá cứng ngắc, như nước vẩn đục, vầng trăng làm sao có thể soi bóng? Sự niệm Phật vãng sinh có khả năng hiển bày tự tánh như vậy. Đó là do năng lực của tự tánh, như mặt trời có thể chiếu sáng khắp hư không chứ hư không chẳng phải là nhân của mặt trời. Tất cả chúng sinh đều thành Phật. Vì vậy, giáo Tịnh Độ viên đốn này không đồng với giáo hữu dư của đại thừa thỉ giáo.

4/ Giáo vô dư

Tự tánh của tất cả chúng sinh thì bình đẳng, đều sẽ thành Phật. Đó là giáo cực tắc của đại thừa; chỉ một tự tâm là thể của giáo, cho nên nói vô dư. Nay pháp môn Tịnh Độ này dựa vào pháp chánh tín, nguyện v.v… nhưng đến chỗ cứu cánh chỉ trở về nhất tâm mà thôi. Kinh ghi: “Nhật tâm bất loạn liền được vãng sinh”. Lại nữa, kinh Vô Lượng Thọ nói ba tầng lớp người được vãng sinh đều do phát tâm bồ đề vô thượng. Tâm bồ đề tức là Phật tánh. Kinh Hoa nghiêm ghi: “Tâm bồ đề như hạt giống có khả năng sinh tất cả pháp của các đức Phật. Tâm bồ đề như mảnh ruộng tốt có thể tăng trưởng pháp lành thanh tịnh. Tâm bồ đề như đất đai có thể dung chứa tất cả thế gian. Tâm bồ đề như nước sạch có thể gội rửa tất cả phiền não bợn nhơ. Tâm bồ đề như ngọn gió lớn thổi khắp cả thế gian mà không trở ngại. Tâm bồ đề như ngọn lửa bừng cháy có thể thiêu đốt tất cả củi kiến chấp”. Những điều ấy được nói rộng trong kinh Hoa nghiêm. Nên biết, tâm bồ đề là loại thuốc nổ nhạy nhất trong nòng súng đại bác, còn niệm Phật là ngòi nổ. Kinh Hoa nghiêm ghi: “Khi mới phát tâm liền thành chánh giác” tức là nghĩa này. Trong năm giai vị tu chứng của bồ tát, gia hạnh vị chỉ là ngòi thuốc nổ. Vô lượng hạnh tuyệt diệu đâu có pháp môn nào khác hơn pháp Nhất hạnh tam muội này.

5/ Giáo đốn ngộ

Hoa nghiêm hiệp luận của trưởng giả Lý Thông Huyền nói rằng: “Chỉ một niệm không sinh tức là Phật, không cần bàn luận theo địa vị, thứ lớp, nên gọi là đốn giáo”. Kinh Tư ích ghi: “Nếu tỏ ngộ được tánh của các pháp thì không cần trải qua từ địa vị này đến địa vị khác”. Kinh Lăng già ghi: “Thập địa tức là sơ địa, sơ địa tức là bát địa cho đến không có thứ lớp nào cả”. Nên biết, đốn ngộ nghĩa là không trải qua các giai vị. Quán kinh sớ của tông Thiên Thai ghi: “Đốn ngộ rồi thì dần dần thể nhập. Đó là đốn giáo, như Vi Đề Hy và các thị nữ đều là phàm phu, chưa chứng nhập quả nhỏ. Vì thế, nên biết, đốn này không theo tiệm mà vào”. Và giải thích thêm rằng “Hiện nay, đốn của kinh này chính là hóa pháp, lấy viên làm đốn. Tại sao vậy? Vì biệt giáo ở sơ địa, viên giáo ở sơ trụ, người phàm phu thuộc biệt giáo tu tập trải qua vô số kiếp mới đến địa vị vô sinh pháp nhẫn; chỉ có viên giáo ngay đời này có thể chứng nhập, như Vi Đề Hy ngay thân đời này chứng nhập vô sinh pháp nhẫn. Phán giáo là đốn thuộc về viên đốn”. Kinh khác nói: “Người phàm phu từ khi mới thọ giới bồ tát và đời nào cũng giữ giới hạnh không khuyết phạm, trải qua một kiếp, hai kiếp, ba kiếp mới đến địa vị sơ phát tâm trụ, và tiếp tục tu tập mười ba la mật với vô lượng hạnh nguyện,…nối nhau không ngừng, đủ một vạn kiếp đến đệ lục chánh tâm trụ. Từ đây tu tập tiến thêm nữa mới đến đệ thất bất thoái trụ. Nay kinh này nói: “Kẻ phàm phu tạo tội ngũ nghịch, thập ác mà trì danh hiệu Phật liền được vãng sinh, bước lên địa vị bất thoái” chính là phù hợp với nghĩa đốn . Quán kinh ghi: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Lời nói ấy chỉ thẳng Tâm tông không có quanh co. Hơn nữa, một tiếng A Di Đà quét sạch cả thị phi. Thẳng tắt biết bao! Người xưa nói rằng: “Một câu niệm Phật là công án bậc nhất trong các công án”. Dưới đáy của vạc nước sôi sùng sục thì đâu thể chứa giá băng! Ở trong đống lửa cháy hừng hực thì đâu thể dung một ngọn cỏ! Dù cho Đạt Ma có sống lại nhưng mà không dễ gì làm lay chuyển được lời nói của tôi. Còn nếu như cứ ngập ngừng, do dự thì trễ muộn cả muôn dặm, ngàn năm.

6/ Giáo viên cực

Từ Ân Thông Tán nói: “Phương này, các bậc tiên đức đều phán quyết kinh, luận có bốn tông:

1/ Lập tánh.

2/ Phá tánh.

3/ Phá tướng.

4/ Hiển thật.

Kinh Niết bàn, kinh Pháp hoa, kinh Hoa nghiêm, … đã làm sáng tỏ nghĩa thật tướng trung đạo: xả bỏ hóa thành để trở về bảo sở. Cho nên, kinh A Di Đà chính là tông Hiển thật. Lại nữa, nếu lấy giáo để làm khuôn vàng thước ngọc cho tông thì tông có tám thứ:

1/ Ngã , pháp đều có.

2/ Có pháp, không ngã.

3/ Pháp không tới, lui.

4/ Hiện thông giả thật.

5/ Tục vọng chân thật.

6/ Các pháp chỉ là giả danh.

7/ Thắng nghĩa đều không.

8/ Ứng lý viên thật.

Kinh Hoa nghiêm , kinh A Di Đà là tông thứ tám. Thiền sư Chơn Yết Liễu v.v… lấy lưới báu có ngàn hạt châu của trời Đế Thích để phát minh nghĩa viên dung của Tịnh Độ. Các sách đều có ghi đầy đủ nghĩa này. Gần đây, các bậc lão túc lấy kinh Hoa nghiêm phối hợp với kinh A Di Đà, cho rằng viên giáo bao hàm hoàn toàn kinh A Di Đà, còn kinh A Di Đà chỉ bao hàm được một phần của viên giáo. Căn cứ vào kinh để phán quyết nghĩa thì rất đúng tông chỉ. Thế nhưng, nghĩa viên cực không phải toàn phần mà cũng không phải từng phần, như đêm rằm trăng chiếu vằng vặc xuống vô số dòng sông thì dòng sông nào cũng đều có bóng trăng cho đến cái bình chứa nước ao hồ, một giọt nước cũng đại loại như vậy, vì trăng không có phân biệt; như gió thổi vi vút qua các hàng cây thì thân cây nào cũng đều thấm nhuần gió mát cho đến lá cây, ngọn cỏ cũng đại loại như vậy, vì gió không có phân biệt. Nếu trong viên có từng phần thì viên có từng đoạn rời rạc. Nếu trong viên có từng phần, chẳng phải toàn phần, thì viên không còn trùm khắp nữa. Vì vậy, từng phần, toàn phần đối chọi nhau thì nghĩa viên không đứng vững được.

Bây giờ đứng về phương diện viên cực của Liên tông chia ra năm nghĩa:

1/ Mười phương thế giới dung chứa lẫn nhau.

2/ Một thời trong ba thời.

3/ Vô tình làm Phật.

4/ Y báo, chánh báo đều vô ngại.

5/ Trùm khắp chẳng động.

1/ Mười phương thế giới dung chứa lẫn nhau

Cõi nước, báo thân, hóa thân của tất cả các đức Phật đều dung nhiếp vào lẫn nhau. Cái này vào cái kia, cái kia vào cái này, chứ không có chướng ngại gì. Nếu cho rằng không thể vào nhau được thì đây chính là cái tri kiến sai lầm, không thật như một căn nhà choáng một khoảng hư không, trong đó các loại hoặc người, hoặc quỷ, hoặc súc vật, hoặc côn trùng, hoặc ghế, hoặc bình, hoặc giá, … đều dựa vào hư không để tồn tại. Khi hư không thuộc về người thì quỷ, súc vật, côn trùng, ghế, bình, giá,… dựa vào hư không đều thuộc về người thuộc về người, cho đến hư không thuộc về giá thì người, quỷ, súc vật, côn trùng, ghế, bình, … dựa vào hư không đều thuộc về giá. Tất cả đều vào nhau mà không lẫn lộn, lìa mà không tách rời , chẳng vào nhau mà cũng không phải chẳng vào nhau. Kinh ghi: “Ánh sáng trong cõi nước thì thanh tịnh, trùm khắp vô cùng tận, chiếu suốt vô lượng, vô số thế giới không thể nghĩ bàn, như gương sáng thì hiện muôn hình vạn trạng”. Nên biết, ánh sáng của uế độ, tịnh độ đan xen vào nhau như ngàn ngọn đèn rực sáng trong một căn phòng.

2/ Một thời trong ba thời

Tri kiến sai lầm của chúng sinh chấp có ba thời gian: quá khứ,hiện tại, vị lai. Đứng về phương diện thật tướng thì thể của thời gian không có bản chất chân thật. Tại sao vậy? Nếu chấp sáng, tối là thời gian thì sáng, tối là tướng của nghiệp, như nguời bệnh mắt thấy có bóng lòa, chứ bóng lòa không phải là tướng cố định. Nếu chấp tuổi già, tuổi trẻ là thời gian thì thật ra, bản chất của già, trẻ là hư huyễn như gió ở trong cái lưới rách, chứ không phải là bản chất cố định. Làm sao ở trong thời gian này có nghĩa chân thật được! Bây giờ đứng về phương diện hai nghĩa: thời gian dài, thời gian ngắn vào nhau để nói về thể của thời gian.

a/ Trong thời gian ngắn có thời gian dài

Như người chìm trong giấc ngủ thấy rõ ràng những thành phố, thị trấn, thôn xóm, những người quen biết trước kia và những chuyện buồn , vui trải qua thời gian nhiều tháng, nhiều năm. Khi giật mình tỉnh dậy, anh ta liền hỏi kẻ hầu cận:

– Thời gian mà tôi ngủ say là bao lâu?

Kẻ hầu cận đáp:

– Thời gian mà Ngài ngủ say bằng thời gian đếm vài ngàn đồng tiền.

Người kia tự suy nghĩ: “Ta ngủ chẳng bao lâu, tại sao trải qua những trạng thái khác thường như vậy? Không phải do bệnh mà cũng không phải do ngủ say. Rõ ràng là do ký ức” , suy nghĩ mãi về nghĩa này mới vỡ lẽ ra là thời gian không có bản chất chân thật.

b/ Trong thời gian dài có thời gian ngắn

Như người hai mươi tuổi bỗng nhiên bị bệnh tâm thần, anh ta nuốt dao, cầm lửa hoặc nói những việc vị lai với người khác, hoặc đối với vợ con thì cười giỡn như bình thường, hoặc sinh ra con trai, con gái, hoặc bỗng nhiên làm văn, trứ tác các loại sách vở. Trải qua thời gian đến năm ba mươi tuổi, anh ta gặp được một dị nhân niệm chú vào nước để cho uống. Như kẻ ngủ say bỗng giật mình thức dậy, anh ta cho rằng những việc xảy ra lúc hai mươi tuổi như những việc mới xảy ra vào ngày hôm qua. Người nhà vì anh ta mà bấm đốt tay, đếm những tháng, năm, chỉ rõ con trai, con gái, các loại sách vở. Còn anh ta thì tự suy xét rằng, vốn không có tháng, năm thì đâu có những việc ấy, cũng không nhớ lại chính mình có bệnh hay không có bệnh.

Từ hai ví dụ kể trên thường xuyên quán xét tới, lui thì vỡ lẽ ra rằng quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có bản chất chân thật. Kinh ghi: “Quán xét thời gian lâu xa như ngày hôm nay, trong khoảng giây phút đi cúng dường các đức Phật khắp các cõi nước trong mười phương”. Đó là nghĩa ba thời gian không gián đoạn. Ba thời gian không gián đoạn, vì thời gian không có bản chất chân thật.

3/ Vô tình làm Phật

Quyền giáo cho rằng loài hữu tình có Phật tánh, vật vô tình thì không có Phật tánh, nghĩa là tất cả cỏ, cây, cõi nước, thế giới đều không thể thành đạo và chuyển pháp luân. Đây là kiến chấp rất sai lầm, cho rằng những gì có ý thức thì có Phật tánh, những gì vô tri thì không có Phật tánh , chứ không biết rõ các pháp đều trụ pháp vị. Tại sao vậy? Vì ý là sắc, ý là nguồn gốc của hư không, ý là thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai), vì ý là vô tình.

Hễ một pháp vô tình thì tất cả pháp đều vô tình. Do đó, màu sắc xanh, vàng là ý; âm vang của gió thổi, của chim hót, của hang động là ý; cỏ, cây, ngói, đá là ý, là loài hữu tình. Hễ một pháp là hữu tình thì tất cả pháp đều là hữu tình. Vì thế, nên biết, tình đó là Tình, cũng có thể nói là mình, cũng có thể nói là vật. Không nên nói rằng cái nào là hữu tình? Cái nào là vô tình? Như cặp vợ chồng có một đứa con, không nên nói rằng ai sinh ra? Ai không sinh ra? Tóc, lông, răng, móng cũng là vô tình. Vô tình cùng với ta đều có Phật tánh hay vô tình cùng với ta đều không có Phật tánh? Như người nằm chiêm bao thấy núi, sông, cây, đá cũng là vô tình. Đó thuộc về cái tưởng của tình thức hay không thuộc về cái tưởng của tình thức? Nên biết, trong giấc chiêm bao kia không phải là ta, cũng không phải là phi ta. Tại sao lại chấp là hữu tình, là vô tình? Kinh ghi: “Đạo tràng, cây báu đều có thể làm thanh tịnh các căn. Âm vang của nước, của gió, của cây đều phát ra pháp âm vi diệu”. Không một vật nào chẳng phải là thân Phật. Không một vật nào chẳng chuyển pháp luân. Đâu phải là tri kiến sai lầm có thể suy lường đến được.

4/ Y báo, chánh báo đều vô ngại

Y báo là cõi nước, thế giới. Chánh báo là thân thể. Nếu đứng về phương diện tư tưởng phàm phu thì chấp có y báo, chánh báo. Kiến chấp đó không đúng. Tại sao vậy? Nếu nói hư không là y báo thì như người há miệng ra, hư không lọt vào trong miệng cho đến ở bên trong lỗ chân lông, khớp xương, tim, bụng đều có hư không. Như vậy, hư không là y báo hay chánh báo? Nếu nói đất, nước, gió, lửa là y báo thì nước dãi của con người khạc vào ống nhổ là nước, tóc hơ khô là đất, hai bàn tay chà sát vào nhau sinh ra hơi nóng là lửa, hơi thở khì khịt là gió. Những thứ ấy là y báo hay là chánh báo? Kinh ghi: “Vô lượng hoa báu thì ở trong hoa nào cũng đều phóng ra ba mươi sáu ức trăm triệu trăm ngàn ánh sáng, ánh sáng nào cũng đều phóng ra ba mươi sáu ức trăm triệu trăm ngàn đức Phật nói tất cả pháp khắp cả mười phương”. Đó là do năng lực của Phật biến hiện có hoa báu. Vì có hoa báu nên lại hiện các đức Phật. Vì thế, nên biết, khắp một cõi nước đều là thân Phật và cõi nước nào cũng đều như thế. Không một thân nào chẳng phải là cõi Phật và thân nào cũng đều như thế. Không phải là năng lực thần thông của Phật biến hiện mà chỉ do trí nhất chân pháp giới của các đức Phật làm y báo, chánh báo mà thôi.

5/ Trùm khắp chẳng động

Chúng sinh chấp sai lầm rằng thân Phật có đến, có đi. Nhưng thật ra thân Phật chẳng đến, chẳng đi mà cũng không phải chẳng đến , chẳng đi như đàn chim tung bay giữa hư không bao la vô hạn, một ngày bay cả ngàn dặm. Hư không chẳng phải đuổi theo chim và chim cũng chẳng phải tách rời hư không. Kinh ghi: “Phật A Di Đà thường trú ở Tây Phương”. Lại ghi: ‘Phật đến chỗ của tất cả hành giả”. Trong kinh Niết bàn, Phật nói: “Này thiện nam tử, thành Ba La Nại có một ưu bà di đã gieo trồng các căn lành trong vô lượng đức Phật thời quá khứ. Trong ba tháng hạ , ưu bà di này cung thỉnh chúng tăng để cúng dường thuốc. Bấy giờ, trong chúng tăng có một thầy tỳ kheo lâm bệnh trầm trọng. thầy thuốc chẩn đoán, bảo rằng phải có thuốc được làm bằng chất thịt thì bệnh mới khỏi. Khi ấy, ưu bà di tự tìm con dao, cắt thịt ở bắp vế của mình để làm canh thịt dâng cho thầy tỳ kheo. Sau khi dùng xong, bệnh trạng của thầy giảm bớt. Nhưng, ưu bà di bị vết thương hành hạ nhức nhối không thể nào chịu nổi, liền niệm to lên”Nam mô Phật Đà! Nam mô Phật Đà!”. Khi ấy, ở thành Xá Vệ, nghe được âm thanh kia, đối với ưu bà di, ta khởi tâm đại từ. Ưu bà di thấy ta sử dụng thuốc bôi trên vết thương nên thân thể được lành lặn như trước kia, và nghe ta thuyết pháp. Ưu bà di này vui mừng, phát tâm bồ đề vô thượng. Này thiện nam tử, thật ra, khi ấy, ta không có đến thành Ba La Nại làm những việc như vậy. Tất cả đều do năng lực căn lành của tâm từ khiến cho ưu bà di thấy những việc như thế.

– Lại nữa, thiện nam tử, Điều Đạt là kẻ độc ác, tham ăn quá độ. Do uống nhiều sữa cho nên đầu đau, bụng trướng, phải chịu vô cùng thống khổ. Điều Đạt liền niệm:”Nam mô Phật Đà! Nam mô Phật Đà!”. Bấy giờ, ở thành Ưu Thiền Ni, nghe âm thanh kia, ta liền khởi tâm từ. Khi ấy, Điều Đạt thấy ta đến chỗ của ông ấy, lấy tay xoa vào đầu, bụng trao cho nước muối nóng. Sau đó khỏi được cơn bệnh. Này thiện nam tử, thật ra, ta không có đến chỗ của Điều Đạt làm những việc đó. Tất cà đều do năng lực căn lành của tâm từ khiến cho Điều Đạt thấy những việc như vậy.

– Lại nữa, thiện nam tử, nước Kiều Tát La có năm trăm kẻ trộm cướp kết hợp lại thành đảng cướp. Vua Ba Tư Nặc cho quân lính truy lùng ráo riết và bắt được đảng cướp này. Sau khi bị bắt, chúng bị trừng trị bằng cách móc mắt, tống vào rừng rậm đen tối. Chúng chịu khổ não ghê gớm và gào khóc thảm thiết. Chúng đều niệm vang lên: “Nam mô Phật Đà! Nam mô Phật Đà!”. Bấy giờ, ở tinh xá Kỳ Hoàn, nghe được âm thanh này, ta liền khởi tâm từ. Khi ấy, có ngọn gió mát thổi các loại thuốc hương thơm ngào ngạt từ trong núi hương. Thuốc hương này lắp đầy vào vành mắt của chúng, cho nên mắt chúng được sáng tỏ như trước kia. Khi mở mắt ra, chúng thấy Như Lai đứng ở trước mình để thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, chúng liền phát tâm bồ đề vô thượng. Này thiện nam tử, thật ra, khi ấy, ta không có làm những việc như thế. Tất cả đều do năng lực căn lành của tâm từ khiến cho chúng thấy những việc như vậy.

Các việc kể trên đâu có thể nghĩ bàn. Tất cả đều là nhất chân pháp giới (Pháp thân bình đẳng của các đức phật). Không được nói là tự tâm cảm hiện, cũng không được nói là tâm Phật hòa hợp, vì trong Phật địa lìa tự, lìa tha, lìa hòa hợp. Cho nên, bước vào cửa này thì không đồng với tri kiến sai lầm, phân biệt, suy lường của phàm phu, như ngài Thanh Lương nói: “Phật A Di Đà tức là bổn sư Lô xá na” cũng hãy còn là sự suy lường của thức tình. Tại sao vậy? Vì mười phương thế giới chỉ có một trí cảnh, chứ không có Phật nào khác.

    Xem thêm:

  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 3: Phân Biệt Thế Gian - Luận Tạng
  • Luận Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Về Sự Hiểu Biết Rõ Ràng - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Một Trăm Câu Hỏi Đáp Về Pháp Môn Niệm Phật - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ Thập Nghi - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 12 - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán - Luận Tạng
  • Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Lược Sớ - Luận Tạng
  • Luận Tứ Đế - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Luận Về Nhơn Duyên Bích Chi Phật - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng