1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 10

Chương X: THÍCH DỊ

Ý chính của Tây Phương tự có trình bày trong kinh. Các luận đã giải thích đầy đủ về pháp môn tinh yếu của Tịnh Độ. Các vị Thiên Thân, Trí Giả, Hải Đông, Việt Khê, v.v…đều vạch rõ chỗ sâu kín, nhiệm mầu để biểu dương tông chỉ. Gần đây, hòa thượng Vân Thê có soạn ra Tiểu bổn sớ sao, phân tích ra từng điều, từng loại, giải thích thật uyên bác, tinh vi. Thật là cây đuốc lớn soi đường trong đêm dài tăm tối, là chiếc thuyền nhẹ lướt qua biển khổ dập dồn. Những điều mà các đại sư đã phát huy thì không có dư thừa, chỉ dựa vào các kinh tùy thời lập giáo. Vì thuyết nghĩa hợp với căn cơ, cho nên mỗi thời có khác biệt đến nỗi sinh ra mối nghi ngờ cho học giả. Nay tôi trình bày đại khái những điều được tuyển chọn trong các luận, dựa vào cái thấy hạn chế ở tôi dung hội về một chỗ để tiện cho việc tham khảo.

1. Giải thích về cõi nước xa hay gần.

2. Giải thích về thân, thành lớn hay nhỏ.

3. Giải thích về lượng tuổi nhiều hay ít.

4. Giải thích về hoa sen như bánh xe lớn hay nhỏ.

5. Giải thích về mặt trời, mặt trăng có hay không.

6. Giải thích về nhị thừa có hay không.

7. Giải thích về phụ nữ có hay không.

8. Giải thích về sự phát tâm lớn hay nhỏ.

9. Giải thích về nghi thành thai sinh.

10. Giải thích về người phạm tội ngũ nghịch được vãng sinh.

1- Giải thích về cõi nước xa hay gần

Hỏi: Kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà đều nói: “Tây phương Cực Lạc cách đây mười vạn ức cõi”. Quán kinh chỉ nói: “Phật A Di Đà cách đây không xa”. Như vậy, hai thuyết trên thuyết nào đúng?

Giải thích: Do khoảng cách xa, gần không cố định cho nên nói cũng xa, cũng gần. Tại sao vậy? Vì nói về một phương nào đó tức là nói từ phương này đến phương kia cách xa bao nhiêu thành phố? Bao nhiêu thị trấn? Đó là căn cứ vào sắc thân để thành lập. Nhưng vì thân tướng hư vọng, cho nên sự suy lường về phương hướng, số dặm của đường đi cũng đều không thật. Do đó, không được nói nơi nào gần? Nơi nào xa? Như người ở Vân Nam cho đất Yên vời vợi xa xôi. Đó là từ Vân Nam mà suy lường, chứ đất Yên không có xa xôi. Người nước Tề cho đất Yên rất gần. Đó là từ nước Tề mà suy lường, chứ đất Yên không có gần. Lại như khoảng cách mười bước, con kiến cho là xa, nhưng con voi cho là gần. Do đó, không nên nói khoảng cách xa, gần là thật. Tại sao vậy? Vì khoảng cách xa, gần không phải căn cứ vào sự suy lường của con kiến, con voi. Vậy thì sự suy lường về khoảng cách mười bước cũng không thật. Tại sao vậy? Vì khoảng cách đó không phải căn cứ vào sự suy lường của con kiến, con voi, con người. Luận Trí độ ghi: “Tùy theo thói quen của người thế tục mà nói có phương hướng, chứ phương hướng không có bản chất chân thật”.

Hỏi: Tại sao Ngài nói không có phương hướng? Phương hướng kia cũng có, mà cũng thường còn. Trong kinh, Phật nói: “Nơi mặt trời mọc là phương Đông, nơi mặt trời lặn là phương Tây, nơi mặt trời vận hành là phương Nam, nơi mặt trời không vận hành là phương Bắc”. Như vậy, một ngày có ba phần họp: đầu tiên họp, giữa họp, sau cùng họp. Sự phân chia cũng tùy thuộc vào phương mặt trời: nơi đầu tiên họp là phương Đông, kế đến là phương Nam, phương Tây. Nơi mà mặt trời không vận hành là nơi vô phần.

Đáp: Thật ra không phải như vậy. Núi Tu Di ở giữa bốn khu vực. Mặt trời xoay quanh núi Tu Di và tỏa chiếu khắp bốn thiên hạ. Mặt trời đứng bóng ở Uất Đát La Việt; chính khi ấy, mặt trời mọc ở Phất Bà Đề và người Phất Bà Đề cho là phương Đông. Mặt trời đứng bóng ở Phất Bà Đề; chính khi ấy, mặt trời mọc ở cõi Ta Bà và người ta cho là phương Đông. Xét cho cùng thì không có phương đầu tiên. Tại sao vậy? Vì tất cả phương đều là phương Đông, đều là phương Nam, đều là phương Tây, đều là phương Bắc. Ông nói rằng nơi mặt trời mọc là phương Đông, nơi mặt trời lặn là phương Tây, nơi mặt trời vận hành là phương Nam, nơi mặt trời không vận hành là phương Bắc. Điều đó không đúng.

Hỏi: Tôi nói cái tướng của phương hướng trong một nước, còn Ngài lại lấy bốn nước để hỏi lại. Vì lý do đó, cho nên phương Đông chính là nơi mặt trời mọc.

Đáp: Trong một nước, nếu cho mặt trời mọc ở phương Đông thì đó là bờ mé hữu vi. Vì có bờ mé, cho nên có sự vô thường. Vì có vô thường, cho nên không có trùm khắp. Chính vì thế, chỉ có mệnh danh phương hướng, chứ phương hướng không có bản chất chân thật. Phương hướng đã không có bản chất chân thật thì đâu có con đường vận hành, nhưng cũng không nên phế bỏ chỗ của phương hướng và con đường vận hành. Tại sao vậy? Vì không nên căn cứ vào cõi Ta Bà mà suy lường nhưng cũng có thể ngay cõi Ta Bà mà suy lường, như mặt trời tuy không mọc ở phương Đông, không lặn ở phương Tây nhưng cũng có thể nói rằng mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây.

2. Giải thích về thân, thành lớn hay nhỏ

Hỏi: Kinh Thanh vương ghi: “Phật A Di Đà cùng với thanh văn tập hợp tại cõi nước được mệnh danh là Thanh Thái. Thánh vương cư trú thành kia ngang, dọc mười ngàn do tuần”. Quán kinh ghi: “Thân Phật cao sáu mươi vạn ức trăm triệu hằng sa do tuần. Tướng lông trắng chặng giữa chân mày thì uyển chuyển, xoáy tròn về bên phải như năm ngọn núi Tu Di. Mắt Phật rộng lớn bao la bát ngát như nước của bốn biển”. Bây giờ tính một biển cả rộng tám vạn bốn ngàn do tuần. Như vậy, bốn biển cả rộng ba mươi ba vạn sáu ngàn do tuần. Thân Phật to lớn hơn mắt kia là năm trăm sáu mươi do tuần. Nếu tính toán thì thành kia nhỏ hơn mắt Phật là ba mươi hai vạn sáu ngàn do tuần, huống chi thân Phật. Chẳng lẽ thân, thành rất chênh lệch như thế sao?

Đáp: Trong sớ của ngài Hải Đông cũng có nêu câu hỏi này. Sớ ghi: “Phật kia có rất nhiều thành. Tùy theo chúng lớn, nhỏ mà thành cũng lớn, thành cũng lớn, nhỏ. Thành lớn thì hiện bày với thân to lớn, thành nhỏ thì hiện bày với thân nhỏ”. Kinh Thanh vương nói mười ngàn do tuần chính là chiều ngang, dọc của thành với thanh văn cùng cư trú. Nên biết, thân Phật tương đương mà cư trú. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng, thân cao lớn thì thành kia cũng rộng lớn để cho các đại chúng đều có chỗ cư trú. Tiên đức nói: “Trong kinh Pháp hoa, cõi Tịnh Quang Trang Nghiêm chỉ diễn bày về đốn giáo. Trong kinh Tịnh Danh, cõi Phật Chúng Hương toàn là bồ tát. Cho nên, Phật kia chỉ hiện thân cao lớn”.

Nếu đốn giáo, tiệm giáo đều được tuyên thuyết trong cõi nước An Dưỡng thì thanh văn, bồ tát đều là tăng. Giả sử Phật hiện bày hai thứ tướng là sinh thân và pháp thân thì ba mươi hai tướng thuộc về sinh thân; cả chúng tiểu thừa, đại thừa đều trông thấy. Nếu tám vạn tướng thuộc về pháp thân thì bậc hiền thánh đại thừa mới trông thấy được. Cho nên, người đáng dùng tướng thắng ứng thân, liệt ứng thân để được bốn điều lợi ích, thì vì xứng hợp với căn cơ nên Phật hiện tướng thắng ứng thân, liệt ứng thân. Người đáng dùng tám vạn tướng thắng ứng thân để được bốn điều lợi ích, thì vì xứng hợp với căn cơ nên Phật hiện tám vạn tướng thắng ứng thân. Người đáng dùng ba mươi hai tướng liệt ứng thân để được bốn điều lợi ích, thì vì xứng hợp với căn cơ nên Phật hiện ba mươi hai tướng liệt ứng thân, như Tỳ lô giá na tuy thanh văn được nghe nói đến nhưng không được diện kiến tôn nhan. Còn bồ tát thấy được thân to lớn, nhưng vẫn không có trở ngại gì. Tại sao vậy? Vì thân Phật ứng hợp giáo hóa tùy theo căn cơ đại thừa hay tiểu thừa, như ánh sáng mặt trời xuyên qua kẽ hở nên có phần lớn, phần nhỏ; chứ thật ra ánh sáng kia vốn không chia thành lớn nhỏ gì.

3- Giải thích về lượng tuổi nhiều hay ít

Kinh ghi: “Mạng sống của Phật kia lâu đến vô lượng vô số kiếp”. Lại nói rằng: “Đến khi Phật kia nhập niết bàn, bồ tát Quan Thế Âm mới thành Phật”. Nói rồi sẽ nhập diệt tức là có hạn lượng.

Giải thích: Tiên đức nói: “Bồ tát bổ xứ (bồ tát còn tu tập một đời nữa thì thành Phật) theo tạng giáo, thông giáo cho rằng Phật có hạn lượng. Bồ tát bổ xứ theo biệt giáo, viên giáo cho rằng Phật không có hạn lượng, vì tất cả Như Lai trong mười phương, ba đời, không có kia, đây đối đãi nhau, vì đồng một pháp thân, đồng một trí tuệ”. Nếu cơ duyên của bồ tát hết thì bắt đầu dấu hiệu ứng thân của Như Lai; gọi là bổ Phật xứ thật khác với tạng giáo, thông giáo cho rằng đức Phật trước nhất định nhập diệt, đức Phật sau nhất định giáng sinh. Kinh Kim quang minh ghi: “Có bốn đức Phật xuống cung điện”. Sớ lại giải thích rằng: “Nếu thấy bốn đức Phật đồng một thắng ứng thân, đồng một thân, đồng một trí tuệ thì đó là thân thường trụ, vì chúng đệ tử chỉ có một. Nếu thấy bốn đức Phật mà thân Phật khác nhau thì đó là thân ứng, hóa, vì chúng đệ tử đông nhiều”. Nên biết, toàn thân pháp giới không sinh không diệt. Đâu được đứng về phương diện thời gian để phân chia hiện tại, vị lai. Đâu được đứng về phương diện không gian để bàn luận chỗ này, chỗ kia. Thân pháp giới đã không sinh không diệt thì cái nghĩa vô lượng được thành lập. Hơn nữa, cõi Phật thanh tịnh thì nước, cây, vô lượng thế giới nhiều như số bụi bặm đều là thân Phật. Kinh ghi: “Các loài chim kia đều do Phật A Di Đà biến hóa ra”. Luận Trí độ ghi: “Chúng sinh có rất nhiều, nếu chỗ nào Phật cũng hiện thân thì chúng sinh không tin, cho là huyễn hóa, tâm không kính trọng. Có chúng sinh từ con người nghe pháp thì tâm không tỏ ngộ, nhưng nếu từ súc sinh mà nghe pháp thì liền tin tưởng, tiếp nhận”. Kinh Bổn sinh ghi: “Bồ tát mang thân hình súc sinh, vì người thuyết pháp. Người cho sự thuyết pháp thật là ít có, không thể không tin tưởng, tiếp nhận. Có người cho súc sinh là vật hữu tình, cho rằng cây cối vô tình mà có tiếng thuyết pháp thì đềư tin nhận”.

Vì lý do ấy. cho nên nước, cây, loài chim đều là thân Phật biến hiện. Số lượng tuổi của Phật nếu có cùng tận thì đạo tràng, cõi nước, các thứ âm thanh của nước, của chim cũng phải có cùng tận. Nếu có cùng tận thì không nên nói có bổ xứ. Nếu không có cùng tận thì không nên nói dứt hết như phạm vi của hư không, chẳng phải có phạm vi mà cũng chẳng phải không có phạm vi. Vận dụng trí không thể nghĩ bàn chiếu soi điều đó thì mới có thể được.

4. Giải thích về hoa sen như bánh xe lớn hay nhỏ

Kinh A Di Đà ghi: “Trong ao, hoa sen lớn như bánh xe”. Kinh Quán Vô Lượng thọ ghi: “ Trong ao nào cũng đều có sáu mươi ức hoa sen bằng bảy chất liệu quý báu, tròn trịa như nhau,… lớn mười hai do tuần”. Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Trong ao, hoa sen lớn một do tuần cho đến trăm, ngàn do tuần”. Bánh xe trong nhân gian lớn không hơn một trương. Dù cho bánh xe bằng vàng của chuyển luân thánh vương có ngàn căm nhưng mà ngang, dọc không hơn một do tuần. Vậy thì đâu có cái tướng lớn, nhỏ chênh lệch đến như thế?

Giải thích: Hoa sen như bánh xe có lớn, nhỏ cũng như thân, thành. Vì căn cơ của chúng sinh có lớn, nhỏ, cho nên thân, thành, nước, cây hiện bày cũng có lớn, nhỏ. Hoa sen cũng đại loại như vậy, như sơ địa biến hiện trăm cõi Phật và biến hiện hoa sen trăm cánh. Nhị địa biến hiện ngàn cõi Phật và biến hiện hoa sen ngàn cánh. Tam địa biến hiện hoa sen vạn cánh. Tứ địa biến hiện hoa sen ức cánh. Ngũ địa ngàn ức. Lục địa trăm ngàn ức. Thất địa trăm ngàn ức trăm triệu. Bát địa trăm ngàn vạn tam thiên đại thiên thế giới như số bụi bặm. Cửu địa trăm ngàn vạn ức vô số cõi nước như số bụi bặm. Thập địa trăm ngàn ức trăm triệu cõi Phật như số bụi bặm, nhiều đến mười lần không thể nói hết. Vì thân tự thọ dụng có lớn, nhỏ, cho nên hiện bày hoa sen cũng đại loại như vậy, chứ không phải là hoa sen có lớn, nhỏ.

Đã từng nghe vị tăng nói rằng, ven bờ biển có tháp thờ xá lợi Phật mà vua A Dục xây dựng. Chúng sinh thấy ánh sáng của xá lợi đều khác nhau. Có người thấy không có ánh sáng. Có người thấy ánh sáng nhỏ bằng hạt đậu. Có người thấy ánh sáng to bằng quả táo. Có người thấy ánh sáng lớn bằng đầu ngón tay. Có người thấy ánh sáng lớn bằng cái đấu. Cả ngàn người thấy nhưng ai nấy đều thấy khác nhau. Chúng sinh đồng một nhục nhãn mà còn thấy khác biệt như thế; huống chi là bồ tát, thanh văn cho đến trời, người… Công dụng đã cách xa nhau thì sự cảm thấy hoa sen như bánh xe làm sao mà không sai khác? Như trong cõi nước này, tầng lớp sát đế lợi cao quí có lầu hồng gác tía khắp cả thành phố, thị trấn thì khác hẳn với kẻ nghèo hèn sống cô đơn trong cảnh màn trời chiếu đất. Không nên thắc mắc rằng: Tại sao có sự khác biệt như vực thẳm trời xa? Đó là do phước đức của chính mình mà rước lấy. Tướng hoa sen, ao báu cũng đại loại như vậy.

Trên đây nói về tháp của vua A Dục. Vì chính tôi (Ấn Quang) cũng chưa từng thấy qua sự linh ứng như thế, cho nên nghe qua kể lại dễ mất đi sự thật. Do đó, tôi viết bổ sung để làm sáng tỏ về thánh tích.

Chùa này nguyên hiệu là A Dục Vương. Về sau đổi hiệu là Quảng Lợi. Thế nhưng, người ta vẫn quen gọi là A Dục Vương. Chùa tọa lạc trên núi Mậu cách làng Nam, huyện Ngân, phủ Ninh Ba, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) khoảng bốn mươi dặm.

Sau khi Phật diệt độ khoảng một trăm năm, ở miền Trung Ấn Độ có vua A Dục trị nước, có oai đức rộng lớn, có quỷ thần đều là bầy tôi. Vua muốn làm lợi ích rộng lớn cho người đời, đã mở kho tàng của vua A Xà Thế lấy ra được tám vạn bốn ngàn xá lợi của Phật. Vua phái quỷ thần đập vụn bảy chất liệu quý với các loại hương thơm vật liệu. Trong một đêm xây cất được tám vạn bốn ngàn bảo tháp, phân chia khắp châu Thiệm Bộ phía Nam này. Vua nhờ tôn giả Da Xá duỗi cánh tay phóng ra tám vạn bốn ngàn tia sáng, phái mỗi quỷ thần sử dụng hai tay nâng lấy một bảo tháp bay đi theo chiều của ánh sáng, đến chỗ cuối cùng của ánh sáng thì để bảo tháp trong lòng đất. Phía Đông Trung Hoa có mười chín chỗ. Khi Phật pháp truyền đến phương Đông, các tháp ấy lần lượt xuất hiện như tháp ở núi Ngũ Đài, núi A Dục Vương (Mậu sơn) v.v… Tháp ở núi Ngũ Đài thì xá lợi được cất kỹ trong tháp lớn. Tháp ở núi A Dục Vương có sự kiện như sau:

Vào năm Thái Khang thứ 3 (282 TL), triều vua Vũ Đế, đời Tây Tấn có Lưu Tát Hà chính là bồ tát Lợi Tân thị hiện. Tát Hà xuất gia, pháp danh Tuệ Đạt, lễ bái, thỉnh cầu, thì từ lòng đất, bảo tháp vọt lên. Tát Hà liền xây cất chùa A Dục Vương. Khi hiến cúng phải vào trong thạch tháp thuộc nội điện. Cửa tháp luôn khóa kín. Nếu có ai muốn xem xá lợi thì trước tiên phải thông báo cho người giữ tháp biết. Muốn lễ Phật, dâng hoa thì phải vào trong chính điện. Muốn xem bảo tháp thì phải quỳ gối theo thứ tự ở bậc thềm, ngoài chánh điện. Người giữ tháp mới đem bảo tháp ra. Trước tiên cho thấy ở bên trong. Sau đó cho thấy khắp cả bảo tháp. Dù trong một ngày nhưng mà có người đến xem vài ba lần, cũng không lấy làm buồn phiền. Tháp kia cao một thước tư (42 cm), chu vi hơn một thước (30 cm). Ở tầng giữa của tháp thì bên trong trống rỗng. Ở giữa có treo một cái chuông đặc ruột. Chính giữa của đáy chuông có một cây kim, xá lợi được đính ở đầu kim. Bốn mặt đều có cửa sổ, có lan can hình hoa văn vây phủ nên không thể đưa tay vào được. Thế nhưng, người ta có thể nhìn vào được bởi khoảng trống giữa các hoa văn.

Hình sắc của xá lợi kia thì lớn, nhỏ, nhiều, ít, động, tịnh không có nhất định. Bình thường, đa số người ta thấy chỉ có một viên xá lợi, cũng có người thấy hai, ba, bốn viên. Có người thấy xá lợi đính ở đáy chuông không nhúc nhích. Có người thấy xá lợi lơ lửng ở dưới cây kim đến một tấc (3cm). Có người thấy xá lợi thoạt hạ xuống, thoạt lên cao, thoạt lớn, thoạt nhỏ. Có người thấy xá lợi sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và một màu sắc có khi đậm, có khi nhạt. Có người thấy xá lợi có hai màu khác nhau. Có người thấy màu đen xì. Có người thấy màu sáng rực. Không chỉ mỗi người thấy khác nhau mà ngay cả một người cũng thấy nhiều sự chuyển biến sai biệt. Có người thấy hình hoa sen, hình tượng Phật, bồ tát. Có người do nghiệp lực quá nặng nề nên hoàn toàn không thấy gì hết. Nhìn xá lợi khoảng một giờ đồng hồ, có người thấy xá lợi lớn bằng hạt đậu xanh rồi to dần bằng hạt đậu đỏ, cũng có người thấy lớn bằng hạt đậu nành rồi to dần bằng quả táo. Vào đời vua Thần Tông, nhà Minh, Lại bộ thượng thư Lục Quang Tổ rất kính tin và cực lực hộ trì Phật pháp. Ông với vài người bạn đến xem. Đầu tiên thấy xá lợi lớn bằng hạt đậu đỏ, hạt đậu nành, rồi lớn dần bằng quả táo, bằng quả dưa, bằng bánh xe và tỏa ra ánh sáng rực rỡ, trong lòng cảm thấy sảng khoái. Khi điện thờ xá lợi bị đổ nát, tháp hư hỏng. Lục Quang Tổ liền phát tâm trùng tu tháp, điện. Các người bạn của ông trông thấy xá lợi cũng rất tốt nhưng không có sự kỳ diệu bằng ông.

Phải biết, tâm từ bi vô bờ bến của Như Lai muốn để lại thể chân thật của pháp thân này khiến cho chúng sinh đời sau gieo trồng căn lành xuất thế. Do thấy thần dị này mà phát sinh niềm tin chân chính. Từ đó bỏ các điều dữ, làm các điều lành, bặt dứt tà kiến, giữ tâm chí thành để dứt hết mê lầm, chứng nhập chân như, vượt thoát hố thẳm sinh tử, quay thẳng về Phật tánh sẵn đủ của chính mình, viên mãn tuệ giác vô thượng. Đây là bổn tâm của Như Lai thị hiện cái tướng không thể nghĩ bàn làm phương tiện tiếp dẫn chúng sinh. Nguyện cho kẻ thấy, người nghe cùng cảm niệm sâu xa thì thật là điều may mắn. Vào năm Quang Tự thứ 21, Ấn Quang tôi hân hạnh được đảnh lễ bảo tháp vài tuần, đọc hết bộ A Dục Vương Sơn Chí nên biết xác thực những điều kể trên.

Ngày mùng một tháng giêng năm Dân Quốc thứ 20 (1931-Tân Mùi). Thường Tàm Quý tăng Thích Ấn Quang kính ghi.

5- Giải thích về mặt trời, mặt trăng có hay không

Các kinh hoặc nói: “Mặt trời, mặt trăng ở giữa hư không”, hoặc nói: “Ở giữa hư không mà không chuyển động”, hoặc không đề cập đến vấn đề mặt trời, mặt trăng có hay không, hoặc nói thẳng: không có. Kinh ghi: ‘Ánh sáng của Phật kia chiếu rạng rỡ khắp cả vô lượng vô số cõi Phật không thể nghĩ bàn. Ánh sáng ấy chiếu trùm lên cả vầng nhật nguyệt. Các vị thanh văn đều có ánh sáng nơi thân, có thể toả chiếu một tầm. Ánh sáng của bồ tát toả chiếu đến trăm ngàn tầm. Ánh quang minh của bồ tát nào cũng thường chiếu đến ba ngàn đại thiên thế giới. Như vậy, tuy có mặt trời, mặt trăng nhưng mặt trời sáng như ngọn đuốc, ánh sáng đâu đáng kể.

Nếu mặt trời, mặt trăng không thể chiếu soi thì lẽ ra không có ngày đêm. Tại sao trong kinh lại nói rằng, ngày đêm sáu buổi và việc ăn uống vào buổi sáng? Đủ biết lời ấy chỉ là nói tạm thời mà thôi. Dựa vào ngày đêm ở cõi này mà Phật ví dụ cho việc phân chia thời khắc ở cõi kia, chứ không phải là việc thật. Hơn nữa, ngày đêm tới lui liên tục không ngừng, đó là do tâm của chúng sinh bị sự sáng, tối chi phối mà cảm thấy có cái tướng ấy, cho nên Tịnh Độ không có việc này. Từ cõi trời Đao Lợi trở lên còn không nương nhờ vào ánh sáng mặt trời, mặt trăng, huống chi cõi Cực Lạc. Dù cho có mặt trời, mặt trăng đi nữa, nhưng vì chúng sinh ở cõi nước biến hóa (Hóa quốc) kia chưa sạch hết kiến chấp về sắc, không, cho nên hiện bày cái tướng nhật nguyệt như vậy. Thật ra, cõi Phật không có mặt trời, mặt trăng. Đại luận ghi: “Phật Thích Ca Văn cũng có cõi nước thanh tịnh như Phật A Di Đà. Phật A Di Đà cũng có cõi nước không trang nghiêm, thanh tịnh như Phật Thích Ca Văn”. Đây là tùy theo cơ cảm của chúng sinh để trình bày, cũng không ngại gì nói có.

6- Giải thích về nhị thừa có hay không

Vô Lượng Thọ của bồ tát Thiên Thân ghi: “Thế giới căn lành của đại thừa, v.v…hoàn toàn không có các căn cơ bị chê bai cho đến không nghe danh hiệu nhị thừa, huống chi có thật”. Các kinh kia đều nói: “Cõi nước có chúng thanh văn nhiều không thể nào kể xiết được”. Hai thuyết ấy mâu thuẫn với nhau, phải không?

Giải thích: Tiên đức nói: “Nhị thừa được vãng sinh chính là đến khi lâm chung biết chuyển tiểu thừa hướng về đại thừa”. Vì thói quen huân tập tiểu thừa thâm sâu, nên khi nghe Phật thuyết pháp thì âm vang của nước, của gió, của cành cây đều phát ra tiếng pháp tiểu thừa khiến cho các vị ấy tạm thời chứng quả vị nhỏ. Dần dần tăng tiến mãi đến địa vị bồ tát thì không còn vướng mắc vào quả vị nhỏ nữa. Cho nên nói không có nhị thừa có hai nghĩa:

1/ Nhị thừa định tánh thì không sinh Tây Phương Cực Lạc, đây mới thật là không có.

2/ Không trụ vào nhị thừa, vì đó là tất cánh không.

Ví như có hai người cùng tạm nhận một chức quan Lang, người thứ nhất ở lại, người thứ hai sẽ được thuyên chuyển. Người ở lại có thể gọi là quan Lang, vì không có người thứ hai. Còn người thứ hai sẽ được thuyên chuyển kia không nhất định là quan Lang, vì chức quan Lang rốt cuộc sẽ thay đổi.

Vì thế, cho nên Tịnh Độ không được nói có nhị thừa, vì rốt cuộc đến địa vị bồ tát.

7. Giải thích về phụ nữ có hay không

Kinh Thanh Vương ghi: ‘Phật A Di Đà cũng có cha mẹ”. Vậy thì đâu được nói không có người nữ?

Giải thích: Đây cũng là biến hiện ra như biến hiện ra chim vẹt. Sớ của ngài Hải Đông ghi: “Kinh Thanh vương nói: Trong thế giới An Lạc, Phật A Di Đà có cha mẹ là biến hiện ra người nữ, chứ không thật do kết quả nghiệp nữ mà có. Lại nữa, tuy có cha mẹ nhưng không phải từ bào thai sinh ra”. Thật ra là mượn cha mẹ để hóa sinh. Kinh kia nói: “Nếu bốn chúng định tâm niệm danh hiệu của Phật thì do công đức ấy, đến khi lâm chung, Phật A Di Đà cùng với đại chúng đến chỗ người này khiến cho người này thấy được, thấy rồi mừng rỡ, công đức tăng thêm gấp bội. Vì nhân duyên đó, cho nên chỗ sinh ra vĩnh viễn xa lìa hình hài dục vọng, nhơ bẩn của bào thai, thuần ở trong hoa sen báu tươi đẹp tuyệt vời, tự nhiên hóa sinh, đầy đủ thần thông, có ánh quang minh rực rỡ huy hoàng”. Nên biết, cha mẹ chỉ là giả mượn mà thôi. Hoặc có người cho rằng kinh Thanh vương nói có cha mẹ là hiển bày cõi uế mà Phật kia cư trú. Nghĩa này không đúng. Tại sao vậy? Vì kinh kia đã nói do hoa sen báu hóa sinh. Lại nói: “Hai vị bồ tát đứng hầu ở bên phải, bên trái”. Tất cả những điểm ấy đều là hình tướng trong Tịnh Độ, không khác với Quán kinh đã nói. Nên biết, kinh kia nói: “Đề Bà Đạt Đa và quỷ vương,… đều được biến hóa từ Tịnh Độ”. Nếu không có những điểm này thì không phải là Tịnh Độ, như biến hiện ra súc sinh mà không phải là uế độ vậy.

8. Giải thích về sự phát tâm lớn hay nhỏ

Kinh Vô Lượng Thọ, Ngụy dịch: “Ba hạng người (thượng căn, trung căn, hạ căn) đều phát tâm bồ đề”. Quán kinh khi đề cập đến hạ phẩm nói thẳng mười niệm. Như vậy, các kinh nói có khác nhau. Bây giờ muốn dung hợp lại.

Các kinh đều cho rằng: “Phát tâm bồ đề rộng lớn là nhân”. Tại sao vậy? Nếu đầu tiên không có cái nhân đại thừa thì dù người ấy có đọc tụng kinh điển nhưng cũng sinh tâm nghi ngờ, đâu được liền nghe, liền tin. Vì thế, nên biết, trong Quán kinh, khi đề cập đến hạ phẩm nói mười niệm chính là đã gieo trồng cái nhân lớn từ đời trước và đến đời sau bị thoái chuyển. Thế nhưng, đến khi lâm chung, người ấy gặp được thiện tri thức như lúa non bị khô héo, nếu được cơn mưa trút xuống thì nó vụt xanh tươi mơn mởn. Nếu không có cái nhân thì thiện tri thức không bao giờ gặp được, huống chi tin tưởng, tiếp nhận, như người quý tộc mà không quan tước thì bị nhiều người càng nghe lại càng không tin tưởng. Nên biết, một khi nghe được thiện tri thức chỉ dạy liền niệm Phật thì không phải là cái duyên nhỏ. Chúng ta không nên căn cứ vào một đời làm ác mà vội bảo rằng người ấy không có cái nhân lớn. Kinh ghi: “Người dân trong thế gian nghe được danh hiệu A Di Đà, nếu động mối từ tâm, vui mừng phấn chấn, lông tóc dựng đứng, nước mắt tuôn rơi thì biết người ấy đã từng thực hành Phật đạo trong nhiều đời, hoặc từng làm bồ tát trong cõi Phật ở phương khác”. Vì vậy, không luận là kẻ ngu muội hay người thông minh, nếu chí tâm niệm Phật thì đã gieo trồng căn lành sâu dày trong nhiều kiếp, đã phát tâm bồ đề rộng lớn. Tại sao vậy? Vì nói đến căn lành nghĩa là không chuyên nói về trí tuệ. Nếu không có căn lành thì cũng như hạt lúa bị cháy khô, không thể nào nảy mầm được. Bàn về chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như chuyện đánh cờ trong thế gian, có những người hèn mọn, dốt nát, một khi được học liền trở thành tay cờ cao thủ. Lại có những người trí thức tuy luyện tập suốt đời nhưng chỉ vụng về mà thôi. Nên biết, kỹ năng vặt vãnh đó mà không có cái nhân thì không được xuất sắc, huống chi Phật pháp tuyệt diệu. Nếu tin tưởng có cái pháp hiếm có khó tin kia thì người ấy là bồ tát phát tâm rộng lớn vô bờ bến.

9. Giải thích về nghi thành thai sinh

– Kinh Vô Lượng Thọ, đời Đường dịch: “Có người vì chưa ngộ tự tâm nên rơi vào vực thẳm nghi ngờ, hối hận nhưng mà người ấy biết tích tụ căn lành để mong cầu Phật trí, phổ biến trí, bất tư nghì trí, vô đẳng trí, oai đức trí, quảng đại trí. Đối với căn lành của người ấy, vì chưa tỏ ngộ nên không thể phát sinh niềm tin chân thật. Do nghe danh hiệu Phật, nên khởi dậy niềm tin cầu sinh về Tịnh Độ. Vì nhân duyên này, cho nên người ấy sinh trong thai sen đến năm trăm năm như cung điện, hoa viên, không thấy được Phật, không nghe được pháp. Đó là thai sinh’.

– Kinh Vô Lượng Thọ, Ngụy dịch: “Tuy không tỏ ngộ Phật trí nhưng người ấy tin tưởng tội phước, tu tập căn lành, nguyện sinh về cõi nước kia. Đó là thai sinh”.

– Kinh Vô Lượng Thọ, đời Tống dịch: “Có người tuy gieo trồng căn lành nhưng không thể lìa tướng, không mong cầu tuệ giác vô thượng. Vì vọng sinh phân biệt, người ấy tham đắm vào phước báo nhân gian, cái vui trong đời. Đó là thai sinh”.

– Bản của Vương Nhật Hưu ghi: “Có người tu tập công đức nguyện sinh về cõi kia. Về sau lại sinh tâm nghi ngờ, hối hận, không tin có cõi Phật kia, không tin làm lành được phước. Tuy vậy, người ấy lại có tâm niệm tạm thời tin, tạm thời không tin. Đến khi lâm chung, Phật liền hóa hiện thân hình khiến cho người ấy nhìn thấy. Vì tâm hối hận nên tội lỗi cũng giảm bớt, cũng được sinh về cõi kia. Đó là thai sinh”.

Hai bản dịch trước nói không tin tự tánh (đời Đường dịch), không tỏ ngộ Phật trí ( Ngụy dịch) là thai sinh.

Bản dịch đời Tống nói thẳng: tu tập các điều lành để mong cầu sinh vào cõi người, cõi trời. Đó là thai sinh, vì trong cõi Cực Lạc không có thai sinh. Còn bản dịch của Vương Nhật Hưu nói rằng, vì không tin cõi Phật, không tin tội phước, tạm thời tin, tạm thời nghi, nên gọi là thai sinh; khác với hai thứ vãng sinh trong các bản dịch trước là do nghe danh hiệu nên khởi dậy niềm tin (Đường dịch) và tu tập căn lành (Ngụy dịch và Tống dịch).

Tịnh Độ đại loại nói chín phẩm. Nếu nói rộng thì nhiều đến ngàn vạn phẩm cũng không thể nào kể hết cho được. Đời nay, trong cõi người, các loại phước báo, các loại tội nghiệp, loại nào cũng thiên sai vạn biệt. Cho nên, tuy các bản dịch có khác nhau nhưng đều là những lời nói chân thật. Trong đó, bản dịch đời Đường có đại ý rất sâu kín. Vì không tin căn lành của chính mình, vì dựa vào người khác khởi dậy niềm tin, nên gọi là nghi thành. Nếu tin vào quả lành của chính mình thì người ấy lập tức tỏ ngộ được tự tâm, không từ người khác mà được. Vì vào được cửa ngộ này, nên mới có thể thoát khỏi lưới nghi. Do vậy, nếu chưa tỏ ngộ mà tu thì rốt cuộc bị ngăn cách bởi thai nghi. Thai có nghĩa là bao bọc, ngăn che. Người chưa tỏ ngộ thì chưa phá hủy được các chướng. Phù hợp với kết quả này, người ấy được vào bậc trung phẩm hạ sinh, hạ phẩm thượng sinh. Tại sao vậy? Vì hạ phẩm trung sinh, hạ phẩm hạ sinh phải trải qua sáu kiếp, mười hai kiếp thì hoa sen mới bừng nở. Còn ở đây nói chỉ sinh trong thai sen đến năm trăm năm mà thôi. Nếu căn cứ vào bản của Vương Nhật Hưu thì người này tin tưởng Phật chưa mạnh mẽ bằng người hạ phẩm trung sinh, hạ phẩm hạ sinh. Lại nữa, sinh về biên địa của cõi kia không phải năm trăm năm mới thấy được Phật.

10. Giải thích về người phạm tội ngũ nghịch được vãng sinh

Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Chỉ trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, khinh chê chánh pháp và các thánh nhân”. Quán kinh ghi: “Những người tạo tội ngũ nghịch, thập ác, đến khi lâm chung, niệm Phật mười niệm đều được vãng sinh”. Nên biết, kinh Vô Lượng Thọ loại bỏ kẻ tạo tội ngũ nghịch và khinh chê chánh pháp. Tại sao vậy? Vì bước vào Tịnh Độ lấy niềm tin làm bâc thầy dẫn đường. Khinh chê là đối lập với niềm tin, như nước có thể chứa tất cả vật nhưng không chứa được lửa, vì lửa tự nó đối chọi với nước; như gió thổi vi vút vào tất cả chỗ nhưng không thể nào thổi vào đá được, vì đá tự nó ngăn cản gió. Người khinh chê chánh pháp, thiêu hủy chánh pháp cũng như ngọn lửa hung tàn; làm ngăn cách Phật trí cũng như vách sắt. Cho nên, biển pháp, gió tuệ không thể nào tiếp nhận được. Quán kinh loại bỏ kẻ khinh chê chánh pháp mà không loại bỏ kẻ tạo tội ngũ nghịch, nghĩa lý giống nhau mà lời văn lại khác. Vì tội ngũ nghịch, tuy là hung ác cực độ nhưng không có kiến giải một mực không tin, nên không loại bỏ. Thế nhưng, người có tâm rộng lớn, đầu tiên không tin tưởng. Về sau gặp được thiện tri thức chỉ dạy thì nhận thức sai lầm trước kia lập tức bị đổ vỡ như Hàn Xương Lê: ban đầu quở trách xá lợi Phật, sau này ông quy y Đại Điên, hoặc như Trương Vô Tận, trước tiên chống đối sách vở có liên quan với Phật giáo, muốn soạn ra luận Vô Phật. Về sau xem kinh Tịnh Danh mà giật mình tỉnh ngộ, rốt cuộc làm bậc kiệt xuất trong Thiền tông. Đó là những chuyện hiếm có trong Phật pháp. Vì thế, các nhà nho tài ba lỗi lạc, hoặc trước kia sai lầm, khinh chê Phật pháp, nhưng họ hối hận, sửa đổi rất mau, tức là việc làm tốt, không nên cho khinh chê Phật pháp là chướng nạn vậy.

    Xem thêm:

  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 3: Phân Biệt Thế Gian - Luận Tạng
  • Luận Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Về Sự Hiểu Biết Rõ Ràng - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Một Trăm Câu Hỏi Đáp Về Pháp Môn Niệm Phật - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ Thập Nghi - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 12 - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Lược Sớ - Luận Tạng
  • Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán - Luận Tạng
  • Luận Tứ Đế - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Luận Về Nhơn Duyên Bích Chi Phật - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh - Luận Tạng