1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 2

Chương II: DUYÊN KHỞI

Kẻ thích ngửi mùi hôi tanh thì không nhớ nghĩ đến hương thơm chiên đàn. Nhưng thật ra không phải như vậy, chỉ vì chẳng có tâm niệm chán bỏ mùi hôi tanh mà thôi. Bỗng nhiên, anh ta được dẫn vào nhà, xông đốt chiên đàn, trầm hương, chưa đầy một ngày thì đã buồn chán mùi hôi thối kia rồi. Sự thối tha nhơ bẩn của sinh tử mà chúng ta tham đắm còn hơn gấp bội sự hôi thối mà con ruồi, con nhặng ưa thích. Các đức Phật như nhà kinh doanh hương liệu lớn, vô cùng xót xa khi thấy các trời, người đắm chìm trong biển nhơ. Cho nên , đạo sư A Di Đà mở rộng cõi Hương Nghiêm, từ phụ Thích Ca chỉ xác thực cửa Tịnh Độ. Hết thảy người trong quả đất đều là đứa bé nghèo, nên một danh hiệu Phật chính là của cải, vốn liếng. Muốn kiểm nghiệm lời nói thành thật ấy thì chớ lìa mười niệm. Gặp chỗ hôi nhơ bịt mũi lâu ngày thì tự nhiên sinh tâm nhàm chán. Bây giờ đứng về phương diện dựng lập giáo nghĩa của Tây Phương, tôi trình bày đại khái mười nghĩa:

Vì một việc lớn.

Vì nhân đời trước thâm sâu.

Vì hiển bày quả đức.

Vì dựa vào tánh của nhân.

Vì thuận theo chúng sinh.

Vì tướng nhơ bẩn rỗng không.

Vì phương tiện thù thắng.

Vì dẫn đường cho nhị thừa.

Vì sức chịu đựng bền chắc.

Vì chỉ bày pháp chân.

1/ Một việc lớn

Chúng sinh ở cõi Ta Bà đầy dẫy năm yếu tố ô nhiễm, cũng như người bị giam cầm ở chốn ngục tù. Vì tội có nặng, nhẹ nên cam chịu những hình phạt khác nhau, hoặc phạm nhằm lỗi nhỏ, hoặc đâm đầu vào tội lớn. Tội lỗi tuy bất đồng nhưng nỗi khổ bị trói buộc bằng dây thừng, bị đánh đập bằng roi gậy, chưa có người nào tránh khỏi. Tại sao vậy? Vì người bước vào ngục đều là tội nhân. Ở cõi trời, cõi người, chúng sinh đều là thân nghiệp báo phần đoạn. Một khi vào ngục, tội nhân không có lúc nào chẳng mong cầu ra khỏi. Nỗi khổ trong ngục ấy thật là khó chịu. Ở ngoài bức tường thống khổ kia, từ phụ A Di Đà có thành lập thế giới đại an lạc. Hiện nay, chúng sinh lấy phiền não làm nhà, lấy sinh tử làm hoa viên, cũng như người trưởng tù ham mê áo mũ, mặc tình để cho vàng ngọc gông cùm. Họ đâu biết rằng núi đại Thiết Vi là bức tường gai góc, ngoài pháp trường ba cõi lại có ruộng đất quê nhà. Các đức Phật thương xót họ đến nỗi đau lòng xót dạ; vì thế phân biệt nhơ sạch, chỉ bày đường về Lạc Bang cho người xa quê đã lâu lang thang không biết về đâu. Các đức Phật lại xây dựng nhà cửa to lớn để cho họ an trú. Phật Thích Ca qua lại nơi cửa ngục để sửa sang con đường thoát khổ; Phật A Di Đà ở ngoài cửa ngục để xây cất nhà cửa. Cái ân như thế, thân nào có thể đền trả? Ôi! Phật Thích Ca đã soi sáng ngọn đuốc trong đêm dài ba cõi; Phật A Di Đà đã lật ngửa cái bồn sinh tử để tiếp dẫn chúng sinh. Các đức Phật không nỡ bỏ rơi chúng sinh. Tại sao chúng sinh mãi lưu luyến nỗi khổ triền miên? Kinh ghi: “Như Lai xuất hiện ở đời vì một việc lớn”. Việc lớn tức là việc này. Tất cả chúng sinh trở lại luyến tiếc việc nhỏ như mảy lông, lấy nhỏ đổi lớn, cam tâm chịu chết vì đói lạnh. Thật đáng thương thay !

2/ Nhân đời trước thâm sâu

1/ Chánh nhân

Chánh nhân tức là thể thanh tịnh tự nhiên của các hữu tình và của các đức Phật trong ba đời, như muôn hình vạn trạng đều dựa vào hư không, như núi sông dựa vào đất đai, như lúa mạ dựa vào hạt giống, như hoa quả dựa vào hạt nhân. Nếu không có cái nhân này thì quả Phật không bao giờ thành tựu. Tại sao vậy? Vì tất cả bi, trí đều dựa vào nhân này để thành lập. Hoa nghiêm hiệp luận của trưởng giả Lý Thông Huyền có nói: “Tạng thân của Như Lai tức là pháp thân, biển trí của các đức Phật đều ở trong đó, nên gọi là tạng. Nếu không thấy pháp thân thì tất cả phước, trí, đại từ, đại bi đều không đạt đến cứu cánh, rốt cuộc thuộc về sinh diệt”. Pháp thân chính là chánh nhân.

2/ Chánh nguyện

Bổn kinh (kinh Đại bổn A Di Đà) ghi:”Ở chỗ Thế Tự Tại Vương Như Lai, tỳ kheo Pháp Tạng phát bốn mươi tám lời thệ nguyện lớn. Nếu một nguyện nào không thành thì Ngài không ở địa vị chánh giác”. Đây là dựa vào vô lượng bi, trí của tự tánh phát ra nguyện lực không thể nghĩ bàn như vậy, chứ không phải thấy có chúng sinh ở ngoài tâm mà phát nguyện muốn cứu độ, vì chúng sinh không phải ở ngoài tâm.

3/ Chánh hạnh

Bổn kinh ghi: “Phát nguyện ấy rồi, an trú các công đức như thế, tu tập hạnh của bồ tát như thế trải qua vô lượng vô số ức trăm triệu trăm ngàn kiếp”. Kinh Nhất hướng xuất sinh bồ tát ghi: “Thuở xưa, Phật A Di Đà là thái tử nghe pháp môn vi diệu này thì tinh tiến phụng trì, trong bảy ngàn năm lưng không bén chiếu, không nghe việc khác, không tham luyến tiền của, vật quí, thường ở một mình, ý không lay động, lại giáo hóa tám ngàn ức vạn trăm triệu người được bất thoái chuyển”. Đây là sự hành trì của tự tánh , sự tinh tiến của tự tánh, chứ không phải làm công đức hữu vi. Tuy trải qua ức kiếp nhưng không lìa một niệm, vì pháp môn vi diệu lìa tất cả hạnh, tất cả kiếp.

Đó là chánh nhân, chánh nguyện, chánh hạnh, như ba điểm của chữ y D trong chữ Phạn, hễ thiếu một điểm thì không bao giờ thành chữ y. Việc ấy không phải làm mà được, cũng không phải không làm mà được. Tiên đức có câu: “Rễ sâu thì quả tốt, nguồn xa thì chảy dài”. Cái nhân đời trước đã thâm sâu thì giáo pháp phát triển cũng rực rỡ huy hoàng. Đúng thay lời này!

3/ Hiển bày quả đức

Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa nghiêm ghi: “Các đức Như Lai khởi tâm đại bi vì chúng sinh, do tâm đại bi nên phát tâm bồ đề, do tâm bồ đề nên thành tựu tuệ giác vô thượng, như bãi sa mạc rộng mênh mông có cây to nếu rễ cây hút được nước thì cành , lá, hoa, quả đều sum suê, xanh tốt. Cây bồ đề to lớn được vun trồng trên mảnh đất sinh tử vô cùng rộng lớn cũng theo đây suy ra mà biết. Tất cả chúng sinh là rễ cây; các đức Phật, các vị bồ tát là hoa, quả. Sử dụng nước đại bi tưới tẩm cho chúng sinh thì hoa, quả, trí tuệ của các đức Phật, các vị bồ tát có thể thành tựu”. Vì thế, nên biết, tất cả các đức Như Lai được quả Phật đều dựa vào chúng sinh. Nếu không có chúng sinh thì quả Phật không bao giờ thành tựu như vua nhà Hán: Vì cứu muôn dân nên xông pha vào trăm trận chiến; vì xông pha vào trăm trận chiến nên vua bước lên ngôi vị đại bảo; vì bước lên ngôi vị đại bảo nên trăm họ được an cư lạc nghiệp. Nếu không có trăm họ thì nhà vua không có sự nghiệp vĩ đại. Xét cho cùng, khi thực hiện một công đức, một sự việc, một lợi ích, một danh tiếng, nếu không có chúng sinh thì tất cả việc ấy không bao giờ thành tựu. Cho nên, ta không có chúng sinh thì không thành ta. Chúng sinh là y báo, ta là chánh báo; chúng sinh là chánh báo, ta là y báo; nhân ngã bình đẳng, y chánh vô ngại vì vốn tự nhiên như vậy. Tự nhiên tức là quả đức tự nhiên. Nếu hướng ở bên ngoài để thành lập thì không thành tựu nghĩa quả đức.

4/ Dựa vào tánh của nhân

Tất cả chúng sinh đều có tự tánh thanh tịnh như vậy, cũng như vàng ròng chế biến ra trâm, vòng xuyến, nịch khí (ống nhổ) v.v… Nịch khí là đồ chứa đủ thứ nhơ uế. Nếu đem nung vàng ấy chảy ra để làm đồ nữ trang thì nó cũng là vàng thôi. Phật, chúng sinh cũng đồng một tự tánh thanh tịnh như đồ vật kia, bên ngoài tuy thấy có sai biệt nhưng tính chất chỉ một mà thôi. Kẻ phàm phu tầm thường niệm Phật mười niệm liền được vãng sinh, vì sẵn có tự tánh thanh tịnh. Phật A Di Đà muốn tiếp nhận chúng sinh thì liền tiếp nhận được, vì sẵn có tự tánh thanh tịnh, cũng như ánh sáng trong gương chẳng phải do lau mà được. Sinh về Tịnh Độ thành tựu không phải do hạnh nguyện với niệm lực. Tại sao vậy ? Vì niệm lực hạnh nguyện như cái lò, cái búa… là những dụng cụ chỉ có thể chế biến vàng, chứ không thể nào sinh ra vàng được.

5/ Thuận theo chúng sinh

Trìu mến trẻ thơ nên cho trái cây, bánh ngọt. Yêu thương phụ nữ nên cho lụa là gấm vóc. Đồ vật mà tất cả chúng sinh ưa thích nhất chỉ là ngọc quý, y phục, thức ăn. Vì vậy, cõi Cực Lạc tự nhiên có các loại như: bảy chất liệu quý báu với lầu các nguy nga tráng lệ, y phục, đồ ăn, thức uống…như những đứa bé vui đùa rong chơi trong nhà lửa, nếu không có xe dê, xe nai… thì chúng nó không bao giờ chịu ra. Khi đã ra khỏi nhà lửa, người cha chỉ cho chúng nó chiếc xe lớn mà thôi. Hiện nay, Thích Ca Như Lai thuận theo tri kiến thường tình của chúng sinh nên nói tịnh độ, thất bảo của Phật A Di Đà. Vì chúng sinh thích cảnh như vậy, nên Ngài nói như vậy. Khi đã được vãng sinh thì tự thấy tướng gì cũng đều trong sạch, mầu nhiệm, vi tế, không thể nào tỷ dụ cho được. Khi ấy, họ mới biết lưu ly, xa cừ, mã não như ngói đá, cũng như người quyền quý nói với đứa bé nhà quê về sự mỹ lệ của cung điện nhà vua bằng cách so sánh với những thứ vô cùng quý báu của người ấy thì đứa bé kia cũng không làm sao hiểu được, như nói với người đui mù về màu sắc, cũng không cách nào để so sánh cho họ hiểu được.

6/ Tướng nhơ bẩn rỗng không

Trí luận ghi: “Ví như người kia có một đứa con vui đùa trong chỗ nhơ bẩn, nó tích tụ đất làm lúa mạ, lấy cỏ cây làm chim muông rồi trở lại sinh tâm yêu mến. Bất ngờ, có người khác đến tước đoạt đồ chơi của nó, nó giận hờn, òa khóc nức nở. Khi suy xét, người cha biết đứa con này chỉ vì yêu mến đồ chơi. Việc ấy cũng dễ rời bỏ, vì khi lớn khôn nó sẽ thôi. Tại sao vậy? Vì đồ vật ấy không thật. Bồ tát quán sát chúng sinh yêu mến tấm thân hôi nhơ và ngũ dục cũng đại loại như vậy. Nếu chúng sinh thành tựu ngũ căn thì lập tức chúng sinh có thể lìa bỏ những thứ ấy. Nếu đồ vật mà đứa bé chấp đó là thật thì dù đến trăm tuổi nhưng cố chấp kia càng cứng chắc hơn. Nếu các pháp mà chúng sinh đang chấp là thật thì dù thành tựu ngũ căn nhưng chúng sinh cũng không thể nào buông bỏ được. Nhưng vì thấy các pháp rỗng không, dối trá, không thật nên dứt bỏ được dễ dàng. Như Lai nói pháp môn Tịnh Độ vì chúng sinh cũng đại loại như vậy. Vì chúng sinh chấp chặt sự vật dối trá nên dễ giáo hóa, như con người lúc thiếu niên đam mê sắc dục, lúc tráng niên ưa thích quan tước, đến lão niên ham muốn lợi lộc. Nếu những thứ ấy đáng ưa thì không thay lòng đổi dạ theo năm tháng. Vì dễ đổi thay nên Như Lai nói về Tịnh Độ thì chúng sinh cũng vui, cũng thích, cũng ham, như người trong mộng được kêu liền tỉnh dậy. Nếu mộng là thật thì có kêu gọi dậy cũng vô ích mà thôi. Do đó, các đức Phật nói pháp môn như thế vì tất cả chúng sinh.

7/ Phương tiện thù thắng

Phương tiện thù thắng này không phải tự lực, không phải tha lực, do trong biển tự tánh có đầy đủ công đức tự tại nên tất cả đều sẵn đủ. Vì thế, một câu thánh hiệu lại không phiền hà, mười niệm thành công vượt hơn nhiều kiếp như muôn lời phẫn nộ do sức của gió từ dưới đưa lên cửa miệng nên phát ra được rõ ràng; như hang sâu tăm tối nhờ vầng dương soi chiếu nên được sáng sủa; như hang ổ của loài kiến nhỏ bằng một sợi tơ mà có thể xuyên vỡ bờ đê, đó là nhờ sức của nước, chứ không phải sức của kiến; như cánh buồm bằng cỏ lát có thể đẩy chiếc thuyền muôn hộc, đó là nhờ sức của gió chứ không phải sức của cỏ lát. Tất cả những việc ấy hiện bày đều là năng lực của pháp giới tánh hải vô tác, vô vi không thể nghĩ bàn, chứ không phải tự, không phải tha, tất cả đều sẵn đủ. Phương tiện thù thắng như thế là con đường tắt trong các con đường tắt. Kẻ bỏ phương tiện này, không tu tập thì thật là ngu si.

8/ Dẫn đường cho nhị thừa

Các vị nhị thừa trốn tránh cảnh, hướng đến chỗ vắng lặng để chứng nhập niết bàn không thật, không được pháp thân Như Lai, thọ, hoặc, nghiệp, khổ. Có bốn nguyên do:

Do vô minh trụ địa nên không đắc quả ba la mật Tịnh, diệt hết các phiền não cấu trược và tập khí hôi thối.

Do vô minh trụ địa có hành hư vọng chưa trừ diệt nên không đắc quả ba la mật Ngã vô tác, vô hành.

Do hư vọng vi tế khởi nghiệp vô lậu, ý sinh các ấm chưa trừ hết nên không đắc quả ba la mật Lạc, cực diệt viễn ly.

Do sinh tử biến dịch đứt nối không ngừng nên không đắc quả ba la mật Thường, cực vô biến dịch.

Vì bốn thứ nghiệp hoặc đó, nên những vị ấy chưa chứng nhập chân lý. Vì thương xót họ, Như Lai chỉ dạy chuyển tâm đoạn diệt, tu hạnh Tịnh Độ khiến cho họ biết ngay nơi không mà chẳng đoạn, ngay nơi có mà chẳng thường, cưỡi trí đại thừa vào biển niết bàn.

9/ Sức chịu đựng bền chắc

Bồ tát Long Thọ nói rằng: “Đồng tử trên bốn tuổi, dưới hai mươi tuổi gọi là đồng tử địa. Nếu bồ tát mới sinh vào nhà của bồ tát thì cũng như đứa bé. Bồ tát đắc vô sinh pháp nhẫn cho đến thập trụ địa lìa các việc ác cũng gọi là đồng tử địa. Muốn được địa ấy, bồ tát nên học bát nhã ba la mật, bao giờ cũng không muốn rời các đức Phật”.

Hỏi: Bồ tát nên giáo hóa chúng sinh, tại sao bồ tát lại không muốn rời các đức Phật?

Đáp: Khi bồ tát chưa chứng nhập địa vị của bồ tát, chưa được thọ ký bất thoái chuyển, nếu bồ tát xa lìa các đức Phật thì các căn lành dễ hư, chìm trong phiền não, không thể độ chính mình, làm sao có thể độ người? Như người giong thuyền ra biển mà thuyền bị hư hỏng, muốn cứu người khác mà chính mình bị chết chìm; như kẻ sử dụng vài giọt nước sôi dội vào tảng băng, băng tuy tan được ít chỗ nhưng nước sôi trở lại thành băng. Khi chưa chứng nhập chân như, nếu bồ tát xa lìa các đức Phật, đem công đức chút ít để hóa độ chúng sinh mà không có sức phương tiện thì tuy được lợi ích nhỏ nhặt, nhưng bồ tát sẽ bị sa ngã. Vì thế, các bị bồ tát tân học không nên xa lìa các đức Phật.

Hỏi: Nếu nói như thế thì tại sao không nói rằng bồ tát không nên xa lìa thanh văn, bích chi Phật. Thanh văn, bích chi Phật cũng có thể làm lợi ích cho bồ tát chứ ?

Đáp : Bồ tát có tâm lượng rộng lớn. Tuy thanh văn, bích chi Phật có niết bàn lợi ích nhưng vì các vị ấy không có nhất thiết chủng trí, cho nên không thể nào giáo hóa, dẫn dắt bồ tát được. Nhất thiết chủng trí của các đức Phật mới có thể giáo hóa, dẫn dắt bồ tát. Khi voi lún sình, nếu không nhờ voi khác thì không thể nào bước lên được. Bồ tát cũng như vậy, nếu bồ tát sa vào trong phi đạo thì chỉ có Phật mới có thể cứu được mà thôi, vì bồ tát với Phật đồng một đạo đại thừa. Do đó mà nói bồ tát thường không muốn lìa các đức Phật.

Lại nữa, bồ tát nghĩ rằng: “Tôi chưa đắc Phật nhãn, tôi không khác chi người mù. Nếu không được Phật vạch lối chỉ đường thì tôi không biết phương hướng tiến lên, lạc vào ngoại đạo. Giả sử được nghe Phật pháp rồi đến nơi khác thực hành thì cũng chưa biết thời tiết giáo hóa và hành pháp ở mức độ nào!”

Lại nữa, bồ tát thấy Phật được vô lượng lợi ích: mắt thấy Phật thì tâm thanh tịnh; nếu tai nghe được lời thuyết pháp thì tâm được pháp lạc, được đại trí tuệ, tùy pháp tu hành để được giải thoát. Gặp Phật được vô lượng lợi ích như thế, chẳng lẽ bồ tát không nhất tâm thường mong muốn thấy Phật sao? Như đứa bé không nên rời bỏ mẹ hiền, như đi đường không nên rời bỏ lương thực, như tiết trời gay gắt không nên rời bỏ nước lạnh, gió mát, như lúc rét buốt không nên rời bỏ ngọn lửa , như qua khúc sông sâu không nên rời bỏ thuyền bè, như người bị bệnh không nên rời bỏ thầy thuốc. Bồ tát không xa lìa các đức Phật còn hơn những việc kể trên. Tại sao vậy? Vì cha mẹ, thân thuộc, người tri thức, trời, vua…đều không có sự lợi ích bằng Phật. Bồ tát gặp Phật được những lợi ích: lìa bỏ các chỗ khổ, cư trú vào mảnh đất của Thế Tôn. Vì những lẽ ấy, bồ tát thường không nên xa lìa các đức Phật.

Hỏi: Pháp hữu vi giả dối, không thật, không đáng tin cậy, tại sao lại nói được như nguyện, không lìa các đức Phật?

Đáp: Vì phước đức, trí tuệ đầy đủ nên mới gặp được Phật, huống chi là không xa rời các đức Phật. Chúng sinh vì tạo nhân duyên tội lỗi từ vô lượng kiếp nên không được như nguyện. Chúng sinh tuy có tu tập phước đức nhưng trí tuệ kém cỏi, tuy có tu tập trí tuệ nhưng phước đức kém cỏi. Do vậy, các điều nguyện không được thành tựu. Bồ tát cầu Phật đạo phải thực hành hai nhẫn là sinh nhẫn và pháp nhẫn.

– Vì thực hành sinh nhẫn, đối với tất cả chúng sinh phát tâm từ bi nên tiêu diệt tội từ vô lượng kiếp, được vô lượng phước đức.

– Vì thực hành pháp nhẫn, phá bỏ các pháp vô minh nên được vô lượng trí tuệ.

Hai hạnh ấy đi đôi với nhau thì nguyện nào mà không thành tựu? Vì vậy, đời đời, bồ tát không bao giờ xa lìa các đức Phật.

Lại nữa, bồ tát vì thường ưa thích niệm Phật nên khi bỏ thân cũ thọ thân mới, bồ tát thường gặp được Phật, như tâm của chúng sinh quen theo thói dâm dục nặng nề thì mang thân dâm điểu: chim khổng tước, uyên ương v.v … Tâm của chúng sinh quen theo thói giận dữ thì sinh vào trong loài độc trùng: rồng dữ, la sát, rết, rắn độc v.v… Tâm bồ tát kia không ham muốn phước báo cõi người, cõi trời, địa vị của chuyển luân thánh vương mà chỉ niệm các đức Phật. Do đó, tùy theo sự ưa thích của tâm mà mang lấy hình hài.

Lại nữa , bồ tát thường khéo tu Niệm Phật tam muội. Vì nhân duyên ấy cho nên sinh ra ở bất cứ chỗ nào, bồ tát cũng thường gặp được các đức Phật. Luận Tịnh độ hoặc vấn của Thiên Như có ghi: “Bậc tỏ ngộ trong Thiền tông đã gọi là thấy tánh thành Phật, tại sao lại cầu sinh về Tịnh Độ ?

Đáp: Bậc tỏ ngộ chính là người nguyện cầu sinh về Tịnh Độ. Chỉ vì ông chưa tỏ ngộ nên mới hỏi như thế. Giả sử ông đã tỏ ngộ rồi thì muôn trâu không kéo lại được tâm niệm cầu sinh về Tịnh Độ của ông.

Hỏi: Người học đạo chỉ lo âu việc lớn chưa sáng mà thôi. Nếu việc lớn đã sáng thì nên thực hành theo lời Phật dạy, tùy loài hóa thân, không khiếp sợ sinh tử, lao vào chỗ bùn lầy nước đọng để độ khắp sinh linh. Tại sao lại cầu sinh về Tịnh Độ chán khổ , tìm vui ?

Đáp: Ông cho rằng sau một khi tỏ ngộ đã quét sạch phiền não, tập khí, liền được bất thoái chuyển sao? Và cũng không còn học khắp Phật pháp, không cần phải tu tập thêm nữa để chứng các quả vị sao? Hay ông lại nghĩ rằng sau một khi tỏ ngộ liền có thể ngang bằng với các đức Phật, lao vào sinh tử mà không bị quấy nhiễu bởi các chướng duyên ? Nếu thật như thế thì các vị đại bồ tát tu lục độ vạn hạnh trải qua số kiếp như cát của sông Hằng cũng đều hổ thẹn với ông ! Người xưa có nói: “Thanh văn còn bị mê muội khi ra khỏi bào thai. Bồ tát cũng bị hôn mê khi bỏ thân cũ thọ thân mới”. Huống chi thời gian gần đây, người ngộ giải kém cỏi, tự cứu chính mình còn chưa xong. Tuy họ có trình độ tỏ ngộ thâm sâu, có trí thông hiểu cao sáng, có kiến giải và thực hành đi đôi với nhau, có muốn độ người khác, nhưng ngặt vì chưa bước lên địa vị bất thoái chuyển cho nên năng lực tu tập chưa được trọn vẹn; ở thế giới ô nhiễm này mà giáo hóa chúng sinh kiên cường, đó là điều tiên thánh chưa cho phép, như kẻ sử dụng chiếc thuyền đóng chưa xong, không bền chắc, muốn đưa nhiều người qua biển cả sóng to gió lớn thì tự mình và người đều bị đắm chìm. Việc ấy không bao giờ tránh khỏi. Luận Vãng sinh ghi: “Hành giả muốn tham quan cửa địa ngục thì phải sinh về cõi kia. Khi chứng nhập vô sinh pháp nhẫn rồi, hành giả sẽ trở vào con đường sinh tử nguy ngập để cứu chúng sinh khổ. Vì nhân duyên ấy, cho nên hành giả phải nguyện cầu sinh về Tịnh Độ”.

Lại nữa, tiên thánh có nói: “Chưa bước lên địa vị bất thoái chuyển thì hành giả không nên lẫn lộn vào cõi đời trần tục để độ sinh, chưa chứng nhập vô sinh pháp nhẫn thì không nên xa lìa các đức Phật, như đứa bé không nên xa mẹ, như chim non chỉ nên chuyền cành”. Ngày nay, trong cõi này, Phật Thích Ca đã nhập diệt, Phật Di Lặc chưa ra đời, nỗi khổ của bốn đường dữ, nhân quả dây dưa, tà ma ngoại đạo, thị phi rối loạn; sắc đẹp, tiếng dâm thường quyến rũ; cảnh hư, duyên ác mãi bao quanh. Thực trạng ấy đã không gặp Phật để nương tựa, lại bị quấy rối bởi hoàn cảnh, những người sơ tâm ngộ đạo ít có ai không bị thoái lui? Vì vậy, Thế Tôn ân cần chỉ dẫn về Cực Lạc là có lý do. Bởi lẽ, Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp, cảnh duyên nào ở Cực Lạc cũng đều thanh tịnh. Nếu nương nhờ Phật kia thì nhẫn lực dễ thành, Phật thừa dễ chứng; hành giả sẽ được thọ ký. Về sau tới lui tự tại vô ngại để ứng hóa độ sinh.

Các thiền giả ngày nay phần nhiều không xét thấu đáo đến liễu nghĩa của Như Lai, không biết huyền cơ của Đạt Ma, kiến giải thì rỗng không mà tâm lý kiêu căng đã thành thói quen ngông cuồng. thấy người tu Tịnh Độ, họ cười chê và nói: “Người kia học việc làm của kẻ ngu dốt”. Tôi thường cho rằng những người ấy không phải khinh miệt kẻ ngu dốt mà chính là khinh miệt Văn Thù, Phổ Hiền, Long Thọ, Mã Minh v.v… Chẳng những họ tự mê chánh đạo, tự mất căn lành, tự bỏ quên tuệ thân, tự để tiêu mất hạt giống Phật mà còn kết thành nghiệp chê bai pháp, tự rước lấy tai họa của sự khinh thánh. Phật, tổ thấy vậy xót xa da diết!

Cho nên, hòa thượng Vĩnh Minh buồn thương thống thiết, phơi bày tâm can, chủ trương Tịnh Độ. Ngài đã tự tu lại còn giáo hóa đời. Đến khi lâm chung có các hiện tướng thù thắng. Đến khi trà tỳ, xá lợi thu được rất nhiều; sinh thẳng về Cực Lạc ở bậc thượng phẩm đến nỗi Diêm La cho là hiếm có, họa tượng kính lễ. Vĩnh Minh đã tỏ ngộ thiền trực chỉ của Đạt Ma lại gởi thân về Cực Lạc. Lấy sự kiện này để giải thích về lối chấp sai lầm của thiền giả, để gây niềm tin khích lệ cho chúng sinh thời mạt pháp. Quả thật, Ngài có công lớn đối với bên Tông cũng như bên Giáo.

Không chỉ Vĩnh Minh làm được những việc như thế mà còn có thiền sư Tử Tâm Tân viết văn khuyên tu Tịnh Độ. Trong bài văn khuyên tu Tịnh Độ của thiền sư Chơn Yết Liễu có đoạn ghi: “Tại sao người trong tông Tào Động ngoài sự tập thiền lại còn mật tu Tịnh Độ? Vì pháp môn Niệm Phật là con đường tắt trong các lối tu hành. Xem trong Đại Tạng, pháp môn này chẳng những tiếp nhận bậc thượng thượng căn mà còn tiếp nhận căn cơ trung, hạ … Các vị rất tài giỏi trong Tông môn đã ngộ pháp chẳng không chẳng có, lại giữ vững lập trường chăm chăm về tịnh nghiệp, vì sự thấy Phật của tông Tịnh Độ rất giản dị hơn Tông môn”. Lại nói rằng: “Dù Phật, dù tổ, bên giáo, bên thiền đều tu tịnh nghiệp, đều trở về một cội nguồn mà thôi. Hễ bước vào được pháp môn này thì hành giả có thể bước vào được vô lượng pháp môn khác”.

Đến như thiền sư Thiên Y Hoài, thiền sư Viên Chiếu Bổn, thiền sư Từ Thọ Thâm, thiền sư Nam Nhạc Tư, thiền sư Pháp Chiếu, thiền sư Tịnh Yết, thiền sư Tịnh Từ Đại Thông, thiền sư Thiên Thai Hoài Ngọc, thiền sư Đạo Trân đời Lương, thiền sư Đạo Xước đời Đường, thiền sư Tỳ Lăng Pháp Chân, thiền sư Cô Tô Thủ Nột, thiền sư Bắc Giản Cư Giản, thiền sư Thiên Mục Tri Lễ, v.v…là các đại lão thiền sư, là các vị rất tài giỏi trong Thiền môn. Xét cho cùng, chỗ mật tu và hiển hóa đều phát dương ý chỉ Tịnh Độ. Tuy không ước hẹn nhưng đồng đường”. Nếu nói rộng như chánh văn thì không thể nào ghi hết cho được. Vì thế, nên biết, bậc mật tu Thiền tông không lìa Tịnh Độ, người sơ tâm đốn ngộ chưa ra khỏi hạng đồng chân. Nếu hành giả đã bước vào cửa Tịnh Độ này thì mới bảo đảm bất thoái.

10/ Chỉ bày pháp chân

Tất cả pháp môn tu hành nói không tức là đoạn, nói có tức là thường, chưa phải là cứu cánh. Chỉ có pháp môn Niệm Phật tam muội này thì ngay nơi niệm mà tịnh, nên tịnh chẳng phải là không; ngay nơi tịnh mà niệm, nên niệm chẳng phải là có. Đạt được cái tịnh không chỗ nương tựa tức là thể của niệm. Rõ được niệm vốn lìa niệm tức là dụng của tịnh. Do đó, chẳng phải ngoài tịnh có chủ thể niệm để niệm tịnh. Nếu ngoài tịnh có chủ thể niệm thì phải có đối tượng được niệm. Vì còn có đối tượng nên chẳng phải là tịnh. Mặt khác, chẳng phải ngoài cái niệm còn có cái trạng thái tịnh để nhập vào các niệm. Nếu ngoài cái niệm có cái trạng thái tịnh thì cái tịnh ấy còn đối đãi. Vì còn đối đãi nên chẳng phải là tịnh. Nên biết, các đức Phật thuận theo tâm tịch diệt để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào tất cả cửa tịch diệt. Các đức Phật thuận theo tâm thường, lạc, ngã, tịnh để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào cửa thường, lạc, ngã, tịnh. Các đức Phật thuận theo tâm chúng sinh bình đẳng để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào tất cả cửa chúng sinh bình đẳng. Các đức Phật thuận theo nghiệp đại bi, đại trí để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào tất cả cửa nghiệp đại bi, đại trí . Các đức Phật thuận theo nghiệp vô tác, vô vi không thể nghĩ bàn để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào tất cả cửa vô tác, vô vi không thể nghĩ bàn. Các đức Phật thuận theo tánh phiền não, trần lao để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào tất cả cửa phiền não, trần lao. Các đức Phật thuận theo tướng hạt cải, hạt bụi để trang nghiêm tịnh độ. Vậy, người niệm Phật cầu sinh về tịnh độ là đang đi vào cửa hạt cải, hạt bụi .

Tất cả pháp môn lớn đã nói ở trên, chỉ cần một tiếng A Di Đà Phật thì đều chứng nhập tất cả. Nhưng, không có chủ thể chứng nhập, không có đối tượng được chứng nhập. Nếu không phải như thế thì đó là tịnh hữu dư. Niệm Phật tam muội thì không phải như vậy.

    Xem thêm:

  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 3: Phân Biệt Thế Gian - Luận Tạng
  • Luận Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Về Sự Hiểu Biết Rõ Ràng - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Một Trăm Câu Hỏi Đáp Về Pháp Môn Niệm Phật - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ Thập Nghi - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 12 - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán - Luận Tạng
  • Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Lược Sớ - Luận Tạng
  • Luận Tứ Đế - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Luận Về Nhơn Duyên Bích Chi Phật - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng