1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 6

Chương VI: XỨNG TÁNH

Tất cả thánh hiền đều tu tập xứng hợp với tự tâm . Vì pháp tánh vô biên, nên biển hạnh không thể nào lường được. Cho nên, trong một giây phút đã trải qua khắp ba vô số kiếp hoặc đã trải qua số kiếp như cát của sông Hằng mà chưa đầy một niệm. Bàn luận về phạm vi của các địa vị cũng như nói về các dấu chim bay. Nói về bóng dáng của thời gian quá khứ, hiện tại cũng như nói về giọt nước mắt phơi ngoài nắng gắt, như nụ hoa rơi rụng trước cơn gió lốc, như loài không có chân mà muốn chạy nếu bỏ từ phụ A Di Đà thì làm sao đi đến chỗ giải thoát? Căn cơ chậm lụt mà muốn chứng quả nhanh chóng, nếu biết hướng về Tây Phương thì không còn cách xa, như năm màu sắc, màu đen là màu sau cùng; như muôn ngàn dòng dòng sông, cuối cùng đều tuôn chảy về biển cả. Nay đứng về phương diện các hạnh của đại thừa tóm thu vào một hạnh, tôi trình bày đại khái năm môn:

Hạnh tín tâm.

Hạnh chỉ quán.

Hạnh lục độ.

Hạnh bi nguyện.

Hạnh xứng pháp.

1. Hạnh tín tâm

Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Niềm tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của tất cả công đức”. Tất cả các hạnh đều lấy niềm tin làm chánh nhân cho đến viên mãn quả bồ đề chỉ là hoàn thành cái gốc niềm tin này, như hạt lúa gieo xuống đất, đến khi thu hoạch cũng không khác với hạt lúa đã gieo; như măng tre non mới nhú, đến khi có cành lá rậm rạp thì trước sau chỉ là một gốc. Bồ tát mới phát tâm đều dựa vào năng lực của niềm tin này để thành tựu. Tất cả người tu Tịnh Độ hoàn toàn dựa vào niềm tin này làm căn bản:

– Một là tin căn bản trí, bất động trí của Phật A Di Đà với ta không khác, như khoảng hư không mà mặt trời chiếu soi thì sáng tỏ, mây đen che khuất thì thì tối tăm mù mịt. Hư không vốn không có tánh sáng, tối. Vậy thì mây với mặt trời không ngoài thể của hư không.

– Hai là tin Phật A Di Đà từ khi phát nguyện đến trăm triệu kiếp, Ngài làm được tất cả việc khó làm, nhẫn được nhiều điều khó nhẫn. ta cũng có khả năng làm được như thế. Tại sao vậy? Vì ta tự nhớ lại từ kiếp vô thỉ nổi chìm liên miên trong ba đường dữ, chịu sự sinh khổ, chết khổ, mang lông đội sừng khổ, nằm giường sắt, ôm cột đồng khổ. Tất cả nỗi khổ vô ích ấy, ta đều có khả năng chịu đựng được; huống chi ngày nay, vạn hạnh cứu vớt chúng sinh của bồ tát, chẳng lẽ ta không thể thực hành được sao?

– Ba là tin Phật A Di Đà có vô lượng trí tuệ, vô lượng thần thông và thành tựu vô lượng nguyện lực. Ta cũng sẽ được như thế. Tại sao vậy? Vì trong tự tánh phương tiện của Như Lai có đủ các việc không thể nghĩ bàn như thế, mà ta với Như Lai cũng đồng một thể tự tánh thanh tịnh.

– Bốn là tin Phật A Di Đà không đến, không đi. Ta cũng không đến, không đi. Cõi Ta Bà và cõi Tây Phương không ngăn cách đường tơ kẽ tóc, nếu ta muốn thấy thì liền thấy. Tại sao vậy? Vì tất cả các đức Phật đều lấy pháp tánh làm thân, làm cõi nước.

– Năm là tin Phật A Di Đà tu hành trải qua số kiếp cho đến khi chứng quả không dời đổi một giây phút. Nay ta cũng không dời đổi một giây phút mà ngang bằng địa vị của các đức Phật. Tại sao vậy? Vì sự phân chia thời gian là thuộc về nghiệp, mà trong biển pháp giới thì nghiệp không có bản chất chân thật.

Tin hiểu như thế chính là tâm đầu tiên để bước vào đạo, tức là tin hạnh tịnh độ của tất cả các đức Phật.

2- Hạnh chỉ quán

Xưa nay, đối với các kinh như kinh Viên giác, kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm và các kinh Phương đẳng, các học giả trình bày rộng về các môn quán. Chỉ có ba pháp quán của tông Thiên Thai trình bày rất thẳng tắt, chỉ bày phương tiện của nhất tâm, là tập hợp chỗ trọng yếu của các pháp, là con đường tắt của sự tu hành, không có một pháp nào vượt qua ba pháp quán này. Tông chỉ của Tây Phương có mười sáu pháp chánh quán. Thế nhưng, trong pháp quán nào cũng bao hàm ba nghĩa này. Tông Thiên Thai giảng kinh trực tiếp sử dụng ba đế để tóm thu mười sáu pháp quán kia. Sách Diệu tông sao ghi: “Trong tánh, thể của ba đức là ba thân của các đức Phật. Ngay nơi ba thân, ba đức này là ba pháp quán ở trong nhất tâm của ta. Nếu không phải như vậy thì thấy ở bên ngoài có Phật, cảnh không phải là tâm. Vậy thì làm sao gọi là pháp quán tuyệt đối của viên tông được? Cũng có thể bảo rằng ba thân của A Di Đà là pháp thân, ba pháp quán của ta là bát nhã. Khi pháp quán thành tựu thì thấy Phật tức là giải thoát. Nói một pháp quán mà đầy đủ cả ba nghĩa, như chữ y ∆ trong chữ Phạn. Quán Phật đã như vậy thì quán y báo, chánh báo cũng không khác”. Nếu muốn hiểu rộng thì xem trong Sớ sao. Ở đây không thể nào thuật lại đầy đủ cho được. Đến như thiền sư Ôn Lăng chỉ dùng một tiếng niệm Phật nhập vào ba pháp quán. Nói niệm Phật đủ cả ba pháp quán thì cũng như nói ngay một tiếng niệm Phật liền thấu suốt thể của chủ thể niệm này rỗng không, nên đối tượng niệm cũng không có tướng. Như vậy, ngay khi niệm Phật có Không quán; đức Phật đối tượng tức là ứng thân, tức là cái tâm phá kiến tư hoặc. Tuy thể của chủ thể niệm rỗng không, đối tượng niệm không có tướng, nhưng không ngại sự rõ ràng của chủ thể niệm, sự hiện bày của đối tượng niệm. Như vậy, ngay khi niệm Phật có Giả quán; đức Phật đối tượng tức là báo thân, tức là cái tâm phá trần sa hoặc. Mặt khác, ngay khi chủ thể niệm, đối tượng niệm đều rỗng không tức là chủ thể niệm, đối tượng niệm hiện bày. Ngay khi chủ thể niệm, đối tượng niệm hiện bày tức là chủ thể niệm, đối tượng niệm vắng lặng. Do đó, Không quán, Giả quán tồn tại lẫn nhau. Như vậy, ngay khi niệm Phật có Trung quán; đức Phật đối tượng tức là pháp thân, tức là cái tâm phá vô minh hoặc. Cho nên, ngay cái nhân niệm Phật thì rốt cuộc đầy đủ cả ba đế, bốn cõi tịnh độ kia thanh tịnh như cầm một hạt bụi rồi biến đất đai thành vàng ròng.

Đây chính là môn quán pháp giới viên dung không thể nghĩ bàn.

3- Hạnh lục độ

Luận Đại thừa khởi tín ghi: “Từ sơ chánh tín trở lại, đến khi sắp đủ vô số kiếp thứ nhất, ở trong pháp chân như, bồ tát hiểu sâu sắc sự tu tập hiện tiền vốn lìa tướng. Vì biết thể của pháp tánh xa lìa tham lam, nên bồ tát tùy thuận pháp tánh tu tập bố thí ba la mật. Vì biết pháp tánh không nhiễm ô, xa lìa tội lỗi của ngũ dục, nên bồ tát tùy thuận pháp tánh tu tập trì giới ba la mật. Vì biết pháp tánh không khổ, xa lìa phiền não giận hờn, nên bồ tát tùy thuận pháp tánh tu tập nhẫn nhục ba la mật. Vì biết pháp tánh không có tướng của thân tâm, xa lìa sự lười biếng, nên bồ tát tùy thuận pháp tánh tu tập tinh tiến ba la mật. Vì biết pháp tánh thường định, thể không có loạn động, nên bồ tát tùy thuận pháp tánh tu tập thiền định ba la mật. Vì biết thể của pháp tánh sáng suốt, xa lìa vô minh, nên bồ tát tùy thuận pháp tánh tu tập bát nhã ba la mật”. Luận Trí độ ghi: “Vì quán sát tất cả các pháp đều tất cánh không, nên bồ tát không sinh tâm tham lam. Tại sao vậy? Vì trong tất cánh không không có tham lam , vì gốc rễ của tham lam đã bị chặt đứt cho đến bồ tát quán sát bát nhã ba la mật tất cánh không, nên bồ tát không bao giờ sinh tâm si mê. Sở dĩ như vậy là tại sao? Vì Phật nói tất cả các pháp không có cho, không có nhận, không có giới, không có phạm cho đến không có trí mà cũng không có ngu”. Lại nói: “Bồ tát tuy bố thí nhưng không thấy có sự bố thí, vì bồ tát bố thí mà tâm rỗng rang thanh tịnh. Bồ tát suy nghĩ: Sự bố thí kia thì rỗng không, không có gì cả, vì chúng sinh cần nên bồ tát cho, như đứa bé lấy đất làm vàng bạc, người lớn không thấy đó là vàng bạc nên hào phóng cho nó, nhưng thật ra cho mà như không cho”. Năm pháp kia cũng theo đây suy ra mà biết. Đó là nói bồ tát tu tập lục độ. Còn người tu Tịnh Độ thì không có danh tướng sai biệt như vậy, cũng không có hạnh nào vượt qua được một hạnh Niệm Phật này mà đầy đủ sáu nghĩa:

1- Xả bỏ các tạp niệm là thực hành bố thí. Lại nữa , vì chuyên chú vào tiếng niệm Phật, nên tâm không có trụ niệm, không có xả niệm. Đó là bố thí xứng hợp với tự tánh.

2- Trong niệm nào cũng đều tanh tịnh, đó là thực hành trì giới. Lại nữa, vì chuyên chú vào tiếng niệm Phật, nên tâm không mong cầu diệt các niệm. Đó là trì giới xứng hợp với tự tánh.

3- Những niệm lăng xăng về thế gian đều lặng lẽ, đó là thực hành nhẫn nhục. Lại nữa, vì chuyên chú vào tiếng niệm Phật, nên tâm không dính dáng đến sự dẹp các niệm. Đó là nhẫn nhục xứng hợp với tự tánh.

4- Tất cả các niệm đều không lui sụt, đó là thực hành tinh tiến. Lại nữa, vì chuyên chú vào tiếng niệm Phật, nên tâm không chấp vào các khổ hạnh. Đó là tinh tiến xứng hợp với tự tánh.

5- Đắc Niệm Phật tam muội, đó là thực hành thiền định. Lại nữa, vì niệm nào cũng đều là Phật, nên tâm không đắm say thiền vị. Đó là đại định.

6- Thấu suốt được cái nhân của việc niệm Phật là ngay khi niệm tức là Phật, đó là thực hành trí tuệ. Lại nữa, vì niệm vốn chẳng phải có, Phật vốn chẳng phải không, nên tâm không rơi vào lối chấp đoạn, thường. Đó là nhất thiết chủng trí.

Cho nên, một môn Niệm Phật có thể tóm thu các hạnh. Tại sao vậy? Vì Niệm Phật là pháp môn nhất tâm, ngoài tâm không có các hạnh nào khác, nhưng cũng không phế bỏ các hạnh. Nếu phế bỏ các hạnh thì cũng tức là phế bỏ tâm.

4- Hạnh bi nguyện

Các đức Phật, các vị bồ tát có biển tánh vô tận, có sự cúng dường, sự trì giới, sự bố thí vô tận cho đến làm nhiều sự lợi ích cũng vô tận, như Phổ Hiền phát mười đại nguyện: “Khi cõi hư không, cõi chúng sinh không cùng tận, thì nguyện này của ta cũng không cùng tận. Nghiệp lành của thân, miệng, ý luôn luôn hoạt động tích cực gọi là nguyện vương”. Tất cả các đức Phật đều thành tựu nguyện vương như thế, cho nên chứng quả niết bàn tối hậu. Bốn môn trước trong Tịnh độ ngũ niệm môn của bồ tát Thiên Thân cho sự lễ bái, sự tán dương, sự phát nguyện, sự quán sát là thành tựu môn nhập công đức; cho hồi hướng đến tất cả chúng sinh phiền não, nhổ bật nỗi khổ của thế gian là thành tựu môn xuất công đức. Bồ tát tu tập Ngũ niệm môn thì mau chóng thành tựu tuệ giác vô thượng.

Hỏi: Phật và chúng sinh vốn không có gì cả như kinh Tịnh Danh ghi: “Bồ tát quán sát chúng sinh như tiếng vang dội, như chùm bọt nước, như sự bền chắc của cây chuối, như sự lâu dài của làn điện chớp, như sắc trong cõi vô sắc, như mầm lúa bị cháy khô, như sự tham lam, giận dữ, hủy phạm giới của bồ tát đắc vô sinh pháp nhẫn, như tập khí, phiền não của Phật, như người nằm chiêm bao thấy mình đã thức dậy”. Bồ tát quán sát chúng sinh là như thế. Vậy thì chúng sinh vốn không. Bồ tát luôn luôn làm lợi ích cho chúng sinh, chẳng lẽ bồ tát không thấy chúng sinh huyễn như hoa đốm trong hư không sao?

Đáp: Luận Trí độ ghi: “Thế Tôn nói không có Phật để phá bỏ cái chấp về Phật, chứ không phải nói để chấp chặt vào cái tướng không có Phật. Vì thế, nên biết, nói không có chúng sinh để quét sạch cái chấp có chúng sinh, chứ không phải nói để mắc kẹt vào cái tướng không có chúng sinh”. Tịnh Danh nói: “Bồ tát quán sát xong, tự nói rằng ta sẽ vì chúng sinh mà thuyết pháp này, đó là tâm từ chân thật”. Điều ấy cũng cho biết bồ tát không nắm bắt cái tướng không có chúng sinh. Lại nữa, bồ tát thuyết pháp này vì sự lợi sinh chân thật, vì tâm bi nguyện chân thật, chứ không phải chỉ vì việc cứu độ chúng sinh. Kinh Bát nhã ghi: “Bồ tát thâm nhập tâm đại bi vô bờ bến như người cha hiền vô cùng đau xót khi thấy đứa con mình bị chết vì không có thức ăn. Thế nhưng, đứa con này vốn hư ảo thì thế nào nó cũng phải chết”. Cũng vậy, các đức Phật biết các pháp rỗng không, rốt cuộc đều không có bản chất chân thật. Chúng sinh ngu si không biết lẽ này. Vì thế, cho nên, ở trong pháp rỗng không mà say sưa đắm nhiễm. Vì bị đắm nhiễm, cho nên chúng sinh rơi vào đại địa ngục. Do đó, các đức Phật thâm nhập tâm đại từ, vận dụng tâm từ bi quảng đại cũng chính vì chúng sinh rỗng không, cũng chính vì chúng sinh dối trá lao vào con đường sinh tử nguy ngập. Các đức Phật đâu có vì một lý do nào khác mà lui sụt tâm bi nguyện bao la. Nên biết, bồ tát luôn luôn phát nguyện độ sinh vì hiểu thâm sâu nghĩa không có chúng sinh. Tại sao vậy? Nếu thấy có một chúng sinh nào thì cũng còn có ngã, tâm từ bi vì vậy mà kém cỏi, đâu có thể thực hành các hạnh lợi ích như thế. Tiên đức nói : “Chưa bước lên địa vị cứu cánh thì hoàn toàn là môn tự lợi. Từ bậc sơ tâm thập tín trải qua các giai vị như thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, thẳng đến diệu giác, trước khi thành Phật tu hạnh Phổ Hiền vẫn là tự lợi. Còn môn lợi tha phải bước lên địa vị diệu giác, sau khi thành Phật tu hạnh Phổ Hiền mới là hạnh lợi tha”. Đức Phật dạy các thầy tỳ kheo: “Quả báo công đức rất thâm sâu, không có người nào biết cái nhân công đức được quả báo thù thắng như ta đã biết. Ta tuy đã thành Phật nhưng tâm vẫn ưa thích tu nhân công đức không bao giờ biết đủ. Tuy biết công đức không có bản chất chân thật, nhưng tâm ưa thích tu công đức của ta không hề thôi nghỉ”.

Vì thế, nên biết, biển hạnh vô biên không thể dùng sào tre, thước gỗ mà có thể đo được đáy biển sâu thăm thẳm kia, như đứa bé ngu si thấy người khác chỉ cây sào dựng đứng ở trước cửa, nó bèn cho là cây sào cao đến giữa trời, vội vàng nói rằng khoảng cách từ mặt đất đến trời cao lồng lộng chỉ bằng chiều dài hai cây sào kia. Sự hí luận về Phật pháp cũng theo đây suy ra mà biết.

5- Hạnh xứng hợp với pháp tánh

Biển pháp giới thì vô lượng vô biên, biển hạnh của bồ tát cũng vô lượng vô biên. Nếu muốn dùng bột màu, bút mực tô vẽ hư không thì thật là vô ích, vì pháp giới bao la vô hạn, làm sao tìm được dấu vết? Cho nên, hạnh xứng hợp với tự tánh của bồ tát chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải hành, mà cũng chẳng phải không hành, chỉ là hạnh xứng hợp với pháp tánh tự tại mà thôi.

1- Bồ tát độ tất cả chúng sinh rốt cuộc đến địa vị vô dư niết bàn mà cõi chúng sinh không giảm bớt, như con rối bước lên hí trường rõ ràng là diễn những trò buồn, vui. Nhưng thật ra, con rối kia chỉ là một lớp bùn, rỗng không, không có gì cả. Đó là hạnh xứng hợp với pháp tánh.

2- Bồ tát đi vào địa ngục vô gián mà tâm tư không có phiền não, giận hờn; đi vào địa ngục mà không có tội ác; đi vào cõi súc sanh mà không có các lỗi vô minh, kiêu mạn, v.v…như cô gái họ Thanh kia hồn lìa khỏi xác đi tìm lạc thú cho đến khi cô ấy sinh con mà thân vẫn thường bên cạnh cha mẹ. Đó là hạnh xứng hợp với pháp tánh.

3- Tự thân của bồ tát nhập định, thân khác xuất định. Một thân nhập định, nhiều thân xuất định. Từ thân hữu tình nhập định, từ thân vô tình xuất định, như mãnh hổ xốc thây chết đứng dậy quỳ lạy, nhảy múa. Đó là do mãnh hổ ưa thích vui đùa, chứ thây chết vốn không biết gì. Đó là hạnh xứng hợp với pháp tánh.

4- Bồ tát vào trong thân hình một chúng sinh nhỏ bé để vận hành bánh xe đại pháp, đốt cháy bó đuốc đại pháp, phát tiếng sấm đại pháp, làm sụp đổ cung ma, chấn động địa cầu, độ vô luợng vô biên chúng sinh nhưng mà chúng sinh nhỏ bé kia không hề hay biết, như vị nhạc thần của Thiên Đế chạy trốn vào mũi của cô gái, mọi người tìm kiếm không ra, mà cô gái kia cũng không hề hay biết. Đó là hạnh xứng hợp với pháp tánh.

5- Muốn trụ lâu ở đời, bồ tát liền đem thời gian trong khoảnh khắc kéo dài thành vô lượng vô số trăm ngàn ức trăm triệu kiếp. Muốn trụ mau chóng ở đời, bồ tát liền đem thời gian vô lượng vô số trăm ngàn ức trăm triệu kiếp rút ngắn lại trong khoảnh khắc, như đứa bé xem đèn kéo quân chạy vòng vòng mãi không có đầu đuôi. Đó là hạnh xứng hợp với pháp tánh.

Vì vậy, nếu người chứng được hạnh không thể nghĩ bàn như thế thì tịnh độ của các đức Phật trong ba thời gian thu vào một niệm không sót. Đó là hạnh trang nghiêm tịnh độ của bồ tát vận dụng trí chiếu vô tư để thấy, chứ không phải tri kiến thường tình có thể suy lường. Tại sao vậy? Vì tự tánh siêu việt hết thảy mọi sự suy lường.

    Xem thêm:

  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 3: Phân Biệt Thế Gian - Luận Tạng
  • Luận Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Về Sự Hiểu Biết Rõ Ràng - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Một Trăm Câu Hỏi Đáp Về Pháp Môn Niệm Phật - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ Thập Nghi - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 12 - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán - Luận Tạng
  • Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Lược Sớ - Luận Tạng
  • Luận Tứ Đế - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Luận Về Nhơn Duyên Bích Chi Phật - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng