QUYỂN 7
Chương VII: VÃNG SINH
Chỉ có Như Lai mới chứng đắc quả vị niết bàn cứu cánh mà thôi. Nhị thừa chấp không, phá có, đó là sự tịch diệt giả danh. Tuy bồ tát phát sinh trí tuệ vô lậu chân thật, nhưng còn phải phá bỏ từng phần vô minh; huống chi những người căn cơ kém cỏi, sự giải ngộ non kém như một giọt nước trong biển cả bao la mà vội vàng khoe khoang trí tuệ ngông cuồng. Họ quyết đoán rằng không còn thọ thân ở đời sau nữa. Họ cho phóng túng là tự tại, cho tu hành là trói buộc. Đó là tự giết chết mình cũng là giết chết người khác, cũng như rượu độc. Khi Phật còn ở thế gian, có một thầy tỳ kheo đắc tứ thiền sinh tâm tăng thượng mạn cho rằng đã đắc quả a la hán, nên không còn tinh tiến tu hành nữa. Đến khi lâm chung, vị ấy thấy thân trung ấm trong tứ thiền, liền phát sinh tà kiến , nói rằng: “Không có niết bàn, Phật đã dối gạt ta.” Vì khởi ác kiến sai lầm như vậy, nên khi mất thân trung ấm trong tứ thiền, liền hiện thân trung ấm trong địa ngục A Tỳ. Khi qua đời liền rơi vào địa ngục A Tỳ. Tỳ kheo ấy có trì giới, có toạ thiền, nhưng vì khởi một niệm sai lầm cho rằng chứng quả, cho nên rơi vào địa ngục đen tối. Người tu thiền ngày nay được chút ít cho là đủ, sinh tâm buông lung không nghiêm trì giới luật thì quả báo ác kia không biết sẽ như thế nào? Người xưa nói: “Không sinh về Tịnh Độ thì sinh về cõi nào?”. Con đường tu tập trải qua ba vô số kiếp còn xa xôi diệu vợi. Đối với các pháp môn khác đã có biết bao nhiêu người thoái thất đạo tâm! Vì vậy, xưa nay, các bậc thánh đều chủ trương pháp môn Tịnh Độ. Nay tôi trình bày sáu loại để làm kim chỉ nam:
1/ Bồ tát sinh vào cõi người.
2/ Bồ tát sinh vào cõi trời Đâu Suất.
3/ Bồ tát sinh vào cõi trời Trường Thọ.
4/ Bồ tát sinh ở ngoài ba cõi.
5/ Khi mới phát tâm, bồ tát sinh vào nhà của Như Lai.
6/ Khi tu tập đủ ba vô số kiếp, bồ tát sinh vào mười phương thế giới để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
1/ Bồ tát sinh vào cõi người
Kinh Bát nhã ghi: “Có bồ tát ở trong cõi người, đến khi đời sống kết thúc, bồ tát ấy sinh trở lại cõi người nữa”. Trừ bậc bất thoái chuyển ra, bồ tát căn cơ ngu độn không thể tương ưng nhanh chóng với bát nhã ba la mật, cũng không thể hiện tiền nhanh chóng với các môn đà la ni, các môn tam muội. Ở trong cõi người như ở trong nhà lửa, vì có trăm thứ khổ cùng nhau trói buộc; chỉ có đại bồ tát ở trong cõi người mới không bị ô nhiễm, như con ngỗng bơi trong nước mà không bị thấm ướt. Nếu tiểu bồ tát không gieo trồng căn lành sâu dày thì tiến một bước mà thoái lui một trượng, làm sao được tam muội? Như Xá Lợi Phất tu tập đạo bồ tát trải qua sáu mươi kiếp, đến khi tu hạnh bố thí, bấy giờ có kẻ ăn mày đến xin con mắt, Ngài liền móc một con mắt đưa cho. Ở trước mặt Xá Lợi Phất, kẻ ăn mày ngửi con mắt, phun nước miếng, vứt xuống đất, lấy chân chà đạp con mắt. Xá Lợi Phất suy nghĩ: “Những kẻ tệ ác như thế thì khó có thể độ họ, chi bằng ta điều phục chính mình, mau mau giải thoát cái khổ sinh tử”. Suy nghĩ xong, Ngài lui sụt đạo bồ tát mà hướng về tiểu thừa.
– Lại như tiên nhân Phi Hành bị mất thần thông, vì xúc chạm tay của Vương phu nhân.
– Thuở xa xưa, Thích Ca Văn bị thuốc hoan hỷ hoàn làm mê hoặc, nên đắm say dâm nữ.
Các bậc thánh hiền mà còn như vậy, huống chi người mới phát tâm. Đâu bằng chuyên niệm A Di Đà thì tam muội hiện tiền nhanh chóng, gởi thân bên cõi Liên Bang thì vĩnh viễn xa lìa tham dục ! Luận ghi: “Vì bồ tát không thấy Phật hiện tại, cho nên tâm tư ám độn. Bồ tát nên thường gần gũi Phật, vì bậc lợi căn gần Phật thì nhanh chóng được bát nhã”.
2/ Bồ tát sinh vào cõi trời Đâu Suất
Bồ tát còn tu tập một đời nữa thành Phật đều sinh vào cõi trời Đâu Suất. Hành giả muốn theo bồ tát ấy thì cũng nên cầu sinh về cõi trời Đâu Suất. Luận Thập nghi ghi: “Thiên cung Đâu Suất là cõi dục, có nhiều kẻ lui sụt. Cõi ấy còn có người nữ làm lớn mạnh tâm tham đắm của hành giả. Các thiên nữ xinh đẹp tuyệt vời làm cho chư thiên phải đắm say. Sinh về Đâu Suất, tự mình không thể buông bỏ các dục, không bằng sinh về tịnh độ của A Di Đà toàn là bạn lành thanh tịnh tu pháp đại thừa; phiền não, nghiệp ác không bao giờ khởi dậy, nên hành giả dễ bước lên địa vị vô sinh, như bồ tát Sư Tử Giác, từ khi sinh về Đâu Suất, vì ưa thích thiên nhạc nên bồ tát không thấy được Di Lặc. Các vị tiểu bồ tát còn bị đắm nhiễm ngũ dục, huống chi kẻ phàm phu”. Kinh Di Lặc thượng sinh ghi: “Hành giả đi sâu vào chánh định thì mới được sinh về Đâu Suất”, nghĩa là bồ tát Di Lặc không có phương tiện tiếp dẫn. Vậy thì nội viện Đâu Suất còn không cầu sinh, huống chi cầu sinh về các cõi trời Dục giới có nhiều loại dục tuyệt diệu. Đâu có nên khát nước mà lại đi vào sa mạc, cũng đâu có nên muốn tránh sự chết chìm mà lại tình nguyện chìm xuống đáy biển sâu.
3/ Bồ tát sinh vào cõi trời Trường thọ
Luận Trí độ ghi: “Bồ tát không có phương tiện nhập vào sơ thiền cho đến không có phương tiện tu tập sáu pháp ba la mật. Khi nhập vào sơ thiền, bồ tát không nhớ nghĩ đến chúng sinh. Khi trụ, khi xuất sơ thiền cũng không nhớ nghĩ đến chúng sinh. Vì bồ tát chỉ tham đắm thiền vị, cho nên không hoà hợp được bát nhã ba la mật với sơ thiền. Vì tâm từ bi, công đức kém cỏi nên bồ tát ấy bị quả báo của sơ thiền lôi kéo sinh vào cõi trời Trường Thọ. Cõi trời này không phải là cõi Hữu Tưởng, cũng không phải là cõi Vô Tưởng. Những vị ấy sống lâu đến tám vạn đại kiếp”. Hoặc có người nói: “Tất cả định vô sắc đều gọi là cõi trời Trường Thọ, vì không có hình tướng nên không thể giáo hoá, không thể nhậm vận đắc đạo, thường là chỗ của phàm phu”. Hoặc có người nói: “Cõi trời Vô Tưởng gọi là cõi trời Trường Thọ, cũng không thể nhậm vận đắc đạo”. Hoặc có người nói: “Từ sơ thiền đến tứ thiền, trừ cõi trời Tịnh Cư ra, đều là cõi trời Trường Thọ. Những vị ấy khó phát sinh tâm lành, vì tham đắm tà kiến”. Kinh ghi: “Phật hỏi các thầy tỳ kheo:
– Đất trên đầu móng tay của ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều?
Các thầy tỳ kheo bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn, đất ở trên quả địa cầu này rất nhiều, không thể nào ví dụ cho được.
Phật dạy:
– Ở trên cõi trời, chư thiên mệnh chung sinh trở lại cõi người cũng như đất trên đầu móng tay của ta, còn chư thiên mệnh chung rơi vào địa ngục cũng như đất trên quả địa cầu. Tại sao vậy? Vì họ vốn đã phát tâm bồ đề vô thượng, hoặc có vị ở trong thiền định chứa các phước đức mới được sinh trở lại cõi người nghe Phật pháp”. Nếu là người mới phát tâm cầu sinh về Tịnh Độ thì thường nghe được pháp, tiến thẳng đến địa vị bất thoái chuyển, đâu có mắc phải những lỗi lầm như thế.
4/ Bồ tát sinh ở ngoài ba cõi
Bồ tát sinh ở ngoài ba cõi có hai vị thứ:
1/ Ba bậc bồ tát trong nhị thừa chiết phục được phiền não hiện hành, xả bỏ thân phần đoạn sinh tử mà sinh ở ngoài ba cõi. Vì tâm bi, trí hẹp hòi, đối với việc trang nghiêm cõi Phật, lợi ích chúng sinh, những vị ấy không sinh tâm ưa thích, nên bị Như Lai quở trách. Những vị ấy nếu không chuyển tâm tu tập các hạnh lục độ thì không bao giờ nhập vào biển trí đại thừa.
2/ Bồ tát pháp thân
Kinh Bát nhã ghi: “Phật bảo Xá Lợi Phất: Có đại bồ tát được sáu thần thông mà không sinh vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, bồ tát ấy cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán dương các đức Phật. Xá Lợi Phất, có đại bồ tát vận dụng thần thông tham quan từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, mà trong các cõi nước ấy không có thanh văn, bích chi Phật cho đến danh hiệu nhị thừa. Xá Lợi Phất, cõi nước ấy chính là cõi nước của Phật Vô Lượng Thọ”.
Giải thích rằng bồ tát có hai hạng:
a/ Bồ tát sinh thân.
b/ Bồ tát pháp thân.
Bồ tát pháp thân đã dứt hết kiết sử, được sáu thần thông. Còn bồ tát sinh thân không dứt hết kiết sử hoặc ly dục, nên được năm thần thông hoặc sáu thần thông, không sinh vào ba cõi mà đến thế giới nào cũng đều là bậc thanh tịnh nhất thừa, sống lâu vô lượng vô số kiếp. Bồ tát sinh vào cõi kia ưa thích chất chứa công đức của các đức Phật. Nên biết , bồ tát đầy đủ sáu thần thông mới được sinh về cõi Phật Vô Lượng Thọ. Còn kẻ phàm phu nhờ năng lực bản nguyện của Phật tiếp nhận được vãng sinh về cõi Phật Vô Lượng Thọ. Thật là hiếm có làm sao!
Vậy thì niệm lực không thể nghĩ bàn, vì trong niệm nào cũng đều đầy đủ sáu thần thông.
5/ Khi mới phát tâm, bồ tát sinh vào nhà của Như Lai
Bậc thượng thượng căn thì căn bản trí liền hiện bày, còn người mới phát tâm thì bước lên địa vị thập trụ mới ngang bằng với các đức Phật. Kinh Hoa nghiêm ghi: “Có một hạng bồ tát tu tập sáu pháp ba la mật trải qua trăm ngàn ức trăm triệu kiếp mà không sinh vào nhà của Như Lai. Bồ tát ấy vẫn là bồ tát giả danh, vì tuy thấy Phật tánh nhưng chưa sáng tỏ được trí nghiệp”. Luận Trưởng giả quyết nghi ghi: “Các vị sơ phát tâm trụ rõ ràng là từ thiền định mà hiển bày được môn Trí tuệ căn bản không. Khi quét sạch mây mù thì trí tuệ bừng sáng, mới sinh vào nhà trí tuệ của Như Lai, đó là cư trú vào chỗ cư trú của Phật. Cho nên được pháp môn Ánh sáng trí tuệ thấy khắp tất cả cảnh giới của các đức Phật được ức niệm. Do sự kiến đạo này nên không có kiến chấp về thời gian, không gian”. Trải qua năm giai vị tu chứng (Tư lương vị, Gia hành vị, Kiến đạo vị, Tu đạo vi, Cứu cánh vị), hành giả mài giũa tập khí, tăng trưởng tâm từ bi, gọi là tu đạo vị. Do vậy nói rằng khi mới phát tâm liền thành chánh giác thì gọi là tu đạo vị, như đồng tử Thiện Tài đi về phương Nam cầu các bậc thiện tri thức. Các vị ấy đều nói: “Trước kia, ta đã phát tâm bồ đề vô thượng. Nói rằng làm sao học cái hạnh của bồ tát? Làm sao tu cái đạo của bồ tát? Không nói Phật làm lớn mạnh Phật đạo, không nói căn bản trí nhờ định hiển bày mà nói vô tác, vô tu. Người nào học cái hạnh của bồ tát thì căn bản trí tự sáng, tự hiện. Nếu không được cái thể của chánh giác thì các hành đều là vô thường, đều là nghiệp báo sinh tử trong cõi trời, cõi người mà thôi”. Lại nói: “Trải qua một đời hiện tại này, khi phát tâm tương ưng, hành giả được chánh trí. Ngay nơi thân phần đoạn, hành giả thành tựu tâm quán hạnh, gồm cả sự tu tập nghiệp lành. Đến đời sau, hành giả vào thân biến dịch”. Bởi lẽ, cái thân phần đoạn của đời hiện tại này là do sự tạo nghiệp của đời quá khứ. Thân phần đoạn của đời này mà vận dụng trí tuệ để tu quán hạnh thì đến đời sau, hành giả được thần thông biến hóa, như người tu mười nghiệp lành được sinh lên cõi trời, được nghiệp báo thần thông; như loài rồng , loài quỷ có sức mạnh phi thường, chúng còn nghiệp ác vô minh mà vẫn có thần thông; huống chi bậc có đạo nhãn mở bày, có năng lực căn lành của tâm từ, cho nên có diệu dụng thần thông , trí tuệ. Suốt đời, những vị ấy tu tập mà đến đời sau không được công dụng lớn lao của thần thông sao? Tông cảnh lục ghi: “Khi mới phát tâm thì thành Phật tức là nói các công đức sẵn đủ”. Kinh ghi: “Đời thứ nhất, đồng tử Phổ Trang Nghiêm nghe được điều lành, huân tập điều lành. Đời thứ hai, đồng tử thành tựu kiến giải và thực hành của các điều lành ấy. Đời thứ ba, đồng tử bước vào biển công đức của Phật”. Đồng một duyên khởi mà ba đời này khác nhau chỉ do một niệm, như người đi xa xôi đến được mục tiêu là do bước đầu tiên. Thế nhưng , từ bước đầu tiên này đến được mục tiêu thì không thể nói là không nhờ những bước sau. Nói đồng tử được vào biển công đức của Phật cũng là nói đồng tử gieo trồng căn lành đã lâu xa.
Hỏi: Gieo trồng căn lành trải qua thời gian lâu dài mới được thành Phật. Tại sao nói một niệm thành Phật?
Đáp: Nói gieo trồng căn lành trải qua thời gian lâu dài tức là nói thuộc về giáo pháp tam thừa, vì từ tam thừa bước vào nhất thừa chỉ là một niệm, khi mới tu tập liền đầy đủ cả. Kinh ghi: “Khi mới phát tâm liền thành chánh giác”, như muôn ngàn dòng sông cuối cùng đều tuôn chảy về biển cả. Khi một giọt nước các dòng sông chảy vào biển cả, vừa vào biển cả thì một giọt nước sông cũng liền thành nước biển, không có trước sau. Trăm dòng sông sâu khác cũng không bằng một giọt nước của dòng sông chảy vào biển cả. Cũng vậy, tam thừa dù tu nhiều kiếp nhưng cũng không sánh bằng một niệm của nhất thừa. Lại nữa, thời gian dài ngắn này cũng không nhất định, hoặc một niệm là vô lượng kiếp. Thập huyền môn ghi: “Thời gian, không gian đều vô ngại”. Còn đại thừa nói một niệm thành Phật có hai ý nghĩa:
– Một là hội các duyên để vào thật, tánh không có nhiều ít, cho nên nói một niệm thành Phật.
– Hai là tu tập các hạnh vừa viên mãn được cái niệm cuối cùng gọi là một niệm thành Phật, như người đi xa muôn dặm cho bước cuối cùng là bước đến nơi.
Nếu nhất thừa nói một niệm thành Phật thì đại thừa nói một niệm cuối cùng thành Phật, tức là đại thừa nhập vào nhất thừa, vì niệm cuối cùng tức là niệm đầu tiên, mà niệm đầu tiên tức là thành Phật. Tại sao vậy? Vì nhân quả tương tức, vì đồng thời tương ưng. Tuy một niệm thành Phật tức là ngang bằng với địa vị Phật nhưng vì cứu cánh chưa viên mãn cho nên có vô vàn sai biệt, như người mới bước chân ra khỏi cửa và một người du hành đã lâu nơi đất khách quê người, tuy đồng ở trong hư không nhưng sự xa, gần rất thiên sai vạn biệt. Do vậy, năm giai vị tu chứng là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, giai vị nào cũng đều nói thành Phật mà lại phân rõ chỗ cạn, sâu kia. Trong đây, hành giả phải khéo suy nghĩ kỹ điều đó. Còn như lời hai vị đại sĩ nói thì biết bậc ngộ đạt trong Thiền môn không được phế bỏ tất cả hạnh, tiêu mòn tập khí, kiết sử từ vô thỉ. Ôi! Ở đời ác ô nhiễm này, hễ tiến được một bước thì lui sụt đến muôn bước. Nếu hành giả không được gần Phật thì phiền não nhơ bẩn tập hợp, hành giả tu hành làm sao thành tựu? Khi đồng tử Thiện Tài mới phát tâm ngộ đạo, tỳ kheo Đức Vân dạy đồng tử tu tập pháp môn Ức niệm tất cả các đức Phật. Sau khi bước vào lầu các của Di Lặc, bồ tát Phổ Hiền vì đồng tử mà phát mười điều nguyện lớn để tiếp dẫn chúng sinh về Cực Lạc. Đây là khuôn vàng thước ngọc của tất cả các đức Như Lai vào đạo. Kinh Hoa nghiêm nói rằng, môn Nhất chân pháp giới không đồng với các giáo khác có quyền có thật. Những người không tin kinh này là nhất xiển đề. Dù Phật Thích Ca có tán dương, bồ tát Phổ Hiền có khuyên nhủ, khích lệ, bồ tát Di Lặc có chứng đắc, nhưng đối với những người này cũng vô ích mà thôi!
6/ Khi tu tập đủ ba vô số kiếp, bồ tát sinh vào mười phương thế giới để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh
Khi công đức viên mãn thì tự nhiên bồ tát có nghiệp không thể nghĩ bàn, có thể ứng hiện vào mười phương thế giới để làm lợi ích cho chúng sinh. Luận Khởi tín ghi: “Bồ tát chứng phát tâm, trong giây phút có thể đến mười phương thế giới không còn sót để cúng dường các đức Phật, cung thỉnh các đức Phật vận hành bánh xe pháp, chỉ vì vạch lối chỉ đường để làm lợi ích cho chúng sinh chứ không câu chấp vào văn tự”. Đối với chúng sinh khiếp nhược, bồ tát chỉ bày đường lối tu tập vượt lên trên các địa vị, nhanh chóng thành tựu chánh giác. Đối với chúng sinh lười biếng, kiêu mạn, bồ tát nói rằng: “Trong vô lượng vô số kiếp, ta sẽ thành Phật đạo”. Nhưng thật ra, bồ tát gieo trồng căn tánh , v.v… phát tâm bình đẳng, đối tượng chứng đắc cũng bình đẳng , không có một pháp nào siêu việt cả, vì tất cả bồ tát tu tập đều trải qua ba vô số kiếp. Luận Trí độ ghi: “Ở quá khứ của Thế Tôn thích Ca: từ thời Phật Thích Ca Văn đến thời Phật Thi Khí là một vô số kiếp, từ thời Phật Thi Khí đến thời Phật Nhiên Đăng thọ ký là hai vô số kiếp, từ thời phât Nhiên Đăng đến thời Phật tỳ Bà Thi là ba vô số kiếp”. Luận Bà sa ghi: “Trải qua ba vô số kiếp tu hạnh lục độ, một trăm kiếp gieo trồng cái nhân tướng hảo. Về sau mới thành tựu ngũ phần pháp thân”. Duy Thức nói: “Trước sơ địa là trải qua một vô số kiếp, từ sơ địa đến thất địa là vô số kiếp thứ hai, từ bát địa đến đẳng giác là vô số kiếp thứ ba, về sau mới được pháp thân cứu cánh”.
Hỏi: Hoa nghiêm hiệp luận của trưởng giả Lý Thông Huyền ghi: “Không lìa một niệm mà trải qua vô số kiếp”. Đâu được chấp chặt số kiếp lâu dài, trái với đệ nhất nghĩa?
Đáp: Hoa nghiêm hiệp luận chỉ nói ba vô số kiếp vốn không là nói thời gian không có bản chất chân thật, chứ chẳng phải nói không có thời gian, như hiện tại con người có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nói sáu căn vốn không, không phải là phế bỏ sáu căn, cũng như đứa bé thấy bóng trăng trong nước, nó sinh tâm ưa thích muốn chụp bắt bóng trăng, nhưng mà bóng trăng không có bản chất chân thật. Người trí bảo nó rằng, mắt có thể trông thấy bóng trăng kia, chứ không bao giờ chụp bắt được. Do đó, chỉ cần phá đối tượng chấp, chứ không cần phá đối tượng thấy. Hạnh nghiệp của các đức Phật, của các vị bồ tát trong ba đời cũng như vậy. Tuy tất cả đều không có bản chất chân thật, nhưng không phải là không tu hành. Hơn nữa, Long Thọ, Mã Minh là hai vị đại bồ tát, cũng là tổ được truyền y bát trong Thiền môn, chẳng lẽ các Ngài cam chịu dối mình, dối người và đánh lừa người đời sau sao? Phải biết, việc sinh tử thì vô cùng lớn lao, không phải hiểu biết một phần, thực hành nửa vời mà có thể vượt thoát hố thẳm sinh tử.
Luận Trí độ ghi: “Có bồ tát căn tánh linh lợi, tâm được kiên cố. Trước khi phát tâm, bồ tát ấy đã chất chứa vô lượng phước đức, trí tuệ. Bồ tát gặp Phật, nghe pháp đại thừa, phát tâm bồ đề vô thượng, lập tức tu tập sáu pháp ba la mật, bước vào địa vị bồ tát và chứng đắc địa vị bất thoái chuyển”. Sở dĩ như vậy là tại sao? Vì trước kia, bồ tát ấy đã chất chứa vô lượng phước đức, vì căn cơ linh lợi, tâm được kiên cố, từ Phật nghe pháp, như người đi xa muôn dặm hoặc đi bằng cách cưỡi dê, hoặc cưỡi ngựa, hoặc vận dụng thần thông. Người cưỡi dê đi lâu lắm mới đến chỗ, người cưỡi ngựa đến chỗ nhanh hơn người cưỡi dê. Còn người vận dụng thần thông vừa khởi ý thì giây phút liền đến. Vậy thì không được hỏi rằng, khoảng thời gian khởi ý, tại sao liền đến? Cái tướng của thần thông là như thế, không nên sinh tâm nghi ngờ gì nữa. Bồ tát cũng như vậy, khi mới phát tâm bồ đề vô thượng liền bước vào địa vị bồ tát. Có bồ tát mới phát tâm, tâm đầu tiên tuy tốt nhưng về sau xen lẫn những ý niệm ác. Bồ tát thường nghĩ: “Ta cầu Phật đạo, nguyện đem công đức hồi hướng quả vị bồ đề vô thượng”. Vị bồ tát này trải qua vô lượng vô số kiếp hoặc được, hoặc không được quả vị bồ đề vô thượng, là vì nhân duyên phước đức ở đời trước kém cỏi mà lại độn căn, ý chí không vững chắc, như người đi bằng cách cưỡi dê. Có bồ tát mà đời trước có chút ít căn lành, phước đức, phát tâm tu tập dần dần sáu pháp ba la mật; hoặc ba, hoặc mười, hoặc một trăm vô số kiếp, bồ tát ấy cũng được quả vị bồ đề vô thượng, như người đi bằng cách cưỡi ngựa dĩ nhiên sẽ đến nơi. Lại có bồ tát biết tiệm tu, đốn chứng, các pháp bất đồng. Bồ tát ấy mong muốn địa vị Phật thì được một cách nhanh chóng, như người đi bằng cách vận dụng thần thông.
Tiên đức nói: “Tuy tánh giác ngang bằng Phật, nhưng chưa đến quả vị Phật thì chưa phải là cứu cánh”. Do vậy, hành giả tỏ ngộ quyết cầu sinh về Tịnh Độ, như pháp tu hành để tránh đưa đến tình trạng sa ngã. Đợi đến khi nhẫn lực kiên cố, hành giả bước vào đời ô nhiễm để làm lợi ích cho chúng sinh. Như vậy mới là quả Phật cứu cánh.