1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học

Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận

Pháp Xưng Bồ Tát tạo Tống Pháp Hộ Đẳng dịch

Bản Việt dịch của Thích Như Điển

***

Quyển 1:

Tập Bố Thí Học (Danaparita Prathamah Paricchrdah) – Phẩm Thứ Nhất, phần một

Con nghe địa ngục quá đau thương

Lửa dữ vây quanh khổ nan lường

Tâm xưa chưa hề được tịch tĩnh

Nay thích nghe nhiều , gần Pháp Vương

Nghe rồi, tội ác được lìa xa

Ăn năn tội lỗi đã tạo ra

Bao nhiêu phước thiện con chưa nhận

Trong ấy ít nhiều bị xóa nhòa

Niềm vui Bồ Tát thật cao vời

Pháp Bình đẳng, chỉ Phật rõ thôi

Pháp báu khó lường, hiếm có ấy

Ai nghe con nói xin vui cười

Chủ Thành Tựu , Ba cõi đều đến

Thiên Long Bát Bộ cùng quyến thuộc

Hoặc sanh khát ngưỡng khởi tâm từ

Hoan hỷ nhận ghi lời an lạc

Như Lai, Chánh pháp và Phật Tử

Khéo vào cõi Phật mà sanh thân

Nay con chú giải lời Phật dạy

Hân hoan, kính lễ dạ chí thành

Xưa nay con chưa chú giải nhiều

Giảng, nói biện tài chẳng bao nhiêu

Cũng chưa lợi lạc cho ai cả

Chỉ chọn tâm mình, làm bạn yêu!!

Nhưng lòng luôn vui pháp Như Lai

Nuôi lớn căn lành ngày qua ngày

Tỉ như con thấy trong văn pháp

Nghĩa chưa rốt ráo, xin tỏ bày.

Luận rằng:

Muốn biết rõ ý nghĩa bậc Đại Sĩ Trượng Phu (Như Lai), chỉ trong khoảng một sát na, mà có đầy đủ những điều khó được, nếu không đặt tư duy vào cảnh giới an lạc, thì Chánh Hạnh Đẳng Giác không sao hiện hữu. Như Kinh Hoa Nghiêm (Gandavyuha-Sutra) có chép:

“Khi Đồng Tử Thiện Tài gặp Bà La Môn Thắng Nhiệt, liền nghĩ rằng: “Được thân người là khó; Thoát hiểm nạn là khó; Khỏi bị nạn là khó; Trong khoảng một sát na mà đầy đủ thanh tịnh là khó; Gặp thời Phật xuất thế là khó; Các căn đầy đủ là khó; Được nghe Phật pháp là khó; Được gặp người lành là khó; Được gặp Thiện Tri Thức chân thật là khó; Thọ trì giáo lý chân chánh như thật nghĩa là khó; Được chánh mệnh là khó”.

Luận rằng:

Nếu ai có Chánh Hạnh Chánh Biến Tri và nếu Đại Sĩ (hành giả) nào thường quán chiếu như vậy, với họ, ta nghĩ rằng, đã thoát ra khỏi sự sợ hãi khổ đau, chẳng đắm nhiễm thân này, xem thân nầy chẳng có gì là thù diệu!!. Với loài hữu tình, phải giữ gìn giới hạnh trọn vẹn, mới trừ được tận gốc rễ thống khổ. Ngoài ra, còn phải gieo trồng hạt nhân Bồ Đề, thực hành hạnh Diệu Lạc hy hữu, phát tâm kiên cố, đừng hủy hoại tín căn.

Kinh Bảo Quang Minh Đà La Ni (Ratnolka-Dhalani) có kệ rằng:

Tin thuận chư Phật và Phật pháp.

Cũng tin Hành đạo của Phật Tử.

Tin vào Vô Thượng Đại Bồ Đề

Từ đó, Bồ Tát bèn phát tâm

Tin là mẹ của công đức đầu

Nuôi lớn hầu hết các căn lành

Dẹp bỏ lưới nghi, khô suối ái.

Tin hay hiển lộ hạnh an nhẫn.

Tin chẳng nhiễm ô tâm thanh tịnh .

Trừ tâm ngã mạn sanh cung kính.

Tin như tay sạch giữ Nhân lành.

Bảy Thánh tài, chẳng gì hơn được.

Tin tạo tất cả niềm hỷ xả.

Nhờ Tin hoan hỷ vào Phật pháp.

Tin thường sanh ra công đức, trí.

Thông hiểu tất cả lời Phật dạy

Ánh sáng niềm tin thật tuyệt vời

Như gốc phiền não, nước tẩy trừ

Lực Tín kiên cố chẳng thể hoại.

Tín công đức Phật chỉ một thôi

Tín vẫn tương ưng, phi tương ưng

Lìa xa nhiễm trước , trong thoáng dừng

Tín giúp vượt qua bao ma cảnh

Đường đạo trang nghiêm hiện rõ ràng

Tín chẳng hủy hoại giống công đức.

Thường xuyên tăng trưởng mầm Bồ Đề.

Từ Tín mở ra cửa trí tuệ,

Bậc Giác hiện thân khắp mười phương.

Ai thường kính tín ngôi Phật Bảo

Những kẻ không học, thiếu giới…xa

Khi đã cách ly kẻ ấy rồi

Công đức của Phật mãi ngợi ca

Ai thường kính tín ngôi Pháp Bảo,

Được nghe Phật Pháp chẳng chán lìa.

Khi đã nghe Pháp không chán lìa,

Với Pháp, tin hiểu khó nghĩ bàn

Ai thường kính tín ngôi Tăng Bảo.

Trong chúng thanh tịnh, không thối lui

Không thối lui trước chúng thanh tịnh

Lực Tín vững vàng không lay động.

Ai có tín lực không lay động,

Được các căn lành lợi sáng trong

Liền được xa lìa các bạn ác.

Ai đã xa lìa các bạn ác,

Được thiện hữu đem Pháp nhiếp thọ.

Thiện hữu đem Pháp nhiếp thọ rồi,

Thường siêng tu tập những điều lành.

Siêng năng tu tập điều lành rồi,

Tất nhiên thành tựu nhân lực lớn

Tín giải của họ thật tuyệt vời.

Tín giải của họ đã tuyệt vời,

Liền được chư Phật thường hộ niệm.

Đã được chư Phật thường hộ niệm,

Tức liền phát khởi tâm Bồ Đề,

Khi đã phát khởi tâm Bồ Đề,

Nương công đức Phật mà tu tập.

Nương công đức Phật tu tập rồi

Liền được sanh vào nhà Như Lai.

Đã được sanh vào nhà Như Lai,

Không còn : chấp trước, không chấp trước

Với trước, vô trước giải thoát rồi

Niềm tin thanh tịnh, tâm sâu rộng

Được tín thanh tịnh, tâm sâu rộng,

Đạt đến cao thượng, không gì hơn.

Đạt đến cao thượng, thù thắng rồi,

Ba La Mật diệu vợi thường thực hiện

Ba La Mật diệu vợi thực hiện rồi

Liền được liễu ngộ Pháp Đại Thừa.

Khi đã liễu ngộ Pháp Đại Thừa.

Liền biết như pháp cúng dường Phật.

Nếu biết như pháp cúng dường Phật,

Liền được Niệm Phật tâm chẳng động.

Được Niệm Phật tâm chẳng động rồi,

Thường hay quán Phật chẳng thể bàn.

Thường quán Phật chẳng thể bàn rồi,

Với Phật vô sanh, vô sở trụ.

Phật vô sanh vô sở trụ rồi,

Tức biết pháp này chẳng thể diệt.

Luận rằng:

Công đức của kẻ sơ phát tín căn đó nhiều vô lượng . Chỉ xin lược mà thôi. Lại nữa, với các đời sống (sanh thân) của những loại hữu tình khác v.v…thật khó tin hiểu Pháp như thế. Ai tâm đã thuần thanh tịnh gieo trồng hạt giống phước đức, thì năng lực niềm tin đó là tư lương để chúng sanh thọ nhận phước báo, an lạc, vi diệu, cao vời, trong mười cõi Phật với thời gian kiếp nhiều như số vi trần. Đối với Pháp như thế mà sanh tin, hiểu. Như Thập Pháp Kinh (Dasadharma-Sutra) có kệ rằng:

Tin là xe tối thắng

Vận chuyển về Chánh giác.

Cho nên các niềm tin

Bậc trí phải thân cận

Ai không có tín căn

Chẳng gặp được Chánh pháp.

Ví như hạt giống lép,

Không sao sanh mầm nụ.

Lại nữa Kinh Đại Thiện Dụ nói rằng: “Lúc bấy giờ, Đức Như Lai bảo Ngài A Nan rằng: – Với Pháp Tín, ông liễu tri như thế và nên phụng hành”.

Luận rằng :

Ai có Tín trong khoảng sát na, sẽ được tín căn kiên cố, liền được tâm Bồ Đề kiên cố, có thể thọ hưởng tất cả phước báu. Như Kinh Sư Tử Vương Sở Vấn (Simha-Pariprccha) nói rằng: “Lúc bấy gìờ Thái Tử Hạ Nu (Simsima Rajakaumarema Phagavan Prstah) bạch Phật rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Làm sao có thể làm cho chúng sanh ở nơi nơi xứ xứ thường được vui thích lãnh thọ các pháp?

Phật bảo:

– Muốn giải thoát cho chúng sanh, thường khiêm tốn, cung kính , phát tâm Bồ Đề. Ấy gọi là thường được vui thích lãmh thọ các pháp”.

Lại nữa Kinh Hoa Nghiêm chép rằng: “Thiện nam tử (Kulaputra) tâm Bồ Đề giống như hạt mầm, có thể sanh tất cả Phật pháp. Tâm Bồ Đề giống như ruộng tốt có thể làm cho chúng sanh trưởng dưỡng trong pháp thanh tịnh. Giống như đại địa, tất cả thế gian nương nhờ trú ở. Tâm Bồ Đề như cha lành dạy dỗ hướng dẫn các Bồ Tát ; Như Tỳ Sa Môn (Vaisravara) có thể xoá hết các bần cùng khổ cực ; Như Ngọc Ma Ni thành tựu các điều lợi lạc. Bồ Đề Tâm giống như Hiền Nhạc (Bhadraghata) làm cho đầy đủ tất cả việc lành khó cầu được vậy;Như cái chày Độc Cổ, có thể phá vỡ tận cùng phiền não oan trái; Giống như chánh pháp có thể đoạn trừ tận những tác ý của tâm; Giống kiếm bén có thể chặt đứt tất cả ngọn ngành phiền não vậy. Bồ Đề tâm giống như búa bén, có thể chặt bỏ tất cả những thân cây khổ não; Giống như bình trượng (cây trượng của lính) có thể đề phòng các nạn dữ ; Giống như cây móc có thể kéo chúng sanh ra khỏi biển khổ luân hồi; Giống như bánh xe gió có thể xua tan những đám mây đen, những sương mù trên cỏ. Bồ Đề tâm giống như Tòng Lâm (Uddana) chứa nhóm tất cả những hạnh nguyện của Bồ Tát; Như Tháp Miếu của Phật , là nơi mà tất cả thế gian Trời, người , Atula v.v… đều tôn kính . Nầy Thiện nam tử ! Bồ Đề tâm thành tựu vô lượng công đức thù thắng như thế!”

Luận rằng:

Vì sao lại biết các loài chúng sanh khác cũng phát tâm Bồ Đề? Trên đây chỉ mới trích dẫn những lời Phật thôi, chưa có một Kinh nào minh chứng. Như Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (Vimalakirti-Nirdesa) chép rằng: “Thân kiến (cái nhìn về thân nầy) khởi lên tuy lớn như núi Tu Di , cũng có thể phát khởi tâm đại Bồ Đề sanh trong Phật pháp”. Như Bảo Hiệp Kinh (Ratnakaranda-Sutra) chép rằng: Bồ Tát của các loài khác nghĩ như vầy: Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng giống như trứng chim Ca Lăng Tần Già, dù chưa nở nhưng có thể tạo ra âm thanh vi diệu. Nầy Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát cũng như thế! Tuy chưa đoạn trừ ngã kiến , ra khỏi ba cõi , khỏi vô minh hoặc, mà có thể nói lên những lời nói vi diệu của chư Phật , nên gọi là âm thanh : không, vô tướng, vô nguyện, giải thoát v.v…”

Lại nữa Tùy Thuyết Chư Pháp Kinh (Sarvadharma Pravrtti Nirdesa) chép rằng: “Lúc bấy giờ Bồ Tát Thắng Huệ (Jamati) tại thành Địa Kham nhập Niết Bàn, liền được tái sanh ngay trong thành ấp ấy. Người ở đó lấy sự tín, giải tánh Không mà đối trị vậy”. Lại nữa Nhập Định Bất Nhập Định Án Kinh (Niyatawara Mudra Sutra) nói rằng: Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Vì sao gọi hành Bồ Tát như xe dê? Như có người muốn qua khỏi các thế giới nhiều như số bụi trần trong năm cõi Phật, người nầy cỡi xe dê lên đường đi tới. Đi được khá xa, khoảng trăm Do Thiện Na (Do Tuần) gặp một trận cuồng phong. Vì thế mà thối lui đến tám vạn Do Thiện Na . Sau đó người nầy ở thế giới đó, lại lên xe dê hỏi rằng cho đến bất khả thuyết, bất khả thuyết kiếp có thể vượt qua được một thế giới chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp rằng:

– Không thể Bạch Thế Tôn!

Phật bảo:

– Nếu bậc Đại Thừa, phát Bồ đề tâm rồi, chẳng nên thọ trì, đọc tụng giáo pháp của Thanh Văn Thừa, ở chung với các bậc Thanh Văn, tu tập Pháp Thanh Văn Thừa, tự trong thâm tâm không giảng dạy Thừa ấy cho người khác, thậm chí đã ngộ giải được trí tuệ rồi, nhưng vì duyên này đối với đạo Vô Thượng , tức liền bị thối thất. Bồ Tát này, với những gì tâm Bồ Đề đã được, huệ căn, huệ nhãn; những thứ đó đều bị phá hoại. Này Văn Thù Sư Lợi! Ta nói đây là hành Bồ Tát như xe dê.”

Luận rằng:

Nếu Bồ Tát vui thích Pháp Đại Thừa, tin hiểu và giải rõ về tánh Không, thành tựu viên mãn về Tín, Giải và Hạnh, thì dung lượng lời dạy không ra ngoài các việc của Bồ Tát thấy như thế về Tín, Giải và Hạnh. Như Kinh Bảo Vân (Ratnamegha) chép rằng:

Nhờ tích chứa vô số pháp môn tổng trì Tam Ma Địa: thần thông , du hí, giải thoát, trí tuệ và minh giải, nên được bình đẳng vượt lên tất cả quả báo ác hạnh phàm phu ngu muội, thậm chí những quả báo không có lợi dưỡng sau nầy. Ở trong cõi đời khoảng thời gian một Câu Ti Kiếp (một trăm vạn) được thọ dụng những đồ vật mà tâm chẳng hề tham đắm, chẳng phân biệt, như hoa sen hiển lộ đầy đủ vẻ trang nghiêm. Lại ở trong khoảng thời gian vô lượng trăm ngàn Câu Ti Na Du Đa kiếp, được an trú nơi Pháp Đại Thừa, thấu đạt thắng nghĩa, không bị tổn giảm tư lương Phước Đức và Trí Tuệ. Với họ, xa lìa những gì tu tập trăm ngàn tương ưng trước, để Pháp Môn Công Hạnh tất cả đều được đầy đủ”.

Luận rằng:

Thế nào là liễu nghĩa? Nghĩa là bậc sơ phát tâm Bồ Đề nói trụ ở địa nầy. Kẻ bất liễu nghĩa chỉ có chút phần tiêu tướng (tướng rõ ràng), không còn nghi hoặc. Lời Phật dạy sánh theo Pháp môn: Tín, Giải và Hạnh, tạo thành ngôn ngữ và ý nghĩa. Trong đây, chỉ sơ lược về Tín, Giải và Hạnh vậy. Lại nữa Như Lai Bí Mật Kinh (Taghagaguhya-Sutra) chép rằng: Lúc bấy giờ vua A Xà Thế bạch Phật rằng:

-Kính bạch Đức Thế Tôn! Làm sao để phát Tâm Bồ Đề?

Phật bảo:

-Nầy Đại Vương! Chẳng thối thâm tâm.

Vua hỏi:

-Bạch Thế Tôn! Làm sao chẳng thối thâm tâm?

Phật bảo:

-Này Đại Vương! Thường phát khởi Đại Bi.

Vua hỏi:

-Bạch Thế Tôn! Làm sao phát khởi Đại Bi?

Phật bảo:

-Nầy Đại Vương! Đối với chúng sanh chẳng khởi tâm xa lìa.

Vua hỏi:

-Bạch Thế Tôn! Làm sao với chúng sanh chẳng khởi tâm xa lìa?

Phật bảo:

-Nầy Đại Vương! Nếu chẳng đắm trước, có niềm vui sẽ chẳng xa lìa.

Luận rằng:

Ở đây, Bồ Đề Tâm là khuyến phát Đại Bi; nghĩa là hoan hỷ, kính ái vậy. Nếu chẳng tương ưng với giáo pháp của Như Lai là kẻ chưa được xuất ly. Ai với tâm Bồ Đề thấy (chúng sanh) mà còn quở chán, người ấy chưa gọi là phát tâm Bồ Đề. Như Kinh Thập Pháp nói:

Nầy Thiện nam tử! Khi các vị Bồ Tát tự thể tánh phát tâm Bồ Đề liền được gặp Như Lai và các bậc Thanh Văn giáo hóa, khuyến phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm (Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Đây gọi là tướng trạng hỷ lạc đầu tiên về phát tâm Bồ Đề.

Nếu nghe Bồ Đề và phát tâm Bồ Đề, liền phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là tướng trạng thứ hai về hỷ lạc phát tâm Bồ Đề.

Nếu chẳng quay lại, chẳng cầu thấy được tâm đại bi của hai loại trụ nầy, tiếp tục phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là tướng trạng thứ ba về hỷ lạc phát tâm Bồ Đề.

Nếu thấy các tướng của Như Lai viên mãn, liền sanh ái kính. Đây gọi là tướng thứ tư phát tâm Bồ Đề.

Luận rằng:

Bồ Đề Tâm có hai loại. Một là nguyện Bồ Đề Tâm, hai là trụ Bồ Đề Tâm. Như trong kinh Hoa Nghiêm nói: Nầy Thiện nam tử! có chúng sanh ở trong cõi chúng sanh mà nguyện chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm khó được; Có chúng sanh trụ vào A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm khó được.

Luận rằng:

Một là nguyện chứng quả Phật; Hai là nguyện trụ tái sanh. Lại như Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Surangama-Sutra) chép rằng: Nhân vì một Đức Phật nào đó mà phát tâm Bồ Đề; sao lại chỉ cần làm chút ít thiện căn? Như Kinh Hiền Kiếp (Bhadrakalpika-Sutra) chép rằng: Xưa kia khi Đức Tinh Túc Vương Như Lai đối trrước Thí Âm Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu, chỉ là một người chăn cừu dâng lá Đam Bộ La cúng dường Phật. Đức Vô Lượng Danh Xưng Như Lai đối trước Điện Quang Như Lai , phát tâm Bồ Đề lần đầu, chỉ là người dệt áo dâng lên cúng dường Phật tấm y tốt đẹp. Diệm Quang Như Lai đối trước Vô Lượng Quang Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu, trong thành ấp nọ, chỉ lấy cỏ cây làm đuốc cúng dường Phật . Năng Thắng Như Lai đối với Kiên Cố Bộ Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu, lúc ấy chỉ dâng cây tăm xỉa răng lên cúng dường Phật. Công Đức tràng Như Lai đối trước Diệu Cát Tường Xưng Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu , lúc ấy chỉ là người thầy thuốc dâng cúng cho Phật một trái Ambala (trái xoài).

Luận rằng:

Người sơ phát tâm Bồ Đề chưa thể viên mãn muôn hạnh, nhưng điều nhàm chán và yểm ly nầy có thể (giúp họ) ra khỏi luân hồi, đạt được vô lượng an lạc. Như Kinh Từ Thị Giải Thoát (Maitreyavimoksa) chép rằng: Nầy Thiện nam tử! Giống như có một vật báu gọi là Kim Cang có thể đoạn trừ bần cùng khổ sở. Nầy Thiện nam tử! cũng giống như thế, tâm và trí nhứt thiết có thể đoạn trừ tất cả sự khổ não trong luân hồi.

Luận rằng:

Điều cần nên biết là chỉ có phát tâm Bồ Đề mới gần quả vị giải thoát. Như Thiện Gián Kinh (Rayavavadaka-Sutra) chép rằng: Phật bảo:

-Nầy Đại Vương! Nếu Ngài cho rằng trong vô số việc làm, không sao làm hết . Còn ta trong tất cả pháp hành, ta thực hành tất cả. Trong mọi nơi, mang lợi đến tất cả mọi nơi . Nghĩa là học bố thí Ba La Mật Đa v.v… cho đến học Bát Nhã Ba La Mật Đa. Nầy Đại Vương! Cho nên , đối với Tam Miệu Tam Bồ Đề, Ngài cũng phải như thế; ưa thích phát khởi niềm tin thanh tịnh, tâm nguyện tạo lợi lạc cho người, trong từng cử chỉ đi, đứng, nằm , ngồi. Lúc thức giấc, khi uống ăn, luôn luôn tùy niệm mà phát tâm một cách trọn vẹn ; quán tưởng chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cùng các loài chúng sanh khác v.v… tích chứa bao nhiêu căn lành trong quá khứ, hiện tại và tương lai…vừa đầy lượng vừa hoà hợp, cho nên được tùy hỷ, mà sự tùy hỷ đó hiện tiền nơi mình; cho đến khắp cả hư không giới, khắp cả cảnh giới Niết bàn cũng tràn đầy tùy hỷ. Ngay cả, tùy hỷ khắp tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, Duyên Giác, Chúng Thanh Văn để cúng dường . Rồi bình đẳng hồi hướng đến khắp tất cả chúng sanh, cho đến làm cho tất cả chúng sanh được tất cả trí biết. Tất cả đều viên mãn trong thiện pháp của chư Phật. Mỗi ngày ba lần hhướng đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Nầy Đại Vương! Với chánh hạnh như thế. Ngài được gọi là Vua; chẳng tốn giảm đến ngôi vị cao quý, mà cầu hạnh Bồ Đề cũng được viên mãn. Nên gọi là phước báo.

Nầy Đại Vương! khi ấy, Ngài nhờ phát tâm Bồ Đề, nhờ căn lành nghiệp báo qua vô lượng vô số kiếp, có thể sanh lên cõi trời. Ở cõi Trời, có thể làm Thiên Đế Thích . Hoặc sanh về cõi người, có thể làm vua trong đời.

Nầy Đại Vương! Chỉ một lần phát tâm Bồ Đề năng lực thiện căn còn không có biệt nghiệp, biết đã viên mãn hoặc chưa viên mãn .

Phật bảo: Đặc biệt, nầy Đại Vương! chỉ một lần phát tâm Bồ Đề mà cứu độ tất cả chúng sanh, giải thoát tất cả chúng sanh, mang lại sự an ổn cho tất cả chúng sanh. Cuối cùng, khiến tất cả chúng sanh đến Niết Bàn vậy, được vô lượng vô số căn lành.

Nầy Đại Vương! Sao nói là trong nhiều loại công việc có thể làm hết mọi việc ư!!?

Luận rằng:

Hành tướng của Tâm Bồ Đề, như các Kinh đã nói, là sự duyên khởi trong quá khứ và trong hiện tại. Như thế, với Bồ Đề tâm nguyện, phải nhập vào địa nào Bồ Tát mới đắc giới?

Hữu bộ cho rằng: Địa thứ chín. Hư Không Tạng Kinh (Akasagarbha-Sutra) chép rằng: “Tiếng khen và lợi dưỡng là gốc tội lỗi”. Thập Địa Kinh (Dasabhumika-Sutra) chép: “ Gọi là chứng Sơ Địa thì đối với lợi dưỡng không còn chút gì luyến lưu và mong đợi. Nếu có chúng sanh nào đến gặp mình còn phại cấp thí cho gấp bội nữa”.

Luận rằng:

Như đã nói, Bồ Tát vào địa vị Cực Hỷ (Hoan Hỷ Địa) chứng được Thiện Trụ và Bất Động tương ưng, cũng nói rằng, sanh vào nhà Như Lai, nhất định hướng đến thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Hư Không Tạng Kinh nói: “Thanh Văn Thừa thì không được như vậy, chỉ trừ khi vui thích Đại Thừa thôi”. Như Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn (Ugrapariprccha) chép rằng: Những Xan Tật (Phiền Não) gọi đúng là Phược (sự trói buộc), khi tu học rốt ráo biểu hiện đã thoát khỏi “Phược” nầy gọi là đạt đến Cực Hỷ Địa, lìa xa ngã tướng; Ngã chấp chẳng sanh khởi nữa.

Thế nhưng, tại sao lại chấp vào tất cả các pháp tu, như cho rằng bố thí đầu , mắt v.v…?

Luận rằng:

Cứ như thế lần lượt kinh qua, khi vào Địa nầy rồi thì xả bỏ những biển hiện của học xứ trước. Bồ Tát Biến Luận trong khi để tương ứng với sự tu tập; hoặc dừng lại không cho thối lui, hoặc không nhảy vượt. Các vị Bồ Tát chưa có thể hành trì phải biết có hai loại nầy biến hiện khắp học xứ. Một loại học xứ, mà không thể học cho đến thành tựu tác dụng. Dù chẳng thể tu tập nhưng cũng không tội lỗi.

Kinh Vô Tận Ý (Akasayamati-Sutra) chép rằng: Khi thực hành sự bố thí rộng rãi, dẫu xa rời giới luật thanh tịnh mà chẳng phải là lười biếng. Bởi vì trước đây chưa từng nói, cũng chẳng tích tập việc làm, như dùng thế lực để thân cận vậy. Lại nữa Kinh Thập Địa nói rằng: Phạm giới tà hạnh mà bị ô nhiễm hoặc nặng hoặc nhẹ bởi do niềm vui của tâm Bồ Đề vậy. Nầy Xá Lợi Tử! Bồ Tát nào giảng về Biệt Giải Thoát Giới (Budhisattva-Prapimoksa), thành tựu bốn pháp, Bồ Tát âý đối với sự tu tập chứng được chơn thật ngữ. Nầy Xá Lợi Tử! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nào phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vui thích, tinh tấn, cần cầu pháp lành, tham dự nghị luận, kiên trì cấm giới, tu tập vẹn toàn pháp học của Bồ Tát. Nhờ được gần gũi với người ấy, có học giới như thế, nếu lỡ trái phạm, qua mặt, hủy báng Thầy Tổ, liền bị xấu hổ, tâm sợ hãi khởi lên, tức thì được tôn trọng thương mến và thành tựu trọn vẹn giới pháp bình đẳng như thế.

Đối với giới học của chư Phật, Như Lai hiện tiền , Bồ Tát nầy ưa thích Chánh Hạnh, nên được truyền trao riêng biệt. Người ấy chẳng cần thiện hữu tri thức giúp, có thể hướng trước chư Phật, Bồ Tát trong hiện tại, chuyên tâm niệm Phật hay quán tưởng, tùy theo năng lực mà xưng dương tán thán và kiên trì giữ gìn giới hạnh. Không bao giờ khinh chê tất cả chư Phật, Bồ Tát , các cõi trời, người v.v… trong mười phương.”

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ (Saddharma-Smartyupasthana-Sutra) chép rằng: “Do kém suy tư, lại hay ganh tị, không biết bố thí, chết đọa vào loài ngạ quỷ. Dạy người nhưng chính mình không chịu bố thí, chết đọa vào địa ngục; huống gì vì viên mãn vô thượng Bồ Đề mà hứa bố thí, khỏi phải đọa vào bất cứ loài nào trên thế gian”.

Như Kinh Pháp Tập (Dharmasangiti-Sutra) chép rằng: Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát phải nên trọng Thật Đế. Vì sao vậy? Nầy Thiện nam tử! Vì tích tập Thật Đế gọi là Pháp Tập. Thiện nam tử! Vì sao gọi là Thật Đế? Vì Bồ Tát phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tâm Bồ Đề, có thể xả bỏ thân mệnh nhưng chẳng bỏ tâm nầy và chẳng lìa bỏ chúng sanh; nên gọi là Bồ Tát Thật Đế. Nếu Bồ Tát nào phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề rồi, sau đó xả bỏ tâm này, lìa bỏ chúng sanh, thì Bồ Tát ấy đại vọng ngữ. Xấu hổ vô cùng!

Lại nữa trong Kinh Hải Ý Bồ Tát Sở Vấn Tịnh Án Pháp Môn (Sagaramati-Sutra) Phật dạy rằng: Nầy Hải Ý! Như trong thế gian, Vua, và các quan muốn đến tất cả các thành ấp nơi nhân dân tụ tập để bố thí hoặc thức uống, hoặc đồ ăn, nhưng không bày ra. Họ đã dối gạt dân chúng ở đó chẳng cho một chút thức ăn uống nào cả! Những lời phẫn nộ mắng chửi to tiếng từ đó phát ra. Phật bảo: Nầy Hải Ý! Bồ Tát ấy cũng giống như thế. Với chúng sanh chưa độ thì phải độ, mà chẳng dùng lời nói mẫn tiệp lợi lạc để khiến họ tu; thậm chí chẳng khuyến tu đa văn, tích chứa các pháp Thiện Bồ Đề Phần. Bồ Tát ấy là kẻ đang dối gạt trời, người, như Phật đã nói ở trước, bị chư Thánh quở trách. Với bậc Trí, Đại Trí, Vô Thượng Thắng Trí, thật khó có thể đạt được . Cho nên cần phải biết. Bồ Tát chẳng nên dùng lời dối trá với tất cả trời , người trong thế gian. Lại nữa Hải Ý! Hoặc có người đến khuyến thỉnh thuyết pháp, giải nghĩa để được lợi ích, thì Bồ Tát ấy tùy thuận mà thuyết , thậm chí xả bỏ thân này tu Bồ Tát hạnh, chẳng dối gạt tất cả chúng sanh. Phải nên biết như vậy!

Quyển 2:

Tập Bố Thí Học (Danaparita Prathamah Paricchrdah) – Phẩm Thứ Nhất, Phần hai

Luận rằng:

Nên biết tự mình nỗ lực tu tập, tùy theo hành tướng, với con đường thiện cũng nên hộ trì. Như Kinh Địa Tạng Thập Luận (Kasitigarbha-Sutra) chép rằng: “Con đường mười thiện nghiệp mà Phật đã chứng quả ấy, nếu như chẳng chân thật hộ trì con đường thiện nghiệp, đến lúc mệnh chung mà tự xưng rằng: “Ta tu hạnh Đại Thừa, chân thật, ta cầu quả vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Thì nên biết người nầy là kẻ dối trá! thật là đại vọng ngữ! Đối với trước chư Phật, Thế Tôn trong mười phương thế giới, dối gạt thế gian, giảng về Không, Chấp Đoạn, ngông cuồng ngu si. Sau khi thân hoại mạng chung, đọa vào ác thú”.

Luận rằng:

Sau khi thân hoại mệnh chung, có thể trong chốc lát, nói về sự tích chứa những việc lành và nên tu tập và tạo Phước. Như Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang (Phaisrjyaguru-Vaiduraaprapha-Sutra) chép rằng: “Nếu thấy đại tâm của chúng sanh như nghe Bồ Tát khó hành khổ hạnh và diệu thắng trí; cho đến hiểu sâu, phát đại dõng mãnh để gánh vác thay thế cho chúng sanh, chịu các khổ sở đều lễ bái cúng dường. Nói về tội cùng tùy hỷ theo phước, nên khuyến thỉnh chư Phật trụ thế thuyết pháp, cho đến hồi hướng Bồ Đề, vì thiện tri thức mà khuyến thỉnh thuyết pháp, nên biết rằng đây gọi là kẻ chỉ đường.

Như Kinh Văn Thù Sư Lợi Trang Nghiêm Phật Sát Công Đức (Manjusri-Buddhakasetragunavyuha Lamkara-Sutra) chép rằng: “Thế Tôn! Diệu Cát Tường nầy xưa kia có bản hạnh nhân duyên, phát tâm Bồ Đề, như pháp mà nói cho mọi người, để được ra khỏi ranh giới luân hồi, mang lại lợi ích cho chúng sanh. Với họ, ta tôn trọng sự phát tâm Bồ Đề nầy, hiện tại khuyến thỉnh để cho thế gian thoát khỏi sự bần cùng khổ sở, tâm phẫn nộ, tâm sân hận, tâm tham lam tật đố. Khi ta chứng Bồ Đề, tất cả điều ấy chẳng còn hiện khởi, thường tu phạm hạnh, thoát khỏi các tội lỗi ham nuốn. Ở nơi Phật tùy theo giới học thanh tịnh, vui thích tôn trọng đối với Đại Bồ Đề, sau đó chẳng bị bệnh chấp thủ, chấp ngã. Đối với chúng sanh, một tướng chẳng khác, lúc ấy mười phương thế giới dẫu chưa nghe tên ta, vô lượng bất tư nghì quốc độ, hết thảy đều nghiêm tịnh. Do thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh. Nơi các việc làm lại cũng đều thanh tịnh. Lại nữa tất cả lúc kiên trì tịnh giới, cho đến tận cùng của sanh tử chẳng có việc ác”.

Lại nữa Kinh A Xà Như Lai Bổn Nguyện Thọ Ký(Aksobhya Prani Dhananuy Dana-Sutra)chép rằng: A Xà Như Lai thuở xưa lúc làm Bồ Tát bèn nói như thế này: Nếu ta đời đời kiếp kiếp chẳng xuất gia, tức là dối gạt tất cả Chư Phật Như Lai. Nầy Xá Lợi Phất! Như thế Bồ Tát, đối với A Xà Như Lai lại cũng nên theo học. Lại nữa Xá Lợi Tử! Chư Đại Bồ Tát đời đời xuất gia, hoặc khi các Đức Như Lai xuất thế, hoặc chẳng xuất thế, cuối dùng đều xả bỏ gia đình để xuất gia, lại cũng học như thế. Vì sao vậy? Xá Lợi Tử! Nếu có Bồ Tát xả tục xuất gia là việc làm tối thượng, cho đến nam nữ quyến thuộc chẳng sanh ái nhiễm, như lúc Ta ở đời, không tạo một điều lỗi nào”.

Luận rằng:

Như trên đã nói về việc cản trở. Nếu nói thì giới tội tướng cũng giống như vậy. Cho đến tội tướng cùng các việc tương tự hãy nên tự thí xả riêng ở mỗi nơi hành tướng, lại chẳng không tội. Ở nơi hành tướng riêng biệt kia rồi chẳng nhiếp thọ, mà Bồ Tát, nơi các chúng sanh ở vị lai, tất cả đều làm cho được giải thoát; tất cả diệu lạc làm cho được tăng trưởng. Hoặc thân ngữ ý chẳng cần tinh tấn, phương tiện thuần thục. Ở nơi nhân duyên hợp thành chẳng vui khuyến hoá. Hoặc nơi diệt rồi chẳng cần tìm cầu. Đa phần phiền não, thiểu phần phiền não chẳng khởi lên đối trị. Nơi nghĩa lớn và nghĩa nhỏ hoặc chẳng có nghĩa, chẳng sanh tổn hại. Sát na đều bỏ, nói lời ấy là tội, lại nói không tội. Nghĩa là tự lực có thể ở nơi cảnh giới và sự việc đều ở quả báo. Hoặc chấp nơi biểu tướng thể tánh là tội, hoặc tự lực hai cảnh giới tương ưng tội vốn chẳng có; Cũng nói là tội để sánh với tướng giải thoát. Đây là Bồ Tát học nơi bình đẳng thân, quảng đại vô lượng kiếp về sau mà nói. Lại nữa lược nói Bồ Tát đây có hai loại tội: tựu thành như thế đủ với tương ưng và chẳng tương ưng, có thể làm hay chẳng thể làm cả hai đều chẳng thể lìa bỏ, đều có tội. Nghĩa là lời nói cứu cánh siêu xuất khỏi sự suy nghĩ như Nô Bộc Chiên Đà La cùng giải nghĩa là tội. Kia lại tại sao Kinh Thâm Tâm Giáo Huấn (Adhya Ayasamco Dana-Sutra) nói: Như Từ Thị nhân ở trong bốn loại biện tài tức là lời nói của chư Phật. Thế nào là bốn:

Một là rộng nói nghĩa, chẳng có nghĩa. Hai là trích nói điều này là chánh pháp, kia chẳng phải chánh pháp. Ba là phá tan phiền não, chẳng tăng trưởng phiền não. Bốn là vui thích đạt công đức đến Niết Bàn và chẳng vui thấy công đức trong Luân Hồi. Đây gọi là bốn loại. Điều quan trọng Đức Từ Thị nhân đây mà nói bốn loại biện tài? Nghĩa là người thiện nam, thiện nữ có lòng tin, phát sanh Phật tưởng, phát luận nghị tưởng, nghe pháp lành. Vì sao thế? Nghĩa là Bồ Tát Từ Thị khéo nói lời nói của chư Phật. Nếu đối với biện tài của Từ Thị mà sanh tâm phỉ báng, cho là không phải lời nói của chư Phật, chẳng tôn trọng, thì kẻ ác kia tức phỉ báng biện tài của chư Phật. Hủy báng pháp lành tức là chiêu cảm quả báo nghiệp xấu, hẳn đọa vào ác thú.

Luận rằng:

Lại nữa tu tập thiện xảo phát sanh ái lạc. Trong việc làm nầy tập học tối thắng tác dụng, nên tu học , sẽ có quả lớn. Như Kinh Tịch Tĩnh Quyết Định thần Biến (Prasantaviniscayapratihara-Sutra) chép rằng: “Lại nữa Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát nơi hằng hà sa số chư Phật, mỗi chư Phật đó có hằng hà sa số quốc độ, dùng Ngọc Ma Ni bố thí một cách tự tại trong hằng hà sa số kiếp, thì chư Bồ Tát đó đối với Pháp tướng đó mà nghe, rồi một lòng suy nghĩ nương theo tu học. Văn Thù Sư Lợi! So với kẻ vô học trước có phước báu, nếu chưa bố thí thì niềm vui muốn học ở nơi địa của Bồ Tát , phước này nhiều hơn”.

Luận rằng:

Bồ Tát chỉ thấy công đức ấy chưa nói đến việc tu tập trên đã nói. “Văn Thù Sư Lợi! Giả sử giáo hoá Tam Thiên đại thiên thế giới vi trần chúng sanh, mỗi mỗi chúng sanh được vua Diêm Phù tán thán thọ trì đọc tụng những âm thanh như Pháp mà tu hành theo kinh đại thừa, thì mỗi ngày đêm cắt thịt tay chân cho đến mệnh chung, một lòng phụng hành. Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên Bồ Tát bố thí với tâm không khiếp nhược, chẳng sợ, chẳng hãi, rốt ráo một lòng phát lòng tin tưởng gần gũi, chẳng hối chẳng nghi lại chẳng phân biệt. Ở nơi đây, Chánh Pháp tối thượng nhiếp thọ tương ưng, vui đọc tụng như thế mà tu hành. Văn Thù Sư Lợi! Đây chính là tâm của Bồ Tát dõng mãnh vậy. Nghĩa là bố thí dõng mãnh, trì giới dõng mãnh, tinh tấn dõng mãnh, thiền định dõng mãnh, trí tuệ dõng mãnh, tất cả tam ma địa dõng mãnh. Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm cho mọi nơi người ác chẳng sanh sân tâm, hiểm tâm, lại chẳng quên mất. Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát như thế Thích Phạm Vương cũng chẳng lay động được”.

luận rằng:

Nay đã đến lúc một lòng học hỏi quả báo lớn kia. Như trong Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội (Candrapradipa-Sutra) có kệ rằng:

“Nếu hằng hà sa nhiều ức kiếp

Cúng dường trăm ức na do Phật

Với tâm tịnh tín cúng cơm ngon

Và cúng dầu đèn cùng phan lọng

Khi chánh pháp đến thời Mạt Pháp

Lúc Phật pháp sắp hoại diệt ấy

Mỗi ngày mỗi đêm học thực hành

So với phước báo , không gì hơn “.

Luận rằng:

Cho nên phải một lòng siêng tu như trong kinh Phật nói về Bồ Tát Học Nghĩa. Như Kinh Bảo Vân chép rằng: “ Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát nơi Bồ Tát học kiên trì tịnh giới. Tầm, Tứ như vậy! Nếu chẳng phải Bồ Tát đối với giới biệt giải thoát làm sao có thể đắc thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Lại nữa chẳng phải nơi Kinh Pháp Đại Thừa của Như Lai, làm sao dạy cho các Bồ Tát về các việc làm, huân tập cho các Bồ Tát học. Ta như thế mà quảng đại tu tập”.

Luận rằng:

Chúng ta chẳng biết nơi giảng thuyết rộng nầy Bồ Tát đã chế tác phải biết dừng nghĩ việc ác. Thế nào chẳng có lý do ở nơi tu tập mà chẳng mất đi. Thế nào là nơi tu tập? Nghĩa là nếu dùng trong ba đời thanh tịnh làm bao việc thanh tịnh, hộ trì chúng sanh, làm sao thanh tịnh ấy tăng trưởng. Bồ Tát lãnh thọ giới ấy rồi, nếu Bồ Tát trụ nơi tu tập nói về tội tướng.

Như trong Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát chép rằng: “Con đường nhiếp thọ của Bồ Tát với tất cả chúng sanh làm cho diệt hết tất cả các khổ thú. Con đường của Bồ Tát nhiếp thọ an trụ nhiều vô số. Duy chỉ một sự phát tâm an ổn và tâm thân cận, đối với Bồ Tát phát tâm nầy phải nên biết nơi chúng sanh một lòng hướng về nhiếp thọ nhiều loại trụ xứ”. Như Luật Văn Thù Sư Lợi Thanh Tịnh chép: “Lúc bấy giờ Văn Thù Sư Lợi nói lời tịch tĩnh với Thiên Tử. Bồ Tát đầy đủ năm vô gián thì xa rời quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác . Thế nào là năm? Bồ Tát thâm sâu tác ý cầu vô thượng đạo, phát tâm chẳng rơi vào nơi chốn của Thanh Văn, Duyên Giác. Đây là sơ vô gián phát tâm, từ bỏ tất cả sở hữu, tâm keo kiệt mà chẳng cộng trụ. Đây là vô gián thứ hai. Ta nên cứu độ tất cả chúng sanh, chẳng khởi tâm xấu hổ thối lui. Đây là vô gián thứ ba. Rõ biết tất cả pháp chẳng không, chẳng có, không sanh, không diệt. Ở chỗ chẳng rơi vào thấy nghe. Đây là vô gián thứ tư. Nơi các pháp biết hoà hợp cùng tướng, như thế phát tâm vô sở trụ. Do vô sở trụ nơi tất cả trí tất chẳng sở đắc. Đây là vô gián thứ năm!”

Luận rằng:

Thân được thọ dụng phước báu chẳng đoạn dứt là ở nơi xả hộ làm cho sự thanh tịnh tăng trưởng như trong Du Già Quán Tưởng đã chép:”Sự xả bỏ tức là nhiếp phục tội lỗi. Trong quán tưởng , xa lìa tham lam. Đó là công đức của quán xả”. Như trong Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội Sở Thuyết có kệ rằng:

“Thân ấy chẳng chắc thường

Kẻ ngu say đắm luôn

Chẳng biết trong thọ mệnh

Sát na như huyễn mộng

Tạo ra các nghiệp ác

Tội báo thường bám theo

Nhân ấy là vô minh

Chết đọa vào ác đạo “

Lại như Vô Lượng Đà La Ni Kinh (Anantamukha-Nirharadharani) chép rằng: “Vì sao mà chúng sanh bị cái nhân đấu tranh? Vì do sự chấp trước về tài lợi làm căn bản, nên phải thí xả. Nếu lìa tham ái, tức được Đà La Ni nầy”.

Lại nữa Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát chép rằng: “Lại nữa Xá Lợi Tử! Bồ Tát ở nơi tất cả pháp cực vi tế chẳng sanh nhớ nghĩ đến kia. Tại sao? Vì sợ chấp trước vậy”.

Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn (Ugradatta-Pariprccha) chép rằng: “Nghĩa là nếu kẻ bố thí chẳng có tâm tham tiếc keo kiệt; kẻ chấp trước hay thường chấp giữ. Lại nữa kẻ bố thí diệt hết tham ái còn kẻ chấp trước thì tăng trưởng tham ái. Kẻ bố thí chẳng có tính toán còn người chấp trước có tính toán. Kẻ bố thí chẳng sợ hãi còn người chấp trước hay sợ hãi. Kẻ bố thí ở đạo Bồ Đề còn kẻ chấp trước ở nơi cảnh giới của ma. Kẻ bố thí hay niệm tưởng vô tận còn kẻ chấp trước hay niệm tưởng có tận. Kẻ bố thí được các diệu lạc còn kẻ chấp trước thường hay bị bức bách. Kẻ bố thí hay xả ly phiền não còn kẻ chấp trước hay tăng trưởng phiền não. Lại nữa kẻ bố thí thường được giàu có sang trọng còn kẻ chấp trước thường hay nghèo hèn. Kẻ bố thí có sự nghiệp lành còn kẻ chấp trước có bọn xấu dò la. Kẻ bố thí được chư Phật xưng tán còn kẻ chấp trước được kẻ ngu xưng tụng. Cho đến kẻ bố thí sanh con chẳng khởi sự vui đắm; chẳng như chúng sanh mà khởi tâm lân mẫn, nên nơi tự tâm có ba loại. Thế nào là ba? Một là Bồ Tát ứng hợp con đường Bồ Đề chánh giác tương ưng, chẳng ứng hợp với việc tà. Hai là Bồ Tát đối với đạo Bồ Đề khởi tâm bình đẳng, chẳng có tâm cao ngạo. Ba là Bồ tát đối với đạo Bồ Đề có vô số chủng chủng hạnh, chẳng phải chẳng có chủng chủng hạnh nào. Đây là ba loại tự tâm”.

Luận rằng:

Có nghĩa là nơi tự thân khi sanh con khởi tư tưởng không thân thiện với bạn hữu, nên chẳng có bạn lành kết thân. Nếu vì lợi ích tùy theo lời Phật dạy mà học hỏi chiêm nghiệm thêm thì nơi tự thân khi sanh con, chẳng sanh đắm nhiễm vui thú. Chẳng phải như chúng sanh mà khởi sự lân mẫn. Nên biết như thế mà phát tâm Bồ Đề, cứ như vậy mà phát khởi từ ái như ta với con mình; tức ta nơi chúng sanh lại cũng tùy thuận mà phát sanh từ ái. Quán sát sâu xa như thế giác ngộ và hiểu rõ con của ta chẳng khác với tất cả chúng sanh, nghĩa là tất cả chúng sanh đều là con của ta vậy. Tự mình cho chúng sanh hoặc kẻ khác, cho đến cư sĩ tại gia . Bồ Tát đối với tài lợi chẳng nhiếp thọ chúng sanh và cũng chẳng nên đắm trước. Chẳng phải pháp xuất ly, lại chẳng nên ái lạc tùy thuận nhiễm dục. Lại nữa, tại gia Bồ tát nếu có kẻ đến xin ăn, tùy theo hoàn cảnh mà phát tâm dõng mãnh để bố thí cho họ. Lại nữa nên nghĩ rằng: Tài lợi nầy của ta nếu xả hay chẳng xả, cuối cùng cũng cũng sẽ tiêu hủy, miễn làm sao nơi xả thọ mà được vô dục. Nghĩa là ngã và ngã sở (Cái ta và cái thuộc về ta) được cứu cánh nhẫn. Ở nơi xả bỏ vật kia, lìa thai tạng khổ. Tâm trụ nơi chánh niệm , hoan hỷ nơi ái lạc, chẳng sanh niệm chuyển đổi.

Lại nữa hay xả như thế, nghĩa là vật xả cùng thức ăn kia nên biết có bốn loại tưởng. Những gì là bốn? – Nghĩa là chẳng yếu hèn, chẳng chịu thuần thục thiện căn, tạo tất cả các nghiệp trước. Nơi Đại Thừa tâm chẳng tự tại thấy có chấp thủ và buông xả vậy. Lại nữa nếu những gì của ta và thuộc về ta như lực dẫn tự tại, chính ta và người lành khác chẳng khởi hối tiếc, cứ như thế mà tu tập, siêng năng, tinh tấn, đầy đủ nơi tất cả chúng sanh, khó tìm cầu vậy. Như thế tại gia Bồ tát đối với việc xin ăn kia, nên tưởng nghĩ như vậy; ngược lại, kẻ xin ăn càng tăng thêm sự mất mát, thì Bồ Tát nên dùng lời nói lành để an ủi phủ dụ. Lại nữa kẻ xin ăn chẳng biết suy nghĩ Bồ Tát lại chẳng khởi tâm keo kiệt. Đây là điều chẳng có tội. Điều nầy Đức Thế Tôn đã dạy những Bồ Tát sơ cơ. Như trong Bồ Tát Biệt Giải Thoát chép rằng:”Nầy Xá Lợi Tử! Bồ Tát chẳng nên có bốn pháp. Thế nào là bốn? Một là Bồ Tát chẳng phải chẳng có tín tâm. Hai là Bồ Tát không có xan tham. Ba là Bồ Tát không có hai lưỡi đố kỵ. Bốn là Bồ Tát không có tâm giải đãi. Nghĩa là ta chẳng thể thành quả vị Vô Thượng Bồ Đề . Nầy Xá Lợi Tử! Nếu ta có bốn pháp ấy mà kẻ trí nơi đây biết rõ liền dùng tà mệnh yểm cầu phi pháp, nhiễm pháp sâu nặng trong đời về tài vật, thì điều thứ nhất tham ăn của tín thí. Lại nữa Xá Lợi Tử! Bồ Tát có tâm xả thí dõng mãnh như thế cho đến đầu , mắt ,tay, chân , từng phần thân thể của nam nữ quyến thuộc có tâm vui thích say đắm nhà cửa, quốc ấp, tất cả sở hữu, hẳn nhiên nên xả bỏ”.

Lại như Kinh Na La Diên Sở Vấn (Narayana-Parprccha) chép rằng: “ Nếu đối với tài bảo phát tâm xả như thế, nên biết với tài lợi chẳng sanh thủ trước, rồi xả bỏ mà chưa biết khởi lên, hoặc đối với sự nhiếp thọ chẳng khởi tâm xả. Nghĩa là chẳng nhiếp thọ lại thường chấp trước. Hoặc tùy theo kẻ ăn uống nhiếp thọ ý nghĩa mà khát sanh sự hiểu biết vậy. Đối với quyến thuộc lại chẳng chấp trước. Tối thượng tôn sùng lại chẳng chấp trước. Thọ dụng trân bảo lại chẳng chấp trước. Thế mà Bồ Tát đối với tài lợi chẳng khởi tâm xả, cho đến những phần nhỏ nhặt nhất mà còn chấp trước. Lại nữa Thiện nam tử! Bồ Tát Ma Ha Tát cũng nên phát tâm, nghĩa là từng phần thân thể của mình còn nên thí xả cho các chúng sanh, hà huống sở hữu những nột tài vật riêng. Lại nữa nếu đốì với chúng sanh mà xả thí tất cả được như thế. Nghĩa là có kẻ đến khất thực xin ta cho tay, chân, thì liền cho tay, cho chân, xin mắt cho mắt. Cho đến da thịt máu huyết cả thân phần mình, tùy mỗi mỗi mà cho.”

Thế nào gọi là ngoại tài đầy đủ?

Nghĩa là nếu trong nhà kho có đồ vật như vàng, bạc, trân bảo đẹp đẽ trang nghiêm, xe voi, xe ngựa, quốc thổ cung điện, thành ấp tụ lạc cho đến nhân dân, kẻ làm việc sĩ phu nam nữ quyến thuộc. Nếu chúng sanh sở hữu những vật sở hữu, ta sẽ cho họ mà chẳng sanh phiền não, cũng chẳng hối tiếc. Chẳng mong quả báo hoặc muốn nịnh hót giả dối. Lại nữa ta đối với kẻ thí này tùy thuận với tất cả chúng sanh vậy. Thương chúng sanh , làm lợi lạc tất cả chúng sanh. Nhiếp thọ chúng sanh như ta nhiếp thọ biết pháp như thế được Bồ Đề, là điều quan trọng. Nầy Thiện nam tử! Giống như cây thuốc, rễ, thân , cành, lá hoa quả vỏ cây, toàn thể từng phần tùy theo kẻ lấy chẳng phân biệt. Lại nữa chỉ làm sao cho chúng sanh thoát khỏi bệnh khổ là được. Lại chẳng phân biệt tánh thượng trung hạ. Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại cũng như vậy; nên biết bốn loại lớn của thân sanh ra cây thuốc , mà ở nơi kia có thể làm lợi lạc cho chúng sanh. Xin tay cho tay, xin chân cho chân. Tùy theo đó lấy như cây thuốc đã nói trên kia chẳng sanh tâm phân biệt”.

    Xem thêm:

  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Tối Thượng Thừa - Luận Tạng
  • Đại Thừa Khởi Tín Luận - Luận Tạng
  • Luận Nhập Đại Thừa - Luận Tạng
  • Ý Nghĩa Quyết Định Của Pháp Hoa Huyền Tán - Luận Tạng
  • Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Khởi Tín - Luận Tạng
  • Luận Về Đại Thừa Duyên Sanh - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ (Trọn bộ 5 tập) - Luận Tạng
  • Luận Kim Cang Đỉnh Du Già Trung Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề - Luận Tạng
  • Luận Đại Tông Địa Huyền Văn Bổn - Luận Tạng
  • Luận Du Già Sư Địa - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ Thập Nghi - Luận Tạng
  • Đại Thừa Tuyệt Đối Luận - Luận Tạng
  • Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Sớ Thần Bảo Ký Nhơn Vương Hộ Quốc Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Tâm Bồ Đề Lìa Hình Tướng - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 1) - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng