1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Quyển 17

Niệm Xứ – Phẩm Thứ 13. Phần 2

Luận rằng:

Ở đây lược nói về thọ niệm xứ. Thứ đến làm rõ tâm niệm xứ. Như Kinh Bảo Tích nói rằng: “Phật bảo: Nầy Ca Diếp đối với tâm nầy, hoặc sanh ái lạc, hoặc khởi ghê chán; hoặc nhiều nhiễm trước. Ở nơi ba loại kia, làm sao biết hết được. Nếu quá khứ đã diệt rồi, hiện tại chưa dừng, và vị lai chưa đến. Không trong, không ngoài, chẳng có khoảng giữa. Tất cả chẳng thể được. Lại nữa tâm chẳng thể thấy bằng màu sắc, chẳng thể khoa trương, chẳng thể đối trị, chẳng quán, chẳng chiếu, vô trụ, vô trước, mà tâm là tất cả. Như Lai thường không có chỗ thấy, trừ việc có thể quán sát. Không riêng cảnh giới, chỉ có pháp tưởng còn đối đãi. Nầy Ca Diếp! Tâm như huyễn, thay đổi chẳng thật. Do chỗ chấp thủ mà nhiều loại được sanh. Tâm như hư không vì các phiền não và tùy phiền não khách trần tụ hội. Tâm như dòng sông, chảy xiết sanh diệt chẳng ở yên; Tâm như đèn sáng là nhân duyên sanh khởi; Tâm như điện chớp tích tắc trong khoảng sát na; Tâm như bạn ác có thể tạo các khổ; Tâm như người đi câu cá, khổ vui đều tưởng đến; Tâm như ủy mị làm chỗ não hại não phiền; Tâm nầy như dạ xoa bòn rút các tinh khí; Tâm như cuồng tặc, cướp đi các thiện căn; Tâm như ánh đèn thường tỏa ra màu sắc; Tâm như tiếng trống trận khi nghe phải chiến đấu; Tâm như nô tỳ tham lam nơi mùi vị; Tâm như rùa biển gặp được chỗ nương tựa; Tâm như heo con, sống giữa đồ bất tịnh mà tưởng như hương thơm.

Phật bảo : Nầy Ca Diếp! Kẻ cầu Tâm rõ chẳng thể được. Do chẳng thể được nên chẳng có thể được. Ở trong các thời quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả chẳng thể được, tất có thể ra khỏi ba cõi; có và không”.

Lại nữa Kinh Bảo Kế chép rằng: “Tâm chẳng ở bên ngoài cho nên chẳng thể thấy, ở trong uẩn, xứ, giới cũng chẳng thể thấy. Như thế sự tìm cầu cũng chẳng thể thấy. Do duyên gì mỗi mỗi được khởi lên, nghĩa là tâm duyên vào việc nầy. Vì sao nói tâm chẳng thể thấy? Nên biết tâm như con dao lợi hại có thể tự giết mình. Lại nữa tâm cũng giống như móng tay tự cắt móng tay. Nên có thể nói tâm chẳng thấy cũng như vậy. Cho đến như người đi xa dù thân thể di chuyển nhẹ nhàng nhưng không thể bị gió làm bệnh, cho đến ngoại cảnh chẳng thể chướng ngại.

Nầy Thiện nam tử! Như có người nơi sáu xứ của cảnh giới nầy, mà tự mình và tha nhân bị trói buộc. Tâm chẳng ái trước, thân chẳng tán loạn. Tức trong thiền định, tâm tánh trụ một cảnh được vô chướng ngại. Đây là tâm niệm xứ”.

Lại nữa Kinh Vô Tận Ý chép rằng: “Đối với pháp tương ưng hành tu tập trang nghiêm, tâm đối với Pháp tánh chẳng diệt mất. Thế nào là trang nghiêm nơi Pháp tánh, mà tâm cũng giống như sự huyễn hóa, nếu tự xả tất cả sở hữu có thể hồi hướng đến Pháp tánh của tâm. Đây là nghiêm tịnh các Phật quốc. Pháp niệm xứ là: Như kia nói Bồ Tát nơi Pháp chẳng quán pháp hành, pháp vô có thể quán được vậy. Nếu không phải Phật Pháp chẳng phải là Bồ Tát đạo, tức tất cả Pháp đều chẳng lìa ở đây. Hiểu rõ điều ấy rồi, được đại bi Tam Ma Địa. Đối với tất cả pháp chẳng có phiền não, chẳng không phiền não, được tam luân vô tưởng. Vì sao vậy? Vì rõ các pháp tướng và các pháp tánh chẳng có hai tướng. Đây là các phiền não tánh chẳng tích tụ, tánh không tham, tánh không sân và tánh không si. Nếu có thể ngộ được điều nầy tức là Bồ Đề vậy. Rõ biết tánh phiền não tức là tánh Bồ Đề. Đây là pháp niệm xứ.”

Lại nữa Kinh Bảo Kế chép rằng: “Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát đối với Pháp quán pháp niệm xứ, nếu pháp khởi tức là sanh, pháp mất tức là diệt, nghĩa là nơi Pháp, lúc ấy ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, Trưởng giả, Sĩ phu, Bổ đặc già la (Hữu tình chúng sanh), ý sanh trẻ con, rồi sanh lão tử… Ở tập tức là tập trung những việc làm, nếu chẳng tập tức là chưa tập trung những việc làm. Nếu thiện và bất thiện, lại chẳng động đến việc làm. Cũng không ít Pháp không có nhân duyên mà được sanh khởi, cho đến đối với Pháp xứ sâu xa nhỏ nhặt, chẳng rời tất cả trí tâm của Bồ Tát”.

Như Kinh Đại Hý Lạc chép :” Ở đây vì có hành, tuy do tâm tạo tác giống như một cái bình vô thường tan hoại. Hành như cái thành không có gì cả bởi mưa làm hư hoại. Đất bùn chẳng kiên cố dần dần do sự cọ sát mà diệt. Lại như bờ sông chứa đầy cát mà thành, tự tánh yếu đuối vì nước xoi mòn. Hành giống như gió thổi tắt ánh sáng cho nên sanh ra diệt, chẳng ở lại. Hành cũng giống như nước đọng có thể giữ lại. Hành cũng giống như trái chuối, không thật. Lại như nắm tay đưa vào hư không để dọa người ngu. Cho đến hoặc cỏ rác v.v… tạo nên con rùa, nương vào nơi ngói gạch, có thể bị thay đổi, chưa gặp có một tác dụng. Tất cả các phần hỗ tương nương vào tụ tập mà thay đổi. Đây trước sau đều chẳng có thể được. Như người cầm lửa ở hai tay và cây rung động nín thở, lửa chẳng được phát sanh. Các duyên hoặc lìa khỏi lửa, tùy theo mạnh yếu mà diệt. Ở nơi hành như thế có ấn tượng và chỗ ấn tượng. Nếu tự mình và kẻ khác có thể ra khỏi chỗ đoạn thường và việc làm . Như biết người đi buôn vào trong con đường hiểm nạn, rồi được thông suốt”.

Luận rằng:

Do vô minh , ái và phiền não nghiệp duyên vào chỗ huân tập để thành uẩn, xứ, giới. Ở trong nghĩa tối cao, tất cả đều chẳng thể được.

Tự Tánh Thanh Tịnh (Atmabhavaparisuddhih Paricchedas Caturdasah) – Phẩm thứ 14. Phần 1

Luận rằng:

Nói về niệm xứ rồi, thứ đến nói về nhập giải Bồ Đặc Già La (hữu tình chúng sanh), quyết định thành tựu tương ưng với tánh không, đoạn lìa căn bản nầy; trừ phiền não và chẳng tập hạnh. Lại nữa như Kinh Như Lai Bí Mật chép: “Phật bảo: Nầy Tịch Huệ! Giống như có cây tên là Bát La Xa. Nếu chặt gốc đi tức tất cả cành lá đều bị khô hoại. Nầy Tịch Huệ! Ở đây lại cũng như vậy, nếu đoạn lìa thân kiến tức có thể trừ diệt được tất cả phiền não”.

Luận rằng:

Phân biệt tánh Không có vô số hình tướng. Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:

Nếu ai tin lời dạy Như Lai

Giới Phật luôn luôn được tỏ bày

Nên nhớ nữ nhân phải xa lìa

Biết Pháp thường thường vốn không sai

Nhổ sạch tất cả mũi tên khổ

Ban cho y dược để an bài

Trở thành Lưỡng Túc ngay hiện tại

Biết tự tánh pháp thường không hai

Như tứ chi vốn trong thân mệnh

Gậy gộc đánh nhầm cũng không sao

Lực nhẫn tuyệt vời như trăng sáng

Biết tự tánh pháp chẳng khác nào

Giả sử trăm lần vào ác đạo

Thường được huân tu sắc tướng lành

Lại hay có được ngũ thần thông

Chư Phật an trụ độ chúng sanh

Kinh Bát Nhã (Phagavati) nói: “Lại nữa Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát muốn thành tựu thân Phật với ba mươi hai (32) tướng đại trượng phu và tám mươi (80) vẻ đẹp. Đối với tất cả chúng sanh nên nhớ nghĩ đến tâm Bồ Đề chẳng làm cho tổn hoại. Đối với Bồ Tát hạnh được chỗ không quên mất. Lìa ác tri thức cùng những việc sai trái. Gần gũi với chư Phật, Bồ Tát cùng với những Thiện tri thức v.v… và hàng phục những thiên ma, thanh tịnh các nghiệp chướng. Đối với tất cả các Pháp đều không trở ngại nên học Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát phát mỗi một niệm như thế nơi tâm, tất có thể qua khỏi đông phương hằng hà sa thế giới, đến tất cả các phương khác để học Bát Nhã Ba La Mật Đa. Lại nữa Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát giả sử ở mười phương cõi Phật, sẽ học Bát Nhã Ba La Mật Đa lại cũng nói như thế. Cho đến rộng hơn như các pháp vô ngã. Diệt trừ nghiệp chướng ràng buộc tức thấy được tự tánh của các pháp không diệt”.

Như Kinh Phụ Tử Hợp Tập nói rằng :”Phật bảo: Nầy Đại Vương! Đây là sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý nương chỗ nhỏ nhiệm. Đây là vì duyên mà sanh. Thế nào gọi là sáu giới? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới. Thế nào là sáu xúc xứ? Nghĩa là nhãn xúc xứ, thấy ở nơi sắc, nhĩ xúc xứ được nghe nơi âm thanh, tỷ xúc xứ có thể ngửi mùi hương, thiệt xúc xứ có thể nếm được mùi vị, thân xúc xứ gần gũi cảm giác được sự sờ mó, ý xúc xứ tức biết được nơi Pháp. Thế nào là 18 ý nương vào chỗ nhỏ nhiệm? Nghĩa là mắt thấy sắc rồi sanh khoái thích, sanh ưu não, sanh giữ hay bỏ. Đây là sáu căn mỗi mỗi duyên vào chỗ khoái thích ấy và ba loại nên có tên là 18 ý ở chỗ nhỏ nhiệm.

Nầy Đại Vương! Thế nào là nội địa giới? Nghĩa là nơi nội thân sanh ra như tóc, lông, móng tay, răng v.v… Nếu ở nội địa giới chẳng sanh , lại chẳng có dịp tức chẳng huân tập những việc làm. Nầy Đại Vương! Nếu ở người nữ mà nơi nội thân như thế suy nghĩ, rồi sanh ái lạc. Do hai loại hòa hợp sanh ra yết la lam (Kalaia – tinh cha, huyết mẹ). Lại nữa như tư duy ở sự tương tợ hòa hợp mà được sanh ra, chẳng có nơi chốn. Nếu hai người nữ chẳng có nơi chốn, cũng chẳng có sanh. Nếu tư duy mà sanh ra được, lại chẳng phải chỗ nầy. Tự tánh vô thật, phi tương ưng vậy. Thế nào nói đây là tánh kiên cố?

Nầy Đại Vương! Tánh kiên cố tương tợ mà thành lập. Cứu cánh của thân nầy bị đốt cháy tan ra hoại diệt. Rồi khoảng giữa không gian đó là chỗ quy hướng về. Tánh cứng rắn ấy từ đây mà đến. Lại chẳng phải từ phương thượng hạ mà đến. Nầy Đại Vương! Đây là nội địa giới như thế nên biết”.

Quyển 18

Tự Tánh Thanh Tịnh – Phẩm Thứ 14. Phần thứ 2

Nầy Đại Vương! Ở ngoài địa giới , tánh cứng cỏi. Lúc bấy giờ , nơi thế gian được thành lập đầu tiên do Phạm Thiên tạo nên cung điện, có thành Bảo Sở. Lại có Tha Hóa Tự Tại, chư thiên cùng các cung điện. Tất cả đều làm bằng bảy thứ bảy. Nầy Đại Vương! Nếu không có địa giới, tánh kiên cố sanh, nơi kia do đâu mà đến. Đất đai lại rộng đến tám mươi bốn ngàn do tuần. Bề rộng có sáu mươi ngàn do tuần. Lại nữa chung quanh có núi lớn bao bọc, kiên cố an trụ, vững chắc như kim cương. Lại nữa, núi Tu Di, núi Dữu Kiến Đà, núi Ninh Nê Đà, núi Y Xá Đà cho đến Hắc Sơn. Như thế có ba ngàn đại thiên thế giới lần lượt được thành lập kiên cố tồn tại. Nếu không có địa giới do tánh kiên cố sanh, những thế giới kia từ đâu đến.

Nầy Đại Vương! Lại nữa thế giới nầy khi hoại đi rồi, hoặc vì lửa cháy, hoặc vì nước trôi, hoặc vì gió thổi mà đại địa nầy khi bị đốt cháy, giống như dầu thêm vào lửa càng nung đốt cho đến tàn lụi chẳng có thể thấy được. Nếu bị nước trôi, tất cả đều cuốn hút vào trong nước, dấu vết bị hoại diệt. Vì gió tùy phong thổi mạnh, nơi ba ngàn đại thiên thế giới tất đều tan hoại, sạch nhẫn chẳng còn gì.

Nầy Đại Vương! Khi ngoại địa giới sanh, gốc gác vẫn là không. Khi diệt cũng trở thành không. Tự tánh nó là không vậy! Chẳng có tướng nam, lại cũng chẳng có tướng nữ. Chỉ do lời nói mà hiển bày vậy! Như thế địa giới và địa giới tánh chẳng thể được. Chỉ có trí tuệ chơn chánh như thật mới có thể rõ biết. Thế nào là nội thủy giới? Bên trong thân nầy, có chấp thọ, tánh ấm lạnh. Nhưng đó là gì? Đó là mồ hôi, nước mắt, mỡ, mũi dãi, huyết máu v.v…làm nội thủy giới.

Nầy Đại Vương! Bỗng nhiên thấy người thân bằng mắt rồi chảy nước mắt; hoặc vì khổ não gặp chuyện bức bách mà rơi nước mắt; hoặc vì nghe pháp thâm sâu, tín tâm càng vững mà rơi nước mắt; hoặc vì gió đông thổi lạnh mà rơi nước mắt. Như thế thủy giới từ nơi đâu mà đến. Khi tướng của nước khô đi rồi, lại đi về đâu? Cho đến khi thế giới nầy hoại rồi, sanh ra mây đen. Ba mươi hai loại như thế phủ lên trên ba ngàn đại thiên thế giới . Ở nơi hư không, mưa nặng hạt hoặc lớn như voi ngày đêm liên tục chẳng gián đoạn. Như thế phân chia ra trải qua năm kiếp, nước tích tụ lại đầy tràn cho đến cõi Phạm Thế.

Nầy Đại Vương! So sánh thủy giới to lớn từ đâu mà đến. Lại nữa thế giới nầy sẽ hoại diệt, có hai mặt trời xuất hiện. Hai mặt trời xuất hiện rồi, sông nhỏ, suối nhỏ, khe nhỏ, tất cả đều khô cạn. Khi mặt trời thứ ba xuất hiện, không còn khô nữa, nước ao hồ bắt đầu chảy ra bốn sông. Tuy nhiên tất cả cũng khô dần. Lúc mặt trời thứ tư xuất hiện, nước trong biển lớn cũng giảm đi một, hoặc hai hoặc ba cho đến mười, hai mươi do tuần, dần dần khô cạn đến tám mươi do tuần. Nước còn lại hoặc cao bằng một cây Ta La, hoặc sâu đến ngực người, hoặc sâu đến vũng chân bò. Lại giảm thiểu đến sâu còn một ngón tay, đến lúc ấy thời nước trong đại hải tất cả đều khô cạn, chẳng còn giọt nào.

Nầy Đại Vương! Tướng của thủy giới không từ đâu sanh ra, mà diệt cũng chẳng về đâu. Sanh thời vốn từ Không. Diệt thời lại cũng Không. Tự tánh là không vậy! Chẳng có tướng nam, chẳng có tướng nữ. Duy chỉ có nói bằng lời để chỉ bày mà thôi! Đây là thủy giới và thủy giới tánh. Tất cả đều chẳng thể được.

Thế nào là thân nội hỏa giới?

-Trong thân nầy có chấp thọ về tánh nóng lạnh. Như thế nào: Đó là ấm, nóng, mát lạnh. Từ chỗ ăn uống thành thục biến đổi tan hoại. Làm cho an lạc vào chỗ nóng bức. Đây có tên là nội hỏa giới. Thế nào gọi là ngoại hỏa giới? Nghĩa là chẳng chấp thọ của tướng nóng lạnh sanh. Lại nữa có người nơi rừng sâu tìm lửa đốt, hoặc bằng cỏ rác, hoặc bằng phân bò, hoặc bằng dây đậu để dẫn cho lửa phát ra và đốt cây cỏ rừng, làng xóm, mọi nơi để có chỗ thiêu đốt.

Nầy Đại Vương! Như thế hỏa giới sanh ra cũng chẳng từ đâu và mất đi cũng chẳng đi đâu cả. Từ xưa đến nay, tự tánh lìa xa nhau vậy!

Thế nào là thân nội phong giới? Tánh động nhẹ nhàng đó là gì vậy?

Nghĩa là nội phong nầy , hoặc ở trên cao, hoặc bay dưới thấp, hoặc nằm nơi bụng, hoặc nơi hông, nơi vai, hoặc phát ra hơi thở, hoặc tụ lại thành khối, hoặc như dao cắt, hoặc như kim đâm. Hơi thở ra vào biến bổ đầy khắp thân thể tứ chi.

Ngoại phong giới nghĩa là gió từ bốn phương lại, hoặc tụ lại như mũi tên; hoặc sắc bén lợi hại như con dao; hoặc cuồng nộ khởi lên làm gãy đổ cây rừng la liệt trong núi lớn; hoặc khởi lên gió nhẹ làm động y áo trên thân người và cây Ta La. Đây gọi là ngoại phong giới. Ngoài ra, như trước đã nói.

Thế nào là nội không giới?

Thịt da, máu huyết của thân hiển rõ tăng trưởng, có tánh xa cách chẳng ngại. Như thế là thế nào? Nghĩa là lỗ mắt, hang tai, cửa miệng, yết hầu. Khi ăn uống, mùi vị đi vào và chứa trong ruột gan, rồi tống ra ngoài. Lúc ấy nghiệp duyên dẫn sanh vào lục xứ. Khi các xứ sanh ra, vây nhiễu không giới. Thế gọi là nhập nội không giới. Nhưng không giới ấy từ đâu đến? Ngoài tuy hiển hiện tánh chất xa lìa, ấy gọi là ngoại không giới.

Nầy Đại Vương! Nếu sắc biến hoại thì tất cả đều thành không. Vì sao thế? Hư không giới gốc chẳng có cùng tận vậy. An trụ nơi bất động giống như Niết Bàn. Biến tất cả xứ chẳng có chướng ngại. Nầy Đại Vương! Giống như có người sống trên cao nguyên đào giếng. Nghĩa là thế nào? Tướng không của giếng ấy từ đâu mà đến? Vua đáp: Chẳng từ đâu đến cả! Phật bảo: Này Đại Vương! Giả sử người kia lại lấp đất lại thì sao? Không ấy đi về đâu? Vua đáp: Không ấy chẳng đi đâu cả! Vì sao thế? Vì hư không giới nầy chẳng đến chẳng đi vậy. Chẳng trụ ở tướng nam, chẳng trụ ở tướng nữ. Nầy Đại Vương gọi hư không giới bổn lai chẳng động tịnh. Vì sao thế? Tự tánh chia lìa vậy? Như kẻ có trí tuệ chân thật mới có thể hiểu rõ.

Lại nữa nầy Đại Vương! Thế nào gọi là Thức giới? Nghĩa là nhãn căn làm chủ, các sự sai biệt duyên vào hiển sắc hình sắc cho đến biểu sắc gọi tên là nhãn thức giới. Lục căn làm chủ duyên vào lục cảnh và mỗi mỗi sai biệt kiến lập. Đây gọi tên là lục thức giới. Lại nữam thức giới chẳng nhiễm trước nơi căn, chẳng trụ nơi cảnh giới, chẳng trong, chẳng ngoài, chẳng ở giữa hai bên. Thức giới nầy mỗi mỗi riêng biệt, mỗi mỗi cá thể. Tức khi diệt rồi, sanh chẳng từ đâu đến, diệt cũng chẳng đi đâu. Nầy Đại Vương! Thức sanh đã không, thời diệt cũng lại không. Tự tánh vốn không vậy. Chẳng trụ ở tướng người nam, chẳng phải tướng người nữ. Chỉ có nói việc hiển thị. Thế thì thức giới và thức giới tánh, tất cả đều chẳng thể được. Chỉ có trí tuệ như thật mới có thể hiểu rõ.

Nầy Đại Vương! Thế nào là nhãn xứ – Nghĩa là bốn đại các địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, chỗ tạo nên các tịnh sắc. Địa giới thanh tịnh tức là nhãn xứ thanh tịnh. Thủy, Hỏa, Phong giới thanh tịnh tức là nhãn xứ thanh tịnh. Vì sao vậy? Do địa giới thanh tịnh nên nhãn xứ được sanh. Đây chẳng có ít pháp có thể được. Như thế cho đến do phong giới thanh tịnh , nhãn xứ được sanh. Trong đây không có ít pháp có thể được. Vì sao vậy? Vì vô chủ tể vậy. Vô tạo tác, giống như tự tánh Niết Bàn tịch tịnh vậy. Nầy Đại Vương! Như thế nhãn xứ mỗi mỗi tìm cầu tất cả đều chẳng thể được. Vì sao thế? Do địa giới không, tức địa giới thanh tịnh. Cho đến phong giới không tức phong giới thanh tịnh. Các pháp tự tánh bổn lai là không , tức những giới kia thanh tịnh như thế nào? Lại chẳng phải không phẩn nộ tranh đấu. Hoặc thanh tịnh, hoặc đấu tranh, tất cả đều chẳng thể được. Lại nữa có sắc nào mà có thể thấy chăng? Nên biết nhãn xứ cứu cánh là không; do đó tự tánh cũng lại không. Trước sau tất cả đều không thể được. Vị lai nếu tạo lại cũng không thể được. Vì sao thế? Vì tự tánh vốn xa lìa – Tự tánh không có tức không có tướng nam, chẳng có tướng nữ, thế thì làm sao có ái lạc. Nếu sanh ái lạc tức là cảnh giới của ma. Nếu chẳng ái lạc là cảnh giới của Phật. Vì sao thế? Vì không ái lạc tức có thể xa rời tất cả các pháp.

Nầy Đại Vương! Thế nào là nhĩ xứ? Nghĩa là bốn loại tạo nên tịnh sắc. Lại nữa nầy Đại Vương! Các pháp giải thoát quyết định hiện tiền như không của Pháp Giới, chẳng thể thi thiết, chẳng thể hiển thị, chẳng thể nói riêng, chẳng nơi hy vọng. Nầy Đại Vương! Các căn mỗi mỗi vui say đắm trước nơi cảnh giới. Khi mắt duyên vào sắc, sanh đắm trước niềm vui. Cho nên nói sắc là nhãn cảnh giới. Lại nữa nhãn căn duyên vào nơi cảnh sắc có ba loại tương thuộc, sắc dễ mến khởi lên sự tham tuởng. Chẳng thể yêu màu sắc khởi lên sự sân tưởng; chẳng yêu, chẳng ghét khởi lên sự xả tưởng. Như thế cho đến ý đắm trước nơi pháp xứ làm ý cảnh giới. Ý xứ duyên vào sự khả ái của sắc rồi sanh ra niềm vui đắm trước. Vì nơi ấy dẫn sanh ra tham lam. Sắc chẳng dễ thương khiến cho tâm sanh sân hận. Nơi sự yêu thương, chẳng yêu thương khởi lên việc làm si mê. Đây là thinh có ba loại phan duyên lãnh nạp nơi tướng. Như trước đã nói.

Nầy Đại Vương! Nên biết những căn như cảnh giới huyễn, như mộng. Giống như có người nằm ngủ mộng thấy cùng với những người nữ hoan lạc giao hợp. Nầy Đại Vương! Ý Ngài nghĩ sao? Mộng khi rõ rồi, nhớ lại giấc mộng hoan lạc với người nữ là thật có chăng? Vua đáp:

– Chẳng có! Bạch Thế Tôn.

Nầy Đại Vương! Ý Ngài nghĩ sao? Người chấp mộng là thật có phải là người trí chăng?

– Chẳng phải, Bạch Thế Tôn

Vì sao vậy? Vì điềm trong mộng thấy liên hệ thật chẳng có. Hà huống là cùng nhau hoan lạc! Nên biết người nầy tự lao làm khổ mình. Nhớ nghĩ cảnh trong mộng ấy lại chẳng thể có được .

Phật bảo : Nầy Đại Vương! Như thế như thế kẻ ngu si khi mắt thấy sắc rồi, tâm sanh ái lạc, lại khởi lên chấp trước. Vì thế mà tạo ra nghiệp tham lam. Thân nghiệp gồm ba, Ngữ nghiệp có bốn, và Ý nghiệp có ba. Đầu tiên tạo tác sát-na diệt rồi, chẳng nương vào phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc, bốn bên trên dưới, ở giữa mà trụ. Ở nơi cảnh giới của sự chết. Mạng nầy khi diệt rồi, chính nghiệp báo của mình đều hiện tiền, giống như biết mộng và nhớ nghĩ về giấc mộng.

Nầy Đại Vương! Thức bây giờ làm chủ mà nghiệp là phan duyên. Hai nguyên nhân của tướng, đầu tiên thức sẽ sanh khởi. Hoặc cõi địa ngục; hoặc đọa vào Ma giới, hoặc A Tu La, hoặc người, trời. Thức đầu tiên sanh ra tên gọi. Mỗi thọ là quả báo nầy. Cùng nhau liên tục thay đổi với phẩm tướng của tâm. Cuối cùng thức diệt gọi đây là tử uẩn. Tối sơ thức khởi lên gọi là sanh uẩn. Đại Vương nên biết, chẳng có ít pháp từ trong cuộc đời nầy được đến cuộc đời kia. Vì sao vậy? Vì tánh sanh diệt vậy.

Nầy Đại Vương! Khi thân thức sanh, chẳng đến từ nơi đâu; khi diệt chẳng đi đâu cả. Khi nghiệp ấy sanh, chẳng từ đâu đến và khi diệt cũng chẳng về đâu cả. Khi thức đầu tiên sanh, chẳng từ đâu đến, và khi diệt cũng chẳng về đâu cả. Vì sao vậy? Vì tự tánh xa lìa vậy! Như thế rõ biết thân thức là thân thức không. Tự nghiệp là tự nghiệp không. Sơ thức là sơ thức không; cho đến sự diệt là sự diệt không. Sự sanh là sự sanh không. Rõ biết nghiệp ràng buộc, chẳng có kẻ tạo tác, lại chẳng có người thọ nhận. Cho nên gọi là tưởng vậy.

Lại nữa nầy Đại Vương! Giống như có người khi ngủ nằm mộng thấy các tướng oán đối cùng nhau gây hấn. Ý Ngài nghĩ sao? Người nầy khi tỉnh dậy nhớ lại trong giấc mộng ấy, việc gây hấn đó có thật chăng? Vua đáp:

– Chẳng có vậy. Bạch Đức Thế Tôn.

Phật bảo: Nầy Đại Vương! Ý ông nghĩ sao? Người nầy chấp trước giấc mộng cho là thật, có phải kẻ trí không?

– Bạch Thế Tôn! Không!

Vì sao vậy? Trong mộng cuối cùng chẳng có oán đối. Hà huống là tướng cùng với kia gây hấn. Người nầy tự chạy đi tìm sự khổ não cùng với sự chẳng thật. Phật bảo: Nầy Đại Vương! Như thế như thế đó. Kẻ ngu si có việc gì đó sanh ra trong mắt, thấy cảnh vật xấu sanh ra não hại, xa lìa phá hoại hủy báng, rồi tạo ra nghiệp sân. Điều nầy cũng giống như trước đã nói. Lại nữa nầy Đại Vương! giống như người ở trong mộng bị não hại, tâm sanh sợ hãi, si mê tuyệt vọng.

-Nầy Đại Vương! Ý Ngài nghĩ sao? Người nầy khi tỉnh rồi nghĩ đến giấc mộng bị qui nhiễu hại có thật có không?

-Không! Bạch Thế Tôn!

Trong mộng , rốt ráo chẳng có qui não hại. Huống là si mê sao!

Phật bảo: Nầy Đại Vương! Như thế như thế đó. Kẻ ngu si sanh ra chỗ thấy nơi mắt về màu sắc hình tướng rồi si mê chẳng rõ, nên đã tạo ra nghiệp si. Ngoài ra, như trước đã nói.

Lại nữa , nầy Đại Vương! Giống như trong mộng được nghe mọi người ca hát thổi sáo đàn địch âm thanh vui nhộn hay đẹp. Nầy Đại Vương. Ý Ngài nghĩ sao? Khi người nầy tỉnh rồi nhớ lại trong giấc mộng có việc ca vui là thật chăng?

Vua đáp

-Thưa không, Bạch Thế Tôn.

Phật bảo:

-Nầy Đại Vương! Ý Ngài nghĩ sao? Người nầy ở trong mộng chấp trước cho là thật có phải người trí chăng?

-Chẳng phải! Bạch Thế Tôn.

Vì sao? Người thấy trong mộng thường chẳng được hà huống là những âm thanh hay ho kỳ diệu. Người nầy tự chạy đi tìm sự mệt mỏi, rốt cuộc rồi chẳng có.

Phật bảo: Nầy Đại Vương! Như thế như thế đó. Kẻ ngu si khi nghe, sanh ra ý lại nghe. Khi nghe rồi vui thích lại sanh đắm trước nơi niềm vui tạo nên nghiệp tham vậy. Như thế mùi hương mỗi mỗi đều có ba loại. Nên như trước mà biết.

Lại nữa , nầy Đại Vương! Ở trong pháp nầy khéo tự an ý nên nhớ như thế nầy: Ta vì sao ở nơi trời, người tạo mắt nầy, làm ngọn đèn sáng để chiếu soi, làm chiếc thuyền để đưa người qua bờ bên kia, làm đại thương chủ hướng dẫn kẻ khác đến xứ có châu báu. Kẻ chưa giải thoát làm cho giải thoát, người chưa an ổn làm cho được an ổn. Người chưa chứng Niết Bàn liền được chứng Niết Bàn. Đại Vương nên biết các căn như huyễn. Cảnh giới như mộng. Phàm phu bị trói buộc đắm nhiễm chẳng biết đủ. Cho đến trải qua quá khứ vô lượng kiếp, có lúc làm Chuyển Luân Vương, được tôn trọng rất nhiều, uy đức tiếng tăm giàu có tự tại. Thống nhất cả bốn đại châu. Riêng mình tối cao. Tùy theo ý vui mà được thọ dụng. Tất cả cây rừng thường hay trổ hoa. Lúc ấy trong đời người dân an ổn không não hại. Lại khi mưa rơi, nước toàn mùi thơm quý.. Vàng bạc trân bảo, nhiều loại khác nhau. Những người có tu đều được đầy đủ bỗng nhiên một lúc được lên cõi Trời Đao Lợi. Vua Trời Đế Thích phân cho chỗ ngồi rồi bảo ngồi. Sự tham dục không nhàm chán, ước muốn xâm nhập vào tâm, liền nghĩ như thế nên bị thối lui. Quần thần vây nhiễu, hoặc thấy cùng nhau. Giống như váng sữa, chẳng được lâu dài. Khi mệnh chung rồi, lúc bấy giờ có vui tên là tác ái thấy việc nầy rồi mà nói lời rằng. Ta sẽ vì thế gian mà nói lời lành nầy! Rồi vô lượng lời xưng tán tạo nên lời nói yêu thương. Ngươi ở đời vị lai sẽ nói như thế. Vô lượng xưng tán kia về tham lam chẳng biết đủ nên tự giữ lấy, khi mệnh chung cho chí như thế đó.

Nầy Đại Vương! Các căn như huyễn, cảnh giới như mộng, hãy tự thanh tịnh nơi ý mình, chớ sanh tin theo. Thân như ánh sáng mặt trời, tự tánh không có gì cả. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, tự tánh lại chẳng thật. Lại cũng như thế!

    Xem thêm:

  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Tối Thượng Thừa - Luận Tạng
  • Đại Thừa Khởi Tín Luận - Luận Tạng
  • Luận Nhập Đại Thừa - Luận Tạng
  • Ý Nghĩa Quyết Định Của Pháp Hoa Huyền Tán - Luận Tạng
  • Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Khởi Tín - Luận Tạng
  • Luận Về Đại Thừa Duyên Sanh - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ (Trọn bộ 5 tập) - Luận Tạng
  • Luận Kim Cang Đỉnh Du Già Trung Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề - Luận Tạng
  • Luận Đại Tông Địa Huyền Văn Bổn - Luận Tạng
  • Luận Du Già Sư Địa - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ Thập Nghi - Luận Tạng
  • Đại Thừa Tuyệt Đối Luận - Luận Tạng
  • Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - Luận Tạng
  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Sớ Thần Bảo Ký Nhơn Vương Hộ Quốc Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Tâm Bồ Đề Lìa Hình Tướng - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 1) - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng