Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca

Đường Huyền Giác soạn

Bản Việt dịch của Trúc Thiên

***

Anh thấy chăng:

Dứt học, vô vi ấy đạo nhân,

Không trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân.

Tánh thực vô minh tức Phật tánh,

Thân không ảo hóa tức pháp thân.

Pháp thân giác rồi không một vật,

Bổn nguồn tự tánh thiên chân Phật.

Năm ấm ảo hư: mây lại qua,

Ba độc huyễn hoặc: bọt còn mất.

Chứng thực tướng, không nhân pháp,

Sát-na rũ sạch a-tỳ nghiệp.

Bằng đem lời vọng dối chúng sanh,

Tội rút lưỡi nguyện mang cùng kiếp.

Thoắt giác rồi Như Lai thiền,

Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên.

Trong mộng lao xao bầy sáu nẻo,

Tỉnh ra bằng bặt chẳng ba ngàn.

Không tội phước, không thêm bớt,

Tánh mình vắng lặng đừng hỏi bắt.

Bấy lâu gương bụi chửa từng lau,

Này lúc rõ phân cần dứt khoát.

Ai không niệm, ai không sanh?

Ví thực không sanh, không chẳng sanh

Gọi người gỗ hỏi nguồn cơn ấy,

Cầu Phật ra công sớm sẽ thành.

Buông bốn đại, đừng nắm bắt,

Tánh mình vắng lặng tùy ẩm trác.

Muôn vật vô thường thảy thảy không

Ðấy chính Như Lai thật viên giác.

Dám nói quyết rõ Chân thừa,

Còn ai chẳng khứng cứ nghiên tầm.

Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật,

Chọn lá tìm cành ta chẳng đang

Ngọc ma-ni, ngươi có biết,

Như Lai kho ấy thâu trọn hết.

Sáu ban thần dụng không chẳng không,

Một điểm viên quang sắc chẳng sắc.

Tịnh năm mắt, được năm lực,

Có chứng mới hay không lượng được

Trong gương ngắm ảnh dễ thấy hình,

Ðáy nước mò trăng không nắm nguyệt.

Thường một mình, thường tản bộ,

Ðạt giả lại qua Niết-bàn lộ.

Ðiệu xưa thần nhẹ dáng thanh thanh,

Xương cứng thân gầy ai chiếu cố.

Hèn con Phật miệng xưng nghèo,

Rõ thực thân nghèo đạo chẳng nghèo.

Nghèo ắt thân thường manh áo chắp,

Ðạo ắt hằng châu báu đeo.

Châu báu đeo, dùng chẳng hết,

Tùy duyên rải khắp thèm keo kiết.

Ba thân bốn trí thể tròn nguyên,

Tám giải sáu thông tâm ấn hiệp.

Bậc cao một quyết là xong hẳn,

Kẻ thấp càng nghe lại lắm ngờ.

Hãy vứt trong lòng manh áo bẩn,

Sá gì tinh tấn hướng ngoài khoe.

Mặc ai biếm, mặc ai dèm,

Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm.

Ta nghe như uống cam lồ vậy,

Tan hết vào trong chẳng nghĩ bàn.

Xét lời ác ấy công đức,

Ðó mới chính là thầy ta thực.

Chớ vì báng bổ khởi oán, thân,

Sao tỏ vô sanh, nêu nhẫn lực.

Tông cũng thông thuyết cũng thông,

Ðịnh huệ sáng tròn chẳng trệ không.

Nào phải mình ta riêng đạt đấy,

Hằng sa chư Phật thể chung đồng.

Sư tử hống thuyết vô úy,

Trăm thú nghe qua xé óc tủy.

Hương tượng chạy dài hết liệt uy,

Thiên long lặng ngóng lòng hoan hỷ.

Chơi biển cả dạo rừng thiêng,

Tìm thầy hỏi lấy đạo tham thiền.

Từ ngày rõ nẻo Tào-khê ấy,

Mới hay sống chết chẳng tương can.

Ði cũng thiền, ngồi cũng thiền,

Nói im động tĩnh thảy an nhiên.

Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hững,

Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh.

Thầy ta được thấy Nhiên-đăng Phật,

Bao kiếp từng làm tiên nhẫn nhục.

Mấy hồi tử, mấy hồi sanh?

Sanh tử mơ màng không định dứt!

Tự thời thoắt ngộ pháp vô sanh,

Cơn vinh nhục mừng lo gì tá.

Vào rừng sâu ở Lan-nhã,

Núi dựng tùng già ôm bóng cả,

Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh,

Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ!

Biết là xong tất chẳng cần công,

Thảy thảy hữu vi pháp chẳng đồng.

Của cho trụ tướng phước trời hưởng,

Ví như tên bắn nhắm hư không.

Ðà bắn hết mũi tên rơi,

Kiếp sau hận cũ lại bời bời,

Sao bằng tự cửa vô vi ấy,

Một nhảy vào liền đất Như Lai

Cốt ở gốc lo chi cành,

Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng.

Ðã hay thấu được châu như ý,

Lợi ta lợi người không biết mấy.

Trăng sông tỏ, gió tùng lay,

Ðêm trường thanh vắng để chi đây?

Ngọc giới hạnh, tâm in, tánh tỏ,

Trên mình mây ráng khoác làm y.

Bát thâu rồng gậy giải cọp,

Hai dãy khoen vàng khua lảnh lót,

Phải đâu hư sự giữ làm vì,

Gậy báu Như Lai dấu tự ghi.

Không cầu chân, chẳng dứt vọng,

Mới hay chân vọng không, chẳng tướng.

Chẳng tướng, chẳng không không chẳng không,

Ấy mới Như Lai chân thực tướng.

Gương tâm sáng, soi chẳng ngại,

Suốt thông chiếu khắp hằng sa giới.

Muôn tượng um tùm ảnh hiện trong,

Một điểm viên quang không nội ngoại.

Ðắm ngoan không, phá nhân quả,

Bừa bãi, rối ren, càng thêm họa.

Bỏ có, níu không, bệnh vẫn nguyên,

Khác nào trốn nước sa vào lửa.

Buông vọng tâm, giữ chân lý,

Buông giữ tâm hoàn tâm xảo ngụy.

Ðạo nhân chẳng rõ dốc lòng tu,

Chân thành nhận giặc làm con quý.

Tốn pháp tài, dứt công đức,

Chỉ vì điên đảo theo vọng thức.

Cho nên thiền pháp dạy thông tâm,

Thoắt chứng vô sanh sáng trí Phật.

Ðại truợng phu cầm kiếm huệ,

Ánh Bát-nhã hề kim cương lóe.

Ðã hay ngoại đạo bạt tâm mê,

Lại khiến thiên ma lùi khiếp vía.

Nổi pháp lôi, đánh pháp cổ,

Bủa mây từ hề rưới cam lồ.

Voi rồng dẫm bước nhuận ân sâu,

Năm tánh ba thừa đều tỉnh ngộ.

Cỏ phì-nhị đơm ròng đỉnh Tuyết,

Vị đề-hồ ta từng nếm biết.

Một tánh viên thông muôn tánh hệt

Một pháp bao gồm muôn pháp hết,

Một trăng hiện khắp tất cả nước,

Tất cả trăng nước một trăng nhiếp,

Chư pháp thân Phật vào tánh ta,

Tánh ta cùng với Như Lai hiệp.

Một địa gồm đủ tất cả địa,

Chẳng sắc chẳng tâm chẳng hạnh nghiệp.

Búng tay, tám vạn pháp môn thành,

Nháy mắt rủ xong ba kỳ kiếp.

Tất cả văn tự chẳng văn tự,

Cùng linh giác ấy nào can dự?

Không thể chê không thể khen,

Như hư không ấy vốn vô biên.

Tìm kiếm đã hay không thấy được,

Mà luôn trước mắt vẫn thường nhiên.

Lấy chẳng được, bỏ chẳng được,

Trong cái chẳng được gì là được.

Im thời nói, nói thời im,

Cửa đại thí mở thông thông suốt.

Có người hỏi ta giải tông nào,

Xin thưa: Ma-ha-bát-nhã lực.

Làm ngược làm xuôi trời biết đâu,

Rằng phải rằng trái ai rõ được.

Ta sớm từng qua bao kiếp tu,

Nào dám sai ngoa lời dối mị.

Dựng pháp tràng, lập tông chỉ,

Rõ ràng tâm Phật ứng Tào-khê.

Thoạt tiên Ca-diếp đèn tâm truyền,

Hăm tám đời tổ sư Tây thiên.

Pháp sang đông vào trung thổ,

Bồ-đề Ðạt-ma là sơ tổ.

Sáu đời y bát thiên hạ nghe,

Người sau được đạo nhiều vô số.

Chân chẳng lập, vọng vốn không,

Hữu vô dứt trọn chẳng không không.

Hai chục cửa không nguyên chẳng chấp,

Một tánh Như Lai vốn thể đồng.

Tâm là căn, pháp là trần,

Thảy đều ngấn bụi ám gương trong.

Bao giờ ngấn hết gương trong lại,

Tâm pháp cùng quên tánh rõ chân.

Ôi mạt pháp! Ác thời thế!

Chúng sanh phước mỏng không cầm chế.

Hiền thánh xa rồi tà vạy sâu,

Ma mạnh pháp yếu nhiều ác tệ,

Nghe nói Như Lai phép đốn tu,

Hận chẳng nghiền tan như ngói bể.

Tại tâm làm, tại thân chịu,

Ðừng có kêu oan chớ trách người.

Muốn khỏi nghiệp vương muôn kiếp lụy,

Vành xe chánh pháp chớ chê cười.

Rừng chiên đàn không tạp thụ,

Sâu kín um tùm sư tử trú.

Cảnh vắng rừng im một mình chơi,

Cao chạy xa bay chim cùng thú.

Sư tử con, chúng theo mẹ,

Tuổi mới lên ba đà hống khỏe.

Chó rừng dầu bén gót Pháp vương,

Trăm năm yêu quái há mồm suông!

Pháp viên đốn vượt tình thường,

Một niềm ngờ vực quyết không vương.

Sãi tôi đâu sính bàn nhân ngã,

Sợ lạc đường tu hố đoạn thường.

Thị chẳng thị, phi chẳng phi,

Sai lạc đường tơ ngàn dặm đi.

Thị: đấy Long nữ thoắt thành Phật,

Phi: đấy Thiện tinh rơi địa ngục.

Ta sớm bao năm chuyên học vấn,

Từng viết sớ sao tìm kinh luận,

Phân biệt danh tướng mãi không thôi,

Vào biển đếm cát tự chuốc hận,

Quả đáng bị Như Lai quở trách,

Châu báu của người có gì ích?

Lâu nay đắng đót rõ công suông,

Uổng bấy làm thân phong trần khách!

Tánh tà vạy, giải lạc lầm,

Chẳng được pháp Như Lai đốn chế.

Hai thừa tinh tấn thiếu đạo tâm,

Ngoại đạo thông minh không trí huệ.

Như trẻ dại, như ngu si,

Thấy nắm tay không quyền tưởng thiệt,

Chấp lấy ngón tay làm mặt nguyệt,

Bóng ma căn cảnh uổng công ghi!

Chẳng thấy một pháp tức Như Lai,

Nên cũng kêu là Quán Tự Tại.

Tỏ rồi, nghiệp chướng hóa thành không,

Chưa tỏ, nợ xưa đành trang trải.

Ðói gặp tiệc vua không thể ăn,

Bệnh tránh Y vương sao mạnh được?

Thiền trong biển dục rõ kiến lực,

Sen trong lửa đỏ muôn đời rực.

Dõng Thi phạm giới chứng vô sanh,

Sớm vẫn viên thành trong cõi tục.

Sư tử hống thuyết vô úy,

Thương thay ai vẫn mê mờ tối,

Mảng e tội chướng lấp bồ đề,

chẳng được Như Lai mở kho bí.

Có hai tỳ-kheo phạm dâm sát,

Dóm huỳnh Ba-ly thêm buộc xiết.

Bồ-tát Duy-ma chốc giải ngờ,

Như vừng dương hực tiêu sương tuyết.

Bàn nghĩ chi sức giải thoát,

Diệu dụng Hằng hà như số cát.

Bốn sự cúng dường dẫu nhọc bao,

Muôn lượng vàng ròng dầu tiêu hết,

Thịt tan xương nát chửa đền xong,

Một câu thấu suốt siêu ngàn ức.

Ðấng Pháp vương, bậc tối thắng,

Hằng sa Như Lai cùng chung chứng.

Ta nay giải vậy Như-ý châu,

Người người tin nhận đều tương ứng.

Suốt suốt thấy không một vật,

Cũng không người, cũng không Phật.

Thế giới ba ngàn bọt nước xao,

Mỗi mỗi thánh hiền như điện phất.

Ví phỏng thiết luân trên đầu chuyển,

Ðịnh huệ sáng tròn luôn chẳng biến.

Nguyệt dầu thành lửa, nhật thành băng,

Ma nào phá được chân thuyết hiện.

Xe voi dốc ngược vững đường lên,

Sức mấy bọ trời ngăn bước tiến?

Voi lớn đâu thèm đi dấu thỏ,

Ngộ lớn sá gì chút tiết nhỏ.

Ðừng dòm trong ống biếm trời xanh,

Chưa tỏ, vì anh ta mở rõ.

    Xem thêm:

  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Chú Tối Thắng Phật Đỉnh Đà La Ni Tịnh Trừ Nghiệp Chướng - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quá Khứ Trang Nghiêm Kiếp Thiên Phật Danh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 3 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phổ Môn Phẩm - Kinh Tạng