Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XVI. CHỌN BẠN KẾT GIAO

Gồm năm phần: Lời dẫn, Thiện tri thức, Ác tri thức, Mắc nợ, Răn lỗi lầm.

XVI.1. Lời dẫn

Tột cùng của lý chỉ có thiện và ác. Xét hai con đường này, thật dễ luận bàn; sâu kín thì có tội phúc, khổ vui; trước mắt thì có hiền ngu, vinh nhục. Thích vinh ghét nhục, theo vui bỏ khổ là tâm lý chung của tất cả chúng sinh.

Con người ngày nay thích vinh mà không biết chuộng hiền, cầu phúc mà không biết tránh lỗi, cũng như gieo giống lép mà đến mùa mong được hạt chắc, cưỡi ngựa yếu què mà mong vượt đường xa, há chẳng phải là việc không tưởng ư? Ví như các loài chim muông, trùng, rắn… khôn ngoan còn biết nhờ gió, mượn sương, nương cao, cậy xa để thành tựu việc của mình; huống là con người, sao không nương bạn hiền để trở thành người tốt?

Thế nên, gần gũi bạn tốt thì danh cao, đức trọng; chơi với kẻ xấu thì danh bại, thân tàn. Vì vậy, phép tắc đáng quí xuất phát từ con người mẫu mực, tâm ý có thiết tha mới giữ được tình thân. Lại như ruồi trâu chỉ có thể bay xa trăm bước, nhưng nếu biết đậu nhờ vào đuôi chim loan thì bay xa cả nghìn dặm. [79b] Đó, há chẳng phải là nhờ vào năng lực của đôi cánh chim loan ư? Cũng vậy, người đời đắm chìm trong đường tăm tối không thể bước lên cõi trời người, nhưng nếu biết nương vào uy lực của chư Phật thì mau chứng Thập địa[1], cùng về cõi Tịnh.

XVI.2. Thiện tri thức

Kinh Niết-bàn ghi: “Tì-kheo A-nan hỏi Phật:

– Người có phân nửa Phạm hạnh có được gọi là thiện tri thức không?

Đức Phật bảo:

– Không được. Người có đầy đủ Phạm hạnh mới được gọi là thiện tri thức.

Phật lại bảo:

– Thiện tri thức là người nói đúng pháp, thực hành đúng như lời nói.

Thế nào là nói đúng như pháp, thực hành đúng như lời nói? Nghĩa là tự mình không sát sinh, dạy người không sát sinh, cho đến tự mình thực hành chính kiến, dạy người thực hành chính kiến. Nếu được như thế thì gọi là thiện tri thức chân chính. Tự mình tu tập bồ-đề, cũng dạy người tu tập bồ-đề, gọi là thiện tri thức. Tự mình tu hành chánh tín, trì giới, bố thí, đa văn, trí huệ, gọi là thiện tri thức.

Thiện tri thức là người có thiện pháp. Thiện pháp là việc làm của họ không mong cầu sự an lạc cho riêng mình, mà mong cầu sự an lạc cho tất cả chúng sinh; thấy người khác có lỗi thì không nói lỗi của họ, mà lúc nào cũng nói tốt về họ. Đây gọi là thiện tri thức.

Này thiện nam tử! Như mặt trăng giữa hư không, từ ngày mồng một sáng dần cho đến ngày rằm. Cũng vậy, thiện tri thức khiến cho người học dần dần xa lìa pháp ác, tăng trưởng pháp thiện.

Này thiện nam tử! Nếu người nào vốn chưa có định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, khi gần gũi thiện tri thức, thì liền được; còn người chưa đầy đủ thì được tăng trưởng.

Phật lại bảo:

– Thiện tri thức nên quán người này nặng về tham dục hay là sân nhuế, ngu si hay vọng tưởng? Nếu biết người ấy nhiều tham dục, thì nên dạy cho pháp quán bất tịnh; người nhiều sân nhuế, thì nên dạy cho pháp quán từ bi; người nhiều vọng tưởng, thì nên dạy cho pháp quán sổ tức; người nhiều chấp ngã, thì nên giảng giải mười tám giới. Sau khi nghe pháp, vị ấy tu hành, lần lượt chứng đắc bốn pháp niệm xứ[2], mười hai nhân duyên[3], pháp noãn[4], đảnh[5], nhẫn[6], thế đệ nhất[7], cho đến các quả vị như A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật, cũng nhờ những pháp này mà thành tựu, không bị ngưng trệ. Lợi mình, lợi người, pháp và hạnh viên mãn, gọi là thiện tri thức. Nếu vị pháp sư không đầy đủ các pháp trên, thì không được gọi là thiện tri thức và người học cũng không có pháp tu hành để chứng đắc các quả vị.

[79c] Cho nên, luận Phật tính dẫn bài kệ trong kinh rằng:

Không gặp thiện tri thức,

Bạn xấu phá hạnh lành,

Như nhện rơi vào sữa,

Sữa ấy thành chất độc.

Như vậy, thiện tri thức cần phải làm lợi ích chúng sinh một cách thật sự, trước điều phục bản thân, sau mới dạy người và không có mười lỗi: ít nghe, thối tâm, tán loạn, kiêu mạn, điên đảo, mong cầu, sân hận, tà hạnh, chấp ngã, ác hạnh.

Luận Trang nghiêm có bài kệ:

Đa văn, thấy tứ đế,

Giảng hay và thông đạt,

Người này được bất thoái,

Bồ-tát khéo nương tựa.

Kinh Phật bản hạnh ghi: “Một thời, Đức Phật cùng với trưởng lão Nan-đà đi đến tiệm bán hương. Thấy trong tiệm có nhiều loại hương, Đức Phật bảo trưởng lão Nan-đà:

– Này Nan-đà! Ông hãy đến lấy các loại hương trong tiệm này!

Vâng lời Phật dạy, Nan-đà đến lấy.

Phật lại bảo Nan-đà:

– Ông hãy lấy ít hương để trong lòng bàn tay, sau đó thả xuống đất.

Nghe vậy, Nan-đà cầm một ít hương, chốc lát rồi thả xuống đất.

Đức Phật bảo:

– Nay ông tự ngửi tay xem.

Vâng lời Phật, Nan-đà ngửi tay mình.

Đức Phật hỏi:

– Ông ngửi có mùi gì không?

Nan-đà thưa:

– Bạch Thế Tôn! Tay con có mùi thơm kỳ diệu.

Đức Phật bảo:

– Đúng vậy, đúng vậy! Nếu người gần gũi thiện tri thức, nhờ thường ở chung, tùy thuận, huân tập và thân cận, nên nhất định được tiếng tốt vang xa”.

Nhân việc này, Đức Phật nói kệ:

Nếu trong tay cầm các loại hương,

Hương trầm, hương hoắc[8] cùng hương xạ[9],

Chốc lát mùi thơm thấm vào tay,

Gần gũi thiện tri thức cũng vậy.

Đức Phật lại nói kệ:

Nếu người gần gũi ác tri thức,

Đời này không được tiếng tốt vang,

Cũng vì thân gần với bạn ác,

Đời sau sẽ đọa ngục A-tì.

[80a] Nếu người gần gũi thiện tri thức,

Vâng làm theo những việc tốt lành,

Đời này tuy không được lợi lộc,

Nhưng sau dứt sạch nhân khổ đau.

Luật Tứ phần ghi: “Bạn thân cần phải đủ bảy yếu tố:

  1. Làm được việc khó làm.
  2. Cho được thứ khó cho.
  3. Nhẫn được điều khó nhẫn.
  4. Nói với nhau điều bí mật.
  5. Cùng giữ kín cho nhau.
  6. Gặp khổ không lìa bỏ.
  7. Nghèo hèn không khinh thường.

Người thực hành được bảy yếu tố này là bạn tốt, nên gần gũi, học tập”.

Trong luận Đại trang nghiêm, Đức Phật nói kệ:

Không bệnh được lợi nhất,

Biết đủ, giàu bậc nhất,

Bạn lành, đáng gần nhất,

Niết-bàn, vui lớn nhất.

Kinh Thi-ca-la-việt lục hướng bái ghi: “Thiện tri thức có bốn hạng:

  1. Ngoài như oan gia, nhưng trong thì thân thiết.
  2. Trước mặt thì thẳng thắn can ngăn, sau lưng thì nêu việc tốt.
  3. Thấy người bị thua trong việc kiện tụng, thì lo buồn và tìm cách giúp đỡ.
  4. Thấy người nghèo khổ, tâm không bỏ rơi, thường muốn giúp họ giàu có.

Lại nữa, thiện tri thức cũng có bốn hạng:

  1. Gặp người bị quan bắt dẫn về che dấu, sau đó giải quyết thỏa đáng.
  2. Gặp người bị bệnh ốm gầy thì đem về chăm sóc.

3.Hay tin bạn chết thì an táng, lo liệu.

  1. Biết bạn đã mất thì đến nhà chia buồn.

XVI.3. Ác tri thức

Kinh Thi-ca-la-việt lục hướng bái ghi: “Ác tri thức có bốn hạng:

  1. Trong tâm thì oán thù, nhưng ngoài gắng gượng làm ra vẻ cảm thông.
  2. Trước mặt thì nói tốt, sau lưng lại nói xấu.
  3. Khi có việc khẩn cấp, trước mặt người tỏ vẻ buồn khổ, nhưng sau lưng lại vui mừng.
  4. Ngoài như thân thiết, nhưng trong ngầm làm hại.

Lại nữa, ác tri thức cũng có bốn hạng:

  1. Xúc phạm nhỏ, liền giận dữ quá đáng.
  2. Không chịu làm những việc đáng làm.
  3. Thấy bạn gặp nạn, liền lẫn tránh.
  4. Thấy bạn chết, không hề quan tâm thăm viếng.

Kinh Niết-bàn ghi: “Đại Bồ-tát xem ác tri thức giống như voi dữ. Vì sao? Vì cả hai đều làm tổn hại thân mạng. Nhưng đại bồ-tát không sợ hãi voi dữ, mà rất sợ ác tri thức. Vì sao? Vì voi dữ chỉ hại thân chứ không hại tâm, ác tri thức hại cả thân và tâm. [80b] Voi dữ chỉ hại một thân, ác tri thức hại vô lượng thiện thân, vô lượng thiện tâm. Voi dữ chỉ phá hoại thân nhơ uế, ác tri thức phá hoại thân thanh tịnh và tâm thanh tịnh. Voi dữ chỉ hại nhục thân, ác tri thức phá hoại pháp thân. Người bị voi dữ giết chết thì không đọa ba đường ác, còn bị ác tri thức giết hại thì nhất định đọa ba đường ác. Voi dữ chỉ là oán thù của thân, ác tri thức là oán thù của pháp lành”.

Thế nên, bồ-tát thường phải xa lìa các ác tri thức.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Đức Phật nói kệ:

Chớ gần ác tri thức,

Cũng đừng theo người ngu,

Thân cận thiện tri thức,

Bậc nhất trong loài người.

Nếu người tâm hiền lành,

Gần gũi ác tri thức,

Lâu dần gieo giống xấu,

Mãi chìm trong tối tăm”.

Kinh Trung a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Có bảy trường hợp gây thành oan gia:

  1. Không muốn oan gia có sắc đẹp, cho nên tuy thường tắm gội, dùng danh hương thoa thân, nhưng sắc thân vẫn xấu. Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia.
  2. Không muốn oan gia ngủ nghỉ yên ổn, cho nên tuy nằm giường gối được phủ bằng gấm vóc, lụa là, nhưng giấc ngủ vẫn lo âu, đau khổ. Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia.
  3. Không muốn oan gia được lợi ích lớn, cho nên đáng lẽ được lợi mà không được lợi, đáng lẽ không được lợi lại được lợi. Hai điều này chống trái nhau. Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia.
  4. Không muốn oan gia có bạn bè, cho nên nếu có bạn bè thân thiết, họ cũng tìm cách lánh mặt bỏ đi. Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia.
  5. Không muốn oan gia được tiếng khen, cho nên danh nhơ, tiếng xấu đồn khắp. Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia.
  6. Không muốn oan gia giàu sang, cho nên dù người ấy giàu có vẫn bị mất nhiều tài vật. Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia.
  7. Không muốn oan gia khi mạng chung sinh về nơi hạnh phúc, cho nên người ấy tạo ba nghiệp ác, khi mạng chung nhất định sinh về chỗ đau khổ kịch liệt như địa ngục… Đó là do tâm bị sân giận chi phối mà gây thành oan gia”.

Kinh a-hàm ghi: “Tránh xa bạn ác, thân cận bạn lành”.

Có bốn điều xấu, không nên gần gũi, cách xa một trăm do-tuần[10]. Đó là bạn ác; chúng ác; nói nhiều, cười giỡn; sân giận, đánh nhau”.

[80c] Kinh Thiện sinh ghi: “Có năm nơi không được tổ chức đàn giới là lò mổ; nhà dâm; quán rượu; cung vua; nhà của chiên-đà-la.

Lại có năm nghề không nên làm: bán thuốc độc, nấu rượu, đánh bạc, chơi cờ lục bác[11], ca múa kỹ nhạc”.

Kinh Bảo vân ghi: “Người trì giới không được đến nhà người phá giới khất thực”.

Luận Kim cương tiên ghi: “Người xuất gia không được đến lò mổ, quán rượu, nhà dâm, nơi có voi dữ, chó dữ… khất thực, cũng không được thường tới lui thân cận”.

Kinh Đại phương quảng tổng trì ghi: “Đức Phật bảo:

– Này thiện nam tử! Sau khi ta diệt độ, nếu vị pháp sư nào theo sở thích của người nghe mà khéo thuyết pháp cho họ, có thể khiến cho bồ-tát học kinh điển Đại thừa và các đại chúng phát mảy may tâm hoan hỉ, cho đến cảm động rơi một giọt nước mắt, nên biết đó đều là nhờ thần lực của Phật.

Nếu có người ngu si thật chẳng phải bồ-tát mà tự xưng là bồ-tát, rồi phỉ báng bồ-tát chân thật và các pháp bồ-tát ấy thực hành; lại nói rằng: ‘Người ấy đâu có biết gì, đâu có hiểu gì. Nếu đây kia hòa hợp, thì có thể giữ gìn và lưu truyền giáo pháp của Ta. Nếu đây kia trái nghịch, thì chính pháp không được lưu truyền. Người phỉ báng chính pháp này mắc tội rất lớn, đọa vào ba đường ác, thật khó ra khỏi.

Nếu có người ngu không tin nhận lời Phật dạy, cho dù đọc tụng cả nghìn bộ kinh điển Đại thừa, hoặc giảng nói khiến người chứng được Tứ thiền, nhưng vì tội phỉ báng người khác, nên phải chịu đau đớn cùng cực trong bảy mươi kiếp. Huống gì người ngu si kia thật không hiểu biết, lại còn cống cao ngã mạn, cho đến phỉ báng một bài kệ bốn câu, người này phải đọa địa ngục, vĩnh viễn không được gặp Phật. Do kẻ kia nhìn người phát tâm bồ-đề bằng con mắt hung dữ, nên chịu quả báo không có mắt; lại do phỉ báng người phát tâm bồ-đề bằng lời độc ác, nên chịu quả báo không lưỡi”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, tì-kheo-ni Vi Diệu đã chứng quả A-la-hán kể cho ni chúng nghe quả báo của các nghiệp thiện và ác mà mình đã tạo đời trước.

Tì-kheo-ni kể:

– Vào thời quá khứ, có ông trưởng giả rất giàu, nhưng không có con, nên ông cưới một người vợ nhỏ và rất mực thương yêu. Thời gian sau, cô ta sinh được một đứa bé trai, người chồng càng yêu thương hơn, nhìn hoài không chán. Thấy vậy, người vợ lớn ganh ghét, thầm nghĩ: ‘Đứa bé này lớn lên sẽ nối nghiệp nhà. Ta đây khó nhọc cất chứa có ích gì, chi bằng giết nó đi!’. Suy nghĩ như vậy, bà ta lấy kim chích vào đầu đứa bé, đứa bé chết, vợ nhỏ nghi là do vợ lớn giết con mình, liền hỏi:

– Bà giết con tôi ư?

[81a] Người vợ lớn cho là không có quả báo tội phúc, nên thề rằng: ‘Nếu tôi giết con bà, thì đời đời chồng tôi bị rắn cắn chết; con tôi bị nước trôi, sói cắn; còn tôi tự ăn thịt con và hiện đời sẽ bị chôn sống; cha mẹ tôi ở nhà bị lửa thiêu đốt mà chết!’

Phát lời thề xong, bà ta mạng chung. Do giết đứa bé ấy, nên bà bị rơi vào địa ngục, chịu khổ cùng cực.

Hết tội ở địa ngục, bà sinh làm nữ Phạm chí trong loài người, dần dần khôn lớn, gả chồng, sinh được một đứa con. Sau bà mang thai đứa thứ hai, năm tháng đã đủ, gần đến kì sinh. Một hôm, bà cùng với chồng về thăm cha mẹ. Đi được nửa đường, bà đau bụng, liền sinh. Đêm ấy, hai vợ chồng nghỉ dưới gốc cây, người chồng ngủ riêng. Nay đã đến lúc chịu quả báo theo như lời thề của bà trước đây. Bấy giờ, một con rắn độc đến cắn chết chồng bà. Thấy chồng chết, bà cũng chết giấc, sau mới tỉnh lại. Sáng ra, bà cõng đứa lớn trên vai và bồng đứa nhỏ, tiếp tục lên đường, vừa đi vừa khóc.

Trên đường đi, gặp một con sông sâu và rộng. Bà để đứa lớn ở bờ bên này, rồi bồng đứa nhỏ lội qua bờ bên kia trước, sau mới trở lại đón đứa lớn. Thấy mẹ lội xuống nuớc, đứa bé liền lội theo, thì bị nước cuốn trôi. Người mẹ lập tức bơi theo, nhưng không cứu được. Chốc lát, đứa lớn đã bị chết chìm. Người mẹ trở lại bờ bên kia để đón đứa nhỏ, thì hổ đã ăn mất, chỉ còn thấy vết máu trên đất. Người mẹ chết ngất, hồi lâu mới tỉnh, lại tiếp tục lên đường.

Đi được một đoạn, gặp vị Phạm chí là bạn thân của cha, bà khóc lóc kể đầy đủ nỗi khổ của mình cho Phạm chí nghe, rồi hỏi thăm gia đình của bà có an ổn không. Phạm chí đáp: ‘Hôm trước, một vụ cháy nổi lên, cha mẹ và cả nhà bà đồng loạt bị chết cháy’. Nghe vậy, bà chết ngất, hồi lâu mới tỉnh.

Phạm chí đem về nhà nuôi dưỡng như con, rồi gả chồng. Một hôm, lúc bà sắp sinh, người chồng đi ra ngoài uống rượu. Tối đến, vợ đóng cửa, ở nhà một mình, lại sinh con. Nửa đêm, chồng trở về, ở ngoài kêu cửa. Người vợ đang sinh, nên không có ai ra mở cửa. Chồng phá cửa vào, lôi vợ ra đánh. Vợ nói là đang sinh, chồng nổi giận, liền giết và hầm đứa bé với sữa, rồi bắt vợ ăn. Trong lúc sợ hãi, người vợ ăn con, sau đó hối hận, tự nghĩ: ‘Vì mình phúc mỏng nên gặp phải ông này’.

Thế rồi, bà bỏ trốn sang nước Ba-la-nại. Đến một khu vườn, bà ngồi nghỉ nơi gốc cây. Bấy giờ, con của ông trưởng giả nọ có vợ vừa chết. Mỗi ngày, ông ta đi ra thăm mộ, thương nhớ, khóc lóc. Thấy người nữ này ngồi một mình dưới gốc cây, ông đến hỏi sự tình, rồi hai người trở thành vợ chồng. Mấy ngày sau, người chồng chết. Theo phép nước thời ấy, khi sống thì vợ chồng thương nhau, khi chồng chết, thì vợ cũng bị chôn sống chung với chồng.

[81b] Đêm ấy, có một đám cướp đến đào mộ. Tên tướng cướp thấy bà xinh đẹp, liền bắt mang về làm vợ. Mấy tuần[12] sau, chồng phá mộ nhà người khác, nên bị chủ nhà bắt giết. Bọn giặc đem thây chồng về cho bà, bà phải bị chôn sống lần nữa.

Ba ngày sau, có con sói đến đào mộ, nên bà được thoát. Bà tự trách: ‘Không biết đời trước gây tội gì mà chỉ trong mấy mươi ngày, đã gặp tai họa chết đi sống lại hai lần; nay phải làm sao để bảo toàn tính mạng?’

Khi ấy, nghe Phật Thích-ca đang ở tinh xá Kì-hoàn, bà đến xin Phật xuất gia. Nhờ nguyện lực phát tâm cúng dường thức ăn cho vị bích-chi phật trong đời quá khứ, nên nay bà được gặp Phật, xuất gia tu hành, chứng quả A-la-hán. Nhờ trí tuệ vô lậu, bà biết được đời trước đã tạo nghiệp sát sinh, lại thề đọa địa ngục, nên hiện đời phải chịu quả báo đau khổ thống thiết này, không ai thay thế được.

Tì-kheo-ni Vi Diệu tự nói:

– Người vợ lớn trước đây chính là tôi. Tuy chứng quả A-la-hán, nhưng tôi thường đau nhức như bị kim sắt nóng châm từ đỉnh đầu xuống chân, ngày đêm đau đớn, không thể chịu nổi. Tai họa rành rành như thế, không hề sai chạy”.

Trong luận Nhập đại thừa, bồ-tát Kiên Huệ nói kệ:

Phỉ báng pháp Đại thừa,

Nhất định đọa đường ác,

Thiêu đốt thật thống khổ,

Tội báo thật như thế.

Nếu ra khỏi địa ngục,

Lại phải chịu dư báo,

Các căn không đầy đủ,

Trọn không được nghe pháp.

Nếu được nghe diệu pháp,

Thì sinh lòng phỉ báng,

Do nhân phỉ báng này,

Lại rơi vào địa ngục.

XVI.4. Vay trả

Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, có một tì-kheo tên là Phất-ca-sa-vương vào thành La-duyệt khất thực.

Ngay tại cửa thành, ông bị con trâu cái mới sinh húc chết. Chủ trâu lo sợ, bèn bán trâu cho người khác. Người chủ mới dẫn trâu ra sông uống nước, cũng bị trâu từ phía sau húc chết. Gia đình người chủ nổi giận, bắt trâu giết, rồi đem thịt ra chợ bán.

Có người làm ruộng mua đầu trâu, xỏ dây mang về. Anh ta ngồi nghỉ nơi gốc cây cách nhà hơn một dặm, rồi treo đầu trâu lên cành cây. Lát sau, dây bị đứt, đầu trâu rơi xuống ngay anh ta, sừng đâm vào người, anh ta chết ngay tại chỗ.

Nghe trong một ngày có ba người bị giết như thế, vua Bình-sa lấy làm lạ, liền cùng quần thần đi đến chỗ Phật, hỏi rõ nguyên nhân.

[81c] Đức Phật bảo nhà vua:

– Ngày xưa, có ba thương gia đến một nước khác để buôn bán, xin ở nhờ nhà của một bà lão cô độc. Bà lão bằng lòng cho thuê nhà, nhưng ba người kia thấy bà đơn độc, nên dối gạt, không muốn đưa tiền. Đợi bà đi vắng, họ lén bỏ đi, không trả tiền. Trở về, không thấy khách, bà lão hỏi nhà hàng xóm. Mọi người đều nói là họ đi rồi. Bà lão nổi giận, liền đuổi theo kịp và khổ nhọc đòi tiền. Ba người khách mắng chửi lại: ‘Trước đây, chúng tôi đưa rồi, sao còn đòi nữa?’ Thế là, họ đồng thanh phản đối, không chịu trả tiền. Bà lão một mình yếu thế không biết làm sao, bèn buồn bã, khóc than và thề độc: ‘Ta nay đã khốn quẫn, sao họ nỡ dối gạt. Ta thề rằng đời sau sinh ở nơi nào, nếu gặp lại, ta sẽ giết chết các ngươi. Giả sử có đắc đạo, ta cũng không buông tha’.

Phật bảo vua Bình-sa:

– Bà lão thuở ấy chính là con trâu cái ngày nay. Ba người khách buôn là Phất-ca-sa v.v… những người bị trâu húc chết”.

Thế rồi, Đức Phật nói kệ:

Lời ác mắng người,

Coi thường, lấn lướt,

Tạo ác như thế,

Oán khổ càng sâu.

Lời hòa khiêm cung,

Tôn trọng người khác,

Bỏ giận, nhẫn ác,

Oán khổ tự tan.

Người sống trên đời,

Búa ở cửa miệng,

Vì nói lời ác,

Nên bị chém thân.

Kinh Xuất diệu ghi: “Xưa có hai anh em ở nước Kế-tân. Người anh xuất gia, chứng quả A-la-hán, người em ở nhà lo gầy dựng gia nghiệp. Bấy giờ, người anh thường về nhà dạy em, khuyên bố thí, trì giới, tu thiện, làm phúc để hiện tại được tiếng thơm, chết thì được sinh về nơi hạnh phúc, nhưng em trả lời:

– Anh nay đã xuất gia, không còn phải lo việc chung việc riêng, không nghĩ đến vợ con, ruộng vườn, của cải, còn em thì phải lo những việc như thế.

Người anh thường khuyên nhắc, nhưng em không chịu nghe. Sau đó, người em bị bệnh mà chết, sinh vào loài trâu, bị người sai khiến, phải chở muối vào thành. Từ trong thành đi ra, người anh trông thấy, liền nói pháp cho trâu nghe. Nghe xong, nó buồn tủi nghẹn ngào. Chủ trâu thấy thế, nói với vị a-la- hán:

– Ông đã nói điều gì mà khiến con trâu của tôi buồn rầu, không vui?

A-la-hán đáp:

– Con trâu này đời trước vốn là em tôi. Ngày xưa, nợ anh một đồng muối, nên nay đọa làm trâu dùng sức để trả nợ cho anh.

Nghe vậy, chủ trâu nói với a-la-hán:

– Đời trước, em của ngài là bạn thân của tôi.

Lúc ấy, người chủ nói với trâu:

– Nay ta thả ngươi ra, chẳng phải làm việc nữa.

Nghe chủ nói vậy, trâu rất xúc động, thành tâm nghĩ đến Phật, rồi tự đâm đầu chết ở khe sâu, thần thức sinh lên cõi trời, hưởng sự vui sướng cùng cực”.

[82a] Từ câu chuyện này, có thể biết rằng, nếu đã mắc nợ người, thì không thể không trả.

Luận Thành thật ghi: “Nếu có người mắc nợ mà không trả, thì đọa vào trong các loài trâu, dê, chương, nai, lừa, ngựa… để trả nợ xưa”.

Luận Tỳ-bà-sa ghi: “Từng nghe, một cô gái nọ bị ngạ quỷ bắt, có người dùng chú thuật hỏi quỷ:

– Vì sao làm hại cô gái ấy?

Quỷ trả lời:

– Cô gái ấy là oan gia của tôi. Trong năm trăm đời, cô ta thường giết hại tôi, tôi cũng năm trăm đời lấy mạng cô ấy. Nếu cô ta có thể bỏ tâm oán thù trước đây, tôi cũng sẽ dứt bỏ.

Khi ấy, cô gái nói:

– Nay tôi đã bỏ tâm thù oán.

Quán thấy cô gái tuy miệng nói bỏ mà tâm không xả, quỷ liền giết cô ta”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Ngài Mục-kiền-liên đến bờ sông Hằng, thấy có năm trăm ngạ quỷ đi xuống sông. Bấy giờ, con quỷ giữ sông dùng gậy sắt xua đuổi, không cho bầy quỷ đến gần. Thế rồi, bầy quỷ đi thẳng đến Mục-kiền-liên, lễ dưới chân Ngài và hỏi về tội của mình. Một con quỷ thưa:

– Thân tôi thường chịu khổ nóng khát. Trước đây, nghe nói nước sông Hằng vừa trong vừa mát, nên tôi vui mừng đến đây thì nước sôi hại thân, thử uống vào một ngụm, thì ngũ tạng bị cháy tiêu, hôi thối không chịu nổi. Vì nguyên nhân gì mà phải chịu tội như thế?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi từng làm thầy tướng số, xem tướng lành dữ cho người, nhưng đúng ít, sai nhiều, hoặc chê, hoặc khen, mà tự xưng là lời nói chắc thật để làm người động lòng, dụ dỗ, lừa dối họ để mong cầu tài lợi, mê hoặc mọi người nhưng rốt cuộc họ cũng chẳng được như ý.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường bị loài chó lớn, răng nhọn, có màu đỏ nhạt, đến ăn thịt, chỉ còn bộ xương. Khi ấy, một cơn gió thổi qua, da thịt sinh ra, lại bị chó đến ăn. Sự khổ như thế là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi là ông chủ trông coi miếu trời, thường bảo mọi người giết dê để lấy máu tế trời, còn thịt thì ông ăn. Do đó, ngày nay phải lấy thịt để trả.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường bị phân dơ dính khắp trên thân và cũng phải ăn thứ phân đó. Tội ấy là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm bà-la-môn ác độc, tà kiến, không tin tam bảo. Khi tì-kheo đến khất thực, thì ngươi lấy phân bỏ vào bát, lấy cơm phủ lên trên, rồi đưa cho tì-kheo. Tì-kheo ôm bát trở về, lấy tay bốc cơm ăn, phân dính dơ tay. Vì vậy, ngày nay phải chịu tội như thế.

Một quỷ khác thưa:

[82b] – Bụng tôi lớn như cái vò, mà cổ họng và chân tay thì nhỏ như cây kim, không thể ăn uống. Khổ ấy là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi là ông trưởng làng, cậy sự giàu sang, uống rượu bừa bãi, khinh khi người khác, đoạt miếng ăn, thức uống của họ, làm cho mọi người đói khổ. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường muốn đến nhà xí để ăn phân, nhưng có một bầy quỉ rất đông cầm gậy xua đuổi tôi, không cho vào gần nhà xí. Vì vậy, miệng tôi hôi thối, đói khổ, nhưng không biết nhờ ai. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm chủ một ngôi chùa. Có người tại gia cúng dường chúng tăng đủ các món ăn. Ngươi lấy món dở đem cúng khách tăng, riêng mình ăn món ngon. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Toàn thân tôi mọc đầy lưỡi. Có một cái búa đến chặt lưỡi, chặt đứt lại mọc ra, cứ như thế mãi. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm tì-kheo, chúng tăng sai hòa nước đường phèn. Có một cục đường lớn khó tan, nên ngươi dùng búa chặt nhỏ, rồi khởi tâm trộm lấy ăn một miếng. Do nhân duyên đó, nên nay ngươi lại bị búa cắt lưỡi.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường bị bảy hòn sắt nóng lăn thẳng vào miệng, rồi chui xuống bụng, làm cho ngũ tạng cháy tiêu, hòn sắt lăn ra, rồi lại lăn vào. Do nhân duyên gì mà phải chịu tội như thế?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm sa-di, được sai mang trái cây đến cho thầy, vì kính thầy mình nên sinh tâm thiên vị đưa nhiều hơn bảy quả. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường bị hai bánh xe sắt nóng nằm dưới hai nách, hễ thân cử động thì liền bị thiêu cháy. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm bánh cho chúng tăng, khởi tâm trộm lấy hai lần và kẹp vào trong nách. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi có cục bướu lớn như cái vò, lúc đi phải vác lên vai, dừng lại thì ngồi lên trên nó, đi đứng đau đớn, khổ sở. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm chức thị lệnh[13], giao cho người thì cân non, đấu nhỏ, còn cân nặng, đấu lớn lấy về phần mình, lại thường muốn mình được lợi lớn, làm thiệt hại người khác.

Một quỷ khác thưa:

– Hai vai tôi thường có mắt, ngực có mũi miệng, nhưng không có đầu. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi thường làm đệ tử của tên đầu đảng giết người. Khi giết người tội, ngươi thường cảm thấy vui sướng, lấy dây buộc vào, rồi lôi kéo đi. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác hỏi:

– Thân tôi thường bị kim sắt châm vào, rút ra, đau đớn không biết kêu ai. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

[82c] – Đời trước, ngươi làm người huấn luyện ngựa, hoặc huấn luyện voi. Voi ngựa khó trị, ngươi lấy kim sắt đâm vào chân chúng. Những lúc chúng đi chậm, ngươi cũng lấy kim đâm vào. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Thân tôi thường có lửa nổi lên thiêu cháy, đau đớn vô cùng. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm hoàng hậu, lại có một vương phi được vua sủng ái, nên ngươi ghen ghét, rắp tâm làm hại. Gặp lúc nhà vua ngủ dậy, bước ra ngoài, vị thứ phi còn ngủ, chưa dậy mặc áo, ngươi khởi tâm ác, dùng dầu mè còn nóng, đổ lên bụng vương phi. Vương phi bị phỏng bụng mà chết. Thế nên ngày nay ngươi phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường bị gió xoáy vây bọc lấy thân, không thể tự do đi lại, lòng thường sầu não. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi làm thầy bói, có lúc nói thật, có lúc nói dối để mê hoặc lòng người, nhưng họ không được như ý. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Thân tôi như cục thịt, không có tay chân, mắt, tai, mũi… lại luôn bị chim, trùng rúc ăn, đau đớn không chịu nổi. Đó là do nhân duyên gì?

Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi thường cho người uống thuốc trục thai, nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường bị lồng sắt nóng chụp giữ quanh thân, thiêu cháy đau đớn. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi thường dùng lưới, rớ giăng bắt chim cá, nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

– Tôi thường lấy vật tự trùm kín đầu, lại hay sợ người đến giết hại, nên lòng thường lo sợ, không thể chịu được. Đó là do nhân duyên gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi tà dâm, thường sợ người thấy, hoặc sợ chồng người kia bắt trói, đánh giết, hoặc sợ phép vua giết bêu thây giữa phố thị, nên lúc nào cũng sợ hãi. Thế nên phải chịu khổ này.

Một quỷ khác thưa:

[83a] – Tôi thường vác một bình nước đồng sôi trên vai, rồi tự tay cầm gáo múc nước đồng ấy xối từ đầu xuống, toàn thân bị cháy rã, chịu khổ vô cùng. Đó là do tội gì?

Ngài Mục-kiền-liên trả lời:

– Đời trước, ngươi xuất gia làm tì-kheo, trông coi về việc ăn uống, bèn lấy một bình bơ sữa để riêng nơi khác. Có khách tăng đến, ngươi không cho ăn, khách tăng đi rồi, thì đem bơ sữa ra cho tăng thường trụ. Bơ sữa này là vật của bốn phương tăng, tất cả đều có phần. Ngươi cất giữ, tuy có phân chia cho tăng thường trụ, nhưng như thế là không bình đẳng. Do nhân duyên đó nên phải chịu tội này”.

Kinh Thí dụ ghi: “Xưa, tại một nước nọ, có một người chết, thần hồn tự lấy roi đánh vào xác chết của mình. Người bên cạnh hỏi:

– Ngươi nay đã chết, vì sao lại tự đánh?

Đáp:

– Đó là thân cũ của tôi, vì tôi làm ác, thấy giới kinh không chịu đọc tụng, lại còn trộm cắp, dối trá, cưỡng hiếp vợ người, bất hiếu với cha mẹ, không kính nhường anh em, tham tiếc tài vật, không chịu bố thí. Nay thân này chết đi, khiến tôi đọa vào đường ác, đau đớn, khổ sở không thể kể xiết. Thế nên, tôi đánh thân mình”.

Kinh Vô lượng thọ ghi: “Trong đời quá khứ, Kiều-phạm-ba-đề từng làm tì-kheo, đã ngắt lấy một gié lúa ở ven ruộng lúa của người để xem lúa chín chưa, thì có vài hạt rơi xuống đất, do đó năm trăm đời thường làm trâu để trả nợ”. Cho nên, luận Đại trí độ ghi: “Vì tập khí cũ, nên khi làm người, lúc sinh ra, miệng tì-kheo này vẫn còn nhơi như trâu, sau được Phật thương xót, độ cho xuất gia, đắc quả A-la-hán”.

XVI.5. Răn lỗi lầm

Kinh Duy-ma-cật ghi: “Cho nên, dùng bao nhiêu lời thống thiết mới có thể đưa người vào khuôn phép”.

Sách Nho chép: “Nghe lời can gián như dòng nước chảy”. Câu nói này đáng ghi. Thông thường, người ta hay chống báng, không nghe theo lời can gián, giống như ngựa chứng khó điều phục. Người hổ thẹn, biết nhìn lại mình thì thường tự răn nhắc, mong có được những lời góp ý chân tình để mở mang tâm trí. Nay muốn ngậm miệng để chỉnh thân, đâu bằng trước kềm chế tâm, sau nhiếp phục ý! Thế nên, kinh chép: “An trụ tâm vào một chỗ thì không việc gì không thành”. Ví như chồn, thỏ đâu dám ở trong hang núi vàng[14]; ếch, nhái nào dám sống nơi vực sâu, biển rộng.

Vì vậy, người biết lắng tâm và định ý thì dứt được quả báo trong ba đường, đầy đủ bốn đức[15]. Những ai giữ ý như giữ thành, giữ miệng như giữ bình thì người ấy đáng nhận lãnh giáo pháp để lại nơi Kim Hà[16], đáng được giao phó việc trị hóa của đế vương[17]. Người giữ gìn ba nghiệp như thế thì có khả năng dứt trừ được bốn nỗi khổ: sinh, già, bệnh, chết”.

Cho nên, kinh Thụ thai ghi: “Lúc thụ thai, chúng sinh chịu đủ mọi thứ khổ sở, mờ mờ mịt mịt giống như đám bụi. [83b] Sắp đủ mười tháng thì thai nhi bắt đầu biết khổ. Bấy giờ, gió nghiệp thúc đẩy đầu đứa bé hướng về cửa mình người mẹ. Vừa lọt lòng mẹ, toàn thân đau đớn như nằm trên núi đao, gió thổi lạnh buốt như băng giá. Ngay khi ấy, sinh là nỗi khổ đích thực”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Giống như tim đèn cháy được là nhờ dầu. Nếu dầu hết thì đèn không thể cháy được lâu. Con người cũng thế, chỉ nhờ lúc mạnh khỏe trẻ trung, đến khi sức khỏe cạn kiệt thì đã già yếu, làm sao sống được lâu dài”.

Trong kinh Xuất diệu, Đức Phật nói về nỗi khổ của tuổi già bằng bài kệ:

Tuổi trẻ có sức khỏe,

Về già, khổ bức bách,

Gầy yếu như cây khô,

Kiệt sức, đi nhờ gậy.

Đức Phật nói về nỗi khổ của cái chết bằng bài kệ:

Tắt thở hồn lìa xác,

Hình hài thật lạnh lẽo,

Người vật cũng như nhau,

Có sinh ắt có tử.

Kinh Niết-bàn ghi: “Người chết như vào nơi hiểm nạn mà không có lương thực; đến chốn xa xôi, nguy hiểm mà không có bạn bè, ngày đêm thường đi mà không biết chỗ dừng, tối tăm mờ mịt mà không có đèn sáng, vào nơi không nhà mà lại có nơi chốn, tuy không đau đớn nhưng không thể chữa trị; đến đâu cũng không ngăn ngại nhưng không có lối thoát”.

Kinh Vô lượng thọ ghi: “Sinh một mình, chết cũng một mình; một mình đến, một mình ra đi; chốn khổ vui, riêng mình chịu lấy, không người thay thế, mờ mờ mịt mịt vĩnh viễn cách xa, đường đi không cùng lối, không bao giờ gặp nhau. Khó thay! Khó thay! Nếu được gặp nhau, sinh ra thì vui vẻ, bà con quấn quít, rất mực yêu thương, quí mến. Đến khi chết thì sáng mất chiều chôn, lại lo sợ cảnh chia ly, khóc lóc tiễn đưa mà người chết rồi không hề hay biết. Quyến thuộc trở về thì trong nhà trống trải, vắng vẻ, không còn trông thấy người thân. Còn, mất, có, không thay đổi trong khoảnh khắc”.

Cho nên, kinh Xuất diệu ghi: “Đức Phật nói lại nỗi khổ của sự chết bằng bài kệ:

Mạng sống như quả chín,

Thường sợ phải rụng rơi,

Đã sinh ắt có khổ,

Đời người ai không chết.

Như kẻ tử tù kia,

Bị đưa đến pháp trường,

Biết chắc là phải chết,

Mạng người cũng như vậy.

Như dòng nước chảy xiết,

Trôi đi không trở lại,

Mạng người cũng như thế,

Chết nào sống lại đâu”.

Kinh Hoa nghiêm ghi: “Có mười hành vi được xem là ngã mạn, cần phải tránh xa. Đó là:

[83c] 1. Không tôn trọng, cung kính, cúng dường các phúc điền đáng tôn kính như: hòa thượng, a-xà-lê, cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn.

  1. Các vị pháp sư đã đạt được pháp vi diệu, biết pháp Đại thừa sâu xa là con đường ra khỏi sinh tử, đắc Đà-la-ni[18], thành tựu đa văn, đầy đủ trí tuệ khéo nói pháp mà ta không tin nhận, cung kính cúng dường.
  2. Được nghe pháp mầu, phát tâm ly dục, hoan hỷ vô lượng mà lại không khen ngợi pháp sư, khiến cho đại chúng hoan hỷ.
  3. Khởi tâm kiêu mạn, đề cao mình, chê bai người, không xét lỗi mình, không điều phục tâm.
  4. Khởi tâm chấp ngã, thấy người có công đức, trí tuệ, không khen ngợi điều tốt đẹp của họ; thấy người không có đức lại khen là hay; hoặc nghe khen ngợi người khác lại sinh lòng ganh tỵ với người ấy.
  5. Nếu có pháp sư biết đúng pháp, đúng luật, đúng sự thật, đúng lời Phật dạy; nhưng vì ganh ghét nên nói chẳng phải pháp, chẳng phải luật, chẳng phải sự thật, chẳng phải lời Phật nói, để phá hoại lòng tin của người khác.
  6. Tự trải tòa cao, rồi xưng: ‘Ta là pháp sư’ không cần làm các việc, không phải cung kính, cúng dường người khác. Các bậc tôn trưởng tu Phạm hạnh có đức đều phải cung kính, cúng dường ta.
  7. Không nhìn người bằng cặp mắt ác cảm, nét mặt cau có, mà thường nhìn chúng sinh bằng ánh mắt hiền hòa, lời nói nhã nhặn, không có vẻ dữ dằn, không có tâm sân hận, nhưng lại tìm lỗi của pháp sư.
  8. Vì lòng ngã mạn, thường không cung kính những người học rộng, hiểu nhiều; khi nghe pháp, có điều thắc mắc cũng không chịu hỏi: những gì là thiện, những gì là bất thiện, những gì nên làm, nhũng gì không nên làm, những việc làm nào có lợi ích lâu dài cho tất cả chúng sinh, những việc làm nào không có lợi ích cho chúng sinh, làm những việc nào gọi là từ sáng vào sáng, làm những việc nào gọi là từ tối vào tối. Những người như thế là bị tâm chấp ngã nhận chìm, nên không thể thấy được chính đạo xuất thế.
  9. Vì khởi tâm kiêu mạn, nên không được gặp chư Phật, khó được nghe pháp, mất hết các căn lành đã gieo trồng từ nhiều đời trước, nói điều không nên nói, sinh lòng hiềm khích rồi cùng nhau tranh cãi. Người sống theo cách này sẽ bị rơi vào đường tà, đó chỉ là vì tâm bồ-đề yếu kém. Cho dù người ấy không bỏ việc làm của bồ-tát, cũng không bỏ đạo Bồ-tát, nhưng trong vô lượng trăm nghìn vạn kiếp vẫn không được gặp Phật, huống là nghe pháp”.

Kinh Xuất diệu có bài kệ:

Người bị ngã mạn trói,

Đắm nhiễm nơi kiêu căng,

Bị kiến chấp mê hoặc,

Không thoát bờ tử sinh.

[84a] Thế nên biết, phàm phu làm ác tuy ít, nhưng đời sau chịu quả báo khổ đau không cùng. Ví như chất độc ở trong tâm, ý muốn mỗi người đều khác. Người đời thì lo làm ăn không nghĩ đến cái chết, nhưng mạng sống không thể bảo đảm, cái chết đến rất bất ngờ. Tính mạng mong manh này chẳng sớm thì chiều chỉ trong khoảnh khắc đã biến đổi vô thường, vậy mà người ta chỉ chăm lo ruộng vườn nhà cửa, luyến ái vợ con.

Kinh Pháp cú dụ ghi: “Khi Đức Phật ở nước Xá-vệ, trong thành có một bà-la-môn tuổi gần tám mươi, của cải vô số, là người khó hóa độ, không biết đạo đức, chẳng nghĩ đến vô thường, chỉ lo xây nhà đẹp, nào là gian trước, gian sau, nhà mát, phòng ấm, chái đông, chái tây đến mấy chục gian, chỉ còn mặt trước của nhà sau là làm chưa xong.

Bấy giờ, bà-la-môn ấy cứ mãi lo làm ăn và chỉ đạo mọi việc. Phật dùng đạo nhãn thấy ông lão này sẽ chết nội trong ngày nay. Thế mà ông ta không thể tự mình biết điều đó, nên mới lăng xăng tạo dựng, đến nỗi tinh thần mỏi mệt, thật đáng xót thương!

Đức Phật cùng A-nan đi đến nhà bà-la-môn ấy, hỏi thăm:

– Ông có khỏe không? Nay ông xây ngôi nhà này để làm gì?

Ông lão đáp:

– Phòng trước để tiếp khách, phòng sau tôi ở; chái đông, chái tây để con cái, người giúp việc ở và chứa đồ đạc; mùa hạ thì ở nhà mát, mùa đông thì ở phòng ấm.

Đức Phật nói với ông lão:

– Ta nghe danh đức của ông đã lâu, nhưng nay mới đến chuyện trò. Như Lai có bài kệ quan trọng, rất ích lợi cho sự sống chết, nay muốn tặng cho ông. Xin ông gác lại chút việc để cùng nói chuyện, được không?

Ông lão đáp:

– Thật sự hôm nay tôi rất bận, không rảnh để cùng nói chuyện với Ngài. Xin mời hôm sau Ngài đến, chúng ta sẽ cùng chuyện trò, còn bài kệ xin hãy nói đi.

Bấy giờ, Đức Phật liền nói kệ:

Có con, có của,

Kẻ ngu lăng xăng,

Ta còn không thật,

Huống con và của.

Nóng ở chỗ này,

Lạnh ở chốn kia,

Ngu nhiều suy tính,

Chẳng biết vô thường.

Do ngu che lấp,

Tự cho mình trí,

Ngu mà xưng trí,

Ấy là đại ngu.

Bà-la-môn nói:

– Bài kệ này hay lắm, song giờ đây tôi quá bận rộn, xin mời Ngài giảng giải vào khi khác.

Nghe nói vậy, Đức Phật ra về mà xót thương cho ông ấy.

Sau đó, ông lão đỡ cây đòn tay, chẳng may nó rơi xuống trúng vỡ đầu, rồi ông qua đời. Gia đình ông khóc lóc thảm thiết, làm kinh động khắp xóm làng. Đức Phật đi chưa xa đã xảy ra tai nạn này. Đến đầu làng, Ngài gặp mấy mươi người Phạm chí, họ hỏi:

– Ngài từ đâu đến?

Đức Phật bảo:

[84b] – Chúng tôi vừa đến nhà ông lão mới chết kia, nói pháp cho ông ta, nhưng ông ấy không tin Phật pháp, không biết vô thường. Giờ đây, ông ấy đột nhiên đã qua đời.

Bấy giờ, Đức Phật nói lại nghĩa lý của bài kệ trên cho các Phạm chí nghe. Các vị Phạm chí nghe xong vui mừng, đều được kiến đạo. Đức Phật bèn nói kệ:

Kẻ ngu gần bậc trí,

Như bầu chứa đầy rượu,

Dù gần gũi lâu ngày,

Vẫn không hiểu được pháp.

Thông minh gần bậc trí,

Tợ lưỡi nếm mùi vị,

Tuy gần trong chốc lát,

Liền hiểu được pháp mầu.

Kẻ ngu làm việc ác,

Thân tự chuốc tai họa.

Cố ý làm điều ác,

Phải gánh chịu tai ương.

Do làm các điều ác,

Sau hối hận sao kịp,

Khóc lóc và than van,

Khi báo đền nhân cũ.

Các Phạm chí nghe bài kệ này, niềm tin càng thêm sâu sắc. Họ đỉnh lễ Đức Phật và vui vẻ vâng theo”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Nếu có chúng sinh nào thấy bạn bè đánh đập nhau đưa đến oán thù mà giải hòa cho họ, thì sau khi mạng chung sinh lên cõi trời Dục Ái, tùy tâm nghĩ gì liền có năm dục để tự vui. Nếu có chúng sinh nào thấy người sắp chết hoặc bị người khác bắt đi mà cứu họ được thoát nạn; hoặc ở chốn nguy hiểm chỉ cho họ con đường thoát hiểm; hoặc trong chốn sợ hãi giúp người được an ổn, thì sau khi mạng chung sinh lên cõi trời Chính Hạnh, có thiên nữ hầu hạ và hưởng đầy đủ năm dục lạc; nếu sinh làm người thì được vào nhà trưởng giả giàu sang, có chính kiến. Nếu người có tâm nhu hòa, xa lìa các cấu uế thì dễ dàng đạt được quả Niết-bàn giải thoát trong tầm tay. Người nhu hòa tâm trong sáng như cây nến trắng, được mọi người tin tưởng. Người thô tháo tâm cố chấp như kim cương, thường kết oán thù mãi không quên, tính tình ngang ngược, bị mọi người ghét bỏ, không tin tưởng cũng không thương mến.

Bấy giờ, bồ-tát Khổng Tước nói bài kệ trong kinh Phật:

Người thiện tâm nhu hòa,

Như vàng đã luyện lọc,

Trong ngoài đều tốt đẹp,

Chóng dứt mọi khổ đau.

Nếu người tâm điều phục,

Mọi việc đều hài hòa,

Người này trồng căn lành,

Giống như ruộng phúc tốt”.

Kinh Ha điêu A-na-hàm[19] ghi: “A-na-hàm có tám điều không muốn cho người khác biết. Đó là:

  1. Không mong cầu
  2. Có niềm tin
  3. Xấu hổ với người
  4. Tâm tự hổ thẹn

[84c] 5. Tinh tiến

  1. Tự quán chiếu
  2. Đắc được pháp thiền
  3. Trí tuệ sáng suốt

Sở dĩ A-na-hàm không muốn cho người khác biết những điều trên là vì không muốn làm phiền lòng người khác.

Có bài tụng rằng:

Chiêm-bặc[20] hóa cỏ bồng,

Y lan[21] thành cỏ thơm,

Trăng tròn rồi lại khuyết,

Tơ trắng chẳng trắng hoài.

Riêng vui nơi ba ích[22],

Phòng hộ bốn uy nghi[23],

Hãy tự mình cố gắng,

Răn dè mới đáng quý.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 03 – Kính Tăng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 01 – Kính Phật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 07 – Tán Tụng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 15 – Báo Ân - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 21 – Nghiệp Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Chú Đà La Ni Kim Cang Bí Mật Thiện Môn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng