Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XXVII. XEM TƯỚNG

Gồm ba phần: Lời dẫn, Xem tướng, Lòng tin.

XXVII.1. Lời dẫn

Phật pháp vốn bình đẳng, bậc cao đức đồng cảm nhận; phàm phu tùy theo nghiệp, nên giáo hóa có nhiều phương. Tâm cảnh trái nhau, nên thọ khổ vui sai khác. Như sáp ấn xuống bùn, ấn xong thì đường nét hiện. Tướng nghiệp đã phân thì nhìn hiện báo có thể biết. Cho nên, người và loài vật có thể nhận biết nhờ tiếng nói, người Hồ và Hán nhận dạng qua vóc hình, kẻ hèn người sang có tôn ti phân biệt, thánh phàm khác nhau ở điều thiện ác.

XXVII.2. Xem tướng

Kinh Chính kiến ghi: “Bấy giờ, trong pháp hội của Đức Phật, có vị tì-kheo tên là Chính Kiến, mới thọ đại giới, nên trong lòng còn nghi: ‘Phật nói có cuộc sống đời sau, nhưng người chết rồi không về báo lại, thì làm sao biết?’. Tì-kheo chưa kịp hỏi, Đức Phật đã biết và bảo:

– Này các tì-kheo! Thí như cây kia sinh ra từ một hạt giống và nhờ bốn đại mà nảy mầm, thành thân, mọc cành ra lá, rồi phát triển thành một cây lớn. Cây lại sinh quả, quả lại thành cây, tăng trưởng theo năm tháng, tạo nên vô số như thế.

Đức Phật hỏi:

– Này các tì-kheo! Nếu muốn gom tất cả thân cành lá, hoa trái trở về hạt giống như ban đầu, liệu có được không?

Các tì-kheo thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không thể được. Cây luôn biến đổi, dần dần sẽ mục nát, thì hạt giống lại sinh, trở thành cây to lớn. Sự sinh trưởng, biến đổi tương tục, cuối cùng mục nát, không thể trở lại thành hạt giống ban đầu.

Đức Phật bảo:

– Này các tì-kheo! Sự sinh tử cũng như vậy,[163a] vốn do ngu si phát sinh, luân chuyển hòa hợp, thần thức biến đổi qua mười hai nhân duyên[45], tùy theo hành nghiệp dẫn dắt nên có cha mẹ, rồi thụ nhận thân thể; nên không thể trở lại thần thức ban đầu và cũng không về báo lại. Thí như người thợ luyện kim, luyện quặng để thành sắt thép, nấu chảy sắt thép để đúc thành vật dụng. Vậy vật dụng ấy có thể trở lại thành quặng được không?

Chính Kiến thưa:

– Thật không thể được.

Đức Phật bảo:

– Thần thức biến chuyển, trụ tại thân trung ấm giống như quặng đã thành sắt thép; thác vào thai mẹ, thụ nhận thân mới giống như sắt thép đã thành vật dụng, hình thể thay đổi, nên không thể trở lại thức ban đầu. Vì vậy, thức thụ nhận thân người lại có cha mẹ; đã có cha mẹ thì có sáu ngăn bít: một là trụ tại thân trung ấm, không thể trở lại; hai là theo nghiệp thụ thân ở trong bào thai; ba là mới sinh ra đau đớn, nên quên hết chuyện xưa; bốn là vừa sinh ra, liền chạm đất, nên những hiểu biết ngày trước không còn, phát sinh nhận thức mới; năm là sinh ra liền đắm trước ăn uống, nên những hiểu biết ngày trước không còn; sáu là sinh ra, lớn lên, huân tập điều mới, quên lãng điều cũ.

Đức Phật lại bảo:

– Này các tì-kheo! Thần thức nương vào thiện ác, khi chết theo nghiệp, nên sự thấy biết chẳng giống như cũ và thân không thể khôi phục cái biết khi xưa; vì vậy, không thể hồi báo với quyến thuộc. Nếu người chưa có đạo ý[46], không có tịnh nhãn, khi chết thì thức lìa thân, biến chuyển tùy theo hành nghiệp, lại thụ thân khác, không thể về báo được. Thí như đêm tối không trăng, đem vật có năm màu để trong chỗ tối, dù nghìn vạn ức người cũng không thể nhìn thấy vật ấy. Nhưng nếu có người cầm đuốc soi sáng, thì tất cả mọi người đều phân biệt rõ ràng năm màu. Như người ngu si bị tối tăm che lấp, chưa chứng tuệ nhãn[47], đọa vào đường ác, xoay vần qua lại, cũng như đêm tối không trăng mà muốn nhìn thấy vật có năm màu, quyết không thể được. Nếu người tu hành tụng kinh, trì giới, thâu nhiếp tâm ý, cũng như cầm đuốc soi chiếu để thấy vật. Thí như không tay mà muốn viết chữ, mù mắt mà đòi nhìn, xâu kim nơi chỗ tối, tìm lửa ở trong nước, hoàn toàn chẳng được.

Này các tì-kheo! Hãy chuyên tâm trì kinh, giữ giới, tư duy kĩ sinh tử vốn từ đâu đến, cuối cùng về đâu thì thân tâm thanh tịnh, phiền não đoạn trừ, điều nghi được giải.

Chính Kiến nghe xong, hoan hỷ thụ trì”.

Kinh A-dục vương thái tử pháp ích hoại mục nhân duyên ghi: “Trong sáu đường, mỗi đường có những tướng trạng khác nhau.

  1. Tướng địa ngục:

Căn nguyên con người,

Trôi dạt sinh tử,

Nổi chìm tới lui,

Ở trong năm đường.

Chết kia sinh đây,

Đều có nhân duyên,

Nay ta nói rõ,

Tướng trạng từng người.

Bước đi nghiêng ngã,

Không tự hay biết,

Thích xem huyễn hoặc,

Thường vui, hay quên,

[163b] Cử động nhẹ nhàng,

Rong chơi đồng trống,

Người đó đến từ,

Địa ngục Đẳng hoạt[48].

Cơ khớp đau nhức,

Ngủ hay giật mình,

Mộng thấy điềm dữ,

Là người đến từ,

Địa ngục Dây đen[49].

Mắt trợn, tóc thô,

Răng dài, ưa giận,

Tiếng đục, bệnh nặng,

Là người đến từ,

Địa ngục Hợp hội[50].

Lớn tiếng, cao giọng,

Không biết xấu hổ,

Ưa đánh, chửi nhau,

Chẳng biết thật giả.

Nằm ngủ thở than,

Mộng thường kêu hoảng,

Người đó đến từ,

Địa ngục Khóc la[51].

Thường hay buồn khóc,

Lên cao, nhìn xa,

Gây gổ người nhà,

Không biết quen lạ.

Lời nói sân hận,

Nhịn đói nhiều ngày,

Người đó đến từ,

Địa ngục Khóc lớn[52].

Mình to, chân nhỏ,

Gân cốt yếu suy,

Tiếng thường tắt nghẹn,

Giọng như ngói bể,

Lòng không hiếu thuận,

Tinh thần bất định,

Người này đến từ,

Địa ngục A-tì[53].

Thân thể thô xấu,

Chịu khổ rét lạnh,

Thích nóng, luôn khát,

Ganh ghét, xẻn, tham.

Thấy người bố thí,

Lòng sinh não phiền,

Người đó đến từ,

Địa ngục Thiêu nướng[54].

Thấy lửa sợ hãi,

Nhưng thích sưởi ấm,

Đi đứng tùy tiện,

Chẳng kể thời nghi,

Việc xong hối hận,

Nhưng lại muốn làm,

Người đó đến từ,

Địa ngục Thiêu lớn[55].

Mắt nhỏ, hay sân,

Quên điều đã nhận,

Việc làm thấp hèn,

Tâm địa chẳng rộng,

Thấy lớn sinh sợ,

Nhìn nhỏ lại vui,

Người đó đến từ,

Ngục Ưu-bát-la[56].

Mắt đỏ, mình xấu,

Thường thích đấu tranh,

Phỉ báng thánh hiền,

Và bậc đắc đạo,

Đêm ngày tìm xét,

Việc xấu của người,

Người đó đến từ,

Ngục Bát-đầu-ma[57].

Mắt có ba góc,

Bất hiếu mẹ cha,

Sinh ra đoản mạng,

Là người đến từ,

Ngục Câu-mâu-đà[58].

Thích mang dao nhọn,

Khiêu khích đánh nhau,

Ắt bị người giết,

Là người đến từ,

Địa ngục Bân-trì[59].

Mình đầy ghẻ lác,

Hơi miệng hôi hám,

Không có người thân,

Nên biết người này,

Đến từ ngục Khoáng[60].

Thân hình to lớn,

Bước đi yếu ớt,

Tóc ít, da mỏng,

Bệnh tật liên miên,

Thấy người liền sân,

Tham ăn không chán,

Người này đến từ,

[163c] Địa ngục Đong lửa.

Da trắng, mắt xanh,

Nói phun nước dãi,

Chẳng có ngọn ngành,

Thích chơi đất, cát,

Nhìn thấy bùn lầy,

Ưa nằm lên trên,

Người đó đến từ,

Địa ngục Sông tro.

Đầu rụt, mắt vàng,

Bị người ghét bỏ,

Gặp việc hoảng sợ,

Là người đến từ,

Địa ngục Rừng kiếm.

Tay thường cầm dao,

Nghe đấu liền vui,

Bị dao làm hại,

Là người đến từ,

Địa ngục Núi dao.

Mình đen, cổ nghẹn,

Thích ở phòng tối,

Miệng thốt lời dữ,

Là người đến từ,

Địa ngục Tro nóng.

Sức yếu, hụt hơi,

Không được tùy ý,

Những việc được mất,

Chẳng do mình định.

Nếu gặp đồ tể,

Liền theo sát bên,

Nên biết người này,

Từ ngục Lột da.

Vui giận bất thường,

Tự biết hối cải,

Thường hay tạ tội,

Chẳng để qua đêm,

Khiển trách tâm mình,

Như bị hình phạt,

Người đó đến từ,

Địa ngục Đánh cầu.

Thích ở chỗ dơ,

Ưa ăn thức dở,

Mặc đồ xấu xí,

Là người đến từ,

Địa ngục Phân tiểu.

Dung mạo ghê rợn,

Lời nói hung hăng,

Ưa chê, đánh người,

Từ ngục Hương thơm.

Nên xét hình mạo,

Biết từ đâu đến,

Để rồi xa lìa,

Như tránh kiếp Thiêu[61]

Tướng trạng địa ngục,

Lược nói như thế.

  1. Tướng súc sinh:

Nói về súc sinh,

Thụ thân sai khác,

Chuyên tâm xét nghĩ,

Không tạo duyên này.

Nói năng chậm rãi,

Chẳng khởi sân si,

Kính nhường tôn trưởng,

Từ loài voi đến.

Thân lớn hôi nhơ,

Chịu được nóng lạnh,

Sân hận khó trừ,

Từ lạc đà đến.

Đi xa, ăn khỏe,

Chẳng ngại hiểm nguy,

Nhớ việc, biết đúng,

Từ loài ngựa đến.

Độ lượng, biết ơn,

Giỏi chịu nóng lạnh,

Việc làm chẳng nhớ,

Từ loài trâu đến.

To tiếng, chẳng thẹn,

Lòng nhiều luyến ái,

Không phân phải trái,

Từ loài lừa đến.

Không sợ lớn nhỏ,

Thường tham ăn thịt,

Làm việc dễ dàng,

Từ sư tử đến.

Thân lớn, mắt tròn,

Rong chơi đồng trống,

Ghét bỏ vợ con,

Từ loài cọp đến.

Lông dài, mắt nhỏ,

[164a] Ít có giận hờn,

Chẳng ở một nơi,

Từ loài chim đến.

Tính không tráo trở,

Thích việc giết hại,

Chỉ ưa hang gò,

Từ loài chồn đến.

Giọng nhỏ, yếu đuối,

Nhẹ nghiệp dâm dục,

Chẳng thương vợ con,

Từ loài sói đến.

Không thích sắc đẹp,

Rình bắt kẻ gian,

Ngủ ít, hay sân,

Từ loài chó đến.

Thân thấp, lông dài,

Tham ăn, mê ngủ,

Chẳng thích chỗ sạch,

Từ loài heo đến.

Lông vàng, lăng xăng,

Thích ở núi rừng,

Tham ăn hoa quả,

Từ loài khỉ đến.

Mặt mày gian dối,

Không hề ngại khó,

Thường hay phản phúc,

Từ loài quạ đến.

Đam mê sắc dục,

Tình nghĩa chẳng màng,

Tâm không ghi nhớ ,

Từ bồ câu đến.

Tính hay trái nghịch,

Luận biện, nhẫn nại,

Bất hiếu mẹ cha,

Loài tu hú đến.

Chẳng biết phép tắc,

Và điều sai trái,

Suốt đời ngu si,

Từ loài dê đến.

Ưa dối, thích bàn,

Thân gần hào phú,

Mọi người thương mến,

Loài anh vũ đến.

Hành động vội vàng,

Thích chốn đông người,

Nói năng rườm rà,

Loài chim sáo đến.

Bước đi khoan thai,

Lòng đầy mưu kế,

Hại nhiều sinh vật,

Từ loài hạc đến.

Thân nhỏ, háo dâm,

Ý không chuyên định,

Thấy sắc mê đắm,

Từ chim sẻ đến.

Mắt đỏ, răng ngắn,

Nói phun nước bọt,

Nằm thì co thân,

Từ loài rắn đến.

Lời đầy phẫn hận,

Chẳng xét nghĩa ân,

Miệng tuôn lời độc,

Từ chim trấm[62] đến.

Độc cư, tham ăn,

Giọng nói tắt nghẹn,

Đêm thường ít ngủ,

Từ loài mèo đến.

Đào tường trộm cắp,

Tham tiền, sợ hãi,

Chẳng biết lạ quen,

Từ loài chuột đến.

Xem kỹ tướng mạo,

Biết rõ ngọn nguồn.

  1. Tướng ngạ quỷ:

Thân cao, hay sợ,

Lông tóc quấn thân,

Áo quần dơ bẩn,

Từ ngạ quỷ đến.

Dâm dật, xan tham,

Ghét người thành tựu,

Chẳng ưa bố thí,

Từ ngạ quỷ đến.

Bất hiếu mẹ cha,

[164b] Lớn nhỏ trong nhà,

Chạm liền tranh cãi,

Từ ngạ quỷ đến.

Tâm không thành tín,

Việc làm vì mình,

Sức yếu, trí hèn,

Từ ngạ quỷ đến.

Tắt tiếng khàn giọng,

Giận dữ bất thường,

Thích ăn đồ nóng,

Từ ngạ quỷ đến.

Của cải ít ỏi,

Nghèo nàn túng thiếu,

Người trí chê cười,

Từ ngạ quỷ đến.

Nhà không thờ Phật,

Chẳng thích nghe pháp,

Dứt đường sinh thiên,

Từ ngạ quỷ đến.

Không dạy vợ con,

Anh em, chị em,

Mọi người ghét bỏ,

Từ ngạ quỷ đến.

Sống đời cô độc,

Không người chăm sóc,

Chung quy thụ báo,

Chẳng lìa duyên xưa,

Ý chí nhỏ hẹp,

Không thích trang sức,

Việc làm kém hèn,

Từ ngạ quỷ đến.

Làm không kết quả,

Chỉ chuốc phiền muộn,

Bị người xua đuổi,

Từ ngạ quỷ đến.

Việc làm thất bại,

Chẳng xét căn nguyên,

Không nghe can gián,

Từ ngạ quỷ đến.

Chẳng thích chỗ vắng,

Ưa ở cầu xí,

Diện mạo bẩn thỉu,

Từ thần gió[63] đến.

Thân lớn, luôn vui,

Ham muốn ăn thịt,

Chỉ thích miếu thần,

Từ dạ-xoa[64] đến.

Hay sân, ưa đấu,

Thấy vật tham đắm,

Không thể lãng quên,

Từ dạ-xoa đến.

Người thấy rợn gáy,

Mắt nhìn đăm đăm,

Như mất vật gì,

Từ la-sát đến.

Thân ốm, da mỏng,

Nhan sắc tươi hòa,

Nghe nhạc vui thích,

Càn-thát-bà[65] đến.

Ý thích phiêu bồng,

Thoa ướp hương thơm,

Có nhiều tài nghệ,

Càn-thát-bà đến.

Thường thích ca múa,

Nam nữ sánh vai,

Nói trước cười sau,

Chân-đà-la[66] đến.

Tính tình mềm mỏng,

Hiểu rõ thời tiết,

Thường đoạn phiền não,

Chân-đà-la đến.

Đây tướng ngạ quỷ,

Dạ-xoa, la-sát.

  1. Tướng a-tu-la:

Sau đây lược nói,

Tướng a-tu-la,

Mặt vuông, mắt tròn,

Tóc hoe, thân vàng,

Biết đủ ngành nghề ,

A-tu-la[67] đến.

Nhìn thẳng phía trước,

Dáng vẻ tự tin,

Gặp thù liền đánh,

A-tu-la đến.

[164c] 5. Tướng người:

Biết nơi sinh về,

Chấp chặt không quên,

Hiểu rõ sự nghiệp,

Từ cõi người lại.

Biết rõ hư dối,

Tự mình không làm,

Việc làm bình đẳng ,

Từ cõi người lại.

Lời thiện và ác,

Chẳng hề lãng quên,

Không tin gian dối,

Từ cõi người lại.

Tham dâm, ganh ghét,

Tâm chấp khó bỏ,

Hiểu rõ tập tục,

Từ cõi người lại.

Tín tâm bố thí,

Rõ pháp, phi pháp,

Lòng không thiên vị,

Từ cõi người lại.

Chẳng phí thời gian,

Cũng không biếng nhác,

Cung kính thánh hiền,

Từ cõi người lại.

Nếu gặp sa-môn,

Trì giới, đa văn,

Dốc lòng phụng sự,

Từ cõi người lại.

Cúng dường chư Phật,

Chính pháp, chúng tăng,

Tùy thời nghe pháp,

Từ cõi người lại.

Nghe pháp biết rõ,

Thấy ác không làm,

Mau về niết-bàn,

Từ cõi người lại.

Đây là lược nói,

Tướng mạo cõi người.

  1. Tướng trời:

Nương núi Tu-di,

Có năm tầng trời,

Tùy nghiệp đã tạo,

Nên tướng chẳng đồng.

Lưng nhỏ, chân to,

Thường hay cười mĩm,

Nên biết người này,

Từ Khúc thiên[68] đến.

Thích lẽ nhiệm mầu,

Vật chất thiếu thốn,

Sợ thấy đấu tranh,

Thi-khí thiên[69] đến.

Da trắng, cao to,

Dung mạo đoan chính,

Không thích ánh lửa,

Kì-bà thiên[70] đến.

Người luôn vui vẻ,

Nghe ác chẳng sợ,

Cũng không làm ác,

Hóa Lạc thiên[71] đến.

Tư duy nhẫn, khổ,

Khéo phân biệt nghĩa,

Hiếu kính mẹ cha,

Tì-sa thiên[72] đến.

Không thích ngủ nhà,

Vui chơi rừng núi,

Chẳng màng nữ sắc,

Từ nhị thiên[73] đến.

Của cải tuy nhiều,

Sinh nhà ti tiện,

Tâm ưa thanh tịnh,

Cõi tam thiên[74] đến.

Làm theo ý mình,

Công việc chẳng thông,

Mong ước nguyện thành,

Viêm-ma thiên[75] đến.

Thích dâm, bất chính,

Không giữ vợ mình,

Bị quỷ sai khiến,

[165a] Tha Hóa thiên[76] đến.

Cung phụng cha mẹ,

Thường giữ phép tắc,

Theo người học hỏi,

Đâu-suất thiên[77] đến.

Phi pháp cầu đạo,

Tâm không tham tiếc,

Không thích tại gia,

Từ Phạm thiên[78] đến.

Tâm muốn chân thật,

Ý ham ngủ nghỉ,

Không hiểu Phật pháp,

Vô Tưởng thiên[79] đến.

Chúng sinh sáu đường,

Đều có căn nguyên,

Tính, hạnh sai khác,

Ý chí chẳng đồng.

XXVII.3. Lòng tin

Kinh Na-tiên tì-kheo vấn Phật ghi: “Bấy giờ, vua Di-lan hỏi tì-kheo a-la-hán Na-tiên:

– Người thế gian làm ác suốt đời, lúc sắp chết nhờ niệm Phật mà sau đó được sinh lên trời, trẫm không tin lời ấy. Lại nữa, nếu giết một chúng sinh, chết liền đọa địa ngục, trẫm cũng không tin.

Tì-kheo Na-tiên hỏi:

– Như người ném viên đá nhỏ xuống nước, đá nổi hay chìm?

Nhà vua trả lời:

– Đá chìm.

Na-tiên hỏi:

– Nếu chất trăm hòn đá lớn lên thuyền, thì thuyền có chìm không?

Vua đáp:

– Không chìm.

Na-tiên lại hỏi:

– Vì nhờ có thuyền nên đá không chìm. Người tuy tạo ác, nhưng nhờ nhất thời niệm Phật mà không đọa địa ngục, được sinh lên trời, sao lại không tin? Hòn đá nhỏ kia bị chìm cũng như người làm ác mà không biết tụng kinh niệm Phật, sau khi chết liền đọa địa ngục, sao cũng không tin?

Vua nói:

– Tuyệt thay! Tuyệt thay!

Tì-kheo Na-tiên nói:

– Như hai người cùng chết, một người sinh lên cõi Phạm thiên, một người sinh vào nước Kế-tân. Hai người này nơi sinh xa gần tuy khác nhau, nhưng khi chết cùng sinh đến một lúc. Như có hai con chim, một con đậu trên cao, một con đậu ở cành thấp, khi hai con chim cùng bay thì bóng của chúng đều in xuống mặt đất.

Tì-kheo Na-tiên nói tiếp:

– Như người ngu làm ác thì chuốc lấy họa lớn, người trí làm ác thì chịu họa nhỏ. Thí như có thanh sắt nung đang nằm trên đất, một người biết đó là sắt nung, còn một người không biết. Hai người cùng đến lấy thanh sắt, nhưng người không biết thì bị phỏng nặng, người biết không bị phỏng. Làm ác cũng như thế. Người ngu vì không thể tự mình sám hối nên chuốc lấy họa lớn, người trí làm ác, nhưng biết đó là việc không nên làm, hàng ngày sám hối tội lỗi nên chịu họa nhỏ”.

Kinh Tứ phẩm học ghi: “Người đời có kẻ chẳng bằng loài vật, loài vật có con lại hơn người. Vì sao? Người gây tội ác không biết dừng, nên chết đọa vào địa ngục.[165b] Hết tội địa ngục chuyển làm ngạ quỷ, hết tội ngạ quỷ thì chuyển làm súc sinh, hết tội súc sinh mới trở lại làm người. Vì hết tội súc sinh mới được làm người, do đó phải siêng năng làm điều thiện, vâng theo lời dạy của tam bảo, vĩnh viễn xa lìa ba đường ác, hưởng phúc trời người, sau sẽ được giải thoát”.

Kinh Tứ thập nhị chương ghi: “Đức Phật dạy trong đời có năm điều khó:

  1. Nghèo cùng bố thí là khó
  2. Giàu sang học đạo là khó
  3. Giữ mạng không chết là khó
  4. Thấy được kinh Phật là khó
  5. Gặp Phật ra đời là khó”.

Kinh Tạp thí dụ ghi: “Trong đời có mười tám điều khó:

  1. Gặp Phật ra đời là khó
  2. Giả sử gặp Phật, nhưng được làm người là khó
  3. Giả sử được làm người, nhưng sinh ở thành thị là khó
  4. Giả sử sinh ở thành thị, nhưng sinh trong gia đình giòng dõi cao quý là khó
  5. Giả sử sinh trong gia đình giòng dõi cao quý, nhưng được thân căn đầy đủ là khó
  6. Giả sử thân căn đầy đủ, nhưng có nhiều tài sản là khó
  7. Giả sử có nhiều tài sản, nhưng gặp thiện tri thức là khó
  8. Giả sử gặp thiện tri thức, nhưng có trí tuệ là khó
  9. Giả sử có trí tuệ, nhưng có thiện tâm là khó
  10. Giả sử có thiện tâm, nhưng hay bố thí là khó
  11. Giả sử hay bố thí, nhưng muốn trở thành người hiền thiện, gặp bậc có đức là khó
  12. Giả sử trở thành người hiền thiện, gặp bậc có đức, nhưng đến nương tựa được là khó
  13. Giả sử đến được, nhưng được thích nghi là khó
  14. Giả sử đã thích nghi, nhưng để nghe thuyết pháp là khó
  15. Giả sử được nghe thuyết pháp, nhưng có trí tuệ hiểu đúng là khó
  16. Giả sử hiểu đúng, nhưng thụ trì được kinh có nghĩa lý sâu xa là khó
  17. Giả sử thọ trì được kinh có nghĩa lý sâu xa, nhưng y kinh tu hành là khó
  18. Giả sử thọ trì được kinh có nghĩa lý sâu xa, y kinh tu hành, nhưng chứng đắc thánh quả là khó”.

Kinh Tội nghiệp báo ứng có bài kệ:

Dòng chảy thường không đầy,

Lửa mạnh chẳng cháy lâu,

Mặt trời mọc rồi lặn,

Trăng tròn rồi lại khuyết,

Dù giàu sang, quyền quý,

Cũng thoáng chốc qua mau.

Thế nên, thân người khó được mà dễ mất, vì dễ mất nên không sinh tâm tham đắm. Nên biết, thân người đến gần cái chết trong từng niệm, như heo, dê bị dẫn đến lò mổ. Vì vậy, kinh Niết-bàn ghi: “Quán thân mạng này thường bị vô số oán thù nhiễu hại, mạng sống giảm dần trong từng niệm, giống như nước chảy xiết không thể dừng lại, [165c] cũng như sương sớm chóng tan, lại như kẻ tử tù bị dẫn đến pháp trường, từng bước từng bước đến gần cái chết”.

Kinh Ma-na có bài kệ:

Thí như Chiên-đà-la[80],

Lùa trâu đến lò mổ,

Mỗi bước gần chỗ chết,

Mạng người còn mau hơn.

Kinh Thúc-ca ghi: “Bà-la-môn Thúc-ca bạch Phật:

– Người tại gia có thể tu phúc đức, gieo trồng căn lành thì sẽ hơn người xuất gia, việc ấy thế nào?

Đức Phật dạy:

– Vấn đề này không nhất định. Người xuất gia nào không tu căn lành thì không bằng người tại gia thường gieo trồng căn lành”.

Tam thiên oai nghi ghi: “Những việc người xuất gia thường làm là tọa thiền, tụng kinh, khuyến hóa. Nếu đầy đủ ba việc này thì đó là người xuất gia đúng pháp, nếu không thực hành thì đó là kẻ sống thừa chết uổng, chỉ gây nhân đau khổ mà thôi”.

Kinh Bách dụ ghi: “Xưa có người cần dùng đến lửa và nước lạnh. Anh ta liền bắt một nồi nước lạnh lên trên đống lửa ủ qua đêm. Sau đó, anh ta muốn lấy lửa thì lửa đã tắt, muốn lấy nước lạnh thì nước đã nóng. Cả nước lạnh và lửa đều không được. Người thế gian xuất gia cầu đạo trong Phật pháp, còn nghĩ đến vợ con và năm dục, nên mất lửa công đức và cả nước giữ giới. Người tu hành nghĩ đến ái dục cũng lại như vậy”.

Có bài tụng:

Thiện ác khác nhau,

Thánh phàm chung cõi,

Năm ấm dẫu đồng,

Sáu đường khác lối.

Xem xét tướng trạng,

Tự biết nghiệp xưa,

Khổ vui khác hình,

Đâu thể ngăn dứt?

***

Chú thích:

[1] Lễ kí 禮記: gọi chung ba bộ sách Nghi lễ, Chu lễ và Lễ kí của Trung Hoa thời cổ, quy định cách đối xử giữa người này với người khác.

[2] Đạo nhãn 道眼: chỉ mắt quán xét đạo pháp.

[3] Địa ngục kêu gào (Khiếu Hô địa ngục 叫呼地獄): một trong mười tám tầng địa ngục. Tội nhân trong ngục này kêu gào thảm thiết, nên địa ngục này được gọi là Kêu Gào.

[4] Ác luật nghi 惡律儀: đối lập thiện luật nghi, ác luật nghi chỉ cho vô biểu sắc bất thiện sinh khởi do tham lợi hoặc do cuộc sống mà làm các nghiệp sát sinh.

[5] Quyền giáo 權教: giáo pháp quyền xảo phương tiện, vì ứng hợp cơ duyên của chúng sinh mà phương tiện tuyên thuyết.

[6] Thật giáo 實教: giáo pháp chân thật, không mắc kẹt nơi phương tiện quyền giả.

[7] Lý chướng 理障: mê lầm về lý, làm chướng ngại chính tri kiến, không thông đạt được bản giác chân như.

[8] Thập thiện 十善: mười hành vi thiện do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra. gồm có không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không tham dục, không sân khuể, không tà kiến.

[9] Trí tuệ phương tiện (phương tiện trí tuệ 智慧方便): quyền trí phân biệt các pháp.

[10] Thiện hữu lậu (hữu lậu thiện 有漏善): bạch pháp, thuộc việc thiện của thế gian, chưa đoạn phiền não. Ngũ giới, thập thiện và thiện căn từ địa vị Kiến đạo trở xuống đều là thiện hữu lậu. Tu theo thiện pháp hữu lậu này có công năng chiêu cảm quả báo hữu lậu trời, người.

[11] Ba nghiệp (tam nghịêp 三業; S: trīni-karmāṇi): thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.

[12] Nghiệp vô lậu (vô lậu nghiệp 無漏業; S: anāsravaḥ): tính không ô nhiễm, cũng không chiêu cảm quả dị thục. Đây là nghiệp thanh tịnh vô lậu, không có xen lẫn tướng hắc, bạch, tức là sự tu tập để đạt đến cảnh giới niết-bàn.

[13] Phu nhân Mạt-lợi (Mạt-lợi phu nhân 末利夫人; S: Mallikā): phu nhân của vua Ba-tư-nặc, là người sinh ra thái tử Ác Sinh (tức thái tử Tì-lưu-li).

[14] Giới bát quan trai (bát quan trai giới 八關齋戒): tám pháp trai giới, học xứ cho hàng đệ tử tại gia tập sự xuất gia do Đức Phật chế định. Người thọ phải tạm rời gia đình một ngày một đêm đến ở trong tăng đoàn để học tập cách sinh hoạt của người xuất gia. Tám pháp trai giới là không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không vọng ngữ, không uống rượu, không dùng hương hoa trang sức nơi thân hay xem nghe ca múa, không ngồi nằm giường rộng cao đẹp, không ăn phi thời. Trong tám giới thì bảy phần trước là giới, một phần sau không ăn phi thời là trai, hợp lại gọi là bát quan trai.

[15] Thiện vô lậu (vô lậu thiện 無漏善): loại thiện sinh khởi ở bậc thánh từ Kiến đạo trở lên, cũng là loại thiện được bồ-đề niết-bàn.

[16] Đại nhạc 大樂: âm nhạc trang trọng thanh nhã, dùng vào các dịp lễ nghi như cúng tế, triều thần vào chầu và chúc mừng vua, yến tiệc vua đãi các bề tôi.

[17] Năm ấm (ngũ ấm 五陰): sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

[18] Năm cái (ngũ cái 五蓋; S: pañca āvaraṇāni): năm thứ phiền não che lấp tâm tính, làm cho pháp lành không phát sinh được. Đó là tham dục, sân khuế, thùy miên, trạo hối, nghi.

[19] Năm thần thông (ngũ thần thông 五神通): năm năng lực siêu việt tự nhiên đạt được do tu bốn tĩnh lự căn bản. Thần nghĩa là không nghĩ bàn; thông nghĩa là tự do tự tại. Một, thần túc thông, có thể tự tại đi đến bất cứ nơi nào; hai, thiên nhãn thông, có thể thấy những cái mà mắt người thường không thể thấy được; ba, thiên nhĩ thông, có thể nghe được những âm thanh mà người thường không thể nghe được; bốn, tha tâm thông, có thể thấu rõ ý nghĩ trong tâm người khác; năm, túc mạng thông, có thể biết rõ việc quá khứ.

[20] Bố thí ba-la-mật (đàn ba-la-mật 檀波羅蜜; S: Dānapāramitā): một trong sáu hạnh rốt ráo mà bồ-tát Đại thừa phải thực hành để đạt đến Phật quả. Bố thí ba-la-mật nghĩa là bố thí một cách rốt ráo, viên mãn, gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí.

[21] Tam-muội 三昧 (Cg: đẳng trì, định, chính định; S: samādhi): an trụ tâm vào một chỗ, một cảnh, tức chỉ cho trạng thái thiền định.

[22] Hỏa quang tam-muội 火光三昧: thiền định từ thân mình phát ra lửa.

[23] Bánh tủy (tủy bính 髓餅): loại bánh được làm bằng bột mì trộn với mỡ, mật.

[24] Hoa ưu-bát-la (ưu-bát-la hoa 優鉢羅華; S: utpala): hoa sen xanh.

[25] Hoa ba-đầu-ma (ba-đầu-ma hoa 波頭摩華): hoa sen đỏ. Người Ấn Độ cho hoa này là loại hoa quý nhất trong các loài thực vật sống dưới nước.

[26] Hoa chiêm-bặc (chiêm-bặc hoa 瞻蔔華): hoa màu vàng óng, mùi thơm bay xa đến vài dặm, có thể dùng để chế thuốc hoặc làm dầu thơm.

[27] Ưu-bà-tắc 優婆塞 (S: upāsaka): cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ tam bảo, thụ trì ngũ giới, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng đệ tử Phật.

[28] Cháo tô nhũ (tô nhủ mi 蘇乳糜): cháo được nấu với sữa bò.

[29] Y Tăng-già-lê (Tăng-già-lê y 僧伽梨衣; S: saṅghātī): pháp y chín điều trở lên của tì-kheo. Y này được đắp mặc khi vào cung vua, vào tụ lạc khất thực, lên tòa thuyết pháp, hàng phục ngoại đạo.

[30] Trời Dạ-ma (Dạ ma thiên 夜摩天): tầng trời thứ ba trong sáu tầng trời cõi Dục.

[31] Tô-đà 蘇陀 (S: sudhā): thức ăn được làm từ nhựa cây, là vật thực ở cõi trời.

[32] Già giới (già đạo pháp 遮道法): những giới cấm thuộc về tội nhẹ, thông thường xã hội không cho là tội ác, nhưng Phật giáo vì phòng ngừa sự chê bai của người đời và tránh phạm những tội khác nên chế ra giới này.

[33] Cây đay (đình lịch 葶藶): hạt độc, nhỏ như hạt gạo, có màu vàng đen, dùng làm vị thuốc.

[34] Vườn tre Ca-lan-đà (Ca-lan-đà trúc lâm 迦蘭陀竹林; S: (Veṇuvana-kalandakanivāsa): vườn tre ở phía bắc thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà, thuộc Trung Ấn Độ.

[35] Tam giải thoát môn 三解脫門 (S: vimokṣa-mukhāni): ba môn giải thoát. Một, không giải thoát là quán tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, tự tính vốn không, không người tạo tác, không người thụ nhận, chứng nhập Niết-bàn; hai, vô nguyện giải thoát là đối với tất cả pháp sinh tử, mong cầu xa lìa ý niệm tạo tác, không mong cầu tái sinh ở đời sau, nên chứng nhập Niết-bàn; ba, vô tướng giải thoát là biết rõ bốn đại, năm uẩn đều không, căn thân là tướng giả hợp, xa lìa tướng chấp nhân ngã mà chứng nhập tịch tịnh niết-bàn.

[36] Ba thứ tịnh nhục (tam chủng tịnh nhục 三種淨肉): ba thứ thịt tì-kheo được phép ăn mà không phạm giới. Đó là không thấy nó bị giết, không nghe tiếng kêu la của nó khi bị giết, không nghi là giết để đãi ta ăn.

[37] Ý thú biệt thời (biệt thời chi ý 別時之意): ý thú biệt thời để thuyết pháp, tức ý nghĩa lợi ích ở thời gian khác.

[38] Giáo thuyết bất liễu nghĩa (bất liễu chi thuyết 不了之說): giáo pháp thuận theo trình độ chúng sinh mà dùng phương tiện, giáo tướng dẫn dắt.

[39] Tính tội và già tội (tội hữu già tính 罪有遮性): tính tội là tội lỗi thuộc về tự tính, bất luận ở hoàn cảnh nào, nếu người phạm thì thành tội mà không đợi giới luật chế định. Ngược lại, do giới luật chế định mới thành tội thì gọi là già tội.

[40] Rừng Thi-đà (Thi-đà lâm 尸陀林; S: śītavana): khu rừng rậm ở phía bắc thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung Ấn Độ. Khu rừng này âm u lạnh lẽo, vốn là nơi nhân dân trong rừng bỏ tử thi, về sau là nơi ở của tội nhân.

[41] A-lan-nhã 阿蘭若 (S: araṇya): nơi tĩnh mịch thích hợp với người tu hành, tức nơi vắng vẻ, cách xóm làng khoảng 2,5 km.

[42] Thâu-lan-giá 偷蘭遮 (S: thullaccaya): các tội thuộc về ngũ thiên, ngoài tội đột-cát-la thì tất cả nhân tội, quả tội nặng hoặc nhẹ đều gọi chung là thâu-lan-giá.

[43] Ương-quật-ma-la 央掘摩羅 (S: Aṅguli-mālya; Hd: Chỉ Man): một người hung ác, sống trong thành Thất-la-phạt-tất-để, tôn thờ Ma-ni-bạt-đa-la làm thầy, nhưng bị sư mẫu vu khống tội làm nhục bà ta, nên thầy bảo ông giết một nghìn người, mỗi người chặt một ngón tay xỏ xâu mới được truyền pháp Niết-bàn. Ương-quật-ma-la nghe theo. Khi giết người thứ chín trăm chín mươi chín, ông định giết mẹ mình để đủ một nghìn. Đức Phật biết việc này, khởi lòng thương xót, đến hóa độ ông. Ông Liền sám hối tội lỗi và xin xuất gia, về sau cũng chứng quả A-la-hán.

[44] Ngũ vị (tân giá tịnh đức 幸遮淨德): năm thứ cay nồng là hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu (hoặc hưng cừ).

[45] Mười hai nhân duyên (thập nhị nhân duyên十二因緣; S: dvādaśāṅgapratītya-samutpāda): mười hai điều kiện liên kết làm nhân quả cho nhau hình thành sự sinh tồn và hoại diệt của loài hữu tình. Đó là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.

[46] Đạo ý 道意 (Cg: đạo tâm, bồ-đề tâm): tâm cầu đạo Vô thượng.

[47] Tuệ nhãn 慧眼 (S: prajñā-cakṣus): mắt trí tuệ của hàng nhị thừa chứng được, cũng tức là trí tuệ rõ suốt được các pháp bình đẳng, tính không, chiếu rõ được chân tướng của các pháp, cứu độ chúng sinh đến bờ giác.

[48] Địa ngục Đẳng hoạt (Đẳng hoạt địa ngục 等活地獄; S:Saṃjīva): địa ngục sống chết liên tục. Tội nhân trong ngục này mỗi khi gặp nhau thì cấu xé bằng móng sắt, làm cho thân thể tả tơi mà chết, gặp cơn gió mát thổi qua, phút chốc sống lại, rồi tiếp tục chịu khổ. Đây là địa ngục thứ nhất trong tám địa ngục nóng.

[49] Địa ngục Dây đen (Hắc Thằng địa ngục 黑繩地獄; S:Kāla-sūtra): địa ngục có dây sắt làm dấu trên thân thể tội nhân, theo đó mà cưa xẻ. Đây là địa ngục thứ hai trong tám địa ngục nóng.

[50] Địa ngục Hợp Hội (Hợp Hội địa ngục 合會地獄; Cg: địa ngục Chúng hợp): nơi có những hình phạt đặc biệt là ép cho xương thịt tội nhân nát nhừ ra. Đây là địa ngục thứ ba trong tám địa ngục nóng.

[51] Địa ngục Khóc la (Đế khốc địa ngục 啼哭地獄): địa ngục thứ tư trong tám địa ngục nóng.

[52] Địa ngục Khóc lớn (Đại Đế Khốc địa ngục 大啼哭地獄): địa ngục thứ năm trong tám địa ngục nóng.

[53] Địa ngục A-tì (A-tì địa ngục 阿鼻地獄): địa ngục thứ tám trong tám địa ngục nóng.

[54] Địa ngục Thiêu nướng (Nhiệt địa ngục 熱地獄): địa ngục thứ sáu trong tám địa ngục nóng.

[55] Địa ngục Thiêu lớn (Đại Nhiệt địa ngục 大熱地獄): địa ngục thứ bảy trong tám địa ngục nóng.

[56] Địa ngục Ưu-bát-la (Ưu-bát-la địa ngục 優鉢羅地獄; S: Utpala): một trong tám địa ngục lạnh. Địa ngục này khí lạnh rất dữ dội, toàn thân tội nhân đều bị bầm xanh như màu hoa Ưu-bát-la, nên gọi là địa ngục Ưu-bát-la.

[57] Địa ngục Bát-đầu-ma (Bát-đầu-ma địa ngục 鉢頭摩地獄; S: Padma): một trong tám địa ngục lạnh. Trong ngục này toàn là màu đỏ như màu hoa Bát-đầu-ma.

[58] Địa ngục Câu-mâu-đà (Câu-mâu-đà địa ngục 拘牟陀地獄; Cg: Câu-vật-đầu địa ngục): một trong tám địa ngục lạnh. Trong ngục này toàn là màu hồng như màu hoa Câu-vật-đầu.

[59] Địa ngục Bân-trì (Bân-trì địa ngục 邠持地獄; Cg: địa ngục Phân-đà-lợi): một trong tám địa ngục lạnh. Ngục này toàn là màu trắng như màu hoa phân-đà-lợi.

[60] Địa ngục Khoáng (Khoáng địa ngục 曠地獄): địa ngục nằm rải rác trong hư không hay đồng trống tùy theo tội nghiệp của mỗi người chiêu cảm mà có.

[61] Kiếp Thiêu 劫燒: thời kỳ hỏa tai, trên trời xuất hiện bảy mặt trời, các tầng trời từ Sơ thiền trở xuống đều bị kiếp hỏa thiêu đốt.

[62] Trấm 鴆: tên một loài chim, lông có chất cực độc.

[63] Thần gió (phong thần 風神): vị thần quyến thuộc của đức Thiên Thủ Quán Âm, được xếp vào hai mươi tám bộ chúng. Hình tượng của thần gió thì trên lưng có mang cái túi, hiện dáng vẻ như đang phát động ra gió.

[64] Dạ-xoa 夜叉 (S: yakṣa): loài quỷ ở trên mặt đất hoặc trong hư không, dùng oai thế não hại người hoặc giữ gìn chính pháp. Đây là một trong tám bộ chúng.

[65] Càn-thát-bà 乾闥婆 (Cg: càn-đạp-hoà; S: gandharva): vị thần chuyên tấu nhạc trong các bữa tiệc ở thiên đình. Theo truyền thuyết, vị thần này có vua và quyến thuộc rất đông, không ăn thịt uống rượu, chỉ hưởng mùi hương.

[66] Chân-đà-la 甄陀羅: bộ thứ bảy trong tám bộ chúng.

[67] A-tu-la 阿修羅( S: Asura): một loại quỷ thần hiếu chiến của Ấn Độ bị xem là ác thần và thường tranh đấu với trời Đế Thích.

[68] Khúc thiên 曲天: vị trời thổi sáo, trụ ở viện Kim Cương bộ, ngoài mạn-đồ-la Thai Tạng giới, mật giáo.

[69] Thi-khí thiên 尸棄天: vua cõi trời Đại Phạm thuộc Sơ thiền, cõi Sắc. Phạm Thiên vương tên là Thi-khí, rất tin chính pháp, thường gặp Phật ra đời.

[70] Kì-bà thiên 耆婆天: vị trời có thọ mạng dài lâu, hầu cận hai bên trời Đế Thích.

[71] Hóa Lạc thiên 化樂天 (S: Nirmāṇarati-deva): cõi trời thứ năm trong sáu tầng trời cõi Dục.

[72] Tì-sa thiên 毘沙天 (S: Vaiśravaṇa): vị trời thủ hộ Phật pháp, trụ ở phía bắc núi Tu-di, trấn giữ phương bắc cõi Diêm-phù-đề.

[73] Nhị thiền thiên 二禪天 (S: dvitīya-dhyāna): tầng trời thứ hai trong bốn tầng trời cõi Sắc.

[74] Tam thiên 三天 (Gđ: Tam Thiền thiên): tầng trời thứ ba trong bốn tầng trời cõi Sắc. Vì lìa Hỉ của cõi thiền thứ hai, lại sinh lạc tĩnh diệu, nên gọi là Li hỉ diệu lạc địa. Ý thức của cõi này rất tĩnh diệu nên gọi là Lạc thụ.

[75] Viêm-ma thiên 炎摩天 (S: Yama): cõi trời thứ ba trong sáu tầng trời cõi Dục.

[76] Tha Hóa thiên 他化天 ( S: Para-nirmita-vaśa-vartin): cõi trời thứ sáu trong sáu tầng trời cõi Dục.

[77] Đâu-suất thiên 兜率天 (S: Tuṣita): cõi trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục.

[78] Phạm thiên 梵天 (S: brahmā): vị trời ở tầng thứ ba thuộc Sơ thiền ở cõi Sắc.

[79] Vô Tưởng thiên 無想天 (S: Asaṃjñisattvāḥ): một trong các tầng trời cõi Sắc, tức quả báo dị thục do tu vô tưởng định chiêu cảm.

[80] Chiên-đà-la 旃陀羅 (S: caṇḍāla): giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, luôn làm nô lệ cho ba chủng tính Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá. Ba chủng tính trên có quyền tụng niệm Phệ-đà và cúng tế, và cho là sau khi chết, họ được đầu thai lại nhân gian, còn Thủ-đà-la không được tụng kinh cúng tế, cũng không được đầu thai chuyển sinh.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Trị Bệnh Hợp Dược - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi Chú Tạng Trung Nhứt Tự Chú Vương - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng