Trái Tim Của Bụt bài 10: Sống giây phút hiện tại

Hôm nay là ngày 23 tháng 12 năm 1993 chúng ta ở tại Xóm thượng và học tiếp về chánh niệm.

Chánh niệm là trái tim của sự thực tập, vì vậy ta phải học về chánh niệm thật kỹ. Tất cả những chi phần khác của bát chánh đạo sẽ không thể nào thành tựu khi ta không phát triển chánh niệm. Trong đời sống hàng ngày nhiều khi chúng ta không có mặt, không thực sống trong giờ phút hiện tại. Vì vậy, chánh niệm trước hết là sự có mặt của chính mình trong đời sống.

Trong nền văn học của nhân loại, tác phẩm đầu tiên xuất hiện sớm nhất để dạy chúng ta trở về để sống và an trú trong hiện tại, là Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta sutta). Kinh Người Biết Sống Một Mình dạy nghệ thuật sống trong từng giây từng phút hiện tại. Nguồn năng lượng có thể giúp mình trở về có mặt trong giây phút hiện tại là chánh niệm. Cho nên chánh niệm là sự tu tập để mình có mặt bây giờ, có mặt ở đây. Tâm của chúng ta có thể đang nuối tiếc về quá khứ, đang mơ tưởng chuyện tương lai, hoặc đang bị giam hãm trong những nỗi lo âu, phiền muộn, giận hờn trong hiện tại. Chúng ta không có tự do, không có khả năng tiếp xúc với sự sống đang diễn ra. Chánh niệm là yếu tố giải phóng cho chúng ta.

Trái Tim Của Bụt - Bài 10 Sống giây phút hiện tại

Sống giây phút hiện tại

Trước hết chúng ta định nghĩa chánh niệm là thứ năng lượng đem chúng ta trở về với sự sống. Có những người chỉ biết lo lắng cho tương lai, chỉ mơ ước về tương lai và vì vậy họ không có khả năng sống với sự sống hiện tại. Có những người lại thương tiếc, vướng víu vào quá khứ, chỉ thấy sự sống ở trong quá khứ. Cả hai đều không tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại. Do đó trong cuộc đời của họ, sự sống không có mặt, dù họ có đủ sáu căn để tiếp xúc được với sáu trần. Thất niệm làm cho họ không có sự sống. Nhà văn Albert Camus dùng văn ảnh ‘‘Sống như một người chết.’’ Một người sống trong thất niệm, không an trú được trong hiện tại, sống không ý thức thì cũng như đã chết.

Tự đánh mất mình trong những tham đắm vật dục, đó cũng không phải là đang sống ý thức trong hiện tại. Bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp lôi cuốn, mê mờ không biết mình đang làm gì, không biết mình thực sự là ai, đó cũng không phải là đang sống. Tự tàn phá đời mình và làm khổ những người xung quanh mà không hay, cũng không phải đang sống. Tuy không bị quá khứ, không bị tương lai lôi cuốn, nhưng vẫn sống trong mê tưởng, thì cũng chưa biết an trú trong hiện tại. Sống trong hiện tại là sống tỉnh táo. Sự sống ở đây được nuôi dưỡng bằng chánh niệm. Chánh niệm là hạt giống quý báu ở trong tâm ta. Việc tu tập hàng ngày của chúng ta là để tiếp xúc được với hạt giống đó, giúp nó nẩy mầm, nở hoa và làm đẹp đời mình và đời những người xung quanh.

Kinh Người Biết Sống Một Mình được chú giải và xuất bản bằng tiếng Anh đã mang tên Your Appointment With Life, nghĩa là Cuộc hẹn ước của quý vị với đời sống. Bản dịch sang tiếng Trung Quốc lấy tên là Dữ Sinh Mạng Hữu Ước, nghĩa là có Ước hẹn với sự sống. Chúng ta có ước hẹn với sự sống, chúng ta phải gặp sự sống, đừng để lỡ cuộc hẹn hò này ‘‘do not miss your appointment with life’’. Yếu tố giúp chúng ta khỏi bị lỡ hẹn với sự sống là chánh niệm. Mà ta hẹn hò với sự sống ở đâu, vào lúc nào? Câu trả lời là ‘‘Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ sự sống bây giờ và ở đây.’’ Cho nên tu tập là tiếp xúc được với sự sống trong mỗi giây, mỗi phút của đời sống hằng ngày. Nói như dễ hiểu và dường như dễ làm. Nhưng nếu không có thầy, không có bạn và không có tăng thân thì chúng ta sẽ lỡ hẹn liên tiếp với sự sống. Thất niệm níu ta về quá khứ, kéo ta tới tương lai, lôi chúng ta vào những lo lắng, giận hờn, ganh tỵ và bực bội. Chúng ta trở thành nô lệ của những thứ phiền não đó và không còn tự do để gặp mặt sự sống nữa.

Mỗi buổi sáng thức dậy ta hãy tập thở và mỉm cười, nhớ rằng hôm nay chúng ta có hẹn với sự sống (I have an appointment with life today!). Chúng ta hãy thở, mỉm cười và đọc bài kệ:

Thức dậy miệng mỉm cười, hăm bốn giờ tinh khôi, xin nguyện sống trọn vẹn, mắt thương nhìn cuộc đời.

Tôi nguyện sẽ không lỡ hẹn với sự sống ngày hôm nay, bài kệ có nghĩa như vậy. Đó là một lời nguyện, là sự bày tỏ một quyết tâm, thực hiện được chừng nào là tùy công phu tu tập của mình. Trong hăm bốn giờ đồng hồ ta có thể tiếp xúc với rất nhiều mầu nhiệm của sự sống, trong ta và xung quanh ta. Nếu ta có đủ năng lượng của chánh niệm thì tất cả những điều ta thấy và nghe đều có tác dụng giúp ta thực tập như lý tác ý, lay thức ta dậy để ta trở về với giây phút hiện tại. Trước khi đi ngủ, chúng ta hãy thở và kiểm điểm lại xem ngày hôm nay chúng ta đã tiếp xúc được với sự sống tới mức nào. Chúng ta đã để cho những hờn giận, ganh ghét và buồn phiền trấn ngự trong tâm đến mức độ nào? Ta tự hẹn ngày mai sẽ làm khá hơn. Giá trị của tăng thân và của khung cảnh tu học là ở chỗ có thể tạo những hình ảnh và âm thanh giúp ta trở về chánh niệm. Tiếng chuông chùa là một yếu tố hỗ trợ như thế. Tôi trở về được với chánh niệm, tôi được nuôi dưỡng bằng những thức ăn lành mạnh, đẹp đẽ và vui tươi của đời sống, đó là nhờ anh, nhờ chị, nhờ em. Tăng thân gồm tất cả mọi người và mọi cảnh vật có tác dụng giúp ta trở về với chánh niệm.

Vậy thì chánh niệm là có mặt trong cuộc sống. Khi thở một cách có ý thức, thở trong chánh niệm, tự nhiên ta thiết lập được sự có mặt của ta. Tôi đang thở vào và tôi biết là tôi đang thở vào. Tôi đang thở ra và tôi biết là tôi đang thở ra. Phép tu tập đó tuy đơn giản nhưng có thể đem ta trở về với giây phút hiện tại. Chánh niệm là một ngọn đèn chiếu sáng cho ta thấy. Có bông hoa rất đẹp, có bầu trời rất xanh, có cây bồ đề rất tươi tốt, có nụ cười em bé rất ngọt ngào, có người sư chị dịu hiền, có người sư em rất tươi vui. Nhưng khi bị giam hãm trong giận hờn và trong lo lắng, khi đang phiêu lãng trong quá khứ hay tương lai, ta không tiếp xúc được với những vẻ đẹp đó. Nụ cười tươi mát kia, bầu trời xanh kia, vì sao ta không được hưởng? Vì ta không có mặt. Người và cảnh chung quanh đều có thể giúp ta thức dậy trở về với chánh niệm. Người phát thư đi tới hỏi: ‘‘Có ai trong nhà không?’’ Ta trả lời: ‘‘Có, tôi đang ở đây.’’ Với câu nói đó, ta thực tập chánh niệm: Tôi biết tôi đang có mặt bây giờ và ở đây. Người phát thư không biết ta đang thực tập chánh niệm. Nhưng câu trả lời ‘‘Tôi đang ở đây’’ có nghĩa là: ‘‘Tôi đang ở đây, tôi đang thực sự có mặt đây, ông phát thư ạ.’’ Thấy một sư chị đang rửa chén, chúng ta hỏi: Sư chị đang làm gì đó? Tự nhiên sư chị biết đây là một người sư em đang đến giúp mình vượt thoát ra ngoài thế giới của suy nghĩ, của lo lắng, để có thể tiếp xúc lại với sự sống mầu nhiệm. Vì rửa chén trong chánh niệm và thở trong chánh niệm cũng là một phép tu tập. Rửa chén với tâm an lạc cũng giống như đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh. Ta đâu cần trở về 2600 năm về trước, ta đâu cần đi tới vườn Lâm Tỳ Ni, ta đâu phải đầu thai thành một vị thị nữ của bà Maya mới có dịp tắm cho đức Bụt sơ sinh? Phép lạ thứ nhất của chánh niệm là làm cho ta có mặt trong sự sống hiện tại.

Chánh niệm làm sự sống có mặt

Khi thất niệm, vì ta không có mặt nên những cái khác cũng không có mặt. Cái khác đây là bầu trời xanh thẳm, là hoa đào đang nở rđo, là người anh rất ngọt ngào, là người bạn rất tươi mát, là một em bé rất xinh đẹp. Nếu ta không có mặt thì tất cả những thứ ấy đều không có mặt. Cho nên sự có mặt của ta đem lại sự có mặt của vũ trụ, của sự sống, của tất cả những mầu nhiệm quanh ta. Đời sống có những khổ đau, những bi lụy; nhưng đời sống cũng có rất nhiều nhiệm mầu. Nếu chúng ta chỉ tiếp xúc với khổ đau thì chúng ta sẽ ốm o gầy mòn, nhưng nếu biết cách tiếp xúc với những yếu tố mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh của đời sống thì ta sẽ tự nuôi dưỡng được bằng những chất liệu mầu nhiệm, lành mạnh và tươi mát. Khi được nuôi dưỡng bởi những yếu tố lành mạnh, tươi mát và có tính cách trị liệu rồi, chúng ta mới có khả năng tiếp xúc với khổ đau để chuyển hóa khổ đau. Phép lạ thứ hai của chánh niệm là xác nhận sự có mặt của đối tượng, của người, của vật khác ở ngoài ta

Vật ở ngoài kia là bông hoa đào, là bầu trời xanh. là tiếng chim hót. Đó cũng là sự có mặt của các em bé, của anh, của chị, của mẹ, của cha. Nếu ta không có mặt thì những đối tượng đó cũng không có mặt. Cho nên phép lạ thứ hai của chánh niệm là xác nhận được sự có mặt của đời sống, của tất cả những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Khi nhìn lên mặt trăng với chánh niệm, chúng ta có mặt đích thực mà mặt trăng đích thực cũng có mặt. Biết mình có đó, biết có mặt trăng ở đó, đây đã là một phép lạ, một phép thần thông rồi. Phép thần thông đó ta có thể tạo ra trong mỗi giây mỗi phút. à, ta đang có mặt và mặt trăng kia cũng đang có mặt; sự có mặt nhiệm mầu, sự có mặt đích thực, chứ không phải là một giấc mộng nữa.

Một trong những vấn đề triết học là ta có mặt hay là không có mặt (To be or not to be). Con người có thật không, hay chỉ là một ảo ảnh? Triết học đi tìm những lý luận để chứng minh rằng con người có mặt thực sự. Ngày xưa triết gia Descartes, muốn chứng minh con người có mặt một cách rõ ràng và chính xác, sau khi suy nghĩ rất nhiều, đã đi đến một công thức nổi tiếng, ông viết: ‘‘Tôi suy nghĩ cho nên tôi có mặt’’ (Cogito ergo sum, I think therefore I am). Đó là dùng lý luận, thứ lý luận toán học, để chứng minh: tôi đang có mặt ở đây. Đặt câu hỏi ta có mặt hay không, đó đã là suy tư. Ta có suy tư, và hễ có cái ta suy tư tức là ta đã có mặt rồi. Cho nên ông kết luận: tôi tư duy, vì vậy cho nên có tôi. Đó là một lý luận chứ không phải là một kinh nghiệm. Trong khi đó sư chú đứng nhìn mặt trăng không tư duy gì cả. Sư chú thấy mình đang có mặt ở đây, đang tiếp xúc với mặt trăng ở kia, và đó không phải là một tư duy. Đó không phải là một lý luận nữa, đó là sự sống đích thực. Nghĩ sâu hơn thì ta thấy rằng càng tư duy chúng ta lại càng không có mặt. Vì khi tư duy, chúng ta đánh mất sự sống trong dòng tư duy. Tư duy trở thành một chướng ngại khiến chúng ta không tiếp xúc thực sự được với sự sống. Cho nên càng không tư duy càng tốt. Bận tư duy rồi thì làm sao sống! Khi bế một em bé mà mình cứ tiếp tục tư duy thì mình đang ôm cái tư duy của mình và đâu có thực sự ôm em bé? Khi nhìn bông hoa mà tư duy thì mình đâu có thực sự ngắm hoa? Vì vậy tôi tư duy là tôi không có mặt (I think, therefore I am not there). Phái thiền Tào Động nói: phi tư duy thị thiền chi yếu giả (không tư duy là điểm thiết yếu của thiền, non thinking is the essential of zen practice).

Năm ngoái ở Làng Mai, chúng ta có cơ hội đọc truyện Kiều với nhau và nghe giảng truyện Kiều qua cái nhìn thiền quán. Chúng ta nói đến hai câu thơ giờ đây đã rất nổi tiếng ở Làng Mai:

Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Bác Tư đã viết hai câu này treo trong thiền đường Cam Lộ. Người đời đi vào sẽ ngạc nhiên: tại sao ở trong một thiền viện lại còn nói đến chuyện đôi ta? Hai chữ đôi ta ở đây còn được đọc qua con mắt thiền quán. Đôi ta là chính mình và sự sống. Như mình với mặt trăng, mình với hoa đào, mình với em bé. Có chánh niệm thì tự nhiên sự có mặt của mình và của các pháp trở thành hiển nhiên: Bây giờ rõ mặt đôi ta. Đó là nhìn rõ sự sống, trong hiện tại, và ở đây.

Nguyễn Du viết hai câu này khi kể lại lúc Thúy Kiều qua thặm Kim Trọng lần thứ hai. Hôm đó gia đình đi ăn giỗ bên ngoại, Kiều đã lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó để ở lại nhà. Qua thặm Kim Trọng lần đầu, Thúy Kiều chỉ ngồi một lúc thôi. Kiều hơi thấp thỏm, sợ ở bên này lâu quá, lỡ bố mẹ với các em về không thấy mình ở nhà thì hơi quê. Cho nên Thúy Kiều phải trở về ngay nhưng khi về nhà thì Kiều vẫn chưa thấy ai cả. Nàng bèn vén hàng rào đi qua hàng Xóm lần nữa để gặp lại người yêu. Kim Trọng lúc đó có lẽ vì đã thức khuya học nhiều thành ra thiếu ngủ, anh ta đang ngồi gục đầu dựa lên bàn để ngủ. Trăng đã lên, tiếng chân của Thúy Kiều dẫm trên lối sỏi làm Kim Trọng thức dậy. Mơ mơ màng màng, nhìn lên chàng thấy người đẹp đi tới. Trong cơn mơ màng đó, Kim Trọng không biết đây là sự thực hay trong mộng. Chàng nói: Đây có phải là một giấc mơ không? Em có thực đó hay không? Thúy Kiều đã trả lời:

Nàng rằng: quãng vắng đêm trường, Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Đọc hai câu đó, nếu biết nhìn bằng con mắt thiền quán ta sẽ thấy rùng mình. Giờ phút này đây chúng ta đang ở bên nhau, đang nhìn thấy mặt nhau, đang nói chuyện với nhau. Nhưng nếu chúng ta không có chánh niệm, không có mặt đích thực thì biết đâu, giây phút đó sẽ chẳng khác gì một giấc chiêm bao. Nếu ta sống không có chánh niệm, không tiếp xúc thực sự với giây phút hiện tại, thì tất cả đều trở thành một giấc mơ hết. Hai câu này có thể viết treo trong thiền viện để những người không hiểu sẽ có cơ hội hỏi: Tại sao trong thiền viện mà lại treo hai câu thơ này?

Khi nhìn mặt trăng, ta phải nhìn cách nào để thấy được mặt trăng và thấy được chính mình đang có mặt, ý thức một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại sự hiện diện của mình và của vầng sáng trên cao. Có những người sống tới 70 năm hay 80 năm mà chưa bao giờ biết ngắm trăng trong ý thức tỉnh táo như vậy. Có những người thấy hoa đào nở mỗi năm, mà đến hết đời chưa bao giờ nhìn biết ngắm hoa đào một cách sâu sắc. Cái gì cũng thấy thoáng qua mà thôi. Mẹ của mình, cha của mình, mình cũng chỉ thấy thoáng qua. Em của mình, chị của mình, thầy của mình, bạn của mình, mình cũng chỉ thấy thoáng qua. Cho nên khi nhìn một cành hoa đào, chúng ta phải thở rất sâu, và chúng ta chỉ vào cành hoa: bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao. Ở Làng Mai mỗi tháng tư, hoa mai nở đầy hết đồi núi, tôi thường đi giữa những hàng mai, bông trắng như tuyết. Tôi thở và tiếp xúc trong tinh thần đó. Trong một giây phút, ta thấy mình với hoa mai bất diệt. Hãy thực tập với những bông hoa khác nữa, chứ đừng chờ tới tháng tư. Tại Làng Mai, giữa mùa đông cũng có những bông hoa nở rất kín đáo. Những mầu nhiệm của sự sống có mặt khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào. Đừng bỏ lỡ cuộc hẹn của mình với sự sống. Sự sống đó được biểu hiện bằng một bông hoa vàng trong cỏ, hay một trận mưa đầu mùa, tất cả đều mầu nhiệm. Nếu quý vị mất khả năng tiếp xúc với mưa, với gió, với những cành cây trụi lá mùa đông, nếu quý vị không thể tiếp xúc được với trời trong, với mây bạc, với trăng tròn thì quý vị đã lỡ hẹn với sự sống. Cho nên chánh niệm trước hết là đem mình trở về để có mặt trong sự sống. Ý thức sự có mặt của chính mình, ý thức đó làm cho tất cả những cái khác có mặt. Có mặt, luôn luôn có nghĩa là có mặt vừa chủ thể vừa đối tượng. Chủ thể và đối tượng đó gọi là đôi ta.

Ngày xưa ở Trung Hoa có thiền sư Linh Vân, chỉ nhìn hoa đào nở mà giác ngộ. Chúng ta có thể cảm nhận được sự giác ngộ của thiền sư. Ngắm hoa đào thôi mà giác ngộ thì ta phải biết năng lực chánh niệm của thầy mạnh như thế nào. Nếu không thường xuyên tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong hiện tại thì không bao giờ ta đạt được một kết quả như vậy. Và đó là một phép lạ mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện trong mỗi giây phút của đời mình. Cho nên 24 giờ tinh khôi là một tặng phẩm lớn của đất trời cho chính chúng ta. Mỗi buổi sáng thức dậy mà không biết mình có 24 giờ đồng hồ để sống, mà tự để mình chết đuối trong giận hờn, buồn bã, ganh tị và lo lắng, tức là sự tu học của mình đã thất bại. Người đời chết đuối đã nhiều, chúng ta vào thiền viện, được hướng dẫn để tu tập, được dạy thiền hành, thiền tọa, biết rửa chén, ăn cơm im lặng, nếu ta không tỉnh thức được thì thật uổng phí công trình của Bụt và của tổ.

Chánh niệm là nuôi dưỡng

Khi tiếp xúc được với sự sống thì chính ta được nuôi dưỡng mà đối tượng tiếp xúc của ta cũng được nuôi dưỡng. Đối tượng kia có thể là cây, là lá, là dòng sông, là em bé, là người mình thương, hay là người mình ghét. Khi ta có mặt trong ý thức, vật kia có sự chú ý của ta cũng sẽ có mặt. Chánh niệm là sự chú ý. Khi có chánh niệm, nhìn vào một khu rừng xanh mát thì ta biết rằng khu rừng này đang xanh mát. Nhìn đủ sâu sắc thì ta biết phải làm gì để giữ cho khu rừng này tiếp tục xanh mát. Có những khu rừng bắt đầu chết vì các độc tố con người tạo ra. Nếu khu rừng đang vàng úa thì ta biết rằng phải làm gì để khu rừng có thể tươi mát trở lại. Vì vậy sự có mặt của chánh niệm sẽ đem tới niềm an ủi và cách trị liệu cho đối tượng. Đối tượng của chánh niệm có thể là một người hay một sự vật. Người kia đang sầu héo, đang buồn bã, đang nhức nhối mà nếu có mặt, có chánh niệm, thì chúng ta sẽ nhìn thấy rõ tình trạng sầu héo và buồn khổ ấy. Và chánh niệm có thể giúp chúng ta biết nói gì, làm gì (hay không nói gì, không làm gì) cho người đó bớt khổ và trở nên tươi tỉnh lại. Nếu người đó đang sống bình thường, không sầu khổ, không bệnh tật, mà chúng ta có mặt với chánh niệm, thì người đó có thể có hạnh phúc.

Sống mà không được người thân ở chung quanh chú ý thì khổ. Người sống bên ta có thể khổ vì ta bận bịu quá, lo nhiều công việc quá, và vì vậy không còn thì giờ cho người ấy. Ta không đủ chánh niệm để nuôi dưỡng và ôm lấy người trong tình thương ta. Ta không cần ôm bằng hai cái cánh tay, ta phải biết ôm người thân bằng năng lượng chánh niệm của mình. Tôi biết anh có đó, tôi không quên sự có mặt của anh. Tôi biết em có mặt đó. (I know you are there). Đó là một món ăn rất bổ dưỡng để nuôi nấng người kia. Thiếu sự chú ý của những người mình thương, thì mình chết mòn. Tưởng tượng một ông đang lái xe đi cùng vợ. Ông đang suy nghĩ về chuyện này chuyện khác, hay đang hát, đang ngâm nga một bài thơ. Nhưng mà ông hoàn toàn không để ý tới người đàn bà đang ngồi bên mình. Có thể ông ta cảm thấy người này mình đã biết hết rồi, từ thân tới tâm. Không có gì gọi là mới lạ nơi con người này nữa! Bởi vậy ông chú ý tới những thứ khác. Người đàn bà ngồi bên cạnh, bà sẽ cảm thấy mình bị loại ra ngoài tâm ý của chồng. Ông ta đang nghĩ tới chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện này chuyện khác, và ông ta không muốn nghĩ tới mình. Người đàn bà sẽ chết dần mòn trong sầu héo và tủi hờn. Nhưng chúng ta biết trong người đàn bà đó có đủ những niềm vui, những hạnh phúc, những khả năng chưa khai mở. Trong con người nào cũng có những hạt giống như vậy. Cha mẹ có thể đã không giúp con phát triển những hạt giống của hạnh phúc, của tài năng. Thầy, bạn cũng chưa giúp được, cả ông chồng ngồi một bên cũng không giúp được. Ngồi trên xe hơi, người vợ đó thấy mình hoàn toàn bị lãng quên. Chánh niệm có thể mang lại niềm vui, như chất bổ dưỡng có thể tưới tẩm cho tâm hồn những người đang sầu héo.

Phép lạ thứ ba của chánh niệm là nuôi dưỡng chính những đối tượng của chánh niệm. Nếu đối tượng là dòng sông thì chánh niệm giúp nuôi dưỡng và bảo vệ dòng sông. Nếu đối tượng là khu rừng thì nó nuôi dưỡng và bảo vệ khu rừng. Nếu đối tượng đó là một em bé, thì nó nuôi dưỡng và bảo vệ em bé. Vì vậy chánh niệm là gốc của tình thương. Nếu không có chánh niệm thì anh không thể thực sự thương, chị không thể thực sự thương. Nếu không có sự chú ý thì không có tình thương đích thực. Một người có thể gần gũi người khác vì thuận tiện hoặc vì nhu cầu, những nhu cầu tâm lý, sinh lý, hay những nhu cầu xã hội. Đó không phải là tình thương. Tình thương đích thực là sự có mặt của chánh niệm, vì chánh niệm có tính cách nuôi dưỡng.

Năm 1964 tôi làm một bài thơ đề là ‘‘Vòng tay nhận thứcì. Bài này có chủ đề là đôi ta. Ở đây đôi ta là người làm thơ và cây bông sứ tại chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp tỉnh Gia Định. Sáng đó tôi dậy rất sớm. Không ngủ được, tôi ngồi dậy, đi ra cửa sổ. Ngoài cửa sổ tối đen. Cái thất của tôi, do thầy Châu Toàn làm, nền bằng đất. Nền đất nên đi hai chân không rất mát. Đi từ giường ngủ tới cửa sổ, tôi bước trên mặt đất mười mấy bước thì tự nhiên thấy trong người rất tỉnh táo.

Chuông ngân một đêm dài không ngủ Hai bàn chân không, tỳ tay cửa sổ Tôi đợi vườn cây, hoa lá hiện hình ánh sáng chưa vềNhưng trong lòng đêm thâu tôi biết em còn đó.

Em ở đây là cây bông sứ trước cửa sổ.

Ở phần sau bài thơ lại có câu:

Tôi biết là em còn đó vì tôi còn đây

Hễ có chủ thể tức là có đối tượng, có đối tượng là có chủ thể. Khi có chánh niệm ta thấy được sự có mặt của cả hai. Tôi biết là em còn đó vì tôi còn đây có nghĩa là tôi biết rằng sự sống có mặt ở đó vì tôi biết tôi có mặt ở đây. Nhờ tôi có mặt thực sự cho nên Em có mặt. Em tức là sự sống. Khi nhìn một người hay nhìn mặt trăng, nếu ta nói: ‘‘ ta biết ngươi có đó’’, thì đồng thời ta xác nhận sự có mặt của chính ta. Chánh niệm không phải chỉ nuôi dưỡng đối tượng mà cũng để nuôi dưỡng chính mình. Thiền sư thấy được hoa đào, không những làm hoa đào rạng rỡ mà còn làm cho người nhìn hoa rạng rỡ. Nhìn hoa đào không có chánh niệm thì hoa không rạng rỡ được. Không có cái gì rạng rỡ nếu không có chánh niệm. Có cũng như không vậy thôi. Trong đời sống hằng ngày, ta phải nhìn như thế nào, tiếp xúc như thế nào, nói như thế nào, sống như thế nào để có thể nói, không phải bằng lời mà bằng sự sống, rằng: ‘‘Ta biết ngươi có đó’’ Darling, I know you are there. Anh ơi, tôi biết anh có đó, tôi rất trân quý sự có mặt của anh. Chị ơi, em biết chị có đó, và em rất trân quý sự có mặt của chị.

Trong đời sống thường ngày chúng ta ít nói như vậy, chúng ta ít sống như vậy. Đến khi người kia chết hoặc bị tai nạn thì chúng ta khóc lóc. Chúng ta chỉ có khả năng khóc mà thôi, còn trước đó chúng ta không có khả năng chia sẻ hạnh phúc. Tất cả mọi vật đều vô thường. Mặt trăng kia cũng có thể sẽ tan vỡ một ngày nào đó. Người mình đang sống chung, có thể ngày mai không còn nữa. Và chính bản thân mình chưa chắc đã còn có mặt bên người đó ngày mai. Phải tinh tấn hôm nay, kẻo ngày mai không kịp. Chánh niệm giúp chúng ta sống một cách sâu sắc, đích thực ngay trong giờ phút hiện tại, để ngày mai ta không phải tiếc nuối. Tập Bông Hồng Cài Áo là một bài thực tập chánh niệm mà đối tượng của thực tập là bà mẹ của mình. Đối với mẹ ta thực tập như vậy mà đối với con ta cũng thực tập như vậy. Sự thực tập rất đơn giản, rất thực tế.

Vậy chánh niệm là năng lượng làm cho ta có mặt, làm cho vật kia hay người kia có mặt, và nuôi dưỡng đối tượng kia đồng thời nuôi dưỡng mình.

Chánh niệm làm vơi đau khổ

Phép lạ thứ tư là, nếu người kia đang chịu đựng khổ đau, chánh niệm sẽ có năng lượng làm vơi nỗi khổ của người. Khổ trong cô đơn, không ai biết tới, không ai để ý tới thì ta khổ thêm rất nhiều. Nhưng khi có một người thấy được nỗi khổ của mình, có thể ngồi với mình, mang chánh niệm ôm lấy niềm đau của mình, và biết hiến tặng cho mình sự có mặt của người đó, thì nỗi khổ của ta vơi bớt đi nhiều. Vì vậy thực tập chánh niệm bên người đang đau khổ cũng là một phương pháp thực tập lòng từ bi.

Tôi biết anh đang khổ, cho nên tôi đang ngồi đây với anh, tôi đang có mặt đích thực bên anh. Điều này có thể nói ra bằng cách nhìn, cách nói, bằng cử chỉ của ta. Nếu ta ngồi gần bên người ấy mà ý nghĩ đặt ở chỗ khác, nói chuyện này chuyện nọ, thì ta không biểu hiện được sự có mặt của ta. Sự có mặt đích thực nâng đỡ người ấy và giúp nỗi khổ niềm đau của người ấy nhẹ đi. Đó là tình thương đích thực. Nếu không có chánh niệm thì không có thứ tình thương đó. Nếu chánh niệm yếu thì tình thương cũng không đủ giúp người bớt khổ.

Chúng ta biết người đang lìa đời rất cần sự có mặt rất vững chãi của một hay nhiều người thân bên cạnh. Trong giờ phút Lâm chung người ta có thể bị sự sợ hãi và cô đơn làm cho đau khổ thêm cả ngàn lần. Nhưng nếu người đang chết thấy được sự có mặt của một người hiểu mình, đang ở đó thực sự với mình thì sẽ cảm thấy vững chãi trở lại, cảm thấy được nâng đỡ, được an ủi, và sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng.

Tất cả những điều này có thể học được ở trong kinh điển đạo Bụt. Bụt đã dạy ta hộ niệm cho người Lâm chung như thế nào. Các thầy lớn như thầy Xá Lợi Phất, thầy A Nan… đều đã thực tập. Người tu phải biết thực tập hàng ngày để khi cần thì thể hiện sự có mặt vững chãi và đích thực của mình trong những giờ phút nguy nan đó. Phép lạ là làm cho người sắp lìa đời cảm thấy vững tâm, cảm thấy được an ủi. Họ sẽ thấy các nỗi khổ đau, lo lắng và sợ hãi vơi đi, nhờ sự có mặt đích thực của mình. Sự có mặt đích thực đó được tạo nên bằng chánh niệm. Đó là một chân ngôn có hiệu nghiệm rõ ràng. Những câu chân ngôn chỉ có thể hiệu nghiệm khi thân, khẩu, ý của mình hợp nhất, nghĩa là khi ta có chánh niệm vững chãi. Giáo lý của mật tông là khi thân, khẩu và ý hợp nhất thì người ta có định lực rất mạnh. Đinh lực mạnh làm cho chân ngôn có hiệu nghiệm.

Chánh niệm để quán chiếu

Công năng thứ năm của chánh niệm là nhìn sâu. Chữ quán trong Quán Tự Tại, Quán Thế Âm, hay là thiền quán, chỉ quán, có nghĩa là nhìn sâu (deep looking). Thiết lập chánh niệm và duy trì chánh niệm trên một đối tượng thì ta sẽ có thể nhìn sâu vào đối tượng. Nhìn sâu vào bông hoa hay nhìn sâu vào tình trạng của một người, đối tượng của sự quán chiếu của ta, ta sẽ thấy được bản chất của những mầu nhiệm và những khổ đau trong ấy. Đó là quán (vipasýana, phiên âm tiếng Hán Việt là tam ma thiền na).

Bốn công năng trên, bốn tác động trên là giai đoạn Chỉ. Chữ chỉ ở đây có nghĩa là làm ngưng tụ lại (samatha). Chánh niệm làm cho mình ngưng lại, tụ vào một điểm. Ekaggata là nhất điểm tụ, tức là đem năng lượng của chánh niệm quy tụ vào một đối tượng duy nhất. Ngưng tụ rồi, có một năng lượng mạnh mẽ, ta có thể nhìn sâu và nhìn kỹ, đó gọi là quán. Nói như trên không có nghĩa là đến tác động thứ năm ta mới có quán, mới nhìn sâu. Ban đầu, phép lạ của sự có mặt đã là nhìn sâu rồi. Công nhận sự có mặt của kẻ kia, nuôi dưỡng và làm vơi nỗi khổ đau, cũng đã là bắt đầu có quán. Hễ có Chỉ là có Quán. Và chỉ càng mạnh thì quán càng sâu. Có năng lượng của chánh niệm, ngưng tụ được tâm ý, ta chiếu năng lượng ấy trên một đối tượng, làm đối tượng sáng lên. Ta được nuôi dưỡng, đồng thời ta bắt đầu nhìn sâu vào đối tượng.

Chiều sâu của các pháp gọi là tự tánh. Kiến tánh là thấy được tự tánh, đó là công năng thứ sáu của chánh niệm. Tự tánh của bông hoa và tự tánh của người có liên hệ với nhau. Thấy được tự tánh của một bông hoa là thấy được tự tánh của mọi pháp, tức là thấy bản chất chân thật của sự vật (true nature). Bản chất chân thật của một bông hoa, là bản chất vô sinh, vô thường, vô ngã và tương tức. Ta thấy thật chứ không phải chỉ thấy qua những danh từ này. Nhìn sâu cũng có nghĩa là lắng nghe. Quán Thế Âm, chữ quán còn có nghĩa là lắng nghe. Ta quán bằng con mắt mà cũng có thể quán bằng lỗ tai. Người học dược thì phải quán cả hương và cả vị nữa. Học dược phải nếm đủ các loại cây lá, phải ngửi cái loại dược thảo để phân biệt, để nhận diện lá húng là lá húng, lá long não là lá long não, và đôi khi phải nếm bằng lưỡi. Vì vậy quán là dùng tất cả sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chứ không phải chỉ dùng ý mà thôi.

Mục đích của quán là nhìn sâu để thấy được tự tánh. Đối tượng của sự quán chiếu có thể là chính mình. Ta không biết mình là ai, không biết chỗ yếu, chỗ mạnh của mình, không biết mình có một kho châu báu, không biết mình có nhiều khối nội kết, tất cả đều là do không biết tự tánh của chính mình. Phản quán tự tánh tức là đem chánh niệm trở về để nhìn sâu và nhìn kỹ chân tánh mình. Khi đi xem hát ta thường thấy người ta chiếu một chùm ánh sáng vào một nhân vật trên sân khấu. Chùm ánh sáng được chiếu vào người ca sĩ để chúng ta đừng chú ý tới những thứ khác mà chỉ chú ý vào người đó thôi. Chánh niệm cũng giống như thế, đó là năng lượng phát khởi trong tâm. Chúng ta đưa năng lượng ấy vào mắt để quán, đưa vào tai để quán. Và khi quán chiếu như vậy thì chúng ta tập trung trên một đối tượng, như thế gọi là định. Vì vậy trong chánh niệm đã có chánh định. Cũng như trong chỉ có quán, trong quán có chỉ, v.v.. Vì vậy công năng thứ sáu của chánh niệm là thấy rõ. Và thấy rõ tức là tuệ giác. Chúng ta có thể dịch đơn giản là understanding, hiểu. Hiểu đây không phải là kiến thức khái niệm. Hiểu đây là lúc ánh sáng phát sinh, khi khối u mê của chúng ta vỡ ra.

Ví dụ một bà mẹ đang nấu cơm trong bếp đang nghe tiếng con khóc. Trong bà mẹ có hạt giống chánh niệm, bà mẹ bỏ công việc chạy vào. Phép lạ thứ nhất là bà mẹ làm ra là có mặt bên con mình. Bà mẹ ơặm đứa con lên: mẹ đây con ơi, con đừng khóc nữa. Darling, I am here, I am here for you. Bà mẹ có mặt và xác nhận sự có mặt của con. Em bé có thể chưa biết tư duy rõ ràng, nhưng em biết bà mẹ đang có mặt. Chỉ có từng ấy thôi, người mẹ chưa làm gì mà em bé đã thấy bớt khổ. Có thể là em bé đang bị đau, nhưng khi được mẹ ơặm vào lòng, thì dầu vẫn còn đau, em bé đã thấy nhẹ. Sự có mặt của bà mẹ nuôi dưỡng em bé và làm vơi đi nỗi khổ đau của em. Em bé còn nhức đầu, còn đau bụng, hay còn đói nhưng bà mẹ chưa thấy. Nhưng sự có mặt của bà mẹ đã đem tới bốn công năng hay bốn phép lạ đầu tiên. Chỉ cần sự có mặt chánh niệm là bốn công năng đầu đã có thể xẩy ra. Thứ nhất là sự có mặt của mẹ, thứ hai là em bé được công nhận. Thứ ba là chúng ta nuôi dưỡng nhau. Và thứ tư là đứa con cảm thấy mình được an ủi, vì trong lúc này, người mẹ đã có mặt.

Ôm lấy đứa con, bà mẹ bắt đầu nhìn vào đứa con, nhìn kỹ xem tại sao nó khóc. Và bà mẹ tìm ra nguyên do làm em bé khóc. Cái đầu bé nóng, hoặc em bé đói, hoặc là cái tã được quấn chặt quá. Công năng thứ năm là nhìn sâu, nhìn kỹ. Diễn trình ấy là tiếp xúc với khổ đế để tìm ra tập đế. Mà thấy được tập đế rồi, thấy được nguyên do của khổ đau rồi thì bà mẹ có thể giúp em bé một cách dễ dàng. Nếu nó đói thì bà cho nó ăn. Nếu nó nóng thì bà cởi bớt cho nó cái áo. Nếu cái tã chặt quá thì bà nới ra. Tất cả đều được thực hiện dễ dàng một khi có hiểu biết, tức là có tuệ giác. Trong đạo Bụt, tuệ giác là yếu tố giải phóng cho mình. Sự cứu độ trong đạo Bụt là sự cứu độ bằng tuệ giác (salvation by understanding), chứ không phải bằng ơn huệ của một đấng thiêng liêng. Trong những tôn giáo khác, sự cứu độ có thể tới nhờ ân huệ của một đấng thiêng liêng. Nhưng trong đạo Bụt thì sự giải thoát được thực hiện bằng tuệ giác. Mà sở dĩ tuệ giác có được là nhờ công phu thiền quán. Tuệ giác đó không phải từ ngoài tới, mà vốn có hạt giống trong ta. Các vị Bụt và các vị bồ tát trong ba đời và tăng thân mười phương có thể giúp mình chạm tới hạt giống tuệ giác ấy, làm cho nó lớn lên và nở hoa. Đó là giải thoát.


Bài: 12345678910111213141516171819202122232425