LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Việt dịch: Thích Phước Sơn – Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh

Quyển thứ mười sáu

-ooOoo-

NÓI RÕ PHẦN THỨ NĂM CỦA CHÍN MƯƠI HAI PHÁP ĐƠN ĐỀ

31. GIỚI: ĂN QUÁ GIỚI HẠN ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ có một Tỷ kheo an cư tại một xóm làng vừa xong, lên đường đi đến thành Xá Vệ để thăm viếng đức Thế Tôn. Lúc ấy có một cư sĩ trong thôn làm nhà phước thiện vừa xong, thiết một bữa cơm cúng dường cho Tăng bốn phương, gặp Tỷ kheo này vừa đến, cư sĩ rất hoan hỷ nói: “Lành thay, đại đức vừa mới đến!”. Thế rồi, ông trải giường nệm, đưa nước rửa chân, cung cấp dầu thoa chân và nước uống phi thời. Ban đêm, ông đốt đèn sáng, sửa soạn chỗ nằm để cho thầy nghĩ ngơi yên ổn. Sáng hôm sau, ông lại cung cấp tăm xỉa răng, nước sạch và cúng dường thức ăn mĩ vị ngon miệng. Tỷ kheo ăn xong thầm nghĩ: “Ta từ xa đến đói khát, nay lại được các thức ăn uống khoái khẩu thế này, ta nên ở lại ít hôm nghỉ ngơi cho thân thể khỏe khoắn, rồi hãy đến viếng Thế Tôn”. Suy nghĩ thế rồi, ban ngày thầy vào nghỉ trong rừng vắng, chiều tối về lại nhà. Đàn việt thấy thầy vẫn đối xử hoan hỷ như trước. Cho đến ngày thứ ba, đàn việt bèn hỏi: “Hôm nay đại đức dùng bữa ở đâu?”.

– Ở đây.

– Thế còn hôm qua ở đâu?

– Thì cũng tại đây.

– Vậy ngày mai ở nơi nào?

– Cũng nơi này.

Đàn việt liền trách: “Nhà tôi nghèo, vừa đủ sống, ở đây có thể cúng dường cho tứ phương Tăng một bữa cơm mà thôi, đại đức không nên ở lâu. Nếu nhà tôi giàu có dư giả thì tha hồ dâng cúng cho tất cả chư Tăng”.

Tỷ kheo liền suy nghĩ: “Đàn việt thốt ra lời nói có vẻ oán trách, ta phải đi thôi”. Thế rồi, thầy đi lần hồi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: “Ông an cư ở đâu?”.

– Tại thôn mỗ.

– Bắt đầu ra đi từ lúc nào?

– Từ ngày ấy.

– Vì lý do gì đường đi không xa mà trải qua nhiều ngày như thế?

Thầy Tỷ kheo liền đem sự việc kể trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật nói: “Việc đó không nên. Lẽ nào chỉ vì thỏa thích thân miệng mà ông làm cho đàn việt than phiền! Từ nay trở đi, nơi nào chỉ cúng dường một bữa ăn, thì Tỷ kheo không được dùng quá một bữa”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ có một Tỷ kheo an cư mùa hạ tại một làng kia vừa xong, [351c] lên đường đi đến Xá Vệ để thăm viếng đức Thế Tôn. Bấy giờ, có một đàn việt trong thôn làm nhà phước thiện, cúng dường cho Tăng bốn phương một bữa cơm, thì gặp lúc Tỷ kheo kia vừa đi tới đó, họ liền cung cấp những thứ nhu yếu, như trên đã nói. Vị Tỷ kheo này ăn xong, ra đi thì bệnh phong phát sinh, liền suy nghĩ: “Ta không thể đi được mà Thế Tôn đã chế giới hễ nơi nào cúng một bữa ăn thì không thể ăn quá một bữa. Nay ta hãy ở lại đây, nhưng không dùng cơm của họ”. Nghĩ thế rồi, thầy liền trở lại nhà ấy, đàn việt lại cung cấp những nhu yếu như trước, nhưng Tỷ kheo không nhận. Đến sáng hôm sau, họ lại dọn thức ăn, thầy cũng không dùng. Thế rồi, thầy ra đi, trong bụng nghĩ: “Ta đến làng kia sẽ khất thực để ăn”. Nhưng khi thầy đến làng ấy thì mặt trời đã quá ngọ, do thế không được ăn khiến tứ chi rũ rượi. Rồi thầy đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi, thầy liền đem sự việc trên bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật khen ngợi: “Lành thay, lành thay Tỷ kheo! Ông tùy thuận chánh pháp có lòng tin xuất gia, thiểu dục tri túc, không vì mạng sống mà vi phạm những điều do Như Lai chế định. Từ nay ta cho phép Tỷ kheo bệnh được ăn hơn một bữa tại nhà phước thiện”.

Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Tại những nơi bố thí một bữa ăn, Tỷ kheo không bệnh chỉ nên ăn một bữa, nếu ăn quá một bữa thì phạm tội Ba dạ đề”.

Giải thích: 

Chỗ bố thí một bữa: Đức Thế Tôn cho phép được ăn.

Thức ăn: Gồm năm loại, như trên đã nói.

Không bệnh: Thân thể không tật bệnh. Nhưng nếu thân có bệnh tật không đi đường được thì ở lại ăn không có tội. Trái lại, nếu không có bệnh mà ăn quá một bữa thì phạm tội Ba dạ đề.

Ba dạ đề: như trên đã nói.

Nếu dãy nhà có mười sáu gian, mỗi gian cúng dường một bữa ăn, mà Tỷ kheo vì công việc của Tăng, của tháp, của chính mình đến ở gian nhà nào thì được ăn tại đó một bữa để giải quyết các công việc. Nếu công việc chưa xong thì phải sang gian nhà thứ hai nghỉ lại ăn một bữa rồi đi. Nếu công việc vẫn chưa xong, thì có thể tuần tự ở trong mười sáu gian nhà, ăn mười sáu bữa để lo cho xong công việc rồi đi. Nếu như công việc vẫn chưa xong, thì không được ăn lại tại các nhà ấy mà phải đi khất thực ở những nơi khác, chứ không được khất thực tại các nhà ấy. Nếu lúc đầu làm nhà có những người cùng thôn chung sức để làm thì cũng không được khất thực tại thôn ấy mà phải đến thôn khác để khất thực. Đồng thời nghỉ lại tại thôn ấy để giải quyết công việc. Nếu công việc vẫn chưa xong thì có thể trở lại mười sáu [352a] căn nhà kia để thọ trai như trước. Nếu trong thời gian ấy công việc vẫn chưa xong thì phải rời khỏi nơi ấy một đêm rồi trở lại thọ trai để lo công việc. Nhưng nếu gia đình ấy có con trai cưới vợ rồi họ thưa với Tỷ kheo: “Tôi sai sứ giả đi mời thầy chưa chắc gì được, huống gì nay thầy đang có mặt ở đây lẽ nào lại bỏ ra đi”, thì khi ấy Tỷ kheo nhận lời họ mời ở lại thọ trai không có tội. Thế nên nói (như trên).

32. GIỚI: ĂN NHIỀU LẦN TRONG NGÀY.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ nông dân ở trong vườn của Tăng cứ hằng năm bắt đầu mùa lúa chín thì cúng dường trai phạn cho chúng Tăng.

Thế nào là hằng năm bắt đầu mùa lúa chín? Đó là lúc lúa tẻ chín, lúa mạch chín, lúc thu hoạch đậu xanh, lúc thu hoạch đậu phụng, mía.v.v. Nông dân đều trích ra mỗi thứ một ít để dành cúng dường cho chư Tăng.

Khi đó, nông dân nói với Tỷ Kheo: “Hằng năm cứ bắt đầu mùa gặt hái thì tôi đều cúng dường trai phạn cho chúng Tăng. Nếu tại tinh xá Kỳ Hoàn ngày nào không có người cúng dường thì xin thầy nói cho tôi biết, tôi sẽ cúng dường để chúng tăng ăn uống no đủ”.

Bấy giờ tại đây các cư sĩ tín tâm cúng dường các thức ẩm thực theo lịch trình trước sau, nhưng trong đó có một ngày không có cúng dường. Do đó, sứ giả đến nói với người nông phu: “Lão trượng, ngày mai tại Kỳ Hoàn không có ai cúng dường, trước đây ông đã hứa cúng thì dịp này là đúng lúc”.

Nông phu nghe xong liền đi đến Kỳ Hoàn, cúi đầu đảnh lễ chân chư Tăng, quì chân phải xuống đất, chắp tay bạch rằng: “Con là nông dân mỗ giáp, ngày mai thiết trai cúng dường, xin tất cả chúng Tăng nhận lời mời của con”.

Chúng Tăng bèn nhận lời mời. Thế rồi lúc ấy có một trưởng giả dùng năm trăm đồng tiền cũ mua được hai con bò, ông muốn thử xem sức nó thế nào, bèn mắc nó vào xe, đánh cho chạy lui chạy tới trong phạm vi một do-diên. Vì cái ách xe quá chặt nên một con bò bị chết, ông hết sức khổ não, đứng đập ngực than trách: “Vì sao ta mua bò với một giá đắt chưa dùng được mà đã chết thế này!”

Bỗng có một người quen biết với cư sĩ liền hỏi ông: “Vì sao ông buồn bã như vậy?”

Cư sĩ bèn trình bày tường tận sự việc kể trên. Ông bạn liền hỏi: “Vì sao ông không làm kiên pháp?”

– Kiên pháp là thế nào?

– Kiên pháp nghĩa là ông đến Kỳ Hoàn mời chư Tăng về nhà mổ thịt con bò kia làm cơm cúng dường chư Tăng.

Ông nghe xong liền đi đến Kỳ Hoàn, vào phòng cúi đầu đảnh lễ chân chư Tăng, rồi quì gối chắp tay nói như sau: “Con là mỗ giáp, ngày mai xin mời chư Tăng về nhà để con cúng dường một bữa cơm đạm bạc. Mong chư Tăng nhận lời mời của con”.

Lúc đó có một Tỷ kheo vốn là chỗ quen biết cũ với ông, liền đến bảo: “Ông chưa biết cách mời. Vì sao không nói trước với tôi để tôi chỉ cho ông cách mời chúng Tăng?”

Ông liền phân bua: “Thưa thầy, tôi đem năm trăm đồng tiền cũ mua được hai con bò, nhưng một con bị chết, nay tôi muốn dùng thịt nó để cúng dường chúng Tăng”.

– Nhưng chúng Tăng đã nhận lời mời của người khác rồi.

– Tôi đã sắm sửa thức ăn rồi bây giờ phải làm sao?

– Giờ tôi bày ông trở lại [352b] bạch với chúng Tăng như sau: “Con mời chư Tăng ngày mai đến nhà con thọ trai”. Nếu tăng hỏi ông đã sắm những thức ăn gì thì ông phải đáp: “Đã sửa soạn bún, cơm, thịt”.

Khi được dặn bảo xong, ông liền trở lại chỗ chúng Tăng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, quì gối, chắp tay, nói như sau: “Con là mỗ giáp, xin mời chư Tăng ngày mai đến nhà con thọ trai, mong chư tăng hãy nhận lời mời của con”.

Các Tỷ kheo hỏi: “Ông đã sắm sẵn những thức ăn gì?”

– Con đã làm bún, cơm, thịt.

– Lão trượng, ngày mai ông hãy chuẩn bị cho sẵn sàng.

– Thưa vâng, xin chư tôn giả sáng mai hãy đến sớm.

Thế rồi ông trở về nhà, suốt đêm kho nấu thịt và các thức ẩm thực, lúc sáng sớm bèn trải giường nệm, lọc nước sạch, rồi đến bạch với chúng Tăng: “Đã đến giờ”.

Chư tăng bèn khoác y, cầm bát đi đến nhà ông, ngồi theo thứ lớp. Người đàn việt liền dọn lên thức ăn ngon lành, chư Tăng ăn uống no nê rồi trở về tinh xá.

Đoạn nói về người nông phu kia suy nghĩ: “Các thầy là những người ngày ăn một bữa, nên cần phải ăn sớm.”Do đó, suốt đêm ông sửa soạn các thức ẩm thực, rồi trải giường nệm, lọc nước sạch, xong xuôi bèn đi đến Kỳ Hoàn, cúi đầu đảnh lễ chân chư tăng, quỳ gối, chấp tay, bạch rằng: “Đã đến giờ rồi”.

Bấy giờ, các Tỳ kheo vì mình mới ăn uống no nê, nên tuy thấy ông ấy đến mời mà tựa hồ như không nghe. Ông ta liền suy nghĩ: “Kỳ thay! Kỳ thay! Các thầy là những người ăn ngày một bữa, lẽ ra thường cảm thấy đói, vì sao nghe mời thọ trai mà tựa hồ như không nghe! Nếu ngoại đạo mà nghe mời thọ trai thì họ liền cầm gậy có 3 nấc và bình nước đi ngay lập tức”. Ông tán thán như vậy đến lần thứ 2 thứ 3 thì các Tỳ kheo mới đứng dậy, thong thả, đi đại tiểu tiện, mở lõng dây lưng, sửa lại oai nghi, ung dung đi đến nhà ông, ngồi theo thứ tự.

Bấy giờ người nông dân liền tự tay dọn thức ăn, múc đầy giá đưa Thượng tọa thì Thượng tọa đưa tay ra dấu chỉ dùng một ít. Người nông dân liền nói: “Các thầy là những người ăn mỗi ngày một bữa mà sao đối với các thức ăn này đều không tỏ ra thích thú!”.

Rồi ông thầm nhủ: “Nếu Thượng tọa ăn ít thì Hạ tọa phải ăn nhiều và đệ nhị, đệ tam Hạ tọa cho đến những Tỷ kheo trẻ tuổi (Phải ăn nhiều hơn nữa)”. Thế rồi, ông nói: “Thầy là người ăn ngày một bửa mà sao đối với các thứ ẩm thực này không thấy thầy thích thú chút nào!”. Lúc ấy trong hàng Hạ tọa có một người mới tu, lẩm cẩm, liền nói như sau: “Hôm nay chúng tôi không phải vì ăn mà đến đây, do vì chiều ý ông mà đến. Bỡi lẽ chúng tôi ăn uống ở chỗ khác no nê rồi. Nếu không tin ông hãy xem chân tôi còn có dấu mỡ dính đây này”

Người nông dân nghe thế trong lòng không vui, liền vứt nồi thức ăn xuống đất hậm hực nói: “Các thầy đã nhận lời mời của tôi trước rồi, vì sao lại đi ăn ở chỗ khác?”. Trong lòng mang niềm oán hận, ông bèn đi đến chỗ Phật, cúi đầu(352 c) đảnh lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch với Phật: “Vì sao các Tỳ kheo nhận lời của con trước rồi mà lại thọ trai ở chỗ khác?”.Phật liền tùy nghi thuyết pháp cho nông dân này, khuyên bảo chỉ dạy, khiến ông vui vẻ, ông bèn bạch Phật rằng: “Bạch Thế tôn! Những thực phẩm con cúng dường chúng tăng dư thừa nên bỏ chỗ nào?”

Phật dạy! “Ông đến bên hồ mỗ giáp kia, quét sạch đất trên bờ hồ, rồi mang thức ăn còn dư đến bỏ tại đó. Vì lúc này vua Ba Tư Nặc đánh nhau với quân Nhỉ Ni Sát Lợi không thắng nổi nên kéo quân về đang đồn trú tại đó. Ông có thể đem thức ăn kia dâng cho nhà vua. Vì vua mới xuống hồ tắm rửa và thay y phục mới”. Vâng lời Phật dạy, ông bèn đem các thức ăn kể trên đến dâng cho nhà vua và các tướng sĩ. Vì trong lúc đang đói khát mà được các thức ăn ngon lành nên họ ăn rất hoan hỉ. Do đó nhà vua bèn ra lệnh ban thưởng cho ông các thứ trân bảo. Ông được lợi ích trước mắt nên sung sướng vô cùng.

Thế rồi, Phật bèn bảo gọi các Tỷ kheo thọ trai kia đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: “Vì sao các ông nhận lời mời của người ta trước rồi mà lại thọ trai ở chỗ khác? Này các Tỉ kheo, các ông không biết sao? Ví như người ta thờ thần nhà, thần cây, nếu các thần muốn đi đâu thì trước hết phải ăn thức ăn của chủ nhà cúng rồi mới đi tới chỗ khác. Các ông đã làm một việc không thuận với nhân tình, trước đã nhận lời mời của người ta rồi mà đi thọ trai ở chỗ khác. Từ nay về sau ta không cho phép các Tỷ kheo muốn ăn đâu thì ăn”.

Lại nữa khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Đức Thế Tôn vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm đi thị sát phòng ốc các Tỷ kheo một lần.

Bỗng ngài thấy có Tỷ kheo đang bệnh, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi: “Này Tỷ kheo, ông đau bệnh gì? Lúc này bớt hay nặng thêm?”.

– Con đang đau lắm không giảm bớt. Trước đây con được ăn thường xuyên nên thân thể yên ổn. Từ khi Thế Tôn chế giới không được ăn lặt vặt nên bệnh con không thuyên giảm.

– Từ hôm nay Ta cho phép các Tỷ kheo khi có bệnh được ăn mỗi ngày nhiều lần.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, Tì Xá Khư Lộc Mẫu cứ hằng năm mời chư Tăng thọ trai và dâng y. Khi ấy, tại tinh xá Kỳ Hoàn có sáu mươi Tỷ kheo đang bệnh, họ đi tới nhà bà. Tì Xá Khư Lộc Mẫu thưa: “Thưa quí thầy, tinh xá kỳ Hoàn có năm trăm Tỷ kheo, nay vì sao chỉ có sáu mươi người đến đây?”.

Các Tỷ kheo nói với bà: “Đức Thế Tôn chế giới các Tỷ kheo không được phép muốn ăn đâu thì ăn, chỉ trừ những người bệnh, vì thế các Tỷ kheo bệnh mới đến đây”.

Thưa quí thầy, người đời mời ăn là việc chính; nếu quí thầy có ăn thức ăn của con thì con mới dâng y; nếu không dùng cơm thì con không dâng y. Thưa quí thầy, trong lần dâng y này các thầy có thể đến bạch với Phật để xin ngài phương tiện cho phép được chăng?

Các Tỷ kheo bèn đem nhân duyên ấy đến [353a] bạch với Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỷ kheo: “Tì-Xá-Khư Lộc mẫu là người thông minh trí tuệ. Từ nay trở đi ta cho phép khi dâng y (các Tỷ kheo được phép thọ trai nhiều lần trong một ngày)”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ một số người đi lạc quyên, định tổ chức một cuộc đại hội cúng dường trai phạn cho những người xuất gia của chín mươi sáu giáo phái, do thế, họ đến nhà người Ưu bà tắc lạc quyên các phẩm vật. Người Ưu bà tắc liền ra điều kiện: “Nếu ông lsắp đặt cho các thầy của tôi được ngồi trên, thì tôi sẽ cho ông phẩm vật”. Người đi lạc quyên nói: “Ông thử nghĩ xem, nếu tín đồ của ngoại đạo cũng nói thế này: “Nếu ông làm cho các thầy của tôi được ngồi trên, thì tôi sẽ cho ông phẩm vật”thì tôi làm sao có thể hứa với mọi người là ai cũng được ngồi trên. Ông chỉ cần cho tôi phẩm vật, để vào ngày đó, tháng đó, tôi sẽ dựng cờ xí, bày biện các cây báu, trải các giường ghế đẹp đẽ tại trên bờ sông A-Kỳ, mà mở đại hội cúng dường bữa trai soạn với những món ngon vật lạ, rồi trong số những người xuất gia hễ ai đến trước thì ngồi trên”.

Các Ưu bà tắc nghĩ rằng Phật, Tăng là ruộng phước tốt nên đưa phẩm vật cho người đó, rồi đi đến chỗ tôn giả A-Nan, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, bạch đầy đủ sự việc kể trên và thêm rằng: “Tôn giả phải làm cách nào để cho các Tỷ kheo được ngồi trên, khiến cho bọn ngoại đạo bị sỉ nhục một phen”.

Tôn giả A-Nan liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên, đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Thế rồi khi ấy những người đi lạc quyên sắm sửa các thực phẩm xong xuôi, bèn mời những người xuất gia của chín mươi sáu giáo phái, đồng thời mời vua Ba-Tư-Nặc và quần thần, thái tử cùng đến dự. Các vị thôn trưởng, các trưởng giả kỳ túc và những người chủ xướng, khi đến giờ đều qui tụ về trên bờ sông A-Kì để tham dự đại hội.

Trước đại hội một ngày Phật nói với Mục-Liên: “Ông phải biết đúng thời”. Tôn giả Mục-Liên liền dùng thần túc làm cho nước sông nổi sóng cuồn cuộn, đầy những bọt bèo tràn ngập đến bờ. Các ngoại đạo đều nói như sau: “Ta phải qua sông trước để lấy được chỗ ngồi thứ nhất”. Thế rồi suốt đêm họ tranh nhau chèo thuyền bè để mong qua sông trước nhất, nhưng vì bị nước chảy dốc nên muốn qua bờ mà thuyền cứ trôi giạt trở lại, khiến họ vất vả chèo chống suốt đêm mà chiếc thì chìm xuống dòng nước lạnh, chiếc thì trôi tấp lên bờ phơi nắng chơ hơ, cho tới giờ ăn vẫn không thể nào qua sông được.

Lúc bấy giờ tại tinh xá Kỳ Hoàn có người cúng dường chúng Tăng nên Phật còn dừng lại đợi họ. Những người trẻ tuổi trong các Tỷ kheo đều nói: “Đức Thế Tôn hôm nay xuất hành sao mà muộn quá, sợ rằng các ngoại đạo sẽ chiếm được chỗ ngồi đầu mất!”.

Thế nhưng, đến giờ, Thế Tôn khoác y, cầm bát uy nghi ung dung cùng với đại chúng đi đến [353b] bờ sông.

Các ngoại đạo thấy thế đều bảo nhau: “Chúng ta suốt đêm tạo các phương tiện khổ sở như vậy mà không thể qua sông được thì các sa môn đầu trọc này làm sao qua được”.

Khi ấy, Phật bảo Mục-Liên: “Ông tự biết phải làm cách nào cho các Tỷ kheo qua sông được yên ổn”.

Thế rồi, Mục-Liên bèn dùng thần lực tạo ra một chiếc cầu thất bảo, dùng các thứ châu báu làm lan can, kết thất bảo làm dây giăng ở trên, làm mưa các loại hoa quí, trổi âm nhạc vi diệu, đốt các hương thơm khiến khói hương tỏa ra như mây phủ. Các ngoại đạo thấy chiếc cầu như thế đều rất hoan hỉ, mỗi phái đều tự bảo nhau: “Các sa môn này từ từ mà đến, vậy chúng ta phải qua sông trước để chiếm chỗ số một”.

Họ liền tranh nhau chạy vội lên cầu, vì ai cũng muốn qua trước nên chen lấn nhau lên cầu khiến cho tất cả đếu rơi tõm xuống nước. Các vật dụng của ngoại đạo như y phục, gậy có ba khấc, bình nước đều rơi xuống nước trôi nổi ngổn ngang. Nhưng do thần lực của Thế Tôn khiến cho không ai bị chết cả. Thế rồi, đức Thế Tôn cùng các Tỷ kheo uy nghi tuần tự nghiễm nhiên tiến lên, Phật đi đầu còn các Tỷ kheo đi theo thứ tự. Khi Phật và các Tỷ kheo qua xong đến người cuối cùng thì Mục-Liên liền làm cho chiếc cầu báu biến mất.

Phật bèn bảo Mục-Liên: “Ông hãy làm cho con sông trở lại bình thường như trước”.

Bấy giờ, các ngoại đạo mới chèo thuyền bè lục tục qua sông.

Khi ấy Phật đứng trên bờ ngoái lại nhìn họ đọc kệ:

“Những ai qua bờ trước.
Đều vượt biển sanh tử
Không bị đời chôn vùi
Chánh trí qua bờ kia”.

Phật đọc kệ xong ung dung đến tòa ngồi. Các Tỷ kheo cũng ngồi theo thứ tự. Còn các ngoại đạo vì qua sông sau nên đến ngồi tiếp sau các Tỷ kheo.

Bấy giờ các đàn việt tự tay bưng các thức ẩm thực lên cúng dường Thế Tôn và các đệ tử. Khi ấy các Tỷ kheo trong tâm sinh nghi về việc đức Thế Tôn chế giới không được ăn nhiều lần mà sao chúng ta lại được ăn lại, liền đứng dậy bạch với Phật. Phật dạy: “Ta cho phép làm phép thí thực, nói như sau: “Tôi nay nhận được vật thực này xin cúng lại cho Tỷ kheo mỗ giáp… cho đến Sa di ni. Nếu vị ấy không nhận, tôi sẽ dùng”. Nói ba lần như vậy”.

Bấy giờ các đàn việt mỗi người đều suy nghĩ: “Ai nên chú nguyện đây?”Thế rồi có người thì bảo là Ni Kiền Tử, người thì nói Bất-Lan-Ca-Diếp.v.v., đề nghị các ngoại đạo như thế chú nguyện. Thế nhưng nhiều người khác nói: “Sa môn Cù-Đàm ngồi trên hết, đáng được chú nguyện”. Lúc ấy đức Thế Tôn ở giữa chín mươi sáu giáo phái ngoại đạo, không tự cho mình cao quí, không coi thường người khác, [353c] tùy thuận chú nguyện, như trong Sanh Kinh đã nói rõ. Đoạn Thế Tôn tùy thuận thuyết pháp rộng rãi cho mọi người, dạy bảo khiến họ được lợi ích, hoan hỉ rồi họ từ giã ra đi. Rồi Phật trở lại Kỳ Hoàn truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo ăn nhiều lần trong ngày – trừ khi khác – phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

Khi khác: Khi bệnh, khi may y. Đó gọi là khi khác.

Ăn nhiều lần: Ăn rồi ăn nữa.

Trừ khi khác: Trừ khi có bệnh.

Bệnh: Bệnh nhiệt, bệnh phong, lạnh, nói chung gặp các bệnh như vậy mà ăn rồi ăn lại thân thể được an ổn thì không có tội.

Thời của y: Nếu không thọ y Ca Thi Na thì trong vòng một tháng. Nếu có thọ y Ca Thi Na thì trong vòng năm tháng. Trong khoảng thời gian đó được xả năm điều cấm kỵ không có tội. Năm việc đó là: Được ăn riêng chúng; được ăn rồi ăn lại; khi rời trú xứ không cần bạch với người khác; được cất y lâu ngày; ngủ nghỉ được rời y.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Tỷ kheo phải biết số ngày nào cần làm pháp thí thực, biết số tuổi hạ, nhớ y đã thọ trì được bao lâu, khi nào được ăn riêng chúng, có bệnh hay không bệnh. Nếu có người hỏi: “Hôm nay là ngày mấy?”thì không được hỏi lại họ: “Hôm qua là ngày mấy?”, mà phải biết hôm đó là ngày mồng một, hay mồng hai trong tháng, cho đến ngày mười bốn, mười lăm, lại phải biết rõ là tháng đủ hay tháng thiếu.

Tỷ kheo mỗi sáng nên nhớ đến pháp thí thực: “Nếu hôm nay được thực phẩm ta sẽ cúng dường cho mỗ giáp. Nếu mỗ giáp không nhận ta sẽ dùng”. Nói ba lần như vậy. Hằng ngày Tỷ kheo nên nhớ mình đã được bao nhiêu tuổi hạ, nên nhớ thọ trì ba y, và y nào không thọ trì thì phải tịnh thí, lại phải nhớ khi nào được ăn riêng chúng, hoặc có bệnh hoặc là không có bệnh.

Mức độ một bữa ăn của Tỷ kheo là bao nhiêu? Nếu cơm tẻ thì ba bát, bún hai bát, hoặc một bát gạo nấu thành cơm, thêm một bát hay nửa bát cá thịt nữa. Đó là mức độï một trong những bữa ăn của Tỷ kheo.

Nếu thức ăn nấu được tại chùa mà chưa chín, rồi Tỷ kheo lấy bột khấy thành nước uống, thì phạm giới ăn nhiều lần thuộc tội Ba dạ đề. Nhưng nếu làm phép thí thực, hoặc bệnh thì không phạm, hoặc thời của y cũng không phạm.

Nếu ở bên ngoài có người mời thọ trai, rồi Tỷ kheo lúc ấy nhờ người đi lấy thức ăn, nhưng thức ăn chưa đem về mà vì đói bụng nên Tỷ kheo lấy bột khấy thành nước định uống, thì thức ăn vừa đem về. Nếu Tỷ kheo lấy thức ăn về mà biết giới luật thì nên dừng một lát đợi Tỷ kheo kia làm phép thí thực xong mới trao cho thức ăn. Trái lại, nếu Tỷ kheo đem thức ăn về không rành giới luật, liền trao ngay thức ăn cho Tỷ kheo ấy, rồi Tỷ kheo ấy chưa làm phép thí thực mà ăn liền (354a) thì trong khi đang ngậm cơm Tỷ kheo ấy nên đọc phép thí thực, tức là dùng tội nhẹ đổi tội nặng.

Nếu Tỷ kheo đến nhà đàn việt, rồi đàn việt nói: “Thưa thầy, bữa nay mời thầy ở lại thọ trai”. Đó gọi là nơi thọ trai.

Khi ấy Tỷ kheo suy nghĩ: “Cơm ở đây chưa chín, bây giờ ta nên đi đến nhà khác”, thì khi ấy nên nói với chủ nhà rồi mới đi, nếu không nói mà đi, thì phạm Ba dạ đề. Nếu tới nhà kia được năm thức ăn chánh hoặc năm thức ăn tạp mà ăn, thì phạm hai tội Ba dạ đề. Trái lại, gặp trường hợp được phép ăn nhiều lần trong ngày, được phép rời khỏi trú xứ mà không cần bạch, hoặc bị bệnh, hoặc đã làm phép thí thực rồi mới ăn thì không có tội, hoặc thời của y thì cả hai đều không có tội.

Nếu đàn việt nói như sau: “Thưa thầy, nếu lúc nào không có thức ăn, xin thầy đến nhà con thọ trai”.

Rồi một hôm Tỷ kheo đến nhà ấy nói thế này: “Lão trượng, hôm nay tôi sẽ thọ trai tại đây”.

Đoạn Ưu bà di nói: “Lành thay, con sẽ chuẩn bị”.

Nếu thức ăn chưa chín mà Tỷ kheo muốn đi 0tới nhà khác thì phải nói với chủ nhà rồi mới đi. Nếu không nói mà đi thì phạm tội như trên đã nói.

Nếu Tỷ kheo đi khất thực tuần tự đến một nhà kia, rồi đàn việt nói: “Hôm nay nhà con mời các Tỷ kheo thọ trai, xin mời thầy cùng ở lại đây chớ có đi nơi khác”. Nếu Tỷ kheo nhận lời mời tức là được xem như ăn tại đó. Nhưng nếu Tỷ kheo khất thực này nhận lời mời rồi, liền suy nghĩ: “Ai lại nhận lời người ta mời mình ăn một cách bất đắc dĩ, thế rồi muốn bỏ đi, thì nên báo cho họ biết. Nếu không báo cho họ biết mà bỏ đi thì phạm tội như trên đã nói.

Nếu Tỷ kheo có công đức và danh vọng lớn được nhiều người mang thức ăn đến cúng, vì muốn được lòng đàn việt nên thọ nhận tất cả thì phạm giới ăn nhiều lần thuộc tội Ba dạ đề. Nếu như làm pháp thí thực, hoặc bị bệnh thì không có tội, hoặc thời của y, cả 2 đều không có tội.

Có hai Tỷ kheo, mỗi người đều được một gia đình mời ăn thường xuyên. Nếu Tỷ kheo thứ nhất nói với Tỷ kheo thứ hai: “Trưởng lão, hôm nay cùng đến nhà đàn việt tôi thọ trai”thì Tỷ kheo thứ hai phải tin cho đàn việt rồi đi. Nếu không tin mà đi thì như trên đã nói. Trái lại, nếu Tỷ kheo thứ hai mời Tỷ kheo thứ nhất thì cũng như thế; bữa ăn của Tỷ kheo là: Cơm tẻ 3 bát, bún 2 bát, hoặc một bát gạo nấu thành cơm, và thịt cá chừng một bát hay nửa bát; mỗi mỗi thức ăn trong đó là một bữa ăn của Tỷ kheo. Nếu tại một nhà hoặc xin được ba thăng, hoặc hai thăng, hoặc một thăng, hoặc nửa thăng, tùy xin được nhiều bao nhiêu đều không có tội. Nếu tại một nhà được ba bát cơm tẻ, hai bát bún, hoặc một bát gạo nấu thành cơm thêm thịt cá chừng một bát hay nửa bát thì không được nhận thêm ở chỗ khác nữa. Trong trường hợp này, thế nào là phạm? Thế nào là không phạm? (354b) Nếu cháo vừa mới múc ra khỏi nồi mà viết thành chữ được (nghĩa là nó không liền lại với nhau) thì phạm. Nếu viết không thành chữ thì không phạm. Tất cả rau, tất cả bún, tất cả bánh, tất cả trái cây đều không thuộc loại cấm ăn nhiều lần trong ngày, không thuộc loại cấm ăn biệt chúng, không thể ăn no được, nên cất chứa nhiều trong nhà không phạm, thế nên nói. (như trên)

33. GIỚI: ĂN RỒI ĂN LẠI 

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, Bấy giờ có người Bà la môn mời chư tăng về nhà cúng dường trai phạn. Ông sửa soạn các thức ăn uống xong, bèn lọc nước sạch trải giường nệm, rồi suy nghĩ: “Các thầy là những người ăn ngày một bữa, nên cần phải ăn sớm”. Nghĩ thế ông liền đi đến Kỳ hoàn, cúi đầu đảnh lễ chân chúng tăng, quỳ gối, chấp tay, bạch như sau: “Con là mỗ giáp xin mời chư tăng đến thọ trai, thức ăn đã sửa soạn xong, mong chư tăng biết cho thời giờ đã đến”.

Khi ấy các Tỷ kheo bèn khoác y, cầm bát đi đến nhà ông, ngồi theo thứ lớp. ông Bà la môn bèn tự tay bưng dọn các thức ăn, các Tỷ kheo ăn uống no nê. Ông lại bưng thức ăn đi tuần tự mời mọc các Tỷ kheo ăn thêm.

Các tỳ kheo đều nói: “Chúng tôi no rồi, không dùng nữa”. Lúc ăn xong, Tỷ kheo nào không có duyên sự thì trở về tinh xá còn ai có duyên sự thì đi tới nhà đàn việt. Đàn việt gặp được rất hoan hỉ, rồi lễ bái vấn an, thưa: “Thưa thầy, thầy cần dùng cơm không? Cần dùng dưa,trái cây không, cần dùng cháo không? Thầy cần dùng thì con sẽ dọn lên “.

Tỷ kheo nói: “Tôi đã ăn no tại nhà Bà la môn mỗ giáp rồi”. Đàn việt biết khi ấy chưa quá giờ ăn của Tỷ kheo, liền nói: “Thưa thầy, mặt trời còn sớm, thầy hãy cầm các bánh này về tinh xá để ăn”. Tỷ kheo bèn đưa bát cho đàn việt bỏ bánh vào đầy bát, rồi đem về trước cổng tinh xá Kỳ hoàn ngồi ăn, rồi mời các Tỷ kheo khác cùng ăn.

Bấy giờ ông Bà la môn ăn uống xong bèn bảo bà vợ đem những thức ăn còn lại biếu cho những người hàng xóm.

Rồi ông đi đến chỗ Thế Tôn định đảnh lễ, thăm hỏi. Bỗng từ xa ông trông thấy các Tỷ kheo đang ngồi trước cổng Kỳ hoàn cùng ăn bánh. Thấy vậy ông liền đi tới chỗ một Tỷ kheo đang đi kinh hành hỏi: “Đó là khách Tỷ kheo phải không?”

– Không phải

– Hay là Tỷ kheo sắp ra đi?

– Cũng không phải.

– Có phải Tỷ kheo vừa thọ trai nhà tôi không?

– Đúng vậy.

– Thầy ấy đang làm gì thế?

– Này Bà la môn, chứ ông không biết sao?

– Không biết.

– Vì Tỷ kheo ấy ăn ít nên ăn thêm cho no đó mà.

Lúc ấy trong lòng ông Bà -la môn không vui, liền nói: “Sa môn Thích tử là người nói thật, mà nay lại nói không thật, ăn chưa no mà nói đã no, dùng mà nói không dùng, chưa thỏa mãn mà nói đã thỏa mãn. Đó là kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!”. Vì trong lòng hậm hực nên rốt cuộc ông không đến chỗ Phật mà trở về nhà.

Các Tỷ kheo nghe vậy liền đến bạch Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỷ kheo ấy đến (354c) Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

– Này Tỷ kheo, ông có việc đó thật chăng?.

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Tỷ kheo! Vì sao ông ăn đã no, đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi mà còn ăn lại? Từ nay về sau ta không cho phép Tỷ kheo ăn no, đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi mà còn ăn lạ.

Lại nữa khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỷ kheo ăn rau cho là no, ăn muối cho là no, rồi uống nước mà không ăn cơm khiến thân thể tiều tụy.

Các Tỷ kheo liền đem nhân duyên ấy bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: “Từ nay về sau, ta cho phép ăn 5 thức ăn chính, 5 thức ăn tạp thì mới gọi là no”.

Lúc ấy, các Tỷ kheo tại chỗ ngồi ăn một ít thức ăn tưởng là đã no nên không ăn thêm, do thế rũ rượi. Các Tỷ kheo liền đem nhân duyên ấy đến bạch Thế Tôn.

Phật dạy:”Ngồi một chỗ ăn 5 thức ăn chính, 5 thức ăn tạp, ăn uống thỏa mãn thì mới gọi là no”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, tại tinh xá Kì Hoàn có 60 Tỷ kheo bệnh, nhận 60 phần ăn, nhưng họ ăn còn thừa, liền đem bỏ bên tường, khiến chim quạ đến tranh nhau ăn kêu la inh ỏi.

Phật biết mà vẫn hỏi các Tỷ kheo: “Vì sao các con chim ấy kêu to như vậy?”.

Các Tỷ kheo liềân bạch với Phật: “Vì có 60 Tỷ kheo bệnh nhận lấy phần ăn mà ăn không hết, rồi đem bỏ bên tường, khiến các con chim tranh nhau thức ăn ấy nên kêu to như vậy”.

Phật liền bảo các Tỷ kheo: “Nếu Tỷ kheo bệnh ăn không hết thì ta cho phép Tỷ kheo nuôi bệnh làm pháp tàn thực rồi ăn thức ăn ấy”.

Lại nữa, khi phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ Tỷ kheo nuôi bệnh làm phép tàn thực để ăn thức ăn còn lại nhưng vẫn không hết, rồi các con chim tranh nhau ăn như trên đã nói. Phật biết nhưng vẫn hỏi các Tỷ kheo: “Vì sao các con chim đánh nhau?”.

Các Tỷ kheo liền bạch với Phật: “Vì Tỷ kheo nuôi bệnh làm pháp tàn thực rồi ăn thức ăn còn thừa mà vẫn không hết, liền đem bỏ ngoài tường, do đó các con chim tranh nhau ăn nên mới kêu la”.

Phật dạy: “Từ hôm nay ta cho phép một người làm pháp tàn thực thì những người khác đều được ăn”.

Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả,vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo ăn no, rời khỏi chỗ ngồi, không làm pháp tàn thực mà ăn nữa, thì phạm Ba-dạ-đề”.

Giải thích 

Thức ăn: Gồm năm loại như trên đã nói; Lại có 5 thức ăn tạp. Đó gọi là thức ăn.

Ăn no có tám trường hợp: 1. Tự tứ túc; 2. Thiểu dục túc; 3. [355a] Uế ô túc; 4. Tạp túc; 5. Bất tiện túc; 6. Siểm túc; 7. Đình trụ túc; 8. Tự kỷ túc.

Tự tứ túc: Đàn việt dọn cơm bún cá thịt và các thức ăn hỗn tạp khác rồi mời Tỷ kheo ăn thoải mái; Tỷ kheo nói: “Tôi đã no rồi”, liền đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là tự tứ túc.

Thiểu dục túc: Đàn việt dọn lên 5 thức ăn chính và 5 thức ăn tạp, mời Tỷ kheo ăn thỏa thích mà Tỷ kheo đưa tay ra dấu chỉ lấy một ít, rồi rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn lại, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là thiểu dục túc.

Uế ô túc: Khi dọn thức ăn, tay của tịnh nhân có ghẻ và dơ bẩn, Tỷ kheo thấy bẩn thiểu như thế liền nói: “Tôi không dùng, đi đi”, rồi đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là uế ô túc.

Tạp túc: Tịnh nhân dùng tô đựng sữa để múc cơm bưng đi qua, Tỷ kheo thấy thế chê dơ nói: “Tôi không dùng, đem đi đi”, rồi đứng dậy khỏi chỗ, không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là tạp túc.

Bất tiện túc: Tịnh nhân dọn thức ăn Tỷ kheo hỏi: “Đó là thứ gì?”. Tịnh nhân đáp: “Bún”. Tỷ kheo nói: “Thứ này kích thích bệnh phong của tôi, tôi dùng không tiện, đem đi đi”, thế rồi đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Hoặc là khi thấy người dọn cơm, Tỷ kheo hỏi: “Thức ăn cứng hay mềm vậy?”. Họ đáp: “Cứng”. Tỷ kheo nói: “Đây là loại lúa mì khó tiêu, tôi dùng không tiện, đem đi”. Hoặc họ đáp: “Mềm”. Rồi Tỷ kheo nói: “Thứ này nát quá khó ăn, tôi dùng không thích hợp, đem đi đi”. Hoặc tịnh nhân bưng thịt lên, Tỷ kheo hỏi: “Thứ gì vậy?”. Người ấy đáp: “Thịt bò”. Tỷ kheo nói: “Thịt bò tính chất nóng, tôi dùng không tiện, đem đi đi”. Hoặc họ nói: “Thịt trâu”. Tỷ kheo nói: “Tính chất nó mát khó tiêu, đem đi đi”. Hoặc họ nói: “Thịt nai”. Tỷ kheo nói: “Loại thịt này có chất phong, đem đi đi”. Thế rồi, Tỷ kheo đứng dậy rời khỏi chỗ, không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là bất tiện túc.

Siểm túc: Tịnh nhân dọn 5 thức ăn chính, 5 thức ăn tạp, Tỷ kheo sợ nhiều, không nói mà đưa tay ra dấu, hoặc lắc đầu, hoặc che bát lại, rồi đứng dậy rời khỏi chỗ, không làm phép tàn thực mà ăn lại, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là siểm túc.

Đình trụ túc: Tịnh nhân dọn 5 món ăn chính, 5 món ăn phụ, Tỷ kheo nói: “Này bác, chớ nên dọn cơm lên trước mà phải dọn rau muối nước lạnh lên trước”. Thế rồi, đứng dậy rời khỏi chỗ, không làm phép tàn thực mà ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề. Nhưng nếu Tỷ kheo làm trị nguyệt (phụ trách công việc trong một tháng), Duy na.v.v. mà chỉ vẽ ra dấu, [355b] thì không gọi là đã no. Tóm lại, trên đây gọi là đình trụ túc.

Tự kỷ túc: Tỷ kheo đi khất thực đến một nhà kia, để cái túi đựng bún ở một chỗ, rồi vào nhà đàn việt xin nước uống. Đàn việt suy nghĩ: “Chắc thầy Tỷ kheo này đang cần bún”liền hỏi: “Thầy cần bún không?”. Tỷ kheo suy nghĩ: “Có lẽ người đàn việt này muốn lấy bún trong nhà họ cúng dường cho ta”, liền đáp: “Cần”. Khi ấy, đàn việt bèn xách cái đãy đựng bún của Tỷ kheo đưa cho thầy”. Tỷ kheo thấy mình bị chưng hửng, liền nói: “Để đó, để đó”, nói xong, bèn đứng dậy rời khỏi chỗ, không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là tự kỷ túc.

Đứng dậy rời khỏi chỗ: Rời có tám vị thế: Đi, đứng, ngồi, nằm, giường dài, giường nhỏ, thuyền, xe.

Đứng: Tỷ kheo đang đứng rồi có người đưa thức ăn đến thì phải đứng ăn cho no, nếu trong thời gian đó mà đi, ngồi hoặc nằm thì đều gọi là rời khỏi chỗ cũ. Nếu không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Đi, ngồi, nằm cũng như thế.

Giường dài: Nếu Tỷ kheo đang ngồi trên giường dài rồi có người bưng cơm đến cho ăn, bỗng thấy Thượng tọa, Hòa thượng hoặc A xà lê đến thì không cần rời khỏi chỗ ngồi lánh đi mà chỉ cần nghiêng mình là được. Nếu khi đó chân giường gãy, thì xem như đã rời khỏi chỗ cũ, nếu như không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là ngồi trên giường dài.

Giường nhỏ: Nếu Tỷ kheo đang ngồi một mình trên giường rồi có người đưa cơm tới ăn, bỗng nhớ sau lưng có tháp, có tăng, có Hòa thượng, A xà lê, thì không nên rời khỏi giường quay mình lại. Nếu bị trời mưa thì nên dùng dù lọng che lên trên. Nếu không có dù thì được khiêng cả giường dời vào chỗ che khuất, và khi đặt giường xuống đất thì được xem như đã dời khỏi chỗ cũ. Nếu không làm phép tàn thực mà ăn thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là ngồi trên giường nhỏ.

Thuyền: Nếu Tỷ kheo đang ngồi ở trên thuyền có người đem cơm đến cho ăn, rồi thuyền đậu vào bờ, hoặc đụng nhằm cây đá, hoặc bị nước cuốn khiến thân Tỷ kheo rời khỏi chỗ cũ, nếu Tỷ kheo không làm phép tàn thực mà ăn thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là thuyền.

Xe: Nếu Tỷ kheo đang ngồi trên xe có người đem cơm đến cho ăn, hoặc xe nghiêng bên trái, bên phải, hoặc lắc lư khiến Tỷ kheo rời khỏi chỗ cũ, nếu Tỷ kheo không làm phép tàn thực mà ăn, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là xe.

Có 5 trường hợp phi pháp không được xem là làm phép tàn thực. Năm trường hợp đó là: 1. ly xứ; 2. ly thực; 3. ly cảnh giới; 4. ly thân thủ; 5. ly ngữ.

Ly xứ: Nếu Tỷ kheo ăn trong khi đi mà khi đứng, khi ngồi, khi nằm làm phép tàn thực thì phép tàn thực này là phi pháp. Cũng thế đối với các trường hợp còn lại. Đó gọi là ly xứ.

Ly thực: Không có ai đưa thức ăn mà làm phép tàn thực, thì trường hợp này không gọi là phép tàn thực. Đó gọi là ly thực.

Ly cảnh giới: [355c] Thức ăn để dưới đất không ở trên tay mà làm phép tàn thực, thì phép tàn thực này phi pháp. Đó gọi là ly cảnh giới.

Ly thân thủ: Giang tay ra ngoài làm phép tàn thực mà không phải dở lòng bàn tay lên để làm thì không được gọi là làm phép tàn thực. Đó gọi là ly thân thủ.

Ly ngữ: Miệng không nói thế này: “Tất cả những thức ăn trong bát ở trên tay tôi nay tôi không cần, đây là thức ăn dư, tôi sẽ cho trưởng lão mỗ giáp”. Đó gọi là ly ngữ.

Trên đây là năm trường hợp phi pháp làm phép tàn thực không thành phép tàn thực.

Lại có năm trường hợp được gọi là như pháp làm phép tàn thực. Năm trường hợp đó là: 1. Bất ly xứ (không rời khỏi chỗ); 2. Bất ly thực (không rời khỏi thức ăn); 3. Bất ly cảnh giới (không rời khỏi vị trí); 4. Bất ly thân thủ nội (không rời khỏi bàn tay mở vào trong); 5. Bất ly ngữ (không rời khỏi lời nói).

Bất ly xứ: Nếu muốn làm phép tàn thực cho ai thì Tỷ kheo lúc đang đi mà có thức ăn liền làm phép tàn thực ngay khi đang đi. Đó là làm phép tàn thực đúng cách. Cũng vậy, khi đứng, khi ngồi, khi nằm cũng như thế. Đó gọi là bất ly xứ.

Bất ly thực: Khi nhận được thức ăn liền làm pháp tàn thực. Đó gọi là bất ly thực.

Bất ly cảnh giới: Cầm thức ăn trong tay làm phép tàn thực chứ không phải để dưới đất. Đó gọi là bất ly cảnh giới.

Bất ly thân thủ: Đưa tay vào trong làm phép tàn thực chứ không phải giang tay ra ngoài. Đó gọi là bất ly thân thủ.

Bất ly ngữ: Khi nhận được thức ăn liền nói: “Tất cả những thức ăn trong bát trên tay tôi, tôi không cần nữa, đó là thức ăn dư, giờ đây tôi cho trưởng lão mỗ giáp”. Đó gọi là bất ly ngữ.

Trên đây là 5 cách làm phép tàn thực đúng pháp.

Nếu ai thành tựu 5 điều phi pháp thì suốt đời không được làm phép tàn thực để ăn. Năm phép đó là: 1. Không am tường chỗ; 2. Không am tường ăn; 3. Không am tường vị trí; 4. Không am tường khi đưa tay ra; 5. Không am tường khi ngừng ăn.

Không am tường chỗ: Không biết khi đi ăn thì phải ăn cho no khi đi, khi đứng ăn thì phải ăn cho no khi đứng, khi ngồi ăn thì phải ăn cho no khi ngồi, khi nằm ăn thì phải ăn cho no khi nằm. Đó gọi là không am tường chỗ.

Không am tường ăn: Không biết rằng 5 thức ăn chính và 5 thức ăn tạp là những thức ăn no, ngoài ra các thức ăn khác không thể ăn no. Đó gọi là không am tường ăn.

Không am tường vị trí: Không biết rằng thức ăn để trên tay thì ăn no, để dưới đất thì không ăn no. Đó gọi là không am tường vị trí.

Không am tường khi đưa tay ra: Không biết rằng mở tay hướng vào trong là ăn no, giang tay ra ngoài là không ăn no. Đó gọi là không am tường khi đưa tay ra.

Không am tường khi ngừng ăn: Không biết rằng dừng lại là no, chưa dừng lại là chưa no. Đó gọi là không am tường khi ngừng ăn.

Nếu ai thành tựu 5 điều phi pháp này thì suốt đời không cho phép làm phép tàn thực để ăn. Nếu ai thành tựu 5 điều như pháp thì cho phép suốt đời được làm phép tàn thực để ăn.

Thế nào là 5 điều như pháp? Đó là: 1. Am tường chỗ; 2. Am tường ăn; 3. Am tường vị trí; 4. Am tường mở tay ra; 5. Am tường dừng lại.

Am tường chỗ: Biết rằng lúc đi ăn thì phải ăn cho no trong khi đi; biết rằng lúc đứng ăn thì phải ăn cho no trong khi đứng, biết rằng lúc ngồi ăn thì phải ăn cho no trong khi ngồi, biết rằng lúc nằm ăn thì phải ăn cho no trong khi nằm. [356a]Đó gọi là am tường chỗ.

Am tường ăn: Biết rằng 5 thức ăn chính và 5 thức ăn tạp là loại thức ăn no, ngoài ra các thức ăn khác không thể ăn no. Đó gọi là am tường ăn.

Am tường vị trí: Biết rằng thức ăn để trên tay thì ăn no, thức ăn để dưới đất thì không ăn no. Đó gọi là am tường vị trí.

Am tường mở tay ra: Biết rằng mở tay vào trong là ăn no, mở tay ra ngoài là không ăn no. Đó gọi là am tường mở tay ra.

Am tường dừng lại: Biết rằng dừng lại là no, chưa dừng lại là chưa no. Đó gọi là am tường dừng lại.

Ai thành tựu 5 pháp này thì cho phép suốt đời làm phép tàn thực để ăn.

Nếu Tỷ kheo đem thức ăn đến định làm phép tàn thực thì nên làm phép tàn thực trong chén để trên bát. Chính thức ăn trong chén này mới là thức ăn được làm phép tàn thực, chứ không phải thức ăn trong bát. Nhưng nếu nước của thức ăn trong chén chảy vào bát thì cũng được gọi là đã làm phép tàn thực.

Nếu Tỷ kheo A đem 2 bát đến nhờ Tỷ kheo B làm phép tàn thực, mà Tỷ kheo B chỉ ăn thức ăn trong một bát thì thức ăn trong bát này được làm phép tàn thực. Nếu trên 2 bát có các thứ bánh, rau để phủ lên trên cả 2, thì cả 2 bát đều được xem là đã làm phép tàn thực. Ngoài ra, các vật đựng thức ăn khác cũng như thế.

Nếu Tỷ kheo ăn no rồi đến nhà đàn việt, chủ nhà nói: “Thưa thầy, thầy ăn bánh không?”.

Tỷ kheo đáp: “Tôi đã ăn no rồi”. Người Ưu bà tắc này vốn hiểu luật, liền nói: “Nhà mỗ giáp kia có Tỷ kheo chưa ăn, nếu thầy cần, con sẽ đến đó làm phép tàn thực cho”.

Tỷ kheo nếu thấy cần, nên đáp: “Có thể được”.

Đàn việt liền đem bát rửa sạch, đổ đầy các thức ăn ngon vào đấy, đưa lại Tỷ kheo, Tỷ kheo cầm lấy, dùng miếng lụa phủ lên trên chớ để bụi bặm rơi vào, rồi trao lại tận tay tịnh nhân, nói: “Ngươi mang đi làm phép tàn thực xong rồi mang về”.

Tịnh nhân liền mang thức ăn đến chỗ vị Tỷ kheo kia, nói như sau: “Thưa tôn giả, ở nhà con có một Tỷ kheo ăn chưa no, xin tôn giả làm phép tàn thực giúp cho con”.

Vị Tỷ kheo ấy nên rửa tay sạch, nhận thức ăn này, nói với tịnh nhân: “Ông lại đứng gần ta, đưa tay ra”.

Rồi Tỷ kheo ăn một miếng trong bát ấy, đoạn nói như sau: “Tất cả thức ăn trong bát ở trên tay tôi, tôi đều không cần, tôi làm phép tàn thực cho ông”.

Thế rồi, tịnh nhân nhận lấy bát đem về trao lại cho Tỷ kheo thì Tỷ kheo được phép ăn. Nếu Tỷ kheo này ăn no mà còn thừa thức ăn thì Tỷ kheo nào cần đều có thể ăn được.

Hỏi: “Nếu tại những xứ có ít Tỷ kheo, và khi Tỷ kheo ăn xong, có đàn việt mang các thức ăn đến, gặp lúc Tỷ kheo đã đứng dậy giải tán, thì phải làm sao?”.

Đáp: “Nếu tại nơi đó có các vị tri sự như trị nguyệt, Duy na chưa ăn thì nên đến nhờ họ làm phép tàn thực. Nếu họ đã ăn no rồi mà Thượng tọa chưa ăn, thì nên đến nhờ Thượng tọa làm phép tàn thực. Nếu Thượng tọa thẹn không chịu làm giữa nhiều người [356b] thì nên bưng cả cái ghế Thượng tọa ngồi đến một chỗ vắng để Thượng tọa làm phép tàn thực.

Nếu Thượng tọa cũng ăn no rồi mà có khách Tỷ kheo tới thì nên hỏi: “Hôm nay tự tứ trưởng lão đã ăn no chưa?”.

Nếu Tỷ kheo khách nói: “Tôi không an cư mùa hạ thì làm sao tự tứ được”, thì biết người này không hiểu giới luật, liền hỏi tiếp: “Vậy thầy đã ăn chưa?”.

Nếu nói: “Đã ăn rồi”.

Lại hỏi nữa: “Đàn việt đem cúng dường phải không?”

Nếu ông ta nói: “Trưởng lão ai mà đem đến cúng dường? Ăn rau uống nước mà còn không đủ huống gì những thức ăn khác?”, thì phải biết vị này chưa ăn no nên nhờ thầy làm phép tàn thực.

Nếu thầy ấy nói: “Nhà đàn việt của tôi đã cúng thức ăn rồi”, thì biết rằng thầy đã no, Tăng nên tạo phương tiện (linh động), không nên phá thiện tâm của đàn việt. Nếu bấy giờ trong chúng có Sa Di đã lớn thì đưa ông vào giới trường cho ông thọ giới cụ túc, dạy ông cách thức làm phép tàn thực, xong rồi mình mới được ăn.

Nếu Tỷ kheo ăn 5 loại tạp thực mà làm phép tàn thực ở 5 loại thức ăn chính thì không đúng cách. Nhưng nếu ăn chưa no mà ăn lại thì không có tội. Nhưng nếu ăn đã no, rời khỏi chỗ ngồi mà ăn lại, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu Tỷ kheo ăn 5 loại thức ăn chính mà làm phép tàn thực ở 5 loại thức ăn tạp thì không đúng cách. Nhưng nếu chưa no mà ăn nữa thì không có tội. Trái lại, nếu ăn đã no, rời khỏi chỗ ngồi mà ăn lại, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỷ kheo rời 5 thức ăn chính, rời 5 thức ăn tạp, làm phép tàn thực là không đúng cách. Nhưng nếu ăn chưa no mà ăn thêm thì không có tội. Trái lại, nếu ăn đã no, rời khỏi chỗ ngồi mà ăn lại thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu Tỷ kheo ăn 5 thức ăn chính, 5 thức ăn tạp mà làm phép tàn thực ngay nơi đó, thì đó là làm phép tàn thực đúng pháp. Nếu ăn chưa no mà ăn thêm thì không có tội. Trái lại, nếu ăn đã no, rời khỏi chỗ ngồi mà ăn lại thì phạm tội.

Trong các trường hợp trên đây trường hợp nào phạm, trường hợp nào không phạm?.

Nếu các loại cháo vừa múc ra khỏi nồi viết chữ lên mà không thành chữ (tức cháo lỏng), tất cả trái, tất cả rau, không phải thức ăn cấm ăn biệt chúng, không phải thức ăn cấm ăn nhiều lần, không phải thức ăn có thể ăn no mà cất chứa nhiều trong nhà thì không phạm. Thế nên nói (như trên).

34. GIỚI: KHUYÊN NGƯỜI ĂN RỒI ĂN NỮA.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả A-Nan có 2 đệ tử tùy tùng, một người tên là Mãn Trà, một người tên là A-Tì-Kì cùng với 2 người đệ tử tùy tùng của Mục-Liên, một người tên là A-Xà-Đô, một người tên là Xá-Xá-Đô, họ thường tranh nhau xem ai đa văn hơn, ai biện tài hơn. Khi ấy, một người đệ tử tùy tùng của A-Nan có biện tài và lợi căn hơn khiến người đệ tử Mục-Liên tranh luận không lại. Do đó, ông thường theo sát người kia trong những lúc đi, đứng, nằm, ngồi để tìm chỗ sơ hở. Thế rồi, hai người cùng được một nhà kia mời thọ trai. [356c] Khi đó, người đệ tử Mục-Liên được bánh, bèn ăn một nửa, cầm một nửa ra ngoài nói với đệ tử của A-Nan như sau:

– Trưởng lão, thầy có muốn ăn bánh không?

– Ông được bánh ở đâu vậy?

– Tôi được bánh ở chỗ vừa thọ trai kia nên cầm đến đây.

Thầy ấy liền cầm lấy bánh ăn. Khi ăn xong thầy kia liền nói như sau:

– Trưởng lão, ông phạm tội rồi.

– Phạm tội gì?

– Đức Thế Tôn chế giới không cho phép Tỷ kheo ăn no, rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn lại.

– Vì sao ông biết tôi không làm phép tàn thực mà cố ý khuyên tôi ăn?

– Trước đây trong khi tranh luận, vì sao ông dùng biện tài chiết phục làm nhục tôi?

Do thế, hai người tranh cãi nhau, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhân duyên trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói với hai Tỷ kheo: “Ý các ông nghĩ sao? Ta vì Thanh Văn nói chín bộ Kinh: Tu-Đa-La, Kì-Dạ, Thọ Kí, Già-Đà, Ưu-Đà-Na, Như-Thị-Ngữ, Bản-Sanh, Phương-Quảng và Vị-Tằng-Hữu cho các Thanh Văn nghe, để rồi họ xúi đệ tử nghị luận tranh chấp thắng bại phải không?”.

– Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn.

– Nếu không phải vậy, thì Ta thuyết chín bộ Kinh này cho các Thanh Văn để họ nghe xong rồi theo đó tu hành phải không?

– Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn.

Thế rồi hai Tỷ kheo hướng vào nhau sám hối trước sự chứng kiến của Thế Tôn. Phật liền dạy: “Không được ỷ mình thông Kinh điển mà khinh người khác. Ta cũng không cho phép kẻ nào biết người khác đã ăn no, không làm phép tàn thực mà xúi giục ăn nữa”.

Đoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

— “Nếu Tỷ kheo biết người kia đã ăn no, rời khỏi chỗ, không làm phép tàn thực, mà vì muốn não loạn, khuyên họ ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

(Một số từ ngữ đã được giải thích ở trên).

Não loạn: Xúc não nhiễu loạn người đang ở trước mình muốn cho họ không vui.

Không làm phép tàn thực: Nếu thành tựu năm điều phi pháp thì không được gọi là làm phép tàn thực. Nếu thành tựu năm điều như pháp thì mới được gọi là làm phép tàn thực. Nếu người ta gắng gượng khuyên mình ăn mà mình ăn, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã giải thích.

Nếu Tỷ kheo thành tựu năm điều phi pháp thì suốt đời không được làm phép tàn thực để ăn. Nếu thành tựu năm điều như pháp thì cho phép suốt đời làm phép tàn thực để ăn. Còn các việc khác đã nói rộng như trên.

Nếu như người kia đã ăn no mà tưởng họ chưa no khuyên họ ăn, thì phạm tội [357a] Việt tì ni.

Nếu họ ăn chưa no mà tưởng đã no, khuyên họ ăn, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu họ ăn đã no, tưởng họ ăn đã no mà còn khuyên họ ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu họ ăn chưa no, ta tưởng họ ăn chưa no nên khuyên họ ăn, thì không có tội.

Ở đây, (nếu ăn) các thứ: Cháo mới múc từ trong nồi ra viết không thành chữ, trái cây, rau… thì không phạm. Thế nên nói (như trên).

35. GIỚI: ĂN THỨC ĂN KHÔNG ĐƯỢC MỜI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, bấy giờ tôn giả A-Na-Luật dùng tất cả các thứ đều bằng phấn tảo: Bát phấn tảo; y phấn tảo; thức ăn phấn tảo và giày dép phấn tảo.

Bát phấn tảo: Những cái bát của Tỷ kheo bị vỡ được vá năm lần rồi đem vứt, A-Na-Luật nhặt về vá lại rồi dùng. Đó gọi là bát phấn tảo.

Y phấn tảo: Những cái áo cũ rách người ta vứt trong thôn xóm, A-Na-Luật lượm về giặt sạch rồi dùng. Đó gọi là y phấn tảo.

Thức ăn phấn tảo: Những thức ăn người ta đem cúng các tự miếu của quỷ thần, trưởng lão đem về ăn. Đó gọi là thức ăn phấn tảo.

Giày dép phấn tảo: Những giày dép của các Tỷ kheo dùng hư rách đem vứt bỏ, Trưởng lão nhặt về, sửa chữa lại rồi mang. Đó gọi là giày dép phấn tảo.

Khi đến giờ khất thực, trưởng lão khoác y, cầm bát vào thành khất thực, nhưng lúc vừa vào liền thấy một phụ nữ mang một giỏ cơm, cầm phân bò khô và các phẩm vật tế lễ đi ra. Tôn giả thấy thế, liền suy nghĩ: “Nếu ta được những thức ăn trong đó ta sẽ rất vui, nhưng bây giờ ta phải đi khất thực trước đã”. Thế rồi, thầy đi từ xóm này sang xóm khác, khắp mọi chỗ mà chẳng có gì cả, bèn đến bên một hồ nước, thì thấy phụ nữ trước kia đang quét tước trước miếu, trải cỏ sạch, rồi đặt những phẩm vật xuống đó cúng tế. Khi cúng xong, bà bèn vốc cơm rải ra bốn phía, nói như sau: “Những con quạ ngoan hãy đến ăn. Những con quạ ngoan hãy đến ăn”.

Lúc ấy đang đứng dưới một gốc cây, do thần lực của tôn giả nên những con quạ không dám bay đến ăn. Người phụ nữ trông thấy tôn giả liền nói: “Ông giống như con quạ mù, luôn lẻo đẻo theo người ta”.

Bà ta mắng rồi liền đi về nhà, lúc ấy tôn giả bèn nhặt các thực phẩm tế lễ, rồi cũng trở về tinh xá. Các Tỷ kheo trông thấy thầy, liền bàn với nhau: “Tôn giả này xin thức ăn cực khổ, rất khó được”. Thế rồi họ hỏi thầy:

– Tôn giả có xin được thức ăn không?

– Có. Nhưng thức ăn ấy vướng nhiều tội lỗi chẳng thú vị chút nào!

– Có những tội lỗi gì vậy?

– Như vậy, như vậy đó.

Các Tỷ kheo nghe thế liền đến hỏi Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn! Người đàn bà mắng chửi kia phạm bao nhiêu tội?

– Phạm nhiều tội.

– Nhiều là bao nhiêu?

– Người phụ nữ ấy trong năm trăm đời sẽ mang thân con quạ mù, và trong tất cả các kiếp tái sinh ấy đều chết vì đói.

Thế rồi, Phật bảo gọi A-Na-Luật đến. Khi thầy đến rồi, [357b] Phật liền hỏi:

– Ông có việc đó thật chăng?

– Có thật như vậy bạch Thế Tôn.

– Tuy ông muốn ít việc (nhưng vẫn gặp rắc rối). Từ hôm nay ta không cho phép các Tỷ kheo tự tay cầm lấy những vật mà người khác không đưa cho.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, ngài chế giới cho các Tỷ kheo không được tự tay cầm lấy vật mà người ta không cho. Do thế, các Tỷ kheo đều nhận nước và tăm xỉa răng từ tay người khác đưa. Những ai có tịnh nhân (giúp đỡ) có được tăm và nước còn những người không có tịnh nhân thì không có. Lúc ấy, Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng, có Tỷ kheo tự nghe miệng mình hôi hám, sợ mùi uế khí ảnh hưởng đến các vị đồng phạm hạnh, nên ngồi sau tất cả mọi người. Phật biết mà vẫn hỏi: “Tỷ kheo ấy tại sao ngồi tại chỗ đó giống như người đang giận dữ vậy?”.

Các Tỷ kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì Thế Tôn chế giới vật người ta không trao thì không được lấy, cho nên các Tỷ kheo đều nhận nước và tăm xỉa răng từ người khác. Những ai có tịnh nhân thì có được, còn những người không có tịnh nhân thì rất vất vả, không thể có được; do đó miệng bay mùi hôi, sợ ảnh hưởng đến các bạn đồng phạm hạnh, cho nên phải ngồi sau cùng”.

Phật nói: “Từ nay ta cho phép các Tỷ kheo được lấy nước và tăm xỉa răng để dùng, dù không ai cho”.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho ác Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

–“Nếu Tỷ kheo lấy vật người ta không cho bỏ vào miệng, trừ nước và tăm xỉa răng, thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích:

Không cho: Người khác không cho, không nhận từ người ở trước mình.

Thức ăn bỏ vào trong miệng: Ngoại trừ nước và tăm xỉa răng.

Nước: Gồm có mười loại như trước đã nói. Nếu (người ta đưa) nước đục mình vẫn phải nhận. Nếu tính chất của nước là màu vàng thì uống không có tội (?)

Tăm xỉa răng gồm có hai loại: Loại dẹp và loại tròn. Nếu trong miệng Tỷ kheo bị khí nóng làm cho lở lóet, rồi thầy thuốc bảo: “Nên nhăm cây xỉa răng”, thì có thể dùng; Và khi yết hầu tiết nước ra thì nên nuốt vào, vì Thế Tôn dạy dùng nước và tăm xỉa răng không có tội.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Ngoài ra còn có các trường hợp: 1. Trên thức ăn; 2. Trên cây; 3. Trong giếng; 4. Trên nhà; 5. Nhà bếp; 6. Nhận trong cái đồ đựng mà không phải đồ đựng; 7. Nhận ở trên giường; 8. Thuyền; 9. Xe; 10. Tâm niệm nhận; 11. Đường đi.

1. Trên thức ăn: Nếu khi ăn đem đặt giường, ghế dài, nệm lên trên bó mía, củ cải, hoặc trên bao đựng đậu, thì Tỷ kheo lúc ngồi lên đó không nên động thân, cũng không nên hỏi, nếu động thân hay hỏi: “Đây là vật gì?”Đó gọi là bất tịnh (Phạm lỗi). Nếu khi Tỷ kheo đang ăn mà bị gió thổi làm bay bụi vào bát nhưng không làm bẩn cơm và rau thì vẫn cứ ăn. Trái lại, nếu tất cả rau và cơm đều bẩn thì nên nhận thức ăn khác. Nếu khi Tỷ kheo đang ăn mà có bò, lạc đà đi ngang qua [357c] làm tung bụi lên mà không vấy bẩn đồ ăn, thì vẫn cứ ăn. Hoặc giả chỉ làm bẩn rau thì vẫn cứ ăn. Nếu bụi làm bẩn cả rau và cơm thì tất cả đều phải đổi thứ khác. Nếu súc sinh rùng mình bụi bay đến (làm bẩn thức ăn) mà mình tác ý nhận lấy thì được gọi là đã nhận. Nếu có các loài chim làm bay bụi đến cũng như thế. Nếu khi Tỷ kheo đang ăn, rồi người nữ đi qua quẹt lai quần xuống đất làm bay bụi vào thức ăn, thì cũng như thế. Nếu có tịnh nhân mang cỏ, lá đi qua, Tỷ kheo nên nói với họ: “Để xuống đó”. Hoặc họ mang muối, trái, rau đi qua nên bảo họ: “Để xuống đó”. Nếu tịnh nhân cầm trái cây đi làm rơi trên cỏ rồi họ đi luôn thì không gọi là (Tỷ kheo) đã nhận; nhưng nếu họ dừng lại một tí, thì được gọi là đã nhận. Nếu trái cây còn cứng thì được phép lấy rửa sạch mà ăn. Nếu trái cây đã hư thối thì không nên lấy.

Nếu tịnh nhân đem lương khô ra đập giũ khiến bụi lương khô bay vào trong bát mà Tỷ kheo tác ý thọ nhận, tức là đã nhận. Nếu không tác ý thì nên nhận cái khác. Nếu tịnh nhân lấy cái chén để đựng bún, rồi cái chén rơi vào trong bát mà ngay lập tức Tỷ kheo dùng tay lấy ra, thì cái chén kia vẫn được xem là sạch. Nếu dừng lại trong chốc lát thì cái chén ấy được coi là không sạch. Nếu đó là chén bằng đồng thì nên đem rửa sạch mà dùng. Nếu đó là cái chén bằng gỗ bị cáu bẩn dính vào thì nên vứt đi. Nếu cáu bẩn không dính, thì nên đem gọt đi rồi dùng. Nếu khi tịnh nhân dọn cơm làm văng cơm vào trong bát mình mà Tỷ kheo tác ý nhận thì gọi là đã nhận.

Nếu không tác ý nhận thì nên nhận cái khác. Nếu họ bưng tô, lạc, sữa rau tương… thì cũng như vậy.

Nếu vào các dịp: 5 Năm mỡ đại hội một lần, ngày Phật đản sanh, ngày Phật thành đạo, ngày chuyển pháp luân, ngày A Nan mở đại hội, ngày La Hầu la mở đại hội mà không có tịnh nhân giúp đỡ thì Tỷkheo nên đến chỗ rổ rau để lấy rau hoặc lấy muối, bún, cơm cũng như thế. Nếu tịnh nhân đưa thức ăn mà họ dởõ lên không khỏi đất thì cũng được xem là Tỷ kheo đã nhận, nhưng như thế là trái oai nghi. Khi ấy Tỷ kheo nên nói với tịnh nhân: “Ngươi dỡ lên khỏi đất mà trao cho ta”. Nếu tịnh nhân còn nhỏ không dở nổi thì nên nói: “Ngươi đưa dần dần cho ta”. Khi nhận canh, bánh, thức ăn uống cũng như thế. Nếu khi nhận bình sữa mà dây buộc vướng dưới đất thì nên nói: “Ngươi mang luôn cả cái dây”. Nếu tịnh nhân còn bé bưng lên không nổi, thì nên bảo họ múc sữa đưa cho mình từ từ. Tất cả các vật khác cũng thế. Nếu đường đang nấu nóng không cầm được, thì nên dùng hai miếng gỗ kẹp ngang đặt trên đất, rồi Tỷ kheo dùng chân đạp lên trên và nói: “Nhận, nhận”. Đó gọi là trên thức ăn.

2. Trên cây: Khi thấy tịnh nhân đang ăn trái cây trên cây, Tỷ kheo nói: “Đưa trái cây cho ta”. Tịnh nhân liền rung cây, trái rơi vào trong đồ đựng của Tỷ kheo, thì được gọi là nhận; nhưng làm như vậy là trái oai nghi. Nếu tịnh nhân dùng chân, dùng tay, dùng miệng thả trái cây xuống, rồi trái cây chạm vào cành lá, Tỷ kheo (358a) nên nói: “Lấy lấy”đó gọi là đã lấy. Hoặc họ dùng dây buộc thả xuống, hoặc dùng chân, tay thả xuống khiến nó chạm vào cành lá, thì Tỷ kheo cũng nên nói: “Lấy lấy”. Đó gọi là lấy. Nếu tịnh nhân ăn bánh, đậu mà Tỷ kheo muốn ăn, liền hỏi: “Cho tôi bánh, đậu”. Nhưng tịnh nhân không muốn đưa, Tỷ kheo liền gở tay tịnh nhân ra, giựt bỏ vào trong túi áo của mình, nói: “Lấy lấy”thì được gọi là lấy. Nhưng trái oai nghi.

Khi khỉ đang ăn quả trên cây, Tỷ kheo muốn ăn bèn nói với khỉ: “Cho ta trái cây”. Khỉ liền rung cây cho trái rớt xuống, rồi Tỷ kheo dùng giỏ hứng lấy, trái cây liền rơi vào trong giỏ, thì được xem là đã lấy. Nhưng làm như vậy là trái oai nghi. Hoặc nó dùng tay, chân hay miệng thả trái xuống, khi trái chạm vào cành lá, Tỷ kheo cũng nên nói: “Lấy lấy”. Đó gọi là lấy. Tóm lại, đó gọi là trên cây.

3. Trong giếng: Nếu Tỷ kheo sống tại A-Luyện-Nhã, khi giếng bị ngập nước mà không có tịnh nhân giúp đỡ, thì Tỷ kheo phải tự mình múc nước ra. Rồi lúc ấy một Tỷ kheo khác nói: “Đến giờ rồi, nên lên ăn đã”. Tỷ kheo ở trong giếng nói: “Nếu tôi lên thì nước sẽ đầy lại. Tôi muốn ăn ngay trong đây, hãy đưa thức ăn xuống”. Khi ấy tịnh nhân nên dùng bát đựng đầy thức ăn, rồi lấy dây buộc để thả xuống, và Tỷ kheo ở dưới giếng nên nói với tịnh nhân: “Nắm dây thả xuống”. Nếu ở hông giếng có cỏ cây sống thì nên bảo phải tránh chúng. Khi đưa thức ăn xuống tới đáy giếng, thì Tỷ kheo nên một tay cầm dây, một tay cầm lấy bát thức ăn, nói như sau: “Lấy lấy”. Đó gọi là lấy. Nếu nước dưới giếng trong thì có thể lấy uống, nếu nước đục thì bảo tịnh nhân lấy cái bình đựng nước sạch buộc dây thả xuống, như trên đã nói. Đó gọi là trong giếng.

4. Trên nhà: Nếu Tỷ kheo sống tại A-Luyện-Nhã, không có tịnh nhân nên Tỷ kheo phải tự lợp nhà, rồi đến giờ ăn, một Tỷ kheo khác gọi: “Đã đến giờ, xuống ăn cơm đã”.

Tỷ kheo đang lợp nhà nói: “Lên xuống khó khăn lại bỏ dở công việc, tôi muốn ăn trên này, hãy đưa đồ ăn lên”. Rồi bảo tịnh nhân: “Đem thức ăn bỏ vào trong bát rồi đưa lên”.

Đồng thời Tỷ kheo hạ cây móc dài xuống bảo tịnh nhân máng vào móc đó rồi kéo lên, nói thế này: “Nhận nhận”. Đó gọi là nhận. Khi thả dây xuống cũng thế. Đó gọi là trên nhà.

5. Nhà bếp: Nếu làm chùa mới không nên làm nhà bếp tại chái nhà phía Đông và phía Bắc mà nên làm tại chái nhà phía Nam và phía Tây, và nên khai thông hướng gió, khai thông đường nước quét rửa cho nước chảy đi, trong nhà bếp dùng nấu thức ăn. Khi tủ đựng thức ăn bẩn mà tịnh nhân còn nhỏ, thì Tỷ kheo tự rửa lấy cho sạch. Khi đổ nước vào trong nồi đồng xong nên bảo tịnh nhân: “Ngươi đem vo gạo đi”. Nếu tịnh nhân còn bé không thể [358b] làm được, thì nên cầm tay nó dạy cách rửa đồ đạc, vo gạo và nấu cơm. Nếu đồ đựng thức ăn chưa đậy thì nên chỉ y đậy lại. Nếu không có tịnh nhân mà lúc đó có chiếu sạch, khăn sạch hay tấm ván sạch, thì Tỷ kheo tự động lấy đậy lên trên. Khi phơi lúa nếu Tỷ kheo dẫm chân lên lúa thì nên bảo tịnh nhân khỏa dấu chân đi. Nếu bị sư tử hổ lang rượt, hoặc phụ nữ có lòng dục truy đuổi Tỷ kheo, thì lúc bỏ chạy dù dẫm chân lên lúa vẫn không có tội. Nếu dồn lúa thành đống gặp lúc trời mưa thì nên bảo tịnh nhân che lại. Nếu không có tịnh nhân mà có chiếu sạch thì Tỷ kheo nên lấy che lên trên rồi dùng gạch đá sạch đằng lên. Nếu làm chùa mới, mà trong nhà bếp có các thứ như: dầu ăn, dầu dùng trong bảy ngày, hoặc bình đựng bột, bình đường cát, hũ muuối, hũ đựng bột cỏ, hũ đường phèn, hũ đựng tro, bó mía, bó tre, bó nem, bó vỏ cây dùng để nhuộm, rồi Tỷ kheo bảo một Tỷ kheo thị giả: “Ngươi lấy bình dầu dùng bảy ngày đến đây”, nhưng Tỷ kheo thị giả cầm nhầm bình dầu ăn đến, tuy lúc ấy Tỷ kheo từ xa trông thấy biết đó là dầu ăn vẫn không được kêu lên, vì e người kia hoảng sợ làm vở bình dầu. Đợi người ấy đến rồi mới hỏi:

– Trưởng lão, dầu gì đó vậy?

– Dầu dùng bảy ngày.

Thầy liền bảo: “Hãy để xuống đó”, mà không được gọi tên dầu, rồi để đó mà dùng trong bảy ngày. Hoặc bảo: “Trưởng lão thầy lấy dầu ăn đến”. Tỷ kheo ấy liền lấy nhằm dầu ăn bảy ngày đến, thì không được nói lên mà đợi họ mang đến nơi rồi mới hỏi: “Trưởng lão, dầu gì đó vậy?”.

Nếu người ấy đáp: “Dầu ăn”thì nên bảo: “Hãy để xuống đó”. Do thế gọi là dầu trong bảy ngày.

Cũng thế, nếu bảo lấy hũ đường cát mà cầm nhầm bình bột, bảo lấy hũ bột cỏ mà cầm nhầm hũ muối, bảo lấy hũ đựng tro mà cầm nhầm hũ đường phèn, bảo lấy bó tre mà cầm nhầm bó mía, bảo lấy bó vỏ cây dùng để nhuộm mà cầm nhầm bó nem đến thì đều như trên đã nói rõ.

Nếu Tỷ kheo này bảo Tỷ kheo khác: “Trưởng lão, thầy hãy tới chỗ kia xem kỹ bình nào là bình tro thì đem lại đây”. Tỷ kheo ấy đến đó thò tay vào sờ trong bình đụng nhằm bún liền cầm lên xem, thì cái bình này vẫn còn sạch. Nếu thầy cầm bùn bỏ lại vào trong bình, thì gọi đó là không sạch. Đối với các bình bột cỏ, bình tro đều cũng như thế.

Nếu bảo: “Ông xem kỹ loại nào tre thì mang đến”, rồi Tỷ kheo ấy đến đó rút cây mía lên xem, thì vật đó vẫn gọi là sạch. Nếu thầy đút cây mía trở vào trong bó thì cả bó mía đều không sạch. Cũng như vậy đối với bó nem.

Nếu nhà bếp bị dột rồi Tỷ kheo bảo tịnh nhân đem tất cả đồ đạc trong nhà bếp ra ngoài, lấp hang chuột lại, quét đất, dùng đá lớn đặt lên trên, xây chân tường bằng gạch, loại lớn để ở dưới loại nhỏ đặt lên trên. Khi ấy Tỷ kheo được đứng ở giữa nhà chỉ bảo tịnh nhân sắp đặt [358c] các thứ sữa, tô, lạc, dầu, mật, đường phèn, muối nhưng không được xem chúng.

Khi nhà bếp bị hư hỏng mà không sửa chữa thì theo pháp luật xử thầy tri sự. Đó gọi là nhà bếp.

6. Nhận trong cái đồ đựng mà không phải đồ đựng: Tất cả các loại lá, nếu cuốn lại thì gọi là đồ đựng, nếu nó trợt ra thì không phải là đồ đựng. Nếu cái mâm có vành, ở trong sâu, đựng thóc lúa được, thì gọi là đồ đựng. Nếu giường ngồi, giường nằm có loại dây đan dày thì được xem là đồ đựng, nếu đan thưa thì không gọi là đồ đựng. Thuyền ở trên bờ gọi thì là đồ đựng, mà ở dưới nước thì không phải là đồ đựng. Khi xe không có bò kéo thì gọi là đồ đựng, mà khi có bò kéo thì không phải là đồ đựng.

Nếu khi Tỷ kheo đi khất thực, rồi người chủ nhà, chủ quán dùng cái đấu (chén) múc bún đưa cho Tỷ kheo, mà cái đấu đó được buộc lại một chùm thành năm thăng, bốn thăng, ba thăng, hai thăng, hay một thăng, thì khi đó, Tỷ kheo nên bảo thí chủ mở hết ra, lấy cái đấu có đồ ăn đưa cho mình. Nếu buộc chặt không mở được, thì Tỷ kheo nên bảo họ dùng cái lá bỏ thức ăn lên đó đưa cho mình. Đó gọi là nhận trong cái đồ đựng mà không phải đồ đựng.

7. Nhận ở trên giường: Nếu Tỷ kheo đang ngồi Thiền hoặc ngủ trên giường, rồi tịnh nhân đem thức ăn đến để gần tầm tay, mà Tỷ kheo hay biết tức là nhận. Nếu không hay biết, thì khi tỉnh ra mà muốn ăn phải nhận lại từ tịnh nhân. Nếu không muốn ăn thì tự tay trao lại cho tịnh nhân. Trong trường hợp treo bên cạnh giường thì cũng giống trường hợp để trên giường. Nếu ở trên sàn, trên gác có thức ăn mà Tỷ kheo để y bát, rồi khi lấy y bát làm lay động đến thức ăn, thì tất cả thức ăn đó trở thành bất tịnh (không hợp lệ). Nhưng nếu sàn gác chắc chắn không lay động, thì không có tội. Nếu trên giá y có để bình sữa, bình dầu mà khi Tỷ kheo lấy y, làm lay động cũng như vậy. Đó gọi là nhận vật ở trên giường.

8. Thuyền: Nếu thuyền chở mười bảy loại mễ cốc mà trên mễ cốc có trải tấm sáo hoặc trải chiếu lên trên, thì Tỷ kheo được ngồi trên đó, nhưng không nên gọi tên giống mễ cốc; nếu gọi tên thì được coi là bất tịnh (bất hợp pháp). Nếu bỗng nhiên gió thổi khiến thuyền trôi xuôi dòng, hoặc bị sóng xô khiến thuyền giạt lên bờ, thì tất cả (các thứ mễ cốc) đều bất tịnh. Nhưng nếu dây buộc thuyền, và mái chèo chưa rời khỏi nước thì cũng gọi là tịnh. Đó gọi là thuyền.

9. Xe: Nếu trên xe lớn chở mười bảy giống mễ cốc, trên mễ cốc trải tấm sáo tre và chiếu, rồi Tỷ kheo ngồi lên trên thì không được gọi tên mễ cốc, nếu gọi thì thành bất tịnh. Nếu trên xe nhỏ có các tịnh vật và y bát mà khi Tỷ kheo lấy y bát làm lay động tịnh vật, thì tất cả tịnh vật đều trở thành bất tịnh. Lúc ấy tỷ kheo nên bảo tịnh nhân lấy y bát đưa cho mình. Không được dùng bò tác tịnh (?). Khi lên xe, Tỷ kheo nên bảo tịnh nhân lên trước, mình lên sau; lúc xuống xe, Tỷ kheo phải xuống trước, tịnh nhân xuống sau. Nếu khi xuống dốc, xe lắc lư khiến rơi xuống đất hoặc rời khỏi bò, thì tất cả (mễ cốc) đều thành bất tịnh [359a]. Nếu khi xuống dốc, xe lật rời khỏi bò, mà dây buộc đuôi bò chưa rời khỏi xe, thì tất cả đều là tịnh. Đó gọi là xe.

10. Tâm niệm nhận: Có nước Đăng-Cù vốn là nơi biên địa, dân chúng có tà kiến, nên ghét Tỷ kheo không cho thức ăn. Lúc ấy, các Tỷ kheo nên làm đàn tràng vẽ thành một khu vực, nếu thấy lá vàng rơi vào bát (?), thì từ xa nói: “Nhận nhận”. Khi lá bắt đầu rơi thì hay biết, nhưng khi rớt vào trong bát thì không hay biết, như thế được gọi là đã nhận; nhưng trái oai nghi. Khi rơi vào trong bát thì biết nhưng khi bắt đầu rơi thì không biết, cũng gọi là nhận; nhưng trái oai nghi. Khi bắt đầu rơi và khi rớt vào trong bát đều hay biết, đó gọi là khéo nhận.

Nếu Tỷ kheo đi khất thực, bỗng chim quạ làm rơi cục thịt vào trong bát của Tỷ kheo, khi bắt đầu rơi đã biết chứ không phải khi rơi vào trong bát mới biết, đó gọi là nhận; nhưng trái oai nghi. Khi rớt vào trong bát mới biết chứ không phải lúc bắt đầu rơi đã biết, đó cũng gọi là nhận; nhưng trái oai nghi. Khi bắt đầu rơi liền biết, khi rớt vào trong bát cũng biết, đó gọi là khéo nhận. Tóm lại, trên đây gọi là tâm niệm nhận.

11. Đường đi: Nếu Tỷ kheo muốn cùng đi chung với thương nhân, nên nói với họ: “Cho tôi mượn người giúp đỡ”. Rồi thương nhân đáp: “Được thôi”. Nhưng lúc lên đường, họ lại nói: “Tôi không có người giúp đỡ mà chỉ có bò, nếu tôn giả cần thì hãy lấy dùng”. Khi ấy, nên sai tịnh nhân lấy cái túi xách lớn, đong lương thực đủ số ngày đi, rồi đổ vào túi xách, xong xuôi lấy dây buộc vào trên con bò, và đến bữa ăn thì nên sai tịnh nhân đi lấy. Nếu không có tịnh nhân, thì một người gỡ dây, một người lấy túi xách, đồng thời miệng nói: “Lấy lấy”. Đó gọi là lấy.

Khi chưa tới nơi mà lương thực hết ở dọc đường, thì nên lấy cái túi xách ra giặt sạch, rồi xin lương thực khác bỏ vào túi, buộc kỹ lại như trước.

Lúc đi đường, phải tùy thời cho bò ăn, cột ở chỗ mát mẻ, chớ để nó cực nhọc. Khi tới nơi, phải trả bò lại cho chủ cũ.

Nếu Tỷ kheo đi trên đường, ngang qua đám mía, thì nên đến người giữ mía hỏi xin như sau: “Lão trượng, cho tôi một ít mía”.

– Tôn giả cứ tự ý lấy.

– Lão trượng, tôi không được phép tự lấy.

– Nếu thầy muốn ăn thì tự ý lấy, nếu không muốn ăn thì lấy đi đi.

Lúc ấy, Tỷ kheo liền lấy dây cột vào những cây mía tốt rồi buộc vào đầu bò, nói như sau: “Hãy biết đó là mía của chúng sinh”. Nếu bấy giờ bên cạnh đám mía đang có đống lửa thì thầy nên lùa bò đi qua đống lửa để cho mía được tác tịnh, nhưng không làm cho bò bị cháy. Thế rồi, một người vác mía đặt lên đầu bò, một người mở dây buộc, nói như sau: “Lấy lấy”. Đó gọi là lấy. Trong trường hợp củ cải cũng như thế.

Nếu bò ăn củ cải, Tỷ kheo liền nắm đầu bò giựt lạ, nói: “Lấy lấy”, thì được gọi là lấy; nhưng trái oai nghi.

Khi Tỷ kheo đi đường, tịnh nhân đứng bên đường lấy đãy bỏ bún vào [359b] nhưng dây của đãy chưa rời khỏi đất, cũng gọi là đã nhận; nhưng như thế là trái oai nghi, cần phải bảo họ cuốn dây gọn lại rồi trao đãy cho mình. Thế nên nói (như trên).

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 13 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 06 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 10 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 15 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng