Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật

Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật Kinh

Hán dịch: Đường Nghĩa Tịnh

Việt dịch: Thích Tâm Châu

***

1. Chính tôi được nghe, vào một thời kia, Thế tôn an trụ trên núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá. Ngài và một số chúng Đại Bật Sô cùng ở nơi này (2).

2. Và, khi bấy giờ có bậc đại trí là Xá Lỵ tử, là bậc pháp tướng, tối cao trong chúng vì thương thế gian, liền từ tòa ngồi, khoan thai đứng dậy, trễ áo vai hữu, gối hữu quỳ đất, chấp tay cung kính, bạch Thế Tôn rằng:“ Kính bạch Thế Tôn Kính mong Thế Tôn, rũ lòng chấp thuận.”

3. Đức Phật kiến bảo ông Xá Lỵ Tử :“ Tùy ông hỏi gì, Ta sẽ giảng giải.”

4. Ngay lúc bấy giờ, ông Xá Lỵ Tử, thỉnh vấn Thế Tôn bằng lời kệ tụng:

“ Như kinh đã nói,

Đại Sư thụ ký

vị Phật sau này

là ngài Từ Thị.

Kính mong Thế Tôn,

trùng tụng kinh ấy,

và phân biệt rõ

uy đức thần thông

của ngài Từ Thị.

Chúng con muốn nghe

về vấn đề ấy.”

5. Đức Phật từ ái, bảo Xá Lỵ Tử :

“ Ông nên chí tâm,

lắng nghe cho rõ,

Ta sẽ vì ông

nói rộng về việc

Thế Tôn Từ Thị,

trong đời sau này.”

6. Với thế gian ấy,

nước nơi biển cả,

dần dần cạn đi,

xuống đến hai nghìn

ba trăm do tuần (3)

để lộ đất đai

của Chuyển Luân Vương.

Nam thiện bộ châu,

đất đai ngang dọc,

hàng vạn do tuần,

và khắp mọi nơi

đã có chúng sinh

an trụ trong đó,

đều được sung mãn.

Đất nước giàu thịnh,

không có hình phạt,

không có tai ách.

Nam nữ nơi đây,

do thiện nghiệp sinh.

Đất không có gai,

thuần cỏ xanh mềm.

Chân bước lên trên,

như trên bông mịn.

Đất nước tự nhiên

mọc lên lúa hương,

mùi vị thơm ngon,

thảy đều đầy đủ.

Tự nhiên các cây,

hóa ra y phục,

đủ để trang nghiêm.

Mỗi cây cao độ

ba vạn câu xa (4),

hoa quả đầy dẫy.

7. Người trong nước ấy

sống tám vạn tuổi,

không có tật khổ,

không có phiền não,

thường an vui.

Đức tướng trang nghiêm,

sắc lực viên mãn.

Nhưng người ta lo

chỉ về ba việc,

là lo thức ăn,

lo sự suy yếu,

lo sự tiện lợi.

Về phần nữ giới,

mãi năm trăm tuổi,

mới kết hôn nhân.

Khi người nào đó,

muốn di tiện lợi,

đất tự nứt ra,

tiện lợi vào đó,

đất liền khép lại.

Khi sắp mệnh chung,

tự mình đi đến

ngay nơi nghĩa trang

thân hóa tại đó.

Đô thành Luân Vương

là diệu Chàng tướng.

Bề dọc đô thành

mười hai do tuần.

Bề rộng của nó

là bảy do tuần.

Dân cư trong thành,

đều là những người

đã trồng nhân tốt.

Thành có thắng đức,

ai ở đều vui.

Lâu đài, các sở

ngăn ngừa kẻ địch,

tất cả xây nên,

đều bằng thất bảo (6).

Khóa cùng các cửa,

cũng dát châu báu.

Hòa rãnh quanh thành ,

làm bằng ngọc quý.

Hoa thơm lừng lẩy,

chim đẹp liệng bay.

Bảy hàng đa la (2)

trồng quang tất cả. Và, đều trang nghiêm

bằng các châu báu.

Trên mỗi cây ấy

đều treo chuông khánh.

Gió hiu hiu thổi

vào các cây báu,

diễn ra những tiếng,

êm dịu nhiệm mầu,

như tấu bát âm (8)

người nghe hoan hỷ.

Nơi nào cũng có

ao hồ đẹp mắt,

trong đó đầy dẫy

những hoa tạp sắc.

Vườn, rừng thơm đẹp,

thành quách trang nghiêm.

8. Đất nước nầy có

một vị thánh chủ

tên là Hướng Khư,

là Kim luân Vương,

cai trị bốn châu,

uy lực, giầu thịnh.

Phúc nghiệp nhà vua,

mạnh mẽ vô song.

Lại còn cả bốn

loại hùng binh.

Mọi thứ thành tựu,

đều bằng thất bảo.

Nhà vua còn có

một nghìn người con.

Bốn biển thanh bình,

không có chiến tranh.

Chính pháp dạy dân,

khuyên đều bình đẳng.

Đất nước còn có

bốn kho tàng lớn.

Trong mỗi kho tàng

có trăm vạn ức

những thứ trân bảo.

Ở Yết Lăng Già,

có một kho báu

là Băng Kiệt La.

Ở Mật Hy La,

có một kho báu

là Bát Trục Ca.

Ở nơi Kiền Đà,

có một kho báu

Y La bát La.

Ở Bà La Tư,

có một kho báu

tên là Hướng Khư.

Bốn kho báu ấy,

thuộc vua Hướng Khư.

Do nương nhờ vào

bao phúc nghiệp trước,

cho nên ngày nay,

quả báo thành tựu.

9. Nhà vua lại có

phụ quốc đại thần,

dòng Bà La Môn,

tên là Thiện Tịnh.

Ông làm Quốc Sư,

là bậc đa văn,

hiểu suốt “ Tứ Minh” (9)

thông các tạp luận,

ham nghe, ham học,

khéo léo hành trì,

lại khéo giáo hóa,

và đến những môn

huấn giải, thanh minh (10) ”

đều nghiên cứu cả.

Và bà Tịnh Diệu

là vợ Thiện Tịnh,

vóc dáng đoan nghiêm,

ai trông thấy bà

cũng đều hoan hỷ.

10. Nay đức Từ Thị,

từ trời Đâu Suất (11)

mượn nơi Tịnh Diệu,

mang bào thai người,

cho thân sau cùng.

Mang thai đại thánh,

đầy đủ mười tháng.

Một hôm tôn mẫu

của đức Từ thị,

thăm vườn Diệu Hoa.

Khi đến vườn này,

bà không ngồi, nằm,

đứng vịn cây hoa,

bổng nhiên đản sinh

ra đức Từ Thị.

11. Khi Từ Thị sinh

từ nơi nách phải

thân mẫu Ngài,

như ánh mặt trời,

vượt khỏi mây mờ,

phóng ra ánh sáng,

chiếu khắp tất cả.

Tuy mượn bào thai,

nhưng không nhiễm xúc

những cảnh trần tục.

Như hoa sen thơm,

từ nước mọc lên.

12. Khi ánh sáng chiếu

tràn lan ba cõi (12) ,

tất cả mọi nơi,

nơi nào cũng đều

kính ngưỡng ánh sáng

của đức Từ Thị.

Và trong khi sinh,

Đế Thích Thiên Chủ (13) ,

tự nâng Bồ tát

và rất vui mừng,

gặp Lưỡng Túc Tôn (14) .

Trong thời gian ấy,

tự nhiên Bồ tát

kinh hành bảy bước,

trong mỗi bước đi,

nở hoa sen báu.

13. Khi ấy Từ Thị

quan sát mười phương

tuyên cáo chư thiên

và nhân chúng rằng:

“ Đây thân tối hậu,

đạt tới vô sinh,

chứng nhập Niết bàn”. (15)

14. Sau giờ phút ấy,

rồng phun thanh thủy,

tắm thân Đại Bi,

chư thiên rải hoa,

rợp khắp hư không,

chư thiên cầm lọng,

che Đại Từ Tôn.

Ai ai cũng đều

sinh tâm hy hữu,

và đều thủ hộ

thân của Bồ tát.

15. Vú nuôi nâng niu,

ẵm thân Bồ Tát.

Thấy thân hiện rõ

32 tướng tốt,

đủ mọi ánh sáng.

Bà liền trao Ngài

cho thân mẫu Ngài.

Người trong hoàng cung

đem se đến rước.

Xe này trạm trổ,

trang nghiêm châu báu.

Mẹ con lên xe

chư thiên nâng đỡ.

Nghìn thứ âm nhạc,

trỗi khúc vui mừng,

dẫn đạo về cung.

16. Từ Thị vào thành,

hoa trời tung rãi.

Ngày Ngài đản sinh,

thể nữ mang thai,

thân được an ổn,

đều sinh con trai,

thông minh trí tuệ.

Tôn phụ thiện tịnh

nhìn dung nhan con,

đủ 32 tướng,

tâm sinh hoan hỷ.

Rồi ông xem tướng,

biết con hai tướng:

nếu ở thế gian,

làm chuyển luân vương,

và nếu xuất gia,

thành bậc Chính Giác.

17. Bồ Tát khôn lớn,

thương xót chúng sinh.

Chúng sinh ở trong

đau khổ, hiểm nạn,

và bị luân hồi,

không lúc ngừng nghỉ.

Thân Ngài sắc vàng,

sáng tỏa rực rỡ.

Âm thanh của Ngài,

như tiếng phạm âm.

Mắt Ngài ánh xanh,

như hoa sen xanh.

Chi thể của Ngài,

tám mươi khuỷu tay.

và tướng đoan nghiêm,

như mặt trăng tròn.

18. Đối với Bồ tát,

mọi nghề đều giỏi,

Lại khéo dạy bảo

những người theo học.

Ngay đến trẻ nhỏ

xin theo học Ngài,

số người đến cả

tám vạn bốn nghìn.

19. Vào thế gian ấy

Luân Vương Hướng Khư

dụng cờ bảy báu (17) ,

cờ cao vào cỡ

khoảng bảy mươi tầm (18) ,

và rộng vào khoảng,

độ sáu mươi tầm.

Dựng cờ xong rồi,

vua phát xả tâm,

cho Bà La Môn,

lập hội vô già (19) ,

làm việc bố thí,

một cách bình đẵng.

20. Trong thế gian nầy,

các hàng Phạm Chí (20),

có đến nghìn người,

được cờ báu nầy,

tích tắc hư bể.

Bồ tát thấy thế,

Ngài tự niệm rằng,

sự việc thế tục,

đều như thế cả.

Đều bị sinh tử

khổ đau ràng buộc.

Do đó, Ngài liền

nghĩ đến xuất ly.

Mong đạo tịch diệt,

bỏ tục xuất gia.

Xuất gia chứng đạo,

cứu vớt chúng sinh,

ra khỏi luân hồi,

sinh, già , bệnh, chết.

21. Ngày đức Từ Tôn,

hưng khởi đại nguyện,

đã có số người

tám vạn bốn ngàn,

sinh tâm yếm ly,

tu theo phạm hạnh.

Đêm mới phát tâm,

xả tục xuất gia,

Ngài đã chứng được

ngôi đẳng giác địa.

Có cây Bồ đề,

tên là Long Hoa,

cao bốn do tuần,

tươi tốt sum sê.

Cành lá che rợp,

tỏa ra bốn bên,

sáu câu lô xá.

Từ Thị đại bi,

thành ngôi chánh giác,

dưới gốc cây nầy.

22. Đối với loài người,

Từ Thị đại bi

là bậc tối thắng,

Ngài đủ tám thứ

âm thanh cõi Phạm (21).

Thuyết pháp độ sinh,

bỏ các phiền não.

Khổ, nơi sinh khổ,

tất cả trừ diệt.

Tu tám chính đạo (22) ,

lên bờ Niết Bàn.

Ngài vì các hàng

thanh tín nam nữ,

nói bốn chân đế (23).

Được nghe pháp rối,

dốc lòng vâng giữ.

23. Trong vườn Diệu Hoa,

chúng họp đông đảo.

Đấy đủ quyến thuộc,

hàng trăm do tuần.

Hướng Khư Luân Vương,

nghe pháp thâm diệu,

bỏ hết trần lao,

tâm thích xuất gia.

Không tiếc thứ gì,

trong nơi hoàng cung.

Chỉ dốc một lòng,

mong cầu xuất ly.

Và cả quần chúng,

tám vạn bốn nghìn,

cũng đều theo vua,

xuất gia tu đạo.

Lại cả trẻ nhỏ,

dòng Bà la môn,

số đông ắt có,

tám vạn bốn nghìn,

nghe vua bỏ tục,

cũng cầu xuất gia.

Cả quan Chủ Tạng,

tên là Thiện Tài,

và nghìn quyến thuộc,

cũng cầu xuất gia.

Nàng Tỳ Xá Khư,

bảo nữ trong cung,

cùng những tùy tùng,

tám vạn bốn nghìn,

đều cấu xuất gia.

Cho đến con số,

trên trăm nghìn người

thiện nam, thiện nữ,

nghe Phật nói pháp

cũng cầu xuất gia.

24. Ngài là một bực

Thánh chủ từ bi,

được người và trời,

cung kính tôn trọng.

Quán tất cả tâm

chúng sinh rồi,

tuyên diễn pháp yếu.

Ngài bảo đại chúng,

các vị nên biết,

với lòng từ bi

của Phật Thích Ca,

đã dạy các vị,

tu theo chính đạo,

do đó các vị

sinh trong pháp tôi.

Với nhân duyên trước,

hoặc dùng hương hoa,

tràng phan lọng tán,

trang nghiêm đẹp đẽ,

cúng dường Mâu Ni,

nên được sinh vào

pháp hội của Tôi.

Hoặc dùng các thứ

uất kim trầm thủy,

các loại đất bùn,

thơm tho sạch sẽ,

dùng để xây cất

và để tô trát,

cúng dường vào ngôi

tháp Phật Mâu Ni.

Do nhân duyên ấy,

sinh trong pháp Tôi.

Quy y Phật , Pháp.

Tăng, cung kính thân cận,

tu mọi thiện hạnh,

sẽ được sinh vào

pháp hội của Tôi.

Hoặc trong Phật pháp,

thọ trì học xứ,

khéo giữ không phạm,

sẽ được sinh vào

pháp hội của Tôi.

Với tứ phương tăng,

cúng áo, món ăn,

cùng những thuốc tốt,

sẽ được sinh vào

pháp hội của Tôi.

Trong bốn kỳ chay,

hoặc tháng thần thông (24) ,

thụ trì tám giới (25),

sẽ được sinh vào

pháp hội của Tôi.

Hoặc dùng ba thông

như thần cảnh ký

và giới giáo thụ (26) ,

giáo đạo Thanh Văn,

diệt trừ phiền não,

để được dự vào

pháp hội Long Hoa.

25. Hội đầu thuyết pháp,

độ các Thanh Văn,

khỏi phiền não chướng.

Số người được độ,

chín mươi sáu ức.

Hội hai, thuyết pháp,

độ các Thanh Văn,

qua biển vô minh.

Số người được đọ,

chín mươi bốn ức.

Hội ba, thuyết pháp,

độ các Thanh Văn,

điều phục thiện tâm.

Số người được độ,

chín mươi hai ức.

26. Ba lần chuyển pháp,

nhân thiên thuần tịnh,

đem chúng đệ tử,

vào thành khuất thực.

Vào Diệu Trành thành,

đường xá nghiêm sạch.

Trời cúng dường Phật,

rải hoa mạn đà,

các thiên chúng khác:

Tứ vương, Phạm vương . . . ,

cúng dường hương hoa,

quanh thân đại bi.

Chư Thiên đức lớn,

dâng y phục đẹp.

Các vật cúng dường

của các chư thiên,

phất phới thành ấp,

tràn ngập đường xá.

Mục đích các vị,

cung kính chiêm ngưỡng

bậc đại y vương,

ra đời hóa độ.

Hương hoa diệu bảo

khắp chốn, khắp nơi,

ai bước chân lên,

như bước lên nệm

bông đâu-la-miên (27) .

Tràng phan âm nhạc,

la liệt bên đường.

27. Vua trời Đế Thích,

cùng chúng nhân thiên,

tán thán công đức,

bậc đại Từ Tôn:

Nhất tâm kính lễ

bậc Thiên Thượng Tôn.

Nhất tâm kính lễ

bậc Sĩ Trung Thắng.

Lành thay Thế Tôn,

thương xót thế gian.

Có uy đức lớn,

làm cho chúng ma,

quy tâm đỉnh lễ,

tán ngưỡng Đạo Sư.

Thiên chúng Phạm vương,

quyến thuộc vây quanh,

dùng tiếng Phạm Âm,

xiển dương diệu pháp.

28. Trong thế giới này,

nhiều A la hán,

trừ bỏ lậu nghiệp,

lìa hẳn phiền não.

Nhân, Thiên, Long Thần,

Càn Thát, Tu la,

La sát, Dược Xoa. . .

hoan hỷ cúng dường.

29. Đại chúng khi ấy,

dứt chướng, trừ hoặc,

siêu việt sinh tử,

tu hạnh thanh tịnh,

đại chúng khi ấy,

không ham của báu,

vô ngã, ngã sở,

tu hạnh thanh tịnh.

Đại chúng khi ấy,

xé lưới tham ái,

tĩnh lự hoàn toàn,

tu hạnh thanh tịnh.

Đại chúng khi ấy,

xé lưới tham ái,

tĩnh lự hoàn toàn,

tu hạnh thanh tịnh.

30. Thế Tôn Từ Thị,

thương xót hữu tình,

thuyết pháp độ sinh,

trong sáu vạn năm,

hóa trăm vạn ức,

qua biện phiền não.

31. Có duyên đều độ,

rồi nhập Niết Bàn.

Thế Tôn Từ Thị,

sau nhập Niết Bàn,

chính pháp còn lại

được sáu vạn năm.

32. Ở trong pháp ta,

thâm tâm tín thụ,

trong ngày sau này,

được gặp Từ Thị.

Nếu người thông tuệ,

nghe nói việc này,

ai không vui mừng,

mong gặp Từ Thị.

Người cầu giải thoát,

gặp hội Long Hoa,

cúng dường Tam bảo.

Đừng nên phóng dật.

33. Bấy giờ Thế Tôn

vì Xá Lỵ Tử

và cả đại chúng,

nói và ghi nhận

sự việc sau này

của đức Từ Thị.

Sau đó, lại bảo

ngài Xá Lỵ Tử,

nếu có thiện nam

và thiện nữ nào

nghe được pháp này,

thụ trì đọc tụng,

và vì người khác,

diễn nói chính pháp,

như nói, tu hành,

cúng dường hương hoa,

viết chép kinh quyển. . .,

thì những người ấy,

về đời sau này,

quyết định sẽ được

gặp đức Từ Thị,

và trong ba hội,

nhờ ơn cứu độ.

34. Khi đức Thế Tôn

nói bài tụng rồi,

ngài Xá Lỵ Tử

và cả đại chúng,

hoan hỷ tín thụ,

đỉnh lể vâng làm.

*

Chú thích:

(1) Kinh Di Lặc hạ Sinh Thành Phật là quyển kinh số 455, trong Đại Chính Tân Tu Đại tạng Kinh, Kinh này do ngài Nghĩa Tịnh dịch từ chữ Phạm ra chữ Hán.

Theo Đại tạng, kinh Di Lặc có 6 quyển:

– Phật thuyết Quán Di Lặc Bồ tát thượng sinh Đâu Suất thiên kinh,

– Phật thuyết Di Lặc Hạ Sinh kinh,

– Phật thuyết Di Lặc Hạ Sinh thành Phật kinh, do ngài Cưu Ma La thập dịch.

– Phật thuyết Di Lặc Hạ Sinh thành Phật kinh, do ngài Nghĩa Tịnh dịch.

– Phật thuyết Di Lặc đại thành Phật kinh,

– Phật thuyết Di Lặc lai thời kinh.

Nay tôi dịch quyển kinh do ngài Nghĩa Tịnh dịch từ chữ Hán sang Việt nhưng theo lối văn tụng, để chư Phật tử dễ trì tụng.

Đại ý kinh này đức Phật nói về sự giáng sinh và thành Phật tại cõi Sa Bà sau này của đức Phật Di Lặc, Di Lặc (Maitreya) tiếng phạm phiên âm là Mai đế Lệ v.v.. Đây là tên họ của Ngài, Trung Hoa dịch nghĩa là Từ Thị, Ngài tên là A Dật Đa, Trung Hoa dịch nghĩa là “ Vô Năng Thắng”.

(2) Đoạn văn trên nói về phần tựa, nói rõ 6 yếu tố chứng tín là : xác tính, người nghe, thời gian, chủ trì, nơi chốn và đại chúng nghe pháp. Còn đoạn văn từ số (2) trở xuống thuộc phần chính tông trong kinh.

(3) Do tuần (yojana), còn phiên âm là Du Tuần, du xà na, du thiện na. Đây là thước đo của Ấn Độ xưa. Theo bộ Tây Vực Ký quyển 2, một do tuần là 40 dậm (lý), có chỗ nói là 30 dậm. Theo Tự điển Đoàn Trung Còn thì một dậm là 576 mét. Một Do tuần bằng 8 Câu lô xá (hay câu xá). Một câu xá là 500 cung. Một cung là 4 trửu ( trửu, chứ không phải chẩu). Trửu là khuỷu tay. Một trửu (khuỷu tay) là 24 đốt ngón tay.

(4) xem nơi số 3.

(5) Nghĩa trang: trong kinh này, chữ Hán là Thi Lâm ( có nơi in lầm là Thị Lâm) “Thi” là xác chết, “Lâm” là rừng, tức nơi để xác người chết. Do đó tôi dịch là “ nghĩa trang” cho tiện.

(6) Thất bảo: 7 thứ ngọc báu tức là kim, ngân, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não.

(7) Da La (Tàrà) Đây là một loại cây ở Đông Ấn Độ. Theo bộ Tây Vực Ký thì cây này cao 780 thước (không rõ thước tây hay thước Trung Hoa xưa) , quả chín đỏ ăn được.

(8) Bát âm : tám thứ âm thanh . Bộ Từ Hải cho biết bát âm là : Kim (vàng) , thạch (đá), thổ (đất) , cách (da thuộc), ty (tơ tằm), mộc (gỗ cây), bào (cây bàu), trúc (tre).

(9) Tứ Minh: gọi chung 4 bộ sách Veda của Ấn Độ 1- Thọ minh (Rig Veda) 2- Tự minh (yajur-veda) 3- Bình minh (Sama-Veda) 4- Thuật minh ( Artharva-Veda).

(10) Huấn giải, Thanh minh: Đây nói về sự dạy dỗ, giảng giải (huấn giải). Còn thanh Minh tức ngôn ngữ, văn tự học, là một trong 5 môn học của Ấn Độ xưa gọi là ngũ minh.

(11) Đâu Suất (Tushita): Một trong cõi trời thuộc Dục giới, Đâu Suất trung Hoa dịch nghĩa là :“ Tri túc, Hỷ túc, Diệu túc, Thượng túc”. Nội viện là nơi tu thanh tịnh của các bậc đã chứng thánh quả. Bồ tát Di Lặc đang thuyết pháp trên cung trời này. Sau này Ngài giáng sinh xuống nhân gian. Ngoại viện là nơi dành cho chư thiên được phúc báo, hưởng thụ, dục lạc.

(12) Ba cõi: Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc

(13) Đế Thích: Tiếng phạm, phiên âm đủ là Thích Ca Đề Hoàn Nhân Đà La (Sakra Devanam Indra). Thích Ca là tên họ, dịch nghĩa là “Năng” Đề Hoàn dịch nghĩa là “Thiên” trời. Nhân Đà La dịch nghĩa là Đế “Vua”. Tức là vị vua ở trên trời , dòng họ Thích Ca. Vua Đế Thích làm chủ cõi trời Dục giới thứ hai, là cõi trời Đao Lợi, Trung Hoa gọi là cõi trời thứ 33.

(14) Lưỡng túc tôn: Chỉ cho đức Phật , là bậc tôn kính, đầy đủ phước đức và trí tuệ.

(15) Niết bàn: (nirvana): Trung Hoa dịch nghĩa là “ Diệt, Tịch diệt, Diệt độ, Vô vi, An Lạc, Giải thoát”. có nghĩa là vị tu hành đã diệt trừ hết những phiền não, ra khỏi cảnh rừng vô minh tăm tối

(16) Xem nơi số 3.

(17) Xem nơi số 6.

(18) Tầm : thứ thước đo, trong thời cổ Trung Hoa, theo bộ Từ Hải thì tám thước (xích) là một tầm.

(19) Vô già : nghĩa là không bị che mờ, ngăn cách, phân biệt. Đây là nói về tổ chức bố thí mốt cách bình đẳng, không phân biệt giai cấp hay thiên vị….

(20) Phạm Chí tức là Bà la môn.

(21) Phạm Âm : Âm thanh của cõi trời Phạm thiên thanh tịnh, nên ví âm thanh của Phật như phạm âm. Phật có 8 loại âm thanh : 1- Cực hảo âm: đức của Phật rộng lớn, nói lên khiến người nghe vào đạo. 2- Nhu nhuyễn âm: đúc của Phật từ bi, nói lên người nghe vui vẻ 3- Hòa thích âm: đức Phật dùng lý trung đạo, nói lên, đem lại sự điều hòa, thích hợp cho người nghe. 4- Tôn tuệ âm: đức của Phật là bậc tôn kính, người nghe tôn trọng, trí tuệ mở tỏ. 5- Bất nữ âm: đức của Phật ra khỏi thế dục, âm thanh của Phật nói lên, thiên ma ngoại đạo đều quy phục. 6- Bất ngộ âm: trí của Phật viên minh, soi tỏ không lầm, nói lên, người nghe bỏ tà kiến. 7- Thâm viễn âm: đức Phật chứng ngộ và đạt tới ngôi vị cao, Ngài nói lên, dù xa hay gần, lớn nhỏ, nghe được sẽ chứng được lý luận thâm. 8- Bất kiệt âm: đức Phật là bậc đã chứng được cực quả, hành nguyện của Ngài vô tận, nên âm thanh của Ngài nói ra thao thao vô tận, người nghe hiểu được chân nghĩa của lời nói và sẽ chứng được quả vị thường trụ vô tận.

(22) Tám chính đạo: 8 con đường chân chính; chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định.

(23) Bốn chân đế: tức là Tứ đế; Khổ, Tập, Diệt , Đạo.

(24) Tháng thần thông: Đây chỉ về ba tháng trai giới, tức tháng giêng, tháng 5, tháng 9. Trong 3 tháng ấy, chư thiên dùng thần túc thông, xem xét các nơi, nên chữ Hán gọi là “ Thần thông nguyệt, thần túc nguyệt, hay Thần biến nguyệt” .

(25) Tám giới: Tức là bát quan trai giới: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không trang sức, không nghe hát, không ngồi giường cao, rộng đẹp, và không ăn phi thời.

(26) Ba thông: trong kinh Phật hay nói về “Tam minh” và “lục thông”, Tam minh : Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh, Lục thông: Thần túc thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mệnh thông, Lậu tận thông. Chính văn của bài kệ này viết: “ Hoặc dĩ tam chủng thông, thần cảnh, ký giáo thụ”. Văn kệ này quá thu gọn và coi như có hàm nghĩa khó luận bàn. Theo thiển kiến của chúng tôi, phỏng luận “thần cảnh” tức là thần túc thông, ký là nghi nhớ, có lẽ ám chỉ cho “ túc mệnh thông” chăng. Còn chữ “ giáo thụ” có nghĩa là dạy, trao, có lẽ là “thiên nhĩ thông” chăng ? (xin các bậc cao minh chỉ giáo).

(27) Đâu la miên (Tùla): Một loại cây có bông, khi nở ra những lọn bông rất mềm.

(28) Sĩ trung thắng: Đây là lời tôn xưng đức Phật là một bậc hay là một người hơn tất cả trong loài người.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Đồng Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Trị Bệnh Hợp Dược - Kinh Tạng
  • Kinh Đức Từ Thị Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Vãng Sanh Tịnh Độ Cảm Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Công Đức Tin Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 1 Đến Phẩm 10 - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Người Phụ Nữ Gặp Điều Bất Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng