KINH ÂN CHA MẸ KHÓ ĐỀN ĐÁP
Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Nan Báo Kinh
Hậu Hán An Thế Cao dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Nữ Tịnh Quang
Nản Việt dịch (2) của Nguyên Thuận
Bản Việt dịch (3) của Huyền Thanh
Bản Việt dịch (4) của Thích Nữ Tịnh Hiền
***
Kinh Ân Cha Mẹ Khó Đền Đáp
Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Quang
Nghe như vậy, một thời Đức Thế Tôn ở thành Xá Vệ, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên; bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ Kheo, cha mẹ đối với con có ân đức vĩ đại, bú mớm un đúc, dựa vào thời tiết để nuôi nấng con… và hình hài con mới được trưởng thành.
Như có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, trãi qua hàng nghìn năm, gặp lúc cha mẹ tiểu tiện ở trên vai mà lòng không hề hờn giận mẹ cha; người con này cũng chưa đền đáp đủ ân đức của cha mẹ.
Muốn đền đáp ân đức cha mẹ là khi cha mẹ chưa có lòng chính tín thì khuyên bảo cha mẹ có lòng chính tín để có được nơi an ổn từ niềm tin đó, nếu cha mẹ chưa có tiếp nhận giới thì khuyên nên thọ giới quy y để có được nơi an ổn từ sư tiếp nhận giới, nếu cha mẹ không chịu nghe giáo pháp thì khuyên bảo họ nên nghe để có được sự an lạc từ việc nghe đó, nếu cha mẹ tham lam thì khuyên cha mẹ thực hành hạnh bố thí, vui vẻ khuyến khích để cho cha mẹ có được nơi an ổn. Nếu cha mẹ không có trí tuệ thì giúp cha mẹ học hỏi sáng tuệ, vui vẻ khuyến khích để họ có được niềm an lạc.
Như vậy mà khuyên (cha mẹ) chánh tín đối với chư Như lai, bậc Chí chơn đẳng chánh giác, bậc Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, hiệu Phật Thế tôn.[1]
Và khuyên cha mẹ chánh tín đối với giáo pháp; tiếp nhận giáo pháp để có được nơi an ổn , hiểu được các pháp thậm thâm, hiện tiền đạt được kết quả từ ý nghĩa cao siêu đó; như thế là người trí, mới minh thông việc (khuyên nhắc) này.
Lại khuyên cha mẹ chánh tín với Thánh chúng (Tăng bảo). Thánh chúng của Như lai là bậc tu hành hoàn toàn thanh tịnh, là bậc mô phạm thường hoà hợp, thành tựu các pháp, Thành tựu Giới, thành tựu Định, thành tựu Trí tuệ, thành tựu Giải thoát, thành tựu Giải thoát tri kiến.[2]
Sở dĩ gọi là Thánh chúng vì các vị này đã và đang thành tựu Tứ song Bát bối [3], đó là Như lai Thánh chúng, bậc xứng đáng tôn quý, nên tôn phụng và kính ngưỡng, các vị Thánh chúng là ruộng phước Vô thượng cho thế gian.
Như thế các người con (hiếu), nên khuyên cha mẹ mình thực hành (nếp sống) đạo từ bi.
Các thầy Tỳ kheo thì có hai đứa con, đó là con sinh (cho pháp) và con dưỡng (tu pháp). Như thế Tỳ kheo có hai người con, cho nên chư Tỳ kheo cần phải phát huy đứa con sinh của mình, nghĩa là miệng thường phát ra lời Pháp vị, do đó các Tỳ kheo, nên như vậy mà tu tập.
Bấy giờ các thầy Tỳ kheo, nghe lời dạy của Đức Thế tôn rồi, vui vẻ vâng làm.