Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu

Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện

Trần Chơn Đế dịch

Bản Việt dịch của Thích Chúc Hiền

***

Pháp sư Bà-tẩu-bàn-đậu là nguời nuớc Phú-lâu-sa-phú-la, thuộc Bắc Thiên Trúc. Phú-lâu-sa dịch là Trượng Phu, Phú-la dịch là Sĩ.

Tương truyền, Tỳ-sưu-nữu-thiên-vương là em của Đế Thích. Đế Thích sai ông ra cõi Diêm-phù-đề làm vua hàng phục A-tu-la. Ông sanh ra ở Diêm-phù-đề làm con của vua Bà-tẩu-đề-bà.

Bấy giờ, có A-tu-la tên là Nhân-đà-la-đa-ma-na. Nhân-đà-la là tên của Đế Thích. Đà-ma-na dịch là Phục. Vì vị A-tu-la nầy thường đấu chiến với Đế Thích, hay hàng phục Đế Thích nên có tên này.

LuậnTỳ-già-la giải thích A-tu-la là Phi Thiện Hý. Căn cứ vào tên gọi ấy mà dịch thì chư thiên thuờng thích làm việc thiện, A-tu-la hay ưa làm việc ác cho nên có tên này, cũng gọi là Phi Thiên.

Vị A- tu- la này có nguời em gái tên là Ba-la-phả-bà-để. Ba-la-phả dịch là Minh, Bà-để dịch là Phi.

Vị A-tu-la nữ này rất đẹp. A-tu-la muốn hại Tỳ-sưu-nữu thiên, cho nên mượn em gái mình để gạt Tỳ-sưu-nữu thiên. A-tu-la Nhân-đà-la-đa-ma-na dùng ma lực của chú thuật làm tối một vùng ở Diêm-phù-đề, rồi đến trụ ở đó, để mọi nguời không nhìn thấy mình.

A-tu-la bảo em gái của mình đứng ở chỗ sáng và dặn em rằng: “Nếu nguời nào muốn lấy em làm vợ thì nên nói: Anh tôi có sức mạnh rất lớn, nếu muốn lấy tôi thì hãy đánh nhau với anh tôi. Nếu chịu đánh nhau với anh tôi, thì tôi mới chấp nhận.”

Sau đó, Tỳ-sưu-nữu Thiên gặp nữ A-tu-la Bà-la-phả-bà-để lòng rất vui mừng hỏi: “Nàng là người gì?”

Đáp: “Tôi là nữ A-tu-la.”

Tỳ-sưu-nữu Thiên nói: Các nữ A-tu-la đều có nguồn gốc là chư thiên. Ta không vợ, nàng không chồng. Nay muốn lấy nhau nàng có đồng ý không?

Nữ A-tu-la đáp như lời người anh mình dặn truớc kia.

Tỳ-sưu-nữu Thiên nói: “Nay nàng quý mến ta nên có lời này, nàng thương ta, ta nỡ nào bỏ qua. Ta có thế lực lớn sẽ đánh nhau với anh nàng. Nữ A-tu-la liền chấp nhận thành vợ chồng.

Sau A-tu-la đi đến chỗ sáng hỏi Tỳ-sưu-nữu Thiên: Vì sao ngươi lấy em gái ta làm vợ?

Tỳ-sưu-nữu Thiên đáp: Nếu ta không phải là bậc trượng phu mà lấy em gái ngươi làm vợ thì mới đáng chê trách. Còn đàng này ta đường đường là đấng trượng phu không vợ, em gái ngươi là nữ không chồng. Nay ta lấy nàng ta là danh chánh ngôn thuận chứ có gì đâu lạ?

A-tu-la hỏi: Sao ngươi dám tự xưng là đấng trượng phu? Nếu là trượng phu đánh nhau với ta mà thắng, thì sẽ ta sẽ gả em gái cho.

Nữu Thiên nói: Nếu ngươi không tin thì hãy nên quyết chiến vậy. Tức thì, mỗi người cầm binh khí chém chặt lẫn nhau, Tỳ-sưu-nữu Thiên là thân Na-la-diên không thể chém chặt vào được. Còn Nữu Thiên chém đầu A-tu-la nhưng vừa đứt thì liền trở lại, cho đến cánh tay v.v.. các thân phần khác đều như thế, hễ vừa đứt thì liền lại, cứ như thế, từ sáng đến chiều chém chặt không đứt. A-tu-la không chết, sức lực của Nữu Thiên kiệt quệ dần, đến tối sức lực của A-tu-la mạnh thêm.

Người vợ sợ chồng mình không thắng, nên lấy hoa Uất-ba-la bẻ làm hai miếng mỗi người nắm một bên.

Sáng ra nguời vợ ở trong đó đi lại. Nữu Thiên liền hiểu ý bèn nắm thân A-tu-ta bẻ làm hai rồi ném một bên, Nữu Thiên ở đó đi tới đi lui. A-tu-la mạng chung.

A-tu-la truớc kia đến tiên nhơn xin ân nguyện khiến thân mình khi bị chém chặt liền hoàn phục. Tiên nhơn ban cho A-tu-la ân ấy, nên về sau bị chém chặt mà không mất mạng. Tiên nhơn muốn khiến chư thiên giết cho nên không ban ân cho A-tu-la tay, thân phần hoàn phục, vì vậy sau khi đó mất mạng.

Bấy giờ, Tỳ-sưu-nữu Thiên ấy hiển bày năng lực truợng phu.Nhân đó gọi là nuớc Truợng Phu.

Nuớc ấy có vị Quốc Sư dòng Bà la môn tên là Kiều-thi-la. Kiều-thi-la có ba nguời con đồng gọi là: Bà-tẩu-bàn-đậu, Bà-tẩu dịch là Thiên, Bàn-đậu dịch là Thân.

Nguời Thiên Trúc (Ấn Độ) đặt tên cho con theo hình thức này. Trong cùng một tên, nhưng về sau mỗi người lại có biệt danh. Vị Bà-tẩu-bàn-đậu thứ ba xuất gia theo học phái Tát-bà-đa bộ đắc quả A-la-hán. Một người có biệt danh là Tỷ-lân-thị-bạt-bà, Tỷ-lân-thị là tên của mẹ Ngài. Bạt-bà dịch là Tử cũng gọi là Nhi (đứa trẻ). Danh từ này được dùng chung cho cả nguời và súc vật. Như con bò cũng gọi là Bạt-bà, còn Trung Hoa gọi con bò là Độc trưởng tử.

Bà-tẩu-bàn-đậu là nguời có căn tánh Bồ Tát, cũng xuất gia theo phái Tát-bà-đa Bộ, tu thiền định, lìa dục, tư duy nghĩa không nhưng không thể nhập, muốn tự giết thân mình.

Vị A-la-hán Tân-đầu-la ở Đông-tỳ-đề quán xét thấy việc này bèn quở trách, từ Đông-tỳ-đề, Ngài đến thuyết về không quán Tiểu Thừa giống như giáo quán thì Bà-tẩu-bàn-đậu liền thể nhập không quán.

Mặc dù chứng đắc không quán Tiểu Thừa, nhưng tâm ngài vẫn chưa an, cho rằng lý không tương ưng với chỉ.

Vì vậy, ngài nương thần thông đến cõi trời Đâu Suất hỏi Bồ Tát Di-lặc.

Bồ Tát Di-lặc thuyết không quán Đại Thừa cho Ngài.

Ngài trở lại Diêm-phù, y theo lời của Bồ Tát Di-lặc mà quán chiếu tư duy thì liền chứng ngộ.

Khi ngài tư duy thì địa cầu sáu lần rung động, Ngài liền đắc không quán Đại Thừa. Nhân đó lấy tên là A-tăng-già dịch là Vô Trước. Sau mấy lần lên Đâu Suất hỏi Bồ Tát Di-lặc về nghĩa lý của các kinh Đại Thừa. Bồ Tát Di-lặc giải thích cặn kẽ. Nhờ đó, Ngài có sở đắc. Sau, Ngài trở lại Diêm-phù, đem điều mình nghe đuợc, giải nói cho nguời, nguời nghe phần nhiều không tin.

Pháp sư Vô Truớc phát nguyện: “Ta nay muốn khiến cho chúng sanh tin hiểu Đại Thừa, xin Đại Sư xuống Diêm-phù-đề giảng thuyết Đại Thừa để cho chúng sanh đều được tin hiểu.

Bồ Tát Di-lặc liền theo lời nguyện. Vào ban đêm, Ngài xuống Diêm-phù-đề, phóng hào quang rực rỡ khắp nơi để gồm tập những người có nhân duyên câu hội về nhà pháp, Ngài tụng ra kinh Thập Thất Địa tùy theo điều Ngài tụng ra thì chúng sanh theo đó mà hiểu nghĩa, trải qua bốn tháng mới giảng xong kinhThập Thất Địa.

Tuy cùng ở trong một nhà nghe pháp, song chỉ có pháp sư Vô Truớc đuợc thân cận Bồ Tát Di-lặc, còn những nguời khác thì chỉ xa nghe.

Ban đêm nghe Bồ Tát Di-lặc thuyết pháp, ban ngày đuợc pháp sư Vô Trước giảng giải những điều mà Di-lặc thuyết. Nhờ đó, mọi người tin theo lời dạy Bồ Tát Di-lặc về Đại Thừa.

Pháp sư Vô Trước tu Nhật Quang Tam Ma Đề * như thuyết mà tu học liền được định này. Từ khi chứng đắc định này, Ngài hiểu thấu suốt tất cả những gì mà xưa kia Ngài chưa hiểu, hễ thấy nghe điều gì thì nhớ mãi không quên.

Xưa kia, Đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm và các kinh điển Đại Thừa, Ngài đều giảng giải nghĩa lý rành rẽ.

Bồ Tát Di-lặc ở cõi trời Đâu Suất giải nói về các kinh điển Đại Thừa cho pháp sư Vô Trước. Pháp sư đều thông hiểu và ghi nhớ thọ trì.

Về sau ở Diêm Phù Đề giảng giải kinh điển Đại Thừa, Ưu-ba-đề-xá giải thích tất cả giáo pháp Đại Thừa do Phật thuyết.

Vị Bà-tẩu-bàn-đậu thứ hai cũng xuất gia theo phái Tát-bà-đa Bộ. Ngài học rộng, nghe nhiều khắp các kinh điển, là bậc thông minh kỳ tài, giới hạnh thanh cao khó ai sánh bằng, anh em đã có biệt danh cho nên pháp sư chỉ xưng Bà-tẩu-bàn-đậu.

Sau khi Phật diệt độ khoảng năm trăm năm, có một vị La-hán tên là Ca-chiên-diên-tử. Do họ mẹ Ngài là Ca-chiên-diên, nên Ngài đặt tên theo họ mẹ. Truớc khi xuất gia với phái Tát-bà-đa bộ, Ngài vốn là nguời Thiên Trúc, sau đó đến nuớc Kế Tân. Kế Tân nằm ở phía Tây Bắc Thiên Trúc.

Ngài cùng với năm trăm vị A-la-hán và năm trăm vị Bồ Tát soạn Tát-bà-đa Bộ A-tỳ-đạt-ma chia làm tám Già-lan-tha. Trung Hoa gọi là tám Kiền Độ. Già-lan-tha dịch là Kết cũng gọi là Tiết, ý nói là nghĩa lý và phẩm loại đều liên quan với nhau nên gọi là kết, lại tóm thâu nghĩa lý khiến cho nó không bị rời rạc. Ý nghĩa và phẩm loại có giới hạn nên gọi là tiết. Văn này còn gọi là Phát Tuệ Luận.

Nhờ vào sức thần thông và thệ nguyện, nên giáo thuyết của Ngài vang xa khắp nơi.

Truớc kia, có nguời nghe nói A-tỳ-đạt-ma theo sở đắc nhiều ít đều trình cho Ngài. Trời, Rồng, Dạ-xoa, A-tu-la, Chư Thiên, có vị truớc đó đã nghe Phật nói A-tỳ-đạt-ma, hoặc lược, hoặc đầy đủ, thậm chí một câu, một kệ, nay thảy đều thưa với Ngài. Ca-chiên-diên tử cùng với các vị A-la-hán và Bồ Tát tuyển chọn những ý nghĩa nếu hợp với kinh luận, không có gì sai trái thì cho ghi chép lại, còn những phần sai trái thì bỏ đi. Những câu văn đuợc tuyển chọn tùy theo nghĩa lý và phẩm loại liên quan với nhau, nếu nghĩa lý thuộc về tuệ, thì xếp vào phần tuệ. Nếu nghĩa lý thuộc về định, thì xếp vào phần định, còn các phần khác cũng lại như thế. Tám Kiền Độ tổng cộng gồm có năm vạn bài kệ. Sau đó, Ngài truớc tác Luận Tỳ-bà-sa để giải thích năm vạn bài kệ trong tám Kiền Độ.

Bồ Tát Mã Minh là nguời Bà-chỉ-da, nuớc Xá-vệ. Ngài thông suốt tám phần Luận Tỳ-già-lan, Luận Tứ-bì-đa-lục, muời tám bộ luận và ba tạng kinh văn. Ca-chiên-diên tử sai nguời đến nuớc Xá-vệ thỉnh Bồ Tát Mã Minh đến nuớc Kế Tân. Ca-chiên-diên tử giải thích tám kết (Tám Kiền Độ), các A-la-hán và các Bồ Tát cùng nghiên cứu ý nghĩa.

Mã Minh theo đó liền trước tác Luận Tỳ-bà-sa ròng rã suốt mười hai năm gồm có một trăm vạn bài kệ.

Tỳ-bà-sa dịch là Quảng Giải, nghĩa là giải thích rộng rãi. Ca-chiên-diên tử liền khắc vào đá, lập bia ghi rằng: “Từ nay trở đi, các học giả ở đây không được ra khỏi nuớc Kế Tân, văn cú tám kết và Luận Tỳ-tà-sa cũng không đuợc truyền ra khỏi nước.”

Ngài e sợ rằng các bộ phái khác và Đại Thừa sẽ làm ô hoại Chánh pháp này, đem những lời khắc trên bia đá tâu lên Vua, vua cũng đồng ý.

Nước Kế Tân đuợc bao bọc bởi núi non trùng điệp giống như thành trì, chỉ có một cửa ải để ra vào. Chư vị thánh nhân dùng nguyện lực nhiếp phục các thần Dạ-xoa khiến cho chúng gìn giữ cửa ải này. Nếu người nào muốn học pháp này thì có thể đến nước Kế Tân không có gì ngăn ngại. Chư thánh nhân lại dùng nguyện lực sai năm trăm vị Dạ-xoa làm đàn việt trợ giúp cho người học pháp này được đầy đủ không để họ thiếu thốn.

Ở nuớc A-xà-đồ có một vị Pháp Sư tên là Bà-sa-tu-bạt-đa-la. Ngài rất thông minh trí tuệ, nghe chánh pháp thường hay thọ trì, muốn học Tám Kết (Tám Kiền Độ) và giáo nghĩa Luận Tỳ-bà-sa để rồi đến các nước khác hoằng truyền chánh pháp. Cho nên, Pháp Sư giấu đi tung tích của mình, giả làm một nguời cuồng si đến nuớc Kế Tân, thường ở trong chúng nghe pháp, song oai nghi thì quái lạ, nói cười khác thường.

Bấy giờ, trong chúng luận bàn về giáo nghĩa Tỳ-bà-sa. Ngài bèn hỏi chuyện Ma-la-diên. Mọi người coi thường không thèm để ý. Trong vòng muời hai năm Ngài học khắp văn nghĩa Tỳ-bà-sa đến độ chín mùi, Ngài tụng trì thuộc lòng, nên Ngài muốn trở về nước. Khi đến cửa ải thì các thần Dạ-xoa lớn tiếng bảo rằng: “Đại A-tỳ-đạt-ma nay muốn ra khỏi nước, hãy buộc Ngài vào trong đại chúng.” Mọi người cùng tra xét, hạch hỏi, thấy ngôn ngữ của Ngài lầm lẫn không hiểu. Mọi người cho Ngài là người cuồng si nên thả ra.

Sau đó, Pháp sư lại một lần nữa ra đến cửa ải thì các thần dạ xoa lại cũng buộc Ngài vào trong chúng, rồi loan báo đến Quốc Vương. Quốc Vưong sai người kiểm soát, cũng giống như lần trước. Ba lần như thế, Ngài ra đi rồi trở lại, đến lần thứ tư thì các thần dạ xoa lại đưa Ngài vào lại trong chúng, nhưng không hạch hỏi nữa, mà bảo các thần dạ xoa thả Ngài ra khỏi nước.

Pháp sư khi về đến nước mình thì liền đem giáo nghĩa Tỳ-bà-sa ra giảng dạy để cho mọi người xa gần đều hiểu biết. Ngài nói rằng: “Ta đã học hết văn nghĩa Luận Tỳ-bà-sa ở nước Kế Tân. Người nào muốn học giáo nghĩa ấy thì hãy đến.”

Bấy giờ, mọi người bốn phương đều quy tụ về rất đông. Pháp sư sợ mình tuổi già yếu, không thể giảng hết Luận Tỳ-bà-sa, nên Ngài sai các học đồ hãy mau tiếp nhận, nương theo lời Ngài giảng thuyết mà ghi chép thì sẽ hiểu được rốt ráo.

Sau đó, chư sư ở nuớc Kế Tân nghe giáo nghĩa Tỳ-bà-sa đã truyền ra nước khác, ai nấy đều than thở.

Sau khi Phật nhập diệt khoảng 900 năm, có người ngoại đạo tên là Tần-xà-ha Bà-sa. Tần-xà-ha là tên một ngọn núi. Bà-sa dịch là Trụ. Vị ngoại đạo này do vì trụ ở núi nầy nên lấy đó làm tên gọi.

Bấy giờ, có vị Long Vương tên là Tỳ-lệ-sa-ca-na, trụ ở trong ao dưới chân núi Tần-xà-ha, vị Long Vương này khéo hiểu Tăng-khư Luận. Ngoại đạo này biết Long Vương có sự hiểu biết nên muốn đến thọ học. Long Vương hóa làm tiên nhân, sống trong túp lều lá. Ngoại đạo đến chỗ Long Vương trình bày tâm nguyện muốn học hỏi.

Long Vương liền chấp nhận, ngoại đạo hái đầy một mâm hoa lớn, đến chỗ Long Vương, đi nhiễu quanh một vòng, rồi rải một hoa cúng dường, cứ rải một hoa làm một bài kệ khen ngợi, Long Vương nghe đến đâu thì rõ nghĩa đến đó, liền lấy hoa ném trở lại ngoại đạo, tùy theo chỗ cúng dường mà làm kệ khen ngợi, rồi lại nhặt hoa Long Vương ném, tiếp tục rãi cúng dường, cứ như thế hết một mâm hoa thì hiểu hết giáo nghĩa của các kệ.

Đến chỗ Long Vương, Long Vương khen ngoại đạo thông minh. Long Vương giải nói Tăng-khư Luận cho ngoại đạo và nói: “Nay ngươi được luận, cẩn thận chớ sửa đổi.”

Long Vương sợ Ngoại đạo hơn mình nên có điều căn dặn là tùy theo sở đắc của người mà giảng trạch, chứ không nhất thiết phải theo thứ tự, hoặc khi gặp ý nghĩa câu văn không rõ ràng, cũng không nên sửa đổi.

Long Vương giảng luận xong, thì ngoại đạo không ngừng trước thuật, liền đem những gì mình trước thuật được trình lên Long Vương.

Long Vương thấy hay hơn bản gốc nên hết sức tức giận, ganh ghét nói với ngoại đạo rằng: “Truớc kia ta bảo ngươi không đuợc sửa đổi, sao ngươi sửa đổi, khiến những điều ta trước thuật không được lưu hành.”

Ngoại đạo đáp: Sư dặn tôi luận xong, sau không được sửa đổi, mà không dặn tôi trong khi giải thích luận không được sửa đổi. Tôi không trái lời sư dạy sao lại quở trách? Xin sư ban ân cho tôi, thân tôi chưa hoại, nguyện luận này không hoại.

Sư liền chấp nhận.

Sau khi được luận, ngoại đạo sanh tâm ngạo mạn. Tự nói pháp của mình hơn cả, không còn pháp nào hơn nữa. Nhưng còn Pháp của Phật Thích Ca thạnh hành ở đời. Chúng sanh cho pháp ấy là lớn, ta cần đả phá. Liền vào nuớc A-xà-đồ để rao bày giảng thuyết nghĩa lý mà nói rằng: “Ta muốn giảng thuyết nghĩa lý, nếu ta thất bại thì hãy chém đầu ta, nếu người kia mà thất bại thì người kia nên nạp đầu.”

Quốc Vương Tất-kha-la-na-a-trật-đa dịch là Lặc Nhựt. Quốc Vương biết sự việc này liền gọi ngoại đạo đến hỏi.

Ngoại đạo nói: Quốc Vương là chủ đất nước, đối với Sa môn, Bà la môn không nên thiên vị, nếu có sở tập và pháp hành nào thì nên thí nghiệm là đúng hay sai. Ta nay muốn quyết phân thắng bại với đệ tử Thích Ca nên đem đầu ra thề. Vua liền chấp nhận.

Vua cho nguời hỏi các Pháp Sư trong nuớc ai có thể luận bàn với ngoại đạo?

Bấy giờ, các Sư Ma-la-tha. Ma-la-tha dịch là Tâm Nguyện, Pháp sư Bà-tẩu-bàn-đậu .v.v. các vị đại Pháp sư đều đến nước không nên không còn ai. Chỉ còn Pháp sư Bà-tẩu-bàn-đậu, Pháp sư Phật-đà-mật-đa-la.

Phật-đà-mật-đa-la dịch là Giác Thân. Vị Pháp sư này rất giỏi nhưng tuổi đã già nua, tinh thần lẩm cẩm, nói năng yếu ớt.

Pháp sư nói: Pháp ta phần lớn đều lưu hành ra bên ngoài. Sức mạnh của ngoại đạo không thể thao túng được. Nay ta cần đảm nhận việc này.

Pháp sư liền tâu Quốc Vương. Quốc Vương định ngày nhóm họp đại chúng ở nhà luận nghị để Pháp sư luận nghị với ngoại đạo. Ngoại đạo hỏi Sa Môn muốn lập nghĩa hay muốn phá nghĩa.

Pháp sư đáp: Ta như biển lớn không gì không dung chứa, còn ngươi như cục đất ném vào biển liền chìm, tùy theo ý ngươi thích.

Ngoại đạo nói: Sa Môn lập nghĩa, ta sẽ đả phá.

Pháp sư liền lập nghĩa vô thuờng: Tất cả Pháp hữu vi đều thay đổi, hoại diệt trong từng sát na. Vì sao? Vì sau không thấy các đạo lý thành tựu. Điều pháp sư ấy nói, ngoại đạo một khi nghe qua đều đọc tụng.

Ngoại đạo lần luợt đem đạo lý đả phá khiến pháp sư đọc tụng, nghiên cứu, nhưng Pháp sư vì già yếu không thể đọc tụng, nghiên cứu vì vậy, Pháp sư bị thất bại trước sự bàn luận đả phá công kích của ngoại đạo.

Ngoại đạo nói: Ngươi là dòng dõi Bà La Môn, ta cũng là dòng dõi Bà La Môn nên không nỡ giết, ngươi nên tự mình đánh vào lưng để thấy rằng ta đã thắng ngươi.

Bấy giờ, theo sự việc nầy, Vua đem ba kinh lạc cát bằng vàng thưởng cho ngoại đạo. Ngoại đạo đem vàng bố thí cho mọi người, rồi trở vào trong hang đá ở núi Tần-xà-đồ dùng năng lực chú thuật nữ thần Dạ Xoa tên là Châu Lâm.

Ngoại đạo theo nữ thần xin ân nguyện khiến sau khi ta chết, thân ta hoá thành đá, không bao giờ bị hủy diệt.

Nữ thần chấp nhận, ngoại đạo tự lấy đá lấp hang, ở trong đó xả thân mạng, hóa thành đá.

Sở dĩ có nguyện ấy là vì ngoại đạo trước kia theo vị Long Vương ấy xin ân nguyện: “Thân ta chưa hoại thì những điều trước tác của ta truớc kia và Tăng Khư Luận cũng không hoại diệt.” Do đó, ngày nay luận này vẫn còn.

Bà-tẩu-bàn-đậu sau khi trở về nghe việc này, than thở kết hận, không gặp được ngoại đạo, sai người đến núi Tần-xà-đồ tìm ngoại đạo để hàng phục, nhưng ngoại đạo đã hoá thành đá. Thiên Thân càng phẩn uất, liền tạo Thất Thập Chân Thật Luận, từ đầu đến cuối đả phá Tăng Khư Luận do ngoại đạo tạo, không chừa một câu nào.

Các ngoại đạo thấy vậy hết sức đau khổ như cắt thân mạng mình. Mặc dù, không gặp được ngoại đạo nhưng đã đả phá tan tành ngọn ngành của ngoại đạo, khiến họ không còn chỗ nương.

Báo thù xong, mọi nguời cảm thấy hân hoan. Vua đem ba thôn cát bằng vàng ban thưởng cho Pháp sư. Pháp sư chia làm ba phần để xây ba ngôi Chùa ở nước A-dụ-đô. Một chùa Tỳ Kheo Ni, một chùa Tát-bà-đa bộ và một chùa Đại Thừa. Sau đó, Pháp sư thành lập Chánh pháp.

Trước kia, do đã thông nghĩa Tỳ-bà-sa, Ngài đem giải nghĩa ấy giảng dạy cho mọi người. Mỗi ngày sau khi giảng, Ngài tạo một bài kệ gồm nhiếp tất cả ý nghĩa thuyết giảng trong ngày đó, khắc lá đồng đỏ để viết kệ, rồi treo chúc ngược bài kệ, gióng trống thông báo: Ai có thể đả phá nghĩa kệ này được? Nếu người nào có khả năng đả phá được thì nên ra. Cứ như thế lần lược tạo sáu mươi bài kệ Tỳ-bà-sa, mỗi kệ đều làm như thế, nhưng không có ai đả phá nổi.

Kệ đó chính là kệ Câu Xá Luận.

Sau khi kệ làm xong, đem năm mươi cân vàng và kệ này gửi cho các sư Tỳ-bà-sa ở Kế Tân. Chư sư nhận được đều hoan hỷ nói rằng: “Chánh Pháp của ta đã được tuyên truyền rộng rãi, lời kệ mầu nhiệm thâm sâu không thể hiểu hết.”

Lại đem thêm năm mươi cân vàng cùng với năm mươi cân vàng mà Pháp sư gửi qua trước đó, hợp thành một trăm cân vàng dâng lên cúng dường Pháp sư, xin Pháp sư giảng giải yếu nghĩa kệ ấy bằng văn xuôi. Pháp sư liền giảng giải bằng văn xuôi, lập nên giáo nghĩa Tát-bà-đa, tùy chỗ dùng giáo nghĩa kinh bộ đả phá, gọi là Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá sau khi luận hoàn tất, gửi cho tất cả chư sư ở Kế Tân. Chư sư nhận thấy giáo nghĩa của họ bị hoại nên sanh lòng buồn khổ.

Thái tử Vua Chánh Nhật Lặc tên là Bà-la Dật-để. Bà-la dịch là Tân, Dật-để dịch là Nhật (ngày, mặt trời). Vua vốn sai Thái tử đến Pháp sư thọ giới. Hoàng phi của Vua cũng xuất gia làm đệ tử của Pháp sư. Sau Thái Tử nối ngôi Vua, cung thỉnh Pháp sư đến trụ ở nuớc A-xà-đồ để nhận sự cúng dường, Pháp sư chấp nhận.

Người chồng em gái Vua Tân Nhật là dòng dõi Bà-la-môn, tên là Bà-tu-la-đa, làm Pháp sư ngoại đạo giảng giải Tỳ-già-la luận.

Bồ Tát Thiên Thân tạo Câu Xá luận, ngoại đạo này dùng giáo nghĩa Tỳ-già-la luận để đả phá văn cú do Pháp sư lập.

Vua cho Tỳ-già-la luận là chống trái nhau, nên lịnh Pháp sư nghiên cứu, nếu không nghiên cứu đuợc thì luận ấy sẽ bị hoại. Pháp sư nói: “Nếu bần tăng không hiểu Tỳ-già-la luận thì đâu thể nào hiểu đuợc giáo nghĩa thâm sâu.”

Pháp sư liền tạo luận để đả phá Tỳ-già-la luận từ đầu đến cuối.

Bấy giờ Tỳ-già-la luận bị mất, chỉ còn lại Câu Xá luận. Vua đem một thôn cát bằng vàng cúng duờng Pháp sư. Mẹ Vua đem hai thôn cát bằng vàng cúng duờng Pháp sư. Pháp sư phân làm ba phần xây dựng ba chùa ở ba nuớc Truợng Phu, Kế Tân và A-xà-đồ.

Ngoại đạo sanh lòng hổ thẹn, phẩn uất muốn hàng phục Pháp sư, bèn sai người đến Thiên Trúc thỉnh Pháp sư Tăng-già-bạt-đa-la đến nước A-xà-đồ tạo luận để đả phá Câu Xá luận.

Vị Pháp sư này đến tạo hai bộ luận gồm một là Tam-ma-da luận gồm vạn bài kệ, chỉ thuật lại nghĩa Tỳ-bà-sa. Tam-ma-da dịch là Nghĩa loại.

Hai là Tùy Thật Luận gồm mười hai vạn bài kệ nghiên cứu giáo nghĩa Tỳ-bà-sa để đả phá Câu Xá luận.

Sau khi luận thành, gọi Bồ Tát Thiên Thân cùng đối diện biện luận. Bồ Tát Thiên Thân biết luận này mặc dù đả phá nhưng không thể đánh bại được giáo nghĩa Câu Xá nên không cần đối diện để cùng biện luận nữa.

Pháp sư nói: Nay ta đã già, ngươi làm theo ý ngươi. Xưa ta tạo luận để đả phá giáo nghĩa Tỳ-bà-sa, cũng không đối diện với ngươi mà biện luận. Nay ngươi tạo luận đâu cần gọi ta. Người có trí tuệ, nên tự biết đâu là phải trái.

Pháp sư đã thông hiểu khắp giáo nghĩa của 18 bộ luận, giỏi Tiểu Thừa, chấp vào Tiểu Thừa vì thế không tin Đại Thừa, cho Đại Thừa chẳng phải Phật thuyết, Pháp sư A-tăng-già-đa thấy được sự thông minh của em mình hơn người thường, biết em mình hiểu thấu suốt khắp trong ngoài, sợ em mình tạo luận đả phá Đại Thừa, nên Tăng-già-đa đến trụ ở nuớc Trượng Phu sai người đến nuớc A-xà-đồ báo cho Bà-tẩu-bàn-đậu rằng: Ta nay bịnh nặng, ngươi hãy mau đến.

Thiên Thân liền theo lời, trở về bổn quốc để thăm viếng hỏi han căn nguyên bệnh tật của anh.

Anh đáp: Nay ta có bịnh là do ông.

Thiên Thân hỏi: Vì sao do em?

Anh đáp: Do ông không tin Đại Thừa, thường sanh tâm chê bai, vì nghiệp ác ấy chắc chắn phải trầm luân trong ác đạo. Vì thế, nay ta buồn khổ đến nỗi không bảo toàn được thân mệnh.

Thiên Thân nghe vậy kinh sợ liền thỉnh người anh giảng giải về Đại Thừa.

Người anh liền nói sơ lược về yếu nghĩa Đại Thừa.

Pháp sư tức thì liền ngộ giáo lý Đại Thừa hơn Tiểu Thừa, nên đã theo anh học khắp giáo nghĩa Đại Thừa, tư duy thấy rõ trước sau nghĩa lý tương ưng không có gì chống trái.

Trước đây ta chỉ một bề nghiên cứu Tiểu Thừa mà đánh mất Đại Thừa. Nếu không có Đại Thừa thì không có đạo quả 3 thừa. Trước kia, ta chê Đại Thừa, không sanh lòng tin ưa, nay sợ tội lỗi ấy chắc phải đọa vào ác đạo. Nên tự trách lỗi lầm, muốn ăn năn hối lỗi xưa, bèn đi đến chỗ người anh trình bày hết những mê lầm của mình trước đây và mong muốn sám hối, song chẳng biết làm cách nào để được tiêu tội lỗi ấy, bèn nói rằng: “Xưa, ta từ lưỡi này chê bai, nay cần phải cắt lưỡi để tạ tội.”

Người anh nói: “Giá như ông có cắt một ngàn cái lưỡi cũng không thể diệt hết tội ấy. Ông muốn diệt tội ấy thì nên làm phương tiện.”

Pháp sư liền thỉnh nói phương tiện diệt tội. Người anh nói: “Lưỡi ông giỏi phỉ báng Đại Thừa, ông muốn diệt tội ấy thì hãy khéo dùng cái lưỡi đó mà giảng thuyết Đại Thừa.”

Sau khi Pháp sư A-tăng-già tịch, Bồ Tát Thiên Thân mới tạo luận Đại Thừa, để giải thích các kinh điển Đại Thừa như: Hoa Nghiêm. Niết Bàn, Pháp Hoa, Bát Nhã, Duy Ma, Thắng Man v.v…

Các luận về kinh Đại Thừa đều do Pháp sư tạo. Ngoài ra, còn có Duy Thức Luận, Thích Nhiếp Đại Thừa Tánh Cam Lộ Môn và các luận Đại Thừa khác do Pháp sư trước tác, văn nghĩa đều tinh diệu ai thấy nghe cũng đều tin cậy. Cho nên, các học giả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa ở các nơi khác đều đem tác phẩm của Ngài ra nghiên cứu. Các bộ phái khác và các luận sư ngoại đạo, nghe tên Ngài không ai không kính phục.

Pháp sư thị tịch ở nước A-dụ-đồ, hưởng thọ tám mươi tuổi. Tuy tung tích ở đất phàm nhưng lý thật khó nghĩ bàn.

Từ trước đến đây, ghi chép về anh em của Bồ Tát Thiên Thân. Sau đây ghi Tam Tạng Xà-lê từ Đài Thành ra vào hướng Đông đến Quảng Châu dịch các luận Đại Thừa truyền lại cho đời sau.

    Xem thêm:

  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi - Kinh Tạng
  • Ý Nghĩa Phát Xuất Từ Kim Cang Đỉnh Du Già Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Thiện Ác Nghiệp Báo (Chư Kinh Yếu Tập) - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Bộ Danh Hiệu của Chư Phật - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Người Phụ Nữ Gặp Điều Bất Hạnh - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng