Thiện Ác Nghiệp Báo
Chư Kinh Yếu Tập
Đường Đạo Thế tập
Bản Việt dịch của Thích Quảng An
***
TỰA
[01a] Pháp thân chỉ một tướng, mà mỗi chúng sinh nhìn thấy một vẻ; chính pháp thuần một vị, mà người nghe chẳng cùng một ý. Do đó, người giảng pháp bình đẳng như trời mưa, nhưng các đệ tử nghe thấy đều khác. Bởi vì, pháp được truyền trao tùy theo trình độ, nên sự lĩnh hội tuỳ căn khí mà có cạn, sâu. Đến như đại cương của mười hai thể loại kinh[1], ý rộng của tám vạn pháp môn, được cất chứa trong long cung ở Tây Trúc cũng không ghi hết tri thức mênh mông như lá rừng xanh của Phật, giáo pháp mà cổ đức dùng voi chở đến phương Đông, đâu chuyển hết lời dạy chỉ như số lá trong bàn tay! Vì thế, không dạo trên biển cả thì chưa thấy được cảnh bầu trời bao la, không ngước nhìn Thái sơn thì chẳng thấy cảnh núi chạm mây, có được ngọc quí của li[2] long[3] thì mới biết mắt cá nào phải châu báu, được nghe tiếng chuông lớn mới biết tiếng gõ bồn là nhỏ. Do đó, nên biết kinh Phật có chủ ý sâu xa, thánh và phàm đều ưa chuộng, đúng là báu vật riêng của trời và người, cao siêu hơn cả học thuyết hiếm có của Nho gia, Mặc gia[4] …, uy lực chấn động cõi Đại thiên, ánh sáng vượt qua muôn cõi, đem lợi ích đến khắp sa giới, tạo công đức cho muôn đời.
Phương pháp phổ độ của Đức Phật vĩ đại thay! Nhưng lúc thời và duyên chưa gặp thì cảm và ứng không đồng. Đến khi “rừng ban mai chuyển màu[5]”, mộng ban đêm đã báo, rồi dựng nền móng chùa Bạch Mã, dần dần đến niên hiệu Xích Ô[6], thì Phật pháp đã được phổ biến rộng rãi hơn sáu trăm năm, giới xuất gia và tục gia đều được lợi ích giống như nhau.
Nhưng buồn thay! Chính pháp và tượng pháp dần dần trôi, chuyển dời đến thời mạt pháp thì chúng sinh phàm tình tăm tối, tâm thức mê mờ, ngày càng bạc bẽo, đạo thánh chìm mất, giáo pháp suy vi. Do đó, chương cú sai lạc, kinh giáo trôi chìm, văn từ mênh mông, rất khó tìm đọc. Thế nên, trong niên hiệu Hiển Khánh[7], tôi đọc tất cả kinh điển, theo ý mình tìm những lời dạy thiết yếu. Những điều mọi người có thể thực hành được chính là lý nghiệp báo thiện ác, tôi đã ghi ra một nghìn trường hợp, tập hợp thành ba mươi thiên, đóng thành hai tập, mong người xuất gia và người tại gia theo đó thực hành, đồng thời việc truyền đăng cũng có căn cứ.
Kính xét rằng, kinh Phật sâu mầu, người kém hiểu biết không thể nhận ra; đạo xuất thế kín nhiệm, kẻ vướng bận phiền não đâu thể biện luận! Bởi vì, ra biển rộng thì cảm thấy thuyền nhẹ, lên núi cao thì cảm thấy bụi là nhỏ, vung dao dễ cắt, dệt gấm khó thành.
Nay tôi chẳng lượng mình hiểu biết tầm thường, lạm bàn kinh điển sâu kín, tạm đặt ra tên gọi, lại càng thêm hổ thẹn.
Sách này chia làm ba mươi loại: Tam bảo, Kính tháp, Nhiếp niệm, Nhập đạo, [01b] Bái tán, Hương đăng, Thụ thỉnh, Thụ trai, Phá trai, Giàu sang, Nghèo hèn, Khích lệ, Báo ân, Phóng sinh, Làm phúc, Chọn bạn, Nghĩ kỹ, Lục độ, Nghiệp nhân, Tham dục, Tứ sinh, Thụ báo, Thập ác, Dối gạt, Biếng nhác, Rượu thịt, Xem tướng, Địa ngục, Tống chung, Linh tinh.
MỤC LỤC
00. Tựa
01. Kính Phật
02. Kính Pháp
03. Kính Tăng
04. Kính Tháp
05. Nhiếp Niệm
06. Nhập Đạo
07. Tán Tụng
08. Hương Đăng
09. Thụ Thỉnh
10. Thụ Trai
11. Phá Trai
12. Phú Quí
13. Bần Tiện
14. Khuyến Khích Tu Tập
15. Báo Ân
16. Phóng Sanh
17. Làm Phúc
18. Chọn Bạn Kết Giao
19. Suy Nghĩ Thận Trọng
20. Lục Độ
21. Nghiệp Nhân
22. Dục Cái
23. Tứ Sinh
24. Thọ Báo
25. Mười Việc Ác
26. Dối Trá
27. Lười Biếng Và Kiêu Mạn
28. Rượi Thịt
29. Xem Tướng
30. Địa Ngục
31. Tống Chung
32. Linh Tinh