Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XX. DỤC CÁI[36]

Gồm ba phần: Lời dẫn, Năm dục[37], Năm triền cái.

XX.1. Lời dẫn

Xét trong kinh luận thì người tu đạo đều cho rằng ngũ dục chính là gốc rễ chướng ngăn gốc thánh đạo, nếu không đoạn trừ thì không thể nào chứng được quả thánh. Cội rễ ấy chính là năm căn, năm trần và năm thức, do căn trần tiếp xúc sinh ra.

Do ba loại này mà sinh ra nhiễm dục, cho nên kinh Niết-bàn ghi: “Này thiện nam! Thí như voi ác chưa được điều phục, nếu có người cưỡi, nó sẽ không tuân theo, bỏ xóm làng, chạy vào rừng hoang; cũng thế, người không khéo nhiếp phục năm căn, sẽ dẫn dắt người lìa bỏ thành trì niết-bàn đến chốn đồng hoang sinh tử. Thiện nam tử! Thí như gian thần xúi dục vua làm ác, gian thần ngũ căn cũng thế, thường xúi dục chúng sinh tạo vô lượng ác. Như đứa con hư hỏng, không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, sư trưởng,[108c] thì không có điều ác nào mà không làm; cũng vậy, người không điều phục năm căn, không nghe theo lời dạy tốt đẹp của sư trưởng thì không có điều ác nào mà không gây tạo.

Thiện nam tử! Hàng phàm phu không điều phục năm căn, thường bị bọn giặc địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh làm hại, cũng như kẻ cừu oán, trộm cắp hại người lương thiện”.

Kinh Di giáo ghi: “Năm căn gây họa đến nhiều kiếp, tai hại rất nặng, cần phải thận trọng! Thế nên, người trí chế ngự, không chạy theo, canh giữ nó như giặc. Nếu buông lung năm căn, thì chẳng bao lâu sẽ bị chúng phá hoại tất cả”.

Cái là ngăn che, nghĩa là hành giả bị nó ngăn che làm cho tâm tính mê mờ, định tuệ không sáng tỏ, nhận chìm người thiện, là chướng ngại chính đối với người tu đạo.

Vì thế, luận Ðối pháp ghi: “Cái khiến cho điều thiện không hiển lộ, che lấp tâm tính, làm chướng ngại, không cho các tâm thiện hoạt động”. Năm dục nói ở trước, phát sinh từ năm trần, năm cái này phát sinh từ năm căn.

XX.2. Năm dục

Phần này có ba ý

XX.2.1. Khổ do dục trói buộc

Do có năm căn, nên dễ dàng phát sinh năm dục trói buộc chúng sinh khiến không thể giải thoát. Do đó, kinh Niết-bàn ghi: “Phàm phu bị năm dục trói buộc, để ma ba-tuần tự do dẫn đi, như người thợ săn bắt khỉ vượn mang về nhà. Thiện nam tử! Giống như quốc vương, khi ở trong nước của mình, tất nhiên thân tâm luôn được an lạc, nhưng nếu đến nước khác thì phải chịu những khổ đau. Cũng vậy, tất cả chúng sinh ở trong cảnh giới của mình thì sẽ được tự do, an lạc; nhưng nếu đến cảnh giới khác thì sẽ gặp ác ma, chịu nhiều thống khổ. Cảnh giới của chính mình là bốn niệm xứ[38], cảnh giới khác là năm dục”.

Năm dục là sắc, thanh, hương, vị và xúc được nhận biết ở nơi thân của người nam và nữ. Dục nghĩa là mong cầu; vì tham đắm năm trần nên gọi là dục; còn tất cả các cảnh mà ý căn tiếp xúc, gọi là pháp trần. Sáu trần này không chỉ là chỗ hoạt động của ma, mà còn là ác tặc. Cho nên kinh Niết-bàn ghi: “Như sáu tên giặc lớn có thể cướp hết tài sản của muôn dân; cũng vậy, giặc cướp sáu trần có thể cướp hết tài sản thiện của chúng sinh. Sáu tên giặc lớn, nếu đột nhập vào nhà người thì sẽ cướp hết tài sản hiện có của họ, không kể tốt hay xấu, khiến nhà giàu bỗng chốc sẽ trở thành nghèo khổ. Cũng vậy, bọn giặc sáu trần, nếu đột nhập vào năm giác quan của người, thì có thể cướp đoạt hết tất cả pháp thiện. [109a] Khi pháp thiện mất hết thì nghèo cùng côi cút, làm kẻ nhất-xiển-đề. Vì thế, bồ-tát xem sáu trần như sáu tên giặc lớn”.

XX.2.2. Khổ do dục chướng ngại

Lỗi của dục là tệ ma năm dục và ác tặc sáu trần. Ðức Phật cho những thứ đó là phiền não điên đảo, ngăn che Phật tính.

Kinh Niết-bàn ghi: “Năm thức của chúng sinh tuy chẳng phải nhất niệm, nhưng đều là hữu lậu, tà kiến điên đảo, làm tăng trưởng lậu hoặc. Tất cả phàm phu đều tham đắm sắc, thức v.v… Vì đắm trước sắc nên sinh tâm tham; do sinh tâm tham mới bị sắc cho đến thức trói buộc, do bị trói buộc nên không thể thoát khỏi tất cả những phiền não khổ đau sinh, lão, bệnh, tử và ưu bi”.

Lại ghi: “Bồ-tát tự cho là giữ giới thanh tịnh, tuy không chuyện trò, cười nói bỡn cợt, nhưng thích nghe giọng nói của người nữ; hoặc thấy người nam đi theo người nữ, hay thấy người nữ đi theo người nam liền khởi tâm tham đắm. Bồ-tát ấy đã nhiễm pháp dục, phá hủy tịnh giới, ô nhiễm Phạm hạnh, khiến giới bị cấu uế, không được gọi là tịnh giới trọn vẹn”.

Như luận Trí độ ghi: “Bồ-tát quán sát các thứ bất tịnh, trong những mối nguy hại thì người nữ là nguy hại nhất. Những thứ như dao, lửa, giông tố, sấm sét, oan gia và rắn độc còn có thể gần được; chứ người nữ đầy dẫy tham lam, keo kiệt, giận dữ, dua nịnh, đấu tranh ganh tị, không nên gần gũi. Vì sao? Vì người nữ là tiểu nhân, tâm trí cạn cợt, chỉ thích gần với dục, không màng đến danh tiếng, phú quý, trí đức; chuyên hành dục ác, phá hoại thiện căn của người. Gông cùm, xiềng xích trói buộc, giam cầm tuy khó thoát nhưng vẫn dễ; còn khóa nữ sắc, hễ khóa người rồi thì không thể mở ra, đó là căn bệnh nặng nhất”.

Đức Phật dạy:

Thà lấy thanh sắt nóng,

Đâm vào tròng mắt mình,

Chứ không dùng tâm nhiễm,

Trộm liếc nhìn nữ sắc.

Người nữ hay mỉm cười,

Và làm duyên làm dáng,

Thường kiêu căng, thẹn thùng,

Quay mặt cùng nhắm mắt,

Giọng nhỏ nhẹ, dỗi hờn,

Cùng dáng đi yểu điệu,

Làm mê hoặc lòng người,

Lưới dâm giăng cùng khắp,

Sa vào đều mất thân.

Khi đi, đứng, nằm, ngồi,

Liếc mắt nhìn, bỡn cợt,

Kẻ ngu trí cạn mỏng,

Bị nó làm đắm say,

Cầm dao dẹp quân địch,

Còn có thể thắng được.

Nữ tặc hại lòng người,

Không sao ngăn cản được,

Rắn hổ mang ngậm độc,

[109b] Còn có thể nắm bắt,

Nữ tình mê hoặc người,

Thật chẳng nên tiếp xúc.

Người có trí sáng suốt,

Không nên nhìn người nữ,

Nếu muốn nhìn đến họ,

Phải xem như mẹ, chị,

Nhìn kỹ rồi quán tưởng,

Thấy toàn là bất tịnh,

Lửa dâm nếu không trừ,

Ắt sẽ bị tiêu diệt.

Lỗi về sắc đã vậy, hương, vị, xúc cũng đều như thế. Từ xưa tới nay, tất cả chúng sinh trôi lăn trong sinh tử, không thể thoát ly, đều là do nữ sắc trói buộc khó thoát ra được. Kẻ mê mờ không có mắt tuệ, nên bị rơi xuống hầm sinh tử. Nay kẻ tục, người đạo, không nhận ra cái họa của dục, mà cứ rong ruổi theo nó, biết ngày nào mới quay đầu lại để thoát khỏi họa ấy! Tâm luôn đắm trước, không thể bỏ rời, giới còn không có, nói gì đến định và tuệ hay Phật tính!

Bài kệ trong kinh Niết-bàn ghi:

Làm ác không hối hận,

Như sữa kết thành lạc[39],

Tro tàn che phủ lửa,

Người ngu dẫm đạp lên.

XX.2.3. Chê trách khổ đau do dục gây tạo

Luận Trí độ ghi: “Hành giả nên chê trách năm dục: Thương thay! Chúng sinh thường bị ngũ dục quấy nhiễu, vậy mà cứ tìm cầu mãi không thôi, để rồi phải rơi xuống hầm lửa lớn, chịu nỗi khổ bị lửa nướng quay. Ngũ dục không lợi ích, như chó gặm xương; ngũ dục làm tăng sự đấu tranh, như quạ tranh thịt; ngũ dục đốt người, như cầm đuốc ngược gió; ngũ dục hại người như đạp phải rắn độc; ngũ dục không thật, như cảnh mộng; ngũ dục không bền lâu, chỉ gá tạm chốc lát. Người đời vì mê muội nên tham đắm ngũ dục, cho đến chết mà vẫn không chịu từ bỏ, đến nỗi phải chịu khổ đau cùng cực ở nhiều đời sau. Ngũ dục này chỉ làm vui sướng nhất thời, còn đau khổ thì triền miên. Như mật bôi trên dao, người tham ngọt liếm vào, đâu biết họa bị đứt lưỡi. Ngũ dục ấy là sắc, thanh, hương, vị và xúc. Năm món này là trở ngại lớn cho các thiền gia, nếu muốn tu định cần phải buông bỏ”.

  1. Quở trách lỗi tham đắm sắc

Như vua Tần-bà-bà-la vì tham sắc mà phải dấn thân vào nước kẻ thù, một mình ở trong phòng dâm nữ A-phạm-bà-la. Vua Ưu-điền vì tham đắm sắc, nên đã chặt tay của năm trăm vị tiên nhân. Do nhiều nhân duyên như thế, nên quở trách lỗi của sắc.

  1. Quở trách lỗi tham đắm âm thanh

Âm thanh vô thường, vừa nghe liền diệt. Người ngu si không hiểu bản chất của âm thanh là vô thường, biến đổi, nên vọng sinh tâm ưa thích; [109c] âm thanh đã trôi qua rồi, mà tâm còn sinh đắm trước. Như năm trăm tiên nhân sống trong núi, nghe tiếng hát của cô gái Khẩn-đà-la tắm nơi ao trong núi Tuyết, họ liền đánh mất thiền định, tâm say đắm cuồng loạn không tự chế ngự, mất hết công đức, về sau đọa vào đường ác. Người trí quán chiếu sự sinh diệt của âm thanh, trước sau không phải một, không liên tục. Khi đã nhận biết như vậy thì không còn đắm nhiễm. Với người như thế, dù cho âm nhạc của trời cũng không thể cám dỗ được, huống gì là âm thanh trần tục. Do những nhân duyên như thế, nên quở trách lỗi tham đắm âm thanh.

Luận ghi: “Năm trăm tiên nhân đang bay, nghe tiếng ca của cô gái Khẩn-đà-la, tâm đắm nhiễm, rối loạn, liền mất hết thần túc, liền rơi xuống đất. Khi tiếng đàn Truân-luân-ma của vua Khẩn-đà-la[40] diễn tả thật tướng các pháp để ca ngợi Đức Phật thì núi Tu di và cây cối đều rúng động, các đại đệ tử như Ca-diếp v.v… ngồi trên tòa cũng đều múa máy theo, không chế ngự được tâm mình. Bồ-tát Thiện Mãn liền hỏi ngài Ca-diếp:

– Thầy là bậc đại kỳ túc, thực hành hạnh đầu-đà, tại sao hôm nay lại không chế ngự được tâm mình?

Ca-diếp đáp:

– Đối với các dục của cõi trời người, tâm ta không hề bị lay động, nhưng đây là âm thanh từ vô lượng công đức của bồ-tát phát ra, lại do trí tuệ biến hóa tạo nên, do đó ta không thể kềm chế được.

Thí như gió từ tám phương thổi đến cũng không thể lay động được núi Tu-di; nhưng đến kiếp tận, gió Tì-lam thổi đến khiến cho núi Tu-di giống như cỏ mục. Như cây đàn của A-tu-la[41] thường tự phát ra âm thanh đúng theo sở thích của họ, cho dù không có người khảy. Tiếng đàn này không làm cho tâm tán loạn, cũng không giúp nhiếp tâm. Đây là quả báo sinh ra từ phúc đức, đúng theo sở thích mà phát ra âm thanh. Cũng vậy, bồ-tát đã chứng Pháp thân thì không có tâm phân biệt, cũng không có tâm tán loạn, cũng không có tướng thuyết pháp. Đây là nhờ vô lượng phúc trí phát sinh”.

  1. Quở trách lỗi tham đắm mùi hương

Người đời cho rằng tham đắm mùi hương thì ít tội, nhưng thật ra nhiễm đắm mùi hương là mở cửa kết sử[42]. Dẫu người nỗ lực giữ giới cả trăm năm cũng có thể bị nó làm hại trong phút chốc. Như có vị a-la-hán thường vào cung rồng, sau khi ăn xong, mang bát về trao cho một vị sa-di rửa. Khi rửa, trong bát còn sót vài hạt cơm, vị sa-di ngửi, nghe mùi quá thơm, ăn rất ngon, liền tìm cách chui xuống, hai tay bám lấy chân thằng sàng[43], để khi thầy vào cung rồng thì sẽ đi cùng.

Khi đến nơi, rồng hỏi:

– Vị này chưa đắc đạo, vì sao ngài dẫn theo?

Thầy trả lời:

– Tôi không biết!

Nhờ vậy, vị sa-di kia được ăn uống no nê, lại thấy rồng nữ xinh đẹp, tỏa hương thơm, liền sinh tâm đắm nhiễm, khởi nguyện xấu ác: [110a] “Ta sẽ tạo phúc đức để đoạt được cung rồng và ở tại cung điện này”.

Lúc ấy, rồng nói:

– Lần sau ngài chớ nên dẫn vị sa-di này theo!

Sau khi trở về, vị sa-di hết lòng bố thí, trì giới luôn mong cầu sớm thành rồng. Bấy giờ, sa-di đang đi kinh hành ở trong chùa, tự nhiên dưới chân phun ra nước, nên tự biết chắc mình đã được làm rồng, vội vàng đi đến bờ ao lớn, chỗ mà trước kia thầy mình vào long cung, lấy ca-sa trùm lên đầu, nhảy vào trong ao lớn chết, biến làm rồng lớn. Nhờ phúc đức tu tập, nên vị sa-di ấy giết được con rồng chúa kia, máu nhuộm đỏ ao. Trước đó, các vị thầy và chúng tăng đều quở trách, sa-di liền nói:

– Ý con đã định, khi tâm tướng đã hiện, sẽ dẫn chúng tăng đến ao xem.

Do những nhân duyên như vậy, nên quở trách lỗi đắm trước sắc.

Lại, có một vị tì-kheo đi kinh hành bên bờ ao trong khu rừng, ngửi hương thơm của hoa sen liền sinh tâm đắm trước. Thần ao hỏi:

– Tại sao ông bỏ ngồi thiền dưới khu rừng kia mà lại đến trộm mùi hương của tôi? Vì đắm trước hương, nên những kết sử đã lắng yên liền dấy khởi.

Khi ấy, có một người vào trong ao hái rất nhiều hoa sen, nhổ rễ, bẻ cành vứt bừa bãi rồi bỏ đi. Thần ao im lặng, không nói gì.

Tì-kheo nói:

– Người kia phá hết ao sen mà ông không nói gì, sao tôi chỉ kinh hành bên bờ liền bị ông mắng là kẻ ăn trộm hương?

Thần ao nói:

– Người ác thế gian thường ở trong phẩn dơ tội lỗi, bất tịnh ngập đầu thì tôi nói làm gì; còn thầy là người tốt, đang hành thiền mà đắm trước hương này là phá hủy việc thiện của mình, cho nên tôi mới chê trách! Giống như tấm lụa trắng bị vấy bẩn, thì mọi người đều nhìn thấy. Còn người ác giống như tấm vải đen, dẫu dính thêm một vết đen nữa thì người ta cũng không nhìn thấy, ai hỏi làm gì? Những nhân duyên như thế, nên quở trách lỗi đắm trước mùi hương.

  1. Quở trách lỗi đắm trước mùi vị

Nên tự hiểu rằng, chỉ vì ta tham đắm vị ngon nên phải chịu nỗi khổ uống nước đồng sôi, nuốt hòn sắt nóng. Nếu không quán chiếu thức ăn mà tâm cứ mãi đắm trước thì sẽ đọa làm loài trùng bất tịnh.

Có một sa-di thường thích sữa đông, khi các đàn-việt mang sữa đông cúng cho chúng tăng, sa-di được chút phần dư, trong lòng thích thú tham đắm không rời, nên sau khi qua đời, liền sinh vào trong chiếc bình chứa sữa đông này. Thầy của sa-di đã chứng quả A-la-hán, biết được nên khi tăng chia sữa thì liền nói:

– Hãy cẩn thận! Chớ làm tổn thương vị sa-di!

Mọi người nói:

– Đây là loài trùng, sao thầy bảo là sa-di?

Thầy đáp:

– Con trùng này vốn là sa-di đệ tử của ta, chỉ vì tham đắm sữa đông dư mà sinh vào trong chiếc bình này!

Bấy giờ, từ trong phần sữa đông của thầy, con trùng ấy bò ra. Vị thầy nói:

– Ta là hòa thượng của ngươi. Ngươi nên bỏ tâm tham đắm sữa, cầu đạo xuất thế để thoát khỏi thân trùng!

Nói xong, thầy trao tam quy, trùng chết liền được sinh lên cõi trời.

[110b]Lại thái tử con vua Nhật Nguyệt Phần rất ưa thích mùi vị ngon. Người giữ vườn của vua hàng ngày mang quả ngon đến cho thái tử. Bây giờ, trên cây lớn trong vườn có một tổ chim. Chim mẹ thường bay đến núi Hương lấy những quả thơm ngon về nuôi con. Vì các chim con tranh nhau, nên có một quả rơi xuống đất. Sáng sớm hôm sau, người làm vườn thấy quả này có màu sắc kỳ lạ vô cùng, bèn mang dâng lên cho nhà vua. Vua rất quý quả này, vì nó có mùi hương quá đặc biệt, thái tử thấy được liền xem. Vì thương con, nên nhà vua ban cho thái tử. Khi thái tử thưởng thức hương vị quả này, tâm lại càng tham đắm, hàng ngày mong có quả này để ăn. Nhà vua liền gọi người giữ vườn, hỏi nguyên do có được trái cây này.

Người giữ vườn tâu:

– Quả này không có ai trồng, thần nhặt dưới đất, không biết từ đâu đến?

Thái tử khóc lóc không ăn uống gì, nhà vua bèn ra lệnh người giữ vườn:

– Ngươi hãy mau tìm cho được trái ấy mang về đây!

Người giữ vườn liền đến chỗ mình nhặt được trái cây hôm nọ, thấy trên cây có tổ chim, mới biết trái cây này do chim mang về. Ông ta ẩn mình trên cây, rình chờ lấy quả. Khi chim mẹ bay về, ông ta cướp lấy quả dâng lên cho nhà vua. Hàng ngày như vậy, chim mẹ tức giận, bèn đến núi Hương hái một quả độc, nhưng mùi cũng giống như quả kia. Người giữ vườn cũng cướp lấy, rồi dâng lên nhà vua. Nhà vua và thái tử ăn, chưa được bao lâu thân thể thối rửa mà chết.

Do các nhân duyên như vậy, cho nên quở trách lỗi tham đắm mùi vị.

  1. Quở trách lỗi tham đắm sự xúc chạm

Xúc là nguyên nhân của kết sử, là căn bản trói buộc tâm. Vì sao? Vì bốn dục kia mỗi mỗi chỉ duyên với căn tương ứng, còn xúc thì toàn thân. Vả lại, nó rất khó xa lìa, thường tạo trọng tội.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói nhân duyên Bản Sinh[44] cho các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ xa xưa, ở nước Ba-la-nại có một tiên nhân sống trong núi. Vào một đêm tháng tám, vị tiên nhân đi tiểu trong bồn tắm, chợt thấy những con nai giao hợp, tâm dâm sinh khởi nên xuất tinh rơi vào bồn. Khi nai cái đến uống nước, gặp phải, liền mang thai. Đủ tháng, nó đến bên am của tiên nhân, sinh ra một sinh vật, thân hình giống người, nhưng trên đầu có một chiếc sừng và chân thì giống nai. Nai mẹ thấy con của mình giống người, bèn bỏ đó cho tiên nhân rồi đi. Tiên nhân bước ra, thấy sinh vật nhỏ bé này, tự nhớ nghĩ lại duyên xưa, biết là con của mình. Ông ta mang về nuôi dưỡng, khi khôn lớn, dạy nó học tập, thông thạo mười tám loại đại kinh, lại học tọa thiền và thực hành tứ vô lượng tâm[45], chứng ngũ thần thông[46]. Một hôm, nó lên núi, gặp lúc trời mưa lớn, đường đi lầy lội, trơn trợt, chân đi không vững, nên té ngã làm bể chiếc bình đựng nước, chân lại bị thương. Nó tức giận quá, về nhà lấy bình chứa nước [110c] rồi chú nguyện, khiến cho trời không mưa. Vì phúc đức của tiên nhân, nên các loài rồng, quỷ thần đều không làm mưa. Do không mưa, nên ngũ cốc, ngũ quả đều không thể sinh trưởng, nhân dân vô cùng khốn khổ, dường như không còn đường sống. Vua Ba-la-nại ưu sầu, nhóm họp các đại thần để bàn luận. Có một vị quan thông thái thưa:

– Nghe đồn có vị tiên có sừng sống trong núi Tiên Nhân, một hôm vào núi, vì chân không vững, khiến chân bị thương, ông ta tức giận bèn chú nguyện suốt mười hai năm không mưa.

Nhà vua liền nghĩ: “Nếu suốt mười hai năm mà không mưa, đất nước ta không còn nhân dân, ắt sẽ bị diệt vong!”. Nhà vua liền chiêu mộ, ai có khả năng khiến cho tiên nhân mất thần thông, để ông ấy làm một người dân bình thường, ta sẽ chia nửa quốc gia. Trong nước, có một dâm nữ tên là Phiến-đà, xinh đẹp và rất giàu có, đến nhận lời chiêu mộ của nhà vua. Cô ta hỏi mọi người:

– Đó là người phải không?

Đáp: Phải! Do một tiên nhân sinh ra!

Dâm nữ nói:

– Nếu là người thì ta có thể phá được.

Nói xong, cô ta lấy mâm vàng đựng đầy báu vật, đồng thời thưa với vua:

– Tiểu nữ sẽ cưỡi trên cổ vị tiên nhân đó về đây!

Ngay lúc đó, dâm nữ xin nhà vua ban cho năm trăm cỗ xe chở năm trăm mĩ nữ, năm trăm xe nai chở các loại rượu ngon có nồng độ cao, màu sắc giống như nước và các loại bánh hoan hỷ rồi dùng các loại dược thảo hòa với nước vẽ lên bánh đủ màu sắc, giống như các loại trái cây lẫn lộn, rồi mặc áo vỏ cây để giống với tiên nhân, vào trong rừng, cất thảo am ở bên cạnh tiên nhân. Khi tiên nhân ra, các tiên nữ đón tiếp, mang những đóa hoa đẹp với mùi hương thượng diệu cúng dường. Họ dùng những lời hay, tỏ vẻ cung kính, thăm hỏi tiên nhân rồi đưa vào phòng, mời ngồi trên chiếc giường nệm, dâng rượu ngon thay nước trong bình, mời bánh hoan hỷ thay quả, tiên nhân rất vui. Sau khi ăn uống no say, tiên nhân nói với những dâm nữ:

– Từ khi sinh ra đến nay, ta chưa từng được thưởng thức những quả ngon và nước bổ như thế này!

Những dâm nữ nói:

– Tôi hết lòng làm điều thiện, nên trời ban cho tôi như sở nguyện được quả ngon, nước bổ này!

Tiên nhân hỏi:

– Vì sao các nàng có được nhan sắc xinh đẹp như thế?

Người nữ đáp:

– Tôi nhờ ăn quả ngon, uống nước bổ này nên có được nhan sắc như vậy.

Người nữ thưa với tiên nhân:

– Ngài ở lại đây luôn chứ?

Đáp:

– Vâng! Tôi cũng có thể ở lại!

Người nữ hỏi:

– Ngài có thể cùng tắm với tôi được không?

Đáp:

– Cũng được!

Bởi tay của dâm nữ mềm mại, khi chạm vào da thịt, tâm tiên nhân rung động, dục tâm liền sinh khởi, nên đưa đến việc hành dâm. Tiên nhân liền mất hết thần thông, trời liền mưa suốt bảy ngày đêm, nhân dân ăn mừng thỏa thích. Trải qua bảy ngày, rượu ngon, thức bổ đã hết, chỉ còn lại trái cây và nước suối, [111a] hương vị chẳng ngon gì. Tiên nhân đòi thức ăn uống như trước.

Dâm nữ nói:

– Đã hết rồi! Chúng ta sẽ cùng đi tìm, cách đây không xa sẽ có!

Tiên nhân đồng ý.

Thế là họ cùng nhau ra đi, cách thành không bao xa, người nữ nằm giữa đường nói:

– Tôi thật không thể đi được nữa!

Tiên nhân nói:

– Nếu không đi được, tôi sẽ cõng cô!

Trước đó, người nữ đã sai người báo tin cho vua biết, để vua đến chứng kiến tài năng của mình. Do đó, vua ra lệnh nghiêm chỉnh xa giá đến xem.

Vua hỏi:

– Nguyên nhân nào mà cô làm được việc này?

Người nữ tâu nhà vua:

– Tôi dùng tài khéo léo của mình. Nay ông ta đã như vậy, không thể có lại thần thông như trước nữa. Hãy cho ông ta ở trong thành, cung kính cúng dường đầy đủ, tùy theo ý muốn, đồng thời phong cho ông ta chức quan lớn.

Sống ở trong thành được ít ngày, thân thể ông ta trở nên gầy ốm, nhớ lại niềm vui thiền định, nhàm chán dục lạc thế gian. Thấy vậy, vua liền hỏi:

– Tại sao ngài không vui, khiến cho thân thể trở nên gầy ốm như thế?

Tiên nhân đáp:

– Tuy tôi có đầy đủ năm dục, nhưng cứ nhớ mãi chốn núi rừng yên tĩnh, nơi các tiên nhân dạo chơi, không thể nào quên được!

Vua nghĩ: “Nếu cưỡng ép ở lại thì làm cho ông ta khổ đau; khổ đau cùng tột thì sẽ chết. Họa hoạn mà ta muốn trừ bỏ cũng đã trừ, cưỡng ép ông ta làm gì nữa?”. Nghĩ như vậy, vua liền cho người đưa ông ta trở về núi. Khi đến núi, tiên nhân tinh tấn tu hành, không bao lâu lại chứng được ngũ thông.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Vị tiên nhân một sừng xưa kia, nay chính là Ta. Dâm nữ kia nay chính là Da-du-đà-la. Lúc đó, cô ta dùng bánh hoan hỷ mê hoặc Ta, do Ta chưa đoạn trừ kết hoặc nên bị mê hoặc. Nay cô ta vẫn còn dùng bánh hoan hỷ mê hoặc Ta, nhưng không được.

Qua việc này nên biết sự xúc chạm mịn màng có thể lay động cả tiên nhân, huống chi người phàm?

Do các nhân duyên như thế, nên chê trách lỗi đắm trước xúc. Như vậy, có thể chê trách năm dục, đoạn trừ năm loại ngăn che.

XX.3. Năm món ngăn che

Hỏi: Năm món ngăn che là gì?

Đáp: Tham dục, sân khuể, thùy miên, trạo hối và nghi.

XX.3.1. Tham dục

Ví như người đang thực tập thiền định, bỗng tâm sinh dục giác[47], vọng niệm tương tục, tham cầu mãi không thôi, đến nỗi sinh bệnh. Như luận Đại trí độ ghi: “Thuật-bà-già vì nhớ vương nữ, dục tâm nội phát thiêu đốt thân thể, cháy lan đến cả miếu thờ trời. Huống chi người khởi ngọn lửa dục độc mà không thiêu đốt các pháp thiện sao? Tâm đã nhiễm dục thì làm sao gần đạo được? Cho nên, kệ ghi:

Người hành đạo tàm quí,

Khất thực giáo hóa người,

[111b] Cớ sao theo dục trần,

Chìm đắm mãi trong đó.

Đã xa lìa năm dục,

Dứt bỏ không đoái hoài,

Làm sao lại muốn được,

Như ngu ăn đàm dãi.

Khi cầu dục thì khổ,

Lúc được, sợ hãi nhiều,

Mất đi càng phiền muộn,

Tất cả đều không vui.

Tai họa như vậy đó,

Làm sao để xả bỏ,

Tạo phúc vui thiền định,

Ắt không bị người khinh.

XX.3.2. Sân khuể

Sân hận là cội gốc đánh mất các pháp thiện, là nguyên nhân đọa vào các đường ác, là oan gia của pháp lạc, là giặc lớn của thiện tâm, là kho tàng ác khẩu, là dao búa họa hoạn. Nếu người đang tu đạo mà suy nghĩ: “Người này não hại ta và người thân của ta, khen ngợi kẻ oán thù của ta, xét kĩ quá khứ, vị lai cũng đều như vậy”. Đó là chín chỗ phiền não sinh ra sân hận; niệm sân hận che lấp tâm trí, nên gọi là Cái. Hãy mau dứt bỏ không nên để nó tăng trưởng.

Như luận Đại trí độ ghi: “Thích-đề-bà-na dùng kệ hỏi Đức Phật:

Trừ pháp nào, an ổn?

Diệt pháp nào, hết ưu?

Pháp nào gốc của độc,

Nuốt mất các pháp thiện?

Đức Phật dùng kệ đáp:

Lìa sân được an ổn,

Diệt sân hết lo buồn,

Sân là gốc của độc,

Sân diệt mọi pháp thiện!

Khi biết được như vậy, nên tu tập tâm từ bi, dùng nhẫn nhục trừ bỏ sân hận để tâm thanh tịnh; quán âm thanh là trống rỗng, giả tạm, không nên khởi sân giận. Cho nên, luận Đại trí độ ghi: “Bồ-tát biết các pháp không sinh, không diệt, thể tính vốn không”. Nếu người nào tức giận mắng chửi, đánh đập, giết hại ta, ta đều xem như huyễn, như hóa; quán âm thanh vốn không, chỉ là tiếng gió, từ duyên mà có thì việc gì phải tức giận. Cho nên, luận ghi: “Như khi sắp nói, gió Ưu-đà-na[48] từ miệng chuyển xuống rốn, chạm rốn thì tạo thành âm hưởng, âm hưởng này trở ra tiếp xúc với bảy chỗ (cổ, lợi, răng, môi, lưỡi, cổ họng và ngực) phát ra tiếng, đó gọi là nói. Như kệ ghi:

Ngọn gió Ưu-đà-na,

Chạm rốn thì chuyển lên,

Trở ra qua bảy chỗ,

Cổ, lợi, răng, môi, lưỡi,

Yết hầu đến lồng ngực,

Mới phát ra âm thanh,

[111c] Người ngu không hiểu được,

Mê chấp sinh sân hận.

Lại nữa, kinh Ưu-bà-tắc ghi: “Bậc trí nếu bị chửi mắng, liền nghĩ lời mắng chửi này không phát ra cùng một lúc. Lời trước phát ra, thì lời sau chưa có; đến khi lời sau phát ra thì lời trước đã qua rồi. Đã không cùng một lúc như thế, tại sao cho là mắng chửi, chỉ là tiếng gió thoảng qua, cớ sao ta lại nổi sân?”

Cho nên, luận Đại trí độ ghi: “Bồ-tát quán chúng sinh, dẫu trăm nghìn kiếp bị mắng chửi cũng không khởi tâm sân hận; nếu trăm nghìn kiếp được khen ngợi cũng không hề vui mừng. Bồ-tát biết rõ âm thanh sinh diệt như mộng huyễn, như tiếng vang”.

XX.3.3. Thụy miên

Nội tâm mê muội gọi là miên; năm thức ám độn, thân thể lừ đừ, nằm ngủ say sưa gọi là thụy. Thụy miên này có năng lực phá niềm vui chân thật của đời này đời sau, cho nên nó là pháp ác, bất thiện nhất. Vì sao? Vì các món che đậy khác, chúng sinh có thể nhận biết mà đoạn trừ, còn lúc thụy miên thì như người chết, tâm không thể nhận biết được; vì không nhận biết được, nên khó đoạn trừ.

Như luận Đại trí độ ghi: “Bồ-tát nói kệ khuyên răn đệ tử về thụy miên:

Các ông chớ ôm thây chết ngủ,

Những thứ bất tịnh tạm gọi người,

Như thân bệnh nặng, bị tên bắn,

Các khổ tích chứa, đâu thể ngủ!

Như người bị trói sắp hành hình,

Tai họa phủ xuống, đâu thể ngủ!

Phiền não chưa diệt, hại chưa trừ.

Như cùng rắn độc ngủ chung nhà,

Giống như giữa trận nghìn đao bén,

Lúc ấy làm sao có thể yên,

Ngủ thì tối tăm, không nhìn thấy,

Hàng ngày lừa dối đoạt trí người,

Vì ngủ che tâm không thấy được,

Lỗi lớn như thế, ngủ được sao?”

XX.3.4. Trạo hối

Có ba phần: trạo hối của miệng là ưa thích ngâm vịnh, tranh cãi thị phi, bàn luận vô ích, nói chuyện thế tục; trạo hối của thân là thích cưỡi ngựa, đánh xe dong ruổi đó đây, đấu vật, đánh đấm; trạo hối của tâm là tâm tình phóng túng, ý duyên theo cảnh, suy nghĩ tìm tòi kĩ thuật, văn nghệ thế gian. Nói chung trạo là những ác giác quán[49] phá mất tâm xuất gia.

Cho nên luận Đại trí độ có bài kệ:

Ông đã cạo đầu đắp ca-sa,

Tay ôm bình bát khắp mọi nhà,

Vì sao đắm trước các trạo hối,

Buông lung tâm ý đọa pháp tà.

[112a] Đã không có lợi ích về chính pháp, mà còn đánh mất niềm vui ở thế gian. Khi nhận biết được lỗi ấy thì phải trừ bỏ ngay. Nếu chỉ có trạo mà không có hối thì không thành món che đậy. Vì khi trạo, phiền não vẫn còn ở trong duyên, nhưng đến lúc nhập định thì mới sinh tâm hối hận hành động đã làm. Do đó, buồn bực che tâm, nên gọi là che lấp. Ở đây có hai trường hợp là do trạo và sau đó sinh hối, như trước đã trình bày; hai là người phạm trọng tội, lòng luôn sợ hãi, như mũi tên độc cắm sâu vào tim không thể nhổ được.

Như trong luận Trí độ có bài kệ:

Không nên làm mà làm,

Nên làm lại không làm,

Lửa hối hận thiêu đốt,

Đời sau đọa đường ác.

Người có tội biết hối,

Hối rồi chớ buồn lo,

Tâm an lạc như thế,

Không nên luôn nghĩ nhớ,

Có hai loại hối hận,

Việc nên làm không làm,

Không nên làm lại làm,

Đó chính là người ngu,

Do tâm không hối hận,

Việc không nên mà làm,

Các điều ác đã làm,

Không thể nói không làm.

XX.3.5. Nghi

Vì nghi che lấp tâm tính, nên không thể định tâm trước các pháp; do không thể định tâm, nên ở trong Phật pháp không thu hoạch được kết quả gì. Như người đi vào trong núi báu, nếu không có tay thì không thể lấy được. Nói chung, nghi rất nhiều, nhưng chưa hẳn tất cả làm chướng ngại định. Ở đây chỉ nêu ba mối nghi làm chướng ngại định: nghi mình; nghi thầy và nghi pháp.

  1. Nghi mình: nghĩ ta ngu tối, tội lỗi sâu dày, chẳng phải là người ư? Khi đã nghi ngờ chính mình thì định tuệ không phát khởi. Nếu muốn học pháp, không nên xem thường mình, vì thiện căn đời trước thật khó lường.
  2. Nghi thầy: vị kia oai nghi tướng mạo đã như vậy, bản thân còn chưa chứng đạo, làm sao có thể chỉ dạy ta? Khi khởi tâm nghi kiêu mạn như vậy, thì chướng ngại định. Muốn trừ bỏ tâm nghi, thì phải xem như vàng ở trong túi da hôi, vì tham vàng nên không bỏ túi da. Cũng vậy, tuy thầy mình bất tịnh, nhưng hành giả nên khởi quán tưởng như Phật.
  3. Nghi pháp: Người đời phần nhiều chấp vào bổn tâm, không có lòng kính tin, thực hành đối với pháp đã thụ. Nếu do dự thì pháp sẽ không thâm nhập vào tâm. Vì sao? Vì ngăn che tâm.

Như luận Trí độ ghi:

Như người giữa ngã rẽ

Chẳng biết đi đường nào,

[112b] Trong thật tướng các pháp,

Nghi hoặc cũng như vậy.

Vì nghi, không siêng cầu,

Thật tướng của các pháp,

Nghi phát sinh từ si,

Là ác trong pháp ác.

Các pháp thiện, bất thiện,

Sinh tử và niết-bàn,

Chắc chắn là pháp hữu,

Nơi pháp chớ sinh nghi,

Người ôm lòng nghi hoặc,

Thần chết, ngục tốt trói,

Như sư tử bắt nai,

Không thể thoát khỏi chết,

Ở đời tuy có nghi,

Nên vui theo pháp thiện,

Như người giữa ngã rẽ,

Chọn đường tốt để đi.

Hỏi: Pháp bất thiện nhiều vô số, vì sao chỉ trừ bỏ năm pháp thôi?

Đáp: Năm pháp này, tên gọi tuy hạn hẹp, nhưng nghĩa lí bao trùm ba độc, cũng thâu nhiếp cả tám vạn bốn nghìn trần lao. Phiền não cái tham dục chính là tham độc, sân khuể chính là sân độc, thùy miên và nghi chính là si độc, còn trạo hối chính là đẳng phần, gồm đủ cả bốn món phiền não. Trong một món ngăn che có hai vạn một nghìn, bốn món thì có tám vạn bốn nghìn trần lao. Cho nên, nếu trừ năm phiền não ngăn che này, thì bỏ được tất cả pháp bất thiện. Như người trả nợ xong, người bệnh được lành, người đói đến được nước giàu có; như ở chỗ giặc ác nguy hiểm được cứu đến nơi an ổn, không hoạn nạn. Cũng vậy, hành giả trừ năm phiền não ngăn che thì tâm được thanh tịnh. Giống như mặt trời, mặt trăng bị năm thứ che lấp: khói, mây, bụi, sương và bàn tay của a-tu-la thì không thể chiếu sáng. Tâm cũng như vậy, như ví dụ có thể biết được.

Bài tụng:

Năm dục mờ thần thức,

Năm cái che phúc đức,

Sáu căn nguồn gốc khổ,

Sáu giặc loạn tâm thức,

Sóng dục theo tình nỗi,

Lưới ái theo tâm dệt,

Ba độc ngăn nhân không[50],

Bốn dòng[51] trôi không dừng,

Vàng đúc tuy đổi dạng,

Tính toán lại không cùng,

Chim câu còn chẳng biết,

Vượn chuyền đâu thể dừng,

Chưa dứt sạch dục cái,

Làm sao vượt cao xa,

Cùng đến nơi thành báu,

Được thấy đấng Năng Nhân.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 66 – Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (Latukikopama sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 21 – Nghiệp Nhân - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Tội Phúc Báo Ứng - Kinh Tạng