Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

X. PHÚ QUÍ

X.1. Lời dẫn

Làm lành thì cảm được quả vui, như bóng theo hình; làm ác thì chuốc lấy quả khổ, như âm vang theo tiếng. Thế nên, giàu như ông Đào Chu và Y Đốn[103], sang tợ Tiêu Hà[104], Tào Tham[105]. Họ mặc áo gấm quần lụa, ở nhà vàng cửa bạc; phía trước thì mây nổi, tiêu ngân, bên trên thì gió reo, sáo vút; đúng lễ tiết bước lên quảng điện, dáng ung dung thả bộ nơi hành lang; mang giày ngọc bên thềm son, đội mão vàng trong cửa biếc; ăn uống thì mâm cao cỗ đầy, đủ cả sơn hào hải vị, mùi thơm bay khắp; ngồi thì nhà cao cửa đẹp, thềm ngọc rèm châu, đàn tơ sáo trúc, [50c] âm thanh du dương trầm bổng; nằm thì đèn hoa rực rỡ, trướng màn buông, chăn gấm nệm lông trải sẵn; đi thì xe tứ mã phi nhanh như chớp, nghìn vạn cỗ xe rầm rộ theo sau. Đây chỉ là nói sơ lược về phúc báo của người tu thiện, do ngày xưa tu hạnh bố thí mà nay được sung sướng như vậy.

X.2. Chứng minh

Kinh Hiền ngu[106] ghi: “Thuở xưa, Đức Phật còn tại thế, trong nước Xá-vệ có một vị trưởng giả rất giàu sang. Ông ta sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú hiếm có. Hai vợ chồng rất vui mừng, nhân đó đặt tên cho con là Đàn-di-li. Đến khi Đàn-di-li trưởng thành thì người cha qua đời. Vua Ba-tư-nặc ban cho Đàn-di-li tước vị của người cha. Vừa nhận tước thì nhà ông biến thành bảy báu, các kho lẫm đều chứa rất nhiều vật báu.

Lúc ấy, thái tử Tì-lưu-li[107] mắc bệnh nhiệt, các thầy thuốc đều tâu với vua rằng:

– Phải có bột ngưu đầu chiên-đàn[108] xoa vào thân thì thái tử sẽ hết bệnh.

Vua liền cho người tìm kiếm, nếu ai tìm được một lạng ngưu đầu chiên-đàn thì được thưởng một nghìn lượng vàng. Nhưng không ai tìm được. Sau đó, có người tâu với vua rằng:

– Trong nhà trưởng giả Đàn-di-li có rất nhiều ngưu đầu chiên-đàn.

Vua nghe rồi, đích thân đến xin. Vua đến trước cánh cổng bằng bạc của nhà trưởng giả Đàn-di-li, bảo người canh cửa vào báo tin. Người canh cửa vào thưa trưởng giả rằng:

– Thưa trưởng giả! Vua Ba-tư-nặc đang đứng ở ngoài cửa.

Trưởng giả nghe xong, liền ra nghinh đón, mời vua vào nhà. Vừa bước vào, vua thấy bên trong có một người nữ dung mạo rất xinh đẹp, đang ngồi dệt sợi bạc trên giường bằng bạc, có mười đứa bé gái đứng hầu hai bên.

Vua hỏi:

– Người này là vợ của khanh ư?

Trưởng giả đáp:

– Đó là người tớ gái giữ cửa, còn mười bé gái kia là người thông báo tin tức.

Khi đi vào cửa giữa, vua thấy nơi đây toàn là lưu li xanh biếc, bên trong cửa lại có một người nữ ngồi giường lưu li, tướng mạo xinh đẹp hơn hẳn người trước; có hai mươi người hầu.

Lại vào tiếp cửa trong nữa, vua thấy toàn là vàng ròng. Trong cửa lại có một người nữ, tướng mạo xinh đẹp hơn người trước bội phần, ngồi giường vàng ròng, dệt sợi vàng; có bốn mươi người hầu.

Vua lại hỏi:

– Người này là vợ của khanh ư?

Trưởng giả đáp:

– Đây là người tớ gái giữ cửa.

Khi vua vào trong nhà, thấy đất đều bằng lưu li, gian nhà được chạm trổ nhiều hình chim thú, gió thổi thì bóng mọi vật hiện trên đất đều lay động. Thấy vậy, vua tưởng là nước, nên sợ không dám bước. Vua nói với trưởng giả:

– Trước nhà khanh sao không có đất, chỉ toàn là biển cả?

Trưởng giả Đàn-di-li tâu rằng:

– Tâu đại vương! Đây là đất lưu li chứ chẳng phải nước.

[51a] Trưởng giả liền cởi chiếc vòng bảy báu trên tay ném xuống đất, vòng lăn tròn chạm vào bức tường thì dừng lại. Vua biết là đất, nên cùng trưởng giả bước vào bên trong. Lên điện bảy báu, vua thấy vợ của trưởng giả đang ngồi giường lưu li. Trưởng giả mời vua ngồi trên giường bảy báu bên cạnh. Vợ của trưởng giả vừa gặp vua thì mắt ngấn lệ.

Vua hỏi:

– Vì sao khanh khóc, không được vui chăng?

Vợ Trưởng giả đáp:

– Thần thiếp rất vui, nhưng vì ngửi thấy mùi khói trên thân bệ hạ xông lên, do đó chảy nước mắt.

Vua hỏi:

– Trong nhà không bao giờ đốt lửa sao?

Vợ trưởng giả đáp:

– Dạ không.

Vua hỏi:

– Không có lửa làm sao nấu ăn?

Vợ trưởng giả đáp:

– Lúc chúng thần muốn ăn thì trăm món tự đến.

Vua lại hỏi:

– Vậy không cần ánh sáng sao?

Vợ trưởng giả đáp:

– Chúng thần dùng ngọc ma-ni soi sáng rực rỡ khắp nhà.

Bấy giờ, trưởng giả Đàn-di-li quì xuống thưa:

– Đại vương! Vì việc gì mà ngài nhọc lòng hạ cố đến đây?

Vua Ba-tư-nặc trình bày rõ sự việc. Trưởng giả nghe xong, liền dẫn vua đi xem khắp các kho chứa đầy bảy báu, Ngưu Đầu chiên-đàn nhiều không thể tính kể.

Trưởng giả thưa:

– Đại vương cần bao nhiêu thì tùy ý lấy.

Vua lấy hai lạng Ngưu Đầu chiên-đàn, sai người mang về trước. Vua tỏ vẻ kính trọng nói với trưởng giả:

– Nay có Phật xuất hiện ở đời, khanh biết không?

Trưởng giả Đàn-di-li hỏi:

– Sao gọi là Phật?

Nghe vua giải thích xong, trưởng giả vô cùng vui mừng, liền đến chỗ Phật. Nghe Phật thuyết pháp, ông liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau đó, ông xin xuất gia, đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba minh[109], sáu thông[110] và tám giải thoát[111]”.

A-nan thấy vậy, liền bạch Đức Phật rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Trưởng giả Đàn-di-li kiếp trước tạo nghiệp lành gì mà nay được sinh làm người hưởng thụ phúc báo cõi trời, gặp Đức Thế Tôn, xuất gia và đắc đạo như thế?

Phật bảo A-nan:

– Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, có Phật Tì-bà-thi xuất hiện ở đời. Sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, vào đời tượng pháp[112], có năm vị tì-kheo cùng nhau giao ước ở chung trong rừng siêng năng tu tập.

Một hôm, bốn vị tì-kheo nói với một tì-kheo:

– Ở đây cách thành rất xa, việc khất thực khó khăn, vậy trọn mùa hạ này huynh hãy làm phúc, vào thành khất thực để cúng dường cho chúng tôi.

Vị tì-kheo ấy liền vào thành khuyên các đàn-việt hàng ngày đem thức ăn đến cúng dường. Nhờ đó, bốn vị kia được an ổn, siêng năng tu tập đắc quả A-la-hán. Họ nói với tì-kheo kia rằng:

– Nhờ huynh trợ duyên nên chúng tôi được an ổn tu tập, đến nay đã thành tựu. Huynh có phát nguyện gì không?

Tì-kheo này nghe nói thế, vui mừng phát nguyện: ‘Tôi nguyện đời sau, sinh vào cõi trời hay cõi người đều tự nhiên được giàu sang, gặp Phật, xuất gia đắc đạo’. Nhờ công đức này, từ đó đến nay trải qua chín mươi mốt kiếp, vị tì-kheo ấy không rơi vào đường ác, sinh vào cõi trời hay cõi người đều được giàu sang, những thứ cần dùng tự nhiên đầy đủ, nay nhờ được gặp Ta nên xuất gia và đắc đạo.

Kinh Hiền ngu ghi: “Ngày xưa, Đức Phật còn tại thế, trong nước Xá-vệ có một vị trưởng giả rất giàu có, vàng bạc châu báu vô số, không thể tính kể. [51b] Hai vợ chồng trưởng giả sinh được một bé trai, toàn thân màu vàng ròng, khôi ngô, tuấn tú ít ai sánh bằng. Vợ chồng trưởng giả vui mừng khôn xiết, nhân đó mà đặt tên cho con là Kim Thiên. Ngày sinh Kim Thiên, trong nhà tự nhiên xuất hiện một cái giếng vuông, sâu và rộng đều tám thước. Ai múc nước giếng ấy dùng cũng đều vừa ý. Hễ cần y phục thì giếng hiện ra y phục, muốn thức ăn thì giếng hiện ra thức ăn, vàng bạc châu báu và tất cả các thứ cần dùng vừa mong ước liền được.

Đến khi khôn lớn, Kim Thiên thông thạo nhiều tài nghệ. Người cha suy nghĩ: ‘Con ta tướng mạo khôi ngô tuấn tú, tài giỏi hơn người. Ta phải tìm một người con gái xinh đẹp, thân thể màu vàng ròng giống như con ta, để cầu hôn cho nó’.

Bấy giờ, trong nước Xà-bà có vợ chồng đại trưởng giả sinh được một bé gái tên là Kim Quang Minh xinh đẹp tuyệt trần, toàn thân màu vàng ròng rực rỡ. Lúc Kim Quang Minh chào đời, tự nhiên trong nhà xuất hiện một cái giếng, sâu và rộng đều tám thước; trong giếng cũng hiện ra các thứ châu báu, y phục, thức ăn uống và những thứ cần dùng đều vừa ý người. Vợ chồng trưởng giả suy nghĩ: ‘Con gái chúng ta xinh đẹp thông minh hơn người. Chúng ta phải tìm được bậc hiền sĩ thân màu vàng ròng rực rỡ như con chúng ta, mới cho kết hôn’. Danh tiếng của Kim Quang Minh vang khắp nơi, nên Kim Thiên đến xin cưới làm vợ.

Một hôm, Kim Thiên thỉnh Phật và chúng tăng đến nhà để cúng dường. Sau khi thụ trai xong, Đức Phật thuyết pháp cho vợ chồng Kim Thiên và cha mẹ họ nghe; tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn. Vợ chồng Kim Thiên xin cha mẹ xuất gia, được cha mẹ cho phép. Sau khi xuất gia, hai vợ chồng đều đắc quả A-la-hán, đầy đủ tất cả công đức.

A-nan bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Vợ chồng Kim Thiên kiếp trước tạo phúc duyên gì mà nay sinh vào nhà giàu sang, toàn thân màu vàng ròng, khi chào đời trong nhà tự nhiên xuất hiện cái giếng sâu và rộng đều tám thước sinh ra các vật báu như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

– Từ thời quá khứ cách nay chín mươi mốt kiếp, sau khi Phật Tì-bà-thi nhập niết bàn, các tì-kheo đi giáo hóa đến một thôn nọ, người trong thôn thấy chư tăng thì đua nhau đến cúng dường. Lúc đó, có hai vợ chồng nọ nhà rất nghèo, không có gạo ăn. Người chồng thấy mọi người cúng dường chúng tăng, nên trở về nhà buồn bã khóc than, nước mắt rơi trên tay người vợ.

Người vợ hỏi chồng:

– Tại sao chàng khóc?

Người chồng nói:

– Lúc còn sống cha anh rất giàu có, của cải đầy kho, đến đời anh thì nghèo nàn, khổ sở. Ngày xưa, tuy có tiền của mà cha anh không chịu bố thí, ngày nay gặp chư tăng, ta lại nghèo khổ không có gì để cúng dường. Do đời trước không bố thí, nay mới bị nghèo khổ như vậy. Đời này không bố thí thì đời sau càng nghèo khổ. Anh suy nghĩ như vậy nên buồn khóc.

[51c] Người vợ nói với chồng:

– Tuy chúng ta có lòng, nhưng không có tiền của thì biết làm sao? Hay chúng ta về tìm lại trong nhà cũ, biết đâu sẽ được vật gì!

Hai vợ chồng liền trở về nhà cũ, người chồng tìm được một đồng tiền vàng, mang đến chỗ vợ, lúc ấy người vợ cũng tìm được một tấm kính và chiếc bình. Họ đựng nước sạch đầy bình, bỏ đồng tiền vàng vào đó rồi lấy tấm kính đậy lên, cùng nhau mang cúng dường chư tăng, phát nguyện rồi trở về. Nhờ công đức ấy, hai vợ chồng từ đó đến nay, trải qua chín mươi mốt kiếp không đọa vào đường ác. Dù họ sinh lên cõi trời hay trong loài người đều làm vợ chồng, thân màu vàng ròng, hưởng phúc sung sướng. Nay họ gặp Ta nên xuất gia và đắc đạo”.

Kinh Xuất diệu[113] ghi: “Lúc Đức Phật còn trụ thế, em trai của Mục-kiền-liên sinh sống tại nước Ca-tì-la-vệ. Ông ta rất giàu có, của báu chứa đầy kho, người giúp việc nhiều không tính kể. Mục-kiền-liên thường đến nhà khuyên bảo người em rằng:

– Anh nghe đồn em bỏn xẻn, không thích bố thí. Đức Phật thường dạy. “Nếu ai bố thí sẽ được phúc báo vô lượng”. Nay nếu em bố thí cũng sẽ được phúc báo như thế.

Người em nghe lời anh dạy, liền mở kho bố thí, đồng thời lại lập thêm một cái kho mới để nhận phúc báo đó. Chưa được mười ngày thì tiền của, châu báu đã cạn sạch. Kho cũ trống rỗng, kho mới lại không có gì. Người em buồn rầu đến nói với anh rằng:

– Hôm trước, anh bảo em bố thí được nhiều phúc, nên em làm đúng như lời anh dạy. Mọi người đến xin, các kho đã bố thí cạn kiệt. Nay kho cũ trống rỗng, kho mới không nhân được gì cả! Há chẳng phải em bị anh dối gạt rồi ư?

Mục-kiền-liên nói:

– Thôi thôi! Em đừng nói như thế. Chớ để các ngoại đạo tà kiến nghe những lời thô thiển này. Nếu nói phúc báo có hình tướng thì cả hư không cũng không thể chứa hết. Nay anh tạm chỉ cho em thấy phúc báo vi diệu này.

Nói xong, Mục-kiền-liên liền dùng thần lực nắm tay đưa người em lên tầng trời thứ sáu. Người em thấy cung điện làm bằng bảy báu, gió thơm, ao tắm, kho lẫm tràn đầy của báu, nhiều không thể tính kể, có vài nghìn vạn ngọc nữ, nhưng không thấy người nam.

Người em hỏi anh:

– Đây là cung điện gì mà nguy nga tráng lệ như thế?

Mục-kiền-liên bảo em:

– Em tự đến hỏi họ đi.

Người em đến hỏi thiên nữ rằng:

– Đây là cung điện gì mà toàn làm bằng bảy báu, nguy nga tráng lệ, ở lơ lửng giữa hư không như vậy? Ai là người có phúc để thụ hưởng?

Thiên nữ đáp:

– Đệ tử thần thông bậc nhất của Phật Thích-ca tên là Mục-kiền-liên, đang ở nước Ca-tì-la-vệ, cõi Diêm-phù-đề. Vị ấy có người em là một trưởng giả rất giàu sang, do thích bố thí, nên đời sau sẽ sinh đến nơi này làm chồng chúng tôi.

Người em nghe nói vậy, liền phát tâm thiện, trở về chỗ anh mình trình bày rõ sự tình.

Mục-kiền-liên nói:

– Thế thì người bố thí có phúc báo hay không?

[52a] Người em hổ thẹn xin lỗi anh. Sau khi trở về nhà, người em lại siêng làm phúc, đến lúc mạng chung được sinh lên cõi trời hưởng phúc báo”.

Lại nữa, kinh Thụ-đề-già[114] ghi: “Lúc Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả tên là Thụ-đề-già, rất giàu sang, vàng bạc vô số, kho lẫm tràn đầy, tôi tớ rất đông, không còn mong muốn điều gì. Một hôm, chiếc khăn lụa trắng bên ao tắm trong nhà trưởng giả bị gió thổi bay đến trước điện vua. Vua liền triệu tập quần thần đến cùng nhau bàn bạc, bói quẻ để tìm hiểu. Tất cả đều lấy làm lạ về xuất xứ của chiếc khăn. Các vị đại thần đều nói: ‘Nước ta sắp hưng thịnh, nên trời ban cho khăn lụa trắng’. Chỉ có Thụ-đề ngồi im lặng.

Vua hỏi Thụ-đề rằng:

– Tất cả các vị đại thần đều vui mừng, tại sao khanh không nói gì cả?

Thụ-đề tâu vua:

– Tâu bệ hạ! Thần không dám dối bệ hạ. Đây là chiếc khăn tắm của nhà thần, treo bên bờ ao, bị gió thổi bay đến đây. Vì thế thần không dám nói.

Vài ngày sau, có một đóa hoa chín màu lớn như bánh xe, rơi trước điện vua. Vua lại cho nhóm họp các vị đại thần để bàn bạc, hỏi đáp cũng giống như trước.

Thụ-đề tâu vua:

– Tâu bệ hạ! Thần không dám dối. Đây là hoa vườn sau nhà thần héo rụng, bị gió thổi bay đến trước điện của bệ hạ. Vì thế thần im lặng không nói.

Vua hỏi Thụ-đề:

– Nhà khanh thật có chuyện như vậy sao? Vậy thì khanh hãy trở về lo sắp đặt trước, trẫm sẽ dẫn hai mươi vạn người đến nhà khanh xem.

Thụ-đề tâu:

– Xin bệ hạ cùng theo thần, không cần phải chuẩn bị trước. Nhà của thần giường chiếu tự nhiên sắp sẵn, không cần người trải, thức ăn tự nhiên hiện ra không cần người nấu, món ăn tự nhiên mang đến không cần gọi, ăn xong tự nhiên mang đi không cần dọn dẹp.

Bấy giờ, vua dẫn hai mươi vạn người đi từ cửa phía nam vào nhà Thụ-đề. Khi vừa bước vào, thấy có một thiếu niên tướng mạo khôi ngô rất đáng yêu, vua hỏi Thụ-đề:

– Đây là con của khanh ư?

Thụ-đề đáp:

– Đó là đứa tớ gác cửa của thần.

Vua và mọi người tiến lên phía trước, vào cửa trong thấy có một thiếu nữ, dung mạo xinh đẹp, da dẻ mịn màng tươi sáng, thật đáng yêu.

Vua hỏi Thụ-đề:

– Người này là con gái hay vợ của khanh?

Thụ-đề tâu:

– Đó là tớ gái gác cửa nhà thần.

Đi thêm một đoạn ngắn thì đến trước tòa nhà chính; vua thấy tường xây bằng bạc trắng, nền bằng thủy tinh. Vua nhìn tưởng là nước nên không dám bước vào. Thụ-đề dẫn vua vào nhà, mời ngồi giường vàng, ghế ngọc.

Vợ trưởng giả ở phía trong một trăm hai mươi lớp màn làm bằng bạc trắng, vén màn bước ra hành lễ. Thấy trong mắt bà ngấn lệ, vua hỏi Thụ-đề:

– Khi vợ khanh thi lễ trẫm, tại sao lại khóc?

Thụ-đề tâu:

– Thần không dám dối bệ hạ. Vợ thần ngửi thấy hơi khói trên thân bệ hạ, nên chảy nước mắt.

Vua nói:

– Dân thường đốt đèn bằng mỡ, chư hầu đốt bằng mật, thiên tử đốt bằng sơn. Sơn vốn không có khói, làm sao chảy nước mắt được?

Thụ-đề tâu:

[52b] – Nhà thần có viên thần châu minh nguyệt treo trên điện, đêm ngày đều sáng, nên không cần đốt lửa.

Trước nhà Thụ-đề có một tòa lầu cao mười hai tầng, Thụ-đề dẫn vua lên đó ngắm nhìn chung quanh, thoáng chốc đã hết một tháng.

Đại thần tâu vua:

– Tâu bệ hạ! Việc nước quan trọng, xin ngài hãy trở về cung!

Vua bảo:

– Hãy ráng một lát nữa rồi trở về.

Vua lại đi dạo quanh vườn, ao tắm, bỗng chốc trải qua một tháng nữa. Các vị đại thần thưa, vua cũng trả lời như trước.

Bấy giờ, Thụ-đề xuất kho, đem bảy báu và lụa là gấm vóc cấp cho hai mươi vạn người kia, người và ngựa mang vác không xuể.

Khi trở về nước, vua nói với các quần thần:

– Thụ-đề là dân của trẫm mà nhà cửa, vợ con đều hơn trẫm. Trẫm có thể xuất binh đánh ông ta để chiếm lấy không?

Các vị đại thần đều tâu:

– Tâu bệ hạ! Hãy chiếm lấy!

Vua dẫn bốn mươi vạn binh, khua chuông gióng trống đến vây quanh nhà Thụ-đề vài trăm lớp. Lúc ấy, tại cửa nam của nhà Thụ-đề có một lực sĩ, tay cầm gậy vàng khua một cái, lập tức bốn mươi vạn binh và ngựa đều té nhào, tay chân quờ quạng, thân thể lảo đảo như người say rượu, đầu óc choáng váng không thể đứng dậy được.

Bấy giờ, Thụ-đề cỡi xe vân mẫu[115] đến hỏi mọi người:

– Các ngươi bị thương ra sao mà nằm trên đất không chịu đứng dậy?

Mọi người đáp:

– Đại vương sai chúng tôi đến đánh chiếm nhà trưởng giả, nhưng bị người lực sĩ cầm gậy vàng đánh, tất cả bốn mươi vạn người và ngựa đều ngã, không thể đứng dậy được.

Thụ-đề hỏi:

– Các ngươi muốn đứng dậy không?

Mọi người đều đáp:

– Chúng tôi muốn đứng dậy.

Thụ-đề liền dùng thần lực làm cho bốn mươi vạn người và ngựa đều đứng dậy, rồi đồng loạt trở về nước.

Lúc ấy, vua liền gọi Thụ-đề-già ngồi cùng xe đi đến chỗ Phật, vua thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn! Đời trước Thụ-đề-già đã tạo công đức gì mà nay được hưởng phúc báo như thế?

Đức Phật đáp:

– Đại vương hãy lắng nghe! Đời trước có năm trăm thương buôn trên đường đi ngang qua một vùng núi hiểm trở, gặp một vị tăng bị bệnh. Một người trong đoàn cúng dường lều chõng, lương thực, đèn đuốc cho vị tăng. Người ấy cầu nhiều điều ước, như cầu chư thiên từ hư không xuống cúng dường. Bấy giờ, vị tăng mới hiện mười tám thứ thần biến, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thiên hạ, đồng thời còn phát nguyện khi thành Phật sẽ phá tan núi Thiết Vi, chảo dầu sôi nở hoa, địa ngục ngát hương chiên đàn, ngạ quỉ trở thành sa-môn, la-sát ngồi tụng kinh. Năm trăm thương nhân thấy thế, liền mang các vật báu đến cúng dường. Do cung cấp cho vị tăng bệnh, nay tất cả các thương buôn đều được phúc báo. Người cúng dường lúc ấy chính là Thụ-đề, vị tăng bệnh là Ta, năm trăm thương nhân đều đắc quả A-la-hán”.

Kinh Bách duyên ghi: “Khi Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả rất giàu có, của cải vô số không thể tính kể. Vợ trưởng giả sinh được một người con trai dung mạo khôi ngô tuấn tú, ít ai sánh kịp. [52c] Ngày cậu bé chào đời, trời mưa như thác đổ, vợ chồng trưởng giả rất vui mừng, cả nước đều biết việc ấy. Thầy tướng tiên đoán là điềm lành. Vì thế, đứa bé được đặt tên Da-xà-mật-đa. Lúc mới sinh, Da-xà không bú sữa mẹ, giữa kẽ răng thường tiết ra nước đủ tám tính chất, tự no đủ. Đến khi trưởng thành, Da-xà gặp Phật, xuất gia đắc quả A-la-hán, được trời và người kính ngưỡng.

Bấy giờ, các tì-kheo thấy sự việc như thế, cùng đến thỉnh Phật nói nhân duyên phúc báo đời trước của Da-xà-mật-đa.

Đức Thế Tôn bảo các tì-kheo:

– Vào thời Phật Ca-diếp, ở kiếp Hiền có một trưởng giả lớn tuổi, xuất gia tu đạo, nhưng không tinh tiến, lại bị bệnh nặng. Thầy thuốc chẩn đoán bảo phải uống tô tử[116] bệnh mới lành. Ông nghe theo lời khuyên của thầy thuốc uống vào, đến nửa đêm thuốc ngấm, lên cơn sốt, miệng khát khô, liền chạy đi tìm nước nhưng các bình đều hết sạch. Ông liền chạy đến sông, suối, tất cả đều khô cạn, cứ thế tìm khắp nơi đều không có nước, lòng tự hối trách. Ông cởi áo cột vào cành cây cạnh bờ sông, rồi trở về. Sáng hôm sau, ông đến thưa thầy tất cả sự việc. Thầy nghe xong liền nói:

– Ông mắc bệnh này giống như ngạ quỉ. Nay ông hãy lấy nước trong bình của ta mang đến cho chúng tăng. Ông ấy làm theo lời thầy, đến bình lấy nước, nhưng nước trong bình khô cạn, liền lo sợ suy nghĩ: ‘Nếu ta mạng chung ắt đọa làm ngạ quỉ’. Nghĩ rồi liền đến chỗ Phật trình bày rõ sự việc và thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn ! Xin Ngài chỉ dạy cho con.

Phật bảo:

– Nay ông phải thường lấy nước sạch cúng dường chư tăng, mới có thể thoát được thân ngạ quỉ.

Nghe Phật Ca-diếp dạy, lòng ông rất vui mừng, hàng ngày thường mang nước sạch cúng dường chư tăng, trải qua hai vạn năm mới mạng chung. Dù ông ấy sinh ra ở nơi nào, trong kẽ răng thường tiết ra nước tám tính chất[117], tự nhiên no đủ không cần ăn uống, bú mớm, cho đến nay ông ấy gặp ta xuất gia và đắc đạo. Các tì-kheo nghe Phật nói hoan hỉ vâng theo”.

Trong kinh A-dục vương[118] ghi: “Thưở xưa, khi Phật còn tại thế, Ngài cùng các tì-kheo và A-nan thứ tự đi vào thành Vương Xá khất thực. Khi đến một ngõ hẻm, Phật gặp hai cậu bé tên Đức Thắng và Vô Thắng, đang chơi trò đắp đất xây thành, nhà cửa, kho lẫm, lại lấy đất làm gạo chứa trong kho. Hai cậu bé thấy Phật có tướng hảo, thân hình màu vàng ròng sáng rực khắp thành. Đức Thắng hoan hỉ vốc gạo bằng đất trong kho dâng lên Đức Phật, và phát nguyện: ‘Con nguyện mai này sẽ thống lãnh thiên hạ và cúng dường đầy đủ phẩm vật’. Nhờ duyên lành và công đức phát nguyện ấy, sau khi Phật niết-bàn một trăm năm, Đức Thắng làm Chuyển luân thánh vương, cai trị cõi Diêm-phù-đề. [53a] Vua ở trong thành Hoa Thị, dùng chính pháp trị đời, lấy hiệu là A-thứ-già vương. Vua đích thân phân chia xá-lợi Phật, xây dựng tám vạn bốn nghìn bảo tháp phụng thờ. Vua có lòng tin sâu tam bảo, thường thỉnh chư tăng vào cung cúng dường.

Bấy giờ, trong cung có một nô tì rất nghèo khổ, thấy vua làm phúc liền tự trách mình: ‘Lúc trước vua chỉ cúng dường Đức Phật một nắm đất, mà được giàu sang như thế. Nay vua lại cúng dường nhiều, nên chắc chắn đời sau sẽ giàu sang hơn. Đời trước ta tạo tội, nên nay mới làm kẻ thấp hèn, nghèo khổ, không thể tạo phúc, tương lai ắt sẽ càng nghèo hơn, biết bao giờ thoát khỏi kiếp nghèo’. Nữ tì nghĩ rồi liền rơi lệ.

Chư tăng thụ thực xong, nữ tì quét dọn, nhặt được một đồng tiền trong đống rác, liền mang đến cúng dường chư tăng, trong lòng rất hoan hỉ. Không bao lâu nữ tì lâm bệnh qua đời. Bấy giờ trong cung vua có một phu nhân mang thai mười tháng, hạ sinh một công chúa cực kì xinh đẹp, ít ai sánh kịp, nhưng tay phải công chúa thường nắm chặt. Lúc công chúa lên năm tuổi, phu nhân tâu vua:

– Con gái chúng ta không biết tại sao tay phải thường nắm chặt.

Vua bảo bồng công chúa đến, đặt lên đầu gối, sờ vào tay con, công chúa liền xòe ra. Trong tay có một đồng tiền, lấy rồi lại sinh ra không bao giờ hết, chỉ trong chốc lát đầy một kho tiền. Vua rất ngạc nhiên, liền đến hỏi a-la-hán Dạ-xa:

– Đời trước công chúa đã tạo phúc đức gì mà nay sinh ra, trong lòng bàn tay thường có một đồng tiền, lấy hoài không hết?

A-la-hán đáp:

– Công chúa đời trước là nữ tì trong cung, khi quét dọn nhặt được một đồng tiền liền cúng dường chư tăng. Nhờ duyên lành này nên người ấy được sinh làm con gái đại vương, trong tay luôn có một đồng tiền vàng lấy hoài vẫn không hết”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, có nhiều vị tăng trụ trong núi Kì-xà-quật, mọi người khắp nơi nghe được đem vật thực cúng dường. Có một cô gái nghèo ăn xin, thấy các trưởng giả chở vật thực lên núi cúng dường, cô liền nghĩ: ‘Ở đây chắc có pháp hội bố thí, ta nên đến đó xin ăn’. Cô liền đi vào núi, thấy các trưởng giả chở đủ loại thực phẩm cúng dường chư tăng. Cô lại nghĩ: ‘Các vị ấy đời trước tu phúc nên được giàu sang, nay lại tạo thêm, sẽ càng giàu hơn. Đời trước ta không tu phúc nên nghèo khổ. Nếu bây giờ không tạo, tương lai sẽ càng nghèo khổ hơn’. Nghĩ rồi liền khóc. Trước đó, cô có nhặt được hai đồng tiền trong đống rác, cất giữ cẩn thận, phòng khi xin không được thì dùng mua thức ăn. Nhưng nay thấy vậy, cô suy nghĩ: ‘Ta nên nhịn một hai ngày, dùng số tiền này cúng dường chư tăng’. Chờ chư tăng thụ trai xong, cô đến cúng dường. [53b] Vị tăng duy-na muốn chú nguyện cho cô, nhưng vị thượng tọa không cho mà đích thân chú nguyện, lại còn sớt thức ăn cho cô gái nghèo ấy. Mọi người thấy vậy cũng mang thức ăn đến cho cô. Cô gái nghèo rất vui mừng nói: ‘Ta đã được phúc’. Nói rồi cô mang thức ăn đến dưới một tàng cây, ăn xong, nằm nghỉ ở đó. Nhờ phúc bố thí chiêu cảm, nên có mây màu vàng che phủ phía trên.

Bấy giờ, gặp lúc hoàng hậu vừa qua đời được bảy ngày, vua cho người đi tìm xem ai có đủ phúc đức, xứng đáng kế vị hoàng hậu. Sứ thần cùng thầy tướng đi tìm ngang qua cây ấy, thấy cô gái, thầy tướng liền đoán: ‘Cô gái này đầy đủ phúc đức, xứng đáng làm hoàng hậu’. Sứ thần liền lấy nước thơm cho cô gái tắm gội rồi cho mặc y phục phu nhân, tất cả đều vừa vặn. Thế rồi, các quan dùng nghìn vạn cỗ xe chở cô gái về cung. Vua trông thấy rất hoan hỉ và yêu quí.

Một thời gian sau, hoàng hậu suy nghĩ: ‘Ta được phúc báo này là nhờ trước đó cúng dường chư tăng hai đồng tiền, vì thế ta mang ơn chư tăng rất nhiều’.

Nghĩ rồi hoàng hậu tâu:

– Trước kia thần thiếp rất nghèo hèn, nhờ bệ hạ thương tưởng cho kế vị hoàng hậu. Xin bệ hạ cho thiếp đến chùa cúng dường để báo ơn đức chư tăng.

Vua nói :

– Tùy ý nàng.

Hoàng hậu liền cho xe chở thức ăn uống, các thứ châu báu đến chùa cúng dường. Thượng tọa bảo vị duy-na[119] chú nguyện. Phu nhân nghĩ: ‘Trước đây ta chỉ cúng dường hai đồng tiền mà lại được ngài chú nguyện, nay ta chở cả xe trân bảo đến lại không được ngài chú nguyện’. Các tì-kheo trẻ cũng hiềm trách việc này. Bấy giờ thượng tọa nói với phu nhân:

– Phu nhân có ý trách ta, khi phu nhân cúng hai đồng tiền mà ta đích thân đến chú nguyện, còn nay chở cả xe trân bảo đến lại không được ta chú nguyện. Trong Phật pháp chỉ quí tâm thiện, chứ không quí trân bảo. Lúc trước phu nhân cúng hai đồng tiền, nhưng tâm thiện rất lớn; nay cúng vô số trân bảo, nhưng khởi tâm ngã mạn cống cao, do đó, ta không chú nguyện. Các tì-kheo trẻ cũng chớ trách ta.

Các tì-kheo nghe nói rất hổ thẹn, liền tỉnh ngộ và đều chứng quả Tu-đà-hoàn. Phu nhân nghe pháp xong rất hổ thẹn, cũng tỉnh ngộ và chứng quả Tu-đà-hoàn”.

Trong kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, vua Ác Sinh ở nước Câu-lưu-sa dạo chơi thượng uyển, bỗng trông thấy một con mèo vàng từ hướng đông bắc đi vào, rồi chạy ra hướng tây nam. Vua thấy vậy liền cho người đào theo hướng ấy, thì gặp được một chậu bằng đồng chứa khoảng ba hộc tiền vàng, đào sâu vào lại được hai chậu như trước, cả ba chậu đều đầy tiền vàng giống nhau. Đào tiếp qua bên cạnh khoảng năm dặm, mỗi bước đều nhặt được nhiều tiền. Tuy vua được nhiều tiền như thế, nhưng sợ không dám sử dụng. Vua thắc mắc về xuất xứ số tiền ấy, nên đến hỏi tôn giả Ca-chiên-diên. Nghe xong tôn giả đáp:

[53c] – Đây là phúc báo do nhân đời trước của bệ hạ. Bệ hạ cứ dùng, không hề gì đâu!

Vua liền thỉnh tôn giả nói về nhân duyên quá khứ của mình.

Tôn giả đáp:

– Thuở quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn, trong thời chính pháp có các tì-kheo đến ngã tư đường, trải tòa, đặt bát, giáo hóa mọi người, khuyên rằng: ‘Nếu người nào có tài sản nên đem cất vào kho bền chắc này, sẽ không bị nạn vua, giặc, nước, lửa cướp đoạt’.

Khi ấy, có một người nghèo trước đó bán củi được ba đồng, thấy vị tăng khuyên, liền hoan hỉ cúng dường, đặt tiền vào bát, phát nguyện xong trở về. Suốt đoạn đường năm dặm về nhà, mỗi bước mỗi bước người ấy đều vui mừng. Khi sắp vào nhà, người ấy còn hướng về các vị tăng chí tâm đỉnh lễ phát nguyện rồi mới vào. Người nghèo lúc ấy chính là bệ hạ. Nhờ ngày xưa bệ hạ hoan hỉ cúng dường chư tăng ba đồng tiền, nên đời đời ở địa vị tôn quí, lại được ba chậu đồng chứa đầy tiền. Bởi ngày trước trên năm dặm đường mỗi bước đi đều hoan hỉ, nên nay suốt năm dặm đường mỗi bước vua đều nhặt được tiền. Vì thế, khi cúng dường, nên hết lòng chí thành, chớ sinh tâm hối tiếc”.

Bài tụng:

Đá quặng chẳng phải chân,

Bình vẽ đúng là giả,

Áo gấm treo trên cao,

Xen ca-sa đặt dưới,

Lời đẹp chỉ kinh tâm,

Văn hay trọn thích thật,

Chân tướng đâu đã tỏ,

Phù vinh chưa thể buông,

Vết, khác bậc công hầu,

Sự, theo kẻ lãng du,

Thôi rồi! dứt nhạc Trịnh[120],

Chẳng phải loạn Nhã Chu[121],

Tranh danh giàu sang rỗng,

Mắng chửi nhục vinh không,

Đèn trước gió mong manh,

Bóng bọt đâu đáng bắt.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Bài Tán Dương Kiền Trùy Bằng Tiếng Phạn - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Kinh Tạng
  • Xưng Tán Ba Thân Phật Bằng Phạn Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 11 Đến Phẩm 20 - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiểm Tử (Bản dịch 3) - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiểm Tử (Bản dịch 2) - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Quả Trong Đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 41 Đến Phẩm 50 - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiểm Tử (Bản dịch 1) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Mộ Phách – Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng