1
2
3

Kinh Tám Bộ Danh Hiệu của Chư Phật

Nguyên Ngụy Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi dịch

Bản Việt dịch (1) của Nguyên Thuận

Bản Việt dịch (2) của Huyền Thanh

Bản Việt dịch (3) của Thích Nữ Hạnh Diệu

***

Kinh Tám Bộ Danh Hiệu của Chư Phật

Việt dịch: Nguyên Thuận

***

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn cây Nại Nữ gần thành Tỳ-xá-ly, cùng với 1.250 vị đại Tỳ-kheo và vô lượng chư Bồ-tát.

Bấy giờ có một trưởng giả tử tên là Thiện Tác, từ trong thành đi ra ngoài để đến chỗ của Thế Tôn ở tại vườn Nại Nữ. Khi đến nơi, trưởng giả tử cuối đầu đảnh lễ sát đất, đi nhiễu bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên, chắp tay và bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi. Kính mong Đại Thánh cho phép, thời con mới dám tỏ bảy.”

Phật bảo Thiện Tác rằng:

“Ông hãy cứ hỏi. Như Lai sẽ phân biệt và giảng giải cặn kẽ.”

Khi biết được Phật hứa khả, Thiện Tác thưa rằng:

“Thưa Thiên Trung Thiên! Có chư Phật nào nhân do tu hành bổn nguyện mà tự đạt đến Chánh Giác và hiện đang thuyết Kinh giảng Đạo ở thế gian chăng?

Kính mong Đại Thánh tuyên giảng. Bởi nếu ai nghe các danh hiệu của chư Phật, rồi thọ trì và đội mang trên đảnh đầu, tín thọ lời dạy, khể thủ quy mạng, và tuyên dương công đức, thì họ sẽ không bao giờ gặp ách nạn và không rơi vào chốn tam đồ. Nếu ai nghe các danh hiệu của chư Phật, họ sẽ không bị người và phi nhân thừa cơ trục lợi.

Nếu ai đang ở chỗ của quan mà niệm các danh hiệu của chư Phật, họ sẽ không bị tội oan uổng, tài sản không bị cướp đoạt, tánh của họ kiên cường, trong lòng chẳng khiếp nhược, và an ổn thắng lợi.

Lại nữa, nếu ai đang lâm trận chiến đấu, họ sẽ không bị đao làm tổn thưởng và tên bay bắn trúng. Chúng quỷ dạ-xoa và thiên long quỷ thần đều chẳng dám quấy nhiễu họ. Sư tử cọp sói và dã thú độc trùng đều chẳng thể làm hại họ.”

Phật bảo Thiện Tác rằng:

“Ông hãy lắng nghe và khéo tư duy. Ta sẽ nói cho ông phương pháp bảo hộ, diệt trừ hoạn nạn, lìa xa kinh sợ, và được an vui. Ông hãy khéo lắng nghe và lãnh thọ.”

Đức Phật dạy:

“Từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Văn Tích. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Phụng Chí Thành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Mạc Năng Đương.

Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Cố Tiến Độ Tư Cát Nghĩa Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Cát An. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Quán Minh Công Huân Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Vô Khuể Hận. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Từ Anh Tịch Thủ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Khứ Trượng. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Chân Tánh Thượng Thủ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó. Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Sí Thịnh Thủ. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Niệm Chúng Sanh Xưng Thượng Thủ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Diệu Hách Nhiệt Thủ.

Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Dũng Thủ Cao Siêu Tu-di Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Lại nữa, từ đây về hướng đông, có một thế giới tên là Ái Nhạo. Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Thắng Sỉ Xưng Thượng Thủ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Giả sử có ai nghe được các danh hiệu của chư Phật ở phương đông này, rồi thọ trì đọc tụng, phụng sự tư duy, và luôn tưởng nhớ trong lòng các danh hiệu của chư Phật Thế Tôn ấy, thời họ sẽ được chư Phật hộ niệm, có giới đức trí tuệ, và trụ bình đẳng của Đạo.

Lại nữa, các cõi nước đó đều thanh tịnh trang nghiêm, công đức thù thắng, cao siêu hiển hách, không có trần cấu, không có người nữ, và không có những hoạn nạn ô uế. Lại cũng chẳng có năm thứ ô trược và những hoạn nạn khổ ách của chốn tam đồ. Nơi ấy không có cát, sỏi đá, gai gốc, khe ngòi, hay hầm hố.”

Phật bảo Thiện Tác rằng:

“Nếu ai có thể thọ trì và rộng tuyên dương các danh hiệu của chư Phật Thế Tôn này. Vào đầu đêm thức dậy, hãy đi kinh hành và tán thán tụng niệm các danh hiệu của chư Phật đó. Ở giữa đêm và cuối đêm, hãy nhất tâm an trụ, xả bỏ những điều vô ích, và nhớ tưởng đến việc tu hành, thời đức hạnh của hành giả như vậy sẽ ngày một tăng tiến và vĩnh viễn không bao giờ lui sụt.”

Phật bảo Thiện Tác rằng:

“Ông nên hoan hỷ tín thọ Kinh Bát Bộ Phật Danh này. Phật dùng Pháp này để giáo hóa các thiện nam tử. Hãy ghi nhớ trong lòng và chớ quên mất. Hãy tinh tấn tu tập dần dần, thời sẽ thấy được 8.000 Đức Phật.” Khi nghe giáo sắc của Đại Thánh, Thiện Tác liền dùng hoa báu với trị giá bằng 8.000 lạng vàng mà rải lên Thế Tôn để cúng dường, rồi đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, lui về chỗ cũ và ngồi xuống.

Lúc bấy giờ có Thiên chủ Đế-thích đang hiện diện ở Pháp hội. Ngài đến trước Phật và thưa rằng:

“Dạ vâng, thưa Đại Thánh! Con đã khởi lòng tín thọ tám danh hiệu của chư Phật này, sẽ thọ trì đọc tụng và luôn khắc ghi vào lòng.

Thưa Thiên Trung Thiên! Đích thân con cũng sẽ tinh tấn phụng hành tám danh hiệu tôn quý của chư Phật này, tư duy chuyên niệm đến quên cả ăn uống ngủ nghỉ, và quý trọng cung kính như được châu báu vô thượng.”

Phật bảo Thiên Đế rằng:

“Bởi vậy cho nên, khi trời và a-tu-la chiến đấu với nhau, nếu ai có sợ hãi thì hãy niệm các danh hiệu của chư Phật này, thì họ sẽ chẳng bị sợ nữa.

Vì sao thế? Bởi giả sử có ai tán thán và xưng niệm các danh hiệu của chư Như Lai đó, thì tức là ban bố nghiệp vô sở úy. Ai tuyên dương các danh hiệu của Chư Lai trong Kinh điển này, thời họ sẽ không gặp các hoạn nạn và phiền não.

Nếu có thể truyền bá các danh hiệu của chư Như Lai trong Kinh điển này, thì tức là tuyên dương thái bình và thịnh vượng cho thế gian. Ai có thể truyền bá các danh hiệu của chư Phật trong Kinh điển này, thì tức là tuyên dương an ổn và diệt trừ hoạn nạn kinh hoàng. Ai có thể truyền bá các danh hiệu của chư Phật trong Kinh điển này, thì tức là tuyên dương tĩnh tọa tịch nhiên.

Nếu ai truyền bá các danh hiệu của chư Phật trong Kinh điển này, thời họ sẽ lìa xa tất cả mọi sự hãi sợ.

Nếu có thể truyền bá các danh hiệu của chư Phật trong Kinh điển này, thì trong giấc mộng sẽ được an vui và không sợ quan lại. Nạn nước lửa, trộm cướp, và oan gia trái chủ sẽ tự nhiên lui tan. Quỷ thần la-sát, sơn tinh yêu quái, và bệ-lệ yếm quỷ đều không dám quấy nhiễu. Nếu ở trên núi, suối đồi, thung lũng, hay nơi hoang vắng, đạo tặc trộm cướp sẽ tự nhiên không xuất hiện, sư tử cọp sói và xà tinh rắn độc sẽ đều tự lui ẩn.

Vì sao thế? Bởi chư Phật là bậc chí tôn vô thượng, đức cao vượt hơn Tu-di, trí sâu thẳm hơn sông biển, tuệ du khắp cùng hư không, độc bộ Tam Giới và chẳng ai có thể sánh bằng. Tất cả chúng sanh trong mười phương, không ai mà chẳng nhờ ơn Phật hóa độ.”

Lúc Phật nói lời ấy xong, Trưởng giả tử Thiện Tác cùng Thiên chủ Đế-thích, các vị Tỳ-kheo, tất cả trời, rồng, quỷ thần, a-tu-la, và người trong thế gian, khi nghe lời Phật dạy, họ đều vui mừng, đảnh lễ, rồi cáo lui.

    Xem thêm:

  • Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Một Trăm Danh Hiệu Phật - Kinh Tạng
  • Ý Nghĩa Phát Xuất Từ Kim Cang Đỉnh Du Già Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Danh Hiệu Cát Tường của Chư Phật - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng