1
2
3

Kinh Bát Bộ Phật Danh

Việt dịch: Thích Nữ Hạnh Diệu

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại tì-kheo và vô lượng bồ-tát đến trụ nơi vườn Nại Nữ, thành Duy-da-li.

Bấy giờ có trưởng giả tử tên là Thiện Tác từ trong thành đến vườn Nại Nữ, đĩnh lễ nơi chân Đức Phật, nhiễu quanh theo chiều bên phải ba vòng, rồi lui về một bên, chắp tay bạch Phật: “Con có điều muốn hỏi, kính xin đấng Đại Thánh chấp thuận thì con mới dám thưa”.

Đức Phật bảo Thiện Tác:

– Tùy điều ông muốn hỏi, Như Lai sẽ phân biệt giải thích đầy đủ!

Được Phật chấp thuận, Thiện Tác liền bạch Phật:

– Thưa vâng! Bạch đấng Thiên Trung Thiên[1]!Có các Đức Phật nào tu hành bản nguyện đạt đến chính giác xuất hiện ở đời này giảng nói kinh đạo chăng? Xin đấng Đại Thánh[2] nói danh hiệu của các Đức Phật ấy, khi nghe xong chúng con sẽ thụ trì, chí thành cung kính, tin nhận điều Ngài nói; lại đỉnh lễ quy mạng, tuyên bố công lao, lại không gặp các nạn, chẳng vào ba nẻo[3].Khi nghe được danh hiệu chư Phật thì người hoặc phi nhân không có cơ hội hãm hại. Khi ở tại huyện quan, nếu niệm danh hiệu chư Phật thì không bị xử oan uổng, cướp mất tài sản, tính tình cang cường, chẳng khiếp sợ, an ổn được thắng lợi. Trong cuộc chiến đấu, niệm danh hiệu Phật thì chẳng bị vũ khí gây thương tích, chẳng bị trúng tên; dạ-xoa, các quỷ, các trời, rồng, thần không dám quấy nhiễu; sư tử, cọp, sói, thú hoang, trùng độc không thể làm hại”.

Đức Phật bảo Thiện Tác:

– Ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kĩ, Ta sẽ giảng nói cho ông nghe để tự bảo vệ, diệt trừ tai nạn, không còn sợ hãi, luôn được an vui.

Thiện Tác vâng theo lời Phật dạy, cung kính lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Về phương đông của cõi này có thế giới Vô Tích, Đức Phật nơi ấy hiệu là Phụng Chí Thành Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới Mạc Năng Đương, Đức Phật cõi ấy hiệu là Cố-tiến-độ-tư-cát-nghĩa Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác, hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới Cát An, Đức Phật cõi này hiệu là Quán Minh Công Huân Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác, hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới tên là Vô Khuể Hận, Đức Phật cõi này hiệu là Từ Anh Tịch Thủ Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác, hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới Khứ Trượng, Đức Phật cõi này hiệu là Chân Tính Thượng Thủ Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác, hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới Xí Thịnh Thủ, Đức Phật cõi này hiệu là Niệm Chúng Sinh Xưng Thượng Thủ Như Lai, Chí chân Chính đẳng giác hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới Diệu Hách Nhiệt Thủ, Đức Phật cõi này hiệu là Dõng Thủ Cao Siêu Tu-di Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác, hiện nay đang nói kinh pháp.

Lại nữa, ở phương đông có thế giới Ái Nhạo, Đức Phật cói này hiệu là Thắng Sỉ Xưng Thượng Thủ Như Lai, Chí chân, Chính đẳng giác, hiện nay đang nói kinh pháp.

Giả sử có người từ xa nghe danh hiệu các đức Như Lai ở phương đông, thì tin thụ, chí thành cung kính tư duy, ghi nhớ tại tâm, trì niệm tụng đọc. Giới đức, trí tuệ, đạo pháp chư Phật vốn bình đẳng. Cõi nước của Đức Phật ấy được trang nghiêm bằng các đức thanh tịnh kì diệu, vòi vọi không gì sánh, không có bụi dơ, không có nạn người nữ ô uế, cũng không có tai họa nỗi khổ của năm trược[4], hiểm nguy của ba đường[5], mặt đất không có cát, sỏi, đá, gai gốc, ngòi rãnh, hầm hố.

Đức Phật nói: “Này Thiện Tác! Nếu có người hay cung kính trì tụng danh hiệu các Phật Thế Tôn ấy, tuyên bố xa gần, đầu đêm thức dậy kinh hành, ca vịnh, tụng đọc danh hiệu của chư Phật, nữa đêm, cuối đêm cũng thức dậy, nhất tâm an trú, buông bỏ điều vô ích này, nghĩ nhớ pháp tu tập, thì hành giả này đức hạnh ngày một thăng tiến, hoàn toàn không bị tổn hại”.

Đức Phật bảo Thiện Tác: “Ông nên tin ưa kinh Bát Phật danh này. Đức Phật dùng pháp này bảo các người trong giòng họ cao quí nên ghi nhớ tại tâm, đừng buông bỏ, quên mất, mà siêng năng tu tập thì sẽ thấy tám nghìn vị Phật”.

Thiện Tác nghe lời chỉ dạy của Phật, liền dâng hoa báu trị giá tám nghìn lượng vàng tung rải dâng cúng đức Thế Tôn, đỉnh lễ nơi chân của Ngài, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi lui ngồi một bên.

Lúc đó, trời Đế Thích từ trong hội bước lên phía trước bạch Phật: “Thưa vâng! Bạch Đại Thánh! Con đã thụ nhận danh hiệu tám Đức Phật này, cũng đã tụng đọc và ghi nhớ tại tâm. Thưa vâng! Bạch đức Thiên Trung Thiên! Thân con sẽ siêng năng phụng hành kinh Bát bộ dương Phật tôn danh này, một lòng nghĩ nhớ, ăn ngủ chẳng lìa, quý trọng cung kính, cho đó là là vật báu vô thượng”.

Đức Phật bảo Thiên Đế: “Vì thế, lúc trời và a-tu-la cùng chiến đấu, nếu trong lòng sợ bị bắt thì nên nhớ nghĩ danh hiệu Như Lai, sẽ không còn sợ hãi nữa. Tại sao? Giả sử có người tuyên dương, ca ngợi kinh điển Bát bộ Như Lai danh tức là ban bố nghiệp không sợ hãi.

Tuyên nói tên kinh điển của các Như Lai thì chẳng gặp nạn nóng bức.

Lưu truyền những nghĩa cốt yếu của kinh điển nói đến danh hiệu các Như Lai, tức là tuyên dương đời thái bình sung túc.

Truyền tên kinh điển của chư Phật tức tuyên bố những lời an ổn trừ tai họa lớn.

Truyền tên kinh điển của chư Phật tức tuyên bố lí thiền định vắng lặng.

Truyền tên kinh điển của chư Phật thì lìa tất cả nỗi sợ hãi.

Truyền bá kinh điển ghi danh hiệu chư Phật này thì khi ngủ yên ổn, tỉnh thức an vui, chẳng sợ nạn vua quan, nước lửa, trộm cướp; oan gia trái chủ tự nhiên tránh đi; các loại quỷ thần, la-sát, yêu mị, võng lượng, bệ lệ, yểm quỷ đều chẳng dám chống lại.

Nếu vào núi non, sông suối, hang núi, đường vắng, lối rẽ, thì giặc cướp tự nhiên chẳng hiện; sư tử, cọp, sói, gấu heo, gấu chó, rắn, rắn hổ mang đều tự lui trốn. Tại sao thế ? Vì đức hạnh của chư Phật chí tôn cao hơn núi Tu-di, trí sâu hơn sông biển, tuệ rộng hơn hư không, bước một mình trong ba cõi[6] không ai sánh bằng, chúng sinh trong mười phương đều được độ”.

Nghe Đức Phật dạy xong, trưởng giả Thiện Tác, trời Đế Thích, các tì-kheo tăng, người trong hội, cho đến chư thiên, long thần, a-tu-la[7], người thế gian đều vui vẻ, làm lễ rồi lui ra.

 ***

Chú thích:

[1]Đấng Thiên trung thiên 天中天: chỉ Đức Phật.

[2]Đại Thánh 大聖: tôn hiệu của Phật.

[3] Ba nẻo 三塗: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh.

[4] Năm trược 五濁: 1.Kiếp trược; 2. Kiến trược; 4. Phiền não trược;3. Chúng sinh trược; 5. Mạng trược.

[5] Ba đường 三塗: 1.Hỏa đồ, 2. Huyết đồ, 3. Đao đồ.

[6] Ba cõi 三界: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới

[7] A-tu-la 阿須倫: Cách dịch cũ là a-tu-la, A-tu-luân, A-tố-la. Dịch là Vô đoạn, nghĩa là dung mạo xấu xí. Còn gọi là Vô tửu, nghĩa là quả báo Vô tửu. Cách gọi mới là A-tố-lạc, dịch là Phi thiên, là hạng chúng sinh có thần lực và cung điện nhưng hình thể không được như chư thiên. Là vị thần thường đánh nhau với Đế thích. Là một trong thập loại chúng sinh, là một trong Lục đạo, là một trong Thiên long bát bộ.

    Xem thêm:

  • Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Một Trăm Danh Hiệu Phật - Kinh Tạng
  • Ý Nghĩa Phát Xuất Từ Kim Cang Đỉnh Du Già Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Danh Hiệu Cát Tường của Chư Phật - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng