Phật Thuyết Bất Tự Thủ Ý Kinh
Hán dịch: Ngô Chi Khiêm
Bản Việt dịch (1) của Trần Văn Nghĩa
Bản Việt dịch (2) của Thích Nữ Tịnh Quang
***
Kinh Bất Tự Thủ Ý
Việt dịch: Trần Văn Nghĩa
Tôi nghe như vậy, có một thời , Đức Phật ở tại nước Xá Vệ (2), trong tịnh xá Kì-Thọ Cấp-Cô-Độc viên.(3)
Đức Phật gọi các Tỳ -kheo, các Tỳ-Kheo thưa rằng : Dạ thầy.
Đức Phật bảo rằng: Hãy nghe đây tự thủ và bất tự thủ.
Các tỳ-kheo chắp tay nghe Đức Phật nói.
Đức Phật bảo các tỳ-kheo: Những nhân duyên gì làm bất tự thủ, như nhãn căn (4) không bế thủ, để nhãn quan rơi vào những sắc (5), thức , ý (6) dục xấu thì nó làm chúng ta phóng túng hoang đàng, những ý xấu của chúng ta sẽ làm chúng ta khổ não, khi chúng ta khổ não thì chúng ta không có thể có tâm hồn và ý niệm thanh tịnh, khi tâm hồn và ý niệm không thanh tịnh thì chúng ta không thể nào có chí thành được. Nên dù có chân đế ở đó, nhưng ta không biết được, nên ta không thấy được những chân đế như nó đã có.
Vì đã không biết được, đã không thấy được những chân đế như nó đã có, nên lòng ta không thể xả kết (7) và độ nghi(8) , vì không thể xả kết và độ nghi, chúng ta rơi vào những nhân duyên xấu khác, những hiểu biết khác. Đã hiểu biết khác đi nên sinh khổ não và bất an ẩn(9).
Cũng như thế xảy đến cho cái tai, cái mũi, cái miệng, cái thân, cái ý của chúng ta. Đó được gọi là bất tự thủ.
Đức Phật lại bảo các Tỳ-Kheo rằng: Những nhân duyên của tự thủ. Như nhãn căn tự thủ. Nó không để nhãn quan rơi vào những sắc, thức, ý dục xấu thì nó không làm chúng ta phóng túng hoang đàng, nếu những ý niệm của chúng ta không phóng túng hoang đàng, chúng ta được an lạc.
Vì chúng ta được an lạc nên chúng ta có tâm hồn và ý niệm thanh tịnh. Khi chúng ta có tâm hồn và ý niệm thanh tịnh thì chúng ta biết có đế như (10), biết được đế -như như đã thấy. Đã biết được đế như, đã thấy được đế như, chúng ta sẽ xả kiết và độ nghi, chúng ta sẽ không tin vào những điều bất chí thành, chúng ta sẽ được tuệ trí, chúng ta sẽ được an ẩn.
Lục căn cũng như vậy. Đó gọi là tự thủ. Ta muốn nói tự thủ và bất tự thủ là như vậy.
Đức Phật nói như thế. Tất cả đều hoan hỉ thọ trì.