1
2
3
4
5
6
7

Quyển bảy

Phẩm Pháp thứ ba

Phần hai

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Ở nơi thế gian nầy tử (con) có 3 loại. Thế nào là ba ? Một là đẳng tử, hai là thắng tử và ba là liệt tử.

Thế nào gọi là đẳng tử ? Nghĩa là có một loại cha mẹ do giới đức mà tạo thành điều thiện hay lìa sát sanh, lìa trộm cướp, lìa dục tà hạnh, lìa vọng ngữ, lìa uống các loại rượu sanh ra giải đãi. Người con cũng đầy đủ giới đức, thành thục điều phục các thiện pháp, hay lìa sát sanh, lìa trộm cướp, lìa dục tà hạnh, lìa vọng ngữ là lìa uống các thứ rượu sanh ra giải đãi. Cho nên đây gọi là đẳng tử.

Còn thế nào gọi là thắng tử ? Nghĩa là có một loại cha mẹ phạm giới làm các điều ác, vui việc giết hại, làm việc trộm cướp, làm việc tà hạnh, làm việc nói dối và uống những thứ rượu say sinh ra buông lung. Người con có thể trì giới điều phục thuần phục các pháp lành, hay lìa sự giết hại, lìa sự trộm cướp, lìa sự tà hạnh, lìa sự nói dối, lìa việc uống các thứ rượu say sinh ra giải đãi. Cho nên có tên là thắng tử.

Thế nào gọi là liệt tử ? Nghĩa là có một loại cha mẹ đầy đủ giới đức, điều phục thiện pháp hay lìa sát sanh, hay lìa trộm cướp, hay lìa tà hạnh, hay lìa nói dối và hay lìa uống các thứ rượu sinh ra giải đãi. Còn người con thì phạm giới, làm các việc ác, vui việc sát sanh, làm việc trộm cướp, làm việc tà hạnh, làm việc nói dối và làm việc uống rượu sinh ra những giải đãi. Nên có tên là liệt tử.

Như thế đó trong thế gian nầy có tên gọi cho người con có 3 loại như thế. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Thế gian người có trí

Có loại đẳng, thắng tử

Chẳng vui là liệt tử

Làm tổn hại gia môn

Nên biết trong ba ấy

Một liệt hai làm thắng

Đức Phật đã nói rằng

Các hiền thánh cũng vậy

Hai kia tin giới luật

Trí huệ chẳng ngăn ngại

Như trời trong trăng sáng

Nơi đâu cũng sáng sủa

Nên gần gũi cúng dường

Chư Phật đều xưng dương

Xa lìa các trần cấu

Việc làm chẳng sợ hãi

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Có một loại Tỳ Kheo tôn trọng chánh pháp vui theo chánh pháp, thực hiện theo chánh pháp, siêng năng hành trì, thường thích hành pháp. Như thế Tỳ Kheo, tùy niệm chánh pháp, thường vui và xa rời tham, không có căn lành, chẳng tham thiện căn, tu hành đầy đủ, thường hay vui vẻ đoạn trừ sân bất thiện căn, vô sân thiện căn, tu cho viên mãn. Thường vui để đoạn trừ si bất thiện căn, tu 4 niệm trụ, lại làm cho đầy đủ, tu 4 niệm trụ, chứng được viên mãn rồi, tu 4 chánh đoạn, lại làm cho viên mãn, tu 4 chánh đoạn, được viên mãn rồi, tu 4 thần túc, lại làm cho viên mãn rồi, tu 4 thần túc. Được đầy đủ rồi tu tập ngũ căn, làm cho viên mãn rồi, tu tập ngũ căn, làm cho viên mãn rồi tu tập ngũ lực. Làm cho viên mãn rồi, tu tập ngũ lực, được viên mãn rồi tu thất giác chi, làm cho viên mãn rồi, tu thất giác chi, được viên mãn rồi tu bát thánh đạo, làm cho viên mãn rồi tu bát thánh đạo, được viên mãn rồi thì được sáng và giải thoát. Tất cả đều được viên mãn. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Tôn trọng pháp thường vui

Làm cho pháp lưu hành

Nơi pháp thường hay nhớ

Hay chẳng lùi chánh pháp

Chánh niệm tu thiện niệm

Chẳng nhớ làm việc ác

Hành pháp định hay siêu

Đời nầy đời khác vui

Pháp giúp người hành pháp

Như lúc mưa có dù

Hành pháp giúp lợi lạc

Chẳng thể đọa tam đồ

Ta đã từng nghe Đức Thế Tôn nói lời như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian nầy lược nói có 3 loại tầm tư. Các Tỳ Kheo hữu học! khi chưa chứng được thì mong cầu chứng được vô thượng an lạc, hay làm cho thoái thất. Thế nào là ba ? Thứ nhất là thân cận tương ưng với tầm tư, hai là sự lợi dưỡng tưng ứng với tầm tư, ba là đố thắng tương ứng với tầm tư. Như thế lược nói có 3 loại tầm tư. Các Tỳ Kheo hữu học, kẻ chưa được tâm muốn cầu được vô thượng an lạc thì phải làm cho mất đi. Cho nên các ngươi phải biết học như thế nầy. Ta nay vì chẳng khởi sự gần gũi tương ưng với tầm tư, chẳng khởi lợi dưỡng tương ưng với tầm tư, chẳng khởi đố thắng tương ưng với tầm tư. Nầy các Tỳ Kheo! nên biết như thế. Lúc ấy Đức Thế tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Nương tối tăm tầm tư

Lược nói có ba thứ

Học cầu vô thượng lạc

Làm chướng tất vô ngại

Nương gần gũi tương ưng

Lợi dưỡng và đố thắng

Đến vui lớn tịnh lớn

Cuối cùng không có nghịch

Bỏ thân thuộc lợi dưỡng

Và đố thắng tầm tư

Nhiếp chỉ quán khuyên tu

Sớm dứt được sự khổ

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Lược nói có 3 pháp. Có học Tỳ Kheo kẻ chưa được tâm muốn cầu vô thượng an lạc thì phải nên làm cho mất đi. Thế nào là ba ? Một là Tỳ Kheo vui mừng theo công việc như nghiệp tham ái, đắm trước vào nghiệp. Hai là các Tỳ Kheo vui mừng theo nói chuyện, tham ái việc đàm thoại, đắm trước nơi câu chuyện. Ba là các Tỳ Kheo vui theo sự ngủ nghỉ, tham ái và ngủ nghỉ, đắm trước vào ngủ nghỉ. Như thế có 3 pháp. Các hữu học Tỳ Kheo kẻ chưa được tâm muốn cầu được pháp vô thượng an lạc thì phải làm cho mất đi. Cho nên các ngươi phải nên biết, ta sẽ vì những nghiệp không vui, chẳng nghiệp vì ái, chẳng nghiệp vì đắm trước. Ta sẽ vì chẳng vui nói chuyện, chẳng ưa đàm thoại, chẳng đắm trước nói chuyện, ta sẽ vì chẳng vui ngủ nghỉ, chẳng thích ngủ nghỉ, chẳng đắm trước ngủ nghỉ. Các Tỳ Kheo các ngươi nên học như thế. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Lúc cầu quả vô thượng

Có ba pháp nên lùi

Nghiệp vui, ái, đắm trước

Nói chuyện và ngủ nghỉ

Hữu học các Tỳ Kheo

Nếu đủ ba pháp nầy

Cuối chẳng thể chứng đắc

Được quả tam bồ đề

Nếu muốn cầu chứng mau

Được chứng tam bồ đề

Phải ít nói và ngủ

Siêng năng tu chỉ quán

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Có 3 loại pháp hòa hợp hiện tiền làm cho tịnh tín các thiện nam tử sanh vô lượng phước. Thế nào là ba ? Một là lòng tin thanh tịnh hòa hợp với nhau hay làm cho những người con trai sanh ra nhiều phước. Hai là làm cho hòa hợp với nhau làm cho lòng tin thanh tịnh của các Thiện Nam tử sanh ra vô lượng phước. Thứ ba là phước điền hòa hợp với nhau có thể làm cho lòng tin thanh tịnh của các thiện nam tử sanh ra vô lượng phước. Cho nên có tên là 3 pháp hòa hợp hiện tiền làm cho phát khởi lòng tin thanh tịnh của các thiện nam tử sanh ra vô lượng phước. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Ba pháp hợp hiện tiền

Hay sanh vô lượng phước

Nghĩa tịnh tín cho đồ

Và chơn tịnh phước điền

Đủ huệ cùng giới đức

Hay điều phục ba độc

Tu sa môn phạm hạnh

Tên chơn tịnh phước điền

Đầy huệ đầy lòng tin

Giữ gìn như của quý

Phụng thí phước điền tốt

Tất sẽ được quả lớn

Thân có bốn oai nghi

Nương Tam Bảo Tứ Đế

Chánh thiện chẳng dơ nhớp

Tên là tâm lành vậy

Với trí sáng bố thí

Pháp thí là hơn cả

Tâm tịnh nói chánh pháp

Chư Phật đều xưng tán.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! những người có trí nên biết 3 loại pháp chẳng bền chắc, dễ dàng như thế. Thế nào gọi là ba ? Một là tiền tài chẳng bền chắc, hai là của cải chẳng bền chắc và ba là thân thể chẳng bền chắc. Tài sản của cải thân thể là ba điều chẳng bền chắc của mạng người. Của cải làm cho thân mệnh không bền chắc giống như tài sản. Nghĩa là kẻ tịnh tín thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn như pháp siêng năng lao dịch bằng chân tay, ra sức đổ mồ hôi mới có được những tài sản quý giá, nên tự chính thân mình cung phụng cho cha mẹ, cho vợ con, nô tỳ, bạn bè quyến thuộc, ngày đêm gặp gỡ, vui vẻ sinh sống mà khi gặp Sa Môn hoặc Bà La Môn giữ gìn giới đức hay điều phục thiện pháp, siêng tu phạm hạnh, trừ khử giải đãi, kiên nhẫn nhu hòa, thẳng ngay đường tốt, bỏ các đường tà, chí thú Niết Bàn, giữ tâm thanh tịnh, hoan hỷ cung kính như biết như nên giữ gìn bố thí, xa cầu vô thượng an lạc Niết Bàn. Hoặc hy vọng tương lai được quả vui trời người. Đó có tên là của cải chẳng bền, tài sản chẳng bền.

Thế nào là thân mệnh chẳng bền ? Nghĩa là có kẻ tịnh tín thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn thành tựu chánh kiến hay lìa sát sanh, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm hạnh thanh tịnh, lìa sự trộm cắp, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh, lìa sự tà dâm, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh. Lìa sự nói dối, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh; lìa sự uống rượu sanh buông lung, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh, như thế các loại có tên là thân thể chẳng bền chắc.

Thế nào là đời sống chẳng bền chắc ? Nghĩa là ở trong pháp của ta, các Thánh đệ tử hiểu biết như thật về khổ đế, hiểu biết như thật về tập đế, hiểu biết như thật về khổ diệt đế; hiểu biết như thật và có thể hướng đến khổ diệt đạo đế. Cho nên ở đây có tên là 3 loại không bền chắc, 3 loại dễ thay đổi. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :

Như đời có người trí

Bị mất mà chẳng quý

Kẻ chánh kiến cũng thế

Tất cả đều thay đổi

Biết được tiền, thân, mệnh

Chẳng tịnh chẳng bền chắc

Cầu thanh tịnh bền chắc

Ra khỏi thế gian vui

Trên đời tiền, thân, mệnh

Ở đời rất bền chắc

Chứng thường lạc Niết Bàn

Đó là pháp chắc thật

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Căn có 3 loại, tánh nầy sâu xa, hiển hiện sâu xa, tánh nầy khó thấy, hiển hiện khó thấy. Sao gọi là ba ? Một là chưa biết sẽ được biết gốc. Hai là biết gốc, ba là biết đầy đủ gốc. Vì sao có tên chưa biết sẽ được biết gốc ? Nghĩa là trong pháp của ta các Thánh đệ tử y nơi chưa thấy biết các khổ thánh đế mà thấy mà biết, phát sanh muốn vui, làm cho siêng năng, nhiếp tâm giữ tâm thì việc chưa thấy biết khổ tập thánh đế, làm cho thấy cho biết phát sanh được niềm vui, siêng năng tinh tấn nhiếp tâm thọ trì, nơi chưa thấy biết về khổ diệt thánh đế, làm cho thấy, biết phát sanh niềm vui siêng năng tinh tấn nhiếp tâm thọ trì. Nơi chưa thấy biết có thể đến khổ diệt chơn đạo thánh đế. Vì sự thấy biết phát sanh niềm vui, siêng năng tinh tấn nhiếp tâm thọ trì. Cho nên có tên là chưa biết sẽ được biết cái gốc.

Sao lại có tên là biết cái gốc ? Nghĩa là trong pháp của ta các Thánh đệ tử, hiểu rõ như thật, đây là khổ thánh đế, đây là tập thánh đế, đây là khổ diệt đế, đây là thú khổ diệt chơn đạo thánh đế. Đây là biết gốc gác.

Thế nào là biết đầy đủ gốc gác ? Nghĩa là trong pháp của ta, các Thánh đệ tử, các lậu đã tận đắc chơn vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát, hay biết chơn chánh, ta sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân nữa, cho nên có tên là biết gốc gác đầy đủ. Như vậy có tên là gốc có 3 loại. Tánh nầy rất sâu xa, hiển hiện sâu xa; tánh nầy khó thấy, hiển hiện khó thấy. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Ở nơi chánh pháp ta

Thánh đệ tử hữu học

Thuận tu con đường chánh

Đây là căn thứ nhất

Biết rõ khổ tập đế

Và khổ tập khổ diệt

Hay vui khổ diệt đạo

Đây là gốc thứ hai

Gốc thứ ba nên biết

Các lậu đều hết sạch

Chứng được chơn vô lậu

Tâm sáng thiện giải thoát

Biết ta đã hết sanh

Các phạm hạnh đã lập

Việc làm cũng đã xong

Chẳng thọ thân sau nữa

Thân tâm thường tịch tĩnh

Lành giữ gìn các căn

Giữ gìn thân sau cùng

Hàng phục các ma chướng

Ta từ Đức Thế tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! lược nói có 3 loại Bổ Đặc Già La (chúng sanh) vì nghĩa lợi mà nên thân cận. Thế nào là 3 loại ? Một là có loại chúng sanh thành tựu giới kém định kém và huệ kém. Hai là có một loại chúng sanh thành tựu tất cả giới định huệ. Ba là có một loại chúng sanh thành tựu thắng giới, thắng định và thắng huệ. Trong đó có loại chúng sanh thành tựu giới định huệ đều kém, làm sao được lợi ích mà nên thân cận ? Nghĩa là loại chúng sanh nầy chẳng có hy vọng cầu cứu, chỉ có lòng từ, khuyên nên tinh tấn. Vì đây là lợi lạc cho nên gần gũi. Trong đó có một loại chúng sanh thành tựu tất cả giới định huệ, vì sự lợi ích mà nên thân cận. Nghĩa là loại chúng sanh nầy suy nghĩ rằng họ đang vì ta mà nói giới tương tự, ta đương vì họ mà nói giới tương tự, hỗ tương nhau nghe làm cho được tương tục, làm được nhiều việc cho nên suy nghĩ rằng họ đương vì ta mà nói về định tương tự và ta đương vì họ mà cũng nói định tương tự, hỗ tương nhau nghe, làm cho tương tục, đã làm nhiều việc và suy nghĩ rằng họ đương vì ta mà nói huệ giống nhau và ta đương vì họ mà cũng nói huệ giống nhau. Hỗ tương nhau nghe làm cho được liên tục, đã làm nhiều việc. Vì nghĩa nầy mà lợi lạc nên phải gần gũi.

Trong ấy lại có một loại chúng sanh thành tựu thắng giới thắng định thắng huệ. Vì sao lợi ích mà nên thân cận ? Nghĩa là loại chúng sanh nầy suy nghĩ rằng ta đương vì kia mà nương vào nơi giới uẩn, nếu chưa viên mãn thì làm cho viên mãn. Nếu ta đã đầy đủ thì nhập vào chánh niệm, kiên cố giữ gìn, liền suy nghĩ rằng ta đương vì kia mà nương vào định uẩn. Nếu chưa đầy đủ làm cho đầy đủ. Nếu đã đầy đủ thì nhiếp vào chánh niệm kiên cố giữ gìn, liền suy nghĩ rằng ta sẽ nương vào kia nơi huệ uẩn. Nếu chưa đầy đủ thì làm cho đầy đủ. Nếu đã đầy đủ thì làm cho chánh niệm và kiên cố giữ gìn. Vì nghĩa nầy nên thân cận, cho nên có tên là lược nói 3 loại chúng sanh nên thân cận gần gũi. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Gần kẻ thấp, từ bi

Gần kẻ cao, lợi ích

Gần kẻ tốt, vì đức

Đầy đủ hay giữ gìn

Gần kẻ thấp, ít đức

Gần kẻ giữa, đức vừa

Gần kẻ trên, đức trọng

Vậy nên gần thượng sĩ

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! nên dùng thân nầy ở vào bất tịnh quán; nên để thân nầy theo hơi thở và theo suy nghĩ và nên nương vào đi đứng để quán vô thường, khổ, vô ngã. Nếu có thể nơi thân nầy dùng bất tịnh quán thì với cảnh tịnh, sẽ dễ đoạn lìa tham dục. Nếu hơi thở và sự nhớ nghĩ mà hay đoạn trừ tầm tư, chướng ngại thì nên quán về vô thường bởi sự đi đứng, quán về khổ, vô ngã, để làm cho có thể xa lìa ái dục mà ở thế gian nầy thường hay chấp chặt vào. Khi không chấp vào thì không sợ hãi, đã không sợ hãi thì làm cho chứng đặng cứu cánh Niết Bàn. Khi đã chứng Niết Bàn rồi thì làm cho tự hiểu rằng ta việc sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau nữa. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Nơi thân quán bất tịnh

Hơi thở chỗ suy nghĩ

Quán các hành vô thường

Cho đến khổ, vô ngã

Được các hành tánh không

Được tối thắng tịch tịnh

Ái không còn chấp giữ

Chứng cứu cánh Niết Bàn.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Các thân của loài hữu tình thì vì 3 loại dũng kiện, oán tặc và tùy toại (theo sự ưa thích) mà làm hại. Vì sao gọi có ba ? Một là buồn cho sức khỏe của sự già mà oán hờn. Hai là buồn cho bệnh tật mà oán hờn. Ba là buồn cho vô thường mà lo buồn. Đây là 3 loại buồn lo về sức khỏe. Chúng thường hay làm cho chúng hữu tình khổ sở nơi thân và nơi thân ấy lược nói ba pháp. Thứ nhất là thọ mệnh, thứ hai là hơi ấm và thứ ba là tâm thức. Như thế gọi là ba pháp.

Khi xa lìa thân thể thì có tên là chết đi, hôi thối khó chịu, bỏ nơi nhà xác, chẳng thể dùng lại được. Cho nên thân nầy là hư ngụy, do các pháp hợp thành. Ở nơi đó có sự thọ mạng, hơi ấm và thức mà tạo nên pháp nầy. Y vào nhân duyên để sanh, vô thường chi phối, chẳng mạnh chẳng lực, cuối cùng hoại diệt, giặc già bệnh chết, thường theo chẳng buông, thế mà kẻ ngu phàm vì vô minh chứa nhóm, nên tham đắm nơi ái ân, chẳng chịu xa rời. Các thánh đệ tử của ta cũng do các sự giả hợp nầy mà tạo thành thân, phải biết rõ như thế, có nhiều nỗi lo, liền làm cho tất cả trong ngoài thân có thể sâu vào tham đắm. Nên lìa tham dục. Khi lìa tham dục rồi liền được giải thoát. Khi đã giải thoát rồi liền tự hiểu rằng ta việc sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong. chẳng còn thọ thân sau nữa. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Tất cả thân hữu tình

Ba oán tặc theo hại

Đó là già bệnh chết

Khi chưa bỏ được chúng

Các pháp hợp thành thân

Hư ngụy chẳng phải thật

Nếu bỏ mạng thọ thức

Rồi ra chỉ nhà xác

Người ngu chẳng biết rằng

Thường lấy ái đắm say

Hiền thánh có trí tuệ

Xa lìa như phẩn hôi

Tu vô lậu thánh đạo

Đoạn ba tặc nhân duyên

Đặng thường lạc Niết Bàn

Chắc ra khỏi ba cõi

Thế gian người có trí

Thường lo lắng thân mình

Cầu thường lạc Niết Bàn

Siêng năng chớ buông lung

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Về các việc của phước nghiệp. Lược nói ở đây có 3 loại, nên tu nên tập. Thế nào gọi là ba ? Một là thí phước nghiệp. Hai là giới phước nghiệp và ba là tu phước nghiệp.

Thế nào gọi là thí phước nghiệp ? Nghĩa là có tịnh tín thiện nam hoặc thiện nữ hay bố thí về đồ ăn uống, hương hoa, dầu thơm, áo quần, xe cộ, chỗ ngủ, phòng ốc, đèn dầu, vườn tược cùng các tài sản khác, như thế có tên là bố thí phước nghiệp.

Thế nào có tên là giới phước nghiệp ? Nghĩa là có tịnh tín thiện nam tín nữ hay lìa sát sanh cứu cánh viên mãn, chẳng phạm, thanh tịnh, lìa trộm cướp, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh, lìa tà hạnh, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm, thanh tịnh. Lìa nói dối, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm, thanh tịnh. Lìa uống các thứ rượu sanh ra buông lung, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh, như thế có tên là giới phước nghiệp.

Thế nào có tên là tu phước nghiệp ? Nghĩa là có tịnh tín thiện nam hoặc tín nữ tu tâm từ khắp đến các nơi, ở yên đầy đủ như thế thứ 2, thứ 3, thứ 4, trên dưới nhiều thể tất cả thế gian cũng đều biến khắp, yên ổn đầy đủ làm cho từ tâm rộng lớn vô lượng; chẳng oán, chẳng hại, rộng khắp mà ở tu tâm từ bi biến mãn một phương, đầy đủ ở yên. Như thế thứ 2, thứ 3, thứ 4, cho đến trên dưới các phương, tất cả thế giới tất đều cùng khắp, đầy đủ ở yên làm cho tâm từ rộng khắp vô lượng, chẳng sợ chẳng hại, biến khắp mà ở, tu hỷ từ tâm, biến đến một phương đầy đủ ở yên như thế thứ 2, thứ 3, thứ 4, trên dưới tất cả thế giới đều biến khắp đầy đủ. Ở yên làm cho tâm từ quảng đại vô lượng, chẳng oán chẳng hại biến khắp ở yên, tu xả nơi tâm, biến mãn một phương, đầy đủ ở yên như thế thứ 2, thứ 3, thứ 4, trên dưới tất cả thế giới đều biến khắp đầy đủ an trụ, làm cho xả bỏ, tâm ấy vô lượng, chẳng hờn chẳng hại, biến khắp mà ở. Như thế gọi là tu phước nghiệp. Nơi nầy nói là 3 phước nghiệp nên tu nên tập, nên tu tập nhiều. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Có ba pháp nên tu

Nên tập càng nên tập

Hay được ba niềm vui

Đó là thí, giới, tu

Tu thí cảm nhiều tiền

Tu giới được sống lâu

Tu từ bi hỷ xả

Sẽ sanh cõi trời tịnh

Thế gian người có trí

Muốn cầu vui thù thắng

Nên tu ba phước nầy

Định sẽ được chẳng nghi

Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian tối thắng, lược nói có 3 loại. Thế nào gọi là ba ? Một là tất cả thí thiết hữu tình, không chân, 2 chân, 4 chân hoặc nhiều chân, có hình, không hình, có tưởng, không tưởng, cho đến nơi cõi phi tưởng phi phi tưởng Phật đã vì tối thắng, cho nên Như Lai ứng chánh đẳng giác, minh hạnh viên mãn, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật, Bạt Già Phạm. Nếu nơi Phật mà khởi tâm thanh tịnh thì ở nơi lòng tin đó là điều tối thắng vậy. Như có lòng tin ấy cảm được quả báo ở nơi trời người cũng là quan trọng không kém.

Thứ hai là tất cả pháp môn, thế và xuất thế gian, có hoặc chẳng có v.v… đều là các pháp môn cả. Niết Bàn tối thắng, nghĩa là lìa các kiêu mạn, tức các khát ái, diệt A Lại Da, đoạn các đường hiểm, ái hết, lìa dục, tịch tịnh Niết Bàn. Nếu như thế ở nơi pháp Niết Bàn khởi tâm thanh tịnh tin tưởng, thì nơi lòng tin ấy là điều quan trọng nhất, như thế lòng tin thanh tịnh sẽ cảm quả báo nơi trời người, điều ấy rất quan trọng.

Thứ ba là đối với tất cả sự thí thiết cho đồ chúng, bằng hữu, ân nghĩa đều tập trung vào nơi Phật thánh đệ tử, tức tăng là tối thắng. Nghĩa là 4 hướng, 4 quả, 8 loài chúng sanh ở trong các loài hữu tình vì chơn vì diệu, vì tối tôn đệ nhất nên phải cung kính diên trì, cung kính cúng dường, xưng dương tán thán, chẳng quản thân mệnh tài sản của cải thế gian, trời người v.v… vô thượng phước điền. Nếu ở nơi hiền thánh tăng ấy khởi tâm tin thanh tịnh thì tốt đẹp vô cùng. Với tâm thành ấy sẽ cảm quả báo, nơi trời người, tốt đẹp hạng nhất. Như thế có tên là 3 loại tối thắng. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Tối thắng có 3 loại

Đó là Phật Pháp Tăng

Nương vào sanh lòng tin

Hay thấy pháp tối thắng

Nương Phật sanh tịnh tín

Biết Đức Lưỡng Túc tôn

Chứng vô thượng Bồ Đề

Trời người cùng ứng cúng

Nương Pháp sanh tâm lành

Biết ly dục trung tôn

Chứng vô thượng Niết Bàn

Tịch tịnh thường an lạc

Nương Tăng sinh lòng tin

Biết ở chúng trung tôn

Chứng vô thượng phước điền

Trời người đều ứng cúng

Thí tốt nhất ruộng phước

Sanh tối thắng công đức

Cảm tối thắng an lạc

Thọ sắc lực tiếng tăm

Cúng dường người cao cả

Tu hành pháp cao siêu

Được tối thắng an lạc

Trên trời hoặc loài người

Thí Tam Bảo phước điền

Tên gọi là tối thắng

Đâu đâu cũng an lạc

Sau đó chứng Niết Bàn

Sâu vào nghĩa nầy Uẩn Đà Nam viết:

Con cái nặng hai học

Phước dày sâu chúng sanh

Bất tịnh và oán giận

Phước nghiệp việc tối thắng

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Có 3 loại Đại Sư xuất hiện nơi thế gian làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sanh, thương yêu thế gian trời người đại chúng làm cho được vô lượng lợi ích an lạc.

Thế nào là ba ? Nghĩa là Như Lai, ứng chánh đẳng giác, minh hạnh, viên mãn, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật, Bạt Già Phạm. xuất hiện nơi thế gian vì các chúng sanh mà khai mở chánh pháp, đầu giữa trước sau đều tốt, văn nghĩa rõ ràng, thị hiện đầy đủ, thanh bạch phạm hạnh. Đó là khổ đế, đó là tập đế, đó là đạo đế, đó có thể hướng đến khổ diệt đạo đế, như thế có tên là Đệ Nhứt Đại Sư xuất hiện nơi thế gian làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sanh, ai mẫn thế gian thiên nhơn đại chúng làm cho được vô lượng lợi ích an lạc. Lại nữa Như Lai, ứng chánh đẳng giác, vô học đệ tử tức các vị A La Hán các lậu đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, việc đáng bỏ đả bỏ được sự lợi ích an lạc, hết các kiết sử, rồi cung phụng hành trì lời dạy chánh đáng của Như Lai. được giải thoát rồi, chứng biến tri rồi, xuất hiện nơi thế gian làm cho tất cả chúng sanh khai mở chánh pháp, đầu giữa cuối đều tốt, văn nghĩa rõ ràng, thị hiện đầy đủ, thanh bạch phạm hạnh. Nghĩa là khổ đế, là tập đế, là khổ diệt đế, có thể hướng đến khổ diệt đạo đế, như thế có tên là Đệ Nhị Đại Sư xuất hiện nơi thế gian làm lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh, ai mẫn thế gian trời người đại chúng làm cho được vô lượng lợi ích an lạc.

Lại nữa Như Lai, ứng chánh đẳng giác, hữu học đệ tử đầy đủ phạm hạnh, đầy đủ chánh kiến đa văn; cho nên chánh văn khế kinh khi đọc tụng biên chép riêng như Già Đà, Vô vấn tự thuyết, Bổn Sự, Bổn Sanh, phương quảng rộng nói, hiểu biết rõ ràng nghĩa nầy, xuất hiện ở thế gian vì các chúng sanh mà khai mở chánh pháp, trước giữa sau cuối đều tốt, văn nghĩa rõ ràng, thị hiện đầy đủ, thanh bạch phạm hạnh. Nghĩa là khổ đế, khổ tập đế, khổ diệt đế, có thể hướng đến khổ diệt đạo đế, như thế có tên là Đệ Tam Đại Sư xuất hiện ở thế gian làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sanh, ai mẫn thế gian, trời người đại chúng làm cho được vô lượng an lạc lợi ích. Như vậy có tên là 3 loại Đại Sư xuất hiện nơi đời làm lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh, ai mẫn thế gian trời người đại chúng làm cho được vô lượng lợi ích an lạc. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Có ba loại Đại Sư

Nếu xuất hiện ở đời

Hay lợi ích an lạc

Trời người cùng thế gian

Một là Đức Như Lai

Hai là vô học đệ tử

Ba là hữu học đệ tử

Đủ tịnh giới đa văn

Như thế ba Đại Sư

Trời người cùng ứng cúng

Hay tuyên nói chánh pháp

Rộng mở cửa cam lồ

Làm vô lượng chúng sanh

Xa rời các kết sử

Giải thoát khổ sanh tử

Chứng thường lạc Niết Bàn

Dụ như Đạo Sư giỏi

Hay chỉ người đường tốt

Đi đúng cứ thế theo

Được an lạc chẳng nghi

Như thế ba Đại Sư

Chỉ chúng sanh tứ đế

Tu hành chẳng buông lung

Định, siêu sanh giải thoát

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Có 3 lúc chư thiên tụ tập hoan hỷ tinh tường, hiện tướng siêng năng xuống đến nhơn gian. Thế nào là ba ? Nghĩa là đệ tử ta hoặc có tài sản ít, hoặc có tài sản nhiều, hoặc có quyến thuộc ít, hoặc có nhiều quyến thuộc, hoặc thuộc dòng họ tôn quý, hoặc dòng họ thấp mà mới phát tâm rồi truyền pháp ấy rộng ra trong gia đình, có kẻ hoan hỷ xuất gia, lúc ấy chư thiên hoan hỷ tập hội, hoặc giống lời nói trời người đang biết. Nay đệ tử Phật cùng với quân ma bạn ác giao chiến với nhau cho nên ta bảo chúng trời giáng xuống nhân gian, tham gia giúp đỡ tăng trưởng tín tâm làm cho không ai chướng nạn. Nói lời ấy rồi xuống đến nhân gian, làm việc đáng làm, như thế có tên là lần thứ nhất chư thiên giáng thế, hoan hỷ rõ bày, hiện tướng siêng năng lai giáng nhơn gian. Lại đệ tử của ta cạo bỏ râu tóc mặc áo cà-sa có tâm tin chân chánh, bỏ nhà, không có riêng tư xuất gia làm Tỳ Kheo tu theo hòa kỉnh, ở yên giữ gìn giới biệt giải thoát, làm việc mô phạm, chẳng có gì là không viên mãn. Ở nơi tội nhỏ cũng sinh sợ hãi, thọ học tất cả những học xứ đáng học, thành tựu thanh tịnh thân ngữ ý nghiệp, thành tựu đời sống thanh tịnh, thành tựu sự thấy thanh tịnh. Lúc ấy chư thiên hoan hỷ tập hội hoặc nói nên lời, chư thiên đều biết làm cho đệ tử Phật cùng với ác ma đang đánh nhau ta làm cho chư thiên xuống trần giúp đỡ tăng sức, uy lực để chiến thắng ma quân. Làm như thế rồi lại xuống thế gian, làm những gì nên làm. Như thế có tên là lần thứ hai chư thiên tập hội, hoan hỷ rõ ràng, hiện tướng siêng năng lại xuống thế gian. Lại đệ tử ta các lậu đã tận, chứng chơn vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát. Ở nơi pháp ấy tự chứng thông huệ, đầy đủ an trụ, có thể tự biết rằng ta sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân nữa. Lúc ấy chư thiên hoan hỷ tập hội hoặc nói lời ấy chư thiên đều biết làm cho đệ tử Phật cùng với các quân của ác ma đang giao tranh thì chặt đứt đầu ma và chiến thắng ma quân rồi tự nói rằng ta việc sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau. Chúng ta tán thán chư thiên mang hương hoa rồi giáng xuống nhân gian lễ bái cúng dường, xưng dương tán thán thỉnh nói chánh pháp, độ thoát thân nầy khỏi sanh lão bệnh tử, nói lời ấy rồi liền xuống nhân gian, làm việc nên làm. Như thế có tên là lần thứ ba chư thiên tập hội, hoan hỷ rỡ ràng, hiện tướng tốt đẹp giáng xuống nhân gian. Tỳ Kheo nên biết! Nếu có quốc thổ, thành ấp, làng xóm có kẻ tịnh tín phát tâm xuất gia thì được cạo tóc xuất gia chơn chánh. Kẻ xuất gia ấy các lậu sẽ hết. Ở nơi quốc độ thành ấp ấy chư thiên cùng các thiện thần thường hay giáng xuống gia hộ bảo trì làm cho nơi ấy phong phú vui vẻ, phong điều vũ thuận, chẳng có những tật ách. Những chúng sanh trong ấy hướng về lòng từ, đồng tu thiện nghiệp, hiện tại tương lai, đêm dài an ổn sớm chứng vô thượng thường lạc Niết Bàn. Như thế có tên là ba lúc chư thiên tập hội, hoan hỷ rỡ ràng, hiện tướng đoan nghiêm giáng xuống nhân gian. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Chư thiên nơi ba thời

Hoan hỷ cùng tập hội

Rỡ ràng cùng sắc tướng

Lai giáng nơi nhân gian

Tối sơ cầu xuất gia

Sau đó là thế phát

Thứ ba lậu tận hết

Hàng phục các ma quân

Chư thiên thấy xuất gia

Hay trừ được các lậu

Hoặc cung kính cúng dường

Như vậy mà ca tụng

Quy mệnh kẻ thù thắng

Quy mệnh tối thượng sĩ

Quy mệnh cho chúng ma

Giữ gìn tên tuổi lớn

Chư thiên tâm hoan hỷ

Giúp đỡ tu cúng dường

Mong muốn được cắt tóc

Lậu tận chứng vô sanh

Cho nên phải siêng năng

Tĩnh lự nhớ vui yên

Dũng mãnh chẳng buông lung

Điều phục các ma quân

Ở nơi luật của Phật

Chánh tín mà xuất gia

Hay giải thoát các lậu

Vĩnh viễn xa rời khổ.

Ta nghe từ Đức Thế Tôn như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Lược nói có 3 sự việc, tối đại trời người. Thế nào là ba ? Một là sống lâu, hai là đoan nghiêm, ba là khoái lạc. Như thế 3 việc, cả trời lẫn người trăm ngàn vạn lần không thể tính đếm. Cho nên như ở nhân gian nầy tính số 50 năm thì ở cõi thiên nơi Tứ Thiên Vương thiên thì chỉ một ngày một đêm. Như vậy ngày đêm số đến 30 cho đến một tháng chứa thành 12 tháng, rồi thì một năm. Như thế từng năm, nơi Tứ Thiên Vương thọ lượng đến 500. Như vậy ở cõi người là chín trăm vạn tuổi nhưng người ở cõi nầy chỉ sống 100 năm. Như ở cõi thiên vào từng trời thứ 33 bằng một ngày một đêm. Như vậy ngày đêm số đến 30 rồi thì một tháng, kế đến 12 tháng, rồi thì một năm, như vậy hằng năm thì ở cõi trời thứ 33 ấy thọ lượng là 1.000 tuổi. So với nhân gian thì 3 ngàn 6 trăm vạn tuổi. Như vậy ở nhân gian 200 năm thì ở cõi Dạ Ma một ngày một đêm, rồi thì ngày đêm số đến 30 rồi thì một tháng, chứa đến 12 tháng, rồi một năm, hằng năm như vậy. Ở cõi trời Dạ Ma tuổi thọ là 2.000 tuổi, bằng với nhân gian nầy là một ức bốn trăm vạn tuổi. Như vậy ở cõi đời 400 tuổi thì ở cõi Đẩu Suất một ngày một đêm, như vậy ngày đêm số đến 30, rồi thì một tháng, chứa đến 12 tháng, rồi thì một năm, hằng năm như thế, ở cõi Đẩu Suất thiên thọ mạng 4.000 năm so với nhân gian nầy là năm ức bảy ngàn sáu trăm vạn tuổi. Như vậy ở cõi người nếu sống 800 tuổi thì ở cõi Lạc Biến Hóa Thiên chỉ một ngày một đêm. Như vậy ngày đêm tính đến 30 rồi thì một tháng, kế đến 12 tháng rồi thì một năm, cho đến hằng năm cõi Lạc Biến Hóa Thiên ấy là 8.000 năm so với nhân gian là 23 ức 4 trăm vạn tuổi. Như vậy thế nên sống 1.600 năm thì ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên chỉ một ngày một đêm. Số cho đến 30, rồi thì một tháng, chứa đến 12 tháng. Rồi thì một năm, hằng năm như thế. Ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên thọ mạng là 1 vạn 6 ngàn tuổi. So với người đời là 92 ức 1 ngàn 6 trăm vạn tuổi (ở đây tính số vạn vạn là 1 ức) như thế tên gọi là Trường Thọ Thiên, chư thiên đoan nghiêm, chư thiên khoái lạc, ở cõi nhân gian nầy không có gì có thể ví dụ được.

Như thế chư thiên có 3 loại thắng sự. Tất cả đều là như vậy, vô thường, vô đán, chẳng thể giữ tin, đều bị biến đổi. Sau khi chết gặp gỡ việc chết nơi chư thiên chúng kia khi lâm chung cũng có thiên chúng đến đưa và chỉ cho biết các cõi tiên và nguyện cho họ vãng sanh vào cõi lành. Khi lâm vào cõi lành rồi thì được lợi lạc. Được thiện lạc rồi thì thành tựu. Ở nơi chư thiên qua lại cõi lành, được lợi lạc, được thành tựu. Nghĩa là ở cõi chư thiên khi mệnh chung lại sanh vào người cùng với con người, qua lại cõi thiện. Đến cõi người rồi. Nơi Phật nói pháp và luật, hộ trì chánh tín, tên gọi là thiện lợi. Như thế lòng tin chơn chánh tăng trưởng lớn mạnh, cội gốc vững vàng. Thế gian Sa Môn hoặc Bà La Môn, Chư Thiên ma phạm, không thể như pháp dẫn họ vào sự thoái chuyển. Nên có tên là thành tựu. Do sự thành tựu nầy mà ở nơi Phật pháp làm được nhiều việc. Nghĩa là thanh tịnh lòng tin, xuất gia thọ giới, tu Đột Ma Tha, Tỳ Bát Xá Xa, quán 4 thánh đế, vĩnh viễn dứt trừ các lậu, chứng được Niết Bàn, tận chỗ nhỏ nhất. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Chư Thiên ba việc thắng

Sống lâu đẹp đẽ vui

Người đời kể ngày tháng

Tính đến khó lường được

Như đây ba điều thắng

Phi thường lại khó có

Khó giữ, pháp biến đổi

Tử ma lực còn lại

Thiên tướng khi xả mệnh

Và chư thiên tập hội

Dạy dỗ những điều lành

Làm cho tâm hoan hỉ

Dương nguyện cho trời Phật

Vãng sanh nơi đường lành

Cùng với loài người thảy

Sanh nơi nước sáng sủa

Ở vào nơi Phật pháp

Gặp được niềm tin chánh

Tăng trưởng gốc sâu bền

Tà giáo chẳng thể chuyển

Thân ngữ ý làm ác

Hay phương tiện xả bỏ

Bị sanh vào nơi khác

Lại có dư phương tiện

Nhiều tu thân ngữ ý

Ba thù thắng thiện pháp

Như lý chánh tư duy

Làm vô lượng rộng lớn

Tu các việc phước nghiệp

Nghĩa thí giới đa văn

Ở nơi chánh pháp Phật

Xuất gia tu phạm hạnh

Chánh tín tu pháp lành

Hay nhẫn và mềm mại

Hoặc sanh ở trời người

Hoặc chứng Niết Bàn vui

Như vậy chư thiên tiên

Đến giáo huấn chỉ bày

Khi bỏ mạng cõi trời

Như mẹ yêu con thơ

Chư thiên thường phát nguyện

Thiện vui hay tăng ích

Làm cho A Tu La

Thối lui chẳng tăng nữa.

    Xem thêm:

  • Kinh Năm Thiên Sứ Của Vua Diêm La - Kinh Tạng
  • Kệ Khuyến Phát Chư Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Vua Ưu Điền Dùng Chánh Pháp Trị Nước - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 31 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 46 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Răn Dạy Vắn Tắt - Kinh Tạng
  • Kim Cang Tràng Trang Nghiêm Bát Nhã Ba La Mật Đa Giáo - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Xá Đầu Voi – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Lão Ông Bần Cùng - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Già Da Sơn Đỉnh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng