Kinh Diễn Ðạo Tục Nghiệp
Phật Thuyết Diễn Đạo Tục Nghiệp Kinh
Khất Phục Tần Thánh Kiên dịch
Bản Việt dịch của Thích Nữ Thuần Hạnh
***
Tôi nghe như vầy : Một thời đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo, vô số Bồ tát, bốn hàng đệ tử, trời, rồng, quỉ, thần, a tu luân ở vườn Cấp Cô Ðộc, rừng cây Kỳ Ðà nước Xá Vệ.
Khi ấy, Cấp Cô Ðộc cùng với năm trăm cư sĩ ra khỏi thành Xá Vệ, đến chỗ đức Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân, ngồi một bên, chắp tay bạch Phật :
– Bạch Thế Tôn ! Cư sĩ quản lý gia nghiệp tài sản có bao nhiêu loại? Người xuất gia tu đạo hành động giống hay khác, phải phụng trì pháp gì để mau thành đạo Vô Thượng Chánh Chơn? Lại dùng pháp gìđể giáo hóa chúng sanh?
Phật dạy :
– Lành thay ! Khéo hỏi. Ta sẽ chỉ bày điều mông muội để người đời sau học và thi hành. Tài sản có ba loại : 1- Hạ tài; 2- Trung tài; 3- Thượng tài.
Sao gọi là hạ tài?
Có người quản lý của cải, tích chứa tiền tài không dám ăn mặc, không chịu tu tập kinh điển, giới luật, không hiếu thuận cúng dường song thân, không thích cung cấp đầy đủ cho vợ con đúng lúc, cho ăn bữa đói bữa no. Người ở thì áo không đủ che thân, cơm không đủ no bụng. Ôm lòng keo kiệt, tiếc của như ong yêu thích mật, không tin tiên thánh, không thờ phụng bậc cao sĩ, Samôn, đạo nhơn. Không thích bố thí, tạo phước gây đức. Tâm tự cho là thường, không nghĩ việc cho tận cùng. Hợp rồi ắt tan, họa phước tự theo, tham luyến thân thể, không hiểu nó là gốc của phiền não, giây lát chìm đắm vào cửa địa ngục. Thân này sống được nhờ thức ăn. Bốn đại khi mạnh khi yếu, thần thức tạm nương vào thân, chỉ là giả danh. Suy nhược, huyễn hóa mong manh không kiên cố, không hiểu vô thường, chạy theo sự vinh quang của thế gian. Vạn nổi sầu lo ôm chặt trong lòng, lại gọi là sống lâu. Tâm chấp tự ngã, không thấu đạt nghĩa không, Tam giới còn hư ảo, huống chi người và vật. Miệt mài mê hoặc với tham lam, dâm dục, tật đố. Ðó là hành động của những người làm trên.
Phụng dưỡng cha mẹ với tâm hòa hiếu an vui lời nói qua lại không đổi sắc mặt, sớm tối thăm hầu, thận trọng từng tí, nhớ nghĩ công ơn cha mẹ vô cùng lớn lao. Nuôi dưỡng vợ con ăn mặc đúng thời, ân tình qua lại cùng nhau đằm thắm. Vợ con như vậy, trọn không có hành động riêng tư. Coi nô tỳ như quyến thuộc, không để người làm phải đói khổ. Nhưng không tin chết rồi sanh trở lại cho rằng đã chết hẳn rồi thì trở về nơi cõi vô hình. Hiếu thảo với đấng sanh thành, nhớ ân sanh dưỡng. Vợ con cung cấp đầy đủ, ân tình yêu mến. Quan tâm người ở, sai việc làm vừa sức họ. Nhưng không biết cung kính Samôn, đạo nhơn, không chịu làm việc thiện như thi ân, bố thí, tạo phước đức. Ðời sau được phước hơn cả mọi người. Ðây là tài sản hạng trung.
Phật nói kệ : Thường nhớ ân nuôi dưỡng Hiếu thuận với song thân Vợ con cung cấp đủ Theo thời không mất mát Nô tỳ và người làm Thăm hỏi không xử ác Thuận theo ý người hầu Không làm việc trái phép Nhưng không tin đời sau Nghe sợ không hoan hỷ Cho thân thường tồn mãi Trường tồn không mất mát Ba cõi như huyễn hóa Nên hiểu rõ điều này Tội phước mình đã tạo Nhận kết quả tương xứng. Phật dạy trưởng giả :
Nghiệp thượng tài là người nào có tiền của ăn mặc đầy đủ lại hiếu thuận cha mẹ không kể thời gian, chăm sóc cha mẹ. Không để sắc diện ưu sầu. Ra không phạm điều cấm, vào không trái lễ nghĩa. Việc làm trong sạch không ô uế, cung kính tôn trưởng, tuân phục người trí. Ðón nhận nghe rộng với tâm bình đẳng. Những người hạ liệt, bần cùng nguy khốn, hoặc mê muội bị bạc đãi thì cung cấp chăm sóc như vợcon, luôn luôn đầy đủ. Diệt trừ các tà niệm tự sửa thân thể để làm việc đúng. Quan tâm người ở để họ không bị khổ cực, không đánh đập, chửi mắng bừa bãi, mà lại tăng thêm lòng từ bi thương xót.
Phụng kính Tiên Thánh, đến học với bậc Bồ tát xuất gia, theo pháp Sa môn hiền trí. Sớm, tối hành lễ, luôn luôn chú ý. Bố thí những nơi thiếu thốn đã gây đạo đức. Tự giảng Kinh điển và dạy dỗ người si mê. Dùng phương tiện hoàn hảo vào đúng lúc. Tự an ổn giữ gìn tất cả chúng sanh giống như con trâu ăn cỏ mà lấy được sữa, sữa làm thành lạc, lạc làm thành tô, tô làm thành đề hồ. Ðề hồ là chất rất mềm vàđặc biệt nhất. Tự thân được bình an, thương xót khắp mười phương. Ðem lòng từ bi ở nhiều nơi thì được sự an ổn ở mọi chỗ. Ðộ thoát mọi sự mê muội cho cả trời, người, nhân dân. Người này là bậc tôn quí vô thượng, không gì sánh bằng, không như hạng thất phu, là bậc đại hùng ở đời, một mình đơn độc không bạn lữ.
Khi ấy, Phật thuyết kệ : Nếu người nghiệp thượng tài Tự thân ăn mặc đủ Cung phụng hiếu cha mẹ Sắc diện luôn hòa nhã Ra đường không vi phạm Về nhà không trái lễ Việc làm thường trong sạch Ðúng pháp không mê muội Kính phụng bậc tôn trưởng Tuân hành người sáng suốt Hành theo người học rộng Bình đẳng không tà vạy Lo vợ con đúng thời Ðều được như sở thích Thương xót cả người làm Ăn mặc luôn đầy đủ Cúng Sa môn, Bồ tát Bố thí và cúng dường Nhận diệu pháp từ đây Lìa bỏ sự si mê Thương yêu khắp mọi người Không chỉ là thân hành Thường tự an thân mình Cũng biết các ách nạn Ví như dầu đề hồ Vốn từ cỏ sanh ra Ðã biết cách an thân Hòa hợp không sanh bệnh Thương các loài chúng sanh Với tâm luôn bình đẳng Dùng bốn đẳng hành này Mau chóng thành Phật đạo. Phật dạy trưởng giả :
– Người xuất gia học đạo có ba hạng :
1- Thanh văn; 2- Duyên giác; 3- Ðại thừa.
Sao gọi là Thanh văn?
Sợ khổ, nhàm chán thân này. Suy nghĩ khổ nạn sanh tử vô số, tai hoạn cùng khắp. Coi thân như oán thù. Bốn đại như rắn độc. Ngũ ấm như ổ giặc. Ngồi thiền theo dõi hơi thở. Quán chiếu thấy thân xấu xí, hình thể không trong sạch. Sợ sắc dục vốn làm đau đớn cho tưởng, hành, thức. Sợ hãi nổi khổ nơi địa ngục, nguy ách nơi ngạ quỉ, hoạn nạn trói buộc ở loài súc sanh khổ nạn trong con người cách biệt cõi trời, không thể kể hết. Luân chuyển không ngừng, như người ở trong ngục tù. Nên muốn đoạn trừ tội khổ sanh tử cần lao, cầu pháp vô vi an lạc Niết bàn. Chỉ tự lợi mình không nhớ nghĩ chúng sanh. Thường chấp tâm từ nhỏ hẹp không phát triển lòng thương rộng lớn. Chỉ dựa vào âm thanh, không hiểu trí không. Ba cõi như huyễn hóa. Tự cứu giúp mình, không xót thương người. Ðây là hàng Thanh văn học.
Khi ấy, Phật nói kệ : Sợ vô lượng sanh tử Gian nan trôi cùng khắp Tâm ôm lòng lo sợ Chỉ muốn cầu lợi mình Ngồi thiền, quán hơi thở Chuyên cần đến hơi thở Thấy thân nhiều điều xấu Có muôn vàn ô uế Lìa bỏ ba cõi này Ðoạn dục được tự an Không tu tập từ tâm Chỉ muốn hưởng Niết bàn. Phật dạy trưởng giả :
– Duyên Giác là vốn phát đại tâm, làm hạnh Bồ tát; Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí huệ nhưng với tâm vọng tưởng cầu làm bậc tôn quí trong thiên hạ, hoặc làm cho người quy y. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai đức thần lực cao vời, rạng rỡ không ai sánh bằng nhưng không hiểu sắc thân Như Lai thị hiện, chỉ vì người ngu ở đời không biết đạo lớn, đoạn trừ dòng sanh tử không muốn trở lại, chấm dứt nguồn gốc sanh tử nên hiện thân.
Tướng hảo trang nghiêm, dùng lời hay để giáo hóa người ngu si, biểu thị ánh sáng lớn và tướng hảo gọi là xét đoán có sắc tượng. Tuy thuộc hành tứ đẳng, tứ ân, lục độ vô cực, ba mươi bảy phẩm, quán mười hai nhân duyên, muốn nhổ sạch nguyên nhân của nó nhưng không hiểu được căn bản đó, nên không hy vọng nơi đạo lớn. Hạng này tích đức như hư không, không được đến cõi Phật. Vì sao? Vì dụng tâm không đạt.
Sao gọi là không đạt? Vì bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí huệ, tứ đẳng, tứ ân đều có sự mong cầu. Nhớ nghĩ cứu giúp tất cả chúng sanh đang bị sanh tử nơi năm đường. Hiểu rõ các pháp là không, vô tướng, vô nguyện. Biết tất cả pháp như huyễn hóa, mộng ảo sóng nắng, ảnh trong gương, tiếng vang, cây chuối, bọt nước đều không thật có. Ðạo huệ vô hình, bình đẳng như hư không, không chỗtăng, chỗ hoại, độ khắp chúng sanh.
Khi ấy, Phật nói kệ : Ðã phát tâm Bồ tát Chỉ mong nghiệp Ðại thừa Chỉ muốn được thân Phật Không rõ, không thân sơ Bố thí, giới, nhẫn nhục Tinh tấn, thiền, trí huệ Tứ đẳng, ân, lục độ Chỉ tự thích vô vi Ưa thích ba hai tướng Tám mươi vẻ cao quí Trời, người đều tôn kính Thoát ngũ ấm, lục suy Chỉ sợ việc chướng ngại Không thể quán sâu xa Tuy muốn độ mười phương Nhưng tâm miệng trái nhau Không rõ pháp huyễn hóa Bọt, bóng nước, sóng nắng Cây chuối như ảnh mộng Vọng tưởng rất nhiều việc Dầu tạo các công đức Nhiều như cát dòng sông Tâm hoại Vô Thượng Chơn Không biết trừ các ma. Phật dạy trưởng giả :
– Học đại thừa kia phải phát đạo tâm Vô Thượng Chánh Chơn. Thực hành lòng thương rộng lớn, bình đẳng như hư không. Còn tu đại bi thì không có thân sơ, không tự lo riêng thân mình mà chỉ nhớ nghĩnăm đường. Muốn tất cả chúng sanh được an lạc. Phụng trì bốn tâm bình đẳng : Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nhân ái, bố thí, thương người, làm điều lợi ích, cứu giúp mười phương. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí huệ, lục độ vô cực nhưng không có mong cầu. Ðem đủ loại để bố thí cho tất cả chúng sanh. Quán sát qua lại cùng khắp ba cõi cần khổ, gian nan, không thể tính kể. Nhớ nghĩ chúng sanh như cha nhưmẹ, như con, như thân mình. Một lòng bình đẳng không sai khác, tuôn lệ như mưa. Muốn độ thoát mọi nguy ách để đến đạo lớn.
Khi ấy, Phật nói kệ :
Phát tâm đại Vô thượng Hành từ, bi, hỷ, xả
Xót thương như hư không Bình đẳng không thân sơ
Lập đức không vì mình Chỉ vì mười phương thí
Ðộ thoát các quần sanh Ðều đến đại trí huệ.
Lại có bốn điều đạt đến đại thừa :
1- Bố thí, cung cấp cho người nghèo khổ.
2- Không phân biệt giàu nghèo, thực hành với tâm không khinh trọng.
3- Vật bố thí không mong cầu trả lại.
4- Ðem công đức này bố thí cho chúng sanh.
Phật nói kệ :
Bố thí giúp người nghèo Nói tâm không khinh trọng
Trí huệ không mong cầu Không cầu hoàn trả lại
Thương xót hết mọi loài Qua lại ở cùng khắp
Ðem công đức thí này Ðều được đến Ðại đạo.
Phật dạy trưởng giả :
– Giữ giới có bốn điều mau thành Ðại thừa :
1- Giữ miệng, phòng hộ thân tâm, không nhớ nghĩ điều trái quấy.
2- Ra, vào, đi đứng không mất lễ tiết.
3- Không nguyện ở địa vị Chuyển Luân Thánh Vương hay Phạm vương, Ðế thích.
4- Ðem cấm giới này thi ân cho chúng sanh.
Phật nói kệ :
Phòng hộ thân, khẩu, ý Tâm vững chắc như núi
Khi ra, vào, đi, đứng Chưa từng mất tiết lễ
Không nguyện sanh cõi trời Thích, Phạm, Chuyển Luân vương
Ðem việc làm chính này Bố thí khắp mọi người.
Phật dạy trưởng giả :
– Nhẫn nhục có bốn điều mau thành Ðại thừa :
1- Nếu bị ai mắng chửi thì không phân biệt đến âm thanh nào.
2- Nếu bị ai đánh đạp, coi như vô hình.
3- Nếu bị ai hủy nhục, coi như gió thổi.
4- Nếu bị ai hãm hại, thường ôm lòng thương họ.
Phật nói kệ :
Bị đánh chửi, mặc nhiên Tự xét vốn vô hình
Nếu ý có khởi dậy Tâm liền tự chánh lại
Nhan sắc hòa hợp vui Ðều cung kính mọi người
Người này được thành Phật Ba hai tướng sáng chói.
Phật dạy trưởng giả :
– Tinh tấn có bốn điều :
1- Sớm tối phụng sự chánh pháp chưa từng giải đãi.
2- Thà mất thân mạng, không vi phạm lời dạy.
3- Siêng năng phúng tụng kinh điển sâu xa, không để chán nản, mệt mỏi.
4- Muốn cứu giúp nhiều người bị nguy ách.
Phật nói kệ :
Sớm tối phụng trì pháp Chưa từng có sao lãng
Thà tự mất thân mạng Không làm trái lời dạy
Tụng tập kinh điển sâu Không để cho giãi đãi
Cứu giúp người nguy ách Không để tâm khủng hoảng.
Phật dạy trưởng giả :
– Thiền định có bốn điều :
1- Ưa thích tinh tấn tu tập một mình ở chỗ yên tĩnh.
2- Thân, khẩu, ý thanh tịnh không để rối loạn.
3- Tuy ở giữa chúng đông đảo náo loạn, nhưng thường tự định tỉnh.
4- Tâm phóng khoáng mặc nhiên không bị đắm trước nơi nào.
Phật nói kệ :
Thường tích tu tinh tấn Ở nơi chỗ vắng vẻ
Thanh tịnh thân, khẩu, ý Chưa từng để náo loạn
Giữa chúng đông ồn ào Tâm định không hoảng hốt
Nhất tâm thấy mười phương Ðạo tuệ xưng thành túc.
Phật dạy trưởng giả :
– Trí huệ có bốn điều :
1- Hiểu rõ thân là không, chỉ do bốn đại hợp thành, tan rã vốn không chủ thể.
2- Biết đưọc ba cõi đều do tâm tạo, tâm như huyễn hóa chỉ dựa vào hình thể chúng sanh mà đứng vững.
3- Hiểu rõ năm ấm vốn không có xứ sở, tùy theo đối tượng mà sanh ra các tình thức.
4- Hiểu được mười hai nhân duyên vốn không có căn nguyên, chỉ do đối đãi mà hiện ra.
Phật nói kệ :
Hiểu được thân vốn không Do bốn đại hợp thành
Mất diệt không xứ sở Từ tâm mà được sanh
Năm ấm vốn không căn Có tên do đắm trước
Mười hai duyên không mối Hiểu được tất an lạc.
Phật dạy trưởng giả :
– Trí tuệ lại có sáu điều :
1- Biết sắc như bọt nước.
2- Hiểu được thọ như bong bóng nước.
3- Tư tưởng như sóng nắng.
4- Hiểu rõ hành như cây chuối.
5- Xét kỹ thức như huyễn hóa.
6- Tâm thức như bóng, tiếng vang, vốn không, không có xứ sở.
Phật nói kệ :
Hiểu sắc như bọt nước Thọ như bong bóng nước
Tư tưởng như sóng nắng Hành động như cây chuối
Biết thức giả như huyễn Ba cõi không gì đẹp
Phân biệt không là không Vậy nên đến đại đạo.
Phật dạy trưởng giả :
– Tâm Từ có bốn điều :
1- Niệm từ khắp mười phương.
2- Như mẹ thương con.
3- Rất thương xót nhớ nghĩ.
4- Như thân không khác.
Phật nói kệ :
Niệm từ khắp mười phương Như mẹ thương con đỏ
Thường ôm lòng thương xót Như thân mình không khác.
Phật dạy trưởng giả :
– Tâm Bi có bốn điều :
1- Thương xót chúng sanh.
2- Vì họ mà rơi lệ như mưa.
3- Thân muốn chịu tộithay.
4- Ðem thân mạng cứu giúp.
Tâm Hỉ có bốn điều :
1- Nhan sắc hòa thuận.
2- Khéo nói.
3- Thuyết kinh.
4- Giải nghĩa.
Xả có bốn điều :
1- Dạy bỏ điều ác, thành tựu việc lành.
2- Khuyên dạy người qui y Tam Bảo.
3- Khiến phát đạo tâm.
4- Giáo hóa chúng sanh.
Phật nói kệ :
Thương người rơi nước mắt Thân muốn chịu tội thay
Bỏ mạng để cứu giúp Không đem lòng sân hận
Hòa nhã thuyết thiện pháp Hộ pháp phân biệt nghĩa
Bỏ ác làm điều lành Dạy quy y Tam Bảo.
Phật dạy trưởng giả :
– Có bốn pháp mau thành đạo Vô Thượng Chánh Chơn.
1- Hiểu pháp không, học điều không mong cầu.
2- Không tướng, không chỗ mong cầu.
3- Không nguyện, không mong sự tái sanh.
4- Ðối với ba đời thường bình đẳng, không có ba đời.
Phật nói kệ :
Hiểu không, không chỗ cầu Không tướng, không quả báo
Không nguyện, mong tái sanh Bình đẳng nghiệp ba đời.
Phật dạy trưởng giả :
– Có bốn pháp mau thành Phật đạo :
1- Tất cả đều vốn thanh tịnh.
2- Hiểu rõ khắp cả vạn vật đều như huyễn hóa.
3- Sanh tử đoạn diệt đều do nhân duyên.
4- Nhân duyên đó vốn cũng vô hình.
Phật nói kệ :
Tất cả vốn thanh tịnh Vạn vật như huyễn hóa
Sanh tử từ duyên sanh Nó cũng vốn vô hình.
Phật dạy trưởng giả :
– Có sáu pháp mau thành Chánh giác :
1- Thân thường hành từ bi, không oán, không kết.
2- Miệng thường dùng từ bi để diễn thuyết trí huệ sâu xa.
3- Tâm từ bi nhu hòa thương xót, nhớ nghĩ chúng sanh ở mười phương.
4- Giữ giới không vọng tưởng, mong cầu sự nghiệp đại thừa.
5- Chánh quán để thấy mười phương là không, đạo tục không hai.
6- Bố thí đầy đủ thức ăn để cứu người thân trong lúc nguy ách.
Phật nói kệ :
Thân thường hành từ tâm Chưa từng gây oán kết
Miệng nói lời thương yêu Diễn trí tuệ sâu xa
Tâm nhu hòa điều thuận Thương xót khắp mười phương
Giữ giới không vọng tưởng Chánh quán mười phương không.
Phật dạy trưởng giả :
– Có bốn điều mau thành Phật đạo :
1- Phụng trì tinh tấn không đắm trước.
2- Giáo hóa chúng sanh không dứt đạo tâm.
3- Qua lại vòng sanh tử không nhàm chán sợ hãi.
4- Ðại từ, đại bi nhưng không bỏ trí huệ phương tiện.
Phật nói kệ :
Tinh tấn không đắm trước Giáo hóa chưa từng dứt
Không nhàm chán sanh tử Không phế bỏ quyền huệ.
Phật dạy trưởng giả :
– Khai hóa chúng sanh có bốn điều :
1- Ai không tin việc sanh tử thì dùng họa phước hiện tại để ví dụ.
2- Ai không tin Tam Bảo thì trình bày đại đạo.
3- Ai mê hoặc tà kiến thì chỉ dạy ba thừa. Phật đạo chỉ độc tôn, không bạn lữ.
4- Sở hữu tam giới đều như huyễn hóa, không có chân thật chắc chắn.
Phật nói kệ :
Không tin sanh tử bày phước họa
Ai rơi tà kiến, trình đại đạo
Phật đạo độc tôn, không bạn lữ
Ba cõi đều không, như huyễn hóa.
Phật dạy trưởng giả :
– Khai hóa lại có bảy điều.
1- Ai san tham, dạy họ biết bố thí.
2- Ai phạm điều ác, khuyên họ giữ giới.
3- Ai sân hận, khuyên họ nên nhẫn nhục.
4- Ai giãi đãi, dạy họ nên tinh tấn.
5- Ai loạn tâm, dạy họ cách định tâm.
6- Ai ngu si, dạy họ trí huệ vô cực.
7- Ai không biết tùy thời, trình bày dạy bảo phương tiện quyền xảo.
Phật nói kệ :
San tham, dạy bố thí Làm ác, khuyên giữ giới
Sân nhuế, cần nhẫn nhục Giãi đãi, nên tinh tấn
Loạn tâm, bày thiền định Ngu si, dạy học hỏi
Trí tuệ độ vô cực Tùy thời phát thiện quyền.
Khi ấy, Bồ tát Tùy Thời bạch Phật :
– Bạch Thế Tôn ! Vì sao việc học có thượng, trung, hạ? Sao tất cả đều không đến Ðại thừa?
Phật dạy :
– Tâm người học, kiến thức thấy có xa gần, hiểu biết sâu cạn, ý chí có ưu liệt nên thị hiện ba thừa. Vì vốn không có ba mà giả nói là ba.
Ví như có người đại thần thông minh trí huệ, sống vì nước. Việc quan trọng trong triều vua đều cho tham dự, luận bàn việc nước, ủy thác không hoài nghi. Ðại thần đó có ba người bạn thân : 1- Thái tử; 2- Tôn quí; 3- Người thường dân.
Ðại thần xử trị việc nước có điều sơ suất, nhiều người bàn tán, vào bạch vua là quần thần có mưu đồ phản nghịch. Vua nghi ngờ hỏi các cận thần : “Nên xử tội gì?” Các quan liền đưa ra nhiều tội nặng; người nói chém đầu, người nói chặt tay, chặt chân, người nói cắt tai và mũi, móc mắt, xẻo lưỡi. Vua nghe các quan luận bàn tội nặng, liền bảo : “Không nên như vậy. Người này thông minh, sáng suốt, nhưng gặp phải lỗi nhỏ, không đáng tội như vậy, chỉ nên bắt bỏ tù”. Các quan chỉ biết phục tùng, không dám nói nữa. Vua bảo cận thần một bên : “Mau chóng xuống văn thư, bắt hắn bỏ vào trong ngục”.
Khi ấy, người bạn thân thường dân, nghe rất thương xót, muốn cứu ra khỏi ngục. Nhưng vì thế lực yếu lại không dốc lòng thành. Tuy đem y phục ăn uống cung cấp hằng ngày không thiếu thốn nhưng không thể làm cho thoát khỏi sự đánh đập tra khảo.
Người bạn tôn quí nghe được rất đau lòng liền đến chỗ cai ngục để giải thích nhưng không thoát khỏi sự đánh đập khổ sở, không nghĩ được cách gì để cứu ra khỏi ngục tù.
Thái tử nghe điều này, lấy làm tức giận cho rằng bạn thân của mình không có tội nặng, chỉ vì các quan hiềm khích nên gièm pha với vua, không đáng bỏ tù. Thái tử bèn đến chỗ vua phân trần đầy đủ gốc ngọn, cho rằng không có ý tư động phản nghịch. Cúi xin Phụ vương vì con mà xá tội tai ương này. Vua vì thương con nên mau chóng thả người kia ra khỏi tù.
Vua dụ cho thấy tướng nghiệp. Vua nước đó chính là Như Lai, thái tử ấy là trí tuệ vô cực khéo dùng phương tiện. Bồ tát mau chứng đắc pháp Vô Sanh Nhẫn, nên được quyền huệ, vượt ra ngoài địa ngục ba cõi, được thành Phật, cứu độ khắp chúng sanh. Bạn thân tôn quí gọi là thực hành tịnh giới đã xả bỏ ba đường ác nhưng không lìa ba cõi, có thể hưởng thọ phước báo nhơn thiên nhưng không đạt đạođược. Người bạn thường dân gọi là bố thí. Người này vượt thoát cõi ngạ quỉ nhưng không thoát được ách nạn ở địa ngục súc sanh.
Vì sao? Vì chủng tánh nào thì ở loại đó. Như phát tâm Vô Thượng Ðạo, phụng trì đại từ đại bi vô cực, giáo hóa tất cả, cho nên đạt đến Phật đạo. Chỉ theo đạo lớn mà không đạt được pháp nghĩa sâu xa, không hiểu rõ sự tiến lui, tự ngưng giữa đường, nên gọi là Duyên Giác. Sự khổ nạn xoay vần trong vòng sanh tử, chỉ muốn tự cứu mình, không nghĩ đến nổi khổ người khác cho nên rơi vào Thanh văn. Mỗi hạng tùy theo bổn hạnh mà được như chí nguyện.
Khi Phật thuyết Kinh này, cư sĩ Cấp Cô Ðộc với năm trăm trưởng giả đều phát tâm Vô Thượng Chánh Chơn, cả ngàn người xa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh âm nhạc không hầu, không đánh tự kêu, chim bay thú chạy đều cất tiếng hòa nhã. Ngay lúc ấy, không ai mà không hoan hỷ, tự quy y Phật.
Cư sĩ lại hỏi :
– Bạch Thế Tôn ! Người mới học đạo, nên chí tâm vào pháp gì?
Phật dạy :
– Trước tiên phải tu tập năm giới, quy y Tam Bảo.
Năm giới là gì?
1- Lòng từ bi thương xót, không giết hại.
2- Trong sạch, liêm khiết, không trộm cướp.
3- Trinh khiết, cao quí, thanh tịnh.
4- Dốc lòng tin tưởng, tự tánh hòa hợp, không dối trá.
5- Cốt đạt đến tâm chí sáng suốt, không loạn động.
Ba điều tự qui y là gì?
1- Qui y Phật, Vô Thượng Chánh Chơn.
2- Qui y Pháp bằng tâm tự chế ngự.
3- Qui y các Thánh chúng, thọ trì rộng lớn, giống như nước biển mênh mông, không gì bao đong được.
Lại có bốn pháp :
1- Dự lưu; 2- Thất lai;
3- Bất hoàn; 4- A la hán.
Duyên Giác đến Phật Vô Thượng Ðại Ðạo, được thân trời người đều do đây sanh, kế đến thực hành bốn tâm bình đẳng, bốn ân, bốn biện tài, sáu độ vô cực, đại từ, đại bi, được thành đạo lớn. Biết đời trước vô cùng, thấy rõ vô hạn, giáo huấn mười phương, đạt hết tất cả trí.
A Nan bạch Phật :
– Bạch Thế Tôn ! Kinh này gọi là kinh gì và phụng hành thế nào?
Phật dạy :
– Kinh này gọi là Giải Tục Gia. Tài nghiệp của người xuất gia tu đạo Vô Thượng Chánh Chơn có ba loại. Vậy tóm lại gọi là Diễn Ðạo Tục Nghiệp.
Phật thuyết như vậy rồi, hiền giả A Nan, cư sĩ Cấp Cô Ðộc, năm trăm cư sĩ thanh tịnh không ai mà không hoan hỷ.