Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh

Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Kinh

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch của Huyền Thanh

***

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ngự ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jeṭavaṇe’nāthapiṇḍadasyārāma) tại nước Xá Vệ (Śrāvastya) cùng với chúng Đại Tỳ Khưu gồm năm trăm người đến dự.

Bấy giờ A Nan (Ānanda) trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, bạch Phật rằng: “Đức Như Lai có kiến giải cao minh, không có việc gì chẳng xem xét, ba đời đương lai quá khứ hiện tại thảy đều thấu tỏ. Danh hiệu, tên họ của chư Phật quá khứ…Đệ Tử, Bồ Tát theo hầu nhiều ít thảy đều biết rõ. Một kiếp, trăm kiếp hoặc vô số kiếp thảy đều quán sát cũng lại như vậy. Tên họ của quốc vương, đại thần, người dân liền hay phân biệt. Như ngày nay, cõi nước hiện tại có ngần ấy thứ cũng lại biết rõ. Tương lai lâu xa, Di Lặc (Maitreya) hiện ra Chí Chân Đẳng Chính Giác (Arhate samyaksaṃbuddha: Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác), (Con) muốn nghe sự việc ấy, Đệ Tử theo hầu, cảnh Phật sung túc an vui, …trải qua bao nhiêu thời?”

Đức Phật bảo A Nan: “Ông quay trở về chỗ ngồi, lắng nghe điều Ta nói. Di Lặc hiện ra cõi nước sung túc an vui, đệ tử nhiều ít. Hãy khéo nghĩ nhớ, giữ gin trong Tâm”

Khi ấy, A Nan tuân theo Đức Phật, nhận lời dạy bảo liền quay về chỗ ngồi.

_ Lúc đó, Đức Phật bảo A Nan rằng: “Tương lai lâu xa, ở cõi nước này sẽ có Thành Quách tên là Xí Đầu, Đông Tây hai mươi Do Tuần, Nam Bắc bảy Do Tuần, đất đai tươi tốt, người dân đông nhiều, đường phố ngõ tắt được chia thành hàng lối.

Bấy giờ trong Thành có vị Long Vương (Nāga-rāja) tên là Thủy Quang, ban đêm tuôn mưa hương thơm thấm ướt, ban ngày thì lại trong sạch ôn hòa

Lúc đó trong Thành Xí Đầu có Quỷ La Sát tên là Điệp Hoa đã thực hành thuận theo Pháp, chẳng trái ngược với Chính Giáo, thường hướng đến người dân, sau khi họ nằm ngủ, trừ bỏ uế ác, các thứ bất tịnh. Thường dùng nước cốt thơm mà rưới vảy mặt đất khiến cho rất sạch sẽ thơm tho.

A Nan nên biết. Lúc đó đất Diêm Phù, Đông Tây Nam Bắc ngàn vạn Do Tuần: các núi, sông, vách đá đều tự tiêu diệt, nước của bốn biển lớn đều giảm một vạn, thời đất Diêm Phù rất ư bằng phẳng như cái gương trong sáng, nâng đỡ lúa đậu thức ăn bên trong đất Diêm Phù khiến được tươi tốt, mua bán ngay; người dân đông đúc, nhiều các châu báu. Các làng xóm sát cạnh, gà gáy nối tiếp nhau.

Thời đó, cây có hoa quả xấu, khô kiệt, uế ác cũng tự tiêu diệt. Khi ấy cây có hoa quả ngon ngọt, mùi thơm rất được ưa thích khác đều sinh từ đất

Lúc đó, thời khí ôn hòa thích hợp, bốn Thời thuận theo Tiết. Trong thân người không có 108 tai vạ. Tham dục, giận dữ, ngu si chẳng được ân cần. Tâm người quân bình đều đồng một ý. Khi gặp nhau vui thích, cùng hướng đến nhau nói lời tốt lành, một loại ngôn từ không có sai biệt như người Ưu Đan Việt ấy không có khác.

Khi ấy bên trong đất Diêm Phù, người dân lớn nhỏ đều đồng một hướng, không có sự sai biệt sang hèn. Thời đó, kẻ nam người nữ khi ý muốn đi tiêu tiểu thời mặt đất tự nhiên tách ra, xong việc thời mặt đất liền khép trở lại.

Bấy giờ bên trong đất Diêm Phù tự nhiên sinh lúa gạo cũng không có vỏ thóc bao bọc, rất ư thơm ngon, ăn vào không có tai vạ khổ đau…Vàng , bạc, châu báu, Xa Cừ, Mã Não, Trân Châu, Hổ Phách …đều rải trên mặt đất, không có người nào xem xét giữ lấy. Người dân thời đó cầm lấy vật báu này thì tự nói với nhau rằng: “Người thời xưa, do vật báu này mà gây thương tích tàn hại lẫn nhau, bị cột trói giam cầm trong ngục, chịu vô số khổ não. Như ngày nay, vật báu này chỉ đồng với gạch đá, không có người coi giữ”

Bấy giờ có vị Pháp Vương xuất hiện, tên là Nhương Khư dùng Chính Pháp cai trị cảm hóa, thành tựu bảy báu.

Bảy báu đã nói là: bánh xe báu (Luân Bảo), con voi báu (Tượng Bảo), con ngựa báu (Mã Bảo), viên ngọc báu (Châu Bảo), người nữ báu (Ngọc Nữ Bảo), vị thống lãnh quân đội báu (Điển Binh Bảo), vị bảo quản kho tàng báu (Thủ Tạng Bảo). Đây là bảy báu trấn bên trong đất Diêm Phù, chẳng cần dùng dao gậy, tự nhiên đánh bạt khiến chịu quy phục.

Này A Nan ! Như hiện nay, bốn kho tàng châu báu.

1_ Kho báu Y Bát La ở nước Kiền Đà Việt có nhiều loại châu báu, vật kỳ dị chẳng thể tính đếm.

2_ Kho tàng lớn ở nước Di Thê La cũng có nhiều châu báu

3_ Nước lớn Tu Lại Tra có kho báu lớn cũng có nhiều châu báu

4_ Nước Ba La Nại, vua Nhương Khư có kho báu lớn có nhiều loại châu báu chẳng thể tính đếm.

Bốn kho tàng lớn này tự nhiên ứng hiện, các người giữ kho tàng đều đến thưa với Đức Vua: “Nguyện xin Đại Vương đem vật của kho báu này, ban ân bố thí cho kẻ nghèo túng”. Khi ấy Đại Vương Nhương Khư được vật báu này xong, cũng lại chẳng cần xem xét giữ lấy, ý tưởng là không có tài bảo.

Thời bên trong đất Diêm Phù tự nhiên trên cây sinh ra quần áo rất mềm mại mịn màng, người lấy mặc vào như người Ư Đan Việt tự nhiên trân cây sinh ra quần áo mà không có khác.

_ Bấy giờ Đức Vua ấy có vị Đại Thần tên là Tu Phạm Ma (Subrahma) là bạn tốt của vua từ thời trẻ thơ nên Đức Vua rất yêu kính. Lại dung mạo của vị ấy đan chính, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng mập chẳng gầy, chẳng đen chẳng trắng, chẳng già chẳng trẻ.

Vị Tu Phạm Ma lúc đó có người vợ tên là Phạm Ma Việt (Brahma-pati) rất ư xinh đẹp trong hàng vương nữ, như vị Phi của Thiên Đế, miệng tỏa ra mùi thơm của hoa sen Ưu Bát (Utpaala), thân có mùi thơm Chiên Đàn (Candana) mà tám mươi bốn dáng vẻ của các người phụ nữ vĩnh viễn không thể có, cũng không có bệnh tật, niệm loạn tưởng.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc ở trên Trời Đâu Suất (Tuṣiṭa) quán sát cha mẹ chẳng già chẳng trẻ, liền giáng Thần xuống, ứng theo hông bên phải sinh ra, như Ta ngày nay sinh ra từ bên phải, không có khác. Bồ Tát Di Lặc cũng lại như thế.

Chư Thiên cõi Đâu Suất, mỗi mỗi đều xướng lệnh: “Bồ Tát Di Lặc đã giáng Thần sinh ra”. Lúc đó Tu Phạm Ma liền đặt tên cho con là Di Lặc (Maitreya). Bồ Tát Di Lặc có 32 tướng 80 vẻ đẹp trang nghiêm, thân của Ngài có màu vàng chói

Thời ấy, con người sống rất lâu dài, không có các tai vẹ, đều thọ đến tám vạn bốn ngàn tuổi, người nữ đến 500 tuổi mới lấy chồng.

Bấy giờ, Di Lặc ở tại nhà chưa trải qua bao nhiêu thời, liền xuất gia học Đạo.

Khi ấy cách thành Xí Đầu chẳng xa, có cây Đạo tên là Long Hoa (Nāga-puṣpa) cao một Do Tuần, rộng năm trăm Bộ. Thời Bồ Tát Di Lặc ngồi dưới cái cây ấy, thành Đạo Quả vô thượng.

Ngay lúc nửa đêm ấy, Di Lặc xuất gia. Tức ở đêm ấy thành Đạo vô thượng (Agra-mārga). Thời ba ngàn Đại Thiên cõi nước chấn động theo sáu cách, mỗi mỗi vị Thần đất (Địa Thần) đều cùng nhau tuyên cáo rằng: “Lúc này, Di Lặc đã thành Phật” chuyển đến cung của bốn vị Thiên Vương: “Di Lặc đã thành Phật Đạo”, mỗi mỗi chuyển nghe thấu đến ba mươi ba cõi Trời (Trayastriṃśa: Tam Thập Tam Thiên), cõi Diễm Thiên (Yama: Diêm Ma Thiên), cõi Trời Đâu Suất (Tuṣiṭa), cõi Trời Hóa Tự Tại (Nirmāṇa-rati), cõi Trời Tha Hóa Tự Tại (Para-nirmita-vaśa-vartin) …Tiếng vang triển chuyển đến cõi Phạm Thiên (Brahma): “Di Lặc đã thành Phật Đạo”.

Lúc đó Ma Vương (Māra-rāja) tên là Đại Tướng dùng Pháp trị hoá, nghe tiếng vang dội của tên Như Lai thì vui mừng hớn hở, chẳng thể tự kềm chế mình được, bảy ngày bảy đêm chẳng nhắm mắt, chẳng buồn ngủ.

Khi ấy Ma Vương đem vô số Trời Người của cõi Dục (Kāma-dhātu: Dục Giới) đến chỗ của Đức Di Lặc, cung kính lễ bái.

Di Lặc Thánh Tôn cùng với các Trời Người lần lượt nói Luận vi diệu của Pháp. Luận đã nói là Thí Luận (Luận về Bố Thí), Giới Luận (Luận về Trì Giới), Sinh Thiên Luận (Luận sinh về cõi Trời), sự vi diệu cần thiết phát ra từ Tưởng Dục Bất Tịnh (sự chẳng trong sạch của việc ham muốn)

Bấy giờ Đức Di Lặc thấy các người dân đã phát Tâm vui vẻ. Pháp mà các Đức Thế Tôn đã thường nói: Khổ (Duḥkha-satya: Khổ Đế), Tập (Samudaya-satya: Tập Đế), Tận (Nirodha-satya: Diệt Đế), Đạo (Mārga-satya: Đạo Đế) đem trao hết cho các Trời Người, rộng phân biệt nghĩa ấy.

Lúc đó , tám vạn bốn ngàn vị Thiên Tử (Deva-putra) trên Tòa dứt hết cả bụi dơ, được sự trong sạch của con mắt Pháp (Dharma-cakṣu: Pháp nhãn)

_ Khi ấy Ma Vương Đại Tướng bảo mọi người dân của cõi ấy rằng: “Các ngươi mau xuất gia. Tại sao thế ? Vì ngày nay Đức Di Lặc đã vượt qua bờ bên kia, cũng sẽ độ cho các ngươi, khiến đến bờ bên kia”

Bấy giờ trong thành Xí Đầu có vị Trưởng Giả tên là Thiện Tài (Sudhana) nghe giáo lệnh của Ma Vương, lại nghe âm vang dội của Đức Phật, liền đem tám vạn bốn ngàn Chúng đến chỗ của Đức Di Lặc, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Ngài rồi ngồi ở một bên.

Khi ấy Đức Di Lặc lần lượt cùng nhau nói Luận vi diệu của Pháp. Luận đã nói là Thí Luận (Luận về Bố Thí), Giới Luận (Luận về Trì Giới), Sinh Thiên Luận (Luận sinh về cõi Trời), sự vi diệu cần thiết phát ra từ Tưởng Dục Bất Tịnh (sự chẳng trong sạch của việc ham muốn).

Lúc đó Đức Di Lặc thấy các người dân, Tâm mở, Ý hiểu. Như Pháp mà các Đức Thế Tôn đã thường nói: Khổ (Khổ Đế), Tập (Tập Đế), Tận (Diệt Đế), Đạo (Đạo Đế) đem trao cho các Trời Người, rộng phân biệt nghĩa.

Khi ấy, tám vạn bốn ngàn Trời Người trên Tòa dứt hết cả bụi dơ, được sự trong sạch của con mắt Pháp (Dharma-cakṣu: Pháp Nhãn)

Bấy giờ Thiện Tài cùng với tám vạn bốn ngàn người, liền ở trước mặt bạch Phật cầu xin xuất gia, khéo tu Phạm Hạnh (Brahma-caryā), tận thành Đạo A La Hán (Arhat-mārga)

Khi ấy, hội đầu tiên của Đức Di Lặc có tám vạn bốn ngàn người đắc A La Hán (Arhat)

_ Lúc đó vua Nhương Khư nghe Đức Di Lặc đã thành Phật Đạo, liền đi đến chỗ của Đức Phật, muốn được nghe Pháp. Thời Di Lặc vì nhà vua nói Pháp: Chặng đầu tốt lành, chặng giữa tốt lành, chặng cuối tốt lành với nghĩa lý thâm thúy.

Bấy giờ Đại Vương lại ở lúc khác, lập Thái Tử làm vua, ban châu báu cho vị thầy cạo tóc, lại đem mọi loại báu cho các vị Phạm Chí (Brāhmaṇa), đem tám vạn bốn ngàn Chúng đi đến chỗ của Đức Phật, cầu làm Sa Môn (śramaṇa), tận thành Đạo Quả, đắc A La Hán.

Khi ấy Đại Trưởng Giả Tu Phạm Ma nghe Đức Di Lặc đã thành Phật Đạo, liền đem tám vạn bốn ngàn Chúng Phạm Chí đến chỗ của Đức Phật, cầu làm Sa Môn, đắc A La Hán. Chỉ có một mình Tu Phạm Ma chặt đứt ba Kết Sử, dứt hết bờ mé đau khổ.

Lúc đó Phật Mẫu Phạm Ma Việt lại đem tám vạn bốn ngàn chúng Cung Nữ đi đến chỗ của Đức Phật, cầu làm Sa Môn. Bấy giờ hết thảy các Cung Nữ đều đắc A La Hán, chỉ có một mình Phạm Ma Việt chặt đứt ba Kiết Sử thành Tu Đà Hoàn (Srota-āpanna)

Khi ấy các phụ nữ Sát Lợi nghe Đức Phật Di Lặc hiện ra ở Thế Gian, thành Đẳng Chính Giác…số đến ngàn vạn Chúng đi đến chỗ của Đức Phật, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Ngài rồi ngồi một bên, mỗi mỗi đều sinh Tâm cầu làm Sa Môn, xuất gia học Đạo. Hoặc có người vượt cấp Thủ Chứng (chứng nhận quả vị), hoặc có người chẳng nhận Thủ Chứng

Này A Nan ! Bấy giờ người chẳng vượt cấp Thủ Chứng, hết thảy đều là người phụng kính Pháp, suy tính chán ghét tất cả Thế Gian, tu Tưởng chẳng thể yêu thích (Bất Lạc Tưởng).

Khi ấy Đức Di Lặc đang nói Giáo của Ba Thừa như Ta ngày nay, trong hàng Đệ Tử thời ông Đại Ca Diếp (Mahā-kāśyāpa) thực hành 12 Đầu Đà (Dhūta), ở chỗ của chư Phật quá khứ, khéo tu Phạm Hạnh. Đây là nguyên nhân sẽ trợ giúp cho Di Lặc khuyến hóa người dân.

_ Lúc đó, Ca Diếp cách Đức Như Lai chẳng xa, ngồi Kiết Già, ngay thẳng Thân, Ý chính đúng, cột buộc niệm ngay trước mặt.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ca Diếp rằng: “Nay Ta tuổi đã hơn 80, sức khỏe đã suy kém. Song Nay Như Lai có bốn vị Đại Thanh Văn chịu nhận đi du hóa, Trí Tuệ không tận, đầy đủ mọi Đức. Thế nào là bốn ? Ấy là Tỳ Khưu Đại Ca Diếp (Mahā-kāśyāpa), Tỳ Khưu Đồ Bát Thán, Tỳ Khưu Tân Đầu Lô (Piṇḍola-bhāradvāja), Tỳ Khưu La Vân (Rāhula). Các ông, bốn vị Đại Thanh Văn yêu cầu chẳng vào Niết Bàn, đợi Pháp của Ta tận hết, sau đó sẽ vào Niết Bàn. Đại Ca Diếp cũng chẳng nên vào Niết Bàn, yêu cầu chờ đến khi Đức Di Lặc hiện ra ở Thế Gian. Sao lại như thế ? Vì Đệ Tử mà Đức Di Lặc đã hóa độ, hết thảy là Đệ Tử của Thích Ca Văn. Do Ta hóa độ còn sót lại, được dứt hết Hữu Lậu

Trong thôn Tỳ Đề thuộc cõi nước Ma Kiệt, Đại Ca Diếp trụ ở trong núi ấy. Khi Đức Di Lặc Như Lai đem vô số chúng Trời Người trước sau vây quanh, đi đến trong

núi này , rồi thì nương nhờ ân của Đức Phật, các Quỷ Thần sẽ cho mở cửa, khiến được nhìn thấy Ca Diếp đang Thiền trong hang

Khi ấy Đức Di Lặc duỗi bàn tay phải chỉ vào Ca Diếp rồi bảo các người dân: “Đây là Đệ Tử của Đức Thích Ca Văn ở thời quá khứ lâu xa, tên là Ca Diếp. Ngày nay, hiện đang thực hành Đầu Đà Khổ Hạnh tối vi bậc nhất”

Lúc đó, các người thấy việc này xong, khen chưa từng có. Vô số trăm ngàn chúng sinh dứt hết các bụi dơ, được sự trong sạch của con mắt Pháp.

Hoặc lại có chúng sinh nhìn thấy thân của Ca Diếp xong. Đây gọi là Hội đầu tiên, chín mươi sáu ức người đều đắc A La Hán. Người của nhóm này đều là Đệ Tử của Ta. Sở dĩ như thế, vì đều do thọ nhận sự dạy dỗ của Ta mà được đến chốn này vậy.

Này A Nan ! Bấy giờ Đức Di Lặc Như Lai sẽ lấy Tăng Già Lê của Ca Diếp đang mặc. Lúc đó thân thể của Ca Diếp đột nhiên phân tán.

Khi ấy Đức Di Lặc lại lấy mọi loại hương hoa, cúng dường Ca Diếp. Sao lại như thế ? Vì chư Phật có Tâm cung kính Chính Pháp. Đức Di Lặc cũng do ở chỗ của Ta, thọ nhận sự hóa độ Chính Pháp, mà được thành Đạo Chính Chân Vô Thượng

_ A Nan nên biết, khi Hội thứ hai của Đức Di Lặc thời có chín mươi bốn ức người đều là A La Hán, cũng lại là Đệ Tử do Ta dạy bảo còn sót lại, thực hành bốn việc cúng dường mà được đến chốn này vậy.

_ Lại Hội thứ ba của Đức Di Lặc, có chín mươi hai ức người đều là A La Hán, cũng lại là Đệ Tử do Ta dạy bảo còn sót lại.

Bấy giờ Tính Hiệu của Tỳ Khưu đều gọi là Từ Thị Đệ Tử, như Ta ngày nay, các vị Thanh Văn đều xưng là Thích Ca Đệ Tử.

_ Lúc đó Đức Di Lặc cùng với các Đệ Tử nói Pháp: “Tỳ Khưu các ông nên suy nghĩ:

_ Tưởng mọi sự không có thường (Vô thường chi tưởng)

_ Tưởng trong sự yêu thích có sự khổ đau (Lạc hữu khổ tưởng)

_ Tưởng lo toan cái Ta, không có cái Ta (Kế ngã vô ngã tưởng)

_ Tưởng trong cái Thật có sự trống rỗng (thật hữu không tưởng)

_ Tưởng hình sắc biến đổi (Sắc biến chi tưởng)

_ Tưởng máu ứ đọng màu xanh (Thanh ứ chi tưởng)

_ Tưởng bụng sưng phù lên (Phúc trướng chi tưởng)

_ Tưởng ăn chẳng tiêu (thực bất tiêu tưởng)

_ Tưởng máu mủ (nùng huyết tưởng)

_ Tưởng tất cả Thế Gian chẳng thể yêu thích (nhất thiết Thế Gian bất khả lạc tưởng)

Sở dĩ như thế! Tỳ Khưu nên biết mười Tưởng này đều là Đức Phật Thích Ca Văn thời quá khứ đã cùng với các ông nói, khiến cho được dứt hết Tâm Hữu Lậu, được giải thoát.

Như trong Chúng này, Đệ Tử của Đức Phật Thích Ca Văn ở thời quá khứ tu hành Phạm Hạnh (Brahma-caryā) ắt đi đến chỗ của Ta

Hoặc lại ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn cúng dường Tam Bảo (Tri-ratna), ắt đi đến chỗ của Ta

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn trong khoảng búng ngón tay, tu hành gốc Thiện ắt đi đến chốn này.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn thực hành Tâm của bốn nhóm, ắt đi đến chốn này.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn thọ trì ba Pháp Tự Quy ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn, dựng chùa miếu Thần, ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn sửa chữa tu bổ chùa cổ xưa, ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn thọ Pháp tám Quan Trai ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn dùng hương hoa cúng dường, ắt đi đến chốn này.

Hoặc lại ở chỗ ấy, nghe Pháp rồi buồn khóc rơi nước mắt, ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc ở chỗ của Đức Phật Thích Ca Văn chuyên Ý nghe nhận Pháp, ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc lại suốt đời khéo tu Phạm Hạnh, ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc lại có viết chép, đọc tụng, ắt đi đến chỗ của Ta.

Hoặc lại phụng sự cúng dường, ắt đi đến chỗ của Ta.

_ Lúc đó Di Lặc liền nói Kệ này:

“Đức nghe Giới tăng ích

Thiền với suy nghĩ Nghiệp

Khéo tu nơi Phạm Hạnh

Ắt đến chỗ của Ta

_Khuyên Thí (bố thí), phát Tâm vui

Tu hành cội nguồn Tâm (tâm nguyên bản)

Ý không tưởng nhiều loại

Đều đến chỗ của Ta

_ Hoặc phát Tâm bình đẳng

Phụng sự nơi chư Phật

Tăng cơm cho chúng Thánh

Đều đến chỗ của Ta

_ Hoặc tụng Giới, Khế Kinh

Khéo tập, nói cho người

Sáng tỏ nơi gốc Pháp

Nay đến chỗ của Ta

_ Giòng Thích khéo hóa độ

Cúng dường các Xá Lợi

Phụng sự Pháp, cúng dường

Nay đến chỗ của Ta

_ Nếu có viết chép Kinh

Tuyên bày ở trên lụa

Người có cúng dường Kinh

Đều đến chỗ của Ta

_ Lụa là với các vật

Cúng dường chùa miếu Thần

Tự xưng nam mô Phật

Đều đến chỗ của Ta

_ Cúng dường nơi hiện tại

Chư Phật thời quá khứ

Thiền Định, Chính Bình Đẳng

Cũng không có thêm bớt

Thế nên ở Phật Pháp

Phụng sự nơi chúng Thánh

Chuyên Tâm thờ Tam Bảo

Ắt đến chốn Vô Vi”

A Nan nên biết Đức Di Lặc Như Lai ở ngay trong Chúng ấy, tuyên nói Kệ này

Bấy giờ trong Chúng ấy, chư Thiên, người dân suy nghĩ mười Tưởng này thời mười một Cai (110 triệu) người dứt hết các bụi dơ, được sự trong sạch của con mắt Pháp.

Chúng Tăng trong một ngàn năm của Đức Di Lặc Như Lai, không có vết dơ. Lúc đó luôn dùng một bài Kệ dùng làm Cấm Giới

“Miệng, ý chẳng làm ác

Thân cũng không chỗ phạm

Nên trừ ba Hành này

Mau thoát cửa sinh tử”

Qua một ngàn năm sau, sẽ có người phạm Giới, bèn dựng lập Giới lại

Đức Di Lặc Như Lai sẽ sống đến tám vạn bốn ngàn tuổi, sau khi vào Niết Bàn, Pháp để lại tồn tại tám vạn bốn ngàn năm. Sao lại như thế ? Vì chúng sinh thời ấy đều là hàng Lợi Căn. Trong số đó có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn được thấy Đức Di Lặc với chúng Thanh Văn trong ba Hội, kèm với thành Xí Đầu và nhìn thấy vua Nhương Khư với châu báu của bốn kho tàng lớn, muốn ăn lúa gạo tự nhiên và mặc quần áo tự nhiên, thân hoại mệnh chung sinh lên trên Trời…thì kẻ trai lành, người nữ thiện ấy nên siêng năng tinh tiến, không có sinh việc lười biếng, cũng nên cúng dường phụng sự các vị Pháp Sư, dùng hoa đẹp tốt, đâm giã hương, mọi loại cúng dường, không để cho sót mất.

Như vậy A Nan nên làm theo sự học đó.

_ Bấy giờ A Nan với các Đại Hội nghe điều Đức Phật đã nói, đều vui vẻ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tất Đàm Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện - Kinh Tạng
  • Kinh Bốn Pháp Của Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bí Mật Bồ Tát Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Cát Tường Bồ Tát Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Sanh Tử - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Thanh Quy Của Ngài Bách Trượng - Kinh Tạng
  • Kinh Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Chuyển Pháp Luân - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Tối Thắng Danh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Hiền Mạn Noa La - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Đế Thích Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Pháp Bồ Tát Quán Tự Tại Đại Bi Trí ấn Chu Biến Pháp Giới Lợi Ích Chúng Sanh Huân Chơn Như - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phổ Hiền Sở Thuyết - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng