1
2
3

QUYỂN 2

Chương V. Văn -Thù -Sư- Lợi Thăm Bệnh

Lúc ấy, Phật nói với Văn-thù-sư-lợi[2]:

“Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.”

Văn-thù đáp:

“Bạch Thế Tôn, với bậc Thượng nhân ấy, không dễ đối đáp. Vì ông đã thâm nhập thật tướng, thuyết giảng tài tình các yếu nghĩa của Phật Pháp. Tài biện thuyết của ông thông suốt, trí tuệ của ông vô ngại. Ông biết rõ Bồ tát đạo vì đã bước vào kho tàng huyền nhiệm của chư Phật. Ông đã hàng phục mọi tà ma; du hý thần thông,[3] trí tuệ và phương tiện đều sở đắc vẹn toàn.[4] Tuy vậy con sẽ vâng Thánh chỉ đến thăm bệnh ông.”

Bấy giờ, trong chúng, các vị Bồ tát, đại đệ tử của Phật; Đế Thích, Phạm thiên, cùng bốn vị Thiên vương, thảy đều tự nghĩ: “Nay hai vị Đại sỹ Văn-thù và Duy-ma-cật gặp nhau, ắt sẽ nói Pháp vi diệu.” Cho nên tám ngàn Bồ tát, năm trăm Thanh-văn và hàng trăm ngàn thiên vương đều muốn đi theo Văn-thù-sư-lợi.

Vậy là Văn-thù-sư-lợi được chư Bồ tát, đệ tử Phật, hàng trăm nghìn trời và người đều muốn đi theo. Rồi thì, Văn-thù-sư-lợi cùng với đoàn tùy tùng cung kính vây quanh gồm các Bồ-tát, chúng Đại Đệ tử, và các trời, người, cùng vào thành lớn Tỳ-da-li.

Lúc bấy giờ, Trưởng giả Duy-ma-cật tâm niệm: “Văn-thù-sư-lợi và đoàn tùy tùng đang đến.” Ông bèn dùng thần lực khiến cho nội thất trống rỗng. Tất cả đồ đạc cho đến gia nhân đều mất hết. Chỉ đặt mỗi cái giường bệnh để nằm mà thôi.

Văn-thù-sư-lợi đi vào nhà, thấy căn nhà trống không, không có gì cả, chỉ một mình Duy-ma-cật nằm trên giường bệnh.

Duy-ma-cật nói:

“Xin chào ngài Văn-thù-sư-lợi. Ngài bằng tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy[5].”

Văn-thù-sư-lợi đáp:

“Thật như vậy, Cư sĩ, nếu đã đến thì không còn đến nữa. Nếu đã đi thì không còn đi nữa.[6] Vì sao? Đến, không từ đâu đến. Đi, không đi đến đâu.[7] Cái đã có thể bị thấy thì không còn bị thấy nữa. Nhưng hãy gác việc này qua một bên. Cư sỹ, bệnh của ông, có kham nỗi không? Việc điều trị thế nào, có thuyên giảm chứ không tăng phải không? Thế Tôn ân cần gởi lời hỏi thăm vô lượng.[8] Cư sĩ, vì sao ông mắc bệnh? đã lâu chưa? chừng nào sẽ hết?”

Duy-ma-cật đáp:

“Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi.[9] Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ tát, vì chúng sinh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sinh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như, vị trưởng giả chỉ có đứa con một; khi người con ấy bị bệnh, cha mẹ nó cũng bị bệnh. Nếu nó bình phục, cha mẹ nó khỏe. Cũng vậy, Bồ tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ tát khỏe! Câu hỏi tiếp theo là, bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh? Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi: “Sao thất này trống không và chẳng có người hầu?”[10]

Duy-ma-cật đáp: “Quốc độ của chư Phật nào mà chẳng trống không.”

Lại hỏi: “Quốc độ của chư Phật do cái gì mà không ?”[11]

Lại đáp: “Vì không nên không.”[12]

Lại hỏi: “Đã Không, cần gì Không nữa?”[13]

Lại đáp: “Vì vô phân biệt Không, cho nên Không.”[14]

Lại hỏi: “Không,[15] có thể phân biệt ư ?”

Lại đáp: “Mọi phân biệt cũng không.”

Lại hỏi: “Phải tìm Không ở đâu?”

Lại đáp: “Phải tìm trong sáu mươi hai kiến chấp.”[16]

Lại hỏi: “Sáu mươi hai kiến chấp phải tìm ở đâu?”

Lại đáp: “Nên tìm trong giải thoát của chư Phật.”

Lại hỏi: “Tìm sự giải thoát của chư Phật ở đâu?”

Lại đáp: “Nên tìm trong tâm hành của hết thảy chúng sinh.”

Và ông tiếp: “Ngài có hỏi sao tôi chẳng có gia nhân. Vâng, thì bọn Ma và các Ngoại đạo là gia nhân của tôi. Vì sao? Vì bọn Ma ưa sinh tử mà Bồ tát chẳng xả bỏ sinh tử. Ngoại đạo ham kiến chấp mà Bồ tát bất động[17] trong mọi kiến chấp.”

Lại hỏi: “Bệnh của cư sĩ thuộc tướng gì?”

Lại đáp: “Bệnh tôi vô hình, không thể thấy.”[18]

Lại hỏi: “Bệnh này hiệp với thân hay hiệp với tâm?”[19]

Lại đáp: “Nó không phải thân hiệp vì nằm ngoài thân. Cũng không phải tâm hiệp vì tâm vốn như huyễn.[20]”

Lại hỏi: “Trong bốn đại[21], đất, nước, lửa, gió, bệnh thuộc đại nào ?”

Lại đáp: “Bệnh ấy không phải địa đại cũng không lìa địa đại. Thuỷ, hỏa, phong đại cũng vậy. Nhưng bệnh của chúng sinh phát sinh từ bốn đại. Vì chúng sinh ấy có bệnh, nên tôi bệnh.”

Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi hỏi Duy-ma-cật[22]: “Bồ tát nên vấn an một Bồ tát đang thọ bệnh như thế nào?”

Duy-ma-cật nói: “Nói về sự vô thường của thân mà chớ nói ghê tởm và từ bỏ thân. Nên nói về thân khổ đau mà không nói Niết- bàn an lạc. Nói về vô ngã của thân mà vẫn nói về sự giảng dạy và hướng dẫn chúng sinh[23]. Nói về thân không tịch mà không nói rốt ráo tịch diệt. Nói về sám hối tội lỗi trong quá khứ nhưng không nói nhập vào quá khứ.[24] Vì đã bệnh nên thương cảm người đang mắc bệnh kia. Biết rằng mình đã chịu đau khổ từ vô lượng quá khứ; mà làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nên nghĩ nhờ phước mà mình đã tu mà suy niệm về mạng thanh tịnh.[25] Chớ sinh buồn phiền bức rức, mà hãy thường xuyên phát khởi tinh tấn. Nên hành động như bậc y vương để cứu chữa bệnh người. Bồ tát nên an ủi một Bồ tát đang bệnh như vậy để khiến cho hoan hỷ.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi: “Làm sao Bồ tát đang bệnh chế ngự được tâm mình?”

Duy-ma-cật đáp: “Bồ tát đang bệnh nên nghĩ rằng: bệnh này đến từ những phiền não và vọng tưởng điên đảo của nhiều đời trước.[26] Không có pháp nào là thật, vậy thì ai đang thọ bịnh? Tại sao vậy? Do bốn đại hoà hợp mà giả danh là thân. Bốn đại vô chủ, thân cũng vô ngã. Vả chăng, bệnh khởi đều do bám chấp tự ngã.[27] Vì vậy không nên bám chấp tự ngã này.[28]

“Khi đã tỏ tường nguồn căn của bệnh, Bồ tát liền loại trừ tưởng về ngã và tưởng về chúng sinh, và tưởng;[29] về pháp sẽ hiện khởi.[30] Bồ tát nên nghĩ như vầy: ‹Thân được hợp thành do bởi nhiều pháp. Khởi, chỉ là sự sinh khởi của pháp. Diệt, chỉ là sự huỷ diệt của pháp.› Vả lại, các pháp này không nhận biết lẫn nhau. Khi sinh khởi, nó không nói, ‹Ta khởi.› Khi diệt, nó không nói, ‹Ta diệt.› Để diệt trừ tưởng về pháp này, Bồ tát đang bệnh nên nghĩ: ‹Tưởng về pháp này cũng là một thứ đảo điên. Cái gì điên đảo, cái đó là đại hoạn. Ta phải rời xa nó.›[31] Thế nào là rời xa? Rời xa ngã và ngã sở. Rời xa ngã và ngã sở nghĩa là sao? Rời xa pháp hai.[32] Pháp hai nghĩa là sao? Là không nghĩ đến pháp trong thân lẫn pháp ngoài thân,[33] mà hành nơi bình đẳng.[34] Bình đẳng là gì? Đông đẳng ngã, đồng đẳng Niết-bàn.[35] Tại sao như vậy? Vì ngã và niết-bàn đều không. Tại sao cả hai đều không? Vì chỉ là danh tự, cho nên là không. Hai pháp này như vậy không có quyết định tính.[36]

“Đạt được tính bình đẳng này rồi thì không còn bịnh nào khác ngoại trừ còn có cái bịnh của không. Cái bịnh của không cũng là không.

“Bồ tát đang bịnh ấy tiếp thọ các cảm thọ[37] bằng vô sở thọ. Tuy chưa thành tựu Phật pháp, nhưng vẫn có thể chứng nghiệm mà không cần diệt tận thọ.

“Biết thân là đối tượng của khổ đau, ông nên nghĩ đến chúng sinh ở những cõi thấp kém hơn mà khởi lòng đại bi, rằng ‹Ta đã được điều trị.[38] Ta cũng sẽ điều trị hết thảy chúng sinh. Chỉ trừ bịnh chứ không trừ pháp.[39] Chỉ dẫn chúng cắt đứt gốc rễ bịnh. Gốc rễ của bệnh là gì? Đó là có vin níu.[40] Từ chỗ có vin níu mà phát sinh gốc rễ của bịnh. Vin níu vào cái gì? Đó là ba cõi. Thế nào là cắt đứt[41] sự vin níu? Bằng vô sở đắc. Nếu là vô sở đắc, thì không có sự vin níu. Cái gì là vô sở đắc? Là rời xa hai kiến. Hai kiến là gì? Nội kiến, và ngoại kiến. Đó là vô sở đắc.[42]

“Văn-thù-sư-lợi, đó là cách Bồ tát đang bịnh chế ngự tâm mình. Vì để cắt đứt cái khổ già, bịnh, chết, là bồ-đề của Bồ tát. Không làm được điều này thì sự tu trì của ông không có sự sắc bén của tuệ.[43] Cũng như, thắng kẻ địch mới gọi là dũng; cũng vậy, dứt trừ cùng lúc già, bịnh, chết, ấy mới là Bồ tát.

“Bồ tát đang bịnh lại nên suy ngẫm: ‹Bịnh ta không thực cũng không tự hữu. Bịnh của hết thảy chúng sinh cũng không thực và không tự hữu.› Nhưng khi quán như vậy, đối với các chúng sinh mà khởi đại bi từ ái kiến,[44] thì nên xả ly ngay. Vì sao vậy? Vì Bồ tát đoạn trừ khách trần phiền não[45] mà khởi đại bi. Bi do ái kiến tức là có tâm mệt mỏi nhàm chán sinh tử. Xả ly được điều đó mới không có sự mệt mỏi chán chường, để dù tái sinh ở đâu cũng không còn bị ái kiến che lấp. Tái sinh ở đâu, đều không bị trói buộc để có thể giảng Pháp và cởi trói cho hết thảy chúng sinh. Như đức Phật đã nói: ‹Không thể có việc tự mình bị trói mà có thể cởi trói cho người. Chỉ khi tự mình không bị trói, khi ấy mới có thể cởi trói cho người.›

“Cho nên, Bồ tát chớ tự trói buộc mình. Thế nào là trói buộc? Thế nào là cởi mở? Tham đắm vị ngọt của thiền là trói buộc của Bồ tát. Bằng phương tiện mà tái sinh,[46] đó là Bồ tát cởi trói. Lại nữa, không có phương tiện huệ[47] là trói buộc; có phương tiện huệ là cởi trói. Không có huệ phương tiện[48] là trói buộc; có huệ phương tiện là cởi trói.

“Không có phương tiện huệ[49] là trói buộc, nghĩa là thế nào ? Đó là với tâm ái kiến mà Bồ tát trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh; tự điều phục mình trong pháp không, vô tướng và vô tác.[50] Như vậy gọi không có phương tiện huệ là trói buộc.

“Có phương tiện huệ là cởi trói, là nghĩa thế nào? Đó là không đem tâm ái kiến mà trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh; tự điều phục mình trong pháp không, vô tướng và vô tác mà không mệt mỏi chán chường. Đó gọi là có phương tiện huệ là cỏi trói.

“Không có tuệ phương tiện là trói buộc, là nghĩa thế nào? Bồ tát trụ tham dục, sân nhuế, tà kiến, các thứ phiền não, mà vun trồng gốc rễ các công đức. Đó gọi là không có tuệ phương tiện là trói buộc.

“Có tuệ phương tiện là cởi trói, là nghĩa thế nào? Bồ tát đã xa lìa tham dục, sân nhuế, tà kiến, các thứ phiền não, mà vun trồng gốc rễ các công đức, rồi hồi hướng đến a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề. Đó gọi là có tuệ phương tiện là cởi trói.

“Văn-thù-sư-lợi, Bồ tát bệnh nên quán các pháp như vậy. Rồi lại quán thêm nữa. Quán thân này[51] vô thường, khổ, không, phi ngã; đó gọi là tuệ. Mà dù thân đang bệnh ông vẫn ở lại cõi sinh tử vì lợi ích của chúng sinh, không thấy mệt mỏi; đó gọi là phương tiện.

“Rồi lại quán thân. Thân không lìa bịnh, bệnh không lìa thân. Ấy là bệnh, ấy cũng là thân; không phải mới, không phải cũ. Đó gọi là tuệ.[52] Giả sử thân mang bệnh, mà không cần dứt trừ nó vĩnh viễn. Đó gọi là phương tiện.

“Văn-thù-sư-lợi, Bồ tát bệnh nên chế ngự tâm mình như vậy. Không trụ trong đó; cũng không trụ nơi tâm không được chế ngự. Vì sao vậy? Vì trụ ở tâm không được chế ngự, là pháp của người ngu. Nếu trụ nơi tâm đã được chế ngự, đó là pháp của Thanh văn. Vì vậy Bồ tát chẳng trụ ở tâm được chế ngự hay không được chế ngự. Xa lìa cả hai; đó là hành của Bồ tát. Khi ở sinh tử vẫn không hành ô uế;[53] trụ nơi Niết-bàn mà không vĩnh viễn diệt độ; đó là hành của Bồ tát. Không theo hạnh phàm phu cũng không phải hạnh Hiền Thánh; đó là hành của Bồ tát. Hạnh không nhơ cũng không tịnh; đó là hành của Bồ tát. Dù siêu quá hành của Ma, vẫn thị hiện để khuất phục bầy Ma;[54] đó là hành của Bồ tát. Cầu nhất thiết trí [55] nhưng không cầu phi thời;[56] đó là hành của Bồ tát.[57] Tuy quán các pháp bất sanh, vẫn không vào chánh vị;[58] đó là Bồ tát hạnh. Dù quán mười hai duyên khởi, vẫn hội nhập mọi tà kiến;[59] đó là hành của Bồ tát. Dù che chở hết thảy chúng sinh, vẫn không hệ luỵ bởi ái; đó là hành của Bồ tát. Tuy vui với sự viễn ly,[60] mà không y tựa vào sự diệt tận của thân và tâm; đó là hành của Bồ tát. Dù đi qua ba cõi vẫn không hư hoại pháp tánh;[61] đó là hành của Bồ tát. Dù hành nơi Không, vẫn gieo trồng mọi công đức; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành vô tướng vẫn cứu độ chúng sinh; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành vô tác vẫn thị hiện thọ thân;[62] đó là hành của Bồ tát. Tuy hành vô khởi[63] vẫn khởi làm các hạnh thiện; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành trì sáu hạnh Ba-la-mật vẫn biến tri tâm và tâm sở pháp của chúng sinh;[64] đó là hành của Bồ tát. Tuy hành sáu thần thông mà không đoạn tận các lậu; đó là Bồ tát hạnh. Dù hành bốn vô lượng tâm, vẫn không tham đắm cầu tái sinh cung trời Phạm thiên;[65] đó là hành của Bồ tát. Dù hành trì thiền định, giải thoát và tam muội, mà không tùy thiền mà tái sinh;[66] đó là hành của Bồ tát. Dù hành trì bốn niệm xứ, mà không hoàn toàn rốt ráo xa lìa thân, thọ, tâm, pháp; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành trì bốn chánh cần mà không xả thân tâm tinh tấn;[67] đó là hành của Bồ tát. Tuy hành trì bốn như ý túc, mà đạt tự tại thần thông; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành năm căn mà phân biệt căn tánh nhạy bén hay trì độn của hết thảy chúng sinh; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành năm lực vẫn phấn đấu thành tựu mười lực, vô úy của Phật; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành bảy giác phần mà phân biệt trí tuệ của Phật;[68] đó là hành của Bồ tát. Dù hành tám chánh đạo vẫn thích đi trên Phật đạo vô biên; đó là Bồ tát hạnh. Dù hành pháp trợ đạo Chỉ và Quán mà rốt ráo không rơi vào tịch diệt; đó là hành của Bồ tát. Dù hành các pháp bất sinh bất diệt vẫn trang điểm tự thân bằng các tướng hảo; đó là hành của Bồ tát. Dù thị hiện oai nghi của Thanh-văn hay Phật Duyên-giác vẫn không xả pháp của Phật;[69] đó là Bồ tát hạnh. Tuy tùy theo tướng tịnh rốt ráo của hết thảy pháp mà vẫn tùy chỗ thích hợp thị hiện tự thân; đó là hành của Bồ tát. Dù nhìn thấu hết thảy cõi Phật luôn tĩnh lặng như hư không,[70] vẫn làm hiển hiện các loại cõi Phật thanh tịnh; đó là hành của Bồ tát. Dù đã đạt quả vị Phật, có thể chuyển Pháp luân, và vào Niết-bàn, vẫn không từ bỏ Bồ tát đạo; đó là hành của Bồ tát.”

Duy-ma-cật giảng xong pháp này,[71] hết thảy tám ngàn chư thiên đi theo Văn-thù-sư-lợi đều phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác .

*

CHÚ THÍCH

[1] DMC (T14n0475_p0544a25). VCX (T14n0476, p0567b24), phẩm thứ 5, “Vấn tật 問疾品第五.”

[2] Văn-thù-sư-lợi 文殊師利. VCX: Diệu Cát Tường 妙吉祥. Skt. Mañjuśrī.

[3] Bản La-thập nhảy một đoạn, VCX: “

[4] VCS: xảo tiện vô ngại 巧便無礙, vận dụng phương tiện khéo léo thông suốt. Tiếp theo, bản La-thập nhảy một đoạn; VCX (Đại 14, tr.567c1): “Đã đạt đến pháp giới tối thắng không hai, không tạp; sở hành đã rốt ráo đến bờ bên kia; diễn thuyết pháp môn được trang nghiêm bằng vô hạn yếu tính; thấu triệt căn tính và hành vi của tất cả chúng sinh; khéo léo sử dụng thần thông tối thắng của sự du hý; đạt đến mức hoàn hảo phương tiện thiện xảo của đại trí tuệ; hoàn toàn tự tại vô ngại vô uý để quyết trạch mọi vấn đáp; các hạng thấp kém không thể đối đầu với mũi nhọn ngôn từ biện luận của ông ấy.”

[5] VCX còn thêm: “Không nghe mà nghe.”

[6] Cf. Madhyamaka ii. 1: gataṃ na gamyate tavād agataṃ vaiva gamyate/ gatāgatavinirmuktaṃ gamyamānaṃ na gamyate. “Cái đã đi không đi. Cái chưa đi cũng không đi. Ngoài cái đã đi và chưa đi, cái đang đi không đi.”

[7] VCX: “Không phải do cái đã đến mà có khái niệm về sự đến. Không phải do cái đã đi mà có khái niệm về sự đi.” Khuy Cơ, VCS (T38n1782_p1069c24) lưu ý: “Chỗ này, bản La-thập và bản Huyền Trang không giống nhau.”

[8] Hán: trí vấn vô lượng 致問無量. VCS: “Lời nhắn gởi thì ngắn gọn; nhưng thâm ý hỏi thăm thì vô lượng.”

[9] VCX: “Cũng như vô minh (avidyā) và hữu ái (bhavatṛṣṇa) của các chúng sinh sinh khởi đã từ lâu đời; bệnh của tôi cũng phát từ lâu như vậy.”

[10] VCS, Đại 38, tr.1070b22, “Hỏi thất không, là hỏi về pháp không. Hỏi thị giả không, là hỏi về nhân không.”

[11] CDM, Đại 38, tr. 372c11, “Thập nói, căn nhà do không có vật gì cả nên trống không. Cõi Phật do bởi lý gì ma không?”

[12] CDM, “Thập nói, không có (vô 無, Skt. abhava) vì không có vật gì. Rỗng không (không 空, Skt. śūnya), vì quốc độ tính không. Triệu nói, không đầu là trí không (jñānaśūnyatā, cf. Madhyānta-vibhāga); không sau là pháp không (dharmaśūnyatā).”

[13] DMC: hà dụng không 何用空 . VCX: vi thị thùy không 為是誰空, là cái không của ai (= của cái gì).”

[14] VCX: “Không này là Không của vô phân biệt.”

[15] VCX: Không tính 空性.

[16] Trường A-hàm 14, kinh 21. Phạm động, Đại 1, tr. 89c23. Cf. Pali, Brahmajāla-sutta, D.i. tr. 44.

[17] VCX: bất yếm khí 不厭棄, không ghét bỏ.

[18] VCX: vô sắc tướng 無色相.

[19] DMC: thân hiệp 身合, tâm hiệp 心合. VCX: thân tương ưng 身相應, tâm tương ưng 心相應.

[20] VCX: tâm như huyễn hoá 如幻化 .

[21] Tứ đại 四大, Skt. catvāri mahābhūāni. VCX: tứ giới 四界. Skt. dhātavaś catvāri.

[22] Trong bản dịch Huyền Trang thì ngược lại: Duy-ma-cật hỏi Văn-thù. Khuy Cơ (Đại 38, tr.1071c21) cho rằng, xét theo ý nghĩa, La-thập đã dịch không đúng. Triệu nói (Đại 38, tr.374c9), theo lẽ thì Duy-ma-cật hỏi. Nhưng để khiến những vị hiện diện chú tâm, và để chính người bệnh tự nói, nêu rõ ý nghĩa vô chứng của Đại thừa.

[23] DMC: giáo đạo chúng sinh 教導眾生. VCX: thành thục hữu tình 成熟有情

[24] VCX : ““Không nói tội có di chuyển.” VCS: “Tội được làm trong hiện tại di chuyển vào quá khứ. Quá khứ có thực thể dẫn đến sự cảm quả trong tương lai.”

[25] Tịnh mạng 淨命; Thập nói: tức là chánh mạng.

[26] DMA: tiền thế 前世 (Skt. pūrva-nivāsa); VCX: tiền tế 前際 (pūrva-koṭi). Toàn đoạn, VCX: “Sinh từ nghiệp được thúc đẩy bởi các phiền não của phân biệt vọng tưởng và điên đảo.”

[27] DMC: trước ngã 著我; VCX: chấp ngã 執我. Skt. ātmagrāha.

[28] VCX: “Không nên ở trong thân này mà vọng tưởng sinh ra chấp ngã.”

[29] DMC: ngã tưởng , chúng sinh tưởng . 我想眾生想, khái niệm về một tự ngã hay linh hồn (ātma-saṃjñā), khái niệm về một chúng sinh hay một hiện tồn thể (sattvā-saṃjñā). VCX: hữu tình ngã tưởng 有情我想. Cf., Vajracchedika, bốn khái niệm về ngã: ātma-saṃjñā (ngã tưởng), sattvā-saṃjñā (chúng sinh tưởng), jīva-saṃjñā (thọ tưởng), pudgala-saṃjñā (nhân tưởng).

[30] DMC: đương khởi pháp tưởng 當起法想. CDM: “Triệu nói, để trừ ngã tưởng mà khởi lên pháp này.” VCX: an trụ pháp tưởng 安住法想. khái niệm về pháp an trụ hay thường trụ. VCX: “An trụ nơi pháp tướng mà quán pháp do nhân duyên để phá trừ ngã chấp.” (= Skt. dharma-saṃjñā pratiṣṭhitavyā).

[31] VCX: “Ta phải nên trừ diệt nó và cũng tức là trừ diệt hết thảy tai hoạn như vậy của hữu tình.”

[32] Pháp hai 二法 ; chỉ pháp có tính nhị nguyên đối đãi, hai mặt đối lập. Skt. dvaita-dharma. VCS: “Pháp hai tức là pháp mà nội tại và ngoại tại đều tuyệt đối không hiện hành.” Xem phẩm 9, “Pháp môn bất nhị.”

[33] VCS: “Quán sự bình đẳng, không di động, không dao động, không có cái được quan sát.”

[34] DMC: hành tâm bình đẳng 行心平等, Triệu nói, “thể hiện sự bình đẳng của tâm.” VCX: quán bình đẳng… VCS(T38n1782, tr.1073a24 ): “quán sự bình đẳng của pháp, không động dao…”

[35] VCX: “ngã và Niết-bàn, cả hai đều bình đẳng.”

[36] VCX: “Hai pháp này đã không tồn tại, thì còn pháp nào khác hơn nữa là không? Ấy là chỉ bằng vào quy ước của ngôn ngữ (danh tự giả thuyết) mà nói là không.”

[37] CDM: Thập nói, thọ đây chỉ ba thọ: khổ, lạc và xả.

[38] DMC: điều phục 調伏 . VCX: trừ…tật 除疾 .

[39] VCX: “Khi điều trị cho mình và cho người, không thấy có một cái gì gọi là được điều trị.”

[40] DMC: hữu phan duyên 有 攀緣. VCX: hữu duyên lự 有 緣慮. Skt. sālambhana, cái luôn luôn cần điểm tựa để hiện hành; cái không bao giờ rời khỏi điểm tựa. VCS (T38n1782, tr.1073c29): “Duyên lự, là tâm, tâm sở có tính phân biệt, thuộc hữu lậu.”

[41] DMC: đoạn 斷. VCX: ưng tri. Skt. parijñātavya 應知 , cần biến tri (=cần triệt để đoạn trừ).

[42] VCX: Nếu không có hai kiến, đó là không có gì sở đắc.

[43] DMC: vô tuệ lợi 無慧利. VCX: hư khí, bỏ công vô ích 虛棄.

[44] CDM: “Khởi ái kiến đại bi…, Triệu nói: (…) Nếu quán ấy chưa thuần, thấy chúng sinh mà thương yêu, rồi từ đó mà khởi tâm đại bi.” VCX: “Với tâm bị quấn chặt bởi ái và kiến ấy mà khởi tâm đại bi đối với chúng sinh.”

[45] Bụi như người khách chợt đến. (Skt. āgantuka). CDM (Đại 38, tr.378b09): “Triệu nói, tâm gặp ngoại duyên, phiền não chợt dấy lên, cho nên nói là khách trần.”

[46] VCX: “Bằng phương tiện thiện xảo mà tái sinh trong các hiện hữu, hoàn toàn không có tham đắm.”

[47] Phương tiện tuệ 方便慧, (Skt. upāya-jñāna, tuệ của phương tiện, hay tuệ do bởi phương tiện). VCX: phương tiện thiện nhiếp diệu tuệ 方便善攝妙慧 tuệ siêu việt được thể hiện khéo léo bằng phương tiện (upāya-saṃgrīha-jñāna).

[48] Tuệ phương tiện 慧方便. (Skt. jñānopāya, phương tiện của trí tuệ hay do bởi trí tuệ).

[49] CDM (Đại 38, tr.378c26): “Thập nói, quán không mà không thủ; lội hữu mà không dính; đó là xảo phương tiện… Trong đây chỉ lấy sự lội hữu không dính làm phương tiện, nên nói rằng có tuệ mà không có phương tiện. Từ trụ thứ bảy trở lên, tâm thường định, động và tĩnh không khác, cho nên nói là phương tiện tuệ.”

[50] VCX: “Tự điều phục bằng… nhưng không trang điểm thân bằng các tướng hảo… cho nên, không có phương tiện…”

[51] VCX: “Quán thân cùng với bịnh đều là vô thường…”

[52] VCX: “Thân, tâm và các thứ tật bệnh, lệ thuộc lẫn nhau, lưu chuyển từ vô thuỷ, sinh diệt không gián đoạn, không phải mới, không phải cũ. Đó gọi là tuệ.”

[53] VCX: “Ở nơi sở hành quán sát sinh tử, mà không có sở hành của hết thảy phiền não.”

[54] VCX: “Ở nơi sở hành của bốn thứ Ma mà siêu việt sở hành của hết thảy Ma.” Bốn Ma: uẩn ma, phiền não ma, tử ma, thiên ma.

[55] Nhất thiết trí 一切智. VCX: nhất thiết trí trí. Skt. sarvajñā-jñāna, trí tuệ của nhận thức toàn diện. Trí của nhất thiết trí, trí tuyệt đối cá biệt do Phật tự chứng.

[56] Phi thời cầu 非時求. CDM (Đại 38, tr.380a20): “Thập nói, công hành chưa đủ mà cầu cho được kết quả đầy đủ, gọi là phi thời cầu.” VCX: “Cầu sở hành của trí nhất thiết trí, nhưng không phải là sở hành của chứng trí phi thời.” VCS (T38n1782_p1076a5): “Bồ tát chứng trí, bên ngoài thích ứng vời mọi cơ duyên để có thể cứu vớt chúng sinh, nên nói là không phải phi thời.”

[57] Nhảy một đoạn trong bản La-thập; VCX: “Tuy sở hành diệu trí của bốn Thánh đế, nhưng không phi thời chứng nghiệm Thánh đế; đó là sở hành của Bồ tát. Chánh quán sát sở hành nội chứng, mà vẫn nhiếp thọ sở hành sinh tử; đó là sở hành của Bồ tát.”

[58] VCX: “Chánh quán sát sở hành vô sinh, mà không rời vào sở hành của Thanh văn Chánh tính.” Chánh vị, hay chánh tính (Skt. samyaktva), Câu-xá 10 (Đại 29 tr. 56c12): “Tham hoàn toàn đoạn trừ; sân…si… hết thảy phiền não hoàn toàn đoạn trừ; đó gọi là chánh tính.” Chỉ giai đoạn chuyển tiếp từ phàm phu bước sang địa vị Thánh giả.

[59] La-thập (T 38, tr.0380a27): “Quán duyên khởi là con đường đoạn trừ tà kiến. Nhưng có thể ngược lại mà đồng với tà kiến.” Trái nghĩa với VCX: “Tuy hành tất cả sở hành của duyên khởi, mà có thể xa lánh sở hành của mọi xu hướng kiến chấp.” Khuy Cơ giải (T38n1782_p1076a17): “Bồ tát hiện duyên khởi mà xa lìa xu hướng kiến chấp. Hiện duyên khởi, tức hiện sinh tử.”

[60] CDM: “Triệu nói, viễn ly nhỏ thì xa lìa chỗ náo nhiệt. Viễn ly lớn thì dứt hẳn thân tâm.”

[61] VCX: “Không hoại loạn pháp giới.”

[62] VCX: “Tuy hay quán sát sở hành vô nguyện mà vẫn có thể thị hiện sở hành của các cõi Hữu.”

[63] VCX: “Tuy rảo bước nơi sở hành vô tác…” Khuy Cơ: “Vô tác, không có gì được tạo tác.”

[64] VCX: “… mà không hướng đến sở hành bờ bên kia của tâm hành diệu trí của hết thảy chúng sinh…”

[65] Bốn vô lương tâm ở đây chỉ bốn Phạm trụ (Brahma-vihāra). chứng Sơ thiền, tái sinh vào thế giới Phạm thiên (Brahma-loka).

[66] VCX: “Không tái sinh theo thế lực của các Thiền.”

[67] VCX:”… mà không thấy tồn tại hai sở hành của thiện và bất thiện.”

[68] VCX:”…mà không mong cầu diệu trí thiện xảo của Phật pháp sai biệt.”

[69] VCX:” … mà không dẹp bỏ sở hành duyên lự của hết thảy Phật pháp.”

[70] VCX: “…cõi Phật, mà tự tính là không, tịch diệt, không thành không hoại, như hư không…”

[71] VCX: “… sở hành hy hữu sự của hết thảy Bồ tát…”

***

Chương VI. Bất Tư Nghị

Bấy giờ, khi Xá-lợi-phất thấy trong thất này không có giường ghế gì, bèn nghĩ: “Các Bồ tát và đại đệ tử sẽ ngồi ở đâu?” Trưởng giả Duy-ma-cật biết được ý nghĩ ấy, bèn hỏi Xá-lợi-phất:

“Thưa ngài, nhân giả đến đây vì pháp, hay vì đi tìm giường ghế?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Tôi đến đây vì Pháp, chẳng vì giường ghế.”

Duy-ma-cật nói:

“Thưa ngài Xá-lợi-phất, người cầu Pháp ngay đến thân mạng còn không tham tiếc, huống hồ giường ghế. Vì rằng, cầu Pháp không phải là tìm cầu những gì là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không phải là tìm cầu những gì là giới,[2] xứ;[3] không phải là tìm cầu những gì thuộc Dục, Sắc, Vô sắc.[4]

“Thưa Xá-lợi-phất, người cầu Pháp không bám chấp Phật mà cầu, không bám chấp Pháp mà cầu, không bám chấp Tăng mà cầu.[5] Người cầu Pháp không phải để thấy khổ mà cầu, không đoạn trừ tập mà cầu, không chứng diệt mà cầu, không tu đạo mà cầu.[6] Vì sao vậy? Vì Pháp không có hý luận.[7] Vì nếu nói: “Tôi thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo,” thì chỉ là hý luận, không phải tầm cầu Pháp.

“Thưa Xá-lợi-phất, Pháp được gọi là tịch diệt.[8] Nếu hành nơi sinh diệt, đó là đi tìm cầu sự sinh diệt chứ không phải tìm cầu Pháp. Pháp được gọi là vô nhiễm.[9] Nếu tham nhiễm pháp, cho đến tham nhiễm Niết bàn, đó là nhiễm trước[10] chứ không phải tìm Pháp. Pháp không hành xứ.[11] Nếu hành nơi pháp, đó là hành xứ chứ không phải là sự cầu Pháp.[12] Pháp không thủ xả.[13] Nếu có thủ xả nơi pháp, đó là thủ xả chứ chẳng phải tìm Pháp. Pháp không xứ sở.[14] Nếu dính mắc xứ sở,[15] đó là sự dính mắc xứ sở chứ không phải tìm Pháp. Pháp được gọi là vô tướng. Nếu tùy theo tướng mà nhận thức,[16] đó là đi tìm cầu tướng chớ chẳng phải tìm cầu Pháp. Pháp không thể trụ.[17] Nếu trụ nơi pháp, đó là cầu trụ pháp chớ chẳng phải cầu pháp.[18] Pháp không thể được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận biết.[19] Nếu hành nơi sự thấy, nghe, cảm, biết; đó chỉ là thấy, nghe, cảm, biết chứ chẳng phải tìm cầu pháp. Pháp là vô vi.[20] Nếu hành nơi hữu vi, đó là cầu hữu vi chớ chẳng phải cầu pháp.

“Cho nên, thưa ngài Xá-lợi-phất, cầu pháp là không cầu tìm bất cứ gì.”[21]

Khi nói xong lời này, năm trăm chư thiên được sự thanh tịnh của con mắt pháp ở trong các pháp.[22]

Rồi trưởng giả Duy-ma-cật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:

““Nhân giả đã chu du qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ; ở cõi Phật nào có tòa sư tử được thành tựu với công đức vi diệu tối thượng tuyệt đẹp ?”

Văn-thù-sư-lợi đáp:

“Cư sĩ, ở phương đông có cõi Phật cách đây vô lượng nghìn vạn ức a-tăng-kỳ[23] thế giới bằng số cát của ba mươi sáu sông Hằng. Đó là cõi Tu-di-tướng.[24] Có Phật Tu-di Đăng Vương[25] hiện ở đó. Đức Phật ấy có cao 84.000 do-tuần[26] và bảo tòa sư tử của ngài cũng cao 84.000 do-tuần, được trang sức bậc nhất.”

Lúc ấy, trưởng giả Duy-ma-cật hiển hiện năng lực thần thông,[27] tức thì đức Phật kia khiến 32.000[28] tòa sư tử cao lớn, oai nghiêm, đến thẳng vào thất của Duy-ma-cật. Chư Bồ tát, đại đệ tử Phật, các Phạm thiên và bốn vị Thiên vương đều điều chưa từng trông thấy. Thất ấy trở nên rộng rãi, chứa hết 32.000 bảo tòa, không khuất lấp cái nào và cũng không làm chật hẹp thêm thành Tỳ-da-li, cõi Diêm-phù-đề và bốn thiên hạ.

Đoạn Duy-ma-cật nói với Văn-thù-sư-lợi:

“Xin mời chư vị ngồi vào tòa sư tử. Hãy cùng ngồi với các Bồ tát Thượng nhân. Các vị hãy tự lập thân mình tương xứng với tầm vóc của toà.”

Các vị Bồ tát đã đắc thần thông lực liền tự biến hình cao lớn 4 vạn 2 nghìn[29] do-tuần để ngồi vào tòa sư tử. Nhưng các Bồ tát sơ tâm[30] và chúng Đại đệ tử[31] không thể leo lên những bảo tòa cao lớn như vậy được.

Duy-ma-cật mới nói với Xá-lợi-phất:

“Mời tôn giả ngồi lên toà sư tử.”

Xá-lợi-phất đáp:

“Cư sĩ, tòa này cao rộng thênh thang, tôi không thể lên được.”

Duy-ma-cật bảo:

“Thưa ngài Xá-lợi-phất, hãy đảnh lễ đức Như Lai Tu-di Đăng Vương thì sẽ ngồi lên được.”

Lúc ấy hết thảy chư Bồ tát sơ tâm và Đại đệ tử đều cung kính đảnh lễ đức Như Lai Tu-di Đăng Vương và ngồi lên được các tòa sư tử.

Xá-lợi-phất nói với Duy-ma-cật:

“Cư sĩ, thật là chưa từng có. Căn phòng nhỏ như vầy có thể chứa đủ các tòa cao rộng như vậy mà không che lấp thứ gì ở thành Tỳ-da-li, cũng không cản ngại bất cứ gì ở các thành phố, làng mạc của cõi Diêm-phù-đề và bốn thiên hạ cũng như các cung điện trời, rồng, quỷ thần.”

Duy-ma-cật đáp:

“Vâng, thưa ngài Xá-lợi-phất, chư Phật và Bồ tát có môn giải thoát được gọi là bất khả tư nghị. Bồ tát tru nơi giải thoát này có thể đặt ngọn Tu-di hùng vĩ trong một hạt cải mà không hề thay đổi kích thước của hạt cải. Tướng trạng nguyên thuỷ của núi chúa Tu-di[32] vẫn như cũ. Bốn vị Thiên vương cùng với chư thiên Đao-lị[33] cũng không biết mình đã được đặt trong một hạt cải. Chỉ những ai cần được độ mới thấy Tu-di lọt vào trong hạt cải.[34] Đó là pháp môn giải thoát bất khả tư nghị.[35]

“Lại nữa, đem nước trong bốn đại dương đặt vào một lỗ chân lông mà chẳng khuấy động các loài tôm, cua, rùa, ca, các loại thuỷ tộc, mà bốn đại dương cũng y nguyên trạng khiến các rồng, quỷ thần, A-tu-la cũng chẳng biết mình đã được dời chỗ đem đặt vào một lỗ chân lông.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát trụ giải thoát bất khả tư nghị có thể đặt trong lòng bàn tay phải cả ba nghìn đại thiên thế giới, như người thợ gốm cầm cái bàn xoay,[36] và ném nó vượt qua Hằng hà sa số thế giới mà chúng sinh trong đó không hay không biết mình đang đi đâu; rồi thu về đặt lại chỗ cũ mà không khiến cho bất cứ ai có cảm tưởng đi và về.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, hoặc có chúng sinh chỉ có thể độ được nếu vui sướng với sự tồn tại lâu dài trong thế gian này, Bồ tát này có thể dùng thần lực của ngài kéo dài bảy ngày thành một kiếp khiến cho họ thấy là một kiếp. Hoặc có chúng không thích ở lâu trong thế giới này để được độ, Bồ tát có thể rút ngắn một kiếp thành bảy ngày khiến cho chúng sinh ấy thấy chỉ là bảy ngày.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị có thể thâu tóm tất cả mọi sự nghiệp trang nghiêm trong hết thảy cõi Phật tập họp về một cõi để mọi chúng sinh có thể nhìn thấy.

“Lại nữa, ngài có thể đặt hết thảy chúng sinh từ mọi cõi Phật trong lòng tay phải, rồi bay lượn[37] khắp mười phương cho mọi nơi đều được thấy mà không hề xao động bản xứ.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát này có thể chỉ trong một lỗ chân lông cho thấy hết thảy phẩm vật của chúng sinh trong mười phương quốc độ cúng dường chư Phật.

“Lại nữa, ngài có thể chỉ trong một lỗ chân lông cho thấy tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú của hết thảy thế giới khắp mười phương.

“Lại nữa, ngài có thể hít một hơi hết thảy gió[38] của mười phương quốc độ mà không suy suyễn thân mình cũng chẳng rung gãy một cành cây.

“Lại nữa, khi mười phương thiên hạ kiếp tận[39] do lửa thiêu đốt, Bồ tát này có thể hít hết lửa vào bụng mình mà không bị tổn hại và lửa vẫn cháy.

“Lại nữa, Bồ tát này có thể lấy một cõi Phật từ phương dưới cách xa ngài Hằng hà sa số thế giới rồi ném nó lên cao ở phương trên cách xa ngài Hằng hà sa số thế giới nữa, dễ dàng như người ta dùng đầu mũi kim nâng một chiếc lá táo mà không làm cho lá táo hư hại.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị có thể dùng thần lực hiện thân là Phật, Bích-chi-Phật, Thanh-văn, Đế Thích, Phạm thiên, hay Thế chủ, hoặc hiện thân Chuyển luân Thánh vương.[40]

“Lại nữa, Ngài cũng có thể khiến mọi âm thanh trong mười phương quốc độ, âm cao, trung, thấp, đều biến thành tiếng Phật giảng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, và đủ các pháp khác nhau được thuyết bởi chư Phật khắp mười phương; tất cả đều được nghe cùng khắp trong đó.

“Thưa ngài Xá-lợi-phất, tôi chỉ mới nói vài năng lực của giải thoát bất khả tư nghị. Nếu kể cho đủ thì trong một kiếp cũng chưa nói hết.”

Lúc bấy giờ, Đại Ca-diếp nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này liền tán thán là chưa từng có, rồi nói với Xá-lợi-phất:

“Giống như có người trình bày các thứ sắc tượng trước mặt người mù, nhưng người mù không thể thấy. Hết thảy Thanh-văn không thể hiểu dù được nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này. Những người có trí nghe pháp này ai mà không phát tâm cầu giác ngộ tối thượng? Chúng ta vì sao để cho vĩnh viễn đoạn tuyệt gốc rễ mà so với pháp Đại thừa này thì như hạt giống đã mục. Hết thảy Thanh-văn khi nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này phải khóc than, âm thanh chấn động cả ba nghìn đại thiên thế giới. Hết thảy Bồ tát thì nên hết sức hân hoan, đội lên đầu mà thọ nhận pháp này.[41] Bồ tát nào tin hiểu trì pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này, hết thảy bọn Ma[42] không thể làm gì được.”

Khi Đại Ca-diếp nói điều này, 32.000 chư thiên phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Bấy giờ Duy-ma-cật nói với Đại Ca-diếp:

“Thưa Nhân giả, những ai hiện thân là Ma vương trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới khắp mười phương, phần lớn đều là Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị. Bằng phương tiện lực để nhằm hóa độ chúng sinh nên hiện thân như vậy .

“Lại nữa, Đại Ca-diếp, vô lượng Bồ tát khắp mười phương có khi có người đến xin cho tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt, da, xương, chòm xóm, thành ấp, nàng hầu hay vợ con, nô tỳ, voi, ngựa, xe cộ, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách, chân châu, vỏ sò, quần áo, đồ ăn thức uống; những người đến xin như vậy phần lớn đều là Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị; dùng phương tiện lực để thử, khiến cho chí nguyện được kiên cố. Vì Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị có đại uy lực để thúc ép Bồ tát và cho chúng sinh thấy những việc khó làm như vậy.[43] Phàm căn trí thấp kém không có uy lực đó để thúc ép Bồ tát làm như vậy.[44] Cũng như[45] cái đạp[46] của voi chúa không phải là điều mà con lừa có thể kham.[47] Đó chính là cánh cửa dẫn vào phương tiện của trí tuệ của Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị.”[48]

*

CHÚ THÍCH

[1] Bản Hán, La-thập, “Bất tư nghị phẩm đệ lục 不思議品第六 .” Huyền Trang, quyển 3 “Bất tư nghị phẩm đệ lục, 不思議品第六 .”

[2] Giới 界, chỉ 18 giới (Skt. dhātu). VCX: “không cầu giới con mắt (Skt. cakṣur-dhātu), cho đến giới ý thức (Skt. vijñāna-dhātu).”

[3] DMC: nhập 入. Đây chỉ 12 xứ 處 (Skt. āyatana) . VCX: “không cầu xứ con mắt (cakṣur-āyatana) cho đến xứ pháp (Skt. dharmāyatana).”

[4] VCX: “không cầu Dục giới (Skt. kāmāvacara), Sắc giới (Skt. rūpāvacara), Vô sắc giới (Skt. arūpāvacara).”

[5] DMC: trước phật 著佛, trước pháp 著法, trước chúng 著眾. VCX: Phật chấp , Pháp chấp , Tăng chấp 佛執及法僧執. Skt. buddha-grāha, dharma-grāha, saṅgha-grāha.

[6] DMC: kiến khổ, đoạn tập, tận chứng, tu đạo. VCX: tri khổ, đoạn tập, chứng diệt tu đạo.

[7] Vô hý luận 無戲論. Skt. niṣprapañca.

[8] VCX: “pháp được gọi là tịch tĩnh và cận tịch tĩnh. VCS: “Tịch tĩnh, chỉ chân như. Cận tịch tĩnh, chỉ các pháp vô lậu khác.” (Skt. śānta, upaśānta).

[9] VCX: “Pháp vốn không tham nhiễm, lìa tham nhiễm.”

[10] VCX: “Đó là đi tìm sự tham nhiễm chứ không phải đi tìm pháp.”

[11] Hành xứ 行處. VCX: “pháp không phải là cảnh giới” = cảnh giới sở hành. Skt. gocara.

[12] VCX: “Nếu tư duy trên tất cả cảnh giới sở hành, đó là cầu cảnh giới chứ không phải cầu pháp.”

[13] Thủ xả 取捨; VCS: “Thủ, tức nhiếp thủ 攝取. Xả, tức khí xả 棄捨.” Chấp nhận hay loại bỏ. Skt. ādāna-tyāga.

[14] DMC: pháp vô xứ sở 法無處所, pháp không có nơi chốn. VCX: pháp vô nhiếp tàng 法無攝藏, pháp không có sự tích chứa. VCS: “Cái tích chứa (năng nhiếp tàng) là ái. Cái được tích chứa (sở nhiếp tàng) là đối tượng (sở duyên) của ái.” Có lẽ Skt. nirālaya. Cf. Nhiếp Đại thừa luận bản 1 (T31n1594_p0134a18) dẫn Tăng nhất: “Thế gian chúng sinh yêu a-lại-da (ālaya)…” Trong đó (T31n1594_p0133b18) A-lại-da được định nghĩa: “Do tích chứa các pháp…由攝藏諸法 .” Cf. Pali, Saṃyutta, S.i. 136: ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasamudditā, “Chúng sinh nay say đắm, thích thú, vui sướng với những gì được tích chứa.” Nghĩa cụ thể của ālaya la “cái nhà, chỗ cư ngụ;” do đó, DMC dịch là xứ sở.

[15] DMC: trước xứ 著處. VCX: lạc nhiếp tàng 樂攝藏. Skt. ālayarāma; xem cht. 14 trên.

[16] VCS: “Nếu tùy theo tướng của pháp mà nhận thức…”

[17] VCX: “Người cầu pháp thì không cùng trụ với pháp. Vì pháp vốn vô sở trụ.” VCS (T38n1782, tr.1078a6) giải thích: “Không cùng với tất cả thế tục trụ pháp.”

[18] VCX: “Nếu cùng trụ với phấp; đó là cầu trụ chứ không phải cầu pháp.”

[19] Kiến văn giác tri 見聞覺知. Skt. dṛṣṭa-śruta-mata-jñāta. VCS (T38n1782_p1078a09): “Đối pháp luận nói, được tiếp nhận bởi mắt là thấy (kiến, dṛṣṭa ); bởi tai là nghe (văn, śruta); bởi tri giác tự nhiên mà biết như vậy như vậy là cảm nhận (giác, mata); nhận thức nội tại là nhận biết (tri, jñāta).”

[20] VCX: “Pháp được gọi là vô vi, lìa hữu vi tính.”

[21] Hán: ưng vô sở cầu 應無所求. Skt. aparyeṣitavya .

[22] VCX: “xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh…” CDM: “Triệu nói, được pháp nhãn tịnh của Đại thừa.” VCS: chứng quả Dự lưu. Cf. Pali, D. i. 110: āsane virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi, “ngay trên chỗ đang ngồi, trổi dậy con mắt pháp đã dứt sạch bụi bẩn.”

[23] Tương đương 1012 a-tăng-kỳ 阿僧祇 Skt. asaṅkhyeya: vô số). VCX: vô lượng vô số trăm nghìn câu-chi (Skt. koṭi).

[24] Tu-di tướng 須彌相. VCX: Sơn tràng 山幢.

[25] Tu-di Đăng Vương 須彌燈王 (Sumerudīparājan). VCX: Sơn Đăng Vương 山燈王 (Parvata-dīparājan).

[26] Do-tuần 由旬. CDM: Triệu nói, do-tuần mức chuẩn thượng là 60 dặm; chuẩn trung, 50 dặm; chuẩn thấp nhất, 40 dặm. VCX: Phật cao 84 ức du-thiện-na 踰膳那; toà sư tử của Ngài cao 68 ức du-thiện-na. Bồ tát cao 42 du-thiện-na, với toà sư tử cao 34 du-thiện-na (Skt. yojana= 4 krośa hay khoảng 9 dặm Anh).

[27] VCX: “nhiếp niệm nhập định rồi phát khởi thần thông lực như vậy như vậy.”

[28] DMC: 3 vạn 2 nghìn. VCX: 32 ức = 3.200.000.

[29] 4 vạn 2 nghìn = 42.000. VCX: 4.200.000.

[30] Tân phát ý bồ tát 新發意菩薩. VCX: tân học bồ tát 新學菩薩. Skt. ādikarmika-bodhisattva. VCX: những vị này được Duy-ma-cật giảng pháp yếu, tức thì chứng ngũ thông và tự biến hình được để ngồi lên sư tử toà.

[31] Tức Đại thanh văn . Skt. Mahāśrāvaka.

[32] Tu-di sơn vương 須彌山王. VCX: Diệu cao sơn vương 妙高山王. Skt. Sumeru-parvata-rājan.

[33] Tứ Thiên vương 四天王 và Đao-lị chư thiên 忉利諸天, Skt. Cāturmahārājakāyika & Trayastriṃśā devāḥ. Cf. Câu-xá 11 (Đại 29 tr. 59c14): núi Tu-di phân thành bốn tầng cấp. Tầng thứ tư là chỗ của Tứ đại thiên vương cùng quyến thuộc. Trên chóp đỉnh là chỗ của thiên chúng Tam thập tam thiên. Vì vậy, nếu di chuyển Tu-di, thì các chư thiên này cũng bị di chuyển.

[34] VCX: “Chỉ những ai cần chưng kiến thần thông lực mới có thể khuất phục, những người ấy mới thấy…”

[35] VCX: “Bồ tát an trụ giải thoát bất khả tư nghị như vậy, được dẫn vào bằng năng lực trí tuệ của phương tiện thiện xảo. Cảnh giới giải thoát bất khả tư nghi này không phải là cảnh giới mà các Thanh văn và Bích-chi-phật có thể ước lượng được.”

[36] VCX: “như bàn xoay của thợ gốm xoay rất nhanh.”

[37] VCX: thừa ý thế thông 乘意勢通, nương theo năng lực thần thông được thực hiện bằng thế lực của ý chí. VCS (T38n1782_p1080a16): “Có hai giải thích về ý thế thông. 1. Không phải du hành bằng tự thân, mà bằng thế lực của ý… 2. Sự vận dụng hoạt động của thân tùy theo thế lực của ý, cho nên cực kỳ nhanh chóng, trong một sát na mà đi khắp mười phương….”

[38] VCX: đại phong luân 大風輪 .

[39] Kiếp tận 劫盡. thời kỳ thế giới hủy diệt. Skt. kalpakṣaya= saṃvarttayām, kiếp hoại, xem Câu-xá 2 (Đại 29, tr. 11c11).

[40] VCX thêm một đoạn: “hoặc biến các hữu tình hiện thành thân Phạt, thân các Bồ-tát…”

[41] VCX thêm: “Như Vương thái tử đăng quang nhận ngôi vị Quán đỉnh.”

[42] VCX: Ma vương và thuộc hạ của Ma vương.

[43] VCX: “Vì muốn sự lợi ích cho các hữu tình nên thị hiện những sự nghiệp lớn khó làm như vậy.”

[44] VCX: “không thể thực hiện sự ăn xin bằng cách thúc ép người cho như vậy.”

[45] Trước đó, VCX có thêm thí dụ: “Như lửa đom đóm không thể che ánh mặt trời…”

[46] Thứu đạp 蹴蹋. VCX: “như sự chiến đấu uy mãnh của voi chúa…”

[47] VCX thêm: “… chỉ có voi chúa mới có thể chiến đấu với voi chúa. Cũng vậy, phàm phu ở địa vị thấp kém không đủ để bức bách Bồ tát (phải cho). Duy chỉ Bồ tát mới có khả năng bức bách Bồ tát (bố thí).”

[48] VCX thêm kết luận: “Khi pháp này được thuyết giảng, tám nghìn Bồ tát chứng nhập cảnh giới giải thoát bất tư nghị vốn chỉ có được chứng nhập bằng trí lực của phương tiện thiện xảo của Bồ tát.”

***

Chương VII. Quán Chúng Sinh

Văn-thù hỏi Duy-ma-cật:

“Bồ tát nên quán sát chúng sinh như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:

“Như nhà ảo thuật quán sát ảo vật mình tạo ra; Bồ tát nên quán sát chúng sinh cũng như vậy. Cũng như bậc trí giả nhìn trăng nơi đáy nước; nhìn bóng mình trong gương; nhìn ánh lửa khi nhiệt bốc;[2] như tiếng vọng của lời gọi; như mây nổi trong bầu trời;[3] như đám bọt nước;[4] như bong bóng trên mặt nước;[5] như lõi chuối rỗng; như ánh chớp lóe kéo dài;[6] như đại thứ năm;[7] như uẩn thứ sáu;[8] như tình thứ bảy[9] như nhập thứ mười ba;[10] như giới thứ mười chín;[11] Bồ tát nên quán sát chúng sinh cũng như vậy. Cũng như sắc trong vô sắc giới; như mầm của hạt giống hư;[12] như thân kiến[13] của Tu-đà-hoàn;[14] như sự nhập thai của A-na-hàm;[15] như ba độc của La hán; như tham, sân, phá giới của Bồ tát đã chẳng đắc pháp nhẫn;[16] như tập khí phiền não nơi Phật;[17] như sắc được thấy bởi người mù; như hơi thở ra vào của vị đang nhập diệt tận định;[18] như dấu chân chim trong hư không;[19] như đứa con của người đàn bà vô sinh;[20] như phiền não của người được biến hoá;[21] như những điều thấy trong chiêm bao khi đã thức; như sự thọ thân của vị đã diệt độ;[22] như ngọn lửa không khói;[23] Bồ tát nên quán sát chúng sinh cũng như vậy.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Bồ tát quán như thế thì làm sao thực hành lòng từ?”[24]

Duy-ma-cật đáp:

“Bồ tát sau khi quán như vậy, lại suy nghĩ, ‹Ta sẽ thuyết pháp như vậy cho chúng sinh.› Đó chính là lòng từ chân chánh. Ngài nên tu hành từ tịch diệt,[25] vì không có gì sanh;[26] hành từ không nóng bức,[27] vì không có phiền não; hành từ bình đẳng,[28] vì bình đẳng với ba thời; hành từ vô tranh,[29] vì không có gì khởi;[30] hành từ bất nhị, vì trong ngoài không kết hợp; hành từ bất hoại, vì rốt ráo diệt tận;[31] hành từ kiên cố, vì tâm không huỷ;[32] hành từ thanh tịnh, vì các pháp tánh tịnh;[33] hành từ vô biên,[34] vì như hư không; hành từ của A-la-hán, vì diệt giặc kết sử;[35] hành từ của Bồ tát,[36] vì an ổn chúng sinh;[37] hành từ Như Lai, vì được như tướng;[38] hành từ của Phật, vì thức tỉnh chúng sinh;[39] hành từ tự nhiên, vì không do nhân mà được;[40] hành từ bồ-đề, vì một vị bình đẳng; hành từ không thể sánh, vì đã đoạn trừ các ái;[41] hành từ của đại bi, vì hướng dẫn bởi Đại thừa;[42] hành từ không mệt mỏi vì quán không, vô ngã;[43] hành từ của pháp thí không còn nuối tiếc;[44] hành từ của trì giới, vì chuyển hóa người phạm giới; hành từ[45] nhẫn nhục, vì hộ vệ mình lẫn người; hành từ của tinh tấn, vì gánh vác chúng sinh; hành từ của thiền định, vì không cảm thọ vị ngọt;[46] hành từ của trí tuệ, vì mọi sự đều đúng thời;[47] hành từ của phương tiện, vì thị hiện tất cả;[48] hành từ không ẩn dấu, vì trực tâm thanh tịnh; hành từ của thâm tâm, vì không tạp hành;[49] hành từ không dối trá[50] nên chẳng còn việc hư giả; hành từ an lạc, vì khiến cho đạt được an lạc của Phật.[51]

“Đó là những hạnh từ của Bồ tát.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Bồ tát hành bi[52] như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:

“Tất cả công đức mà Bồ tát làm đều được chia sẻ cho hết thảy chúng sinh.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Thế nào là hỷ?”

Duy-ma-cật đáp:

“Hoan hỷ không hối tiếc những lợi ích gì.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Thế nào là xả ?”

Duy-ma-cật đáp:

“Gia ân[53] mà không mong cầu tri đáp trả.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Sợ sinh tử, Bồ tát nên nương tựa vào đâu?”

Duy-ma-cật đáp:

“Bồ tát, trong khi sợ hãi sinh tử, nương tựa vào sức mạnh của công đức Như Lai.”[54]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Bồ tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:

“Bồ tát muốn nương nhờ sức mạnh của công đức Như Lai thì cần phải an trụ nơi chỗ độ thoát hết thảy chúng sinh.”[55]

Văn-thù-sư-lợi hỏi

“Bồ tát nên tiêu trừ cái gì để độ thoát chúng sinh?”

Duy-ma-cật đáp:

“Muốn độ thoát chúng sinh phải tiêu trừ phiền não của họ.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Làm sao để tiêu trừ phiền não?”

Duy-ma-cật đáp:

“Nên thực hành chánh niệm.” [56]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Làm sao để thực hành chánh niệm?”

Duy-ma-cật đáp:

“Hãy hành bất sinh và bất diệt.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Pháp gì bất sinh? Pháp gì bất diệt?”

Duy-ma-cật đáp:

“Bất thiện thì bất sinh; pháp thiện thì bất diệt.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Đâu là nguồn gốc của thiện và bất thiện?”

Duy-ma-cật đáp:

“Thân là nguồn gốc của thiện và bất thiện.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Đâu là nguồn gốc của thân?”

Duy-ma-cật đáp:

“Dục tham là gốc.”[57]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Đâu là nguồn gốc của dục tham?”

Duy-ma-cật đáp:

“Hư vọng phân biệt là gốc.”[58]

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Đâu là nguồn gốc của hư vọng phân biệt?”

Duy-ma-cật đáp:

“Tưởng đảo điên là gốc.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Đâu là nguồn gốc của tưởng đảo điên?”

Duy-ma-cật đáp:

“Vô-trụ là gốc.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi: “Đâu là nguồn gốc của vô-trụ?”

Duy-ma-cật đáp:

“Vô-trụ chẳng có gốc. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, từ gốc vô-trụ này mà các pháp được kiến lập.”[59]

Bấy giờ trong thất của Duy-ma-cật có một Thiên nữ[60] thấy các trời, người đến nghe Pháp,[61] liền hiện thân xuống rải hoa trời lên các Bồ tát và Đại đệ tử.[62] Hoa rắc trên thân các Bồ tát tức thì rơi xuống đất, nhưng rắc trên thân các Đệ tử thì bám vào. Tất cả các vị Đệ tử dùng thần lực phủi hoa, nhưng hoa không đi.

Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá-lợi-phất:

“Sao ngài phủi hoa đi?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hoa này không như pháp, nên phải phủi đi.”

Thiên nữ nói:

“Đừng bảo hoa này không như pháp. Vì sao? Vì chúng không có gì phân biệt,[63] mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp. Nếu không khởi phân biệt nữa, đó là như pháp. Nhìn chư Bồ tát xem, hoa không bám được vào thân vì các ngài đã đoạn trừ hết thảy tưởng phân biệt. Cũng như người khi đang run sợ thì bị Ma[64] lung lạc. Đệ tử vì sợ sinh tử[65] nên bị sắc, thinh, hương, vị, xúc lung lạc. Người không còn sợ hãi, thì tất cả năm dục không làm gì được. Vì tập khí của kết sử[66] vẫn còn nên hoa bám được thân đó thôi. Nếu tập khí của kết sử trừ sạch, hoa không bám được.”

Xá-lợi-phất hỏi:

“Cô ở nhà này bao lâu rồi?”

Thiên nữ đáp:

“Tôi ở đây cũng lâu như sự giải thoát của bậc kỳ niên.”[67]

Xá-lợi-phất hỏi:

“Ở đây lâu chừng ấy sao?”

Thiên nữ hỏi lại:

“Giải thoát của kỳ niên thì lâu bằng chừng nào?”

Xá-lợi-phất lặng im không đáp. Thiên nữ lại hỏi:

“Sao bậc Đại trí kỳ cựu im lặng?”

Xá-lợi-phất nói:

“Sự giải thoát không thể diễn giải bằng lời. Vì vậy, tôi không biết nói gì.”

Thiên nữ nói:

“Ngôn thuyết và văn tự đều là biểu lộ của giải thoát.[68] Vì sao? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa; văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa. Vì vậy, thưa ngài Xá-lợi-phất, không có việc lìa văn tự mà diễn thuyết giải thoát. Tại sao? Tất cả pháp đều là biểu hiện của giải thoát.”

Xá-lợi-phất hỏi:

“Vậy cô há không muốn nói rằng dâm, nộ, si cũng là giải thoát?”

Thiên nữ đáp:

“Phật vì người tăng thượng mạn[69] mà nói rằng xa lìa dâm, nộ, si là giải thoát đó thôi. Với người không còn tăng thượng mạn, Phật nói tự tánh dâm, si đồng nhất với giải thoát.”

Xá-lợi-phất ca ngợi:

“Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Cô đã sở đắc gì, chứng nghiệm cái gì mà biện tài xuất chúng như vậy?”

Thiên nữ đáp:

“Tôi không sở đắc gì cũng không chứng nghiệm gì mà được biện tài như vậy. Vì sao? Nếu có sở đắc, sở chứng, thì đối với Phật pháp[70] đó là tăng thượng mạn.”

Xá-lợi-phất hỏi:

“Trong ba thừa, cô chí hướng thừa nào?”

Thiên nữ đáp:

“Khi cần giảng pháp Thanh-văn để chuyển hóa chúng sinh, tôi là Thanh-văn. Khi cần giảng pháp nhân duyên để chuyển hóa chúng sinh, tôi là Bích-chi-phật. Khi cần pháp đại bi để chuyển hóa chúng sinh, tôi là Đại thừa. Thưa Xá-lợi-phất, như người bước vào rừng hoa chiêm-bặc chỉ ngửi thấy mùi hương chiêm-bặc[71] thơm át hẳn các mùi khác; cũng vậy, người bước vào nhà này chỉ ngửi thấy mùi hương công đức Phật và chẳng còn thiết mùi hương Thanh-văn hay Bích-chi-phật. Thưa Xá-lợi-phất, khi mà Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, các trời, rồng, quỷ thần vào nhà này và được nghe vị Thượng nhân này giảng thuyết Chánh Pháp, hết thảy đều hâm mộ mùi hương công đức Phật mà phát tâm Đại thừa trước khi ra khỏi nhà này. Thưa Xá-lợi-phất, tôi ở đây mười hai năm,[72] chưa từng nghe Pháp Thanh-văn hay Bích-chi-phật, mà chỉ nghe pháp của chư Phật bất khả tư nghị, đại từ, đại bi.

“Thưa Xá-lợi-phất nhà này luôn hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp. Những gì là tám?

“Thứ nhất, nhà này được rọi sáng bằng ánh kim quang suốt cả ngày đêm không khác nhau; chẳng cần đến mặt trời hay mặt trăng mới sáng.

“Thứ hai, những ai[73] bước vào nhà này không bị bức rức bởi những cáu bẩn.[74]”

“Thứ ba, nhà này thường có Đế Thích, Phạm thiên, bốn Thiên vương và các Bồ tát ở phương khác đến đây hội họp không dứt.

“Thứ tư, sáu Ba-la-mật và các pháp bất thối chuyển[75] luôn được giảng dạy trong nhà này.

“Thứ năm, trong nhà này thường được nghe nhạc trời huyền diệu tấu diễn vô lượng âm thanh của sự giáo hoá bằng chánh pháp.

“Thứ sáu, nhà này chứa bốn kho tàng tích trữ đầy tràn nhiều bảo vật chu cấp cho người cùng khổ mà không hề kiệt tận.

“Thứ bảy, khi vị Thượng nhân nhà này nghĩ tưởng đến Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Phật A-súc, Bảo Đức, Bảo Viêm, Bảo Nguyệt, Bảo Nghiêm, Nan Thắng, Sư Tử Hưởng, Nhất Thiết Lợi Thành,[76] cùng vô lượng chư Phật khắp mười phương thế giới, thì các Ngài liền đến giảng thuyết rộng rãi pháp tạng bí yếu của chư Phật. Thuyết xong rồi mới trở về.

“Thứ tám, hết thảy mọi thiên cung trang nghiêm và đất Phật thanh tịnh đều ánh hiện trong nhà này.

“Thưa ngài Xá-lợi-phất, nhà này thường hiện tám pháp chưa từng có, rất khó gặp này. Khi đã chứng kiến tám sự kiện bất khả tư nghị như vậy, ai còn vui thích nơi pháp Thanh-văn làm gì?”

Xá-lợi-phất hỏi:

“Sao cô không chuyển đổi thân nữ này đi?”

Thiên nữ đáp:

“Mười hai năm nay tôi tìm kiếm tướng người nữ,[77] mà không thể tìm thấy được. Vậy tôi phải chuyển cái gì đổi cái gì? Cũng như nhà ảo thuật làm trò tạo nên một thân nữ huyễn. Nếu có người hỏi, ‹Sao không chuyển đổi thân nữ?› Người này hỏi có chính xác không? “

Xá-lợi-phất đáp:

“Không chính xác. Sự huyễn không có tướng cố định, làm sao chuyển?”

Thiên nữ nói:

“Hết thảy các pháp cũng đều như thế, không có tướng cố định,[78] sao ngài hỏi tôi không chuyển đổi nữ thân?”

Nói đoạn, Thiên nữ dùng thần lực biến Xá-lợi-phất thành như Thiên nữ và nàng tự hoá thân thành như Xá-lợi-phất, rồi hỏi:

“Sao ngài không chuyển đổi thân nữ đó đi?”

Xá-lợi-phất, trong hình tượng Thiên nữ, đáp:

“Tôi ở đây không biết do chuyển biến gì mà biến thành thân nữ.”

Thiên nữ đáp:

“Thưa Xá-lợi-phất, nếu ngài có thể chuyển đổi thân nữ đó, thì hết thảy người nữ cũng có thể chuyển. Cũng như Xá-lợi-phất chẳng phải nữ mà hiện thân nữ. Tất cả người nữ cũng vậy, dù họ hiện thân nữ nhưng không phải nữ. Cho nên Phật dạy: ‘Hết thảy pháp đều phi nam phi nữ.’ “

Nói xong, Thiên nữ rút lại dùng phép thần thông khiến Xá-lợi-phất trở lại tướng ban đầu, và hỏi:

“Sắc tướng thân nữ nay đâu rồi?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Sắc tướng thân nữ không tại đó, cũng không không tại đó.”[79]

Thiên nữ mới nói:

“Cũng vậy, hết thảy pháp không ở tại đó, nhưng không hề không ở tại đó. Và này, không tại đó, cũng không không tại đó, đó là Phật thuyết vậy.”

Xá-lợi-phất hỏi:

“Chết ở đây, cô sẽ sinh về đâu?”

Thiên nữ đáp:

“Hoá thân bởi Phật[80] sinh như thế nào, tôi cũng sẽ sinh như vậy.”

Xá-lợi-phất nói:

“Hoá thân bởi Phật không chết, không sinh.”

Thiên nữ đáp:

“Chúng sinh cũng vậy, không chết, cũng không sinh.”

Xá-lợi-phất hỏi:

“Chừng bao lâu cô sẽ chứng đắc giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác?”

Thiên nữ đáp:

“Chừng nào Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu,[81] khi ấy tôi sẽ chứng đắc giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Xá-lợi-phất nói:

“Tôi trở thành phàm phu; không có trường hợp đó.”

Thiên nữ nói:

“Cũng không có chuyện tôi chứng đắc giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì sao? Vì bồ-đề không có trú xứ, nên không có người chứng đắc.”

Xá-lợi-phất nói:

“Có vô lượng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng nay đang chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác; đã chứng đắc, sẽ chứng đắc; thế là nghĩa thế nào?”

Thiên nữ đáp:

“Do văn tự thế tục mà nói có ba đời, chứ không phải bồ-đề có quá khứ, hiện tại, hay vị lai.”

Thiên nữ lại nói:

“Thưa Xá-lợi-phất, ngài có chứng A-la-hán đạo chăng?”[82]

Xá-lợi-phất đáp:

“Không có gì chứng đắc nên chứng đắc.”

Thiên nữ nói:

“Cũng vậy, chư Phật và đại Bồ tát do không có gì chứng đắc nên chứng đắc.”

Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với Xá-lợi-phất:

“Thiên nữ này đã cúng dường chín mươi hai ức Phật.[83] Nàng có thể du hý với thần thông lực của Bồ tát, đã hoàn thành mọi ước nguyện, đã chứng vô sanh pháp nhẫn và đắc pháp Bồ tát bất thối chuyển. Do bản nguyện mà nàng tùy thời hiển hiện để giáo hóa chúng sinh.”

*

CHÚ THÍCH

[1] VCX: “Phẩm 7.Quán hữu tình 觀有情品第七.” Chi Khiêm: Quán nhân vật 觀人物品第七.

[2] Nhiệt thời viêm 熱時炎 . VCX: dương diệm thuỷ 陽焰水, bóng nước trong quáng nắng.

[3] Không trung vân 空中雲. VCX: hư không trung vân thành đài các 虛空中雲城臺閣, thành quách, đài các trong mây trong bầu trời; Skt. gandharava-nagara, thành phố gandharva, thành phố càn-thát-bà, chỉ thành phố nhìn thấy trong biển do phản chiếu của mây và hơi nước bốc từ biển, thành ngữ Hán nói là “thận lâu hải thị 蜃樓海市,” lầu sò, chợ biển.

[4] DMC: thuỷ tụ mạt 水聚沫. (Skt. phenapiṇḍa). VCX: thuỷ tụ mạt sở hữu tiền tế 水聚沫所有前際, tiền tế của đám bọt nước; VCS giải thích: “tiền tế vốn không hiện hữu, vì nguyên lai là không.” Nghĩa là, không thể xác định điểm xuất phát của bọt nước. Cf. Pali, Dhp. 46: pheṇūpamaṃ kāyaṃ viditvā, biết rõ thân này như bọt nước.

[5] DMC: thủy thượng bào 水上泡. (Skt. udaka-budbuda) VCX: thủy phù bào hoặc khởi hoặc diệt 水浮泡或起或滅. bong bóng trên mặt nước chợt nổi chợt chìm. Cf. Trung A-hàm 12 (Đại 1, tr. 503b). Cf. A. iv. 137: udaka-bubbuḷūpamaṃ jīvitaṃ manussānaṃ, sinh mạng của con người như bong bóng nước (không bền chắc).

[6] Điện cửu trú 電久住. VCX không có thí dụ này.

[7] Phật thuyết chỉ có 4 đại.

[8] DMC: ấm 陰. Phật thuyết chỉ có 5 uẩn.

[9] Tình 情. VCX: căn 根. Phật thuyết chỉ có 6 căn. VCS (T38n1782, tr. 1081b24): “Tiếng Phạn tát-đỏa 薩 埵 (sattva), đây nói là hữu tình, tức là 6 căn. Bản dịch cũ vì vậy nói là như tình thứ bảy.”

[10] DMC: nhập 入 . VCX: xứ 處. Phật thuyết chỉ có 12 xứ.

[11] Phật thuyết chỉ có 18 giới 界.

[12] VCX thêm hai thí dụ: y phục được dệt bằng lông rùa; sự hưởng thụ dục lạc của trẻ sơ sinh mà yểu mạng.

[13] Thân kiến 身見; VCX: tát-ca-da kiến 薩迦耶見 (= hữu thân kiến); Skt. satkāya-dṛṣṭi, cf. Câu-xá 9 (Đại 29, tr.99b25, 100a1, 156c18): Đoạn trừ ba kết (thân kiến, nghi, giới cấm thủ), chứng quả Dự-lưu (=Tu-đà-hoàn); cf. A. 1. 231: so tiṇṇaṃ saṃyojanānaṃ (=sakkāyadiṭṭhi, vicikicchā, sīlabbata-parāmāso) parikkhayā sotāpanno hoti.

[14] VCX: “như sự tái sinh lần thứ ba của Nhất lai.” Vị Nhất lai (Skt. skṛd-āgāmin) một lần tái sinh thiên giới và một lần tái sinh nhân gian rồi nhập Niết-bàn, khong có tái sinh lần thứ ba. Cf. Câu-xá 24, Đại 29, tr. 123c21, 124a19.

[15] A-na-hàm, hay Bất lai (Skt. anāgāmin) không còn tái sinh Dục giới nên không nhập thai (Skt. garbhāvakrānti). Cf. Câu-xá 24, Đại 29, tr. 124b1.

[16] Đắc nhẫn Bồ-tát 得忍菩薩. CDM (Đại 38, tr.384a13) Triệu nói, “Trụ (= Bồ-tát địa) thứ bảy chắng đắc pháp nhần vô sinh (Skt. anutpattika-dharma-kṣānti), vĩnh viễn đoạn trừ các kết sử của tâm.” VCS (T38n1782, tr.1081c4), “Bồ-tát địa thứ tám trở lên gọi là đắc nhẫn.” (Skt. kṣānti-pratilabdha).

[17] Phật phiền não tập 佛煩惱習, tàn dư của của phiền não còn tiềm phục (Skt. kleśa-vāsanānuśayitā) VCX: Như lai tập khí tương tục 如來習氣相續 (Skt. vāsanā-santana).

[18] VCS: “Tứ thiền trở lên không còn hơi thở ra vào nữa, huống là nhập diệt tận định.”

[19] VCX thêm: “Như căn của bán-trạch-ca 半擇迦 mà có thế dụng.” Skt. paṇḍaka, bất năng nam, đàn ông bất lực hay bị thiến.

[20] Hán: thạch nữ 石女. VCX: “như hành vi của con của thạch nữ.”

[21] Hoá nhân 化人 (Skt. nirmitaka). VCX: “Như sự trói buộc của người được Phật biến hoá ra.” Và thêm một thí dụ nữa: “Như phiền não cứu cánh không sinh khởi (atyantānutpanna-kleśa).” Giải thích, VCS: “Địa thứ tám trở lên, tuy hạt giống của phiền não chưa hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng do tác động liên tục của vô lậu khiến cho chúng không có điều kiện để sinh khởi, nên nói là phiền nào tuyệt đối không còn sinh khởi.”

[22] VCX: “Như thân đời sau (hậu hữu tương tục, Skt. bhava-prati-saṃdhāna) của A-la-hán.”

[23] VCX: “Như sự thiêu đốt của ngọn lửa không sinh.”

[24] VCX: tu đại từ (Skt. mahāmaitrī-bhāvanā).

[25] Hành tịch diệt từ 行寂滅慈. CDM, “Thâp nói: biết các pháp vốn vắng lặng (tịch diệt, Skt. upaśānta) và vô sanh (anutpanna), nhân đó mà khởi từ tâm nhưng vẫn không mất tịch diệt,”

[26] VCX: “vì không có các thủ.” Skt. anupādāna (không chấp thủ, tức không phiền não), La-thập đọc là anutpanna.

[27] Bất nhiệt từ 不熱慈. CDM (Đại 38, tr.0384b23), “Triệu nói: phiền não khởi tư ái và kiến; từ tâm mà không ái và kiến, cho nên không nóng bức (nhiệt não).

[28] VCX: “tu từ tâm như thực 如實慈 (Skt. yathābhūta-maitrī) , vì bình đẳng suốt cả ba đời.” Cũng có thể, Skt. trong VCX được đọc là samyak-maitrī (từ tâm chánh trực), trong được đọc là sama-maitrī (từ tâm bình đẳng).

[29] Vô tránh từ 無諍慈 ( Skt. araṇa, cf. cht. 57, Ch.iii).VCX: bất vi từ 不違慈. (Skt. avirodha/ aviruddha: không đối địch, không mâu thuẫn). VCS (T38n1782_p1082a17): “vì phát xuất từ sự bình đẳng của nguyên nhân).”

[30] Vô sở khởi 無所起. VCX: vô đẳng khởi 無等起. Skt. asamutthāna, không có hành vi hiện khởi, không có nguyên động lực để hiện khởi.

[31] Tất cánh tận 畢竟盡 (Skt. atyanta-kṣaya); VCX: tất cánh trụ 畢竟住. (Skt. atyanta-ṣṭhita: vĩnh viễn an trụ; có lẽ trong DMC, được đọc là atyanta-niṣṭhita: đạt đến tận cùng cứư cánh).

[32] VCX: “vì tăng thượng ý lạc (Skt. adhyāśaya: ý hướng hay nguyện vọng) như kim cang.

[33] VCX: “vì bản tánh vốn tịnh (Skt. prakṛti-pariśuddha).

[34] Vô biên từ 無邊慈 (Skt. ananta-maitrī). VCX: bình đẳng từ 平等慈 (Skt. sama-maitrī).

[35] Kết tặc 結賊. Cf. Đại tỳ-bà-sa 94 (T27n1545, tr.487c3): “ A-la 阿羅 (Skt. ari) chỉ cho tất cả phiền não; hán 漢 (Skt. han) nghĩa là sát hại. Dùng gươm trí tuệ mà sất hại hết thảy phiền não nên gọi là A-ha-hán (Skt. arhan= ari+han). Cf., Pali, A. iv. 145, arīhatattā ariyo hoti, phá diệt kẻ thù là Thánh.

[36] DMC nhảy một đoạn; VCX: “Tu từ tâm của Độc giác (Pratyeka-buddha), vì không cần Thầy dạy.”

[37] VCX: “Tu từ tâm của Bồ-tát, vì không nghỉ ngơi trong sự giáo hoá chúng sinh.”

[38] VCX: “Vì chứng ngộ tính chân như của các pháp (sarvadharma-tathatā).”

[39] VCX: “Vì đánh thức các chúng sanh đang ngủ say.”

[40] VCX: “Vì thể nghiệm pháp tính một cách tự nhiên.”

[41] Vô đẳng từ 無等慈.VCX: “Tu từ tâm không thiên lệch, vì đã đạon trừ yêu và ghét.”

[42] DMC nhảy một đoạn; VCX: “tu từ tâm của vô tránh, vì quán vô ngã.” Xem cht. 28 trên.

[43] DMC có nhảy sót. Xem cht. 41 trên. VCX: “Vì quán tự tánh vốn không.”

[44] Di tích 遺惜 . VXX: sư quyển 師捲 (Skt. ācārya-muṣṭi) , làm thầy mà dấu diếm, không truyền dạy hết. Cf., Pali, D.ii. 100: na tattha … tathāgatassa dhammesu ācariya-muṭṭhi, “ở đây, trong các pháp, Như lai không có bàn tay nắm chặt của người thầy.”

[45] Chú của La-thập (Đại 38, tr.385a17): “chữ hành 行 trên chữ từ 慈 trong đây, không có trong bản Phạn.”

[46] Thọ vị 受味. VCX: ái vị 愛味 , vị ngọt của tham ái.

[47] VCX: “Hiện thực biết pháp trong mọi thời.”

[48] VCX: “Thị hiện cùng khắp trong hết thảy phương diện.”

[49] Sau phương tiện, VCX đề cập các ba-la-mật tiếp: nguyện, lực, trí; đủ 10 ba-la-mật trong 10 địa Bồ tát. Tiếp theo, tu thần thông, tu nhiếp sự, tu vô trước, đoạn này không tương đương DMC.

[50] Vô cuống 無誑, không lường gạt. VCX tách thành hai: vô trá 無詐, không trá nguỵ, vì ý lạc (Skt. āśaya: xu hướng hay ý nguyện) thanh tịnh; vô siểm 無詐, không dua nịnh, vì không còn giả dối.

[51] CDM,”Thập nói: trong Phạn bản, trú Niết-bàn lac.” Nghĩa là, La-thập dịch thoát ý. VCX: “Thiết lập cơ sở an lạc của chư Phật.” (Skt. sarvabuddha-sukhavastu-ṣṭhāpya)

[52] VCX: tu đại bi (Skt. mahākaruṇā-bhāvanā).

[53] VCX: “Làm lợi ích một cách bình đẳng.”

[54] VCX: “Nương tựa và an trú nơi Đại ngã của chư Phật.” Skt. Mahātman, môt trong bốn đức của Đại Niết-bàn (thường, lạc, ngã, tịnh). Khuy Cơ: (T38n1782_p1082c29): “Đại ngã của Chư Phật, tức Đại Niết-bàn.”

[55] VCX: “Muốn an trú Đại ngã thì hãy an trú trong sự độ thoát bình đẳng tất cả chúng sinh.”

[56] Hành chánh niệm 行正念. VCX: tu tập tác ý quán sát một cách như lý (Skt. yoniśo-manas-kāra).

[57] Dục tham 欲貪; sự ham muốn tính dục. Cf. Câu-xá 8 (Đại 29, tr.41c16): “ Trong các môi trường Dục giới, tham chưa được đoạn trừ; tham đó được gọi là dục tham (Skt. kāma-rāga).”

[58] Hư vọng phân biệt 虛妄分別. Skt. vikalpya.

[59] VCX: “Câu hỏi này phi lý. Vô trụ tức là không có gốc…do gốc vô sở trụ mà các pháp được kiến lập.” Cf. Vajracchedikā, yat pratiṣṭhitaṃ tad evāpratiṣṭhitam, “Cái gì được dựng đứng, cái đó không đứng vững.”

[60] VCX: “Thiên nữ sống ở đây từ trước.” VCS (T38n1782_p1083b13): “Thiên nữ này là Bồ tát ở địa thứ tám.”

[61] VCX: “Nghe được pháp vốn chưa từng được nghe.”

[62] Tức các Đại Thanh văn (Skt. Mahāśrāvaka).

[63] Vô sở phân biệt 無所分別. VCX: không phân biệt, không khác phân biệt 無分別無異分別 .

[64] VCX: bị loài phi nhân. La-thập (Đại 38, tr.387b16) dẫn chuyện: Một con quỷ la-sát biến làm con ngựa. Một người đàn ông cỡi mà không nghi ngờ. Giữa đường, con quỷ hỏi, “Ngựa tốt không?” Người đàn ông rút gươm ra hỏi, “Gươm này có tốt không?” Quỷ biết người này không sợ, nên không làm hại được.

[65] VCX: “Sợ sinh tử, nghiệp, phiền não.”

[66] Kết tập 結習. La-thập (ibid.) giải thích: “Có hai loại tập khí. Tập khí kết sử (=phiền não) và tập khí của sự thiên ái Phật pháp (dharma-tṛṣṇā-vāsana). Khi chứng vô sinh nhẫn thì hết thảy tập khí phiền não đều trừ sạch; nhưng tập khí thiên ái Phật pháp vẫn còn.” (Skt. vāsana) VCX: phiền não tập 煩惱習. Skt. kleśa-vāsana .

[67] Kỳ niên giải thoát 耆年解脫, chỉ vị Trưởng lão lớn tuổi; đây xưng hô ngài Xá-lợi-phất. VCX: “Như giải thoát mà Xá-lợi Tử an trú.”

[68] Giải thoát tướng 解脫相.

[69] CDM (Đại 38, tr.388b11), Triệu nói: “Coi rẻ sinh tử, đề cao con đường của mình, đó là người tăng thượng mạn.” VCS (T38n1782_p1084b15), “Chưa chứng qưả Phật, mà cho sở chứng của mình là cao nhất, không mong cầu tu chứng thêm nữa; đó là người tăng thượng mạn.” Một trong bảy mạn tùy miên (mānānuśaya), Câu-xá 9 (tr. 101a13, 19): “Chưa chứng đắc công đức thù thắng mà cho là đã chứng đắc, đó là tăng thượng mạn.” Skt. adhimāna.

[70] VCX: “Trong Pháp và Luật (=tì-nại-da) được khéo trình bày (của Phật).”

[71] Chiêm-bặc 瞻蔔. VCX: chiêm-bác-ca 瞻博迦. Khuy Cơ nói: Trung quốc không có loại hoa này. Skt. campaka, loại hoa vàng, tên khoa học Michellia Campaka.

[72] Khuy Cơ (T38n1782_p1084c27): 12 năm, chỉ 12 hai trụ của Bồ tát (Bodhisattva-vihāra): 1. Chủng tánh trụ (gotra-vihāra). 2. Thắng giải hành trụ (adhimukti-cārya-vihāra). 3. Cực hỷ trụ (pramudita-vihāra). 4. Tăng thượng giới trụ (adhiśīla-vihāra). 5. Tăng thượng tâm trụ (adhicitta-vihāra). 6. Tăng thượng tuệ trụ (adhiprajñā-vihāra). 7. Giác phần tương ưng tăng thượng tuệ trụ (bodhi-pakṣa-pratisaṃyukto’dhiprajñā-vihāra). 8. Đế tương tăng thượng tuệ trụ (satya-pratisaṃyukto’dhiprajñā-vihāra . 9. Duyên khởi lưu chuyển chỉ tức tương ưng tăng thượng tuệ trụ (pratītya-samutpāda-pravṛtti-nivṛtti-pratisaṃyukto’dhiprajñā-vihāra . 10. Vô tướng hữu công dụng trụ (nirmitta-sabhoga-vihāra). 11. Vô tướng vô công dụng trụ (nirmittānabhoga-vihāra). 12. Tối thượng bồ tát trụ (agra-bodhisattva-vihāra). Cf. Du-già sư-địa 47 (T30n1579, tr.552c25).

[73] VCX: loài người và loài phi nhân trong thế gian này.”

[74] VCX: “Không bị gây hại bởi phiền não.”

[75] Bất thối chuyển pháp 不退轉法. VCX: “thường nghe những thảo luận về sáu ba-la-mật, về pháp luân không thối chuyển.”

[76] Phật Thích-ca 釋迦牟尼佛, Phật A-di-đà 阿彌陀佛, Phật A-súc 阿閦佛 , Bảo Đức 寶德, Bảo Viêm 寶炎, Bảo Nguyệt 寶月, Bảo Nghiêm 寶嚴, Nan Thắng 難勝, Sư Tử Hưởng 師子響, Nhất Thiết Lợi Thành 一切利成. VCX: Thích-ca Như lai 釋迦牟尼如來 (Śākya-tathāgata), Vô Lượng Thọ Như lai 無量壽如來 (Amitāyus-tathāgata), Nan Thắng Như lai 難勝如來 (Durjaya-tathāgata). VCX: Bất Đông Như lai不動如來 (Akṣobhya-tathāgata), Bảo Diệm Như lai 寶焰 如來 (Ratnārcis-tathāgata), Bảo Nguyệt Như lai 寶月如來 (Ratnacandra-tathāgata), Bảo Nghiêm Như lai 寶嚴如來 (Ratnavyūha-tathāgata), Bảo Âm Thanh Như lai 寶 音 聲 如來 (Ratnaghoṣa-tathāgata), Sư Tử Hống Như lai 師子吼如來 (Siṃhanadā-tathāgata), Nhất Thiết Nghĩa Thành Như lai 一切義成如來 (Sarvārthasiddha-tathāgata).

[77] Nữ nhân tướng 女人相. VCX: nữ nhấn tánh 女人性. Skt. strī-liṅga.

[78] Chư pháp … vô hữu định tướng 諸法 無有定相. VCX: “Tánh và tướng của các pháp đều không phải là chân thật.”

[79] Vô tại vô bất tại 無在無不在; CDM (Đại 38, tr.0389c18), “Triệu nói: muốn nói có ở đó thì nay thấy là vô tướng. Muốn nói không có ở đó thì lại thấy ngay là hữu tướng.” VCX: vô tại vô biến 無在無變. VCS (T38n1782_p1085c18), “Y theo lý mà ứng đối, tướng nữ vốn không có, cho nên là bất tại. Nguyên lai thật không có nữ, thì cái gì được biến? Vả, pháp tánh vốn không, cái gì tại, cái gì biến? Bản dịch cũ nói vô tại vô bất tại. Không thật có nữ mà xưa tại đó, nay không tại đó. Cũng không có nữ thật, thì cái gì tại, cái gì không tại?” Skt. na vyavasthito naiva nirmāṇaḥ, không nguyên trạng cũng không biến thái.

[80] Phật hoá 佛化. VCX: Như lai sở hoá 如來所化; VCS: con người được Phật biến hoá ra. Skt. buddha/tathāgata-nirmāṇa.

[81] VCX: “Trở lại dị sinh (Skt. pṛthagjana) với tất cả tính chất của dị sinh (Skt. pṛthagjana-dharma).”

[82] A-la-hán đạo 阿羅漢道 . Cf. Vajracchedikā: tat kiṃ manyase subhūte api nu arhata evaṃ bhavati – mayā arhattvaṃ prāptam iti? Này Subhūti, A-la-hán có nghĩ rằng, “Ta chứng đắc quả vị A-la-hán” chăng?”

[83] VCX: 92 câu-chi na-dữu-đa 俱胝那庾多, Skt. koṭi-nayuta (~10 000 000 x 100 000 000= 1015)

***

Chương VIII. Phật Đạo

Văn-thù hỏi Duy-ma-cật:

“Bồ tát làm sao để thông đạt Phật đạo?”[2]

Duy-ma-cật nói:

“Bồ tát đi trên phi đạo[3] là thông đạt Phật đạo.”

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

“Bồ tát đi trên phi đạo là thế nào?”

Duy-ma-cật đáp:

“Bồ tát hành năm vô gián[4] mà không thù không hại.[5] Đi đến địa ngục mà không có cáu bẩn nào của tội lỗi.[6] Đi đến súc sinh mà không có các lỗi lầm của vô minh, kiêu, mạn.[7] Đi đến ngạ quỷ[8] mà vẫn đầy đủ công đức. đi lên các cõi Sắc và vô Sắc giới[9] mà không cho là hơn hết.[10] Thị hiện hành tham dục mà không nhiễm trước. Thị hiện hành sân hận thù nghịch mà không có thù hận ác ý đối với các chúng sinh. Thị hiện hành ngu si mà dùng trí tuệ để chế ngự tâm mình. Thị hiện hành xan tham bủn xỉn mà không tiếc cái gì sở hữu trong ngoài, thân mạng. Thị hiện hành phá giới mà an trụ trong tịnh giới, cho đến dù đối với tội nhỏ vẫn ôm lòng kinh sợ. Thị hiện hành sân nhuế mà thường hành từ, nhẫn nhịn. Thị hiện hành biếng nhác mà lại siêng năng tu tập công đức. Thị hiện hành loạn ý mà thường chánh niệm, tâm định. Thị hiện hành ngu si[11] mà thấu triệt tuệ thế gian và xuất thế gian. Thị hiện hành siểm ngụy mà khéo phương tiện tùy theo nghĩa kinh.[12] Thị hiện hành kiêu mạn[13] mà đối với chúng sinh thì như một chiếc cầu.[14] Thị hiện hành các phiền não mà tâm thường thanh tịnh. Thị hiện nhập bọn với Ma nhưng thuận với trí tuệ của Phật chứ không theo giáo thuyết khác.[15] Thị hiện nhập vào hàng Thanh văn, nhưng thường nói pháp chưa từng nghe cho chúng sinh. Thị hiện trong hàng Bích-chi-phật mà thành tựu đại bi giáo hoá chúng sinh. Thị hiện hoà nhập trong giới cùng khổ nhưng có bàn tay châu báu với công đức vô tận.[16] Thị hiện làm người khuyết tật mà thân tự trang nghiêm các tướng tốt đẹp đẽ. Thị hiện ở giữa giai cấp hạ tiện mà sinh vào chủng tính Phật, đủ các công đức. Thị hiện ở giữa người gầy xấu ốm yếu mà được thân Na-la-diên,[17] hết thảy chúng sinh đều ưa nhìn ngắm. Thị hiện người già yếu mà không ốm đau, vượt qua nỗi sợ hãi sự chết. Thị hiện có mọi tiện nghi của cuộc sống[18] vẫn luôn thấy rõ tính vô thường, không tham cầu gì. Thị hiện có thê thiếp và nàng hầu mà vẫn thường xa rời bùn sình ngũ dục. Thị hiện người đần độn, nói lắp, nhưng lại thành tựu biện tài bằng lực tổng trì không hề quên lãng.[19] Thị hiện đi vào bến tà[20] nhưng vẫn đưa chúng sinh đi qua bằng bến chánh. Hiện vào khắp các đạo mà đoạn trừ nhân duyên của chúng. Hiện ở niết bàn vẫn không dứt lìa sinh tử.[21]

“Văn-thù-sư-lợi, Bồ tát đi trên phi đạo như vậy là Bồ tát thông đạt Phật đạo.”

Đoạn Duy-ma-cật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:

“Thế nào là chủng tánh của Như Lai?”[22]

Văn-thù-sư-lợi đáp:

“Hữu thân[23] là chủng tánh; vô minh và hữu ái là chủng tánh; tham, sân, si là chủng tánh; bốn điên đảo là chủng tánh; năm chướng cái[24] là chủng tánh; sáu nhập[25] là chủng tánh; bảy thức xứ[26] là chủng tánh; tám tà pháp[27] là chủng tánh; chín não xứ[28] là chủng tánh; mười bất thiện nghiệp đạo là chủng tánh. Nói tóm, sáu mươi hai kiến và hết thảy phiền não đều là chủng tánh Phật.”

Duy-ma-cật hỏi Văn-thù-sư-lợi:

“Sao lại như vậy?”

Văn-thù-sư-lợi đáp:

“Vì người thấy pháp vô vi[29] rồi vào chánh vị[30] thì không còn phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cũng như trên gò đất cao thì làm sao nảy nở hoa sen; chỉ mọc nơi chỗ đầm lầy mới mọc hoa này. Cũng vậy, người thấy pháp vô vi rồi vào chánh vị thì cuối cùng không còn sinh nơi Phật Pháp.[31] Chỉ có chúng sinh ở chốn bùn lầy phiền não mới có thể phát khởi Phật pháp. Cũng như hạt giống đem bỏ giữa hư không không bao giờ có thể nảy mầm; đem vùi trong đất phân mới có thể tươi tốt. Do đó, người vào Chánh vị vô vi không phát sinh Pháp Phật; trong khi người khởi lên ngã kiến[32] lớn như núi Tu-di còn có thể phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác mà phát huy Pháp Phật.

“Cho nên, nên biết hết thảy phiền não đều là chủng tánh của Như Lai. Cũng như người không lặn xuống biển sâu thì không tìm được ngọc trai vô giá; cũng vậy người không lặn xuống biển phiền não sẽ không tìm được ngọc Nhất thiết trí.”

Lúc ấy Ma-ha Ca-diếp tán thán:

“Lành thay, Văn-thù-sư-lợi, lành thay, lời ông nói thật tuyệt. Đúng như những điều được nói, những đám trần lao đều là chủng tánh Như Lai. Chúng tôi nay thật chẳng thể phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác.[33] Cho đến người phạm năm tội vô gián cũng còn có thể phát ý sanh nơi Phật pháp nhưng chúng tôi thì vĩnh viễn không thể phát. Cũng như người mà căn đã hư hoại thì chẳng còn hưởng lợi được gì nơi ngũ dục. Cũng vậy, hàng Thanh-văn đã đoạn các kết sử chẳng còn thu hoạch gì thêm nơi Phật pháp, vĩnh viễn không có chí nguyện. Cho nên, Văn-thù-sư-lợi, phàm phu còn quay trở lại với Phật pháp chứ Thanh-văn thì không. Vì sao? Vì phàm phu khi nghe Pháp thì có thể phát khởi đạo tâm[34] vô thượng, để cho Tam bảo không gián đoạn. Giả sử Thanh-văn trọn đời nghe Pháp và thấy lực, vô úy của Phật, v.v… nhưng vĩnh viễn không thể phát đạo tâm vô thượng.”

Lúc ấy, trong hội chúng có Bồ tát tên Phổ-hiện Sắc-thân hỏi Duy-ma-cật:

“Cư sĩ, ai là cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc của ngài? Gia nhân tôi tớ của ngài, voi ngựa xe cộ của ngài ở đâu?”

Bấy giờ Duy-ma-cật trả lời bằng bài kệ:

Trí độ,[35] mẹ Bồ tát;

Phương tiện,[36] cha Bồ tát.

Hết thảy bậc Đạo sư

Đều từ đấy mà sinh.

Lấy Pháp hỷ làm vợ;

Tâm từ bi, con gái;

Tâm thành thật,[37] là trai.

Nhà, rốt ráo không-tịch;

Đệ tử là trần lao,[38]

Tùy nghi mà chuyển hoá.

Đạo phẩm,[39] là bạn hữu

Nhờ đây thành chánh giác.

Các độ, bạn đồng hành;

Bốn nhiếp là kỹ nữ;

Ca vịnh, tụng pháp ngôn,

Lấy đó làm âm nhạc.

Tổng trì là vườn hoa,

Vô lậu là rừng cây.

Giác ý,[40] hoa tươi đẹp

Quả, trí tuệ, giải thoát.

Tám giải[41] là hồ tắm;

Nước định lắng trong, đầy.

Rải bằng bảy hoa tịnh,[42]

Tắm gội người vô nhiễm.

Voi, ngựa: năm thần thông,

Kéo cổ xe Đại thừa;

Lấy nhất tâm[43] chế ngự

Dong ruổi tám chánh đạo.

Tướng tốt để nghiêm thân

Vẻ đẹp chuốt tư thái.

Tàm quý là trang phục

Thâm tâm[44] là tràng hoa.

Giàu có bảy tài bảo[45]

Dạy dỗ cho thêm ích.

Theo giáo thuyết tu hành

Hồi hướng làm đại lợi.[46]

Bốn thiền là giường chõng

Phát sinh từ tịnh mạng.[47]

Học nhiều, tăng trí tuệ,

Làm âm thanh thức tỉnh.[48]

Cam lộ là thức ăn;[49]

Vị giải thoát là tương;[50]

Tịnh tâm là tắm gội;

Giới phẩm là hương thoa.

Diệt trừ giặc phiền não,

Dũng mãnh không ai hơn.

Hàng phục bốn thứ ma

Cờ thắng dựng Đạo tràng.[51]

Dù biết không khởi, diệt

Vẫn thị hiện tái sanh

Trên khắp các quốc độ

Như mặt trời rọi khắp.

Cúng dường vô lượng Phật

Khắp mười phương thế giới

Mà không hề phân biệt

Có Phật và có ta.

Dù biết các cõi Phật

Cùng chúng sinh là không

Vẫn thường tu tịnh độ,

Để giáo hóa chúng sinh.

Chúng sinh vô số loại,

Sắc, thanh, và oai nghi;

Bồ tát lực, vô uý,[52]

Khoảnh khắc thảy hiển hiện.

Biết rõ việc chúng ma

Vẫn thị hiện hành theo,

Rồi bằng phương tiện trí,

Tuỳ ý mà thể hiện.[53]

Hoặc hiện già, bịnh, chết,

Để thành tựu chúng sinh;

Biết rõ là huyễn hoá,

Thông suốt không chướng ngại.

Hoặc hiện lửa tận thế

Đốt cháy rực cõi đất;

Khiến người tưởng thường hằng

Hiểu rõ pháp vô thường.

Vô số ức chúng sinh

Cùng đến thỉnh Bồ tát.

Một lúc chúng đến nhà,

Chỉ cho hướng Phật đạo.

Kinh sách và chú thuật,

Kỹ, mỹ nghệ đều tinh;

Lấy đó mà thị hiện,

Làm lợi ích quần sinh.

Xuất gia khắp các đạo,

Đạo pháp của thế gian;

Nhân đó trừ mê hoặc,

Chứ không đọa tà kiến.

Làm Vua mặt Trời, Trăng,

Phạm thiên, Thế giới chủ,

Có khi là đất, nước,[54]

Hoặc gió, hoặc là lửa.

Hoặc tai kiếp[55] tật dịch,

Thị hiện cây cỏ thuốc;

Để cho người được uống,

Trị dứt các dịch bịnh.

Hoặc tai kiếp đói kém;

Hiện thân làm thức ăn;

Trước cứu người đói khát

Sau dạy Pháp giải thoát.

Hoặc tai kiếp đao binh;

Khơi dậy tâm từ bi

Giáo hoá chúng sinh kia

Để sống không tranh chấp.

Hoặc khi gặp đại chiến,

Khiến hai bên cùng mạnh

Rồi dùng lực oai nghiêm

Làm họ giảng hòa nhau.

Trong khắp mọi quốc độ,

Chỗ nào còn địa ngục,

Liền thị hiện chỗ ấy

Giúp người giảm bớt khổ.

Trong khắp mọi quốc độ,

Súc sinh ăn thịt nhau;

Người thị hiện chỗ đó

Làm lợi ích cho chúng.[56]

Thị hiện thọ ngũ dục

Mà vẫn hiện hành thiền,

Làm rối loạn các ma

Không cho chúng tự tiện.

Hy hữu như trong lửa

Nở một đóa sen hồng;

Hành thiền trong ngũ dục

Cũng hy hữu như vậy.

Hoặc hiện làm dâm nữ

Dẫn dụ người háo sắc;

Trước lấy dục câu móc,

Sau hướng về Phật trí.

Hoặc là chủ thành ấp;

Hoặc làm chủ thương buôn;

Làm quốc sư, đại thần;

Cũng vì lợi chúng sinh.

Có người nghèo, đói rách,

Hiện làm kho vô tận;

Rồi nhân đó khuyên dẫn,

Khiến phát Bồ-đề tâm.

Với kẻ tâm kiêu mạn;

Hiện làm đại lực sỹ

Khuất phục các kiêu mạn,

Đưa về vô thượng đạo.[57]

Hoặc đám người kinh sợ,

Liền đến mà an ủi.

Trước làm cho hết sợ;

Sau khiến phát đạo tâm.

Hoặc hiện lìa dâm dục,[58]

Làm tiên nhân năm thông[59]

Để dắt dẫn quần sanh,

Trụ ở giới, nhẫn, từ.

Với người cần phục dịch,

Hiện thân làm tôi tớ

Khiến cho chủ hài lòng

Mà phát khởi Đạo tâm.

Tuỳ theo người nhu cầu,

Mà đưa vào Phật đạo;

Liền dụng lực phương tiện

Cấp cho đủ thứ cần.

Như thế, đạo vô lượng,

Và sở hành không bờ;

Trí tuệ không biên tế,

Người độ vô số chúng.

Dù hết thảy chư Phật

Trải qua vô lượng kiếp

Tán thán công đức này

Cũng không thể nói hết.

Pháp như vậy, ai nghe

Mà không phát bồ-đề?

Chỉ trừ kẻ vô dụng,

Hoặc si ám, vô tri.

*

CHÚ THÍCH

[1] DMC: Phật đạo phẩm 佛道品 . VCX: Bồ đề phần phẩm 菩提分品. Skt. Bodhi-pakṣa-varga. Chi Khiêm: Phẩm Như lai chủng tánh 如來種品第八.

[2] Thông đạt Phật đạo. VCX, chư Phật pháp đáo cứu cánh thú; “Làm thế nào để đạt đến chỗ quy hướng cứu cánh trong Phật pháp.” Skt. buddha-dharmeṣu niṣṭhita-gatiḥ.

[3] Phi đạo 非道; La-thập nói (Đại 38, tr.390b27): “Có ba thứ phi đạo. 1. Quả báo dẫn đến cõi xấu ác. 2. Hành nghiệp dẫn đến cõi xấu ác. 3. Nghiệp thiện thế tục, và quả báo của nghiệp thiện. VCX: phi thú 非趣; Khuy Cơ (T38n1782_p1086c10): “Chỗ mà phàm hướng đến để quay về gọi là thú 趣. Chỗ quay về của Thánh nhân không phải là chỗ quay về của phàm phu. Đi trên lối đi không thích hợp ấy gọi là hành phi thú 行非趣.”

[4] VCX: ngũ vô gián thú 五無間趣 (Skt. pañca ānantaryārgatayaḥ= pañca ānantaryāṇi karmāni), chỉ năm nghiệp vô gián: giết cha (pitṛ-ghātaḥ), giết mẹ (mātṛ-ghātaḥ), hại A-la-hán (arhad-vadaḥ), phá hoà hiệp tăng (saṃgha-bhedaḥ), gây thương tích nơi Phật (tathāgatasyāntike duṣṭa-citta-rudhirotpādanaṃ).

[5] Não nhuế 惱恚; VCX: nhuế não phẫn hại độc tâm 恚惱忿害毒心, tâm ác độc, thù hận, quấy nhiễu, phẫn nộ, ác hại.

[6] Tội cấu 罪垢. VCX: phiền não trần cấu 煩惱塵垢. Skt. kleśa-mala.

[7] Có thể DMC nhảy sót; VCX: “đi trên lối A-tố-lạc (Skt. āsura) mà không còn ngạo mạn, kiêu dật.”

[8] VCX: “Đi trên lối của Diệm-ma vương (Skt. Yama-rāja) mà chứa nhóm rộng rãi vô lượng tư lương của phước và huệ.”

[9] Hành sắc vô sắc giới đạo 行色無色界道. VCX: hành ư vô sắc định thú 無色定趣.(ārūpya-samāpatti-gati).

[10] VCX: “… mà không xu hướng cảm thọ lạc đối với định ấy.”

[11] VCX: ác tuệ hành thú 惡慧行趣. Skt. pāpa-mati-gati ; Cf. Câu-xá 10 (Đại 29, tr. 51c21): tuệ nhiễm ô được gọi là ác tuệ (Skt. kuprajñā/ kutsitā prajñā).

[12] Kinh nghĩa 經義; La-thập dùng từ Hán thư, chỉ đạo lý ghi trong kinh điển. VCX: thể hiện thành công phương tiện thiện xảo.

[13] VCX: mật ngữ phương tiện kiêu mạn 密語方便憍慢: kiêu mạn như là phương tiện của mật ngữ (Skt. sandhyopāyamāna?). VCS (T38n1782_p1087b11) giải thích: “Người đời chúc nhau ‘Không bệnh, sống lâu’; Bồ tát cũng nói theo… như là phương tiện độ người.”

[14] La-thập (Đại 38, tr.0391a12): “Ý nói khiêm tốn như làm đồ vật cho người ta dẫm đạp lên mà vẫn nhẫn nhịn, không kiêu mạn.”

[15] VCX: bất tuỳ tha duyên 不隨他緣, không lệ thuộc điều kiện của người.

[16] La-thập (Đại 38, tr.0391a25) nói: “bảo vật từ bàn tay tuôn ra bất tận.”

[17] Na-la-diên thân 那羅延身; La-thập (ibid.) nói: “Thân thể đẹp đẽ, rắn chắc như lực sỹ nhà trời.” Skt. nārāyaṇa-bala (kāya).

[18] VCX: cầu tài vị 求財位. Skt. bhogānārabhya-paryeṣṭi.

[19] Tổng trì vô thất 總持無失. VCX: đà-la-ni niệm tuệ vô thất 陀羅尼念慧無失.

[20] Tà tế 邪濟. VCX: tà đạo 邪 道.

[21] DMC nhảy một đoạn; VCX: “Tuy thị hiện chứng đắc diệu Bồ đề, chuyển đại pháp luân, nhập Niết-bàn nhưng vẫn tinh cần tu tập Bồ tát hành, tiếp nối không dứt.”

[22] Như lai chủng 如來種. La- thập (Đại 38, tr.0391b27) nói, “Chủng, và căn bản nhân duyên, cùng một nghĩa.” Đạo Sinh (ibid.) nói, “Mượn hạt giống lúa mà nói Như lai chủng.” Chủng ở đay đựơc hiểu là bīja. VCX: Như lai chủng tánh 如來種性; VCS (T38n1782, tr.p1087c22): “Chủng là nhân; tánh là loại. Thể loại của nhân của Phật gọi là Phật chủng tánh.” Skt. tathāgata-gotra: gia tộc hay dòng dõi. Cf. Du già sư địa 35 (T30n1579, tr.478c12): “Có hai loại chủng tánh: 1. Bản tánh trụ (Skt. prakṛti-stha-gotra), chủng tánh tự nhiên có sẵn từ vô thủy của Bồ tát. 2. Tập sở thành (samudānīta-gotra), do tu tập các thiện căn mà thành… Chủng tánh này cũng có nghĩa là chủng tử (gotra = bīja).”

[23] Hữu thân 有身. La-thập, “Hữu thân, chỉ năm thọ ấm (=thủ uẩn, Skt. upādāna-skandha) thuộc hữu lậu.” VCX: ngụy thân chủng tánh 偽身種性. Khuy Cơ (T38n1782, tr.1088a19):”Tức thân năm uẩn làm đối tượng cho tát-ca-da kiến (Skt. satkāya-dṛṣṭi).”

[24] Ngũ cái 五蓋. Skt. pañca nīvaraṇāni, ngăn che và chướng ngại.

[25] VCX: lục xứ chủng tánh 六處種性. Skt. ṣaḍ āyatanāni , sáu nội xứ hay sáu căn.

[26] Thất thức trụ 七識住. Skt. vijñāna-sthiti, bảy chỗ an trụ của thức. Cf. Câu-xá 8 (Đại 29, 42c)

[27] Tám tà pháp 八邪法; các bản không giải. Thường chí phần đối lập với tám chánh đạo.

[28] Chín não xứ; chín trường hợp thù oán: 1. Oan gia của người mà ta thương; 2. Thân hữu của người mà ta ghét; 3. Gây phiền cho bản thân ta. Nhân với ba thời thành chín. Skt. āghāta-sthāna. Cf. Pali, Saṅgīti, D.iii.262, nava āghāta-paṭivinayā.

[29] Kiến vô vi 見無為 .La-thập nói (Đại 38, tr.0392b01): “Vô vi, tức tận đế (= diệt đế; Skt. nirodha-satya).

[30] Chánh vị 正位 . La-thập (ibid.) nói: “Từ khổ pháp nhẫn cho đến vô sinh A-la-hán, cho đến Phật vị, đều gọi là chánh vị.” VCX: chánh tánh ly sanh vị 正性離生位. Khuy Cơ (T38n1782 tr.1088b26): “Chánh tánh chỉ chân lý Thánh đế. Sanh, chỉ dị sanh (Skt. pṛthagjana: phàm phu). Ly sanh, tức vượt ngoài địa vị phàm phu… Đây chỉ địa vị Dự lưu trở lên.”

[31] VCX: “Không thể phát khởi tâm Nhất thiết trí 一切智心 (Skt. sarvajñatā-citta).”

[32] VCX: khởi thân kiến 身見. (Skt. satkāya-dṛṣṭi: hữu thân kiến).

[33] VCX: “Chúng tôi, trong dòng tương tục của tâm, hạt giống sanh tử đã mục nát, không còn cơ hội để phát tâm…”

[34] Đạo ý 道意 : Bồ đề tâm.

[35] Giải thích của Khuy Cơ (T38n1782_p1089b25): trong bản Huyền Trang, chỉ ba-la-mật thứ sáu tức Bát-nhã ba-la-mật (Skt. prajñāpāramitā) vốn là trí vô phân biệt (Skt. nirvikalpa-jñāna); trong bản La-thạp, trí độ chỉ ba-la-mật thứ mười (jñāna-pāramitā).

[36] Khuy Cơ, đây chỉ ba-la-mật thứ 7, mà tự thể là hậu đắc trí (pṛṣṭhalabdha-jñāna).

[37] Thiện tâm thành thật 善心誠實. Chân thật đế pháp 真實諦法 (Skt. satya-dharma).

[38] VCX: “Lấy phiền não nô lệ hèn mọn và kẻ giúp việc, tuỳ ý mà sử dụng .”

[39] Đạo phẩm, La-thập nói: 37 phẩm chung cho cả ba thừa. Đạo phẩm của Bồ tát kiêm cả sáu ba-la-mật. VCX: Giác phần 覺分 (Skt. bodhi-pakṣa). Khuy Cơ: Nhân tố của Bồ đề nên gọi là giác phần, chứ không phải là 37 phần Bồ đề.

[40] Giác ý 覺意, Đạo Sinh: chỉ 7 giác ý; Skt. bodhyaṅga. VCX: giác phẩm 覺品; Khuy Cơ: chỉ 37 giác phẩm hay trợ đạo; Skt. bodhi-pakṣa.

[41] Tám giải thoát 八解脫 (Skt. aṣṭau vimokṣāḥ).

[42] Bảy thanh tịnh 七清淨: 1. giới tịnh; 2. tâm tịnh; 3. kiến tịnh; 4. độ nghi tịnh; 5. phân biệt đoạ tịnh; 6. hành trí kiến tịnh; 7. hành đoạn trí kiến tịnh.

[43] La-thập: “Nhất tâm, trong bản phạm là hoà hiệp 和合 (Skt. samagrī?) . Trong đạo phẩm có ba tướng: phát động, nhiếp tâm và xả. Phát động quá thì tâm tán; do đó cần thâu nhiếp lại. Nhiếp quá thì chìm nên cần tinh tấn… Đông tĩnh thích hợp, khoan thai xử trung; đó là xả. Xả là đã được chế ngự. Được chế ngự, là hoà hiệp.” VCX: bồ-đề tâm (Stk. bodhicitta).

[44] VCX: thắng ý lạc 勝意樂 (Skt. adhyāśaya).

[45] Chỉ 7 Thánh tài 七聖財 (Skt. sapta dhanāni): tín, giới, tàm, quý, đa văn, xả, tuệ.

[46] VCX: hồi hướng đại Bồ đề.

[47] Tùng ư tịnh mạng sanh 從於淨命生; Khuy Cơ cho là văn dịch này hơi tối nghĩa. VCX: lấy tịnh mạng (Skt. śuddhājīva) là chăn đệm.

[48] La-thập: “người sang quý ngoại quốc, khi mặt trời mọc, sai người tấu nhạc để đánh thức.” VCX: “Niệm, trí thường giác ngộ; tâm luôn luôn tại định.”

[49] VCX: “Thức ăn là pháp bất tử (Skt. amṛta-dharma)

[50] Tương 漿 , đây chỉ thức uống.

[51] VCX: “dựng cờ diệu Bồ đề.”

[52] Chỉ 10 lực và 4 vô uý của Bồ tát.

[53] Khuy Cơ diễn ý: “Tuy biết rõ các nghiệp của Ma, nhưng thị hiện như là hành động theo chúng. Cho đến giai đoạn cứu cánh, bằng vào tuệ phương tiện mà dứt sạch tất cả.”

[54] La-thập (Đại 38, tr.0395c14): “Hoặc khi thấy có người ra biển mà thuyền sắp bị chìm, Bồ tát biến mình thành đất liền để làm chỗ trú ẩn…”

[55] Trung kiếp 劫中 (Skt. antarkalpa), chỉ thời tận thế. Trong thời này, loài người chịu ba tai họa nhỏ, gọi là tiểu tam tai: dịch bịnh, đói kém, chiến tranh. Cf. Câu-xá 12 (Đại 29, tr. 65c25).

[56] VCX: “Làm lợi lạc, đó gọi là bản sanh.” Khuy Cơ (T38n1782, tr.1090c14): “Những việc làm lợi lạc như vậy, khi đã thành Phật được gọi là bản sanh. Đó chính là Bản sanh sự của Bồ tát.”

[57] VCX: khiến phát Bồ đề nguyện.

[58] VCX: thanh tịnh tu phạm hạnh.

[59] Ngũ thông tiên nhân 五通仙人 (Skt. pañcābhijña ṛṣi).

***

Chương IX. Pháp Môn Bất Nhị

Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với các Bồ tát hiện diện: “Thưa các nhân giả, thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị? Mong các vị hãy tùy chỗ sở thích của mình mà trình bày.”

1. Trong hội có Bồ tát Pháp Tự Tại[2] nói: “ Thưa chư nhân giả, sanh và diệt là hai. Pháp trước vốn không sanh, nay tất không diệt. Lãnh hội pháp nhẫn vô sanh này là vào Pháp môn bất nhị.”

2. Bồ tát Đức Thủ[3] nói: “Ngã và ngã sở là hai. Nhân bởi có ngã nên có ngã sở. Nếu không có ngã thì không có ngã sở. Đó là vào Pháp môn bất nhị.”

3. Bồ tát Bất Huyến[4] nói: “Thọ và bất thọ[5] là hai. Nếu không thọ các pháp thì không khả đắc.[6] Vì không khả đắc cho nên không thủ, không xả, không tác, không hành. Đó là vào Pháp môn bất nhị.”

4. Bồ tát Đức Đỉnh[7] nói: “Cáu bẩn và thanh tịnh là hai. Thấy được tánh của cáu bẩn thì không còn tướng tịnh, thuận theo tướng tịch diệt. Đó là vào Pháp môn bất nhị.”

5. Thiện Tú[8] Bồ tát nói: “Động và niệm[9] là hai. Không động thì không niệm. Không niệm thì không phân biệt. Đạt đến chỗ này là vào Pháp môn bất nhị.”

6. Bồ tát Thiện Nhãn[10] nói: “Nhất tướng với vô tướng là hai. Hiểu được nhất tướng rốt ráo là vô tướng, không chấp vào vô tướng để thành tựu bình đẳng, đó là vào Pháp môn bất nhị.”

7. Bồ tát Diệu Tý[11] nói: “Tâm Bồ tát với tâm Thanh-văn là hai. Quán tướng của tâm vốn rỗng không, hư ảo, thì chẳng có tâm nào là tâm Bồ tát hay tâm Thanh-văn. Đó là vào Pháp môn bất nhị.”

8. Bồ tát Phất-sa[12] nói: “Thiện và bất thiện là hai. Nếu không khởi thiện hay bất thiện là nhận chân thật tế của vô tướng. Thông suốt như vậy là vào Pháp môn bất nhị.”

9. Bồ tát Sư Tử nói: “Tội, phước[13] là. Hiểu được tánh của tội chẳng khác tánh của phước. Lấy trí tuệ kim cang mà quyết rõ tướng này, không ràng buộc, chẳng giải mở; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

10. Bồ tát Sư Tử Ý[14] nói: “Hữu lậu và vô lậu là hai. Nếu chứng các pháp là bình đẳng thì chẳng khởi tưởng hữu lậu hay vô lậu, không vướng vào tướng, không trụ vô tướng; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

11. Bồ tát Tịnh Giải[15] nói: “Hữu vi, vô vi là hai. Nhưng nếu lìa các số[16] thì tâm như hư không,[17] trí tuệ thanh thịnh, chẳng còn chỗ trở ngại; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

12. Bồ tát Na-la-diên[18] nói: “Thế gian và xuất thế gian là hai nhưng tánh của thế gian là không thì cũng là xuất thế gian. Ở trong đó không vào, không ra, không đầy,[19] không tan; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

13. Bồ tát Thiện Ý[20] nói: “Sinh tử và Niết bàn là hai. Nếu thấy được tánh của sinh tử thì chẳng còn sinh tử, không trói buộc, không cởi mở, không bùng cháy, không dập tắt.[21] Hiểu được vậy là vào Pháp môn bất nhị.”

14. Bồ tát Hiện Kiến[22] nói: “Tận và bất tận là hai. Trong cứu cánh, pháp tận cũng như bất tận đều chính là tướng vô tận.[23] Tướng vô tận tức là không.[24] Không thì không có tướng tận hay bất tận. Vào chỗ đó là vào Pháp môn bất nhị.”

15. Bồ tát Phổ Thủ[25] nói: “Ngã và vô ngã là hai. Ngã còn không thể nắm bắt được, phi ngã làm sao nắm bắt? Nhìn ra thật tánh này của ngã thì không khởi nhị nguyên nữa; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

16. Bồ tát Điện Thiên[26] nói: “Minh, vô minh là hai. Nhưng thật tánh của vô minh chính là minh. Minh cũng không thể thủ, lìa hết thảy số.[27] Ở trong đó mà bình đẳng không hai; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

17. Bồ tát Hỷ Kiến[28] nói: “Sắc và Sắc Không là hai. Sắc chính là Không, không phải do sắc diệt mà không, nhưng tính của Sắc tự nó là Không. Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy. Thức và Không là hai. Thức cũng chính là Không, không phải do Thức diệt mà không, vì tánh của Thức chính là Không vậy. Thông đạt chỗ này là vào Pháp môn bất nhị.”

18. Bồ tát Minh Tướng[29] nói: “Bốn đại chủng và không đại chủng[30] là hai. Tánh của bốn đại chủng chính là không đại chủng. Cũng như tiền tế[31] và hậu tế đều là không, cho nên trung tế cũng là không. Thấu suốt tánh này của bốn đại chủng là vào Pháp môn bất nhị.”

19. Bồ tát Diệu Ý[32] nói: “Con mắt, và sắc là hai. Nếu biết tánh của con mắt ở nơi sắc chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. Cũng vậy, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với cảm xúc, ý với các pháp là hai. Nếu biết thật tánh của ý ở nơi pháp chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. An trụ trong đây là vào Pháp môn bất nhị.”

20. Bồ tát Vô Tận Ý[33] nói: “Bố thí và hồi hướng đến nhất thiết trí là hai. Nhưng tánh của bố thí chính là sự hồi hướng đến nhất thiết trí. Cũng vậy, trì giới , nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ với hồi hướng nhất thiết trí là hai. Nhưng tánh của trí tuệ là tánh của hồi hướng nhất thiết trí. Ở trong đây mà thâm nhập nhất tướng, là vào Pháp môn bất nhị.”

21. Bồ tát Thâm Huệ[34] nói: “Đây là không, đây là vô tướng, đây là vô tác, là hai.[35] Nhưng không tức là vô tướng. Vô tướng tức là vô tác. Không, vô tướng, vô tác tức không tâm, không ý, cũng không thức.[36] Ở trong một giải thoát môn cũng chính trong cả ba giải thoát môn. Đó là vào Pháp môn bất nhị.”

22. Bồ tát Tịch Căn[37] nói: “Phật, Pháp, Chúng là hai. Phật tức là Pháp. Pháp tức là Chúng. Tam bảo này tướng vô vi, bình đẳng với hư không, hết thảy các pháp cũng vậy. Thấu suốt Pháp này là vào Pháp môn bất nhị.”

23. Bồ tát Tâm Vô Ngại[38] nói: “Thân với thân diệt[39] là hai. Thân cũng chính là thân diệt. Vì sao? Vì thấu rõ thật tánh của thân thì không còn khởi ý niệm về thân hay thân diệt, vì cả hai rốt ráo là bất nhị, không khác. Ở trong đó mà không kinh, không sợ, là vào Pháp môn bất nhị.”

24. Bồ tát Thượng Thiện[40] nói: “Thân, khẩu, ý thiện[41] là hai. Tướng của ba nghiệp này là vô tác. Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của miệng. Tướng vô tác của miệng tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của hết thảy pháp. Nếu có thể tùy theo trí tuệ vô tác như vậy là vào Pháp môn bất nhị.”

25. Bồ tát Bồ tát Phước Điền[42] nói: “Phước hành, tội hành và bất động hành[43] là hai. Thật tánh của ba hành là không. Không bố thí, không phước hành, không tội hành, không bất động hành. Không khởi ba hành này là vào Pháp môn bất nhị.”

26. Bồ tát Hoa Nghiêm[44] nói: “Từ ngã mà khởi nhị nguyên, đó là hai. Thấy thật tướng của ngã, nhị nguyên này sẽ không khởi. Nếu không trụ nơi pháp nhị nguyên thì không có thức. Không có gì được nhận thức, đó là vào Pháp môn bất nhị.”

27. Bồ tát Bồ tát Đức Tạng[45] nói: “Sự có sở đắc là phân hai. Nếu không sở đắc thì không thủ cũng không xả. Không thủ, không xả là vào Pháp môn bất nhị.”

28. Bồ tát Nguyệt Thượng[46] nói: “Tối, sáng là hai. Không tối, không sáng thì không hai. Vì sao? Như nhập diệt tận định thì chẳng còn tối hay sáng. Tướng của hết thảy các pháp cũng như vậy. Ở trong đó bình đẳng mà vào. đó là vào Pháp môn bất nhị.”

29. Bồ tát Bảo Ấn Thủ[47] nói: “Vui thích Niết bàn, không vui thích thế gian là sự hai. Nếu không vui thích Niết bàn, không chán ghét thế gian, thế thì không có hai. Vì sao? Nếu có buộc mới có cởi. Nhưng nếu chẳng có buộc ràng thì ai mong cầu cởi trói? Không ràng buộc, không cởi mở, tức không thích cũng không chán; đó là vào Pháp môn bất nhị.”

30. Bồ tát Châu Đỉnh Vương[48] nói: “Chính đạo và tà đạo là hai. Người trụ ở chính đạo tất không phân biệt chính, tà.[49] Lìa hai thái cực này là vào Pháp môn bất nhị.”

31. Bồ tát Lạc Thật[50] nói: “Thật, bất thật là hai. Người thấy sự thật còn không cho đó là thật, huống gì là cái bất thật. Vì sao? Đó là cái mà mắt thịt không thể thấy, chỉ có con mắt huệ mới nhìn ra. Nhưng con mắt huệ thì không có sự thấy, cũng không có sự không thấy. Đó là vào Pháp môn bất nhị.”

Chư Bồ tát đã lần lượt từng vị trình bày xong, liền hỏi Văn-thù-sư-lợi:

“Thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị?”

Văn-thù-sư-lợi nói:

“Theo ý tôi, đối với hết thảy pháp không nói, không thuyết, không chỉ thị, không nhận thức;[51] vượt ngoài vấn đáp. Đó là vào bất nhị pháp môn.”

Đoạn Văn-thù hỏi Duy-ma-cật:

“Chúng tôi mỗi người đã nói rồi, xin nhân giả cho biết thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị?”

Bấy giờ, Duy-ma-cật lặng im không nói.

Văn-thù-sư-lợi tán thán:

“Tuyệt, tuyệt thay; cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào Pháp môn bất nhị.”

Khi thuyết phẩm Pháp môn bất nhị này, năm ngàn Bồ tát trong hội đều vào Pháp môn bất nhị, đắc vô sanh pháp nhẫn.

*

CHÚ THÍCH

[1] Chi Khiêm: Bất nhị nhập 不二入品第九.

[2] Pháp Tự Tại 法自在.

[3] Đức Thủ 德守. VCX. Thắng Mật 勝密. Skt. Śrīgupta . Chi Khiêm: Thủ Bế 首閉.

[4] Bất Huyến 不眴. VCX. Vô Thuấn 無瞬.

[5] Thọ bất thọ 受不受. VCX. hữu thủ vô thủ 有取無取. La thập: “Thọ và bất thọ, tức chấp thủ tướng và không chấp thủ tướng.”

[6] VCX: “Không chấp thủ thì không có gì là sở đắc. Không sở đắc nên không tăng không giảm.”

[7] Đức Đỉnh 德頂; VCX: Thắng Phong 勝峰. Skt. Śrīkūṭa.

[8] Thiện Túc 善宿; VCX: Diệu Tinh 妙星. Sunakṣatra.

[9] VCX: tán động và tư duy 散動思惟.

[10] Thiện Nhãn 善眼; VCX: Diệu Nhãn 妙眼. Skt. Sunetra.

[11] Diệu Tý 妙臂. Skt. Subāhu. Chi Khiêm: Thiện Đa 善多.

[12] Phất-sa 弗沙; La-thập nói: “Đây là sao Quỷ trong 28 tinh tú. Tức Skt. Puṣya(nakṣatra). VCX: Dục Dưỡng 育養 . Theo đây thì Skt. là Poṣa (nuôi lớn)., sự thịnh vượng, phát đạt. Chi Khiêm: Phụng Dưỡng 奉養.

[13] VCX: “Có tội và không tội.”

[14] Sư Tử Ý 師子意; VCX: Sư Tử Tuệ 師子慧. Skt. Siṃhamati. Chi Khiêm: Dũng Ý 勇意.

[15] Tịnh Giải 淨解; VCX: Tịnh Thắng Giải 淨勝解. Śuddhādhimukta.

[16] Ly nhất thiết số 離一切數. VCX: viễn ly các hành 遠離諸行. Trong bản La-thập, Skt. đọc là abhisaṃkhyā, con số, sự tính đếm. Trong bản VCX, Skt. abhisaṃskāra, hành, tác hành. Khuy Cơ (T38n1782_p1092a12): “Viễn ly hết thảy các hành hữu vi.”

[17] VCX: giác tuệ như không 覺慧如空. VCS (T38n1782_p1092a11): “Khởi giác tuệ, tức trí quán vô vi như không.”

[18] Na-la-diên 那羅延. Skt. Nārāyaṇa, con người nguyên thuỷ, Kim cang lực sĩ. Chi Khiêm: Nhân Thừa 人乘 (Skt. Narayāna).

[19] Bất dật 不溢. La-thập: “Bản Phạn nói là lưu 流 .” VCX: vô lưu 無流. VCS (T38n1782, p1092a16): “Cựu dịch là dật, có nghĩa là lưu dật 流溢 (chảy tràn).”

[20] Thiện Ý 善意. VCX: Điều Thuận Tuệ 調順慧. Skt. Suvinitamati.

[21] VCX: “Liễu tri sinh tử tự tính vốn không; không lưu chuyển, cũng không tịch diệt.”

[22] Hiện kiến 現見. Chi Khiêm: Mục Kiến 目見.

[23] La-thập: “Pháp bị huỷ diệt mà không hoàn toàn diệt tận, nên nói là bất tận.” VCX (T38n1782, p1092b02): “Cựu dịch…không còn cái gì để có thể tận cùng hơn nữa, cho nên cái hữu tận chính là cái vô tận.”

[24] Nhảy một đoạn trong bản của La-thập. VCX: “Lại nữa, hữu tận, là trong từng sát na, từng sát na, không có cái hữu tận thì đó là vô tận. Không có cái hữu tận, nên cái vô tận cũng không. Thấu hiểu tự tính của hữu tận và vô tận vốn không, đó là nhập bất nhị pháp môn.”

[25] Phổ Thủ 普守. VCX: Phổ Mật 普密. Skt. Samantagupta. Chi Khiêm: Phổ Bế 普閉.

[26] Điện Thiên 電天. Chi Khiêm: Minh Thiên 明天.

[27] VCX: “Minh và vô minh đều bất khả đắc. Không thể tính toán; siêu việt con đường tính toán.”

[28] Hỷ Kiến 喜見. Chiêm Khiêm: Ái Cẩn 愛覲.

[29] Minh Tướng 明相 . VCX: Quang Tràng 光幢 (Skt. Prabhādvaja). Chi Khiêm: Quang Tạo 光造 (Skt. Prabhākara).

[30] Tứ chủng 四種 . La-thập, đây chỉ tứ đại tức bốn đại chủng (mahābhūtāni). VCX: “Bốn giới (dhātu) và không giới (ākāśa-dhātu) là hai.” Xem Câu-xá i.12: đại chủng vị tứ giới 大種謂四界.

[31] Tiền tế 前際 (Skt. pūrva-koṭi), biên tế tối sơ của thời gian.

[32] Diệu Ý 妙意. VCX: Diệu Huệ 妙慧. Skt. Sumati.

[33] Vô Tận Ý 無盡意. VCX: Vô Tận Tuệ 無盡慧. Skt. Akṣayamati.

[34] Thâm Tuệ 深慧. VCX: Thậm Thâm Giác 甚深覺. Chi Khiêm: Thâm Diệu 深妙.

[35] VCX: không, vô tướng, vô nguyện.

[36] VCX: “(…) trong vô nguyện nay không có tâm, không có ý, không có thức để có thể được vận chuyển.”

[37] Tịch Căn 寂根. VCX: Tịch tĩnh căn 寂靜根. Skt. Śāntendiya (Cf. Gaṇḍ., Rāstr., Śikṣ.)

[38] Tâm Vô Ngại 心無閡. VCX: Vô Ngại Nhãn 無礙眼. Chi Khiêm: Bất Huỷ Căn 不毀根.

[39] La-thập: “Thân là năm thủ uẩn. Thân diệt là Niết bàn.” VCX: tát-ca-da 薩迦耶 và tát-ca-da diệt 薩迦耶滅 . Skt. satkāya, satkāya-nirodha.

[40] Thượng Thiện 上善. VCX: Thiện Điều Thuận 善調順. Chi Khiêm: Thiện Đoạn 善斷.

[41] VCX: ba luật nghi (Skt. saṃvara, sự phòng hộ).

[42] Phước Điền 福田. Chi Khiêm: Phước Độ (Phúc Thổ) 福土.

[43] Tội hành 罪行, chỉ các nghiệp bất thiện. Phước hành 福行: nghiệp thiện Dục giới. Bất động hành 不動行: nghiệp thuộc Sắc và Vô sắc giới.

[44] Hoa Nghiêm 華嚴.

[45] Đức Tạng 德藏. VCX: Thắng Tạng 勝藏. Skt. Śrīgarbha (Cf. Saddh., Mvyut.). Chi Khiêm: Thủ Hoài 首懷.

[46] Nguyệt Thượng 月上. Chi Khiêm: Nguyệt Thạnh 月盛.

[47] Bảo Ấn Thủ 寶印手. Skt. Ratnamudrahasta; Mvyut.

[48] Châu Đỉnh Vương 珠頂王. VCX: Châu Kế Vương 珠髻王. Skt. Maṇicūḍarāja, cf. Mvyut.. Lal.v. Chi Khiêm: Tâm Châu Lập 心珠立.

[49] VCX: “Người an trụ Cánh đạo thì cứu cánh không hành tà đạo. Vì không hành (không đi) cho nên không có hai tương tà đạo và chính đạo.”

[50] Lạc Thật 樂實. VCX: Đế Thật 諦實 . Chi Khiêm: Thành Lạc Ngưỡng 誠樂仰.

[51] La-thập: vô ngôn 無言, vô thuyết 無說, vô thị 無示, vô thức 無識. VCX: vô ngôn, vô thuyết, vô biểu, vô thị 無表無示.

***

    Xem thêm:

  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Duy Lực dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Thích Huệ Hưng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 1 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng