QUYỂN 3
Chương X: Phật Hương Tích
Lúc bấy giờ Xá Lợi Phất tâm niệm, “Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát này sẽ ăn gì đây.” Duy Ma Cật biết ý đó, bèn nói:
“Phật đã dạy tám pháp giải thoát.[2] Nhân giả đã thọ hành. Há lẫn lộn giữa sự muốn ăn và nghe Pháp sao? Nếu ngài muốn ăn, xin chờ giây lát, sẽ được bữa ăn hiếm có.”
Tức thì, Duy Ma Cật nhập định[3] và dùng thần thông lực chỉ cho hội chúng thấy ở phương trên, cách thế giới này vượt qua bốn mươi hai Hằng hà sa số cõi Phật, có một nước tên là Chúng hương,[4] có Phật hiệu Hương Tích[5] nay đang tại thế. Hương thơm của quốc độ này át hẳn mọi hương thơm của chư thiên trong các quốc độ khắp mười phương. Trong quốc độ đó không có tên gọi Thanh Văn và Bích chi Phật[6] mà chỉ có chúng đại Bồ Tát thanh tịnh nghe Phật giảng Pháp. Ở đó hương thơm tạo ra mọi thứ như lầu các, đất đai, vườn tược và hoa viên khiến chúng tỏa mùi thơm ngát. Còn thực phẩm thì có mùi thơm lan tỏa đến vô lượng thế giới khắp mười phương. Ngay lúc bấy giờ Phật và chư Bồ Tát ở đó vừa cùng ngồi lại để thọ thực được dâng cúng bởi những người con của chư thiên thảy đều có tên là Hương Nghiêm,[7] đều đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng. Hết thảy hội chúng đều trông thấy cảnh này.
Duy Ma Cật nói với hội chúng:
“Trong chư tôn giả, ai có thể đến đó để xin phẩm thực của đức Thế Tôn?”
Nhưng do oai thần của Văn Thù Sư Lợi nên hết thảy chư Bồ Tát đều im lặng. Thấy vậy, Duy Ma Cật nói:
“Nhân giả, đại chúng này há không thấy hỗ thẹn sao?”[8]
Văn Thù Sư Lợi đáp lại: “Phật có dạy, không nên khinh thường người chưa từng học.”
Khi ấy, Duy Ma Cật vẫn không rời chồ ngồi, ở ngay trước đại chúng, dùng thần lực tạo ra một vị hóa Bồ Tát có thân tướng sáng ngời, oai nghiêm thù thắng bao trùm cả chúng hội, rồi nói với vị này:
“Ông hãy đi lên phương trên, vượt qua bốn mươi hai Hắng hà sa cõi Phật, có quốc độ tên gọi là Chúng hương, có Phật hiệu Hương Tích, cùng với các Bồ Tát vừa mới ngồi lại để thọ thực. Ông hãy đến chỗ đó, mang lời tôi mà thưa rằng, đảnh lễ Thế Tôn ở đó, thưa với ngài rằng: “Duy Ma Cật cúi đầu lễ dưới chân Thế Tôn, vô vàn tôn kính, và thăm hỏi sức khỏe Thế Tôn, ít bệnh, ít não, khí lực an ổn chăng? Nguyện xin chút thức ăn dư của Thế Tôn, mang về thế giới Ta bà[9] để làm Phật sự; để cho những ai hâm mộ Pháp nhỏ được mở rộng sang đường lớn, và cũng để cho danh hiệu Như Lai được lan truyền khắp nơi.”“
Sau đó hết thảy hội chúng đều nhìn thấy vị hóa Bồ Tát ngay trước đại chúng bay lên phương trên, đến cõi Chúng hương, quỳ lạy dưới chân Phật ở đó, và lại nghe tiếng của hoá Bồ Tát ấy nói, “Duy Ma Cật cúi đầu lễ dưới chân Thế Tôn, vô vàn tôn kính, và thăm hỏi sức khỏe Thế Tôn, ít bệnh, ít não, khí lực an ổn chăng? Nguyện xin chút thức ăn dư của Thế Tôn, mang về thế giới Ta bà để làm Phật sự; để cho những ai hâm mộ Pháp nhỏ[10] được mở rộng sang Đường lớn, và cũng để cho danh hiệu Như Lai được lan truyền khắp nơi.”“
Chư Bồ Tát ở cõi đó trông thấy vị hoá Bồ Tát này, tán thán là chưa từng có, tự hỏi không biết Thượng nhân này từ đâu đến? Thế giới Ta bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là những người hâm mộ pháp nhỏ? Các ngài liền hỏi Phật. Phật nói:
“Có một thế giới tên là Ta bà, nằm ở phương dưới cách đây vô số quốc độ bằng số cát của bốn mươi hai sông Hằng. Ở đó có đức Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni hiện đang ở giữa cõi đời xấu xa đầy năm điều uế trược[11] mà phô diễn đạo giáo cho chúng sinh ưa thích pháp nhỏ. Ở đó còn có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật đã an trụ giải thoát bất khả tư nghì đang giảng Pháp cho chư vị Bồ Tát. Cho nên ông ấy đã tạo ra một vị hóa sứ giả để tán dương danh xưng và quốc độ này của Ta khiến các Bồ Tát kia thêm phần công đức.”
Chư Bồ Tát lại hỏi:
“Vị đó là ai mà có thể biến hoa như vậy, có đức lực vô úy và thần túc lớn đến vậy?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Lớn lao thay! Ông ấy thường gởi các hóa sứ giả đến khắp mười phương quốc độ để thi hành Phật sự vì lợi ích của chúng sinh.”
Nói xong, đức Hương Tích Như lai lấy một cái bát làm bằng các loại hương chứa đầy cơm thơm rồi trao cho vị hoá Bồ Tát. Khi ấy, chín triệu Bồ Tát ở đó đều lên tiếng nói:
“Chúng con muốn đến thế giới Ta bà để đảnh lễ Phật Thích ca, thăm Duy Ma Cật cùng chư vị Bồ Tát ở đó.”
Phật Hương Tích dạy:
“Có thể đi. Nhưng hãy thu lại mùi hương nơi thân của các ông để chúng sinh ở đó không sanh mê hoặc tham đắm. Các ông cũng nên thay đổi hình tướng mình, chớ để cho những người cầu đạo Bồ Tát ở quốc độ đó xấu hổ, tự ty. Các ông cũng chớ có ý nghĩ khinh thường họ mà gây chướng ngại. Vì sao? Vì mười phương quốc độ đều như hư không. Vả lại, hết thảy chư Phật vì muốn giáo hóa người hâm mộ pháp nhỏ nên chưa hoàn toàn hiển bày quốc độ thanh tịnh đó thôi.”
Lúc ấy, vị hóa Bồ Tát nhận bát cơm thơm rồi cùng chín triệu Bồ Tát kia, nương theo thần lực của Phật và của Duy Ma Cật, biến mất khỏi cõi thế giới ấy, trong phút chốc đều về đến nhà Duy Ma Cật.
Duy Ma Cật dùng thần lực biến hoá nên chín triệu tòa sư tử, trang nghiêm như đã nói trước. Các Bồ Tát đều ngồi lên đó.
Bấy giới hóa Bồ Tát trao cho Duy Ma Cật bát cơm thơm mà mùi hương lan tỏa khắp thành Tỳ Da Ly, rồi lan khắp ba nghìn đại thiên thế giới.
Các Bà La Môn, cư sỹ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương ấy đều thấy thân ý thơ thới, đồng ca ngợi sự hiếm có này. Lúc ấy, vị đứng đầu các trưởng giả tên là Nguyệt Cái[12] liền dẫn tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật. Thấy có rất nhiều Bồ Tát ngự trên các tòa sư tử trang nghiêm, họ mừng rỡ, cung kính đảnh lễ chư Bồ Tát và các vị đại đệ tử của Phật, rồi đứng sang một bên. Chúng quỷ thần và chư thiên khắp các cõi trời thuộc Dục giới và Sắc giới ngửi được mùi hương cũng tìm đến.
Lúc ấy, Duy Ma Cật mới nói với Xá Lợi Phất và các vị Thanh Văn:
“Các Nhân giả, nay mời các vị dùng món cơm có hương vị cam lộ. Cơm này được xông ướp bằng hương Đại bi của Như Lai. Đừng ăn cơm bằng ý hữu hạn,[13]vì như vậy sẽ khó thể tiêu hóa được.”
Có một vị Thanh Văn nghĩ rằng, “Cơm này ít; mà đại chúng thì đông. Mỗi người đều ăn, làm sao đủ?” Vị hóa Bồ Tát liền nói:
“Đừng lấy đức nhỏ và trí nhỏ của Thanh Văn đo lường phước huệ vô lượng của Như Lai. Nước của bốn đại dương còn có thể cạn, chứ cơm này vô tận. Nếu mọi người[14] đều vo cơm thành viên lớn như núi Tu Di, ăn cho đến một kiếp[15] vẫn chưa hết cơm. Tại sao? Vì đó là thức ăn còn dư của người[16] đã thành tựu công đức của vô tận giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến; do vậy, không bao giờ cùng tận.”
Bấy giờ, bát cơm này khiến cho cả đại chúng đều no đủ mà vẫn không vơi. Các Bồ Tát, Thanh Văn, trời và người, những ai dùng cơm này đều cảm thấy an lạc như chư Bồ Tát ở hết thảy quốc độ Lạc trang nghiêm.[17] Từ chân lông họ tỏa ra mùi thơm vi diệu như mùi thơm các loài cây trên cõi Chúng hương.
Bấy giờ Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát từ Chúng hương đến:
“Hương Tích Như lai giảng dạy bằng Pháp gì?”
Họ đáp:
“Như Lai ở quốc độ chúng tôi không dùng ngôn tự để giảng thuyết mà chỉ dùng các hương thơm khiến cho trời và người có thể thâm nhập luật hành.[18] Mỗi mỗi Bồ Tát ngồi dưới những cội cây hương, cảm nhận mùi hương vi diệu của cây mà chứng tam muội đức tạng.”[19]
Đoạn các Bồ Tát lại hỏi Duy Ma Cật:
“Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Pháp như thế nào?”
Duy Ma Cật đáp:
“Chúng sinh trên cõi này cang cường, khó chuyển hóa, nên Phật thuyết bằng ngôn ngữ cang cường để điều phục họ. Ngài nói răng, “Đây là địa ngục; đây là súc sinh; đây là ngạ quỷ; đây là các nạn xứ;[20] đây là những nơi tái sinh cho kẻ ngu muội;[21] đây là tà hành của thân; đây là quả báo cho tà hành của thân; đây là tà hành của miệng; đây là quả báo cho tà hành của miệng; đây là tà hành của ý; đây là quả báo cho tà hành của ý; đây là sát sinh; đây là quả báo của sát sinh; đây là sự lấy của không được cho; đây là quả báo của sự lấy của không được cho; đây là tà dâm; đây là quả báo của tà dâm; đây là vọng ngữ; đây là quả báo của vọng ngữ; đây là nói hai lưỡi; đây là quả báo của sự nói hai lưỡi; đây là ác khẩu; đây là quả báo của ác khẩu; đây là sự nói lời vô nghĩa; đây là quả báo của sự nói lời vô nghĩa; đây là tham lam; đây là quả báo của sự tham lam; đây là thù hận; đây là quả báo của sự thù hận; đây là tà kiến; đây là quả báo của tà kiến; đây là sự keo kiệt; đây là quả báo của sự keo kiệt; đây là sự huỷ giới; đây là quả báo của sự huỷ giới; đây là sự sân hận; đây là quả báo của sự sân hận; đây là sự lười biếng; đây là quả báo của sự lười biếng; đây là loạn ý; đây là quả báo của sự loạn ý; đây là sự ngu si; đây là quả báo của sự ngu si; đây là kết giới;[22] đây là quả báo của kết giới; đây là trì giới;[23] đây là phạm giới;[24] đây là điều nên làm; đây là điều không nên làm;[25] đây là sự chướng ngại; đây là sự không chướng ngại; đây là đắc tội; đây là không đắc tội; đây là dứt tội; đây là tịnh; đây là cấu uế; đây là hữu lậu; đây là vô lậu; đây là tà đạo; đây là chánh đạo; đây là hữu vi; đây là vô vi; đây là thế gian; đây là niết bàn. Vì tâm tánh người khó chuyển hóa giống như vượn khỉ nên phải bằng nhiều phương cách giáo hóa để điều phục họ. Cũng như voi ngựa nếu không đánh đau thì không chế ngự được, những người mê muội trong thế gian này chỉ có thể thâm nhập luật bằng tất cả những lời gay gắt.”
Nghe xong, các Bồ Tát đều khen:
“Thật chưa từng nghe. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật đã ẩn đi vô lượng năng lực tự tại, hoá độ chúng sinh bằng pháp mà người nghe ưa thích. Các Bồ Tát ở đây cũng nhẫn nại những khó nhọc, bằng vô lượng đại bi mà sinh nơi cõi Phật này.”
Duy Ma Cật nói:
“Thật đúng như vậy. Chư Bồ Tát ở cõi này có tâm đại bi kiên cố đối với chúng sinh. Việc làm lợi ích hết thảy chúng sinh của họ trong một đời hơn cả những người ở các cõi khác đã làm trong hàng trăm ngàn kiếp. Vì sao vậy? Vì họ đã thực hành mười thiện pháp mà các cõi Tịnh độ khác không có. Mười thiện pháp đó là gì? Đó là: Lấy bố thí đối trị bần cùng. Lấy trì giới đối trị phạm giới. Lấy nhẫn nhục đối trị sân nhuế. Lấy tinh tấn đối trị giải đãi. Lấy thiền định khắc phục loạn ý. Lấy trí tuệ dẹp tan vô minh. Nói pháp trừ nạn độ người khổ trong tám nạn. Dạy pháp Đại thừa cho người còn chấp pháp Tiểu thừa. Lấy thiện căn giúp người vô đức. Thường dùng bốn nhiếp pháp để thành tựu chúng sinh. Đó chính là mười thiện pháp.”
Chư Bồ Tát lại hỏi:
“Bồ Tát thành tựu bao nhiêu pháp để ở trong thế giới này tu hành mà không ung nhọt, tái sanh tịnh độ?”
Duy Ma Cật đáp:
“Bồ Tát thành tựu tám pháp để ở trong thế giới này tu hành mà không ung nhọt, tái sanh tịnh độ. Đó là: Làm lợi ích chúng sinh không cầu báo đáp. Chịu thay chúng sinh hết thảy khổ não, và hồi hướng công đức đã làm cho chúng sinh. Tâm bình đẳng với chúng sinh bình đẳng, khiêm hạ vô ngại. Tôn kính chư Bồ Tát như đối với chư Phật.[26] Khi nghe kinh chưa từng nghe cũng không khởi nghi hoặc. Không đối nghịch với pháp của hàng Thanh Văn. Không ganh tị vì người được cúng dường, không tự cao lợi đắc của mình, trái lại ở đó tự chế ngự tâm mình. Thường tự xét kỗi mình,[27] không tranh tụng sở đoản của người, nhất tâm cầu thành tựu mọi công đức. Đó chính là tám pháp.”
Sau khi Duy Ma Cật và Văn Thù Sư Lợi thuyết các pháp như vậy, hàng trăm ngàn chư thiên đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng, và mười ngàn vị Bồ Tát đắc vô sanh pháp nhẫn.
*
CHÚ THÍCH
[1] VCX, phẩm 10 Phật Hương Đài 香臺佛品第十.
[2] VCS (T38n1782_p1094a04): “Tiểu thừa tám giải thoát trừ tham dục. Đại thừa tám giải thoát trừ định chướng.”
[3] Nhập tam muội. VCX: nhập vi diệu tịch định 入微妙寂定.
[4] Chúng hương 眾香. VCX: Nhất thiết diệu hương 一切妙香.
[5] Hương Tích 香積. VCX: Tối Thượng Hương Đài 最上香臺.
[6] VCX: không có danh xưng của hai thừa.
[7] Chi Khiêm: Hương Tịnh 香淨.
[8] VCX: Duy Ma Cật nói nói Văn thù, “Sao ngài không gia hộ đại chúng này, khiến cho phải như vậy?” (để cho đại chúng phải im lặng)
[9] Ta bà thế giới 娑婆世界. VCX: Kham nhẫn thế giới 堪忍世界. Skt. Saha loka dhātu.
[10] Lạc tiểu pháp giả 樂小法者; La thập: “Biệt bản nói, lạc thiểu chi nhân 樂少之人.”
[11] Ngũ trược ác thế 五濁惡世. Skt. pañca kaṣāyāḥ: āyus kaṣāyaḥ (mạng trược),dṛṣṭi kaṣāyaḥ (kiến trược), kleśa kaṣāyaḥ (phiền não trược), sattva kaṣāyaḥ(chúng sanh trược), kalpa kaṣāyaḥ (kiếp trược).
[12] Trưởng giả chủ Nguyệt Cái 長者主月蓋. La thập: “Nước này không có Vua. Chỉ có 500 cư sỹ cùng trị nước.” Theo tài liệu Pali, bộ tộc Licchavī, mà thủ phủ là Vesāli (Tỳ Da Ly), tổ chức chính quyền của họ theo chế độ Cộng hoà thị tộc. Các thủ lĩnh của họ đều được gọi là rājā (vương). VCX: Ly chiêm tỳ vương Nguyệt Cái 離呫毘王月蓋 .
[13] Hạn ý 限意 . VCX: thiểu phần hạ liệt tâm hành 少分下劣心行, tâm tư thấp kém hạn hẹp.
[14] VCX: “Nếu hết thảy hữu tình trong vô lượng đại thiên thế giới.”
[15] VCX: “Một kiếp hoặc một trăm kiếp.”
[16] VCX: “Thức ăn còn dư của Như lai, xuất sinh từ vô tận giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.”
[17] Lạc trang nghiêm quốc 樂莊嚴國. Skt. Sukhāvati vyūha, tức Thế giới Cực lạc. VCS (T38n1782_p1096a27): “Đây không chỉ riêng thế giới Cực lạc ở Tây phương, mà chỉ tất cả thế giới an lạc trong mười phương.”
[18] Đắc nhập luật hành 得入律行. VCX: giai tất điều phục 皆悉調伏, thảy đều được chế ngự .
[19] Nhất thiết đức tạng tam muội 一切德藏三昧. VCX: Nhất thiết đức trang nghiêm định 一切德莊嚴定.Skt. sarvaguṇavyūha samādhi. Chi Khiêm: Nhất thiết hương đức định 一切香德定.
[20] Nạn xứ 難處. VCX: Vô hà sanh 無暇生. Đây chỉ 8 trường hợp không sinh gạp thời có Phật, không thể tu tập phạm hạnh.
[21] VCX: đây là căn khuyết (khuyết tật).
[22] VCX: những điều sở học và vi phạm sở học.
[23] VCX: trì biệt giải thoát.
[24] VCX: phạm biệt giải thoát.
[25] Có nhảy sót trong bản La thập; VCX: “Đây là du già; đây là phi du già; đây là sự vĩnh viễn đoạn trừ; đây là phi vĩnh viễn đoạn trừ.”
[26] VCX: “Tự chế ngự tâm kiêu mạn, kính trọng chúng sinh như kính trọng Phật.”
[27] VCX: điều 7: “Bồ Tát chế ngự tự tâm, thường xét lỗi mình, không chê bai vi phạm của người.” Điều 8: “Bồ Tát luôn luôn không buông lung ở trong pháp thiện; thường vui thú tầm cầu tinh tấn tu hành pháp Bồ đề phần.”
***
Chương XI. Bồ Tát Hạnh
Bấy giờ, Phật đang giảng Pháp tại vườn cây Am-la. Mặt đất bỗng hóa thành trang nghiêm và lớn rộng mênh mông. Tất cả chúng hội đều ánh sắc vàng ròng.
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vì sao có điềm lành này? Vì sao nơi đây bỗng trở nên trang nghiêm và rộng lớn và chúng hội đều ánh sắc vàng ròng?”
Phật bảo:
“Vì Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi, với đại chúng đang cung kính vây quanh, khởi ý muốn đến đây, nên có điềm tốt lành này.”
Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với Văn-thù-sư-lợi:
“Bây giờ chúng ta hãy đến viếng Thế Tôn để chư Bồ tát có thể đảnh lễ cúng dường Ngài.”
Văn-thù-sư-lợi nói:
“Lành thay, chúng ta hãy đến đó. Nay chính là lúc nên đi.”
Duy-ma-cật liền dùng thần lực mang hết hội chúng và các tòa sư tử của họ trong lòng tay phải bay sang chỗ Phật ngự. Khi đến nơi, đáp xuống đất, Duy-ma-cật dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu từ bên phải vòng quanh Ngài bảy lần, rồi chắp tay cung kính đứng sang một bên. Chư Bồ tát rời bảo tòa của họ để dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật và cũng đi nhiễu vòng quanh Phật bảy lần, đoạn chắp tay cung kính đứng sang một bên. Các đại đệ tử Phật cùng với Đế-thích, Phạm-thiên và Tứ Thiên vương cũng rời bảo tòa của họ, dập đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu vòng quanh Ngài bảy lần rồi chắp tay cung kính đứng sang một bên.
Thế Tôn theo Pháp chào hỏi chư vị Bồ tát, rồi bảo họ ngồi lại các bảo tòa sư tử để nghe Ngài thuyết giảng. Đại chúng vâng lời dạy. Khi mọi người đã an tọa, Phật hỏi Xá-lợi-phất:
“Ngươi có thấy những gì được làm bằng thần lực tự tại của các Đại sỹ rồi chăng?”
Xá-lợi-phất thưa
“Bạch Thế Tôn, con đã nhìn thấy.”
“Ý ngươi nghĩ sao?”
Xá-lợi-phất thưa:
“Thế Tôn, con thấy các ngài đã thực hiện những sự bất khả tư nghị, tâm người không thể nghĩ tưởng cũng chẳng thể đánh giá.”
Lúc ấy A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con nay nghe mùi hương chưa từng có trước đây. Đó là hương gì vậy?”
Phật dạy:
“A-nan, đó là hương thơm toát ra từ chân lông của chư vị Bồ tát đây.”
Lúc ấy, Xá-lợi-phất nói với A-nan:
“Chân lông của chúng tôi cũng có hương thơm như vậy.”
A-nan hỏi Xá-lợi-phất:
“Mùi hương đó do đâu mà có?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Do cư sĩ Duy-ma-cật đã nhận cơm dư từ Phật ở cõi Chúng hương, và ai ăn được cơm này ở nhà của Cư sỹ đều tỏa mùi thơm ngát từ các lỗ chân lông như vậy.”
A-nan lại hỏi Duy-ma-cật:
“Mùi hương này kéo dài được bao lâu?”
Duy-ma-cật đáp:
“Kéo dài đến khi tiêu hóa hết cơm.”
A-nan hỏi:
“Hương đó tồn tại bao lâu?”
Duy-ma-cật đáp:
“Thế lực của cơm này kéo dài đến bảy ngày. Sau một tuần mới tiêu hóa hết. Này A-nan, hàng Thanh-văn chưa nhập Chánh vị[1] mà ăn cơm này, khi nào nhập Chánh vị rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã nhập Chánh vị ăn cơm này, khi nào chứng đắc tâm giải thoát[2] cơm mới tiêu hết. Những người chưa phát tâm Đại thừa ăn cơm này, cho đến khi phát tâm Đại thừa rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã phát tâm Đại thừa ăn cơm này, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn[3] rồi cơm mới tiêu hết. Những người đã chứng vô sanh pháp nhẫn ăn cơm này, cho đến nhất sinh bổ xứ[4] cơm mới tiêu hết. Ví như loại thuốc có tên là thượng vị,[5] uống vào cho đến trị dứt mọi thứ độc rồi mới tiêu hết. Cơm này cũng vậy, khi diệt trừ hết mọi thứ độc của phiền não thì mới tiêu hết.”
A-nan thưa với Phật:
“Thật là chưa từng có! Bạch Thế Tôn, thứ cơm thơm này hẳn có thể làm Phật sự.”
Phật bảo:
“Đúng vậy, A-nan, đúng như vậy. Có cõi Phật lấy ánh quang minh của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy chư Bồ tát làm Phật sự. Có cõi lấy hóa nhân làm Phật sự. Có cõi lấy cây bồ-đề làm Phật sự. Có cõi lấy y phục, ngọa cụ của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy cơm làm Phật sự. Có cõi lấy hoa viên, đền các làm Phật sự. Có cõi lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy thân Phật làm Phật sự. Có cõi lấy hư không làm Phật sự; chúng sinh nhờ các duyên này mà có thể nhập luật hạnh. Hoặc bằng mộng, huyễn, ảnh, tiếng vang, bóng trong gương, trăng dưới nước, quáng khi trời nhiệt; bằng các thí dụ như vậy mà làm Phật sự. Hoặc bằng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc bằng cõi Phật thanh tịnh, tịch mịch vô ngôn vô thuyết, không hiển thị, vô thức, vô tác, vô vi mà làm Phật sự. Như vậy, A-nan, mọi hành vi thi thiết của chư Phật, mọi oai nghi cử chỉ, không có gì không phải là Phật sự.
“Này A-nan, có bốn loại ma này, tám vạn bốn nghìn cánh cửa phiền não này; chúng sinh vì thế mà khổ nhọc. Chư Phật bèn lấy ngay các pháp này mà làm Phật sự. Đó gọi là Pháp môn ngộ nhập hết thảy chư Phật.
“Bồ tát khi nhập Pháp môn này, nếu thấy hết thảy cõi Phật thuần tịnh mà không vui mừng, không tham, không tự cao. Nếu thấy hết thảy cõi Phật bất tịnh, không buồn phiền, không bất mãn,[6] hay thất vọng. Nhưng ở nơi chư Phật sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cúng kính, cho là chưa từng có. Công đức của chư Phật Như Lai vốn bình đẳng,[7] vì muốn giáo hóa chúng sinh mà hiện các cõi Phật không giống nhau.
“Này A-nan, ngươi thấy đất của các cõi Phật có nhiều chỗ khác nhau[8] nhưng hư không chẳng có nhiều chỗ khác nhau. Cũng vậy, ngươi thấy sắc thân Phật tuy nhiều vẻ khác nhau, nhưng trí tuệ vô ngại không có nhiều dạng nhau.
“A-nan, sắc thân của chư Phật, uy tướng, chủng tính, giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô úy, các pháp bất cộng, đại từ, đại bi, oai nghi sở hành, cho đến thọ mạng, thuyết Pháp giáo hóa, chúng sanh được thành tựu, cõi Phật thanh tịnh, đầy đủ các Phật pháp, thảy đều đồng đẳng. Do đó gọi là Tam-miệu-tam-Phật-đà, gọi là Đa-đà-a-già-độ, gọi là Phật-đà.[9] Này A-nan, nếu ta giảng đầy đủ ý nghĩa của ba danh hiệu này thì trải qua tuổi thọ của ngươi một kiếp cũng chưa nghe hết. Giả sử chúng sinh đầy cả ba nghìn đại thiên thế giới đều như A-nan, đa văn đệ nhất, được tổng trì ghi nhớ; tất cả những người này trải qua tuổi thọ một kiếp cũng không thể lãnh hội hết. Vì vậy, A-nan, A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề của chư Phật là vô hạn vô lượng, trí tuệ và biện tài của các Ngài là bất khả tư nghị.”
A-nan bạch Phật:
“Từ nay trở đi con không dám tự cho mình là người đa văn bậc nhất.”
Phật nói:
“A-nan, chớ thối chí. Vì sao? Vì ta nói ngươi là người đa văn bậc nhất trong hàng Thanh-văn chứ không phải Bồ tát. Nhưng hãy thôi, A-nan, bậc trí giả chẳng ai đo lường chư Bồ tát. Tất cả biển sâu còn có thể đo lường, nhưng thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài và công đức của Bồ tát thì bất khả lượng. Này A-nan, hãy gác lại các sở hành của Bồ tát. Với các thần thông lực mà Duy-ma-cật đã thể hiện hôm nay, hết thảy Thanh-văn và Bích-chi-Phật dù có tận lực biến hóa trong trăm ngàn kiếp cũng chưa thể thực hiện được.”
Bấy giờ, chư Bồ tát cõi Chúng hương đồng cung kính chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, lúc mới nhìn thấy thế giới này chúng con có ý tưởng nó thấp kém, bây giờ hối hận, chẳng còn ý đó nữa. Vì sao? Vì các phương tiện diệu dụng của chư Phật thật là bất khả tư nghị. Vì để cứu độ chúng sinh mà các Ngài tùy chỗ thích hợp thị hiện các cõi Phật khác nhau. Bạch Thế Tôn, nguyện ban cho chúng con chút Pháp để khi trở về chúng con có thể luôn tưởng nhớ Như lai.”
Phật bảo các Bồ tát:
“Có Pháp môn giải thoát gọi là Hữu tận Vô tận Vô ngại, mà chư vị nên học. Cái gì tận? Đó là pháp hữu vi. Cái gì vô tận? Đó là pháp vô vi. Chư Bồ tát, không đoạn tận hữu vi,[10] không an trụ vô vi.
“Không đoạn tận hữu vi là thế nào? Là không rời đại từ; không xả đại bi; sâu sắc phát tâm cầu nhất thiết trí không giải đãi; giáo hóa chúng sinh không hề biết mệt mỏi; thường niệm thuận hành bốn nhiếp pháp; hộ trì chánh Pháp không tiếc thân mạng; vun trồng thiện căn không hề chán nản; chí thường an trụ phương tiện hồi hướng; cầu Pháp không lười; thuyết giáo không tiếc lẫn; vì cần mẫn cúng dường chư Phật nên vào chỗ sinh tử mà không sợ; đối với các sự vinh nhục tâm không buồn không mừng; không khinh người chưa tu học; kính trọng người học như kính Phật; giúp người đọa lạc trong phiền não phát sinh chánh niệm; đối với lạc thú viễn ly mà không cho là quý;[11] không mê đắm lạc của riêng mình mà chúc mừng cho lạc của người; trong các thiền định mà có ý tưởng như trong địa ngục; ở trong sinh tử mà có ý tưởng như trong hoa viên; thấy người đến cầu mình mà có ý tưởng như gặp bậc thiện sư; xả bỏ tất cả sở hữu mà có ý tưởng là đầy đủ nhất thiết trí; thấy người phạm giới liền khởi ý cứu hộ; tưởng sáu Ba-la-mật là cha mẹ; tưởng pháp trợ đạo là quyến thuộc; phát hành thiện căn không giới hạn; lấy sự trang nghiêm các quốc độ mà thành tựu cõi Phật của mình; hành bố thí vô hạn để cho đầy đủ 32 tướng tốt; trừ tất cả mọi điều ác để thanh tịnh thân, khẩu, ý; trôi lăn trong sinh tử vô số kiếp cũng không nhụt chí dũng mãnh; quyết tâm không mệt mỏi lắng nghe vô lượng công đức Phật; dùng kiếm trí tuệ phá giặc phiền não; siêu xuất uẩn, xứ, giới, để gánh vác chúng sinh khiến cho vĩnh viễn giải thoát;[12] lấy đại tinh tấn hàng phục ma quân; thường cầu trí tuệ thật tướng vô niệm;[13] hành thiểu dục tri túc mà không bỏ pháp thế gian;[14] không huỷ hoại oai nghi mà vẫn tùy thế tục khởi trí tuệ thần thông dìu dắt chúng sinh; được niệm tổng trì, không quên những điều đã nghe; biết rõ căn tánh của chúng sinh khiến đoạn lìa nghi hoặc; bằng biện tài lưu loát mà diễn thuyết không trở ngại; thanh tịnh mười nghiệp đạo thiện, lãnh thọ phước báo của trời và người; tu bốn vô lượng để mở đường Phạm thiên;[15] khuyến thỉnh thuyết pháp, tuỳ hỷ tán dương việc thiện, để được âm thanh của Phật; khéo giữ thân, khẩu, ý để được oai nghi Phật; thâm tu thiện pháp cho sở hành càng siêu việt; bằng Đại thừa giáo mà thành Bồ tát tăng;[16] tâm không phóng dật để chẳng mất các thiện đức.
“Hành trì Pháp như vậy là Bồ tát không tận hữu vi.
“Thế nào là Bồ tát không trụ vô vi? Tu học Không mà chẳng lấy Không làm chỗ chứng đắc; tu học Vô tướng, Vô tác mà không lấy Vô tướng, Vô tác làm sở chứng; tu học vô khởi mà không lấy vô khởi làm sở chứng; quán vô thường mà không nhàm chán gốc thiện; quán sự khổ của thế gian mà không chán ghét tử sinh; quán vô ngã mà dạy người không mệt;[17] quán niết bàn mà không vĩnh viễn tịch diệt; quán viễn ly mà thân tâm vẫn thường hành việc thiện; quán không có chỗ quy về[18] mà tâm vẫn quy về thiện pháp;[19] quán vô sinh nhưng vẫn bằng sinh pháp mà gánh vác tất cả;[20] quán vô lậu mà không đoạn trừ các lậu; quán không có chỗ sở hành mà vẫn hành pháp giáo hóa chúng sinh; quán Không[21] mà không xả đại bi; quán chánh pháp vị mà không theo lối Tiểu thừa;[22] quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không người, không chủ, không hình tướng, nhưng vì bản nguyện chưa đầy nên không xem là hư dối các công đức, thiền định, trí tuệ.[23]
“Tu tập những pháp như vậy, gọi là Bồ tát chẳng trụ vô vi.
“Lại nữa, vì để đầy đủ phước đức nên không trụ vô vi. Vì để đầy đủ trí tuệ nên không tận hữu vi. Vì đại bi, không trụ vô vi. Vì để viên thành bản nguyện, không tận hữu vi. Để gom tập pháp dược, không trụ vô vi. Để tùy bệnh cho thuốc, không tận hữu vi. Vì biết bệnh của chúng sinh, không trụ vô vi. Vì để diệt bệnh của chúng sinh nên chẳng tận hữu vi.
“Này các Chánh sỹ, Bồ tát sau khi đã tu pháp này, không tận hữu vi, không trụ vô vi; do đó gọi là pháp môn giải thoát tận vô tận, các ngươi nên học.”
Bấy giờ, các Bồ tát kia sau khi nghe thuyết pháp này, thảy đều hoan hỷ, dùng các loại diệu hoa đủ thứ hương sắc rải khắp tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường Phật và Kinh Pháp này, cùng chư Bồ tát. Sau đó, cung kính đảnh lễ chân Phật, tán thán là chưa từng được nghe rằng:
“Phật Thích-ca-mâu-ni đã có thể ở cõi này khéo léo thi hành phương tiện!”
Nói xong, hốt nhiên biến mất, trở về cõi kia.
*
CHÚ THÍCH
[1] Chánh vị 正位. VCX: chánh tánh ly sanh vị 正性離生位. Đây chỉ giai đoạn Thanh văn kiến đế, tức thấy bôn Thánh đế, chứng Tu-đà-hoàn, nhập Thánh vị.
[2] Skt. ceto-vimukti. Đây chỉ chứng đắc A-la-hán quả. Cf. Mahāli-suttam (D.i. 156): bhikkhu āsavānaṃ khāya anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññā-vimuttiṃ diṭṭhe va dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati, “Tỳ kheo, diệt tận lậu, ngay trong hiện pháp, bằng thắng trí, tự thân chứng nghiệm vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; sau khi chứng nhập, an trú.” Khuy Cơ (T38n1782_p1099c17): “Tâm giải thoát, chỉ bậc A-la-hán đắc câu (phần) giải thoát; vì chứng đắc tám Giải thoát, vượt qua các dục và những chướng ngại định để chứng giải thoát thoát và Niết-bàn.”
[3] Khuy Cơ, đây chỉ Bồ tát nhập Sơ địa.
[4] Nhất sanh bổ xứ 一生補處; VCX: nhất sanh hệ vị 一生繫位; còn một đời nữa sẽ thành Phật. Skt. ekajātipratibaddha.
[5] Thượng vị 上味. VCX: tối thượng vị 最上味. Skt. agada-bhaiṣajya, thuốc vạn năng tiêu độc. Nhưng các bản Hán đều đọc agra-rasa. Chi Khiêm: a-hôn-đà dược 阿昏陀藥.
[6] Bất ngại 不閡 . VCX: bất nhuế 不恚. không oán hận. Skt. apratigha.
[7] VCX: “…bình đẳng viên mãn, vì đã chứng đắc tính cứu cánh chân thật bình đẳng của hết thảy pháp.”
[8] VCX: “đất tuy có ưu thắng, hạ liệt bất đồng.”
[9] Tam-miệu-tam-Phật-đà 三藐三佛陀, Skt. Samyaksambuddha, Chánh đẳng chánh giác hay Chánh biến tri. Đa-đà-a-già-độ 多陀阿伽度, Skt. Tathāgata, Như lai.
[10] La-thập: “Hữu vi tận, là vô thường diệt tận. Vô vi tận, là bằng trí tuệ mà đoạn trừ khiến cho diệt tận.” Khuy Cơ: “Tận…, sát na tận diệt. Hữu vi có tận, nhưng vô vi thì không.”
[11] La-thập (Đại 38, tr.0407a20): “Xuất gia ly dục, và thiền định, trí tuệ, lìa các vọng tưởng, đều gọi là viễn ly lạc.” Tăng Triệu: “Đạo độc thiện, thì có gì là quý?” VCX: “Không đắm nhiễm trong lạc thú viễn ly.”
[12] VCX: “Vì muốn mang gánh nặng của chúng sinh nên cầu biến liễu tri uẩn, xứ giới.”
[13] La-thập: “Vô niệm. là niệm không chấp thủ tướng. Phàm phu hành trí tuệ hữu niệm, nên kiêu mạn càng cao, cho nên Bồ tát cầu trí vô niệm.” VCX: “Vì để hộ trì Chánh pháp nên xa lìa kiêu mạn, cần cầu trí tuệ giáo hoá thiện xảo.”
[14] VCX: “Vì để giáo hoá chúng sinh còn nặng ái dục mà thường thích tập hành thiểu dục tri túc.”
[15] CDM: “Biệt bản nói, tu bốn vô lượng để sinh Phạm thiên.”
[16] VCX: “Để khéo điều ngự Bồ tát tăng.”
[17] Nhảy sót trong bản La-thập. VCX: “Tuy vui quán sát bên trong không tự ngã nhưng không rốt ráo chán ghét bản thân. Tuy vui quán sát bên ngoài không hữu tình, nhưng thường hoá đạo mà không hề mệt mỏi.”
[18] La-thập: “Các pháp từ khởi thuỷ không từ đâu đến, chung cục không đi về đâu.”
[19] VCX thêm: “Tuy vui quán sát không A-lại-da nhưng không xả bỏ pháp tạng thanh bạch.”
[20] VCX: “… mà vẫn ở trong sinh tử lưu chuyển bất tuyệt.”
[21] VCX: quán vô ngã.
[22] VCX: “Tuy quán vô sinh mà không ở nơi Tiểu thừa không đọa chánh vị.”
[23] VCX: “Tuy quán các pháp rốt ráo không tịch mà vần không coi phước đức được tu tập là không tịch. Tuy quán các pháp rốt ráo viễn ly mà vẫn không viễn ly trí tuệ được tu tập. Tuy quán các pháp không chắc thật mà thường an trú viên mãn tư duy. Tuy quán các pháp rốt ráo vô chủ mà thường tinh tấn cầu tự nhiên trí. Tuy quán các pháp vĩnh viễn không tiêu xí mà gieo trồng hạt giống Phật một cách trọn nghĩa.”
***
Chương XII. Thấy Phật A-Súc
Bấy giờ Phật hỏi Duy-ma-cật:
“Ông muốn thấy Như Lai; nhưng ông quán Như Lai như thế nào?”
Duy-ma-cật đáp:
“Như tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy.[2] Con quán Như Lai, tiền tế không đến, hậu tế không đi, hiện tại không trụ. Không quán sắc, không quán như của sắc, không quán tính của sắc.[3] Không quán thọ, tưởng, hành, thức, không quán như của thức, không quán tính của thức. Không do tứ đại sinh khởi, đồng với hư không.[4] Sáu xứ không tích tập thành; vì đã vượt ngoài nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và tâm. Không ở trong ba cõi, vì đã lìa ba thứ cáu bẩn, thuận ba giải thoát môn, đầy đủ ba minh, cùng vô minh bình đẳng.[5] Không nhất tướng,[6] không dị tướng; không tự tướng, không tha tướng; không phải vô tướng, không phải thủ tướng; khi giáo hóa chúng sinh Ngài không ở bên này, chẳng đến bên kia cũng không ở giữa dòng.[7] Ngài quán sát lẽ tịch diệt mà không vĩnh viễn tịch diệt. Không là đây cũng không là kia;[8] không lấy đây, không lấy kia;[9] không thể lấy trí để biết; không thể lấy thức để nhận thức; không mờ, không sáng; vô danh, vô tướng; không mạnh, không yếu; không sạch, không nhơ; không ở phương nào cũng không xa lìa phương nào,[10] không phải hữu vi cũng không phải vô vi; không thể chỉ ra cũng không thể nói đến; không bố thí cũng không ích kỷ; không trì giới cũng không phá giới; không nhẫn cũng không sân; không tinh tấn cũng không giải đãi; không định, không loạn; không trí cũng không ngu; không thành thật cũng không lừa dối; không đến không đi, không vào không ra; dứt tuyệt tất cả con đường ngôn thuyết; không phải phước điền cũng không phải không là phước điền; không xứng đáng cúng dường cũng không phải không xứng đáng cúng dường; không thủ, không xả; không phải hữu tướng, không phải vô tướng, đồng với chân tế, bình đẳng với pháp tánh; không thể định danh, không thể đo lường, vì vượt ngoài định danh và định lượng; không phải lớn, không phải nhỏ; không phải cái được thấy, không phải cái được nghe, không phải cái được tri giác, không phải cái được nhận biết; lìa mọi kết buộc, đồng đẳng với trí, đồng với chúng sinh; không phân biệt với các pháp; hoàn toàn không khuyết điểm; không vẩn đục, không phiền não, không tác, không khởi, không sanh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán; không phải đã tồn tại, không phải sẽ tồn tại, không phải đang tồn tại; không thể bằng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt.
“Bạch Thế Tôn, thân Như Lai như vậy, nên quán như vậy. Quán như vậy gọi là chánh quán. Quán khác đi, gọi là tà quán.”
Bấy giờ, Xá-lợi-phất hỏi Duy-ma-cật:[11]
“Ông thác ở đâu mà sanh lại chốn này?”
Duy-ma-cật hỏi lại:
“Pháp ngài đã chứng có thác có sanh ư?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Không thác, không sanh.”
Duy-ma-cật hỏi:
“Nếu các pháp không có tướng thác và sanh, sao ngài lại hỏi, ‘Ông thác ở đâu mà sanh lại chốn này?’ Như với nhà ảo thuật tạo ra các nam nữ ảo; chúng có thác có sanh không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Chúng chẳng thác chẳng sanh.”
“Ngài há không nghe Phật dạy, các pháp là tướng như huyễn ư?”
Đáp:
“Có nghe.”
“Nếu hết thảy đều là tướng như huyễn, sao ngài, lại hỏi, ‘Ông thác ở đâu mà sanh lại chốn này?’ Xá-lợi-phất, thác chỉ là pháp hư dối, thuộc tướng suy tàn và hoại diệt; sanh cũng là điều hư dối, là tướng tương tục. Bồ tát tuy thác mà không dứt gốc thiện, tuy sanh vẫn không tăng trưởng các ác.”
Bấy giờ đức Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Có một cõi tên Diệu hỷ[12] có Phật hiệu là A-súc.[13] Duy-ma-cật đã thác ở cõi đó để sanh lại nơi này.”
Xá-lợi-phất thưa với Phật:
“Thật chưa từng có, bạch Thế Tôn, người này chịu rời cõi thanh tịnh để đến thế giới đầy rẫy hận thù và nguy hại này!”
Duy-ma-cật hỏi Xá-lợi-phất:
“Xá-lợi-phất, Ngài nghĩ thế nào, ánh mặt trời khi xuất hiện có hiệp cùng với bóng tối không?”[14]
Xá-lợi-phất đáp:
“Chỗ nào có ánh mặt trời thì không còn bóng tối.”
Duy-ma-cật hỏi:
“Vì sao ánh mặt trời soi rọi cõi Diêm-phù-đề này?”
Xá-lợi-phất:
“Đem ánh sáng soi rọi để xua tan bóng tối.”
Duy-ma-cật:
“Bồ tát cũng vậy, tuy sanh nơi cõi Phật bất tịnh để giáo hóa chúng sinh, nhưng không hiệp cùng sự ngu ám, mà chỉ để diệt trừ bóng tối phiền não của chúng sinh.”
Lúc ấy đại chúng ngưỡng vọng muốn chiêm bái đức Vô Động Như Lai cùng các Bồ tát và chúng Thanh-văn cõi Diệu hỷ. Phật biết ý nghĩ của họ, bảo Duy-ma-cật:
“Này thiện nam tử, hãy vì đại chúng ở đây, hiện đức Vô Động Như Lai cùng các Bồ tát, chúng Thanh-văn ở cõi Diệu hỷ cho họ được nhìn thấy.”
Duy-ma-cật tự nghĩ: “Ta hãy không rời chỗ ngồi này mà tiếp nhận cõi Diệu hỷ với dãy núi Thiết vi[15] cùng đồi núi, sông, suối, khe, mạch, biển, Tu-di và các núi, và trời, trăng, sao, các cung điện của trời, rồng, quỷ thần, Phạm thiên; cùng các Bồ tát, chúng Thanh-văn, các thành phố, làng mạc, nam nữ già trẻ, cho đến đức Vô Động Như Lai với cây bồ-đề và các tòa sen mầu nhiệm dùng để làm Phật sự trong khắp mười phương, cùng ba đường thềm báu[16] nối cõi Diêm-phù-đề với trời Đao-lợi[17] cho chư thiên xuống kính lễ đức Vô Động Như Lai và nghe kinh, và con người lên đó chiêm bái chư thiên. Đó là vô lượng công đức thành tựu của thế giới Diệu hỷ, từ trên đến A-ca-ni-tra,[18] dưới đến tận ranh giới nước.[19] Ta dùng tay phải nâng lên dễ dàng như người thợ gốm nâng cái bàn quay. Vào trong thế giới này như cầm tràng hoa mà đưa ra cho hội chúng nhìn thấy.”
Nghĩ xong, Duy-ma-cật liền nhập định, dùng thần thông lực nắm lấy cõi Diệu hỷ bằng tay mặt đem đặt lên mặt đất này. Chư Bồ tát, Thanh-văn và thiên thần đã đắc thần thông lực ở cõi đó đều cất tiếng nói lớn:
“Bạch Thế Tôn, ai đang mang chúng con đi? Xin Thế Tôn cứu giúp.”
Phật Vô Động bảo:
“Không phải Ta làm mà do Duy-ma-cật đang dùng thần thông lực làm ra.”
Còn những người chưa được thần thông đều không biết cũng không cảm thấy mình đang chuyển dịch. Thế giới Diệu hỷ tuy được mang về mặt đất vẫn không tăng không giảm, mà mặt đất cũng không bị chèn ép hay chật chội; y nguyên như cũ.
Bấy giờ, Phật Thích-ca-mâu-ni nói với đại chúng:
“Các ngươi có thấy thế giới Diệu hỷ của đức Vô Động Như Lai chăng? Cõi ấy trang nghiêm, cùng chư Bồ tát hạnh thanh tịnh và đệ tử thanh bạch.”
Đại chúng đồng thưa:
“Vâng, chúng con đã thấy.”
Phật dạy:
“Nếu Bồ tát muốn được quốc độ Phật thanh tịnh như vậy, nên học theo đạo mà đức Vô Động Như Lai đã hành.”
Khi thị hiện cõi Diệu hỷ này, mười bốn na-do-tha[20] người đã phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác và nguyện được tái sanh ở thế giới Diệu hỷ. Phật Thích-ca-mâu-ni chứng nhận họ sẽ được tái sanh nơi cõi đó.
Khi đã làm xong Phật sự vì lợi ích của chúng sinh ở nơi quốc độ này rồi, thế giới Diệu hỷ được trả về chốn cũ, đại chúng đều trông thấy.
Bấy giờ Phật nói với Xá-lợi-phất:
“Ngươi có nhìn thấy thế giới Diệu hỷ và đức Vô Động Như Lai chưa?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Vâng, con đã thấy, bạch Thế Tôn. Con ước nguyện hết thảy chúng sinh đều được quốc độ thanh tịnh như cõi Phật Vô Động và thần thông lực như của Duy-ma-cật. Bạch Thế Tôn, chúng con thật sự được nhiều lợi ích khi được thân cận, cung dưỡng, con người này. Chúng sinh nào hiện tại hay mai sau khi Thế Tôn đã diệt độ mà được nghe Kinh này, thảy đều sẽ được lợi ích lớn; và càng lớn xiết bao khi nghe rồi tin hiểu, thọ trì hay đọc tụng, thuyết giảng, theo Pháp đó mà tu hành. Ai tiếp nhận kinh này là tiếp nhận kho tàng Pháp bảo. Nếu đem ra đọc tụng, giải nghĩa và theo đó mà tu hành tất sẽ được chư Phật thường xuyên hộ niệm. Ai cung dưỡng người này là cung dưỡng chư Phật. Ai sao chép, thọ trì kinh quyển này, nên biết, nhà của người ấy có Như Lai ngự. Nếu khi nghe kinh này mà tùy hỷ, người ấy ắt sẽ đạt nhất thiết trí. Ai tin và hiểu kinh này, dù chỉ một bài kệ bốn câu trong đó, và đem giảng cho người khác nghe, nên biết, người ấy ắt sẽ được thọ ký thành A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề trong tương lai.”
*
CHÚ THÍCH
[1] Kiến A-súc Phật phẩm 見阿閦佛品 . VCX: Quán Như lai phẩm 觀如來品.
[2] VCX: “Con quán Như lai, hoàn toàn không có cái gì được thấy.”
[3] VCX: “Quán Như lai, quán tính chân như của sắc (rūpatathātā), tính ấy là phi sắc.”
[4] La-thập (Đại 38, tr.0410b16): “Pháp thân như hư không, không do bốn đại tác thành.” VCX: “Không trụ bốn giới; đồng hư không giới.”
[5] VCX: “Không phải minh nhưng minh. Không phải đến nhưng đến.” VCS: Minh, chỉ ba minh: túc mạng, thiên nhãn, lậu tận.
[6] Trước đó, La-thập nhảy một đoạn; VCX: “…đạt đến hết thảy pháp mà không có chướng ngại; là thật tế (bhūtakoṭi) mà không phải tế (akoṭi); là chân như (tathābhūta) mà không phải như (atathā); nơi cảnh chân như thường không sở trụ; nơi trí chân như thường không minh ứng; cảnh và trí chân như, tính của chúng đều lìa; không sinh bởi nhân, không khởi bởi duyên.”
[7] La-thập & Khuy Cơ: bờ này chỉ sinh tử. Bờ kia chỉ Niết-bàn. Giữa dòng chỉ kết sử/ phiền não.
[8] Triệu nói (T 38, tr.0411a08), “Khi hoá độ chúng sinh, có vẻ như ở đây mà lại là ở kia. Ở đây hay ở kia, đều là dấu tích của sự ứng hoá vậy.”
[9] Bất dĩ thử, bất dĩ bỉ 不以此不以彼. Triệu (T 38, tr.0411a11) nói, “Không phải đây nhưng (hoà) đồng với đây; cho nên, là đây mà không phải là đây…” VCX: “Không phải ở tại đây, không phải ở tại kia, không phải ở trung gian.”
[10] Triệu (nt.) nói, “Pháp thân không hiện tại bất cứ đâu, mà không đâu là không hiện tại.” VCX: “Bất tại phương phần, bất ly phương phần 不住方分不離方分.”
[11] VCX & Chi Khiêm: Xá-lợi-phất hỏi Phật; Phật bảo hỏi thẳng Duy-ma-cật. Sau đó Phật trực tiếp trả lời. Khuy Cơ nói, sự thiếu sót trong bản của La-thập khiến cho đoạn văn thiếu mạch lạc.
[12] Diệu hỷ 妙喜. Chi Khiêm: phiên âm A-duy-la-đề thế giới 阿維羅提世界, và dịch luôn nghĩa: Diệu lạc 妙樂. Skt. Abhirati.
[13] A-súc Phật 阿閦佛 . VCX: Vô Động 無動. Chi Khiêm: Vô Nộ 無怒. Skt. Akṣobhya.
[14] VCX: “Ánh sáng của mặt trời há thích thú để chen lẫn với bóng tối của thế gian chăng?”
[15] Thiết vi sơn 鐵圍山. VCX: Luân vi sơn 輪圍山. Skt. cakravāḍa. Cf. Câu-xá 11 (T 29 tr 57b12): an lập khí thế gian. Ngoài cùng là phong luân. …Trên kim luân có 9 ngọn núi. Giữa là Tu-di (Meru), chung quanh có 8 núi. Ngoài cùng là Thiết luân vi. Pali: Cakkavāḷa, cf. SA. 442tt.
[16] Tam đạo bảo giai 三道寶階. VCS (T38n1782_p1107b22): Thế Tôn lên trời Đao lợi. Sau ba tháng ở đó thuyết pháp, Ngài trở về Diêm-phù-đề. Thiên đế sai làm cây thang báu có ba lối đi để Phật và tùy tùng đi xuống hạ giới. Giữa bằng vàng. Trái, bằng mã não. Phải, bằng thuỷ tinh.
[17] VCS: “Từ Thiệm-bộ châu lên đến đỉnh Tô-mê-lô, trời Tam thập tam.” Cf. Câu-xá 11 (T 29 tr 59c19: “Cõi Tam thập tam thiên ở trên đỉnh Me-lô (Meru).”
[18] DMC: a-ca-ni-tra 阿迦膩吒. VCX: sắc cứu cánh 色究竟. Skt. akaniṣṭha; tầng cao nhất của cõi trời Sắc giới, thuộc đệ tứ thiền.
[19] DMC: thủy tế 水際. VCX: thuỷ tế luân 水際輪. Câu-xá 11 (Đại 29, tr. 11a): “An lập thế giới… Tầng dưới cùng là phong luân (vāyu-maṇḍala) y trên hư không… Trên phong luân là thuỷ luân (jala-maṇḍala)… Trên thuỷ luân là kim luân (kāncna-maṇḍala)…”
[20] VCX: 84 na-dữu-đa 那庾多 (=na-do-tha, Skt. nayuta, 10 vạn, hay 1000 ức).
***
Chương XIII. Cúng Dường Pháp
Lúc ấy Đế Thích ở trong hội chúng, thưa với Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đã từng nghe hàng trăm ngàn kinh Pháp do Thế Tôn và Văn-thù-sư-lợi thuyết giảng, nhưng thật chưa từng được nghe kinh điển quyết định thật tướng, bất khả tư nghì thần thông tự tại như vậy.[1] Theo con hiểu ý nghĩa mà Phật nói, nếu chúng sinh nào được nghe kinh Pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc, tụng, chắc chắn sẽ chứng đắc Pháp[2] ấy không nghi; huống nữa theo Pháp đó mà tu. Người đó ắt sẽ đóng kín các ác đạo, mở ra các cửa lành, sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, hàng phục ngoại đạo,[3] đánh bại ác ma, vun trồng bồ-đề,[4] thiết đặt đạo tràng, đi theo bước chân Phật. Bạch Thế Tôn, con và các quyến thuộc nguyện sẽ cúng dường, phụng dưỡng người nào thọ trì, đọc tụng và như thuyết tu hành. Bất cứ nơi nào, thành thị hay thôn quê, núi rừng hay hoang mạc, chỗ nào có kinh này, con và các quyến thuộc cũng nguyện đến đó để xin nghe và lãnh thọ pháp. Nếu có ai chưa tin kinh này con sẽ giúp họ phát lòng tin; ai đã có lòng tin con sẽ hộ vệ.”
Phật bảo:
“Lành thay, Thiên đế, lành thay; như điều ông nói, Ta tán trợ tùy hỷ. Kinh Pháp này quảng diễn A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề[5] bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, vị lai, và hiện tại.
“Cho nên, Thiên đế, nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thọ trì, đọc tụng và cúng dường kinh này, đó là cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai, và hiện tại.
“Này Thiên đế, giả như trong đại thiên thế giới có đầy Như Lai nhiều như mía, tre, lau sậy, lúa, mè; mà nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào trải qua trọn kiếp hay gần một kiếp[6] để cung kính, tôn trọng, tán thán, và cúng dường chư Phật này, cho đến khi chư Phật đã diệt độ, lại xây bảo tháp bảy tầng rộng lớn bằng bốn thiên hạ,[7] cao đến cõi Phạm thiên để phụng thờ toàn thân xá lợi Phật, với đầy đủ biểu tượng trang nghiêm;[8] với tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ phướn, âm nhạc vi diệu bậc nhất, trải qua một kiếp hay gần một kiếp cúng dường, này Thiên đế, người đó có được nhiều phước đức không?”
“Bạch Thế Tôn, thật nhiều, đến mức đếm trong cả trăm ngàn kiếp cũng chưa kể hết phước đức ấy.”
Phật dạy:
“Này Thiên đế, ông nên biết, nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, khi được nghe kinh giải thoát bất khả tư nghị này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng và theo đó tu hành, thì phước đức còn nhiều hơn những người kia. Vì sao? Vì bồ-đề của chư Phật phát sinh từ kinh Pháp này Mà tướng của bồ-đề thì chẳng thể định lượng, do nhân duyên ấy phước đức đó cũng chẳng thể định lượng.”
Phật nói tiếp: “Trước đây vô lượng kiếp có đức Phật hiệu Dược Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Thế giới của Ngài có tên Đại trang nghiêm, kiếp tên là Trang nghiêm. Phật thọ hai mươi tiểu kiếp. Thanh-văn tăng có ba mươi sáu na-do-tha. Bồ tát tăng có mười hai na-do-tha.
“Thiên đế, bấy giờ có vị Chuyển luân Thánh Vương tên Bảo Cái, có đủ bảy báu, cai quản bốn thiên hạ. Vua có một ngàn con trai đoan chính, anh dũng, hàng phục mọi oán địch.
“Thuở ấy Thánh Vương Bảo Cái và quyến thuộc đã tôn kính cúng dường đức Như Lai Dược Vương, bố thí các tiện nghi an lạc, cho đến hết năm kiếp. Sau đó vua căn dặn một nghìn người con: ‘Các con nên bằng thâm tâm tôn kính cúng dường Phật như ta đã làm.’ Một nghìn người con phụng mạng vua cha, cúng dường đức Dược Vương Như Lai cho đến hết năm kiếp nữa, bố thí tất cả phương tiện an lạc. Sau đó một trong những người con này là Nguyệt Cái, lúc ngồi một mình, đã tự nghĩ: ‘Còn có sự cúng dường nào cao quý hơn sự cúng dường chúng ta đã làm không?’ Thần lực của Phật đã khiến một thiên thần trên không đáp: ‘Này thiện nam tử, cúng dường Pháp cao hơn hết thảy mọi sự cúng dường.’ Nguyệt Cái liền hỏi: ‘Cúng dường Pháp là thế nào?’ Thiên thần đáp: ‘Hãy đến hỏi đức Dược Vương Như Lai, sẽ được giải thích đầy đủ.’
“Nguyệt Cái lập tức đến Dược Vương Như Lai, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn, con nghe nói cúng dường Pháp là cao quý nhất trong các cách cúng dường; vậy thế nào là cúng dường Pháp?’
“Phật đáp: ‘Này thiện nam tử, cúng dường Pháp là, đối với kinh điển sâu xa do chư Phật thuyết giảng, khó tin và khó tiếp nhận đối với hết thảy thế gian, vi diệu khó thấy, thanh tịnh vô nhiễm, không thể lấy tư duy phân biệt mà hiểu được; nó là bảo vật trong kho Pháp tạng của Bồ tát, in bằng dấu ấn đà-la-ni;[9] dẫn đến bất thối chuyển,[10] thành tựu sáu độ, khéo phân biệt nghĩa, thuận với Pháp bồ-đề, là kinh tối thượng; giúp người vào đại từ đại bi, xa lìa các ma sự và tà kiến, thuận với Pháp nhân duyên,[11] vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng,[12] không, vô tướng, vô tác, vô khởi; hay dẫn chúng sinh đến ngồi nơi Đạo tràng mà chuyển Pháp luân; được các Trời, Rồng, Càn-thát-bà, đồng ca ngợi; hay đưa chúng sinh vào kho tàng Chánh Pháp của chư Phật,[13] thâu đạt hết thảy trí tuệ của Thánh Hiền, chỉ dạy con đường sở hành của chúng Bồ tát; y trên nghĩa thật tướng của các pháp mà thuyết minh nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt;[14] có thể cứu người hủy phạm giới cấm; khiến cho chúng ma, ngoại đạo và người tham trước[15] sinh sợ hãi; được chư Phật và Thánh Hiền ngợi ca; vì quét sạch nỗi khổ sinh tử, chỉ niềm vui niết bàn mà chư Phật trong mười phương, ba đời từng thuyết giảng.
“Nếu nghe xong kinh này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, vì chúng sinh diệu dụng phương tiện để giảng giải cho họ tỏ tường, vì thủ hộ Pháp,[16] như vậy gọi là cúng dường Pháp.
“Lại nữa, theo các Pháp đã được thuyết giảng mà tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên,[17] xa lìa tà kiến, thành tựu vô sanh nhẫn, khẳng quyết tính vô ngã và vô hữu của chúng sinh mà đối với nhân duyên, quả báo, thì không trái, không tranh cãi, lìa các ngã sở; y nghĩa lý chứ không y ngữ ngôn, y trí chứ không y thức, y kinh liễu nghĩa chứ không y kinh không liễu nghĩa; y Pháp chứ không y người thuyết Pháp;[18] tùy thuận theo Pháp tướng, không chỗ sở nhập, không chỗ sở quy,[19] vô minh rốt ráo diệt, cho nên các hành cũng rốt ráo diệt, cho đến sanh rốt ráo diệt cho nên già-chết cũng rốt ráo diệt. Quán sát như thế, mười hai nhân duyên không có tướng tận cũng chẳng có tướng khởi. Đó là pháp cúng dường tối thượng.”
Đoạn Phật bảo Thiên đế:
“Sau khi nghe Pháp này từ đức Dược Vương Như Lai, Vương tử Nguyệt Cái đắc nhu thuận nhẫn,[20] liền cởi tấm bảo y và các bảo vật trang sức trên người, dâng cúng Phật:
“Bạch Thế Tôn, sau khi Ngài diệt độ, con sẽ cúng dường Pháp để giữ gìn bảo vệ Chánh Pháp. Nguyện oai thần của Phật giúp con đứng vững, hàng phục chúng ma, tu Bồ tát hạnh.”
“Phật Dược Vương biết rõ nhưng điều tâm niệm trong thâm tâm ấy nên đã thọ ký cho Vương tử:
“Sau này, cho đến tận cùng, ngươi sẽ là người bảo vệ giữ gìn thành trì Chánh Pháp.
“Này Thiên đế, bấy giờ Nguyệt Cái được thấy sự thanh tịnh của pháp, nghe Phật thọ ký, bèn với tín tâm mà xuất gia, tu tập thiện pháp, tinh tấn, không lâu đã đắc năm thần thông lực, thành tựu Bồ tát đạo, đạt được đà-la-ni, biện tài không đoạn tuyệt. Sau khi Phật Dược Vương nhập diệt, Bồ tát ấy bằng các năng lực thần thông, tổng trì, biện tài đã chứng đắc, trải trong mười kiếp tròn đầy, phân bố pháp luân mà Dược Vương Như lai đã chuyển. Tỳ-kheo Nguyệt Cái, bằng sự thủ hộ Chánh pháp, ân cần tinh tấn, liền ngay nơi bản thân ấy mà giáo hoá khiến trăm vạn ức người không thối chuyển đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chuyển hóa mười bốn na-do-tha người phát thâm tâm cầu quả vị Thanh-văn và Bích-chi-phật, cùng vô lượng chúng sinh được tái sanh thiên giới.
“Này Thiên đế, vua Nguyệt Cái thuở há là ai khác chăng? Hiện Ngài đã thành Phật, hiệu là Bảo Diệm Như Lai, và một ngàn người con của Ngài là một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp này, mà vị đầu tiên là Phật Ca-la-cưu-tôn-đà[21] và vị cuối cùng là Phật Lâu-chí.[22] Tỳ-kheo Nguyệt Cái lúc ấy nay chính là Ta.
“Như vậy, Thiên đế, nên biết điều cốt yếu này: bằng Pháp mà cúng dường, là tối thượng, tối tôn, bậc nhất không thể so sánh trong các sự cúng dường. Cho nên, này Thiên đế, hãy bằng Pháp mà cúng dường chư Phật.”
*
CHÚ THÍCH
[1] VCX: bất khả tư nghị thần biến giải thoát pháp môn 不可思議自在神變解脫法門.
[2] VCX: “Nhất định người đó là pháp khí.”
[3] VCX: “hàng phục các tà luận của ngoại đạo.”
[4] La-thập nói, “Trong bản Phận, sau chữ bồ-đề có chữ đạo 道. Đạo, tức con đường dẫn đến Bồ đề.”
[5] La-thập nói, “Sau từ Bồ đề, có từ pháp 法 .”
[6] DMC: nhất kiếp giảm . VCX: nhất kiếp dư, hơn một kiếp 一劫餘
[7] VCX: “bốn châu thế giới.”
[8] VCX: biểu trụ luân bàn 表柱輪盤.
[9] Đà-la-ni ấn 陀羅尼印. VCX: tổng trì kinh vương Phật ấn sở ấn 總持經王佛印所印. La-thập: “Tổng trì có vô lượng. Thật tướng là một trong đó. Nếu kinh nói thật tướng; thật tướng ấy tức là ấn (dấu ấn).” Khuy cơ (T38n1782_p1110c10): “Vô tướng chân như, gọi là Phật ấn.”
[10] VCX: phân biệt khai thị pháp luân bất thối (avivartika-dharmacakra).
[11] VCX: phân biệt xiển dương thậm thâm duyên khởi.
[12] VCX: “Biện giải bên trong không ngã, bên ngoài không hữu tình, trung gian của hai không thọ mạng, không kẻ dưỡng dục, rốt ráo không bổ-đặc-già-la.”
[13] VCX: “Dẫn đạo chúng sinh cúng dường Đại pháp. Giúp chúng sinh viên mãn sự tế tự dối vơi Đại pháp.” Đại pháp từ tự 大法祠祀 (Skt. mahā-dharmayajña); Khuy Cơ (T38n1782_p1111a08): từ tự, tức pháp thí hội.”
[14] Ban Huyền Trang, theo Khuy Cơ, câu này tách thành hai đoạn riêng biệt. Đoạn đầu, gồm ba phần: Hiền Thánh nhiếp thọ, khai phát diệu hành, pháp nghĩa quy y. Đoạn sau, thuyết minh 4 ôn-đà-nam (dharmoddānam) của pháp. Khuy Cơ (T38n1782_p1111a16): “Pháp ôn-đà-nam, là lược tập của giáo pháp. Có bốn lược tập của pháp: các hành vô thương; hữu lậu thảy khổ; các pháp vô ngã; niết-bàn tịch tĩnh.
[15] VCX: “hết thảy ngoại đạo, tà luận, ác kiến chấp trước.” Rồi thêm một đoạn nhảy sót trong bản La thập; “Khai phát thế lực tăng thượng của thiện pháp của hết thảy hữu tình; trấn áp tất cả binh đội ác ma.”
[16] VCX: nhiếp thọ Chánh pháp, Skt. dharma-saṅgraha.
[17] VCX: tùy thuận duyên khởi.
[18] Tứ y 四依. Bốn y chỉ , Skt. catvāri pratisaraṇāni, 1. artha-pratisaraṇena bhavitavyam na vyañjana-pratisaraṇena, y nghĩa chứ không y văn ; 2. dharma-pratisaraṇena bhavitavyam na pudgala-pratisaraṇena, y pháp không y người ; 3. jñāna-pratisaraṇena bhavitavyam na vijñāna-pratisaraṇena, y trí không y thức ; 4. nītārthasūtra-pratisaraṇena bhavitavyam na neyārthasūtra-pratisaraṇena, y kinh thấu triệt chân lý, không y kinh điển không thấu triệt chân lý.
[19] VCX: “Nhập vô tàng, diệt A-lại-da.” Khuy Cơ (T38n1782_p1111c05): “Ngộ nhập chân như vốn không bị nhiếp tàng; diệt A-lại-da.”
[20] Nhu thuận nhẫn 柔順忍; La thập nói: “Chưa có khả năng thâm nhập thật tướng của các pháp; nhưng bằng trí nhu nhuyễn và tín nhu nhuyễn mà tùy thuận, không trái nghịch; do đó nói là nhu thuận nhẫn.” VCX: thuận pháp nhẫn 順法忍. Khuy Cơ (T38n1782_p1111c20), theo kinh Nhân vương, có 5 bậc nhẫn: 1. phục nhẫn, trước thập địa; 2. tín nhẫn, sơ đến tam địa; 3. thuận nhẫn, các địa thứ tư, năm, sáu; 4. vô sinh nhẫn, các địa bảy, tám, chín; 5. tịch diệt nhẫn, thập địa, Phật địa.
[21] Ca-la-cưu-tôn-đà 迦羅鳩孫馱. VCX: Ca-lạc-ca-tôn-đà 迦洛迦孫馱. Skt. Krakucchanda.
[22] Lâu-chí 樓至. VCX: Lô-chí 盧至. Skt. Ruci.
***
Chương XIV. Chúc Lụy
Bấy giờ Phật nói với Bồ tát Di Lặc:
“Này Di Lặc, nay ta đem Pháp giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác đã tập thành trong vô lượng kiếp phó chúc cho ngươi. Vào thời mạt thế,[1] sau khi Phật diệt độ, ngươi nên dùng năng lực thần thông để giảng truyền rộng rãi những kinh như vầy nơi cõi Diêm-phù-đề, chớ để bị đoạn tuyệt. Vì sao? Vì sau này sẽ có những thiện nam, tín nữ cũng như chư thiên long, quỷ thần, Càn-thát-bà, La-sát phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác, hâm mộ đại Pháp. Nếu để cho họ không được nghe những kinh như vầy, sẽ mất nhiều lợi ích. Những hạng người như vậy, khi nghe kinh điển như vậy, tất sẽ nhiều tín thọ, sinh tâm hy hữ, vì họ yêu thích và tin tưởng các kinh này, thành kính đội lên đầu mà thọ nhận, rồi tùy theo chỗ thích ứng của chúng sinh, vì sự ích lợi mà quảng diễn.
“Này Di Lặc, nên biết có hai dấu hiệu của Bồ tát:[2] thứ nhất, ưa thích trang sức văn từ hoa mỹ. Thứ hai, không e sợ diệu nghĩa thậm thâm, mà có thể thâm nhập một cách như thực. Hạng ưa thích trang sức văn từ hoa mỹ, nên biết, đó là hàng Bồ tát tân học. Nếu được nghe kinh điển vô nhiễm, vô trước, thậm thâm như vậy mà không kinh sợ; sau khi nghe rồi bằng tịnh tâm mà thọ trì, đọc tụng, như thuyết tu hành, nên biết, đó là hạng Bồ tát tu tập đạo hạnh đã lâu.
“Di Lặc, lại có hai pháp mà hàng Bồ tát gọi là tân học chẳng thể quyết đinh nơi Pháp sâu xa.[3] Hai pháp đó là gì? Một là, pháp chưa từng được nghe, mà khi nghe rồi lại kinh sợ, sinh nghi ngờ, không thể tùy thuận, sanh tâm hủy báng, cho rằng ‘Trước đây tôi chưa từng nghe Pháp ấy; chẳng biết Pháp ấy ở đâu ra?'[4] Thứ hai, Nếu có người hộ trì, giải thuyết kinh điển sâu xa như vậy, lại không khứng thân cận, cúng dường, cung kính, hoặc có khi bới móc tìm lỗi người.[5] Ai có hai pháp này, nên biết, đó là Bồ tát tân học, chỉ tự làm hại mình, không thể điều phục được tâm mình ở trong thâm Pháp.
“Này Di Lặc, lại có hai pháp,[6] mà Bồ tát tuy có tín giải thâm pháp nhưng vẫn tự làm tổn thương mình nên không thể chứng đắc vô sinh pháp nhẫn. Hai pháp gì? Một là, khinh mạn Bồ tát tân học mà không chịu chỉ dạy.[7] Hai là, và loại dù tin, hiểu diệu Pháp mà vẫn còn phân biệt chấp thủ tướng.”[8]
Bồ tát Di Lặc nghe Phật thuyết giảng xong, liền nói: “Bạch Thế Tôn, thật hy hữu chưa từng được nghe. Như lời Phật dạy, con sẽ lìa xa các sự xấu ác này để phụng trì Pháp giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như Lai đã kết tập từ vô lượng kiếp. Trong đời tương lai, nếu có người thiện nam tín nữ nào cầu học Đại thừa, con sẽ khiến họ có được kinh này trong tay, giúp cho niệm lực khiến thọ trì, đọc tụng và giảng giải rộng khắp cho mọi người.
“Bạch Thế Tôn, trong thời mạt thế sau này, nếu có ai thọ trì, đọc tụng và quảng diễn kinh này, nên biết người đó sẽ được xác lập bởi thần lực của Di-lặc.”
Phật nói:
“Lành thay, Di Lặc, lành thay! Như lời ông nói, Phật tán thán sự tùy hỷ của ông.”
Lúc bấy giờ tất cả Bồ tát đồng chắp tay bạch Phật:
“Sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con[9] sẽ truyền giảng Pháp giác ngộ tối thượng này rộng khắp mười phương quốc độ, và chỉ dẫn những người thuyết Pháp thấu hiểu nghĩa kinh.”[10]
Bốn vị Thiên vương cũng đồng bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, bất cứ ở đâu, thành thị hay thôn quê, núi rừng hay hoang mạc, mà có kinh này và có người đọc tụng, thuyết giảng, thì chúng con nguyện đưa hết thảy quan quân đến nghe và ủng hộ người đó sao cho trong vòng một trăm do-tuần không ai dám đến quấy phá.”
Khi ấy, Phật bảo A-nan-:
“Này A-nan, hãy thọ trì và truyền bá rộng rãi kinh này.”
A-nan đáp: “Vâng, bạch Thế Tôn, con đã ghi nhớ pháp yếu này. Thế Tôn, nên gọi tên kinh là gì?”
Phật dạy:
“A-nan, kinh này được gọi là ‘Duy-ma-cật thuyết sở’, cũng ‘Pháp môn giải thoát bất khả tư nghị’, hãy như vậy mà thọ trì.”[11]
Phật nói kinh này xong, trưởng giả Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất, A-nan, chư thiên, loài người, a-tu-la và hết thảy đại chúng nghe những điều Phật dạy, thảy đều đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
*
CHÚ THÍCH
[1] VCX: “Vào đời ngũ trược ác thế.”
[2] Bồ tát tướng 菩薩相; VCX: bồ tát tướng ấn 菩薩相印, dấu hiệu để nhận biết Bồ tát.
[3] VCX: “Có bốn pháp khiến Bồ tát sơ học tự tổn thương, không thể chứng đắc pháp nhẫn thậm thâm.”
[4] VCX phân thành hai pháp: kinh sợ nghi ngờ, và sinh tâm huỷ báng.
[5] Pháp thứ ba và tư trong VCX: không cung kính và sau đó chê bai.
[6] VCX: bốn duyên.
[7] VCX phân thành hai duyên: khinh mạn và không chỉ dạy.
[8] Được thay trong bản VCX: thứ ba, không kính trọng học xứ (tức giới) thậm thâm quảng đại; thứ tư, chỉ thích bố thí bằng tài sản thế gian.
[9] VCX: “… từ nhiều phương khác, từ các thế giới khác…”
[10] VCX: “khiến cho không gặp chướng nạn.”
[11] VCX gộp thành một tên: Thuyết Vô Cấu Xứng bất tư nghị giải thoát thần biến pháp môn 說無垢稱不可思議自在神變解脫法門.