1
2

Kinh Ông Già Nghèo Khổ

Việt dịch: Thích Bửu Hà

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị sa-môn, một vạn bồ-tát an trú tại Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên, nước Xá-vệ. Lúc ấy cũng có trời, rồng, quỷ, thần và vô số đại chúng đồng nhóm họp, cung kính vây quanh nghe Phật thuyết pháp, tất cả đều hoan hỉ.

Bấy giờ, có ông già nghèo cùng đã hai trăm tuổi, lông mày rất đẹp, tai rất dài, răng đều và trắng, tay dài qua đầu gối. Nhìn vẻ bên ngoài của ông ta tựa như có tướng tốt, nhưng lại nghèo cùng khốn khổ, áo không đủ che thân, để lộ cơ thể; lại thường bị đói khát, vừa cất bước là đã thở gấp. Nghe Phật còn tại thế, ông rất vui mừng, ngày đêm phát nguyện muốn gặp. Đến nay đã mười năm, nguyện này mới thành. Ông liền chống gậy đến, cầu được gặp Phật. Nhưng trời Đế Thích và Phạm thiên canh cửa không cho ông vào. Ông liền lớn tiếng than: “Tôi sinh ra ở đời thật bất hạnh, nghèo cùng khốn khổ, đói khát lạnh rét, cầu chết không được mà sống lại không nơi nương nhờ. Tôi nghe lòng từ của đức Thế Tôn trải rộng, muôn vật đều được nhờ, mọi người đều chịu ân, nên lòng rất vui mừng, ngày đêm phát nguyện được gặp. Đến nay đã mười năm, nguyện ước mới thành. Do đó, tôi từ xa đến đây chỉ xin diện kiến Thế Tôn để cầu lìa được các khổ mà các vị lại ngăn chặn. Như vậy, đã trái ước nguyện tôi, lại nghịch ý Phật, lẽ nào như thế!

Đức Phật biết việc ấy, nên hỏi A-nan:

– Này A-nan! Thầy đã thấy ông lão sống thọ, có tướng quí mà vẫn phải chịu tội báo chưa?

A- nan quỳ xuống, chắp tay thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Người có phúc, sống thọ đâu thể có tội! Người có tội đâu thể có tướng quí. Trong đời, con chưa từng thấy, nay người đó ở đâu?

Đức Phật bảo:

– Người đó đang ngoài cửa, trời Đế Thích và Phạm vương đã ngăn chặn. Ông có thể gọi cho người ấy vào!

Lúc này, ông già dùng hai cùi tay để bò vào. Thấy Đức Phật,lòng ông vui buồn lẫn lộn, nước mắt tuôn trào. Ông đảnh lễ Phật, quỳ xuống chắp tay thưa:

– Đời con bất hạnh, nghèo cùng khốn khổ, đói khát lạnh rét, cầu chết không được mà sống lại không có chỗ nương cậy. Con nghe Đức Thế Tôn nhân từ rộng khắp, muôn vật mong nhờ, không ai mà không chịu ân, nên lòng rất vui mừng, ngày đêm phát nguyện được một lần phụng kiến dung nghi, đến nay đã mươi năm, nguyện mới được thành. Con đứng ngoài cửa rất lâu mà không được vào, muốn bỏ đi nhưng không còn sức lực, tiến lui đều hết cách. Chỉ sợ mạng sống chấm dứt, làm bẩn cửa thánh, lại tăng thêm tội. Không ngờ đức Thiên Tôn[1] đã thương xót, cho phép con vào. Bây giờ mà chết, con cũng không ân hận! Con chỉ muốn mạng sống mau kết thúc, trả hết tội cho đời sau. Xin đức Thế Tôn ban cho con trí tuệ siêu việt.

Đức Phật dạy:

– Loài người thụ sinh là do nhân duyên sinh tử, vì nhiều nhân duyên nên mới có gốc rễ tội lỗi. Hôm nay Ta sẽ nói cội nguồn ấy cho ông biết. Đời trước, ông sinh vào nhà một vị vua thông minh trí tuệ cai trị một đất nước rộng lớn, giàu có và cường thịnh. Lúc ấy, ông là thái tử cao quí khác thường, trên thì được cha mẹ yêu quí, dưới lại được thần dân tôn kính. Vì thế ông mặc sức coi thường mọi người, kiêu căng tự đại. Vô số tài sản của ông đều là từ dân mà có, bá tánh bần cùng đều ông vơ vét. Ông chỉ biết tích chứa mà không biết bố thí.

Lúc ấy, có vị sa-môn khổ hạnh tên là Tĩnh Chí, từ một quốc gia xa xăm quyết đến gặp ông. Vị sa-môn này chỉ xin một chiếc pháp y mà ông hoàn toàn không muốn tiếp, đối xử rất tệ, đã không cấp y, lại không cho thức ăn, đói khát ngồi trước mặt mà ông bỏ đi không đoái hoài. Sau bảy ngày, cơ thể sa-môn suy kiệt, hơi thở yếu ớt, mạng sống như ngọn đèn trước gió. Nhưng ông thấy thế lại rất vui mừng, tụ tập mọi người đến xem và lấy đó làm vui. Bấy giờ có một vị quan hầu đứng gần can ngăn: “Thái tử không nên như vậy, sa-môn hiền từ khiêm cung, đạo đức tiềm ẩn bên trong, trời băng giá mà không biết lạnh, nhịn ăn mà không biết đói. Vị ấy sở dĩ đến đây xin pháp y là muốn làm phúc. Thái tử đã không cho thì thôi, sao lại làm cho sa-môn khốn khổ! Xin ngài hãy bảo sa-môn đến nơi khác, chớ rước lấy tội lỗi!”.

Thái tử đáp: “Đây là người nào mà giả xưng đạo đức? Ta chỉ thử cho nếm một chút khốn khổ chứ không khiến phải chết. Đúng lúc sẽ thả đi. Ông không có gì phải lo!”. Nói xong, ông lập tức đuổi sa-môn ra khỏi nước.

Khi còn hơn mười dặm nữa mới ra khỏi biên giới thì vị sa-môn gặp bọn giặc đói muốn giết ông để ăn thịt. Sa-môn liền nói: “Tôi là sa-môn đói rét, thân gầy chỉ còn da bọc xương. Đã vậy thịt lại hôi thối, không đáng để ăn. Chỉ uổng công giết tôi, chứ không ích lợi gì!”.

Giặc đói đáp: “Ta đói đã nhiều ngày rồi, chỉ ăn đất, ông tuy hơi gầy một chút, nhưng vẫn là thịt, dứt khoát không thả, cứ phải chịu chết”.

Cứ đối đáp qua lại như thế, bọn cướp do dự hồi lâu, chưa kịp giết sa-môn thì thái tử biết được, nên liền đến giải cứu và nói với sa-môn: “Tôi đã không cho ngài y phục và thức ăn, thì đâu thể để ngài bị giặc đói bắt giết!”. Bọn giặc thấy thái tử đều cúi đầu lạy nhận tội rồi thả sa-môn đi. Vị sa-môn thời ấy nay là bồ-tát Di-lặc, còn thái tử cao quí kia chính là ông. Đời nay ông chịu tội báo nghèo cùng này là vì đời trước tham lam bỏn xẻn. Sở dĩ được sống thọ là nhờ cứu mạng sa-môn. Tội phước báo ứng như bóng theo hình, như vang theo tiếng.

Nghe Đức Phật dạy, ông già liền bạch Đức Phật:

– Tội quá khứ đã như vậy, con xin trả hết trong đời này. Lại cầu cho những ngày còn lại của con trong đời này được làm sa-môn và mai sau đời đời thường hầu bên Phật.

Đức Phật dạy:

– Hay thay, hay thay!

Ngay lúc ấy râu tóc ông già tự rơi xuống đất, pháp ý tự nhiên đắp trên thân, khí lực sung mãn, tai thính mắt tỏ, liền được thượng tuệ, vào môn tam-muội. Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Xưa ông làm thái tử

Không biết đạo nhân nghĩa

Kiêu ngạo lại buông lung

Cậy thế vua nước lớn

Tự nói không tội phúc

Cho rằng mãi thường còn

Nào biết oán sinh tử

Nay chịu tai họa ấy

Từ tội lại được cứu

Diện kiến Thiên trung thiên[2]

Thoát khỏi tội quá khứ

Mạng dứt, vào Phật pháp

Xa lìa tâm xan tham

Mãi được gốc trí tuệ

Đời đời theo hầu Phật

Sống thọ trong vạn kiếp.

Vị tì-kheo già này nghe kinh xong, lòng rất vui mừng, đảnh lễ Đức Phật.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A-nan:

– Nếu có người tụng kinh này thì được thấy một nghìn Đức Phật kiếp Hiền. Người tu hành theo kinh này, khiến lưu truyền đến đời sau thì được Đức Phật Di-lặc thụ kí. Lưỡi Như Lai rộng dài, lời nói không bao giờ sai khác.

Nghe Đức Phật dạy, tất cả đại chúng đều hoan hỉ thụ trì, cúi đầu đảnh lễ.

Chú thích:

[1] Thiên Tôn 天尊: Đức Phật là đệ nhất nghĩa thiên, là tối tôn trong trời, cho nên được tôn xưng là Thiên tôn.

[2] Thiên Trung Thiên 天中天: Bậc tối thắng trong hàng chư thiên.

    Xem thêm:

  • Kinh Năm Thiên Sứ Của Vua Diêm La - Kinh Tạng
  • Kệ Khuyến Phát Chư Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Vua Ưu Điền Dùng Chánh Pháp Trị Nước - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Kim Cang Tràng Trang Nghiêm Bát Nhã Ba La Mật Đa Giáo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Lời Dạy Cuối Cùng (Kinh Di Giáo) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 31 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 46 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Răn Dạy Vắn Tắt - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Kinh Tạng