Kinh Phật Ấn Tam Muội

Phật Thuyết Phật ấn Tam Muội Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch của Huệ Đắc

***

Một thời, đức Phật trú trong núi Kỳ-đà-quật, thành La-duyệt-kỳ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo mười hai ngàn vị đều là bậc A-la-hán.

Bấy giờ, có bốn trăm ức vạn vị Bồ Tát đều là những bậc hiền giả như Bồ Tát Di-lặc và chư Bồ Tát trong mười phương nhiều vô số không thể đếm xuể. Tất cả đều bay đến trước đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, đứng dậy đi nhiễu quanh đức Phật bảy vòng, rồi lui ra ngồi theo thứ lớp lớn nhỏ trăm ngàn vạn ức hàng vô số kể.

Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi là bậc tài cao đệ nhất, trí tuệ sáng suốt, tuyệt vời so với các Bồ Tát không ai sánh kịp.

Bấy giờ, đức Phật ngồi nhập vào Tam-muội; toàn thân của đức Phật nội y và ngoại y oai nghiêm, ánh sáng rực rỡ; tất cả đại chúng ở đó đều không thấy, mà vô số cõi Phật trong mười phương đều sáng. Những chúng sanh ở các cõi Phật tự nhiên cúng dường chư Phật, Bồ Tát, Bích-chi Phật, A-la-hán và chư Tỳ-kheo Tăng. Vô số chư Phật trong mười phương đều sai các Bồ Tát bay đến chỗ Phật, ngồi qua một bên; chư Bồ Tát đến đầy đủ, nhiều như số cát sông Hằng; một hạt cát là một vị Bồ Tát, mà cho đến số cát bốn mươi sông Hằng như vậy; tất cả trên dưới kế nhau, mỗi vị Bồ Tát tự nhiên ngồi trên một hoa sen lớn. Đức Phật liền biến hoá làm cho thế giới rộng mênh mông, các vị Bồ Tát đến ngồi đông đủ trong đó.

Bồ Tát Di-lặc…, Xá-lợi-phất liền đến trước Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi chắp tay hỏi:

Thưa nhơn giả! Nhơn giả là bậc tài cao, vừa rồi đức Phật nhập vào tam muội; nay không thấy, không biết Ngài đến đâu; có ý nghi ngờ xin nhơn giả nói cho.

Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ Tát Di-lặc rằng:

Nhơn giả tài cao vả lại tương lai sẽ thành Phật, còn Xá-lợi-phất, Tôn giả là đệ tử Phật, chứng đạo quả A-la-hán, trí tuệ đệ nhất; sao mỗi vị không tự nhứt tâm toạ thiền suy tìm để biết thân tâm của Phật đến đâu!

Vô số Bồ Tát và A-la-hán… đang ngồi nhứt tâm suy tìm vô số cõi Phật trong mười phương vô cùng tận, cũng không có ai có thể biết được thân tâm Phật ở chỗ nào!

Bồ Tát Di-lặc… Xá-lợi-phất… lại quì gối chắp tay hỏi Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi:

Chúng tôi nhứt tâm suy tìm thân tâm của Phật, nhưng không thể biết Ngài ở đâu! Muốn biết việc này xin nhơn giả nói cho.

Văn-thù-sư-lợi nói:

Quí vị đều ngồi yên chỉ trong khoảnh khắc, Ngài sẽ trở về, nghe Phật trở về chỗ ngồi, trong hội chúng thấy Phật trở về, thì đều vui mừng đứng dậy đảnh lễ đức Thế-Tôn.

Bồ Tát Di-lặc… Xá-lợi-phất… đến trước quì gối chắp tay thưa hỏi đức Phật:

Vừa rồi khi đức Thế-Tôn nhập Tam-muội, thân tâm và y phục của Thế-Tôn chúng con không thấy cũng không biết đi đâu! Chúng con cùng nhứt tâm nhập định để suy tìm thân tâm của Thế-Tôn, khắp cả mười phương đến vô cùng, vô tận, vẫn không biết Thế-Tôn ở đâu! Chúng con muốn biết.

Phật bảo:

Nơi Ta đến rất sâu xa, chẳng phải các ông có thể biết được, chỉ có chư Phật mới biết được thôi.

Phật dạy tiếp:

Tam-muội ấy rất khó gặp; nếu thấy, nghe, biết được Tam-muội ấy, thì rất vui mừng không thể nói được. Vì sao vậy? Vì rất khó hiểu.

Phật bảo:

Các Bồ Tát cầu đạo phụng hành sau Ba-la-mật đầy đủ, một ngàn ức vạn kiếp còn không thể thấy được khi Phật nhập vào Tam-muội, cũng không nghe, biết được danh hiệu Phật Tam-muội này; nếu Bồ Tát thực hành sáu Ba-la-mật siêng năng, không biếng trễ ba ngàn ức vạn kiếp mà nghe và gặp danh hiệu Phật Tam-muội này, còn chưa tin để hướng về nó; nếu Bồ Tát hành sáu Ba-la-mật không hư mất, bảy ngàn ức vạn kiếp nghe danh hiệu Phật Tam-muội này, vẫn còn chưa tin để hướng về nó; nếu Bồ Tát hành sáu Ba-la mật không hư mất tám ngàn ức vạn kiếp nghe danh hiệu Phật Tam-muội này mới tin hướng về; tin hướng về Tam-muội, một khi nghe hoặc thấy Tam-muội này thì trong lòng hớn hở một ngày một đêm, hơn là hành sáu Ba-la-mật ba ngàn ức vạn kiếp. Vì sao vậy? Vì nghe Tam-muội này về sau cầu đạo mau thành Phật. Danh hiệu Phật Tam-muội này, đó là ấn trí huệ trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật. Bồ Tát cầu đạo nghe được ấn trí huệ kinh Bát-nhã-ba-la-mật này, còn các vị khác không thể nghe được.

Bồ Tát cầu đạo muốn chứng quả vị Phật, cần phải đạt được kinh Bát-nhã-ba-la-mật. Kinh Bát-nhã-ba-la-mật là cha mẹ lớn của chư Phật trong mười phương; đạt được kinh Bát-nhã-ba-la-mật mới được thành Phật. Bồ Tát cầu đạo cần phải tích công bồi đức đầy đủ, mới đạt được kinh Bát-nhã-ba-la-mật. Bồ Tát cầu đạo mà không đạt được kinh Bát-nhã-ba-la-mật thì không thể thành Phật.

Phật bảo:

Nếu có Thiện nam tử! Thiện nữ nhơn nào có lòng tin đến “Kinh Phật Tam-muội” mà quì trước Kinh ấy thành tâm hoan hỷ lễ bái, thì người đó liền được phước báo đời này và đời sau. Khi qua đời sanh lên làm thiên vương, hết tuổi thọ sanh xuống nhơn gian, lại làm vua Chuyển-luân-thánh-vương; sau khi qua đời sanh lên cõi trời, ở cõi trời qua đời sanh xuống nhà vua chúa, lần lượt sanh trong cõi trời cõi người, không còn đoạ vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, quỉ thần, rồng. Sau đo trải qua vô số kiếp sẽ thành Phật. Nếu người nào nghe danh hiệu Tam-muội này còn chút hồ nghi không tin như mảy lông, sợi tóc, thì người đó sau khi qua đời sẽ đoạ vào mười tám địa-ngục, bị thiêu đốt không khi nào ra khỏi. Sau khi ra, người đó cầu đạo không thể thành Phật. Vì sao vậy? Vì “kinh Phật Tam-muội” là yết-quyết ấn-chứng của chư Phật trong mười phương.

Phật bảo:

Ta đã nói như vậy, các ông nên tin chớ có hoài nghi. Ai sẽ chứng minh điều đó? Chỉ có các Bồ Tát như số cát bốn mươi sông Hằng là đệ tử nhỏ của Ta chứng minh điều đó.

Phật nói kinh này xong, Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ Tát Di-lặc… Xá-lợi-phất và những vị A-la-hán, chư thiên, nhơn dân nghe kinh đều rất vui mừng đứng dậy đảnh lễ Phật.

    Xem thêm:

  • Kinh Pháp Hoa Tam Muội - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Tự Thệ Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Ðăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Lực Trang Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Như Lai Độc Chứng Tự Thệ Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tam Muội Chuẩn Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cương Tam Muội Bản Tính Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Tư Ha Muội - Kinh Tạng