Kinh Phật Nói Về Đại Ca Diếp

Phật Thuyết Đại Ca Diếp Bổn Kinh

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch của Huệ Đắc – Tâm Nhãn

***

Nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa ở núi Linh Thứu trong thành Vương-xá. Bấy giờ, trong thành có vị Phạm-chí giàu có tên Ni-câu-loại (nghĩa là không sân hận), tiền của vô số, vàng bạc bảy báu, trâu ngựa ruộng vườn không sao đếm kể. Vị Phạm-chí ấy có một người con tên Tất-bát-học-chí. Ông ta từ bỏ 60 hộc vàng bạc châu báu quý giá, hàng ngàn trâu cày, xa lìa người vợ hiền dung nhan diễm kiều đệ nhất thiên hạ. Và ông tự nghĩ: “Hãy đến các vị A-la-hán ở thế gian học tu tịnh hạnh, tới miếu thần Đa-tử dưới rừng cây ăn quả để sinh sống. Ở đó, Thế Tôn chuyển đại pháp luân, thuyết pháp xong cùng chúng Tỳ-kheo trở về miếu thần Đa-tử, nghỉ ngơi ở tịnh xá nơi ấy.”

Khi đêm gần sáng Tất-bát-học-chí đứng trông thấy Thế Tôn ở tại rừng cây này. Ánh sáng chiếu rọi rất xa, hào quang bao trùm khắp nơi; Học Chí liền nghĩ rằng “Trong rừng cây này, trời sắp sáng oai thần chiếu rọi, ánh sáng vô lượng, đẹp đẽ rực rỡ. Ở rừng cây ấy chắc có nai chúa hay bậc đại hùng sư tử, hoặc có thiên thần nên mới có đại thần thông biến hóa, chắc chắn như vậy. Ta phải đến đó xem sao!”.

Tất-bác-học-chí đứng dậy, đi đến rừng cây, trông thấy Thế Tôn với trăm ngàn ánh sáng, đầy đủ tướng hảo. Học-chí khen thầm:

“Trong kinh điển, các vị tiền bối thần tiên chúng ta có nói rằng: Bậc đại nhân nào đầy đủ ba mươi hai tướng tốt phải đi vào hai đường:

1. Nếu người đó ở tại nhà sẽ làm Chuyển-luân-thánh-vương, làm chủ bốn châu thiên hạ, tuyên bố giáo lịnh, trị dân bằng chánh pháp, không cần dùng đến quân đội binh khí cai trị.

2. Giả sử xuất gia, từ bỏ ngôi vua sẽ trở thành Như Lai Chí Chơn Chánh-đẳng-chánh-giác, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều Ngự, Thiên-nhân-sư hiệu là Phật, Thế Tôn, phải nên thân cận”.

Tất-bác-học-chí đi đến chỗ Phật, thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây thật đoan nghiêm, như một khối bảy báu hợp thành, oai đức hùng dũng, các căn vắng lặng, tâm đạo an tĩnh, rất ung dung thanh tịnh. Tự nhiên hoàn toàn giác ngộ. Như núi bằng vàng, như Tu-di vương, Núi-chúa-tu-di, như bó đuốc rực sáng giữa đêm tối tăm, như rồng ở trong vực nước trong mát và sâu. Với thân được trang sức bằng ba mươi hai tướng, như mặt trời vượt lên khỏi núi, như tia sáng chiếu rọi khắp nơi, như mặt trăng tròn đầy, sáng rực giữa muôn sao, như Chuyển-luân-vương với quyến thuộc vây quanh. Tám mươi vẻ đẹp ở khắp toàn thân như ngàn đóa hoa mỗi mỗi nở rộng đong đưa, trăm ngàn ức màu sắc từ thánh thể xuất ra. Tất-bác-học-chí thấy đức Phật như vậy rất vui mừng như tối gặp sáng, liền đến Thế Tôn chắp tay khiêm cung thưa chuyện và tự nói tên mình, rồi ngồi sang một bên. Đức Phật vì ông ta nói kinh, giải thích vô số nghĩa lý, phân biệt tuệ luận kinh. Thế Tôn bằng lời vui vẻ chỉ dạy về bố-thí, trì-giới, bệnh của ái-dục, từ bỏ trần lao xuất gia là tối thượng. Trị bệnh phải tùy bệnh cho thuốc. Thế Tôn thấy tâm vị ấy, nên phải uyển chuyển hợp thời theo tâm. Tâm hồ-nghi, tâm triền-cái, tâm hoan hỷ, tâm tin tưởng, tâm tội phước, tâm bình đẳng, tùy theo căn cơ mà thuyết pháp.

Như chư Phật thuyết pháp, xem xét căn cơ nguồn gốc của họ mà phân biệt thuyết: khổ, tập, diệt, đạo. Ngay chỗ ngồi, vị ấy xa lìa trần cấu, sanh các pháp nhãn, chứng đạo trong hiện tại, phân biệt lời dạy của pháp, phá được nghi ngờ, chứng ngay quả vị, thọ nhận được lời dạy nhiệm màu, đạt đến giáo pháp dũng mãnh. Ông đứng dậy, sửa y phục ngay ngắn, quỳ gối phải chấm đất, đê đầu đảnh lễ sát chân Phật và thưa:

Khi con mới đến, con muốn gặp Thế Tôn, tự giới thiệu tên họ, nhìn tướng hảo của Thế Tôn lòng quá vui mừng mà thất lễ.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Đại Ca-diếp:

Này hiền giả! Từ nay trở đi, nếu thiện nam tử nào đến đây với tâm niệm trong sáng, như ánh trăng tỏ rạng nhiều màu rực rỡ. Như vậy, người ấy tự mở mắt mà đi vậy.

Này Ca-diếp! Từ nay về sau, nếu thiện nam tử nào, đi đến nơi nào đi nữa mà chế tâm tu hành sẽ như mặt trời chiếu rọi khắp cùng trời đất. Nếu thiện nam tử nào, luôn mở mắt, chế tâm tu hành sẽ giống như mặt trời bừng sáng, cũng như vậy.

Đức Phật lại bảo Ca-diếp:

Từ nay trở về sau, chế tâm tu hành, như loài ong mật tìm đến các nơi, nhiều việc phải làm, loài ong mật chọn các đóa hoa hút mật, không hại gì hương sắc. Thiện nam tử nào chế tâm tu hành, từ nay trở về sau làm việc như vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

– Từ nay trở đi, chế tâm tu hành phải như bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Được vật sạch thì không vui, bị đồ dơ không buồn như: phẩn uế, nước tiểu, mũ máu, rắn chết, người chết, mồ hôi, vẫn không sầu lo. Còn nếu được hương hỏa, vàng bạc bảy báu, năm màu rực rỡ cùng không vui, không tăng không giảm. Thiện nam tử nào chế tâm tu hành cũng nên như vậy. Với lời khen ngợi, tán thán, an lạc, hân hoan, đừng lấy đó là vui. Nếu gặp lời phỉ báng, khổ não không vì đó ưu sầu.

Đức Phật lại bảo Ca-diếp:

– Từ nay về sau, thiện nam tử nào chế tâm tu hành phải như lau đồ sạch và lau đồ không sạch; như lau: phẩn uế, nước tiểu, đờm dãi, mũ máu, chó chết, rắn chết, người chết, mồ hôi…. Lau đồ dơ cũng không buồn, lau đồ sạch cũng không vui. Nếu thiện nam tử nào chế tâm tu hành cũng phải như vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

– Từ nay trở đi, chế tâm tu hành như cây chổi quét, sạch cũng quét, dơ cũng quét.

Phật bảo Ca-diếp:

– Từ nay trở đi, thiện nam tử nào chế tâm tu hành, như người ăn xin cuối đầu đi, đi đến đâu thường dấu hai tay vào trong, như người lõa thể hổ thẹn, không có đồ che. Ở tại thế gian muốn mưu sinh thì cũng không nói tên mình. Có thể hay không có thể đều giữ im lặng. Nếu thiện nam tử nào chế tâm tu hành cũng phải như vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

– Từ nay về sau, thiện nam tử nào chế tâm tu hành như cưa sừng trâu. Như con trâu bị cắt sừng hiền hòa dễ sai. Không tham bốn việc đi vào ngã tư, trong bốn con đường không có gì để gây nguy hiểm cho tính mạng. Nếu thiện nam tử nào chế tâm tu hành cũng được như thế.

Phật bảo Ca-diếp:

– Từ nay về sau, chế tâm tu hành như nồi sắt, như những ngọn lửa. Như nồi bị lửa đốt thủng, nhiều lỗ hỏng, làm dầu mỡ bên trong chảy ra tràn trề, như người mắt sáng đứng một bên thấy lửa đốt nồi, lũng nhiều lỗ làm dầu chảy ra, từng giọt rơi xuống. Nếu thiện nam tử quán xét thân thể thường còn, tứ-đại hợp thành, chín lỗ thủng chảy, chảy ra những thứ bất tịnh, không tham đắm lạc thú nơi thân, không cho đó là lạ. Thế là Đại Ca-diếp, nghe Thế Tôn nói nhiều ví dụ sáng tỏ, tức thì thọ nhận đọc tụng thấy được tám cửa giải thoát. Phật bảo Ca-diếp đến rừng cây có bóng mát. Ca-diếp đáp: “Dạ thưa Thế Tôn” liền đứng dậy đi theo sau Phật. Khi ấy, đức Phật cùng Đại-Ca-diếp rảo bước ra khỏi rừng cây, đến rừng cây khác, rồi lại tiếp đến ngồi dưới gốc cây khác.

– Này Ca-diếp, ở dưới cây này hãy trải tòa cho Như Lai. Thân ta đã mệt, lưng ta cũng đã hơi đau.

Ca-diếp vâng lời, vội vã trải tòa cho đức Phật. Trải tòa ngay ngắn, sau khi trải tòa xong. Ca-diếp đến trước mặt Thế Tôn thưa;

– Chỗ nằm đã trải xong thỉnh Thế Tôn nghỉ.

Đức Phật đến ngồi chỗ vừa trải bảo Ca-diếp:

– Đất mềm dẻo và rất mịn màng.

Ca-diếp thưa:

– Đúng vậy! Thưa Thế Tôn. Đất nơi kia và chỗ này, nay được thân người rồi cũng trở về nơi đất ấy, cuối cùng cũng tận diệt. Phải trì tâm nhẫn nhục như đất vậy. Nay pháp y của con cũng mềm mại đẹp đẽ, nguyện dức Phật mở rộng lòng thương nhận y này cho.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

– Nếu ta nhận y sắc đỏ mềm mại này thì ông dùng y phục gì?

Ca-diếp bạch Phật:

– Thời xưa chư Phật tán thán: thiện nam tử nào mặc y che đậy tử thi ngoài nghĩa địa và y ngũ nạp y năm mãnh vá lại sẽ làm an ổn cho Chư thiên và người thế gian.

– Hay thay! Hay thay, này Ca-diếp! Ông sẽ được nhiều sự thương mến, được nhiều sự an ổn nếu mặc y phấn-tảo. Thời xưa, chư Phật từng khen ngợi người đó. Ca-diếp! Ông đứng dậy mau đi lấy nước đem lại đây, ta khát lắm muốn uống nước.

– Vâng! Thưa Thế Tôn.

Ca-diếp liền thọ giáo đứng dậy, đê đầu đảnh lễ, đi quanh Phật ba vòng, vội vàng đi lấy nước.

Nhân đó, một số Tỳ-kheo thấy, liền đón hỏi Ngài rằng:

– Ngài là bậc trưởng lão, không cống cao, không sầu lo, vắng lặng đoạn tận những tham lam xấu xa, thể nhập vô-sở-xứ. Nhờ đâu Sa-môn được thọ cụ-túc-giới. Vì vậy nay mới đến đây.

Ca-diếp đáp rằng:

– Các ông đến chỗ Phật, đem việc này thưa hỏi đức Thế Tôn. Tất nhiên, Thế Tôn sẽ phân biệt cho các ông rõ ràng.

Nói xong, Hiền-giả Ca-diếp liền đi lấy nước. Sau khi trở về, dâng nước lên cho Phật. Đức Phật thọ nhận, uống xong còn chút nước thừa, trao lại cho Ca-diếp. Ngài Ca-diếp đón lấy. Rồi Ca-diếp trịch áo một bên, chấp tay quỳ gối, gối phải quỳ xuống đất, sửa y ngay ngắn, bạch với Thế Tôn rằng:

– Con đi lấy nước, thấy một số đệ-tử và các vị Tỳ-kheo hỏi con rằng: Ngài là bậc trưởng lão không cống cao, không sầu lo, cũng không si mê, vắng lặng đoạn trừ những tham muốn xấu xa trong bốn việc. Con từ bỏ sáu mươi hộc vàng châu báu, hàng ngàn trâu cày, xa lìa người vợ đẹp nhất thiên hạ. Con đến gặp những vị A-la-hán đã chứng quả trong thế gian để học đạo. Nay đệ tử và các vị Tỳ-kheo đều lại hỏi con. Con trước kia, ở tại miếu thần Đa-tử, dưới rừng cây, ăn trái cây ở đó. Lúc ấy, chưa thọ cụ túc giới nơi Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn du hóa đến thành Vương-xá, con ở tại rừng Trúc, vườn Ca-lan. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thành khất thực, thấy có một cung điện rộng lớn như mặt trời với một ngàn ánh sáng rực rỡ. Khi ấy, đức Thế Tôn đang ở vườn Ca-lan trong rừng Trúc, tại thành Vương-xá. Khi thấy Thế Tôn, con nghĩ: Mặt trời lại mọc nữa giống như đại Thiên thần làm màn đêm sáng rực như ban ngày. Khi vào buổi chiều đức Phật xuất thần, như mặt trăng cung điện chiếu ra ánh hào quang, che bớt ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Như ngọn lửa lớn ở trong nhà tối. Đức Phật ngồi giữa đại chúng, oai thần cũng sáng rực như vậy. Vì các vị Tỳ-kheo mà giảng nói kinh pháp. Đức Phật như Chuyển-luân-vương đầy đủ với những người con, quyến thuộc và các vị Tỳ-kheo đông đủ. Khi ấy, con quán sát cho đến chết, xem trong chúng Tỳ-kheo người nào có thể tiếp thọ. Nhưng không ai là trò và cũng không ai là thầy. Duy chỉ có một mình Như Lai là bậc cao thượng, vượt ra khỏi thế gian, truyền bá chánh pháp đạt đến diệt độ. Nay chư Tỳ-kheo cố lại hỏi con.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca-diếp:

– Có nhiều Tỳ-kheo không biết thiện ác, giác ngộ và không giác ngộ, không rõ phước điền, đối với các pháp có rất nhiều nghĩa lý. Nay người thuyết giảng đệ nhất là Ca-diếp tối thượng, nhưng không cống cao, bình đẳng, không lo âu, sống đạm bạc trong bốn việc, không tham dục, thành tựu đệ nhất về việc thọ cụ-túc-giới.

Phật nói như vậy, Hiền giả Ca-diếp cùng chư Tỳ-kheo tất cả đều vui mừng.

    Xem thêm:

  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vị A Chi La Ca Diếp Tự Tha Tác Khổ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Phó Phật Bát Niết Bàn - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng Giả Thủ Ca - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà (Văn Vần) - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Thi Ca La Việt Lạy Sáu Phương - Kinh Tạng
  • Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca - Kinh Tạng
  • Pháp Tì Na Dạ Ca Đại Thánh Thiên Hoan Hỉ Song Thân - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 29 – Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Diên Thọ Diệu Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Pháp Vô Hạnh - Kinh Tạng