Kinh Tâm Thanh Tịnh
Việt dịch: Như Hòa
Một thời, đức Phật Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, cây của Kỳ Đà, cùng các vị tỳ-kheo câu hội.
Phật bảo các tỳ-kheo rằng:
Các ông lắng nghe:
Nếu các Thanh Văn tu tập chánh hạnh, muốn đạt được tâm thanh tịnh. Nên dứt năm pháp, nên tu tập bảy pháp sao cho viên mãn.
Một là tham dục; hai là nóng giận; ba là hôn trầm say ngủ; bốn là lao chao, hối hận; năm là ngờ vực. Năm thứ cái chướng này phải nên trừ dứt.
Những gì là bảy pháp? Một là trạch pháp giác chi, hai là niệm giác chi, ba là tinh tấn giác chi, bốn là hỷ giác chi, năm là khinh an giác chi, sáu là định giác chi, bảy là xả giác chi. Hãy nên tu tập bảy pháp như thế.
Này các tỳ-kheo! Nên biết tâm thanh tịnh vừa nói đó chính là nói tâm giải thoát tăng trưởng, huệ giải thoát tăng trưởng.
Do tham nhiễm ô, tâm chẳng thanh tịnh. Do vô minh nhiễm ô, huệ chẳng thanh tịnh.
Nếu các tỳ-kheo đoạn trừ tham nhiễm, tâm liền được giải thoát. Đoạn trừ vô minh, huệ liền được giải thoát.
Nếu các tỳ-kheo lìa tham nhiễm ô, tâm được giải thoát thì gọi là “thân tác chứng”.
Đoạn trừ vô minh, huệ được giải thoát thì gọi là Vô Học.
Vĩnh viễn lìa tham ái, hiểu rõ chánh tri chân thật. Hiện tiền chứng lấy tự quả, hết bờ mé khổ.
Này chư tỳ-kheo! Những điều vừa nói như thế, các ông hãy nên học.