Kinh Tâm Thanh Tịnh
Việt dịch: Thích Chúc Tịnh
Một thuở nọ, Đức Phật Thế Tôn cùng với chúng tỳ-kheo nhóm họp tại Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
– Các ông nên lắng nghe! Nếu các vị Thanh-văn tu tập chánh hạnh, muốn được tâm thanh tịnh nên đoạn trừ năm pháp và tu tập viên mãn bảy pháp.
Năm pháp là gì? Đó là:
1.Tham dục,
2.Sân khuể,
3.Hôn trầm thùy miên,
4.Trạo hối,
5.Nghi.
Đây là năm triền cái làm chướng ngại phải nên đoạn trừ.
Còn bảy pháp là gì? Đó là:
1.Trạch pháp Giác chi,
2.Niệm Giác chi,
3.Tinh tấn Giác chi,
4.Hỷ Giác chi,
5.Khinh an Giác chi,
6.Định Giác chi
7.Xả Giác chi.
Đây là bảy pháp phải nên tu tập.
Này các tỳ-kheo! Nói tâm thanh tịnh, nên biết đó là nói tâm giải thoát, nói tuệ giải thoát.
Do tham làm nhiễm ô nên tâm không thanh tịnh; do vô minh làm nhiễm ô nên trí tuệ không thanh tịnh.
Nếu các tỳ-kheo đoạn trừ tham nhiễm, liền được tâm giải thoát, đoạn trừ vô minh liền được tuệ giải thoát.
Lại nữa các tỳ-kheo! Xa lìa tâm tham nhiễm ô liền được tâm giải thoát gọi là thân tác chứng, đoạn trừ vô minh được trí tuệ giải thoát gọi là vô học, vĩnh viễn xa lìa tham ái, hiểu rõ chân thật, chánh trí hiện tiền, chấm dứt các khổ, tự chứng quả.
Các tỳ-kheo! Những điều Ta nói như thế, các ông nên học.