KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 22
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 576. NAN-ĐÀ LÂM[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Chẳng ở rừng Nan-đà[2],
Trọn chẳng được khoái lạc;
Trong cung trời Đao-lợi,
Được danh xưng Thiên đế.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Trẻ con[3], ngươi nào biết,
Điều A-la-hán nói:
Tất cả hành vô thường,
Đấy là pháp sanh-diệt.
Đã sanh rồi lại diệt,
Tịch diệt cả là vui.
Bấy giờ, Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi liền biến mất.
KINH 577. CÂU TỎA[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Bứt tất cả xiềng xích,
Mâu-ni không có nhà;
Sa-môn ham giáo hóa:
Tôi chẳng nói ‘Lành thay!’
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tất cả loài chúng sanh,
Thảy cùng ràng buộc nhau;
Kia có người trí tuệ,
Ai chẳng khỏi thương xót?
Thiện Thệ vì thương xót,
Thường dạy dỗ chúng sanh.
Người thương xót chúng sanh,
Đó là đúng như pháp.
Thiên tử kia lại nói bài kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.
Thiên tử kia sau khi nghe Phật dạy, tùy hỷ hoan hỷ rồi liền biến mất.
KINH 578. TÀM QUÝ[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, cuối đêm đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Thường tập lòng hổ thẹn,
Thường có hạng người này;
Hay xa lìa điều ác,
Như ngựa khôn thấy roi.
Bấy giờ, Thế Tôn nói bài kệ:
Thường tập lòng hổ thẹn,
Người này thật ít có;
Hay xa lìa điều ác,
Như ngựa lành thấy roi.
Vị Thiên tử kia lại nói bài kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật nói kệ xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ Phật rồi biến mất.
KINH 579. BẤT TẬP CẬN[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Chẳng gần gũi Chánh pháp,
Ưa đắm các tà kiến;[7]
Ngủ mê chẳng tự biết,
Nhiều kiếp tâm sao ngộ?
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ trả lời:
Chuyên tu nơi Chánh pháp,
Xa lìa nghiệp bất thiện;
Là La-hán lậu tận,
San phẳng đời gập ghềnh[8].
Thiên tử kia nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.
Thiên tử này sau khi Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân rồi biến mất.
KINH 580. THIỆN ĐIỀU[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Nhờ pháp, khéo điều phục,
Không đọa các tà kiến;[10]
Tuy còn đắm ngủ say,
Có thể tùy thời ngộ.
Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Nếu nhờ pháp điều phục,
Chẳng theo các tà kiến;
Rốt ráo dứt vô tri,
Hay vượt đời ân ái.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi biến mất.
KINH 581. LA-HÁN (1)[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Tất cả lậu dứt sạch,
Mang thân tối hậu này,
Xác định nói: ‘có ngã,’
Và nói: ‘ngã sở’ không?[12]
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Các hữu lậu đã sạch,
Mang thân tối hậu này.
Giả sử còn nói ngã,
Ngã sở, cũng không lỗi.
Thiên tử lại nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Tất cả lậu hết sạch,
Mang thân tối hậu này.
Tâm nương nơi ngã mạn,
Mà nói là có ngã;
Và nói về ngã sở,
Có nói như thế không?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đã lìa nơi ngã mạn,
Không còn tâm ngã mạn;
Siêu việt ngã, ngã sở,
Ta nói là lậu tận.
Đối ngã, ngã sở kia,
Tâm trọn chẳng chấp trước;
Hiểu danh tự thế gian,
Bình đẳng giả danh nói.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.
Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 582. LA-HÁN (2)[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Lậu tận, tối hậu thân;
Có thể nói: ‘có ngã’,
Và nói: ‘ngã sở’ chăng?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Lậu tận, tối hậu thân;
Cũng nói là có ngã,
Và nói có ngã sở.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Đã sạch các hữu lậu,
Chỉ còn thân sau cùng.
Sao còn nói có ngã,
Và nói có ngã sở?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Tất cả lậu hết sạch,
Chỉ còn thân sau cùng.
Ta nói sạch các lậu,
Cũng chẳng chấp ngã sở;
Hiểu danh tự thế gian,
Bình đẳng giả danh nói.
Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 583. NGUYỆT THIÊN TỬ[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ có La-hầu-la A-tu-la vương[15] che Nguyệt Thiên tử[16]. Lúc ấy các Nguyệt Thiên tử đều sợ hãi, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui sang một bên và nói kệ khen ngợi Phật:
Nay lễ Tối Thắng Giác,
Hay thoát tất cả chướng;
Con nay gặp khổ não,
Thế nên đến quy y.
Chúng con Nguyệt Thiên tử,
Quy y Đấng Thiện Thệ;
Phật thương xót thế gian,
Xin cứu thoát Tu-la.
Thế Tôn liền nói kệ đáp:
Phá tan mọi tăm tối,
Ánh sáng chiếu hư không;
Nay Tỳ-lô-giá-na[17],
Bày ánh sáng thanh tịnh.
La-hầu tránh hư không,
Phóng bay nhanh như thỏ.
A-tu-la La-hầu,
Vội bỏ trăng trở về;
Toàn thân tuôn mồ hôi,
Kinh hoảng chẳng an ổn;
Thần hôn, chí mê loạn,
Giống như người bệnh nặng.
Bấy giờ, có A-tu-la tên là Bà-trĩ[18] thấy A-tu-la La-hầu-la vội vàng bỏ mặt trăng trở về liền nói kệ:
La-hầu A-tu-la,
Bỏ trăng sao nhanh thế?
Toàn thân tuôn mồ hôi,
Như người bị bệnh nặng.
A-tu-la La-hầu-la trả lời bằng bài kệ:
Cù-đàm thuyết chú kệ;
Nếu không nhanh bỏ trăng.
Đầu vỡ làm bảy mảnh,
Chịu khổ như sắp chết.
A-tu-la Bà-trĩ lại nói bài kệ:
Phật xuất hiện, hiếm có;
An ổn cho thế gian.
Ngài thuyết kệ khiến cho
La-hầu bỏ mặt trăng.
Phật nói kinh này rồi, bấy giờ Nguyệt Thiên tử sau khi những điều Phật thuyết, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ rồi lui.
KINH 584. TỘC BẢN[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:
Ngài có bản tộc chăng?
Có tộc nối dõi chăng?
Thân thuộc thảy đều không?
Làm sao cởi trói buộc? [20]
Thế Tôn trả lời bằng bài kệ:
Ta không có tộc bản
Cũng không tộc nối dõi;
Thân thuộc cắt vĩnh viễn,
Giải thoát mọi ràng buộc.
Thiên tử lại nói kệ:
Thế nào là tộc bản?
Thế nào là dòng tộc?
Thế nào có thân thuộc?
Thế nào dây trói chắc?
Bấy giờ, Thế Tôn trả lời bằng bài kệ:
Mẹ, tộc bản của đời;
Vợ là tộc nối dõi[21];
Có con có thân thuộc;
Ái là dây trói chặt.
Rồi, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lành thay không dòng họ,
Không sanh tộc cũng tốt;
Lành thay không tương thuộc!
Lành thay giải thoát buộc!
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 585. ĐỘC NHẤT TRỤ[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tháp Ưu-la-đề-na của họ Thích[23].
Bấy giờ Thế Tôn mới cạo râu tóc. Vào cuối đêm, Ngài ngồi kiết già, thân ngay, ý chánh, cột niệm ở trước mặt, lấy y trùm lên đầu. Bấy giờ bên tháp Ưu-la-đề-na có Thiên thần cư ngụ, phóng ánh sáng từ thân, chiếu khắp tinh xá, bạch Phật rằng:
“Sa-môn lo buồn phải không?”
Phật bảo Thiên thần:
“Ta mất gì đâu?”
Thiên thần lại hỏi:
“Sa-môn hoan hỷ phải không?”
Phật bảo Thiên thần:
“Ta được gì đâu?”
Thiên thần lại hỏi:
“Sa-môn không lo buồn, không hoan hỷ phải không?”
Phật bảo Thiên thần:
“Đúng vậy! Đúng vậy!”
Bấy giờ Thiên thần nói kệ:
Vì lìa các phiền não,
Vì chẳng có vui mừng;
Làm sao sống một mình,
Không bị buồn phá hoại?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Giải thoát không ưu não,
Cũng không có hoan hỷ;
Buồn không thể phá hoại,
Nên Ta sống một mình.
Thiên thần này lại nói kệ:
Làm sao không ưu não,
Làm sao không hoan hỷ;
Làm sao ngồi một mình,
Không bị buồn phá hoại?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Phiền não sanh hoan hỷ,
Hoan hỷ sanh phiền não;
Không não cũng không hỷ,
Thiên thần nên gìn giữ.
Thiên thần lại nói kệ:
Lành thay! Không phiền não,
Lành thay! Không hoan hỷ;
Lành thay! Sống một mình,
Không bị buồn phá hoại?
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên thần kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 586. LỢI KIẾM[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ:
Như gươm bén làm hại,
Cũng như lửa cháy đầu;
Đoạn trừ lửa tham dục,
Chánh niệm cầu xa lìa.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Thí như gươm bén hại,
Cũng như lửa cháy đầu;
Đoạn trừ thân sau rốt[25],
Chánh niệm cầu xa lìa.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 587. THIÊN NỮ[26]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ rằng:
Các Thiên nữ vây quanh,
Như chúng Tỳ-xá-chi[27];
Trong rừng rậm si hoặc,
Do đâu được ra khỏi?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Đạo chánh trực bình đẳng,
Phương thoát ly sợ hãi;
Cỡi chiếc xe tịch mặc,
Che kín bởi pháp tưởng[28].
Tàm quý vòng dây cổ[29],
Chánh niệm là dây buộc;
Trí tuệ người đánh xe,
Chánh kiến dẫn đường trước.
Cỗ xe mầu nhiệm ấy,
Cùng đưa cả nam nữ;
Ra khỏi rừng sanh tử,
Chóng đến nơi an lạc.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 588. TỨ LUÂN[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Có bốn chuyển, chín cửa,
Sống đầy đủ tham dục;
Đắm chìm sâu trong bùn,
Voi lớn làm sao ra?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Cắt dây dài ái hỷ,
Tham dục cùng các ác;
Nhổ gốc rễ ái dục,
Hướng thẳng đến chỗ kia.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 589. ĐẠI PHÚ[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Nước Lại-tra-bàn-đề,
Có các khách buôn bán[32];
Giàu có nhiều của cải,
Tranh nhau mong làm giàu.
Tìm cách cầu tài lợi,
Như đốt lửa cháy bùng;
Tâm tranh thắng như thế,
Dục tham luôn dong ruổi.
Thế nào nên dứt tham,
Hết cần cầu thế gian.
Thế Tôn nói kệ đáp:
Bỏ tục sống không nhà,
Vợ con cùng tiền của;
Lìa dục, tham, sân, si,
La-hán sạch các lậu.
Chánh trí tâm giải thoát,
Ái tận dứt phương tiện.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 590. GIÁC THỤY MIÊN[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thời quá khứ tại nước Câu-tát-la có các nhà buôn với năm trăm cỗ xe cùng đi buôn bán. Họ đi đến chỗ hoang mạc. Hoang mạc này có bọn cướp năm trăm tên, đuổi theo sau, lén tìm cơ hội cướp đoạt. Bấy giờ, nơi hoang mạc ấy có một Thiên thần đang ở bên đường. Thiên thần ấy nghĩ thầm: ‘Ta nên đi đến nước Câu-tát-la kia, chỗ các nhà buôn để hỏi nghĩa lý. Nếu họ vui lòng cho ta được hỏi và giải thích, ta sẽ tìm cách khiến họ an ổn, được thoát khỏi nạn giặc cướp. Nếu họ không vui lòng với những câu hỏi của ta, ta sẽ bỏ mặc họ, như những Thiên thần khác.’ Sau khi suy nghĩ xong, Thiên thần ấy phóng ánh sáng chiếu khắp các cỗ xe của những nhà buôn và nói kệ:
Ai đối thức lại ngủ,
Ai đối ngủ lại thức;
Người nào hiểu nghĩa này,
Ai hay vì tôi nói.
Trong các nhà buôn đó có một Ưu-bà-tắc tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, nhất tâm hướng về Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng. Vị ấy đối với Phật, Pháp, Tăng lìa nghi, đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo lìa nghi, thấy bốn Thánh đế, đắc quả hiện quán thứ nhất[34]. Trong các nhà buôn cùng kết bạn đi đường đó, Ưu-bà-tắc kia vào khoảng cuối đêm ngồi thẳng suy nghĩ, cột niệm ở trước; đối với mười hai nhân duyên, quán sát thuận nghịch; nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; nghĩa là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập xứ, duyên lục nhập xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có lão, duyên lão có bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như thế thuần đại khổ tụ tập. Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão diệt, lão diệt thì bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Như thế thuần đại khổ tụ diệt.”
Vị Ưu-bà-tắc ấy suy nghĩ xong liền nói kệ:
Đối người thức ta ngủ,
Đối người ngủ ta thức;
Ta hiểu rõ nghĩa này,
Nói rõ được cho người.
Lúc ấy, Thiên thần hỏi Ưu-bà-tắc:
“Thế nào là tỉnh thức ngủ mê, thế nào là ngủ mê tỉnh thức, thế nào là có thể biết, thế nào là có thể xác nhận?”
Ưu-bà-tắc nói kệ:
Tham dục và sân nhuế,
Ngu si được lìa dục;
A-la-hán lậu tận,
Chánh trí tâm giải thoát.
Vị ấy là thức tỉnh,
Đối kia ta mê ngủ;
Chẳng biết nhân sanh khổ,
Và khổ nhân duyên tập.
Đối tất cả khổ này,
Dứt hết không còn sót;
Lại chẳng biết Chánh đạo,
Đưa đến nơi hết khổ.
Như thế là đang ngủ,
Đối kia ta lại thức;
Như thế đối với ngủ,
Như thế đối với thức.
Khéo biết nghĩa như thế,
Như thế hay xác nhận.
Thiên thần lại nói kệ:
Lành thay! Ngủ trong thức,
Lành thay! Thức trong ngủ;
Lành thay! Khéo hiểu nghĩa,
Lành thay! Khéo xác nhận.
Lâu xa nay mới thấy,
Các anh em nên đến;
Nhờ ân lực của người,
Khiến cả bọn thương nhân,
Được thoát khỏi giặc cướp;
Đi theo đường an ổn.
Như thế, các Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la và cả đám thương nhân theo đường đi an ổn, thoát khỏi nơi hoang vắng, nguy hiểm.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 591.[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thời quá khứ, trên một hòn đảo, có một Ưu-bà-tắc đến nhà một Ưu-bà-tắc khác, cùng ngồi, cực lực chê bai dục như sau: ‘Dục này hư vọng, không thật, là pháp hư dối, như huyễn hóa, lừa gạt con nít.’
“Nói xong rồi trở về nhà mình, phóng túng theo ngũ dục. Tại nhà Ưu-bà-tắc này có Thiên thần đang trú ngụ. Vị Thiên thần này nghĩ thầm: ‘Ưu-bà-tắc này không hơn gì, chẳng khác gì các Ưu-bà-tắc khác; ngồi giữa đông người cực lực chê bai dục: ‘Dục này giả dối, không thật, là pháp giả dối, lừa gạt con nít.’ Rồi trở về nhà mình lại phóng túng theo năm dục. Bây giờ hãy giúp ông ta giác ngộ. Liền nói kệ rằng:
Giữa đám đông tụ họp,
Chê trách dục vô thường;
Tự chìm trong ái dục,
Như trâu lún bùn sâu.
Ta xem trong hội kia,
Các vị Ưu-bà-tắc;
Đa văn hiểu rõ pháp,
Gìn giữ giới thanh tịnh.
Ngươi thấy kia vui pháp,
Mà nói dục vô thường;
Sao tự buông theo dục,
Chẳng đoạn dứt tham ái?
Vì sao vui thế gian,
Nuôi vợ con quyến thuộc?
Vị Thiên thần ấy khai thị cho Ưu-bà-tắc kia như thế. Ưu-bà-tắc đó được giác ngộ, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, lòng tin chân chánh, không nhà xuất gia học đạo, tinh cần tu tập, dứt sạch hết các pháp hữu lậu, đắc quả A-la-hán.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH 592. TU-ĐẠT[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà[37], nước Xá-vệ. Bấy giờ trưởng giả Cấp Cô Độc có chút việc đến thành Vương xá, ngủ đêm lại ở một nhà trưởng giả nọ. Ban đêm, nghe thấy gia chủ bảo với vợ con, tôi tớ, người giúp việc rằng:
“Các người nên thức dậy, sửa soạn củi lửa, nấu cơm làm bánh, sửa soạn thức ăn ngon và trang hoàng nhà cửa.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe vậy nghĩ thầm: ‘Người gia chủ này hôm nay làm gì đây? Hoặc là gả con gái, hay là cưới vợ cho con, hay là mời khách vua, quan?’ Suy nghĩ xong, liền hỏi gia chủ:
“Ông làm gì? Có phải là gả con gái, hay cưới dâu, hoặc mời khách vua quan?”
Gia chủ này trả lời ông Cấp Cô Độc :
“Tôi không gả con, không cưới dâu, không mời khách vua quan gì cả, mà chỉ muốn thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng để cúng dường.”
Chưa bao giờ trưởng giả Cấp Cô Độc nghe danh tự Phật, mà nay được nghe lòng hết sức vui mừng, toàn thân rợn chân lông, vui mừng hỏi gia chủ kia:
“Thế nào gọi là Phật?”
Gia chủ đáp:
“Có Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng Thích-ca, trong dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, không nhà, xuất gia học đạo, đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là Phật.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi:
“Thế nào gọi là Tăng?”
Gia chủ kia đáp:
“Nếu người thuộc dòng Bà-la-môn, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, không nhà, theo Phật xuất gia; hoặc người thuộc dòng Sát-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, những thiện nam này cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, không nhà, theo Phật xuất gia. Đó gọi là Tăng. Hôm nay tôi thỉnh Phật và hiện tiền Tăng thiết lễ cúng dường.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi gia chủ kia:
“Hôm nay tôi có thể đến gặp Thế Tôn được không?”
Gia chủ kia đáp:
“Ông cứ ở đây. Tôi thỉnh Thế Tôn đến nhà tôi, ở đây ông sẽ gặp Ngài.”
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc suốt đêm hôm ấy hết lòng nghĩ đến Phật được ngủ một giấc ngon. Trời vẫn chưa sáng, bỗng thấy tướng sáng, tưởng đâu trời đã sáng, bèn đi ra khỏi nhà, đi về phía cửa thành. Đến dưới cửa thành, đêm mới canh hai, cửa thành chưa mở. Theo thường pháp của vua phải đợi lệnh mới cho đi lại. Hết canh một, cửa thành mới đóng. Đến cuối giữa đêm mới lại mở cửa cho người đi lại sớm. Khi trưởng giả Cấp Cô Độc thấy cửa thành mở, nghĩ thầm: ‘Đúng là qua đêm, trời sáng, cửa mở, theo tướng sáng ra khỏi thành.’
Đến khi ông ra khỏi cửa thành rồi tướng sáng liền tắt, bỗng trở lại tối tăm. Trưởng giả Cấp Cô Độc cảm thấy trong lòng sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng. “Có lẽ bị người lạ hay ma quỷ, hoặc kẻ gian làm cho ta sợ hãi đây?” Ông vội vàng muốn trở về. Bấy giờ, bên cửa thành có Thiên thần đang cư ngụ, thân tỏa ánh sáng từ cửa thành kia đến nghĩa địa Hàn lâm, ánh sáng chiếu khắp, Thiên thần bảo trưởng giả Cấp Cô Độc:
“Ông hãy đi tới, có thể được lợi ích tốt đẹp, đừng trở lui.”
Thiên thần liền nói kệ:
Ngựa hay cả trăm con,
Vàng ròng đầy trăm cân,
Xe la và xe ngựa,
Mỗi thứ đến trăm cổ,
Đủ các thứ quý báu,
Đều chất đầy trên đó.
Do thiện căn đời trước,
Được phước báu như vậy,
Nếu người tâm kính trọng,
Hướng Phật đi một bước,
Được phước này nhiều hơn,
So với phước trên kia,
Bằng một phần mười sáu.
“Thế nên trưởng giả cứ đi tới trước, chớ trở lui.”
Thiên thần lại nói tiếp kệ:
Long tượng tại núi Tuyết,
Trang sức bằng vàng ròng,
Thân to, ngà dài lớn,
Đem voi này cho người,
Chẳng bằng phước hướng Phật,
Chỉ một phần mười sáu.
“Thế nên trưởng giả mau đi tới trước, được lợi ích lớn, đừng trở lui.”
Thiên thần liền nói kệ:
Gái nước Kim-bồ-xà,
Số đến cả trăm người,
Đủ các thứ báu đẹp,
Trang sức đầy châu ngọc,
Đem bố thí tất cả,
Cũng chẳng bằng công đức,
Hướng đến Phật một bước,
Bằng một phần mười sáu.
“Thế nên, trưởng giả mau đi nhanh tới trước, sẽ được lợi ích tốt đẹp, đừng trở lui.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi Thiên thần:
“Hiền giả! Hiền giả là ai?”
Thiên thần đáp:
“Tôi là Ma-đầu-tức-kiện-đại ma-na-bà, trước đây là người quen của trưởng giả, đối với Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên tôi khởi lòng tin kính, do công đức này được sanh cõi trời, trấn giữ cả thành này. Thế nên tôi bảo trưởng giả chỉ nên đi tới trước, chớ có trở lui cứ đi tới trước sẽ được lợi ích lớn, đừng trở về.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc suy nghĩ: “Đức Phật xuất hiện ở thế gian chẳng phải là việc nhỏ. Được nghe Chánh pháp chẳng phải là chuyện nhỏ. Bởi thế Thiên thần khuyên ta nên đi tới gặp Phật”.
Bấy giờ trưởng giả Cấp Cô Độc theo ánh sáng kia, đi qua nghĩa địa Hàn lâm. Bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi phòng, đi kinh hành nơi đất trống, trưởng giả từ xa trông thấy Phật rồi, liền tiến tới trước, theo pháp của thế gian cung kính thăm hỏi:
“Bạch Thế Tôn, Ngài có được an ổn?”
Thế Tôn nói kệ:
Bà-la-môn, Niết-bàn,
Là luôn luôn an vui,
Chẳng đắm nhiễm ái dục,
Đã vĩnh viễn giải thoát,
Dứt tất cả mong cầu,
Điều phục tâm hừng hẫy,
Tâm được lặng, dừng bặt,
Tâm lặng, ngủ an ổn.
Thế Tôn dẫn trưởng giả Cấp Cô Độc vào trong phòng, ngồi trên chỗ ngồi, thân ngay thẳng, hệ niệm. Khi ấy Thế Tôn vì trưởng giả thuyết pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho vui mừng. Xong rồi, Thế Tôn nói về các pháp vô thường, khuyên làm việc phước bố thí, trì giới, làm việc phước để sanh về cõi trời, vị ngọt của dục, tai hại của dục và sự xuất ly dục. Trưởng giả nghe pháp, thấy pháp, đắc pháp, thâm nhập pháp, hiểu rõ pháp, dứt hết mọi nghi hoặc, chẳng phải do người khác, được tin, chẳng phải do người khác được độ, vào Chánh pháp luật, tâm được vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng lên, sửa lại y phục đảnh lễ Phật, gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đã được độ! Bạch Thiện Thệ, con đã được độ. Từ nay đến suốt đời con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, được làm Ưu-bà-tắc, xin chứng tri cho con!”
Thế Tôn hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:
“Ông tên là gì?”
Trưởng giả bạch Phật:
“Con tên là Tu-đạt-đa. Vì con thường hay giúp đỡ cho người cô độc khốn khổ nên người đương thời gọi con là Cấp Cô Độc.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Ông ở đâu?”
Trưởng giả bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con ở tại xứ Câu-tát-la, thành Xá-vệ. Xin Thế Tôn đến nước Xá-vệ. Con sẽ suốt đời cúng dường y phục, thức ăn, phòng xá, giường nằm và thuốc men tùy bệnh.”
Phật hỏi trưởng giả:
“Nước Xá-vệ có tinh xá không?”
Trưởng giả bạch Phật:
“Thưa không.”
Phật bảo trưởng giả:
“Ông hãy ở nơi ấy kiến lập tinh xá để các Tỳ-kheo lui tới tạm trú.”
Trưởng giả bạch Phật:
“Con chỉ mong Thế Tôn đến nước Xá-vệ, con sẽ cất tinh xá, Tăng phòng để các Tỳ-kheo lui tới dừng nghỉ.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời, trưởng giả biết Thế Tôn im lặng nhận lời, từ chỗ ngồi đứng lên, cúi đầu lễ chân Phật rồi lui ra.
KINH 593. CẤP CÔ ĐỘC[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc bị bệnh nặng, từ trần sanh về cung trời Đâu-suất, làm Thiên tử cõi trời này, suy nghĩ rằng: “Ta chẳng nên ở đây lâu, nên đến gặp Đức Thế Tôn”. Nghĩ như thế rồi, trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất từ trời Đâu-suất, hiện ra trước Phật, cúi đầu lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Thiên tử Cấp Cô Độc thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Thiên tử Cấp Cô Độc nói kệ:
Nơi rừng Kỳ-hoàn này,
Tiên nhân Tăng[39] trụ đó;
Các Vua[40] cũng ở đó,
Khiến con càng vui mừng.
Tin sâu nghiệp, tịnh giới,
Trí tuệ, thọ tối thắng;
Lấy đó tịnh chúng sanh,[41]
Không dòng họ, tài vật.
Xá-lợi-phất Đại trí,
Chánh niệm thường tịch tĩnh;
An nhàn tu viễn ly,
Bạn lành người mới học.
Nói kệ này xong liền biến mất.
Đức Thế Tôn sau đêm ấy, vào trong chúng Tăng trải tọa cụ ngồi trước chúng rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Trong đêm này có một Thiên tử dung mạo tuyệt diệu, đi đến chỗ Ta, cúi đầu lễ dưới chân Ta, rồi ngồi lui qua một bên nói kệ:
Ở rừng Kỳ-hoàn này,
Tiên nhân Tăng trụ đó;
Các Vua cũng ở đó,
Khiến con càng vui mừng.
Tin sâu nghiệp tịnh giới,
Trí tuệ, thọ tối thắng;
Lấy đó tịnh chúng sanh,
Không dòng họ, tài vật.
Xá-lợi-phất Đại trí,
Chánh niệm thường tịch tĩnh;
An nhàn tu viễn ly,
Bạn lành người mới học.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, như con hiểu lời Thế Tôn nói, gia chủ Cấp Cô Độc sanh lên cõi trời kia rồi đến diện kiến Thế Tôn, nhưng gia chủ Cấp Cô Độc kia, đối với Tôn giả Xá-lợi-phất rất mực kính trọng.”
Phật bảo A-nan:
“Này A-nan, đúng thế! Này A-nan, gia chủ Cấp Cô Độc sanh về cõi trời kia rồi đến gặp Ta.”
Thế Tôn vì Tôn giả Xá-lợi-phất nói kệ:
Tất cả trí thế gian,
Chỉ trừ trí Như Lai;
So trí Xá-lợi-phất,
Không bằng phần mười sáu.
Như trí Xá-lợi-phất,
Cùng tất cả trời người;
So với trí Như Lai,
Không bằng phần mười sáu.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 594. THỦ THIÊN TỬ[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tinh xá Khoáng dã. Bấy giờ có gia chủ Khoáng dã bệnh nặng từ trần, sanh về cõi trời Vô nhiệt. Sau khi sanh về cõi trời ấy, liền nghĩ rằng: ‘Ta không nên ở đây lâu, không gặp Thế Tôn.’ Nghĩ xong, trong khoảnh khắc, nhanh như người lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất từ cõi trời Vô nhiệt, hiện ra trước Phật. Thân thể Thiên tử ấy trụ lại trên mặt đất mà không thể tự đứng, giống như dầu bơ tụ lại trên đất không thể tự đứng. Thân thể của Thiên tử ấy nhỏ nhắn, mềm nhũn, không thể tự đứng dậy được.”
Bấy giờ Thế Tôn bảo Thiên tử:
“Ông nên biến hóa thành thân thô để đứng trên đất.”
Thiên tử liền hóa thành thân thô đứng trên đất. Thiên tử ấy đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thủ thiên tử:
“Này, Thủ thiên tử[43], những kinh pháp mà ông đã học trước đây khi làm thân người, ở thế gian này nay còn nhớ chẳng quên chăng?”
Thủ Thiên tử bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, những gì con đã thu nhận đến nay vẫn không quên. Những pháp mà khi làm người ở thế gian, con đã nghe nhưng không hiểu hết, nay vẫn còn nhớ. Như Thế Tôn khéo nói, Thế Tôn nói rằng: ‘Nếu người được ở nơi an vui, có thể nhớ nghĩ pháp, chứ không phải ở chỗ khổ não.’ Lời nói này rất chân thật. Như Thế Tôn ở tại Diêm-phù-đề thuyết pháp cho đủ tất cả các loài và bốn chúng vây quanh. Bốn chúng kia nghe Phật dạy, tất cả đều cung kính vâng làm. Con cũng như vậy, ở trên cõi trời Vô nhiệt vì các Thiên nhân nơi đại hội nói pháp. Các vị trời này đều lãnh thọ tu học.”
Phật bảo Thủ thiên tử:
“Lúc ông ở thế gian, đối với những pháp gì không biết chán đủ mà được sanh về cõi trời Vô nhiệt?”
Thủ thiên tử bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con ở nơi ba pháp không biết chán, nên khi thân hoại, sanh lên cõi trời Vô nhiệt. Những gì là ba pháp? Đó là vì con thấy Phật không biết chán nên khi chết sanh về cõi trời Vô nhiệt. Do con đối với Pháp của Phật không biết chán nên sanh về cõi trời Vô nhiệt. Do cúng dường chúng Tăng không biết chán nên khi chết sanh về cõi trời Vô nhiệt.”
Rồi Thủ Thiên tử nói kệ:
Thấy Phật không biết chán,
Nghe Pháp cũng không chán;
Cúng dường các chúng Tăng,
Cũng chưa từng biết đủ.
Thọ trì pháp Hiền thánh,
Điều phục tham trước bẩn;
Ba pháp không biết đủ,
Nên sanh Vô nhiệt thiên.
Thủ thiên tử sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, rồi biến mất.
KINH 595. ĐÀO SƯ[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử Vô phiền tướng mạo tuyệt diệu, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử nói kệ:
Sanh cõi trời Vô phiền,
Bảy Tỳ-kheo giải thoát;
Tham, sân, nhuế đã hết,
Siêu thoát vượt ân ái.
Ai qua khỏi các dòng,
Quân ma chết khó vượt?
Ai bứt cùm ma chết,
Trọn thoát gông phiền não?[45]
Thế Tôn nói kệ đáp:
Tôn giả Ưu-ba-ca,
Cùng Ba-lợi-kiện-trà;
Phất-ca-la-sa-lê,
Bạt-đề, Kiền-đà-điệp.
Với Bà-hưu-nan-đề,
Và Bà-tỳ-sấu-nậu;
Tất cả bảy vị này,
Đều vượt qua các dòng.
Bứt tuyệt cùm ma chết,
Vượt chỗ khó vượt kia;
Bứt cùm các ma chết,
Siêu việt ách cõi trời.
Nói pháp rất thâm diệu,
Giác ngộ người khó biết;
Khéo hỏi nghĩa sâu xa,
Hiện nay người là ai?
Thiên tử ấy nói kệ bạch Phật:
Con là A-na-hàm,
Sanh cõi trời Vô phiền;
Nên biết những điều ấy,
Bảy Tỳ-kheo giải thoát.
Hết tham dục, sân nhuế,
Trọn thoát mọi ân ái.
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
Ý nhập xứ thứ sáu;
Nếu danh kia và sắc,
Được dứt sạch không còn.
Biết rõ các pháp này,
Bảy Tỳ-kheo giải thoát;
Tham hữu đều đã hết,
Trọn thoát mọi ân ái.
Thiên tử lại nói kệ:
Thôn Bệ-bạt-lăng-già[46],
Con cư ngụ trong ấy;
Tên Nan-đề-bà-la,
Chuyên làm các đồ gốm.
Đệ tử Phật Ca-diếp,
Giữ pháp Ưu-bà-tắc;
Cúng dường bậc cha mẹ,
Lìa dục tu phạm hạnh.
Đời đời làm bạn con,
Con cũng bạn vị ấy;
Các Chánh sĩ như vậy,
Đời trước cùng hòa hợp,
Khéo tu nơi thân tâm,
Còn giữ thân cuối này.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói kệ:
Ông là bậc Hiền sĩ,
Như lời ông đã nói;
Thôn Bệ-bạt-lăng-già,
Tên Nan-đề-bà-la.
Đệ tử Phật Ca-diếp,
Thọ pháp Ưu-bà-tắc;
Cúng dường bậc cha mẹ,
Lìa dục tu phạm hạnh.
Trước kia bạn của ông,
Ông cũng là bạn họ;
Các Chánh sĩ như vậy,
Đời trước cùng hòa hợp,
Khéo tu thân tâm kia,
Còn giữ thân cuối này.
Phật nói kinh này xong, Thiên tử nghe lời Phật dạy, tùy hỷ hoan hỷ rồi biến mất.
KINH 596. THIÊN TỬ (1)[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử[48]tướng mạo tuyệt diệu, cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Đời này nhiều sợ hãi,
Chúng sanh thường não loạn;
Đã khởi cũng là khổ,
Chưa khởi cũng sẽ khổ.
Có chỗ lìa sợ chăng?
Mong Bậc Tuệ Nhãn nói.
Lúc ấy Thế Tôn nói kệ đáp:
Ngoại trừ cần hành khổ,
Ngoại trừ trị các căn;
Ngoại trừ xả tất cả,
Không đâu thấy giải thoát.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử ấy nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 597. THIÊN TỬ (2)[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Thế nào các chúng sanh,
Được thân tướng tốt đẹp;
Cần tu phương tiện gì,
Được con đường giải thoát?
Chúng sanh trụ pháp gì,
Nên tu tập pháp gì?
Là những chúng sanh nào,
Được chư Thiên cúng dường?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Giữ giới, trí tuệ sáng,
Tự tu tập chánh định;
Chánh trực, tâm buộc niệm,
Tinh cần, ưu tư diệt.
Được trí tuệ bình đẳng,
Tâm kia khéo giải thoát;
Do những nhân duyên này,
Được thân tướng đẹp đẽ.
Thành tựu đạo giải thoát,
Tâm trụ trong đó học;
Người đủ đức như thế,
Được chư Thiên cúng dường.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử nghe Phật dạy, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, rồi biến mất.
KINH 598. THỤY MIÊN[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Chìm đắm trong ngủ nghỉ,
Ngáp dài, không vui vẻ;
Ăn no, tim hồi hộp,
Lười biếng, không siêng năng.
Mười[51] điều che chúng sanh,
Khiến Thánh đạo không hiện.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:
Tâm chìm đắm ngủ nghỉ,
Ngáp dài, không vui vẻ;
Ăn no, tim hồi hộp,
Lười biếng, không siêng năng.
Người tinh cần tu tập,
Hay khai phát Thánh đạo.
Thiên tử lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử ấy nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 599. KẾT TRIỀN[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Trói ngoài, không phải trói,
Trói trong trói chúng sanh;
Nay xin hỏi Cù-đàm,
Ai nơi trói lìa trói?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Người trí kiến lập giới,
Nội tâm tu trí tuệ;
Tỳ-kheo siêng tu tập,
Nơi trói hay thoát trói.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 600. NAN ĐỘ[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Khó vượt, khó thể nhẫn,
Sa-môn vì không biết;
Khởi nhiều thứ gian nan,
Càng mê muội chìm đắm.
Tâm giác tưởng chi phối,
Thường thường bị chìm đắm;
Sa-môn làm thế nào,
Khéo nhiếp hộ tâm mình?
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:
Như con rùa khôn khéo,
Tự thu mình trong mai;
Tỳ-kheo tập thiền tư,
Khéo nhiếp các giác tưởng.
Tâm kia không chỗ nương,
Không gì làm sợ hãi;
Đó là tự ẩn kín,
Không bị ai phỉ báng.
Thiên tử lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 601. TIỂU LƯU[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Tát-la[55] dòng thác nhỏ,
Nơi đâu sẽ nghịch dòng?
Con đường tắt sanh tử,
Nơi nào mà chẳng chuyển?
Các khổ lạc thế gian,
Do đâu dứt không còn?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
Cùng với ý nhập xứ;
Danh sắc dứt không còn,
Tát-la ngược dòng nhỏ.
Đường sanh tử không chuyển,
Khổ lạc dứt không còn.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 602. LỘC BÁC[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Đùi nai Y-ni-da[57],
Bậc tôn trong Tiên nhân;
Ăn ít, không đắm vị,
Thiền tư, thích núi rừng.
Nay con kính cúi đầu,
Xin hỏi Đức Cù-đàm;
Làm sao lìa khỏi khổ?
Làm sao giải thoát khổ?
Nay con hỏi giải thoát,
Nơi đâu mà dứt sạch?
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:
Năm dục của thế gian,
Tâm pháp là thứ sáu;
Nơi dục ấy không dục,
Giải thoát tất cả khổ.
Như thế ra khỏi khổ,
Như thế giải thoát khổ;
Ông hỏi về giải thoát,
Chính nơi kia diệt tận.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
KINH 603. CHƯ LƯU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Làm sao qua các dòng,
Làm sao qua biển lớn;
Làm sao trừ được khổ,
Làm sao được thanh tịnh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Lòng tin vượt các dòng,
Không buông lung qua biển;
Tinh tấn hay trừ khổ,
Trí tuệ được thanh tịnh.
Thiên tử lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
Chú thích:
[1]. Ấn Thuận, tụng 5. Bát chúng, “25. Tương ưng Chư thiên” gồm các kinh: Đại Chánh 576-597 (quyển 12), 995-1022 (quyển 35). Phần lớn tương đương Pāli, S.1. Devatāsamyutta. Đại Chánh kinh 576, Pāli, S.1.11. Nandana. Tham chiếu, Hán: №100 (161) [Biệt dịch Tạp A-hàm quyển 9]; №125 (31.9) [Tăng nhất quyển 9].
[2]. Nan-đà lâm 難陀林, vườn Hoan hỷ trên trời Tam thập tam. Pāli: Nandana.
[3]. Hán: đồng mông 童蒙. Pāli: tvavvm bāle.
[4]. Xiềng xích. Pāli, S.10.2 Sakka. Tham chiếu, №100(162).
[5]. S.1.18. Hirī.
[6]. S.1.7 Appaṭividitā. Tham chiếu, №100(164).
[7]. Pāli: yesam dhammā appaṭividitā, paravādesu nīyare, “Những ai không hiểu rõ pháp, lạc lối vào các dị thuyết”.
[8]. Pāli: caranti visame saman’ti, “Bước đi bằng phẳng trên lối đi gập ghềnh”.
[9]. S.1.8 Susammuṭṭhā. Tham chiếu, №100(165).
[10]. Pāli: yesaṃ dhammā susammmuṭṭhā, paravādesu nīyare, “những ai mê mờ pháp, lạc lối vào dị thuyết”.
[11]. S.1.25 Arahaṃ. Tham chiếu, №100(166).
[12]. Pāli: ahaṃ vadāmī’ ti’ pi so vadeyyā’ ti. mamaṃ vadantī’ ti’ pi so vadeyyā’ti, “Vị ấy cũng có thể nói: ‘Tôi nói.’ Vị ấy cũng có thể nói: ‘Họ nói (với tôi) là của tôi”. Vị A-la-hán, tuy chứng vô ngã, nhưng vẫn nói ‘tôi’ và ‘của tôi’ theo ngôn ngữ thế gian.
[13]. Xem kinh 581 trên.
[14]. S.2.9 Candima.
[15]. La-hầu-la A-tu-la vương 羅[目+侯]羅阿修羅王. Pāli: Rāhu-asurinda.
[16]. Hiện tượng nguyệt thực.
[17]. Tỳ-lô-giá-na 毘盧遮那. Pāli: virocana; bản Pāli không nêu.
[18]. Bà-trĩ 婆稚. Pāli: Vepacitti.
[19]. S.1.19 Kuṭikā.
[20]. Hán: tộc bản 族本, chuyển sanh tộc 轉生族. Pāli: kacci te kuṭikā natthi, kacci natthi kulāvaka kacci santānakā natthi, kacci muttosi bandhanā’ti, “Ngài không có chòi tranh, Ngài không có tổ ấm, Ngài không có con cháu, Ngài thoát mọi ràng buộc.” Bản Hán đọc kula (gia tộc) thay vì kuṭikā, chòi tranh.
[21]. Pāli: mātaraṃ kuṭikaṃ brūsi, bhariyaṃ brūsi kulāvakaṃ. “Ta nói, mẹ là chòi tranh, vợ là tổ ấm”.
[22]. Sống một mình. Pāli, S.2.18 Kakudha.
[23]. Thích thị Ưu-la-đề-na tháp 釋氏優羅提那塔. Bản Pāli, S.2.2.8: Sākete vihārati añjavane migadāya; Phật ở Sāketa, trong rừng Añjana, chỗ nuôi dê.
[24]. S.1.21 Sattiyā. Hán, №100(170).
[25]. Hậu thân 後身. Pāli: sakkāyadiṭṭhi, hữu thân kiến.
[26]. S.1.46 Accharā. Hán, №100(171).
[27]. Tỳ-xá-chỉ 毘舍脂. Pāli: pisāca, tỳ-xá-xà, quỷ uống máu.
[28]. Pháp tưởng 法想. Pāli: dhammacakkehi saṃyuto, kết hợp bởi pháp luân.
[29]. Hán: trường mi 長縻. Pāli: hirī tassa apālambo, sự hổ thẹn là dây thắng xe.
[30]. Bốn bánh xe. S.1.29 Catucakka.
[31]. Pāli: S.1.28. Mahaddhana. Tham chiếu, №100(183).
[32]. Pāli: Mahaddhanā mahābhogā, raṭṭhavantopi; khattiyā, những Sát-lợi nhiều tiền, nhiều của, có cả đất nước. Bản Hán hiểu raṭṭhavanta, sở hữu vương quốc, là tên nước (hình dung từ).
[33]. Tham chiếu, Hán №100(184).
[34]. Đệ nhất vô gián đẳng quả, chỉ quả vị Tu-đà-hoàn.
[35]. Tham chiếu, №100(185).
[36]. Pāli: S.10.8. Sudatta. Tham chiếu, №100(186).
[37]. Bản Hán nhầm. Lúc này Cấp Cô Độc chưa biết Phật. Bản Pāli: rājagahe viharati sītavane: trú tại Vương xá, trong Thi-đà lâm (bãi tha ma).
[38]. Pāli: S.2.20. Anāthapiṇḍika. Tham chiếu, №100(187).
[39]. Tiên nhân Tăng 仙人僧, chỉ Tăng đệ tử Phật. Pāli: isisaṅgha.
[40]. Hán: chư vương 諸王. Pāli: dhammarāja, Pháp vương, chỉ Phật.
[41]. Pāli: kammaṃ vijjā ca dhammo ca sīlam jīvitamuttaṃ; etena maccā sujjhanti: chúng sanh được thanh tịnh bởi nghiệp, minh, pháp, giới và chánh mạng tối thắng. Pāli: jīvita, bản Hán hiểu là (tuổi) thọ thay vì là chánh mạng.
[42]. Pāli: A.3.125. Hatthaka. Tham chiếu, №100(188).
[43]. Thủ Thiên tử 手天子. Pāli: Hatthaka.
[44]. Thợ gốm. Pāli: S.2.24. Ghaṭīkara. Tham chiếu, №100(189).
[45]. Phiền não ách 煩惱軛, đoạn sau, nói là chư Thiên ách 諸天軛. Pāli: dibbayoga, gông cùm cõi trời.
[46]. Bệ-bạt-lăng-già. Pāli: Vehaliṅga.
[47]. Pāli: S.2.17. Subrahmā. Tham chiếu, №100(181).
[48]. Pāli: Thiên tử có tên là Subrahmā.
[49]. Tham chiếu, №100(182).
[50]. Pāli: S.1.16. Niddātandī.
[51]. Nguyên Hán: thập 十. Ấn Thuận nghi là thất 七.
[52]. Pāli: S.1.23. Jaṭā. Tham chiếu, №100(173).
[53]. Pāli: S.1.17. Dukkara. Tham chiếu, №100(174).
[54]. Pāli: S.1.27. Sarā. Tham chiếu, №100(176).
[55]. Tát-la 薩羅. Pāli: Sarā, dòng nước; chỉ dòng luân hồi (saṃsāra-sarā). Bản Hán hiểu là tên sông.
[56]. Đùi nai. Pāli: S.1.20. Eṇijaṅgha.
[57]. Y-ni-da lộc bác 伊尼耶鹿捩, đùi nai, một tướng tốt của Phật. Đây chỉ Phật. Pāli: Eṇijaṅghā.