1
2
3
4

Kinh Tương Lai Biến Đổi

Việt dịch: Như Hòa

***

Nghe như thế này: một thời, đức Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng các đại tỳ-kheo nhóm họp, năm trăm tỳ-kheo và các Bồ Tát.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

– Trong đời tương lai, sẽ có tỳ-kheo nhân vì có một pháp chẳng thuận theo pháp giáo hóa, khiến cho pháp bị hủy diệt, chẳng được lợi ích lâu dài. Thế nào là một pháp? Chẳng giữ cấm giới, chẳng thể giữ tâm, chẳng tu trí huệ, buông lung tâm ý, chỉ cầu tiếng tốt, chẳng thuận đạo giáo, chẳng chịu siêng năng, kính mộ sự nghiệp độ đời. Đó là một sự khiến cho pháp bị hủy diệt.

Phật bảo tỳ-kheo:

– Lại có hai sự khiến pháp hủy diệt, những gì là hai?

Một: chẳng giữ cấm giới, chẳng nhiếp tâm ý, chẳng tu trí huệ, chứa vợ nuôi con, buông lung tâm ý, buôn bán kiếm lợi để cùng chung sống.

Hai: đắm chấp bè đảng, ghét kẻ kính pháp, muốn cho kẻ ấy bị hãm đọa, cố làm [ra vẻ] nói năng tốt lành, thật ra là dua dối, siểm nịnh. Trong phạm ác hạnh, ngoài giả vờ thanh bạch.

Đấy là hai sự khiến pháp hủy diệt.

Phật bảo các tỳ-kheo:

– Lại có ba sự khiến pháp hủy diệt, những gì là ba?

Một, đã chẳng giữ cấm giới thì chẳng thể nhiếp tâm, chẳng tu trí huệ.

Hai, tự đọc văn tự, chẳng biết chấm câu, đem trên đặt xuống dưới, lấy dưới đặt lên trên, đầu đuôi điên đảo, chẳng thể hiểu nghĩa lý trọn vẹn đi về đâu, tự cho là đúng.

Ba, người sáng suốt quở trách, chẳng tuân lời dạy, ngược lại sân hận, bảo là [kẻ ấy] ghen ghét. Người biết nghĩa thì ít, đa số chẳng phân biệt được, đều cho là đúng.

Đó là ba sự khiến pháp hủy diệt.

Phật bảo các tỳ-kheo:

– Lại có bốn sự khiến pháp hủy diệt, những gì là bốn?

Một, trong tương lai tỳ-kheo đã bỏ gia nghiệp, ở chỗ nhàn vắng chẳng tu đạo nghiệp.

Hai, ưa thích dạo chơi những chỗ náo nhiệt trong nhân gian, qua lại trò chuyện, cầu ca-sa tốt, y phục năm màu.

Ba, nghe cao nhìn xa, cho là khéo nhã, tự cho là đức độ cao trọng, không ai bằng được, tự đem cái trí tạp nhạp sánh cùng ánh sáng mặt trời, mặt trăng.

Bốn, chẳng nhiếp ba sự, chẳng giữ căn môn, xen lộn phụ nữ, nói lời bóng bẩy, hay nói ve vuốt đón ý để lấy lòng người, biến trong thành đục, thân hạnh hoang loạn, bỏ phế chánh pháp.

Đó là bốn sự khiến pháp hủy diệt.

Phật bảo tỳ-kheo:

– Lại có năm sự khiến pháp hủy diệt. Những gì là năm?

Một, hoặc là có tỳ-kheo vốn vì pháp nên xuất gia tu đạo, bỏ kinh giáo sâu, Thập Nhị Nhân Duyên, Ba Mươi Bảy Phẩm, trí huệ huyền hư thâm diệu của Phương Đẳng, trí độ vô cực, thiện quyền phương tiện, không, vô tướng nguyện, ngay đến cả lễ tiết giáo hóa.

Hai, trái lại tu tập những kinh nhỏ nhoi, nhánh lá, nông cạn, những câu tạp nhạp, những hạnh thế tục, nên để kinh điển của hàng Vương Giả làm loạn nguồn đạo, thích giảng những sự nghiệp, những việc đời dễ hiểu đó cốt lấy lòng người khiến họ hoan hỷ, nhân đó có được danh văn.

Ba, người mới nghe pháp, kẻ hiểu biết kém, tưởng đó là bí quyết mầu nhiệm, bậc thông đạt sâu xa chẳng cho là hay.

Bốn, trời, rồng, quỷ thần chẳng coi đó là vui, trong lòng buồn bực, miệng nói như thế này: “Đại pháp sắp diệt nên đến nỗi như thế, bỏ việc giáo hóa diệu pháp, trái lại tuyên nói những câu tạp nhạp”. Chư thiên đẫm nước mắt, nhanh chóng bỏ đi.

Năm, do vậy pháp dần dần thấy bị bỏ phế, không người tinh ròng tu tập.

Đó là năm sự khiến pháp hủy diệt.

Phật bảo tỳ-kheo:

– Sau khi ta diệt độ, có mười lăm loại tà sự như thế khiến pháp bị hủy diệt, đáng đau buồn thay!

Nếu có tỳ-kheo chân thật muốn học đạo, hãy vứt bỏ những thứ trang sức choáng lộn, chẳng cầu danh văn, chất phác, giữ lòng chân thành, tuyên truyền chánh pháp)

Giảng giải kinh điển hay đẹp và giáo pháp sâu xa của Phật, chớ có nhiều lời, căn cứ theo những gì kinh nói, đừng bỏ chánh cú, lời ít trúng nhiều, chẳng mất ý Phật.

Áo thô, cơm dở, được tốt chẳng mừng, được xấu chẳng ghét, cơm áo tốt xấu tùy lòng người thí, chẳng vì đó mà mừng hay giận.

Thâu tóm thân miệng ý, giữ các căn môn, chẳng trái lời Phật dạy.

.Nghĩ mạng rất giống bó đuốc, lờ mờ thoáng qua giống như trong mộng thấy, tỉnh giấc chẳng biết về đâu, cái nạn tam đồ chẳng thể tính kể, siêng tu Phật pháp giống như cứu đầu cháy.

Ngũ Giới, Thập Thiện, Lục Độ tột bậc, Tứ Đẳng, Tứ Ân, trí huệ thiện quyền đều có thể chuyên ròng tu tập, tuy Phật chẳng ở đời, xuất gia tu đạo, chẳng uổng phí cái học, bình cái tâm mình, nghĩ thương hết thảy, mười phương nhờ ơn, Phật nói như thế.

Các tỳ-kheo vừa buồn vừa mừng, đến trước Phật, quy y, làm lễ mà đi.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Vua Ưu Điền Dùng Chánh Pháp Trị Nước - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Lời Dạy Cuối Cùng (Kinh Di Giáo) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Thiên Sứ Của Vua Diêm La - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bi - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Sự - Kinh Tạng
  • Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Thiên Tử Thắng Quang Dạy Vương Pháp - Kinh Tạng
  • Kệ Khuyến Phát Chư Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Tô Tất Địa Yết La - Kinh Tạng
  • Kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Sanh Tử - Kinh Tạng