Kinh Tương Lai Biến Đổi
Việt dịch: Thích Nữ Lệ Nhã
***
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật cùng với năm trăm chúng đại tì-kheo và các bồ-tát an trú tại Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Đời tương lai sẽ có tì-kheo không thuận một pháp giáo hóa mà làm cho Phật pháp bị hủy diệt, không phát triển. Đó là không giữ gìn giới cấm, không biết phòng hộ tâm, không tu trí tuệ, buông lung tâm ý, chỉ cầu tiếng tốt, không tuân theo lời Phật, không chịu siêng năng tu tập hạnh nghiệp xuất thế gian.
Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Lại có hai việc khác làm cho Phật pháp bị hủy diệt:
1. Không giữ gìn giới cấm, không nhiếp phục tâm, không tu trí tuệ, chỉ biết nuôi dưỡng vợ con, buông lung tâm ý, buôn bán kinh doanh để sinh sống.
2. Kết bè kết đảng, thấy người phụng thờ Phật pháp thì sinh tâm ganh ghét. Muốn làm cho người kia đọa lạc, nên luận bàn nhau cho người ấy là dua nịnh, trong tâm luôn nghĩ điều xấu ác, bên ngoài dối hiện dáng vẻ thanh bạch.
Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Lại có ba việc làm cho Phật pháp bị hoại diệt:
1. Không giữ giới cấm, không nhiếp phục tâm, không tu trí tuệ.
2. Đọc văn tự không xét câu cú, lấy câu trên đặt ở dưới, lấy câu dưới để lên đoạn trên, đảo lộn đầu đuôi, không hiểu chỗ qui hướng của giáo liễu nghĩa mà tự cho là đúng.
3. Người trí quở trách, không chịu vâng theo, trở lại sân giận, bảo người ấy có tâm tật đố. Kém hiểu biết, không phân biệt nghĩa lí, nên điều gì cũng cho là đúng.
Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Lại có bốn việc làm cho Phật pháp bị hủy diệt:
1. Tì-kheo đời vị lai bỏ gia nghiệp đến ở nơi thanh vắng mà không chịu tu đạo.
2. Tì-kheo chỉ thích đến những nơi ồn náo trong nhân gian, giảng thuyết, luận bàn chỉ mong được cúng ca-sa năm màu.
3. Cho việc nhìn xa trông rộng là kì đặc, lại tự cho mình đức hạnh cao tột không ai sánh bằng, cho trí tuệ người khác nhỏ bé, như ánh sáng đèn so với mặt trời mặt trăng mà thôi.
4. Không nhiếp phục ba việc, không phòng hộ các căn, đứng trước phụ nữ dùng ngôn từ hoa mĩ, nói những lời hàm ý kết đôi để động tâm người; biến trong thành đục; thân hạnh bất chính, phế bỏ chính pháp.
Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Lại có năm việc làm cho Phật pháp bị hoại diệt:
1. Hoặc có tì-kheo vốn vì Phật pháp xuất gia tu đạo, nhưng không giảng nói kinh điển sâu xa như mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trí tuệ phương đẳng thâm diệu siêu việt, trí Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện khéo léo, chí giáo không-vô tướng-vô nguyện.
2. Tì-kheo thích xem đọc kinh Tiểu thừa cạn thấp và các kinh sách khác, vì theo hạnh thế tục.
3. Đối với kinh sách của vua là nguồn loạn đạo lại thích luận bàn, giảng giải việc đời, mục đích khiến cho lòng người vui vẻ, để được nổi tiếng. Những người mới nghe pháp, những kẻ hiểu biết cạn cợt thì vui mừng, còn người thấu đạt giáo lí sâu xa thì không cho đó là tốt đẹp.
4. Trời, rồng, quỉ thần đều không lấy làm vui mừng, trong lòng buồn lo, và đều nói: “Pháp Đại thừa sắp hủy diệt nên khiến các việc như vậy”. Những tì-kheo ấy bỏ giáo pháp vi diệu, lại giảng nói những kinh sách thô tạp. Thấy vậy, chư thiên rơi lệ bỏ đi.
5. Không có người siêng năng tu tập, do đây chính pháp dần dần bị hủy diệt.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Sau khi Ta diệt độ có mười lăm việc tà loạn làm cho Phật pháp hủy diệt. Thật đau xót thay! Nếu tì-kheo muốn chân thật học đạo, phải buông bỏ những lời hoa mĩ, không cầu danh tiếng, thuần phác, giữ lòng chân thật, lưu truyền chính kinh của Đức Phật. Kinh điển và pháp sâu xa của Đức Phật không cần nói nhiều, chỉ cần y theo bản văn kinh mà giảng thuyết, không bỏ câu chữ, nói ít nhưng luôn đúng, không sai ý Phật. Mặc áo thô ăn chay đạm bạc, dù được thức ăn ngon cũng không vui, gặp thức ăn dở cũng không buồn. Y phục tốt xấu, thức ăn ngon dở đều tùy tâm thí chủ, không nên lấy đó để vui buồn. Lại phải giữ gìn thân, miệng, ý, bảo vệ sáu căn, không trái lời Phật. Luôn nghĩ mạng sống ngắn ngủi, chớp mắt đã trôi qua, như việc đã thấy trong mộng, tỉnh giấc không biết nơi đâu, nạn khổ tam đồ thật khó có thể tính kể. Lại nên siêng năng tu học Phật pháp như cứu lửa cháy đầu. Năm giới, mười điều thiện, lục độ, bốn đẳng tâm, bốn ân, trí tuệ, phương tiện đều nên siêng năng tu hành. Tuy không gặp Phật ra đời, nhưng xuất gia tu đạo, học tập sẽ không luống bỏ, luôn giữ tâm yên ổn, khởi lòng thương nghĩ đến tất cả chúng sinh, khiến muôn loài khắp mười phương được nhờ ân.
Nghe Đức Phật nói xong, các tì-kheo vui buồn lẫn lộn, đến trước Phật đỉnh lễ rồi lui ra.