Luận Đại Trượng Phu
Đề Bà La Bồ Tát tạo Bắc Lương Đạo Thái dịch
Bản Việt dịch của Thích Trí Quang
***
I. SỰ BỐ THÍ THÙ THẮNG
Đảnh lễ đức Thế-Tôn, người giác-ngộ triệt để, từ bi bao la, người mà Chánh-Pháp vô thượng từ đó phát sinh. Sự-bố-thí-thù-thắng của Đức Thế Tôn dạy là kho báu vô tận, là hành động căn bản của các vị Bồ tát. Bây giờ vì lợi người, tôi tóm tắt trình bày sau đây vài phần của sự bố thí thù thắng ấy. Xin các vị hiền sĩ hãy hoan hỉ nghe cho.
Khi Bồ tát thực hành bố thí thì cõi đất này rúng động, bể cả kia bừng sóng: những thứ không tâm thức mà còn như thế huống chi loài có tâm thức? Sự bố thí của Bồ tát vĩ đại như không gian, thần thánh nghe còn không thấu huống chi nói được? Như nước đổ trên cõi đất thì không chỗ nào không tràn thấm tới, cũng như thế: bất cứ chỗ nào trên cõi đất này, không có vật chi Bồ tát không cho, không có người nào không nhận vật của Bồ tát cho. Cho nên tôi nói chúng ta nên đảnh lễ cõi đất này, vì nó là chỗ Bồ tát đã thực hành bố thí. Bồ tát không lúc nào không trút đổ tất cả để bố thí, sự bố thí ấy không ai có thể biết được giới hạn của nó. Tại sao như thế, vì sự bố thí ấy thể chất là tâm đại bi. Sự bố thí ấy là nguyên nhân lớn nhất của kết quả Nhất-thế-trí. Đó là lời của các vị trí giả công nhận và nói ra, vì bố thí có năng lực đến chỗ cứu kính. Bố thí cứu kính thì cứu kính được tất cả ba la mật khác. Ba la mật nghĩa là hợp thành ra, như nhiều người hợp lại thành đại chúng đông đảo: Bố thí là giống của giác ngộ, có năng lực tác thành kết quả đại trí giác; tất cả kết quả vô thượng không thứ chi không thànhh tựu bởi bố thí. Bố thí là con đường của quả báo an lạc, là bào thai của diệu quả xuất thế. Trong sự bố thí, bố thí vô tướng là vi diệu nhất, bố thí bình đẳng là thù thắng nhất. Bố thí lại có bốn thứ, là hy sinh tính mệnh, hy sinh tài sản, chỗ nào cũng cho, lúc nào cũng cho, bố thí bốn thứ như vậy mà tâm trí bất động thì người đó là bố thí bất tư nghị. Sự bố thí bất tư nghị ấy bố thí một người mà tất cả an vui, còn bố thí mà không như thế thì chỉ là kẻ dối trá.
Do tâm đại bi khắp vì tất cả mà bố thí, thì sự bố thí ấy dù cho một người cũng gọi là cho tất cả. Tâm đại bi sở dĩ vì tất cả là cốt để cầu Nhất-thế-trí. Vì cầu Nhất-thế-trí nên vận dụng tâm bình đẳng tâm đại bi mà cúng dường các ruộng phước. Bố thí như thế mới là bố thí thù thắng; bố thí bằng vô tận tài sản cũng không bằng một phút của sự bố thí thù thắng ấy. Từ bi mà cho một người, kết quả bằng cả cõi đất; vì mình mà cho tất cả, thì kết quả chỉ bằng hạt cải. Tinh tú tuy sáng, không sáng bằng một mặt trăng, cũng như thế, cứu một người hoạn nạn hơn kẻ bố thí cho nhiều người. Chúng ta tâm lý quá thấp kém nên bố thí thường vì mình, còn Bồ tát vì tâm từ bi mà bố thí nên như tro trừ khử đồ nhớp. Vì tất cả muôn loài mà từ bi bố thí, sự bố thí từ bi như thế công đức thật vô cùng tận. Sự bố thí từ bi ấy có thể an lạc tất cả muôn loài, sốt sắng ham cầu Trí-giác-ngộ vĩ đại của Chư Phật. Bố thí từ bi có năng lực trừ diệt vô minh, khai đạo người mê mờ làm cho họ được mắt trí tuệ; có năng lực tiêu trừ phiền não, phá nát đau khổ.
Sự bố thí đi đôi với tâm từ bi là nước ngọt của muôn loài vậy.
II. CHẤT VỊ CỦA SỰ BỐ THÍ
Do tâm đại bi mà bố thí là sự bố thí với chí nguyện muốn được đại giác ngộ; cho nên người trí giả ấy có thể thực hành tất cả sự bố thí. Tất cả sự bố thí đó, cuối cùng chỉ thành một chất vị ấy là đại giác ngộ. Cho nên do tâm đại bi làm thể chất thì có thể thực hành tất cả hình thức bố thí, cứu giúp tất cả chúng sinh đau khổ, cuối cùng làm cho họ đạt đến chỗ đại giác ngộ, diệt hết si mê và phiền não. Sự bố thí của tâm đại bi có năng lực làm cho muôn loài an lạc như thế, ai không ưa thích? Không ưa thích lợi ích vĩ đại của sự bố thí do tâm đại bi chủ đạo, thì kẻ ấy là kẻ chống lại sự cứu giúp. Kẻ ấy là kẻ bằng lòng sự buộc ràng của “ái”, rất khó hy vọng được trí đại giác ngộ. Trí đại giác ngộ của Chư Phật, ai muốn mong cầu là phải say sưa, ưa thích sự bố thí từ bi. Những người trí giả mê đắm sự bố thí vì họ mê say quả đại giác ngộ. Và đó là mùi vị vô thượng của bố thí. Có người thấy rõ mùi tội ác nên ưa thích vị niết bàn, họ muốn tránh xa ngay sinh tử, nhưng ngó lại kết quả của sự bố thí thì thấy còn hơn chất vị niết bàn. Tuy vậy, say mê kết quả của sự bố thí thì tất nhiên quên mất chí nguyện mong cầu trí đại giác ngộ, chí nguyện ấy đã quên mất lại bảo trí đại giác ngộ khó được! Trí giả tự xét sự ưa thích bố thí của mình là vì tâm đại bi của mình thương cứu tất cả chúng sinh và chỉ để đi đến mùi vị tối cao của sự bố thí là đại giác ngộ, nên không say mê mùi vị an lạc của ba sự bố thí sau đây, dù chính do ba sự này mà bố thí phát triển:
- a) Mùi vị an lạc của sự bố thí vì quả báo.
- b) Mùi vị an lạc của sự bố thí vì cầu giải thoát,
- c) Mùi vị an lạc của sự bố thí vì tâm đại bi.
III. TƯ CÁCH NGƯỜI BỐ THÍ
Người nhận của bố thí vì được của nên tâm đại hoan hỷ, người thực hành bố thí vì thực hành được bố thí nên tâm được hoan hỷ gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của người nhận. Người bố thí được như thế mới là hạnh cao nhất.
Thành được sự cứu giúp người là vì tâm đại bi nên Bồ Tát thực hành hạnh đại bi bố thí ấy thì trừ sạch các kết quả xấu của sự tham lẫn.
Bồ tát lấy đại bi làm thể chất, cũng như chúng sinh lấy phiền não làm thể chất. Bởi phiền não chúng sinh khổ não vô cùng, vì đại bi nên Bồ tát thực hành bố thí làm cho họ an lạc. Thể chất mặt trời là chói sáng, thể chất mặt trăng là dịu mát, cũng như thế, Bồ tát lấy đại bi làm thể chất. Bồ tát vận dụng trí tuệ và tài sản bố thí an lạc cho tất cả. Như một người từ khi kết thai cho đến lúc già cả đều là một dòng sinh mệnh, cũng như thế, Bồ tát khao khát bố thí cứu giúp muôn loài cũng chỉ vì tâm-đại-bi. Như người dù đến cõi trời cao nhất cũng vẫn là phàm phu, Bồ tát cũng vậy, đại bi không bao giờ bỏ tâm bố thí cứu giúp tất cả.
Muốn trừ sự khao khát bố thí thì hãy uống nước bố thí, nhưng bố thí chỉ thỏa mãn một lúc còn sự khao khát có bao giờ thôi, vì Bồ tát luôn luôn say mê cứu giúp muôn loài.
Tất cả sinh vật nhờ ăn mà sống, tâm đại bi cũng vậy: do bố thí mà tồn tại. Pháp thân của Bồ tát không do ăn uống mà sống còn, nhưng do đại bi mới nuôi sống Pháp-thân.
Tâm đại bi như lửa nấu chín đồ ăn, sự khao khát bố thí như bụng đói, sự bố thí như đồ ăn ngon, Bồ tát cho, cho mãi không chán. Tâm đại bi như bể cả, lòng cứu giúp như nước, sự bố thí như vòi hút nước, hút mãi không cùng, tưới rải cho chúng sinh. Muốn đến Bồ-đề (đại giác ngộ) phải lấy chúng sinh làm bạn đường, lấy đại bi làm bản thân, bố thí không cùng như cặp chân đi mạnh. Như bể cả thâu nạp các dòng sông không bao giờ dừng nghỉ,
Cũng như thế, tất cả muôn loài đến đòi hỏi, Bồ tát cho hết mà lòng không chán, lấp hết khổ sở cho muôn loài. Dù có kẻ chưa hết thì Bồ tát cho nữa, không bao giờ biết đủ.
IV. NGƯỜI XIN GIÚP NGƯỜI CHO
Có tâm đại bi mới ở được trong sinh tử, bố thí đủ cách, cứu khổ chúng sinh. Được như thế mới gọi là khéo ở trong sinh tử.
Bực Đại trượng phu phước trí đem tâm đại bi, đưa tay bố thí, cứu vớt những kẻ trầm đắm trong bùn lầy nghèo nàn mà tự họ không thoát ra được.
Tâm đại bi có thể thực hành bố thí vĩ đại, dập tắt lửa đau khổ vĩ đại của chúng sinh, cũng như mây lớn mưa xuống mưa lớn, trừ diệt nắng lớn mùa hè. Sấm đại bi nổ sét bố-thí, đánh tan núi bần cùng, cứu giúp tầng lớp nghèo khổ ra khỏi sự nghèo nàn tối tăm. Dùng nước mưa bố thí vĩ đại mưa xuống lợi ích tất cả, thì sự bần cùng không còn tồn tại ở đâu được nữa. Cho nên khi Bồ tát vì cứu giúp chúng sinh mà bố thí thì ma và bè đảng của ma đều ganh ghét, lo lắng, khổ não và tức giận. Khi Bồ tát thực hành tài thí pháp thí vô tận thì tham lam và tật đố đều kinh hãi, kêu gào, khiếp sợ tất cả.
Từ bi che thân thể, trí tuệ làm mắt sáng, bố thí làm khí giới, Bồ tát như một thủ lãnh quốc-gia hàng phục kẻ xâm lăng tàn bạo. Tâm đại bi như cung, sự bố thí như tên, trừ diệt giặc bần cùng không còn tồn-tại chỗ nào được nữa. Từ bi như rễ chắc, ái ngữ như thân cây, nhẫn nhục như nhánh lá, bố thí như hoa trái, trí-tuệ như gió mạnh, thổi rụng hoa quả bố thí no đủ cho người nghèo khổ. Từ-bi như trăng rằm, bố-thí như ánh-sáng, người xin như hoa quỳnh; trong đêm trường sinh-tử, sự xuất hiện của Bồ tát như trăng rằm đưa ánh-sáng làm nở quỳnh hoa.
Người xin đã thỏa mãn rồi lại bố-thí như Bồ-tát đã bố thí, bố-thí cho những người nghe tiếng đến xin. Sự bố thí của Bồ tát vang khắp tất cả, những người nghèo khổ đều đến quy tụ như khách bộ hành quy tụ dưới bóng cây đại thọ giữa đồng trống. Bấy giờ Bồ-tát tự thấy mình được sự thù-thắng, tại sao như vậy, vì đã làm cho người xin đến làm cho mình thực hành được sự bố-thí nên gọi là được sự thù thắng. Do đó tất cả chúng sinh càng đến quy tụ. Và vị Bồ tát đại-sĩ như thế chúng ta nên kính lễ.
Khi thấy vị Bồ-tát ấy tỏ vẻ hoan hỷ là biết thế nào cũng có người đến xin. Khi có người đến tin cho Bồ-tát có người đến xin, Bồ tát liền hoan hỷ đem của cải thưởng cho người tin và cho người xin. Thấy người xin, Bồ-tát vô cùng hoan hỷ kính mến. Người xin mở miệng xin là điều Bồ tát rất đau lòng, Để cho người xin phải mở miệng xin là điều Bồ tát rất tự trách. Nếu người xin không biết Bồ tát tánh thích bố thí thì Bồ tát hoan hỷ, cúi đầu, cầm tay, nói với người ấy như nói với bạn thân để cho họ biết. Bởi vậy người xin thỏa mãn rồi vô cùng hoan hỷ, người khác xem thấy cũng rất hoan hỷ, chân thành thốt ra lời nói: Đây mới là người chân chính cứu giúp tôi, tôi cầu nguyện người cứu giúp tôi tồn tại mãi ở đời. Riêng Bồ tát thấy người hoan hỷ lòng mình cũng tươi sáng, làm cho người xin càng như được cam lộ thấm lòng. Bồ tát ngó người xin với mắt từ bi, biết ơn: ví như nỗi sung sướng của người được của và đem bán đắt giá, tâm trạng của Bồ tát khi được người đến xin cũng y như thế. Một người giàu thương con cho con, lòng thương và sự cho ấy không làm sao như Bồ tát. Bồ tát thấy người xin hơn người thường thấy cha mẹ. Thấy người xin thỏa mãn rồi tự hào, Bồ tát càng hoan hỷ hơn. Khi người đến nói tôi cần thứ này cần thứ kia thì, vì tâm khao khát bố thí quá nặng, Bồ tát tai nghe như uống nước cam lộ. Càng nghe xin càng mến trọng. Luôn luôn mến trọng người xin, đó là tâm lý của Bồ tát. Bồ tát tự nghĩ chúng sinh là ruộng phước của mình. Và suy nghĩ mình phải như họ. Tại sao? Lòng ham muốn của người không chán, lòng bố thí của ta cũng vậy; lòng họ mến trọng người cho, lòng ta mến trọng người xin cũng thế; họ tìm người cho để xin, cũng vậy, ta tìm người xin để cho; ta với họ xin nhau: ta xin họ sự bố thí, họ xin ta những tiền của; người xin nghe người cho hết của thì buồn bực, lòng ta cũng vậy, rất bực khi không tìm được người xin hoặc người đến xin mà không làm cho họ được vừa lòng. Người xin xin không được, Bồ tát tìm tìm không ra, những trường hợp ấy, Bồ tát nghĩ, Phật dạy “cầu không được: khổ”, thực đúng như thế.
Với người xin, Bồ tát bao giờ cũng nghĩ rất ít có, rất khó gặp, vì sao, vì nếu không có họ thì bố-thí ba-la-mật khó đầy đủ, và do đó trí-giác vô thượng (đại giác ngộ) khó mà toàn vẹn. Thế nên với người cầu xin, bao giờ Bồ tát cũng biết ơn. Nếu có họ thì trí-giác vô thượng nắm chắc trong tay. Khi nghe người xin nói cho tôi, thì Bồ tát nghĩ rằng thế là họ cho tôi trí-giác vô thượng. Có những người kém nghĩ nghe người xin thì khinh khi; Bồ tát nghĩ rằng gọi là người xin, là cái tên những kẻ kém nghĩ ấy mê mờ đặt ra. Chứ chính người xin ấy mới là người cho, vì họ cho ta sự bố-thí ba-la-mật. Dù có của cải mà không có tâm cho, dù có tâm cho mà không có người xin, thì bố thí làm sao thành được; nên, phải đủ ba điều mới thành bố thí, thì người xin đối với người cho, quả là người đại phước đức vậy. Một người nghèo được kho báu quá sự tưởng tượng, lòng vừa mừng được vừa lo mất, đồng thời lại bị vua quan, giặc giã, kẻ trộm, kẻ cướp đe dọa, trong lúc đó một người bạn thân đến khéo léo bày cách cho cất giữ, làm cho người nghèo ấy vui mừng và biết ơn vô kể. Bồ tát khi gặp được người xin cũng y như trường hợp ấy, người xin là bạn thân của Bồ tát vậy.
Tâm đại bi của Bồ tát biến khắp tất cả, nhưng với người xin Bồ tát đặc biệt mến trọng. Thấy họ Bồ tát vui vẻ liền, để họ biết chắc chắn mình sẽ được vừa lòng. Thấy họ, Bồ tát cúi mình dịu dàng bảo người cần gì xin tùy ý. Và an ủi họ: Hay thay hiền giả! Tôi tự nguyện làm kẻ cung phụng người. Bồ tát làm cho lòng người xin hoan hỷ, thanh lương, bằng lời nói ái ngữ. Lòng tham người xin như lửa, Bồ tát đem sữa bố thí dập tắt. Bố thí được như thế mới gọi là người biết sống. Không thì chỉ là một người chết.
Khi người nhận được sự bố thí, lòng rất hoan hỷ, người xung quanh thấy cũng hoan hỷ như thế, thì chính lúc ấy quả trí-giác vô thượng đã nắm trong tay Bồ tát.
Tâm đại bi thanh tịnh thì sự bố thí thanh tịnh. Không đại bi, bố thí sẽ biểu lộ sự tự hào, sự khinh khi, sự cầu biết ơn, sự cầu trả ơn. Bồ tát suy nghĩ: điêu luyện tâm đại bi thì kính người thương người, phát động sự bố thí thanh tịnh. Bồ tát thấy người nghèo thì lòng thương cực nặng, người nghèo được Bồ tát thì của cải sẽ giàu. Được ngọc như ý thỏa mãn ý muốn thế nào, thì gặp Bồ tát cũng y nghư thế: nghèo khổ hết cả.
Sự bố thí của Bồ tát là hy sinh tất cả: hy sinh tài sản, hy sinh thân thuộc, hy sinh tay chân, hy sinh tánh mạng, cho đến tư tưởng, năng lực, học thức, kỹ năng, không thứ gì không hy sinh cho người và vì người. Thấy người cần tánh mạng, Bồ tát tự đem đến cho họ, huống chi họ đến xin. Tánh mạng còn thế huống chi tài sản.
Bồ tát chỉ lấy đại bi làm bản thân. Vì vậy, tự nhiên thân thể không còn là mình nữa mà là vật của người. Cho nên Bồ tát rất bực, khi thấy người xin cho thân mình không phải vật của họ. Bồ tát nói cho người ấy biết: tất cả những gì của tôi là của người, sao người còn xin, còn tưởng của người khác. Bồ tát nói cho họ rõ nguyên do: tôi đã đối trước đấng Vô-thượng-tôn trong hết thảy muôn loài là Đức Phật, phát nguyện rằng tất cả những gì của tôi, tôi nguyện cho chúng sinh cả, thế của tôi là của người rồi.
Bồ tát tự nguyện tất cả của mình muôn loài hãy xem là của họ. Nguyện vọng ấy rộng lớn trong mát như nước sông Hằng, vật thú gì uống cũng tùy ý, không bao giờ sông Hằng có ý niệm chống trái, bảo là của mình. Vì nguyện vọng của Bồ tát như vậy nên với tài sản tánh mạng bao giờ cũng đã xả ly rồi. Chỉ có điều đã đưa hay chưa đưa cho người xin mà thôi, chứ không nói rằng cho hay sinh lòng tự mãn. Tại sao? Vì Bồ tát đã nguyện cho họ rồi, và cho chỉ vì lòng thương muốn hy sinh để người khỏi khổ.
Bồ tát là tay sai của chúng sinh, chúng sinh là người cho của Bồ tát. Khi lòng người nghèo thỏa mãn là Bồ tát đầy đủ bố-thí ba la mật, bố thí đầy đủ thì công-đức viên mãn, công đức viên mãn thì đại-giác-ngộ hiện thành. Kẻ tham lẫn thấy người xin thì quay mặt đi, người bố thí thấy người xin thì ngó thân mến. Bồ tát thấy người xin được sự bố thí rồi biết triển chuyển bố thí người khác thì lòng rất hoan lạc: thấy tất cả mọi người biết và thích bố thì, tán thán sự bố thí, lòng càng hoan lạc hơn, sự hoan lạc ấy còn hơn sự an lạc của giải thoát.
Khi đem tâm đại bi bố thí, Bồ tát thấy chúng sinh được tài sản nên thỏa mãn, vì thỏa mãn nên chúng sinh tự lập chí nguyện ở mãi trong sinh tử hành động những điều lợi ích chứ không cầu giải thoát, thấy chúng sinh phát đại nguyện như vậy Bồ tát nghĩ rằng thế là ta đã được kết quả, dù chưa được đại giác ngộ cũng đã đầy đủ lắm rồi.
V. GIẢI THOÁT THÙ THẮNG
Bồ tát suy nghĩ: những người ham thích giải thoát thường đến giác ngộ ta, những người ấy không phải vì tiền của mà đến, họ đến chỉ vì tác thành sự vĩ đại cho ta.
Khi Bồ tát làm thủ lãnh quốc gia, người thực hành phước đức đến báo có người đến xin. Thủ lãnh liền nghĩ: người xin nghèo khổ đến là giải thoát thù thắng đến, điều ta rất mong bây giờ đã được. Bồ tát lại nghĩ: ta vốn không ham địa vị thủ lãnh, chỉ vì muốn làm lợi ích tất cả; vậy không nên ngồi không trên địa vị thủ lãnh, phải thực hành bố thí đầy đủ, cho nên người báo tin kia thật là vị giác ngộ ta. Người xin bao giờ cũng cử chỉ e dè ngại ngùng, Bồ tát biết vậy nên dịu dàng trước: người là ân nhân, là thí chủ của tôi, cần chi xin người cứ lấy. Khi người xin thỏa mãn, thì hai nỗi hoan lạc người cho người nhận hòa giao với nhau như an lạc niết bàn.
Sinh tử là lò lửa vĩ đại, Bồ tát ở trong đó như ở niết bàn, tại sao như thế, vì Bồ tát muốn cứu giúp chúng sinh. Bồ tát tâm niệm: thương cứu chúng sinh là giải thoát của mình; đem đại bố thí cứu giúp chúng sinh, chúng sinh an lạc là giải thoát của mình. Giải thoát ấy mới là giải thoát thù thắng. Bố thí vĩ đại mà không có đại bi thì không gọi là bố thí được; bố thí vì đại bi tức là giải thoát tối cao.
Được giải thoát như vậy, Bồ tát suy nghĩ: Ngày xưa, đối trước đấng Vô-thượng-tôn, ta nghe cực lạc của giải thoát, giờ đây ta đã thật hiện được, tại sao, vì ta bố thí vừa lòng là ta giải thoát. Nếu sự an lạc của giải thoát nào tương tự với sự hoan lạc của bố thí do lòng thương phát sinh thì ta ưa thích. Không thì ta tránh xa. Ta chỉ thích sự hoan lạc của bố thí, vì ta thấy đó là giải thoát thù thắng.
Sự hoan lạc của bố thí do đại bi hành động thì không gì sánh bằng. Sự an lạc giải thoát của bố thí do đại bi hành động không gì thí dụ được. Sự hoan lạc của bố thí phát sinh từ đại bi, nếu ai muốn dùng thí dụ hình dung, thì vì nó tối cao, nó cực đại, nó vi diệu, nên không thể ví dụ được.
VI. NGƯỜI CHO ĐẶC BIỆT
Đại bi chủ đạo bố thí, sự bố thí ấy đem lại an lạc đầy đủ cho chúng sinh. Người bố thí an lạc chúng sinh như vậy là người tối thắng, thắng hơn giải thoát. Người bố thí an lạc cho chúng sinh được là do thực hành đại bi, tâm đại bi rất bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Bố thí như vậy mới là người thí chủ, bố thí không được như vậy thì chỉ là người hành khất. Sự bố thí của ta làm cho người nghe phải cảm động, mới là người thí chủ tốt; bố thí không được như vậy thì chỉ là kẻ tâm xen tạp. Bố thí thế nào cho người hoan hỷ nhận lãnh mới là thí chủ toàn vẹn. Người ta phải xin mới cho thì không phải người bố thí nữa, thân hành đem đến đưa cho người mới là thí chủ tốt. Hy sanh tất cả mà vì tham ái nên cho, đó không phải là người bố thí; cho bằng tâm đại bi mới là thí chủ vĩ đại. Nghèo như người đến làm cho họ vừa lòng, thì đó là thí chủ tốt; còn giàu mà người đến không vừa lòng, thì đó là kẻ bần cùng. Giàu mà cho không có lòng thương, thì gọi là cho không gọi là bố thí; phải có đại bi thương người mới là thí chủ. Không ăn không no, cho không có lòng thương không gọi là bố thí được; có lòng thương từ bi thì dù không của cũng gọi là bố thí. Cầu sự đền trả mà gọi là bố thí được thì buôn bán cũng gọi là bố thí sao. Tuy vậy, sự cho cầu đền trả ấy vẫn có kết quả vô cùng, huống chi cho vì thương người chứ không cầu sự đền trả, thì kết quả làm sao mô tả nổi. Cho mà cầu đền trả thì chỉ tự hưởng, không thể cứu giúp người, như thế phí công vô ích; còn cho vì thương người thì đã có năng lực cứu giúp, sau kết quả cũng đại lợi chúng sinh.
Nghèo không bằng có của, có của không bằng đem cho, cho không thương không bằng từ bi: Đại bố thí có thể cải thiện tất cả muôn loài vậy. Cho nên giàu thì phải cho, cho thì phải cho bằng lòng thương. Giàu có mà bố thí giàu có mới bền, bố thí mà có từ bi bố thí mới chắc. Cho nên thực hành bố thí thì giàu sang, thực hành thiền định thì giải thoát, còn thực hành đại từ bi mới đại giác ngộ: kết quả tối cao trong các kết quả.
VII. KÍNH TRỌNG NGƯỜI XIN
Bồ tát suy nghĩ: nhờ người xin mà ta được đại giác ngộ, vậy, để báo ân họ, ta phải đem đại giác ngộ ấy hồi hướng cho chúng sinh. Ta nhờ bố thí chúng sinh mà được kết quả vô thượng, do kết quả vô thượng mà thành đại giác ngộ, vậy đại giác ngộ ấy ta phải hiến lại chúng sinh. Ta nhờ bố thí chúng sinh mà được an lạc thắng hơn an lạc của giải thoát. Sự an lạc trong khi bố thí còn như thế, huống chi đại giác ngộ, kết quả tối cao của bố thí? Cho nên ta phải đem tất cả bố thí cho người xin.
Và, chính vì vậy, ân người xin rất nặng, không chi báo đáp được. Chính người xin là nguyên nhân lớn nhất đem lại an lạc vô thượng và kết quả vĩ đại cho ta. Ta đem tài sản không đủ báo đáp, phải đem trí giác vô thượng mà phụng hiến họ. Nhờ phước ấy, các người xin tương lai cũng thành đại thí chủ như ta.
Bồ tát lại tâm niệm: Nhờ người xin mà ta được an lạc của bố thí, vậy ta phải là thí chủ pháp thí, làm sao cho họ được Trí giác vô thượng?
Khi người xin thấy Bồ tát đại bố thí thì hỏi:
– Người vì hy vọng gì mà thực hành bố thí?
Bồ tát giải thích:
– Tôi không hy vọng sung sướng ở loài người, thiên đường ở loài trời, cũng không mong cầu niết bàn của Thanh văn, giải thoát của Duyên giác. Tôi chỉ nguyện được Trí giác vô-thượng để cứu vớt tất cả.
– Nhờ năng lực gì mà người bố thí không chán lòng?
– Bản sư tôi là đấng Vô-thượng-tôn, từ bi nghĩ nhớ tất cả muôn loài. Tôi không biết lấy chi báo ân Ngài nên bố thí không mệt.
Tất cả an lạc không chi bằng an lạc giải thoát, nhưng lòng tôi yêu thương chúng sinh hơn ưa thích giải thoát: vì lòng yêu thương ấy, tôi muốn chúng sinh ai cũng giải thoát nên bố thí đủ cách. Nếu sinh tử không cùng cực khổ sở thì tôi không bố thí mong cầu Trí giác vô thượng. Vì sinh tử vô cùng khổ não nên tôi đắm mình trong sự bố thí mong cầu đại giác đại ngộ. Sinh tử ai gây? phiền não và vọng nghiệp. Ai trừ sinh tử? từ bi và bố thí. Giả sử chúng sinh lấy từ bi làm thể chất thì không khi nào không thích bố thí. Và, vì vậy, tôi luôn luôn bố thí bởi từ bi nặng lòng vì người.
VIII. BỐ THÍ VỚI THAM LẪN
Không nghĩ ân đức của người xin thì không có tâm từ bi, không có từ bi thì không thể thực hành bố thí, không thực hành bố thí thì không thể cứu vớt chúng sinh qua bể sinh tử. Không tâm từ bi thì kẻ ấy là kẻ cô độc, có tâm từ bi thì người ấy đầy những bạn thân. Kẻ chấp bản ngã thì lấy ái làm thể chất, người cứu giúp người thì lấy bi làm bản thể. Ái nặng thì không còn biết gì đến ai nữa, Bi nặng thì không còn biết gì đến mình nữa. Nhưng nếu không bố thí thì làm sao nghiệm biết tâm từ bi, như đem hình đá vẽ với viên đá thật so sánh mới biết gì thật gì giả. Nếu thấy người nguy khốn mà đại đại bố thí thì biết người ấy có từ bi. Kẻ tham lẫn thì dù cha mẹ bà con họ đến xin cũng sinh tâm oán ghét, người từ bi thì kẻ thù người ác đến cầu cũng mến trọng như bạn. Tham lẫn thì cho đất nặng hơn vàng, từ bi thì vàng nhẹ như cỏ. Tham lẫn thì mất của rất sầu khổ; từ bi thì sầu khổ xấp mấy, nếu có của không bố thí được. Tài sản phải bỏ vào hai lúc: lúc mạng chết và lúc bố thí. Chết mà bỏ thì bỏ hết, tất cả không có một mảy may theo đến đời sau; bố thí mà bỏ thì bỏ ít kết quả nhiều, kết quả không những ở đời nay mà còn theo đến đời sau. Đối chiếu như vậy, ai là người trí mà không bỏ tham lẫn, làm bố thí?
Khi bố thí thì lòng người hoan hỷ, lòng mình cũng vậy. Bố thí mà không hoan hỷ được thì chỉ là hối hận, tự dối. Có kẻ người xin đến cầu, vì họ cầu xin nên làm thỏa mãn rồi lòng rất vui vẻ; lại có người tự đem đến cho họ, không cầu sự đền trả mà đại đại bố thí, thì sự vui vẻ của họ sánh với sự vui vẻ của kẻ trước, nào chi có thể thí dụ được?
Có đồ ăn ngon, không bố thí trước rồi mới ăn thì ăn ngon lành gì; còn đồ ăn dở mà bố thí rồi ăn sau, thì lòng vui thỏa, nên ăn thấy ngon lành. Nên cho rồi còn sẽ ăn. Bực trượng phu nghe lời này mừng như được niết bàn, chứ kẻ hèn kém thì ai tin lời ấy. Người đói đứng trước mâm ăn mà còn nhẫn tâm không cho được một bát cơm, huống chi đem giải thoát thù thắng cho người được? Nhiều của, người xin đến kẻ ấy còn không có tâm cho, huống chi của ít? Kẻ ấy, ngay trong sinh tử ta còn không tìm thấy một chỗ an vui của họ, huống chi niết bàn; kẻ ấy là kẻ ở bên sông cả mà không cho người được hớp nước. Còn người thấy sinh tử cùng cực khổ sở mà vẫn trầm mình để bố thí, huống chi niết bàn, thì lòng người ấy như dòng sông cái, bố thí mấy cũng không vừa.
Từ bi thì niết bàn cũng hy sinh rất dễ; còn tham lẫn thì phân đất dễ được hơn nước mà còn lẫn tiếc, huống chi tài sản.
IX. BỐ THÍ BẰNG TÀI SẢN
Hai người, một rất giàu, một rất nghèo, người xin đến cả hai đều buồn bực: Kẻ giàu lo người xin mất, người nghèo lo không có cho. Cả hai đồng lo, nhưng kết quả rất khác nhau: Người vì thương người, lo không có cho thì an lạc trong nhân thiên; kẻ vì tham lẫn, lo bị mất của thì khổ sở trong ngạ quỉ.
Bồ tát có tâm từ bi thương người thì đối với người, thế cũng đủ lắm rồi, huống chi còn cố gắng bòn mót chút ít để bố thí. Kẻ giàu có tùy ý tiêu dùng, lòng sung sướng bực nào, thì lòng thương Bồ tát lo nghĩ bố thí còn quá gấp mấy ngàn vạn lần. Từ bi thì người xin đến, không có của không nỡ nói không, buồn khổ thương khóc – Thấy người khổ mà không sa nước mắt thì sao gọi là thực hành từ bi. Nên con người hơn người ấy tai nghe người khổ còn không nhẫn nổi, huống chi mắt thấy người khổ mà không cứu giúp. Có từ bi, người đó thấy người nghèo khổ mà không có của cho thì lòng buồn rầu vô hạn, nỗi buồn ấy không chi so sánh được. Người thương cứu người thì thấy người khổ, tất khóc lóc bi thảm. Chính điều ấy biểu hiện tất cả lòng thương mến, lòng trong sạch của Bồ tát: Thấy người khổ mà buồn khóc, đó là biểu lộ lòng thương mến; vì lòng thương mến nên biết lòng trong sạch, vì người chứ không cầu đền trả. Lòng thương từ bi của Bồ tát như tuyết, tuyết đụng mặt trời thì tan ra nước; lòng thương chạm người khổ thì chảy ra nước mắt.
Nước mắt của Bồ tát thì chảy vào ba lúc: một, lúc thấy người thực hành lẽ phải, vì kính mến nên chảy nước mắt; hai, lúc thấy người khổ sở vô phước, vì thương mến nên chảy nước mắt; ba, lúc tự mình đại hành bố thí, thì thương mừng tràn ngập nên chảy nước mắt. Nước mắt ấy của Bồ tát đã đổ bằng bốn bể đại dương. Người đời cha chết mẹ chết khóc không bằng Bồ tát khi thấy người nghèo khổ mà không có của cho họ. Bởi vậy, Bồ tát thực hành đại định CỨU VỚT CHÚNG SINH, dũng xuất vô tận vật dụng tài sản, tất cả người xin tùy ý tự tại. Bực đại trượng phu là người đem của mình hy sinh cho người, để người biết hy sinh bố thí. Vì lý do ấy mà Bồ tát đem tài sản bố thí cho chúng sinh giàu có.
Do tâm từ bi bình đẳng không giới hạn, Bồ tát nghe tiếng người xin thì khóc như mưa, người xin thấy vậy biết chắc chắn mình sẽ được vừa ý. Bồ tát thấy người xin đến lòng rất buồn thương, khi người xin thỏa mãn hoan hỷ rồi Bồ tát mới hết buồn. Nghe người xin nói, Bồ tát không cầm được nước mắt, khi người xin bảo đã thỏa mãn Bồ tát mới cầm được.
Bồ tát bố thí đủ cách, cho chúng sinh đầy đủ rồi, thiền định suy nghĩ: làm sao diệt được ba thứ khổ độc cho người? Bồ tát tự xét có tài sản là để cho người, nhưng cho tài sản vẫn không diệt khổ được, nên xả bỏ tất cả, xuất gia học hành và truyền bá Chánh-Pháp.
X. XẢ BỎ TẤT CẢ
Bồ tát bố thí tài sản cho người xin đầy đủ rồi, bấy giờ suy nghĩ: Ta phải làm sao đoạn trừ phiền não, nguyên nhân đau khổ cho họ. Do tâm đại bi, Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều bị đau khổ bao vây, nên lập chí nguyện cứu độ họ. Bồ tát hy sinh tất cả là vì mong cầu giác-ngộ vô-thượng và cứu giúp chúng sinh đau khổ. Tâm chí tối thắng và từ bi như thế thì gì mà không hy sinh cứu người. Có tâm từ bi thì, vì người, niết bàn còn bỏ huống chi tánh mạng. Bỏ tánh mạng bỏ tài sản, điều ấy có khó gì. Bỏ tài sản không khó bằng bỏ tánh mạng, bỏ tánh mạng không khó bằng bỏ niết bàn, mà niết bàn còn bỏ thì gì không hy sinh được. Từ bi thấu xương tủy, Bồ tát hy sinh tất cả, đại thí cứu người – Người cứu vớt người thì bố thí tất cả, có gì là khó. Người ấy là người tối thân của muôn loài, là người hướng dẫn muôn loài về an lạc. Người ấy là con người của từ bi, nên hy sinh tất cả mà không chán. Người ấy là người chân thật cứu người, oán thân bình đẳng, tánh mạng còn bỏ, vật gì không cho.
Chúng ta trọng tài sản, nhưng ái trọng tánh mạng lại hơn trọng tài sản, vì vậy mà bỏ tài sản dễ hơn bỏ tánh mạng. Ngược lại, sự hoan hỷ của Bồ tát khi bỏ của không bằng sự hoan hỷ lúc hy sinh tánh mạng.
Khí vị tối cao của bố thí là trí-giác vô thượng, khí vị ấy lấy bố thí làm chất ăn mà tồn tại. Người lợi tha muốn nếm khí vị ấy nên hy sinh tánh mạng. Do sự hy sinh ấy, Bồ tát thấy người đến xin bộ phận thân thể mừng hơn thấy người đến xin của vật. Người thích khí vị an lạc của bố thí mà được rồi thì rất hoan lạc, sự hoan lạc ấy không bằng sự hoan lạc của Bồ tát lúc bố thí thân mạng. Bồ tát tự nghĩ: ở châu diêm-phù này, có lẽ ta vô phước hay sao, mà người xin của nhiều kẻ xin tánh mạng ít. Bồ tát xét tài sản là của ở ngoài, nên có khi ta cho không tự do theo ý muốn; chứ thân mạng là của ở trong, hoàn toàn tùy ý ta hy sinh, không ai cản trở được. Bồ tát quan sát thân này không bền không chắc, nên bảo mọi người ai cần xin lấy mau. Những người cần hỏi Bồ tát:
– Người đem xương máu bố thí chúng tôi, chúng tôi lấy chi báo đáp được?
Bồ tát giải thích:
– Muốn báo đáp thì bảo với mọi người hãy từ bi bố thí, hy sinh tánh mạng. Và, giờ hãy đến nhận lấy các bộ phận thân thể của tôi. Nhưng, các người không nên nói đến việc đền trả. Các người nhận lấy cái thân vô-thường của tôi làm cho tôi sẽ được Pháp-thân bất diệt, thế là ngược lại, chính các người có ân đức rất nặng đối với tôi, tôi làm sao báo đáp cho xứng đáng. Tôi nguyện sẽ đem thân mạng đời sau và kết quả của sự hy sinh thân mạng đời này cúng hiến các người. Tôi vì cứu vớt hết thảy chúng sinh nên hy sinh thân mạng. Bỏ thân xác thịt tôi sẽ được Pháp thân, được Pháp-thân thì được Nhất-thế-trí; và trở lại làm cho chúng sinh cũng được Nhất-thế-trí bằng cách hy sinh xác thân thực hiện Pháp thân. Pháp-thân có năng lực vĩ đại là lợi lạc chân thực cho chúng sinh như thế. Bồ tát nghĩ như thế nên làm sao không hy sinh tánh mạng. Khi bỏ thân mạng, Bồ tát lại nghĩ: Ta làm bạn thân của chúng sinh. Ta đã giải thoát sinh tử, ta phải giải thoát chúng sinh ra khỏi sinh tử ấy, nên phải hy sinh tánh mạng. Công đức hy sinh này không những là thương cứu đau khổ chúng sinh, mà còn nuôi dưỡng Pháp thân của ta. Khi Bồ tát quả quyết xác nhận như vậy thì bỏ thân mạng không có vẻ khó khăn gì cả. Không khó vì bỏ thân xác để được Pháp thân. Cho nên, không những không khó, mà còn hoan hỷ vô lượng. Sự hoan hỷ của Bồ tát lúc hy sinh tánh mạng còn gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của kẻ tham lam khi được kho báu vô tận. Bồ tát lấy trí tuệ và từ bi làm thể chất, nên vì chúng sinh mà cầu được Pháp thân. Khi kẻ thấp thỏi được lên ngôi vua, sự khoái lạc của kẻ ấy không làm sao bằng sự khoái lạc của Bồ tát khi bỏ mình vì người. Do từ bi và trí tuệ, Bồ tát hy sinh tánh mạng, sự hoan hỷ lúc hy sinh đó còn gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của dòng quân nhân khi thắng địch.
Kẻ ngu phu vì địa vị và quyền lợi mà bỏ mạng được trong trận địa, kẻ ngoại đạo vọng đảo giải thoát mà còn vùi mình trong am viện, huống chi Bồ tát đem trí tuệ đem từ bi vì tất cả muôn loài mà không hy sinh thân thể. Ngu phu đem tham ái mà bỏ mình cho chiến tranh, Bồ tát đem bi trí vì người mà bỏ mình, sự xả bỏ ấy nào có gì khó.
Khi Bồ tát lập chí nguyện thì đã nguyện xả bỏ tất cả. Tuy nói thế nhưng chúng sinh chưa thật được lợi ích. Khi thực hành bố thí chúng sinh mới được lợi ích thiết thực.
Bồ tát bỏ tánh mạng, điều ấy không khó; khó nhất là biết thân vô thường, đau khổ, không thật rồi mà không hy sinh được cho người. Từ bi vì người hy sinh tánh mạng, điều ấy không khó; khó nhất là ham thích hy sinh mãi không chán. Một người lo lắng khi phải chuyển dời cả cõi đất mà ngó lại sức mình không đủ, sự lo lắng ấy không bằng Bồ tát lo lắng khi thấy chúng sinh đau khổ mà chưa giải cứu được. Vì từ bi như vậy nên bồ tát xem thân mạng nhẹ rẻ như thảo mộc, hy sinh cho người nào thấy khó khăn.
Một người vì mình giữ giới KHÔNG SÁT SINH, người ấy sau được an lạc trong nhân thiên, đó, thực hành ít mà quả báo còn như thế, huống chi Bồ tát vì chúng sinh bỏ thân mạng, thì kết quả biết dung vào đâu trong sinh tử. Chỉ có Trí-giác vô thượng mới dung nổi mà thôi.
Với tất cả ý niệm thuần thục trên, khi Bồ tát nghe người đến xin tánh mạng, vui vẻ nghĩ: Ta nguyện bỏ cho họ lâu rồi mà họ không đến nhận lấy; nay mới đến hỏi, hẳn họ nghĩ ta tiếc rẻ nên đến thử mà thôi.
XI. BỎ THÂN THỌ THÂN
La hán bỏ thân tối hậu được an lạc niết bàn, sự an lạc ấy không bằng sự an lạc của Bồ tát lúc vì chúng sinh bỏ thân mạng. La hán được giải thoát, sự an lạc của giải thoát ấy không bằng sự an lạc của Bồ tát lúc vì chúng sinh thọ thân mạng.
Khi thọ thân, Bồ tát nghĩ: ta do không lấy niết bàn, vì chúng sinh nên thọ thân này, đó mới thật là vi diệu. Khi bỏ thân, Bồ tát nghĩ: ta vì bố thí chúng sinh nên bỏ thân, bỏ thân để thọ thân mà bố thí, đó mới thật là tối thắng.
Bồ tát luôn luôn thích nghe sự cứu độ chúng sinh của các đức Phật-đà. Bồ tát nghĩ: ta được khí vị của tâm đại bi cứu vớt chúng sinh, ta ham thích khí vị ấy nên không muốn niết bàn. Cho nên, thực ra, khi Bồ tát vì chúng sinh mà bỏ thân bố thí, thì tuy không được niết bàn mà hơn được niết bàn, vì niết bàn không có khí vị vì chúng sinh bỏ thân mạng.
Bồ tát khi thọ thân thì rất khổ cũng như rất vui khi bỏ thân, nói ngược lại, bồ tát khi bỏ thân thì rất khổ cũng như rất vui khi thọ thân. Khổ vì khổ đau, nhưng vui vì lợi người.
Phàm phu vì nghèo nàn bịnh khổ bức bách, không thoát được nên muốn bỏ thân; cũng như thấy thân thể đau khổ, không thể cứu vớt nó nên muốn mau niết bàn. Bồ tát khác, Bồ tát suy nghĩ: Quả niết bàn rất an lạc, thân sinh tử rất cực khổ; nhưng chính vì vậy mà ta phải thay tất cả chúng sinh thọ thân sinh tử ấy, bỏ quả niết bàn kia, để làm cho họ được giải thoát.
La-hán thân nhập diệt thì Phật-đà thân cũng nhập diệt. Nhập diệt tuy đồng, nhưng sự nhập diệt của thân Phật-đà lợi ích chúng sinh, còn sự nhập diệt của La-hán chỉ tự giải thoát. Cho nên sự nhập diệt của Phật-đà là tốt, là vĩ đại. Bồ tát nghĩ: ta phải học sự nhập diệt bỏ thân ấy.
XII. XẢ BỎ THÂN MẠNG
Bồ tát vì Nhất-thế-trí, vì đại bi thương cứu chúng sinh, nên xả bỏ thân mạng, được kết quả chân thật. Bỏ thân mạng mà không được kết quả chân thật, thì chỉ là sự không phí.
Bồ tát xả bỏ thân mạng là vì giác ngộ chúng sinh. – Bồ tát vì chúng sinh bỏ thân mạng, dễ dàng hơn người tham lẫn bỏ một vắt cơm. Nên Bồ tát xả bỏ thân mạng là mục đích để giác ngộ những người tham lẫn.
Bồ tát xả bỏ tính mạng là để bảo vệ tính mạng người khác, tại sao, vì Bồ tát xem tính mạng người là tính mạng mình.
Bồ tát xả bỏ thân mạng để cứu người là vì thấy thân mạng không đáng kể. Thân mạng không đáng kể nhưng vì lợi người nên bỏ thân rồi thọ thân lại.
Cho nên nếu phi đại bi thì người trí ai thích thân mạng này? Nếu phi đại bi thì bố thí sao ở sinh tử?
Bồ tát say mê bố thí vì đại bi tự do, nên thọ thân sinh tử như vui niết bàn.
XIII. ĐẠI BI BIỂU HIỆN
Bồ tát có tâm từ bi vĩ đại vận chuyển trong toàn thân nhưng không ai biết được, chỉ khi biểu hiện ra sự bỏ thân mạng vì chúng sinh, bấy giờ người mới biết chút ít.
Tâm từ bi của Bồ tát cùng cực sâu xa rộng lớn, biến khắp tất cả chúng sinh, nhưng không ai thấy được, chỉ khi biểu hiện ra bằng sự bố thí tài sản, bố thí vô úy, bố thí chánh pháp, bấy giờ mới thấy.
Tất cả thân thể của chúng ta đều biểu hiện bịnh khổ, chúng ta không tự biết mà thôi. Nhưng do ba điều sau đây mà biết nó là biểu hiện của bịnh: ăn uống, áo mặc, thuốc thang. Đối lại, Bồ tát là biểu hiện thân của từ bi. Từ bi của Bồ tát do ba điều sau đây mà biểu hiện: cho tài sản, cho vô úy, và cho chánh pháp.
Bồ tát vì đem an lạc cho chúng sinh, vì diệt đau khổ cho chúng sinh, nên hy sinh tánh mạng để cứu vớt họ.
Bồ tát không cầu quả báo. Bồ tát xem quả báo như cỏ khô. Đại bi của Bồ tát hành động đủ phương pháp lợi người. Bồ tát đổ máu huyết dễ hơn ta bỏ nước lã. Ngày xưa, khi Bồ tát khắp mình năm chỗ chảy huyết để bố thí thú vật, bấy giờ lòng hoan hỷ cực độ của Bồ tát không chi có thể ví dụ được. Bồ tát hành động như vậy là vì cứu vớt chúng sinh, hoan hỷ như vậy là đã cứu vớt được chúng sinh.
Có người hỏi Bồ tát:
– Đại bi có khí vị chi mà ngài bỏ huyết dễ hơn bỏ nước?
Đại bi Bồ tát giải thích:
– Chính sự vì muốn người được an lạc mà xả bỏ thân mạng đó, là khí vị của đại bi. Đại bi không cầu đền trả mà hành động. Cái khí vị tối cao của đại bi là vô tướng.
Có người thấy Bồ tát đại hành bố-thí thì xét biết bồ tát lấy đại bi làm thể chất, nhưng phân vân không biết đại bi do tâm tánh bồ tát phát hiện, hay do người khác khuyên bảo kích thích.
Nhưng sự xả bỏ tánh mạng của Bồ tát tất cả chúng sinh không ai làm được như thế, chỉ đại bi của tâm tánh mới làm được. Sự thật hiện Nhất-thiết-trí tất cả chúng sinh cũng không ai làm được, chỉ có đại bi trong tâm luôn luôn lợi ích chúng sinh mới thật hiện được như thế. Tâm luôn luôn muốn lợi ích chúng sinh, nghĩa là đại bi thường ở trong tâm, thì Trí-giác vô thượng tức ở trong lòng bàn tay rồi. Cho nên khi đại bi đến giai đoạn biểu hiện bởi vô-sinh-pháp-nhẫn thì có thể hiện khởi vô số đà-la-ni, đến đệ-thập địa. Bấy giờ Bồ tát tự biết đã gần như Phật-đà.
XIV. BỐ THÍ CHÁNH PHÁP
Bố thí tài sản chỉ được an lạc trong loài người và đi đến bổ thí chánh-pháp. Duy bố thí chánh pháp biểu hiện bởi tâm đại bi mới được tất cả kết quả của mọi sự bố thí tài sản, bố thí chánh pháp, và vô số an lạc về sau.
Đại bi bố thí thật hiện giải thoát, biểu hiện đầy đủ của sự bố thí hoan hỷ. Nhưng Bồ tát thuần một khí vị đại bi duy nhất, vì vậy mà không một sát na nào muốn tự giải thoát. Bố thí chánh pháp đủ cách rồi, Bồ tát cầu thỉnh người nghe pháp:
– Khi tôi được kết quả của sự bố thí chánh pháp thì xin mời các người đến nghe chánh pháp vô thượng.
Khi Bồ tát bố thí chánh pháp chỉ là muốn pháp-thí, phải đến lúc thành Phật-đà bố thí chánh pháp mới là pháp-thí căn bản. Tại sao?
Trí giác vô thượng của Phật-đà in như hư không: san phủ kín đáo bởi tâm đại từ bi, nên mưa xuống nước ngọt bố thí chánh pháp, thỏa mãn tất cả ao hồ chúng sinh đau khổ.
Lấy bốn nhiếp pháp làm phương tiện, lấy giải thoát chúng sinh làm mục đích, lấy tám chánh đạo làm đường đi, như thế thì thế nào cũng về thành trì niết-bàn.
Bố thí tài sản trừ đau khổ thân thể cho chúng sinh, bố thí chánh pháp trừ đau khổ tâm trí cho chúng sinh. Vô số bố thí tài sản là để đi đến bố thí chánh pháp vi diệu. Bố thí chánh pháp có năng lực bố thí vô úy cho chúng sinh.
Cực chán sinh tử thì cầu giải thoát niết bàn, thương cứu chúng sinh thì cầu bố thí chánh pháp.
Bố tát có tiền tài là để bố thí, bố thí tài sản mục đích là đi đến, phải đi đến bố thí chánh pháp.
Chúng sinh có hai, có kẻ tham ái, có kẻ ngu si. Tham ái nhiều, Bồ tát bố thí tài sản; ngu si nhiều, Bồ tát bố thí chánh pháp. Bố thí tài sản là để gây tài sản vô tận cho người, bố thí chánh pháp là để gây trí tuệ vô biên cho người. Bố thí tài sản để được an lạc thân thể, bố thí chánh pháp để được an lạc tâm trí. Bố thí chánh pháp có năng lực vĩ đại là thỏa mãn tất cả nguyện vọng của chúng sinh, không cùng tận, không mệt mỏi. Sự hoan hỷ của bố thí chánh pháp như trăng rằm mùa thu, làm cho chúng sinh lòng và mắt chiêm ngưỡng mãi không chán.
Bố thí tài sản chúng sinh ưa thích, bố thí chánh pháp chúng sinh kính trọng. Bố thí tài sản người ngu ưa thích, bố thí chánh pháp người trí mến trọng. Bố thí tài sản phá hoại sự nghèo nàn tài sản, bố thí chánh pháp phá hoại sự nghèo nàn trí đức. Cho nên cả hai ai không kính trọng? Bố thí tài sản đem lại an lạc, bố thí chánh pháp đem lại giải thoát.
Người hiện thân của từ bi thì yêu thương tất cả chúng sinh. Yêu thương chúng sinh như yêu thương chính mình. Cho nên La-hán bỏ chúng sinh vào niết bàn Bồ tát còn không thích, huống chi thích kẻ làm hại chúng sinh. Do đó, muốn báo ân Bồ tát, ta phải diệt 10 điều ác, hiếu kính cha mẹ, và cao hơn nữa, phải nối tiếp dòng giống Giác-ngộ bằng cách đem tâm từ bi lợi ích mọi người, luôn luôn suy nghĩ những điều thành tựu chúng sinh.
XV. PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Bố thí đầy đủ rồi, Bồ tát, người thân của tất cả chúng sinh ấy, vẫn chưa một phút nào rời tâm từ bi. Tâm từ bi của Bồ tát phổ biến tất cả, không ai không thương. Vì từ bi phổ biến, nên Bồ tát muốn cuối cùng, phải thành Phật-đà, được nhất-thế-trí. Nói khác đi, là vì từ bi nên Bồ tát không cầu giải thoát của Thanh văn mà chỉ phát Bồ-đề-tâm: lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng và Giải-thoát tối cao.
Khi đầu tiên, một niệm lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng, bấy giờ cả đại địa vàng đất này không thể ví dụ được rồi. Tại sao? Bởi cái chí nguyện lập ra đó có thể tiêu trừ tất cả phiền não, có thể làm thành tất cả diệu hạnh.
Trí-giác vô thượng là kết quả của chí nguyện mong cầu trí-giác ấy. Và mục đích của chí nguyện ấy là đem an lạc lại cho tất cả chúng sinh.
Bồ tát lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng rồi, người chưa lập hỏi:
– Giải thoát thế nào?
Họ hỏi như thế vì khi lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng là như từ giải-thoát mà ra. Nên họ hỏi giải thoát là gì, là tự giải thoát mà biết, hay giải thoát đến mà biết?
Bồ tát giải thích:
– Khi lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng thì hoan hỷ như giải thoát nên biết được giải thoát.
Muốn phụng sự tất cả Phật-đà thì phải lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Muốn báo đáp hồng ân Phật-đà, phải lập chí nguyện bền chắc ấy. Ngoài chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng, không có một thứ gì có năng lực đi đến Trí-giác vô thượng. Phi chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng thì không làm sao được địa vị Phật-đà. Không được địa vị Phật-đà thì không thể cứu vớt chúng sinh.
Muốn đem lại vô tận an vui vĩ đại cho hết thảy chúng sinh thì phải lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng, tại sao, vì chí nguyện ấy là nguyên nhân sản xuất tất cả mọi sự an vui. Tất cả vật lý không ngoài bốn đại-chủng, tất cả an lạc không ngoài chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng.
Chúng sinh là những người rất kỳ dị: Không sợ sinh tử khổ sở mà sợ tâm chí vô úy là tâm chí mong cấu Trí-giác vô thượng.
Muốn cắt dứt tất cả đau khổ không chi hơn lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Lập chí nguyện ấy là sự cắt dứt đầu tiên, sự cắt dứt ấy đi đến sự cắt dứt trọn vẹn.
Được lợi tài sản không bằng được lợi phước đức, được lợi phước đức không bằng được lợi trí tuệ, được lợi trí tuệ không bằng được lợi lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Phóng túng, quên rơi chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng đi thì không khác gì loài cầm thú.
Nhưng tâm chí mong cầu Trí-giác vô thượng tức là tâm đại từ đại bi, vậy làm sao Bồ tát không thực hành từ bi được? Cho nên muốn đi đến Trí-giác Phật-đà, quyết định phải lập tâm chí mong cầu Trí-giác vô thượng.
Bị phiền não chướng ngại thì không lập chí cầu giải-thoát, bị nghiệp báo chướng ngại thì không lập chí cầu trí-giác.
Đi đường nào tà? Đi đường nào chánh? Tham ái biến tướng, lấy 4 không định làm giải thoát là đường tà; chí nguyện cầu Trí-giác, thực hành tám chánh đạo là đường chánh.
Muốn giàu thì thực hành bố thí. Muốn vui thì thực hành từ bi. Nhưng muốn cứu vớt an vui tất cả chúng sinh thì phải kiến lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng.
Không thực hành diệu-hạnh thì có 3 điều khó: một, khó gần các vị thiện trí thức; hai, khó thực hành từ bi; ba, khó ham Trí-giác Phật-đà. Mà muốn thực hành diệu hạnh thì phải lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng. Lập chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng rồi là được nhất-thế-trí vậy.
XVI. CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG
Đem tài sản như nhau bố thí cho một người, nhưng vì dụng tâm không đồng mà những người bố thí được kết quả khác nhau: có kẻ được an lạc hữu lậu, có kẻ được an lạc niết bàn, có kẻ được an lạc lợi tha. Kết quả khác nhau như thế là vì tư duy và nguyện vọng mỗi người thiên về một bên.
Tham tâm mà thực hành phước thiện thì hưởng kết quả phải mê mờ, vô tâm mà thực hành phước thiện thì khi hưởng kết quả cũng nông nổi. Chứ do chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng vì lợi ích hết thảy muôn loài chúng sinh mà thực hành phước thiện, thì điều thiện ấy là điều thiện tối cao trong các điều thiện, kết quả của điều thiện ấy là kết quả tối thắng trong các kết quả.
Các điều phước thiện khác chỉ là điều thiện tương tự, không phải là điều thiện tuyệt đối. Thực hành trí-tuệ duy nhất, đó mới là điều thiện tối cao. Trí-tuệ ấy lợi ích chúng sinh, nối giòng giác ngộ, vì biết sự hành động, biết sự kết quả của hành động, biết quy y từ bi của Phật đà,
Vì bản ngã mà thực hành phước thiện thì có khác gì hành động điều ác, thật là điều rất sỉ nhục. Bực đại trượng phu thấy tất cả người trời không ai cứu vớt, nên không bao giờ vì mình mà thực hành phước thiện.
Bực đại trượng phu suy nghĩ: cái khổ sinh tử nghe còn không được huống chi mắt thấy. Vậy mà chúng sinh đương trầm mình trong cực khổ ấy, sao ta lại vì mình thực hành phước thiện, làm việc mà một người từ bi không bao giờ làm?
Ta không phút nào rời tâm đại bi, làm bạn thân của chúng sinh, sao lại vì mình thực hành phước thiện?
Người đã biết khí vị công đức, do năng lực thực hành phước thiện một cách tự do, nếm được khí vị tối cao là lợi tha; thì người ấy cho đến trong chiêm bao còn không mống tâm vì mình thực hành phước thiện, huống chi lúc thức.
Do trí tuệ giác ngộ những khuyết điểm của sinh tử, nên không bao giờ bực trượng phu hành động phước thiện cầu kết quả trong phạm vi sinh tử. Bực trượng phu từ bi lại không bao giờ tự giải thoát mà thực hành phước thiện. – Trí tuệ bỏ hành vi sinh tử, từ bi bỏ hành vi giải thoát, tại sao, bởi bi trí bao giờ cũng vì lợi người,
Trí tuệ tối thắng bình đẳng hành động, nên hành động thì đồng mà kết quả thì vô thượng. Kết quả vô thượng của trí tuệ là mười trí lực.
Do trí lực, bực trượng phu nghĩ, ta biết vì mình hưởng an vui, bỏ an vui lợi người, đó là kẻ bội ân. Do lời Phật dạy, ta xác biết muôn loài là bạn thực hành phước thiện của ta, vậy được kết quả mà hưởng thọ một mình thì đã là kẻ bội ân rồi, mà an vui đâu mà được, huống chi được rồi hưởng lấy một mình?
Nên bực đại trượng phu ấy ruồng bỏ tất cả; dầu nghìn niết bàn mà không lợi ích chúng sinh thì cũng không bằng cứu khổ một người: nên cứu một người đau khổ hơn được vui nghìn niết bàn.
Bực đại trượng phu an lạc giải thoát còn không hưởng riêng như thế, huống chi Trí-giác vô thượng mà hưởng lấy một mình. Tại sao như vậy? vì thấy hết thảy chúng sinh không nơi nương tựa, không ai cứu vớt.
XVII. GIẢI THOÁT THÙ THẮNG
Có nhiều phương pháp nữa, có thể lợi ích chúng sinh thực hành Phật sự, như định và tuệ. Do những phương pháp ấy, Bồ tát không muốn tự giải thoát. Hạnh đầu-đà đập rũ tất cả tội ác như rũ áo kia, mà vì chúng sinh, những bậc chân thực cứu vớt vẫn không ham thích.
Do định và tuệ, từ bi tự phát sinh. Từ bi phát sinh thì thấy rõ và thương xót đau khổ của muôn loài. Cho nên các vị Bồ tát, những người chân thật cứu giúp chúng sinh, không khi nào bỏ những thứ ấy.
Hải trào không quá độ; người từ bi dù vì cứu một người đi nữa cũng không bao giờ rời khỏi sinh tử.
Nên người từ bi vì chúng sinh mà ở sinh tử. Ba thứ bố thí lúc nào cũng như gặp trường hợp. Không phải vì mình thực hành, mà thực hành vì người. Do đó, ngày đêm lăn trong sinh tử mà không phải ở sinh tử: hoan hỷ an vui như vui niết bàn.
Bồ tát luôn luôn vì chúng sinh hành động lợi ích, nếm khí vị hoan hỷ của trí tuệ. Sự hoan hỷ đó hoan hỷ trong chiêm bao mà còn hơn an lạc tự giải thoát.
Bồ tát nếm được khí vị của sự hoan hỷ vì chúng sinh gây an lạc. Người khác không nếm được khí vị ấy nên ưa thích sự tự giải thoát. Trí giả khi giải thoát biết cái khí vị của lợi tha thì chắc chắn trở lại lợi ích chúng sinh.
Người sợ sinh tử, vì lợi ích tự kỷ mà cầu tự giải thoát cho là cực lạc, thì sự an lạc cùng cực của người ấy không bằng sự hoan hỷ của Bồ tát lúc thọ thân thể, vì sự thọ thân ấy là để lợi ích cho chúng sinh
Bồ tát nghĩ: nếu chỉ mình ta khổ thì nên tự niết bàn thật, nhưng tất cả chúng sinh đều khổ cả sao ta bỏ họ mà tự niết bàn. Cho nên người chỉ thấy cái khổ của mình mới niết bàn, còn người từ bi thấy chúng sinh đau khổ đều ở trong tâm mình, thì bao giờ chịu bỏ họ mà tự giải thoát.
Ở Bồ tát, lợi tha là niết bàn, tự cứu là sinh tử.
Sự hoan hỷ của người đối với chúng sinh lòng từ bi rất bình đẳng, vì chúng sinh làm lợi ích, thì sự hoan hỷ ấy tức là niết bàn; niết bàn mà Phật-đà rất ngợi khen. Nếu sự an lạc của giải thoát như sự hoan lạc của lợi tha thì trí giả mới ưa thích. Nên cho vui cho người mà không kể công, đó mới là giải thoát thù thắng.
Người từ bi làm lợi ích cho chúng sinh rồi không hy vọng sự đền trả: như vậy là giải thoát, ngược lại là sinh tử.
Vì mình cầu vui là khổ não; bỏ vui của mình, vì người cầu vui là niết bàn.
Kẻ phàm phu cho phá khổ của mình gọi là giải thoát, người từ bi thấy trừ khổ cho người mới là giải thoát thù thắng. Trừ khổ của người thì người mình đều an lạc, thế nên có ai là người trí tuệ mà bỏ cái giải thoát an lạc cả hai, đi lấy an lạc giải thoát một mình.
Có kẻ nói: trí tuệ thì giải thoát. Bồ tát suy nghĩ: ta không tin người nói câu ấy, vì có người trí tuệ nào mà bỏ lợi người tự giải thoát.
Cho nên người tự lợi lợi tha thì coi cái vui trong hữu lậu vẫn hơn cái vui tự giải thoát. Bồ tát vì chúng sinh đau khổ, thắng hơn cái vui vì tự kỷ tự giải thoát.
XVIII. LỢI THA
Thế gian vị kỷ nên lao nhọc thân tâm trong sinh tử; Bồ tát tâm trí thảnh thơi vì thường từ bi lợi người. Người ta ngoài pháp tự lợi không có chi vui, Bồ tát ngoài điều lợi tha không có chi vui.
Bồ tát nếm được khí vị khoái lạc của sự lợi tha, nên biết lợi tha là tự lợi. Bỏ tự lợi thích lợi tha thì biết tự lợi là lợi tha, lợi tha là tự lợi, vì sự an vui lợi người là sự an lạc lợi mình.
Người có người cao người vừa người thấp. Người thấp thấy người vui thì lòng mình khổ sở. Người vừa thấy mình khổ sở là khổ. Người cao thì thấy người vui thì mình vui, người khổ thì mình khổ.
Trong bốn hành vi nhiếp pháp của Bồ tát có lợi hành đồng sự. Đồng là gì? Là người khổ mình khổ, người vui mình vui. Từ bi bình đẳng, không thấy người mình khác nhau, nên Bồ tát cùng chúng sinh đồng vui đồng khổ. Nên Bồ tát đặc biệt tự sinh lo khổ, vì lo cứu vớt khổ não cho chúng sinh. Không ngó quá khứ, chẳng nghĩ vị lai, Bồ tát chỉ ngó ý muốn chúng sinh muốn gì thì làm lợi ích thỏa mãn cho họ, vì Bồ tát thấy ý muốn của người là ý muốn của mình.
Thế gian lợi người thì hy vọng đền trả, Bồ tát lợi tha thì xả bỏ tất cả. Lòng từ bi rất bình đẳng, bình đẳng thương mến tất cả chúng sinh, nhưng với người oán thù Bồ tát càng làm lợi ích cho họ. Sự hoan hỷ của Bồ tát khi vì những người oán thù làm lợi ích, thí dụ hy sinh tánh mạng cho họ chẳng hạn, thì sự hoan hỷ ấy đến cực độ: có thế mới là rất bình đẳng, không vậy thì thật bất bình đẳng.
Với người oán thù mà càng làm lợi ích, đó là xứng hợp tâm từ bi mà hành động.
Bồ tát đối với chúng sinh lòng thương bình đẳng, nhưng với người độc ác càng tha thiết thương xót hơn. Lòng thương của Bồ tát thương mến chúng sinh khác nào lòng thương cha mẹ gửi nơi bầy con, nhưng lòng thương của Bồ tát thương người ác cũng như cha mẹ lo cho đứa con hư: càng hư càng lo, càng ác càng thương. Chúng sinh oán thù đối với Bồ tát chỉ một lòng ác, Bồ tát từ bi đối với oán thù chỉ một lòng thương.
Thế gian được đền ân thì lòng hoan hỷ, sự hoan hỷ ấy không bằng sự hoan hỷ của Bồ tát khi làm lợi ích cho kẻ oán thù. Thế gian chưởi người, người không trả lời thì hoan hỷ; Bồ tát bị người chửi mà lòng không giận trả thì hoan hỷ.
Tham ái của phàm phu biến khắp cả ba cõi, từ bi của Bồ tát cũng khắp cả ba cõi.
Bồ tát thương chúng sinh khổ sở trong địa ngục không bằng thương chúng sinh si mê ở thiên đường.
Chúng sinh vì tự lợi lạc nên bị vô số khổ não bao vây, Bồ tát vì lợi lạc người nên cũng bị vô số khổ não bao vây.
Chúng sinh ai cũng đồng một ý muốn, muốn mình hết khổ được vui. Bồ tát nào cũng đồng một ý muốn, muốn người hết khổ được vui.
Người đem lợi về mình thì đó là nguyên nhân mừng mà cũng là nguyên nhân lo. Thấy vậy, người đem lợi đến cho người cũng lo cũng mừng: lo vì thấy đó là ích kỷ, mừng vì thấy họ được tạm vui.
Cho nên bốn vô-lượng là nội tâm thực hành từ bi vì người, bốn nhiếp-pháp là vì người thực hành diệu hạnh lợi tha: cả hai đều rất tối thắng. Bốn vô lượng có năng lực xuất sinh diệu hạnh thế gian và diệu hạnh xuất thế, nghĩa là xuất sinh bốn nhiếp-pháp. Nên bốn nhiếp-pháp và bốn diệu hạnh đồng một mục đích: mục đích lợi ích chúng sinh và mục đích trí giác vô thượng. Động lực lợi ích chúng sinh là bi, động lực trí giác vô thượng là trí, Bi hay lợi tha, trí hay xả bỏ: không sinh tâm hơn thua, không nghĩ sự cao thấp.
XIX. THAY NGƯỜI CHỊU KHỔ
Bồ tát thấy người khổ thì mình rất khổ, thấy người vui thì mình rất vui, vì lý do đó, Bồ tát không lúc nào không lợi tha.
Người ngu thấy người khổ thì mình vui, người khổ mình không khổ; người trí thấy mình khổ là vui, người vui mình không khổ. Người ngu vì được chút vui của mình mà làm khổ người nhiều, người trí vì cho người chút vui mà mình chịu nhiều khổ. Kẻ ác làm một chút điều phải, khi được an vui nhiều thì rất hoan hỷ. Sự hoan hỷ ấy không bằng Bồ tát khi đem chút an vui lợi ích cho người.
Bồ tát thấy người khổ thì đem thân mình chịu thay cho họ, bấy giờ thân thể khổ sở mà tâm trí khoái lạc. Tâm từ bi của Bồ tát được cái vui tự-do, khổ não ba cõi không bức áp được. Bồ tát uống nước cam lộ của đại bi nên đau khổ không khổ được, đau khổ không khổ được nên có thế chịu khổ vì người.
Người ngu thấy người khổ thì lòng mình vui, thấy người vui thì lòng mình khổ; ngược lại, Bồ tát thấy người khổ thì mình khổ, thấy người vui thì mình vui. Người ngu si thấy người khổ thì lãnh đạm như mặt trăng lạnh, người từ bi thấy người khổ thì nóng nảy như mặt trời nóng.
Không cứ là ai, hễ thấy người khổ thì bấy giờ thâm tâm chán khổ sợ khổ, nhưng từ thâm tâm ấy, người từ bi lòng lại rất thương người, xác nhận rằng tất cả khổ là mình khổ; xác nhận như thế nên suy nghĩ: nếu không đại tinh tiến thì làm sao phá hoại khổ não ấy?
Bồ tát thấy mình cùng chúng sinh đồng khổ đồng vui, nên tự mình phải khó nhọc gian lao để thật hiện cho được Trí-giác vô thượng. Bồ tát suy nghĩ: khi được Trí-giác vô thượng rồi xả bỏ tất cả, hiến cho chúng sinh; trở lại trong sinh tử lợi ích cho muôn loài như khi mới lập chí mong cầu Trí-giác vô thượng cho đến bây giờ đã thật hiện Trí-giác vô thượng.
Bồ tát vì lợi tha nên hành động các nhiếp-pháp không bao giờ chán mệt, cũng như đại địa duy trì vạn vật không khi nào mệt mỏi.
Người vị kỷ thì hưởng an vui còn chán, huống chi chịu khổ. Chứ Bồ tát làm lợi cho người thì không bao giờ chán, huống chi chịu khổ vì người.
Bồ tát làm lợi ích cho chúng sinh thì khổ địa ngục còn coi như vui niết bàn, huống chi những khổ sở tầm thường khác. Cho nên dù vì một người, Bồ tát cũng vẫn chịu vô số đau khổ.
Với tinh thần ấy, Bồ tát dũng mãnh lợi tha không chán. Tại sao dũng mãnh lợi tha không chán? Vì Bồ tát xem tất cả chúng sinh tức là thân mình.
Bị phiền não sai sử, chúng sinh không lúc nào không muốn hại người; do từ bi chi phối, Bồ tát không khổ sở chi không muốn chịu.
Bồ tát vì người chịu khổ, khổ ấy cũng như người đau khổ được an vui của giải thoát.
Bồ tát thay người chịu khổ, bấy giờ đại bi phát triển. Trí tuệ xét thấy người khổ thì đại bi tức thời phát sinh. Mà đại bi ở đâu thì đau khổ mất ở đó.
Tuy người từ bi vì chúng sinh mà bị khổ não áp buộc, nhưng có lợi ích cho người nên lòng còn hoan hỷ hơn được cái vui giải thoát.
Bồ tát thấy người chịu khổ thì như mình chịu khổ. Mà mình được vui thì đem cho mọi người. Làm như thế Bồ tát cảm giác thấy hơn niết bàn nhiều.
Người từ bi thì bao giờ cũng muốn khổ mình chịu vui cho người: từ bi với đau khổ một sát na cũng không dung nhau được.
Người làm ác thấy người khổ thì muốn lánh xa, thấy người vui thì lòng không thích. Bồ tát ngược lại, thấy người khổ thì lăn vào, thấy người vui thì hoan hỷ.
Nhưng Bồ tát hành động như thế là do từ bi phát động chứ không phải tham ái kích thích. Không có tham ái thì không có hành động làm nguyên nhân của đau khổ. Tại sao như thế? Bởi Bồ tát chỉ vì trừ đau khổ cho người nên lòng hoan hỷ mà thôi.
Bồ tát cho người vui nhiều, lòng không vui mấy; thấy người cho nhau chút ít an vui, bấy giờ lòng đại hoan hỷ. Sao lại như thế? Vì thể tánh Bồ tát là thế: Bồ tát thấy người vui mình còn vui thay, huống chi thấy người biết cho nhau an vui mà lòng không hoan hỷ.
XX. TỪ BI
Không biết thân tâm mình bị đau khổ áp buộc thì không biết nỗi khổ của thân tâm người.
Không từ bi thì không điều ác gì không làm. Thấy người nguy khổ mà lòng không động, đó là kẻ cực ác; kẻ ấy dù người có ân nặng với họ, họ cũng không nghĩ.
Người sắp chết thì vui mấy cũng khổ, cũng như thế, kẻ cực ác thì được đại bi vẫn cho là khổ.
Giàu mà ăn chứ không cho, thì ai cũng ghét. Thông minh mà không từ bi thì cũng vậy, người trí ai cũng chê.
Kẻ thấy người đau khổ mà khó sinh lòng thương, thì kẻ ấy không phải là đồ chứa công đức nữa: kẻ ấy như đồ đã bể rồi, không đựng nước được. Người có từ bi thì thấy người đau khổ, tuy không cứu được cũng than buồn vô hạn.
Người từ bi thấy chúng sanh bị tham, giận, si, mê sàm bịnh, bị sinh, già, đau, chết làm khổ, thì than bực sao chúng sinh sa vào chi chỗ khổ não vĩ đại ấy. Thấy chúng sinh thân thể khổ, tâm trí khổ, bị kiết nghiệp phá hoại, thì thương xót vô hạn. – Chúng sinh khổ não dường ấy, Bồ tát nào mà chẳng từ bi.
Trầm mình vào bể khổ vĩ đại, chúng sinh bị ba dòng nước khổ khổ, hành khổ, hoại khổ trôi đẩy chìm đắm. Một trong ba thứ khổ ấy Bồ tát mục kích được là từ bi vô hạn rồi, huống chi thấy cả ba thứ.
Chúng sinh ngu si bị trăm nghìn khổ não làm khổ, mục kích một thứ trong trăm nghìn thứ ấy Bồ tát không cấm được từ bi rồi, huống chi tất cả. Thấy một nỗi khổ mà chưa từ bi thì phải từ bi, từ bi rồi thì phải từ bi thêm, huống chi mục kích tất cả nỗi khổ.
Nghe nỗi khổ vô cùng của người, đá còn mềm lòng, huống chi có lòng mà không thương. Nghe tiếng kêu gào của nỗi khổ người thì cây khô còn chảy nhựa, huống chi có nhựa sống mà không từ bi.
Vũ trụ chỉ một màu khổ não. Lòng thương rất dễ thực hành từ bi. Thực hành từ bi thì trái quả Trí-giác vô thượng đã nằm ngay trong bàn tay.
XXI. ÁI VÀ BI
Từ bi phong phú mới ham thích được cái vui của sự lợi tha. Người nghèo nàn lòng thương thì không thể thích được cái vui ấy.
Ngu si thì tham ái tự do xâm chiếm tâm trí, tham ái xâm chiếm thì từ bi thoát đi, từ bi thoát đi thì đau khổ họp tới.
Tham ái tự do thì muốn trao đau khổ cho người, để rồi cùng nhau trầm mình trong bể sinh tử. Từ bi tự do thì muốn trao lợi ích cho người, để rồi cùng nhau đi đến giải thoát tối thắng.
Tham ái thì thích sinh tử, biết tội ác của tham ái thì thích niết bàn, còn thực hành lợi người thì thích từ bi.
Tham ái tự do thì thích sinh tử, vì mình mà thọ thân; từ bi tự do thì thích thọ thân vì lợi người. Tham ái tự do thì bị tự lợi ràng buộc, từ bi tự do thì bị lợi tha ràng buộc. Tham ái thì tự lợi không chán, từ bi tự do thì lợi tha không mệt.
Phàm phu tham ái thì không thương mình chẳng thương người, Bồ tát từ bi thì vì người như vì mình. Ngu si vị ngã mà không vị gì cả, từ bi vì người mà thực là vì mình.
XXII. ĐẠI TRƯỢNG PHU
Tâm từ bi của Bồ tát chỉ có một việc bức bách – việc lo lợi tha; chứ không có việc gì khác nữa. Và khổ vì lo lợi tha như vậy tức là từ bi thành tựu.
Từ bi thành tựu nên Bồ tát bỏ niết bàn như bỏ đau khổ, thọ thân thể như lấy giải thoát. Bởi vì, từ bi là gì? Là chỉ có mục đích duy nhất và hành động duy nhất: đem lợi lạc cho chúng sinh.
Biết niết bàn là an lạc, biết sinh tử là tội ác, nhưng không bỏ diệu hạnh hữu-vi, hành động như vậy đều là năng lực của đại từ bi. Bồ tát không chỗ nào không từ bỏ dục vọng, như thế kết quả là niết bàn, vậy mà bồ tát không tự lấy niết bàn vi diệu, đó mới là đại dõng sĩ.
Do đại từ bi nên qua lại một cách tự do trong vòng vây sinh tử. Biến quán vũ trụ biết đều hư hoại, biến quán chúng sinh biết đều đau khổ, nhưng Bồ tát, bực đại trượng phu, vẫn làm người cứu vớt, vẫn làm nơi nương tựa.
Tâm ôm lòng đại bi nên bỏ thân khổ đau cầu thân giác ngộ. Đại bi ở đâu diệu dụng ở đó.
Như một người cha có mười đứa con, nhưng đứa nào nhân trí hơn thì lòng người cha đặc biệt mến trọng. Phật đà cũng vậy, bình đẳng thương tất cả chúng sinh nhưng đặc biệt ái trọng người từ bi.
Hành động những điều lợi ích mà không có trí tuệ không có từ bi thì gọi là bực trượng phu mà thôi. Hành động mà có trí tuệ chỉ đạo, có từ bi chỉ dẫn, mới là bực đại trượng phu.
Chúng ta chỉ nên nói chuyện với các bực đại trượng phu bi trí ấy. Và chỉ nên kính lễ bực đại trượng phu bi trí đủ tất cả đức tốt ấy.
XXIII. ĐẠI BI
Loài người loài trời loài súc vật, không một loài sinh vật nào không bình đẳng trước đau khổ. Đau khổ ấy chỉ có Bồ tát mới từ bi thương xót thấu xương thấu tủy.
Từ bi đứng đầu trong tất cả điều thiện, cũng như chữ A đứng đầu trong tất cả các tự mẫu. Tất cả điều thiện đều nằm trong lòng từ bi, khác nào vũ trụ bao gồm hết thảy vật sắc. Từ bi trong sạch như hư không; Hư không không giới hạn, cũng như thế, từ bi không có giới hạn.
Phật dạy: “Muốn thấy tôi như thấy hình ảnh ở trước mắt thì phải cung kính thực hành đại từ đại bi. Muốn thấy tôi thì phải xét ba cõi đều khổ, khổ não vô biên nên từ bi cũng vô biên. Đau khổ ở đâu từ bi ở đó.”
Câu nói cuối cùng của Phật ý nghĩa là gì? Chỗ ở của từ bi ở đâu? Là ở với hết thảy chúng sinh đau khổ vì phiền não và vì sinh tử, làm thân thuộc với họ mà ở.
Có tâm từ bi thì biết nỗi khổ của người. Người ấy ở chung với Phật đà. Người ấy nuôi sống Pháp-thân bằng ba thứ bố thí như người vú nuôi con.
Đại bi là mẹ nuôi của Bồ tát vậy.
XXIV. BỐ THÍ CỦA ĐẠI BI
Như tuyết sơn là núi sản xuất tất cả các thứ cây thuốc, cũng vậy, núi đại bi xuất sinh ba thứ bố thí. Trừ đại bi, thì tất cả điều thiện không có thứ nào có năng lực hơn nó, đem lại an lạc cho chúng sinh. Bố thí phát sinh bởi từ bi chủ đạo thì có năng lực đem lại an lạc đấy đủ cho chúng sinh. Tất cả kết quả vĩ đại cũng do ba thứ bố thí mà thành.
Chúng sinh là mẹ đẻ của các đức Phật đà, chúng sinh là chỗ quy-y tối thượng. Mà có năng lực thực hành ba thứ bố thí lợi ích chúng sinh là đại từ bi.
Vô số năng lực của đại bi đều tiềm tàng trong tâm, nên Bồ tát chỉ có một việc mà không khi nào bỏ, không ham việc khác, là thường hành động lợi tha, không chán không mỏi.
Tất cả lợi lạc về thế gian, về xuất thế, về lợi tha, đều phát sinh từ đại bi. Thế nên tôi cung kính đại bi và cung kính người thực hành đại bi, một lòng thương có năng lực lợi ích chúng sinh. Tôi lại cung kính tất cả những việc của đại bi hành động. Những việc của đại bi hành động là hay lợi ích tất cả mọi người và tự trong sạch lòng thương của mình.
Đại bi có năng lực làm trong sạch sự bố thí. Thế nên tôi lại cung kính bố thí, vì bố thí thật hiện đầy đủ lòng từ bi; tôi cung kính người thực hành bố thí, sự bố thí do từ bi chủ đạo; và tôi cung kính những hành động của sự bố thí ấy, là hành động tịnh tâm và hành động tịnh nghiệp. Tịnh tâm là nguyên nhân đi đến đại giải thoát, tịnh nghiệp là nguyên nhân đi đến đại giác ngộ.
Từ bi có thể làm trong sạch hỷ xả, hỷ xả mà không từ bi thì thành ô-nhiễm. Nghĩa là từ bi trong sạch bố thí, bố thí phát triển từ bi. Và như vậy là bực đoan chánh nhất trong đời.
Từ bi phát sinh chánh tín, chánh giải, chánh hành, chánh quả, như quả đất nảy sinh cây nhánh hoa trái tốt.
Chúng sinh bị mặt trời phiền não làm nóng bức, nếu được nước lạnh từ bi thì có thể đem lại sự mát dịu, khác nào nhiệt độ mùa hè đương lên cao nhưng gió mát có thể hạ thấp xuống.
XXV. NĂNG LỰC CỦA ÁI VÀ BI
Có ái mới có thủ, không ái thì không thủ; cũng như vậy, có bi mới có xả, không bi thì không xả. Do thủ, ái tăng mạnh; do xả, bi tăng mạnh. Ân ái sinh ra ái, thương xót phát ra bi.
Ái mạnh thì lợi mình hại người, bi mạnh thì lợi người khổ mình. Ái mạnh mà hại người, điều ấy rất hèn hạ; bi mạnh mà hy sinh, điều ấy mới hiếm có.
Ái là người ngu hèn, bao giờ cũng nghèo và khổ; bi là bực trượng phu, bao giờ cũng rất giàu những điều lợi người.
Bi có năng lực trừ diệt ái. Sự chán nản lợi tha, trí tuệ có thể trừ diệt được; nhưng từ bi thì tuyệt không bao giờ chán nản, vì luôn luôn bố thí cho người.
Ái chiêu tập đau khổ thành bể khổ vô biên, bi sản xuất công đức thành núi đức đồ sộ.
Từ bi nếu không trừ hành vi nhơ bẩn thì Bồ tát không ham, từ bi nếu không cứu vớt chúng sinh thì Bồ tát không thích, từ bi nếu không đạt Trí-giác vô thượng thì Bồ tát không muốn.
Ái sản xuất tất cả đau khổ, bi phát sinh tất cả lợi lạc. Hành động phát khởi từ bi gọi là hành động thù thắng.
Từ bi là năng lực đem lại an lạc vô tận cho muôn loài vậy.
XXVI. TRÍ TUỆ, TỪ BI, GIẢI THOÁT
Trí tuệ và từ bi hai năng lực ấy thứ nào hơn? Trí tuệ có thể tự mình quy y chánh pháp, từ bi có thể khuyên người quy y chánh pháp.
Từ bi không có trí tuệ thì từ bi ấy người trí không thích, trí tuệ không có từ bi thì trí tuệ ấy người trí không thích.
Từ bi không hòa hợp với trí tuệ thì chướng ngại cho đại giải thoát, từ bi ấy Bồ tát cho là không phải từ bi. Trí tuệ không hòa hợp với từ bi thì chướng ngại cho đại giác ngộ, trí tuệ ấy Bồ tát cho là không phải trí tuệ.
Trí tuệ không khi nào thích sinh tử, từ bi không bao giờ muốn giải thoát.
Giải thoát thiếu từ bi thì Bồ tát, những người của từ bi, thấy vô vị như đồ ăn ngon không có muối. Nếu đại giải thoát đi đôi với đại từ bi thì chúng ta ai cũng nên đảnh lễ.
Đại từ bi là mẹ đẻ của Phật đà, đại giải thoát giải thoát tất cả mê và khổ.
Đại từ bi như chú thuật chân chính, chú cho người chết sống lại.
Nếu nối tiếp thủ hữu là chấp thường, nếu nhập vào giải thoát là chấp đoạn. Viễn ly cả hai thì gọi là Phật đà, đấng cứu vớt tất cả.
Không đại giác ngộ không có đại giải thoát, không đại từ bi không có đại giác ngộ. Đại từ bi phát sinh đại giải thoát nên Bồ tát ham thích. Đại từ bi là một thể mà có hai dụng: có thể cứu vớt chúng sinh đau khổ, có thể phát sinh trí giác Phật đà.
XXVII. LẬP CHÍ NGUYỆN
Bồ tát suy nghĩ: tất cả muôn loài đều có vô số đau khổ, ta phải phát tâm đại từ bi, thật hiện đại giác ngộ, để diệt đại khổ não cho chúng sinh.
Bồ tát mục kích chúng sinh trầm đắm trong bể khổ vô biên thì bấy giờ phát sinh tâm từ bi, bình đẳng thương xót cứu vớt, không như người vì mình tự cầu giải thoát, thấy vậy đành lòng bỏ rơi. Chính khổ não vĩ đại của chúng sinh kích động từ bi thù thắng của Bồ tát.
Bồ tát suy nghĩ: tâm từ bi của ta thấy chúng sinh mê khổ, chưa được giác ngộ, ta phải làm sao cho họ được giác ngộ. Vậy chúng sinh nhiều, phước ta ít, làm sao cứu vớt đây? Lại nghĩ: ta là bạn thân nhất của muôn loài, mà muôn loài cứ bị khổ thế kia, ta thiệt là người sống thừa, sống xấu! Ta không diệt được đau khổ đem lại an lạc cho người, thì thân này làm gì?
Suy nghĩ như thế rồi Bồ tát lại nghĩ: ta là bạn thân của chúng sinh, ta phải nuôi dưỡng họ, phải làm đại lợi ích cho chính cả những người oán ghét ta. Chúng sinh làm cho ta thành những hành động tốt đẹp, vậy ta phải làm sao không để một người nào còn tâm lý không tốt.
Lợi tha là gì, – Bồ tát suy nghĩ – tha nghĩa là người khác, nhưng ta không tìm ra sự khác ấy, nên người là ta, mà lợi tha tức tự lợi vậy. Nếu được, ta muốn đem tất cả đau khổ của chúng sinh tập trung lại nơi ta, ta thường chịu để cho họ an vui, chứ không lấy làm khổ. Trú ở trong Trí-giác vô thượng, hết thảy đau khổ ta có thể chịu được hết, nếu ta không thể cứu vớt muôn loài chìm đắm trong bể khổ sinh tử.
Bồ tát suy nghĩ: vì si mê sâu dày và phiền não nặng nề, nên làm cho ta khó được Trí-giác vô thượng, vậy trí tuệ và từ bi là bạn của ta, tâm ta không bao giờ rời bỏ.
Bồ tát nguyện:
Đường đức Điều-Ngự đã đi qua,
Giờ ta cũng đi theo đường ấy;
Ta nay vì tất cả muôn loài,
Đem từ bi thi hành bố thí.
Bồ tát nghĩ: “Ta phải làm sao như Phật.”
Lại suy nghĩ: ta là chỗ nương tựa của chúng sinh, là thuyền cứu vớt của muôn loài, vậy ta phải lập trí nguyện vĩ đại, thực hành hai thứ đại trang nghiêm là đại trí tuệ và đại từ bi. Có chí nguyện ấy là mầm mống Trí-Giác-Phật-Đà đã sắp nảy nở.
Bồ tát lại tự nguyện: Ta muốn cứu khổ cho chúng sinh, ta muốn cho vui cho chúng sinh, vậy hành động gì ta cũng nguyện tuân theo sự chỉ đạo của đại bi. Khổ não sinh tử nghe còn khiếp sợ, nhưng đại bi có năng lực nhẫn nại khổ não ấy, hướng về cửa sinh tử mà đi. Khi Bồ tát chán khổ sinh tử, muốn tự giải thoát, thì đại bi liền khiển trách: chúng sinh khổ não chưa cứu vớt họ, sao lại bỏ mà đi. Bồ tát biết sinh tử khổ, giải thoát vui, nhưng vì đại bi nên vẫn luôn luôn say mê thực hành ba thứ bố thí. Bồ tát nghĩ: ta rất sợ các cõi sinh tử, nhưng vì đại bi cứu vớt chúng sinh, nên vui vẻ ở trong các cõi ấy. Đại bi luôn luôn an ủi Bồ tát: ta làm cho người ở được trong sinh tử, ta sẽ vĩnh viễn ở cạnh người, ta không bao giờ bỏ người, tại sao, vì ta muốn làm cho người báo ân Phật đà, báo ân chúng sinh.
Bồ tát suy nghĩ: Giải thoát lạc thú vô cùng, mà vì chúng sinh ta còn không muốn hưởng dụng – ta không hưởng dụng là vì đại bi bảo đừng – huống chi cái vui giả tạm của sinh tử. Cái vui đứng đầu trong tất cả an vui Phật nói là niết bàn, niết bàn an vui tuyệt đối như vậy nhưng đại trí tuệ ta không muốn đến – đại trí tuệ ta không muốn đến là vì hóa hợp với đại từ bi. Ta rất kính thượng niết bàn – vì niết bàn không còn đau khổ – , vậy mà do đại từ bi lôi kéo, ta vì lợi lạc chúng sinh nên không tự đến giải thoát.
Cho nên, Bồ tát suy nghĩ, đại bi là mẹ đẻ của tất cả Phật đà, ta không chống lại đại bi bằng cách tự niết bàn; niết bàn đến ta còn không hưởng, huống chi bỏ chúng sinh mà đến niết bàn.
Lại nghĩ: ta muốn đến niết bàn; nhưng đại bi là Mẹ Phật, đến cho sữa cho ta, sao ta bỏ đi. Trí giác vô thượng mà nếu không lợi lạc chúng sinh, ta còn không cầu huống chi niết bàn. Cho nên, Bồ tát quả quyết, do tâm đại bi, ta quyết không tự niết bàn, vì niết bàn thì bỏ rơi chúng sinh không nơi nương tựa. Niết bàn là không thọ sinh nữa, không thọ sinh thì làm sao cứu vớt chúng sinh. Thọ sinh có hai thứ lợi lạc: một đại cứu khổ chúng sinh, hai thật hiện đại giả thoát; tại sao, Bồ tát nghĩ, ta bỏ hai thứ vui đổi lấy một.
Bồ tát xác nghĩ: Hết thảy chúng sinh đều có khả năng của Nhất-thế-trí, Nhất-thế-trí chúng sinh rất dễ thật hiện, thế nên ta thương chúng sinh, không thích giải thoát.
Lại nghĩ: ở đâu có chúng sinh đau khổ thì ở đó đại bi được phát sinh, được tăng trưởng, vì vậy, ta thích ở trong các cõi sinh tử. Bồ tát bảo đại bi: Người hãy làm cho ta được thanh tịnh, được tăng trưởng; hãy làm cho chúng sinh đều thanh tịnh, đều tăng trưởng. Lại bảo: Chúng sinh ở trong lò khổ, bị trăm nghìn đau khổ bức áp, ta muốn làm sao cho họ được an lạc cả, người hãy giúp ta làm thành việc ấy. Chúng sinh bị ái ràng buộc, bị chết tóm bắt, thấy chúng sinh không nơi cậy nhờ, không ai cứu vớt như thế, ta tự nguyện làm người cứu vớt, vậy người hãy giúp ta chịu đủ khổ sở để cứu vớt họ.
Bồ tát phát nguyện: ta muốn làm bực đại trượng phu, nguyện bỏ tự niết bàn để cứu khổ chúng sinh. Vì lợi lạc chúng sinh, ta luôn luôn tự cố gắng, tự khuyến khích công việc ấy.
Bồ tát lại nghĩ: Ai cứu độ chúng sinh là đã được vô sinh nhẫn, đã được quyết định trí, được quyết định trí là được sự thọ ký, được sự thọ ký thì ta phải cung kính cúng dường. Phật đà hoàn thành trí-biến-tịnh, tôi xin chấp tay nguyện Ngài thọ ký cho tôi.
XXVIII. LẬP CHÍ NGUYỆN RỘNG VÀ CAO
Hết thảy công việc cứu tế chúng sinh của các đức Phật-đà, tôi đã lập chí nguyện có thể làm hết. Chí nguyện giác ngộ ấy tất cả các đấng Đại-Bi-Thế-Tôn đều tán thán. Tôi nguyện đem bao 7nhiêu trí tuệ và từ bi của tôi làm cho chúng sinh cô độc được giải thoát thù thắng. Xin các đức Đại-Bi-Thế-Tôn dìu dắt tôi, đừng để lạc vào tâm địa nhỏ hẹp của tiểu thừa, xin làm cho tôi đầy đủ mười thứ trí lực như Thế-Tôn. Nếu chúng sinh bị lửa phiền não thiêu đốt thì tôi nguyện đem nước chánh pháp rưới tắt đi. Tôi nguyện đủ vô biên hùng lực phá dẹp ma oán, được đại giác ngộ, chuyển chánh pháp luân, trừ đại khổ não. Chúng sinh ở đâu tôi nguyện lăn bánh xe chánh pháp đến tận chỗ đó. Tất cả lợi ích tôi đã hành động đều nguyện làm việc ấy. Nguyện do việc ấy khiến tôi được pháp-thân thù thắng, phổ biến tất cả in như hư không, lại được hóa-thân vô cùng, tùy tâm chúng sinh giáo hóa tất cả. Rồi đem phước đó hòa hợp với Phật-đà, làm cho chúng sinh cô đơn đều được giải thoát tuyệt đối. Phiền não làm nguyên nhân gây ra khổ não, năng lực trí tuệ của tôi nguyện diệt khổ não ấy, làm cho vô lượng chúng sinh trong không gian vô biên đều được một khí vị duy nhất, khí vị an lạc.
Nguyện do công đức của tôi, bao nhiêu giặc ngũ uẩn, giặc phiền não, những giặc cướp công đức của chúng sinh ấy đều phải khiếp sợ và tử vong. Nguyện do công đức của tôi, khiến tôi làm người che chở vĩ đại của muôn loài. Vũ trụ này tồn tại bao nhiêu công đức tôi trường thọ bấy nhiêu, để do công đức ấy, tất cả phàm phu, tất cả thánh giả đều hết khổ được vui, trong một thời gian mà lợi ích tất cả.
Bồ tát suy nghĩ: Từ nay trở đi, tôi theo dõi người xin, tuân hành mệnh lệnh của họ, làm sao cho họ coi thân tôi chỉ thấy là vật của họ chứ không nghĩ là thân của tôi nữa, để họ muốn gì thì tôi nguyện tùy ý, cung cấp thỏa mãn.
Bồ tát lại nghĩ: Nguyện từ nay cho đến đại giác ngộ, không một lần thọ thân nào mà không gặp Phật đà. Nếu, Bồ tát cầu nguyện, nếu trong giòng sinh tử lâu dài mà không gặp Phật đà thì đừng phút nào rời bỏ đại-bi.
Bồ tát lại nghĩ: Dầu mau đại giác ngộ, thành Phật đà đi nữa, nhưng nếu thấy chúng sinh đau khổ, thì tôi vẫn nguyện hiến mình chịu thay cho họ. Nguyện tôi bao giờ cũng như bao giờ, đầy đủ tâm đại từ bi thương người thấu xương thấu tủy, bao giờ cũng làm tay sai cho đại trí tuệ thật hiện đại giải thoát.
Lại nguyện: Nguyện tâm đại bi của tôi rộng lớn như hư không: hết thảy vạn vật nương hư không mà còn, tất cả chúng sinh vào tâm đại bi tôi mà ở. Tôi nhờ tất cả chúng sinh mà gây dựng được đủ các việc thiện tốt đẹp vĩ đại, nguyện đem việc thiện ấy hiến cho chúng sinh để họ được đại giải thoát. Như vũ trụ là của chung, thì việc thiện của tôi cũng vậy, cũng thành của chung của tất cả chúng sinh. Nguyên tố vũ trụ (bốn đại chủng) là của chung, thì việc thiện của tôi cũng là của chung. Tôi do chúng sinh mà thành việc thiện tối thắng, nên nguyện đem việc ấy hồi hướng chúng sinh làm cho họ được trí giác vô thượng.
Bồ tát thệ nguyện: Nguyện do bao nhiêu việc thiện của tôi mà làm cho chúng sinh giải thoát ma giới, thể nhập Phật cảnh; nguyện tôi Trí-Giác-Phật-Đà thường hằng hiện khởi, mười ba la mật đều thành tựu cả; nguyện tất cả chúng sinh thâm tâm bất động, đến bất động địa, bao nhiêu đau khổ đều cứu nhau vớt nhau.
Phát nguyện rồi, Bồ tát bảo phước đức: Chúng sinh bị vô minh mê mờ nên không biết mình khổ người khổ, vậy người hãy giải thích cho họ.
Khi Bồ tát thực hành bố thí là đưa ra nước ngọt bố thí, làm cho chúng sinh trừ hết khát ái, được từ bi vô thượng. Bồ tát tâm niệm: nguyện nhờ bố thí, chúng sinh thoát kiếp tôi mọi của ân ái, tôi mọi của nghèo nàn, được tự do chánh pháp, tài sản chánh pháp.
Nguyện đại trí tuệ của tôi như sông lớn, từ bi làm vị ngọt, tịnh giới làm lòng đáy, bố thí làm nước chảy, trừ hết đau khổ khao khát cho chúng sinh.
Nguyện đại từ bi của tôi như bể cả, tịnh giới làm sông, nhẫn nhục làm ngòi, trí tuệ làm động, phàm bao nhiêu sự bố thí của tôi đều thành bể đại từ bi ấy, trừ diệt khổ não nóng nhiệt của muôn loài.
XXIX. LẬP CHÍ NGUYỆN THÙ THẮNG
Khi đối với chúng sinh phát tâm từ bi muốn đem an lạc lại cho họ, thì nguyện tâm từ bi đó bền chắc mãi mãi để thật hiện mục đích duy nhất là trừ diệt đau khổ cho chúng sinh, hiến mình chịu khổ thay cho họ. Và như vậy gọi là bố thí vô úy. Bồ tát lại nguyện đem kết quả của sự bố thí vô úy đó làm cho chúng sinh ai cũng có tâm đại từ bi.
Bồ tát phát nguyện: Nguyện bao nhiêu công đức từ bi của tôi, khi đến thời kỳ đao binh thì diệt hết sân hận của chúng sinh. Nguyện do công đức bố thí đồ ăn của tôi, khi đến thời kỳ cơ cẩn làm cho chúng sinh hết đói khát. Nguyện do công đức bố thí đồ uống của tôi, làm cho chúng sinh có tâm từ bi, trú ở trong tâm tánh. Nguyện do công đức bố thí đồ mặc của tôi làm cho chúng sinh ai cũng có tâm tàm quý. Nguyện do công đức bố thí đèn đuốc của tôi làm cho tôi cùng chúng sinh diệt hết tất cả si ám đối với trí-giác của Phật-đà. Nguyện do công đức bố thí con mắt của tôi làm cho chúng sinh mau được mắt đại giác ngộ của Phật. Nguyện do công đức bố thí đầu cổ của tôi, làm cho chúng sinh đều hướng về tâm chí mong cầu trí giác vô thượng. Nguyện do công đức bố thí thuốc thang của tôi làm cho chúng sinh hết cả sinh già đau chết. Nguyện do công đức bố thí bằng cách làm người sai sử, làm người cung phụng chúng sinh của tôi, làm cho chúng sinh được Thanh-tịnh tuyệt đối, thành Trí-giác vô thượng. Nguyện do công đức đem hoa cúng dường tháp của tôi làm cho chúng sinh được phước cao thắng. Nguyện do công đức đem phan cúng dường xá lỵ của tôi làm cho chúng sinh được ánh sáng vô cùng. Nguyện do công đức cúng dường âm nhạc của tôi làm cho chúng sinh được tiếng phạn-âm vi diệu. Nguyện do công đức cúng dường hương hoa làm cho chúng sinh tận trừ tất cả xú uế phiền não. Nguyện do công đức cúng dường Tam-Bảo làm cho chúng sinh thường gặp Tam-Bảo, gặp mà không phí sự gặp gỡ ấy. Nguyện do công đức của tôi bảo vệ thương khách qua đường nguy hiểm, làm cho chúng sinh vượt khỏi đường sinh tử khủng khiếp. Nguyện do công đức của tôi dìu vớt người vượt qua bể sóng gió, làm cho chúng sinh vượt qua bể sinh tử nguy hiểm. Nguyện công đức đại dõng mãnh, đại thanh tịnh của tôi, làm cho chúng sinh diệt trừ ma quân, thành Chánh-biến-giác.
Tôi sẽ được đại giác ngộ – không, tôi nói thế là để an ủi khuyến khích chúng sinh, nhưng tôi nguyện đem công đức sẽ được đại-giác-ngộ ấy làm cho hết thảy chúng sinh đều được giác-ngộ vô thượng. Giác ngộ của chúng sinh là của tôi, nhưng chúng sinh bị si mê chướng ngại, tôi nguyện đem công đức giác ngộ của tôi làm cho chúng sinh được đại giác ngộ, thành Phật đà trước, tôi nguyện thành sau hết. Tôi nguyện đem công đức qua lại trong sinh tử của tôi làm cho chúng sinh đều làm đấng Phật đà đại giác. Tôi nguyện đem công đức lập chí nguyện vĩ đại của tôi làm cho chúng sinh được trí giác Phât-đà. Tôi nguyện tất cả những ai đọc tụng thọ trì Chánh-pháp đều thành nguyên nhân đi đến Trí- giác vô thượng.
Nói tóm, tôi nguyện làm cho thỏa mãn tất cả nguyện vọng của chúng sinh, tuy đó là ý nguyện nên chưa thỏa mãn.
Tôi nguyện làm sao cho chúng sinh đương quằn quại rên xiết kia thành một đấng Phật đà vô thượng. Nếu tất cả hành động phước thiện của tôi không đi đến cái kết quả làm cho chúng sinh thành Phật-đà, thì tôi không muốn nghe, nữa là thật hành! Nên Bồ tát phân trần với công đức: Nếu người không bảo-vệ chúng sinh, làm người nương nhờ của chúng sinh, thì tôi không ưa thích người, cũng không ưa thích kết quả của người đem lại. Tại sao như thế? Bởi tôi vì chúng sinh mà thật hành người chứ không vì tôi.
Nếu chúng sinh cứu độ hết rồi thì công đức Bồ tát như hư không. Nên Bồ tát luôn bố thí an lạc cho chúng sinh bằng chí nguyện bồ đề.
Và đó là chí nguyện, là hành động của bực Đại trượng phu vậy.