1
2
3
4
5
6
7
8

Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận

Tác giả: Kimura Taiken

Hán Dịch: Thích Diễn Bồi – Việt Dịch: Thích Quảng Độ

Xuất Bản: Viện Đại Học Vạn Hạnh Việt Nam 1969 – Chùa Khánh Anh, France

***

Lời người dịch

Phật giáo được sáng lập trên cơ sự tự giác của đức Thích Ca, tuy có chỗ siêu việt các tư tưởng nhất ban, nhưng cũng có nhiều điểm thừa thụ nền tư tưởng cố hữu của Ấn Độ mà phát đạt: đó là một sự thực lịch sử mà, ngày nay, không một nhà nghiên cứu Phật pháp nào không thừa nhận. Về điểm này, nhà Phật học Nhật-Bản, Bác sĩ Mộc-Thôn-Thái-Hiền (Kimura Taiken), đã viết chung với Bác sĩ Cao-Nam một cuốn sách dưới tiêu đề Ấn Độ Triết Học Tôn Giáo Sử, trong đó, các ông đã giới thiệu một cách cực đơn giản, nhưng rất có hệ thống, tư tưởng Ấn Độ về hai phương diện triết học và tôn giáo trước thời đại Phật giáo, làm cho người đọc không những chỉ hiểu nguồn gốc triết học, tôn giáo Ấn Độ trong các thời đại quá khứ mà, đồng thời, còn thấy một cách rất rõ, rất sâu và rộng cái bối cảnh đã sản sinh ra tư tưởng Phật giáo. Nhưng, Kumara Taiken là một học giả Phật giáo, chí ông không phải chỉ ở sự trình bày về tư tưởng triết học, tôn giáo của Ấn Độ cổ đại, mà, đối với tư tưởng Phật giáo, muốn mở ra một con đường tham cứu, bởi thế, công tác của ông đối với toàn thể Phật pháp là đi theo con đường tiến triển của tư tưởng để tạo nên một bộ luận có tổ chức vá nhất quán: ý hướng và tư tưởng có tính cách nhất quán này ta có thể thấy rõ trong các tác phẩm của ông, như: Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận (sẽ in một ngày gần đây), Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận và Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (đã xuất bản). Tại sao phải luận cứu như thế? Vì, nhận xét về phương diện phát triển tư tưởng của Phật giáo thì đúng là nó đã từ Nguyên Thủy tiến đến Tiểu Thừa và từ Tiểu Thừa mà đến Đại Thừa, cứ như thế tiến xa, tiến cao và, nghiên cứu Phật giáo, nếu không phát hiện được tiến trình tư tưởng đó thì rất khó mà hiểu một cách chính xác cái sai-dị-tính của Phật giáo qua các thời đại.

Đối với tư tưởng sử của Phật giáo Ấn Độ, Kimura Taiken đã chia thành ba bộ môn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận và Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, rồi chỉnh lý và bàn luận thêm để chỉ người ta thấy cái nguồn gốc của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ qua các thời kỳ, tức đâu là manh nha của tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy, đâu là tiền đạo của tư tưởng Phật giáo Tiểu Thừa và đâu là tiên phong của tư tưởng Phật giáo Đại Thừa: đọc ba bộ sách này ta sẽ tìm ra manh mối. Bởi thế, nếu muốn hiểu rõ tư tưởng sử của Phật giáo Ấn Độ, chúng ta không thể không đọc ba bộ sách quý giá này. Từ rất sớm, cuốn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận đã được Âu Dương Hãn Tồn phiên dịch vào năm Dân Quốc XXII và do Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Quân xuất bản; cuốn Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận do chúng tôi, (Thích Diễn Bồi) phiên dịch năm Dân Quốc XXXXIII và do Hương Cảng Nội Minh Xuất Bản Xã ấn hành. Hai cuốn sách này tuy được xuất bản cách nhau hơn hai mươi năm nhưng đều được các giới học giả coi trọng, đủ biết giá trị của chúng như thế nào rồi. Cái môi giới giữa Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận là Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, bởi thế, nếu không phiên dịch cuốn sau này nữa thì khó mà nhận ra toàn diện tư tưởng Phật giáo. Vì cảm thấy sự cần thiết như thế nên chúng tôi đã cố gắng phiên dịch nó để cống hiến những vị hằng lưu tâm đến việc nghiên cứu Phật pháp.

Cứ theo Kimura Taiken đã nói thì Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận cũng còn gọi là A-Tỳ-Đạt-Ma-Tư-Tưởng-Luận. Ngay khi ông bắt đầu viết Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận ông đã có ý nguyện nghiên cứu A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo rồi và cuốn Nghiên Cứu A-Tỳ-Đạt-Ma Luận chính là tiên khu vậy. Sau, nhờ đã sưu tập và chuẩn bị được những tài liệu tương đương về phương diện nghiên cứu này nên ông đã dần dần bắt tay vào việc nghiên cứu A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo Tư Tưởng Luận mà ông hằng mong ước. Phạm vi liên quan của cái gọi là A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo Tư Tưởng, hay, nói khác đi Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng, không phải chỉ hạn cục trong tư tưởng của những bộ luận đặc định nào, nếu suy rộng ra thì có thể nói tư tưởng sử nhất ban của Phật giáo ít ra là quan liên từ sau khi Phật nhập diệt suốt đến thời kỳ tư tưởng Phật giáo Đại Thừa hưng thịnh, do đó, phạm vi nghiên cứu của nó lẽ tự nhiên cũng rất rộng. Song, khảo sát tư tưởng A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo không dễ dàng như khảo sát tư tưởng Phật giáo Đại Thừa, bởi lẽ Tiểu Thừa có rất nhiều phái khác nhau mà theo truyền thuyết thông thường thì có tới mười tám hay hai mươi bộ phái, và mỗi phái đều có A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư riêng, như vậy, tư tưởng đặc hữu do mỗi phái chủ trương đều phải được trình bày. Nhưng, phàm muốn trình bày và giới thiệu tư tưởng của một học phái nào tất phải dựa vào sách vở của học phái đó chứ không thể chỉ căn cứ vào ý tưởng riêng của mình rồi muốn nói thế nào thì nói mà được. Song, ai cũng biết rằng, những luận thư chủ yếu do cả nam và bắc lưu truyền đến ngày nay chỉ một số ít bộ phái có, còn A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư của nhiều bộ phái hiện nay đã thất lạc. Như vậy, đối với những phái không có sách vở truyền lại thì tư tưởng của họ chỉ còn được biết đến một cách rời rạc và tản mạn từ các luận thư khác và lẽ dĩ nhiên là không được hoàn toàn. Cho nên, nếu đứng về phương diện toàn bộ A-Tỳ-Đạt-Ma Tư Tưởng Luận mà nói thì bộ sách này vẫn chưa đề cập đến tư tưởng tất cả các bộ phái: đều này tưởng không cần nói ai cũng biết. Điều ấy chính tác giả cũng đã phải thừa nhận khi ông nói: “Về tư tưởng này, sự chuẩn bị của tôi, đến một trình độ nào đó, vẫn chưa được chỉnh lý một cách đầy đủ”. Nhưng, như thế không có nghĩa là tác giả đã không dụng công mà thật ra vì đã không có tài liệu làm căn cứ, đó là một sự bất đắc dĩ. Bất cứ ai, khi luận cứu đến vấn đề này cũng sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn mà không có cách nào giải quyết được cả.

Tuy nói thế, nhưng, đối với các A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư hiện có, tác giả thật đã dầy công nhiên cứu, với cái học uyên bác và tài năng lỗi lạc, ông đã áp dụng phương pháp hoàn toàn mới trong việc nghiên cứu; điều này xem nội dung tác phẩm của ông cũng đủ rõ. Duy còn một điều chúng cần đặc biệt lưu ý là: trong các Thánh Điển của Phật giáo, bản thân A-Tỳ-Đạt-Ma hết sức phiền tỏa, vả cũng có khi rất khô khan vô vị nữa, bởi thế ta thấy trong tác phẩm của ông, khi ông luận cứu về một vấn đề nào đó, thường đột nhập những vấn đề cực phiền tỏa hoặc cực vô vị khiến cho người đọc không khỏi cảm thấy tẻ nhạt. Nhưng không có cách nào khác hơn, vì lẽ thuyết minh tư tưởng của A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo mà không đề cập đến A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư thì thật “vô pháp khả thi”. Song, đối với những vấn đề như thế tác giả xử lý một cách rất có phương pháp và khéo léo, nghĩa là, tác giả chỉ nắm lấy những điểm chủ yếu rồi tóm tắt và phê phán cái ý chính của vấn đề khiến cho người đọc, nếu nhẫn nại một chút, ai cũng có thể có được một khái niệm đại cương về các vấn đề ấy, bởi thế tôi cho đây là một cuốn sách rất có giá trị, không những về phương diện tư tưởng, mà cả về phương diện tổ chức và phương pháp nghiên cứu mà những ai hằng lưu tâm tìm hiểu Phật pháp không thể không đọc qua.

Phần nội dung của cuốn sách được chia thành hai bộ phận lớn là TỔNG TỰ và BẢN LUẬN. Trong phần TỔNG TỰ gồm có năm TIẾT, cho chúng ta thấy sự dị, đồng giữa Nguyên Thủy Phật Giáo và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo như thế nào, sự phân phái và A-Tỳ-Đạt-Ma của các phái ra sao, A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư bắt nguồn từ bao giờ, quá trình phát đạt của chúng ra sao và yếu nghĩa của A-Tỳ-Đạt-Ma là gì, v.v… Trong phần BẢN LUẬN gồm có sáu Thiên lớn: Thiên thứ nhất, Phật Đà Luận cho thấy cách nhận xét của các học giả A-Tỳ-Đạt-Ma về sự xuất hiện của đức Phật ở thế gian này, luận từ Bồ Tát suốt đến Phật Thân Quan. Thiên thứ hai, yếu tố thành lập vũ trụ, thuyết minh về vũ trụ vạn hữu đựơc thành lập như thế nào, thuyết minh từ bản chất tồn tại các loại yếu tố, cho đến Nhân Duyên Luận. Thiên thứ ba là Thế Giới Quan, trước hết, trong phần Tổng Luận, nói rõ về định nghĩa Thế Giới Quan, kế đó, thuyết minh Thế Giới Quan của Phật giáo nguyên thủy, Thế Giới Quan của A-Tỳ-Đạt-Ma, rồi tiến lên bước nữa, lại từ Thế Giới Quan của Bà La môn nói đến Thế Giới Quan của Phật giáo, Thiên thứ tư Tâm Lý Luận, từ cái gọi là tự thể của tâm, tướng nhất của tâm, tác dụng của tâm,v.v… để nói về những hoạt động tâm lý phức tạp của người ta, như tình tự, ý chí, cảm giác, mộng mị và phát cuồng, tất cả đều được thuyết minh một cách tường tận. Thiên thứ năm Luân Lý Luận trong đó chia ra tám CHƯƠNG, nói rõ về hành vi đạo đức và do hành vi mà có luân hồi, ba tính thiện, ác, vô ký, mối quan hệ giữa ba tính và các dụng của tâm ra sao, hành vi đạo đức là gì, tướng trạng của nó như thế nào, do nghiệp thiện ác, mà có quả báo sướng, khổ ra sao, tướng trạng luân hồi như thế nào, sự quan hệ giữa hình thức luân hồi và Duyên Khởi Luận, và Mười Hai Nhân Duyên Luận là hình thức luân hồi, v.v… Đứng trên lập trường tôn giáo học mà nhận xét thì đây là một Thiên rất trọng yếu, Thiên thứ sáu, Tu Đạo Luận cho ta thấy tại sao phải tu đạo, nguyên tắc tu đạo là gì, sau hết luận qua về Thiền Định. Rất tiếc Thiền này chưa hoàn tất, tất cả vấn đề như: tâm lý quan có liên quan với Thiền, lý tưởng luận, phương pháp luận, và mục đích luận v.v… đều chưa được bàn tới, đối với người đọc, đây là một điều rất đáng tiếc.

Viết tại Bảo Đảo, Phúc Nghiêm Tinh Xá

Ngày 6 tháng 6 năm Dân Quốc thứ XXXXVI.

    Xem thêm:

  • Trung Luận – Thích Thiện Siêu - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Nhất Chân - Luận Tạng
  • Giảng Giải Kinh Viên Giác - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 8: Phân biệt định - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Tiên - Luận Tạng
  • Sớ Thần Bảo Ký Nhơn Vương Hộ Quốc Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - Luận Tạng
  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 2) - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Đại Thừa Khởi Tín Luận - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 3 - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Thích Du Già Sư Địa - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Khởi Tín - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 1 - Luận Tạng
  • Thành Duy Thức Luận - Luận Tạng
  • Luận Tam Pháp Độ - Luận Tạng
  • Tán Thuật Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng