Thần chú tâm kinh Bất Không Quyến Tác

Đường Huyền Trang dịch,

Bản Việt dịch của Thích Viên Đức (Nguyễn Minh Tiến hiệu đính)

*

Tôi nghe như thế này: Một thời đức Bạc-già-phạm ở tại núi Bồ-đạt-lạt-ca, trong cung điện Quán Tự Tại, trong đó có nhiều cây báu như cây ta-la, đam-ma-la, chiêm-bác-ca, a-du-ca, Cực giải thoát. Lại có vô lượng các cây báu xen nhau trang nghiêm chung quanh, hương thơm hoa đẹp, cỏ lạ mềm dịu nơi nơi đều có. Lại có vô lượng suối ao khe báu, có nước tám thứ công đức đầy dẫy, trong ấy các hoa đơm trổ trang sức một cách rất thích thú. Lại có vô số các loại cầm thú khác nhau, hình dung thù diệu, đều đủ từ tâm, phát ra các thứ âm thanh dường như âm nhạc: cùng chúng Tỳ-khưu 8.000 vị đều đầy đủ, 99 ức triệu trăm ngàn vị Bồ Tát Ma-ha-tát, vô số trăm ngàn chúng chư Thiên cõi trời Tịnh Cư, cõi Tự Tại Thiên, vô số trăm ngàn người trước sau cùng vây quanh nghe Phật thuyết Pháp.

Lúc bấy giờ, trong hội có một vị Ðại Bồ Tát gọi là Quán Tự Tại từ tòa đứng dậy, sửa sang y phục, trịch vai áo một bên, gối hữu sát đất, chắp tay hướng Phật, nét mặt vui vẻ, nở nụ cười mà bạch đức Phật rằng: “Con có thần chú tâm gọi là Bất Không Quyến Tác. Con ở thời xưa kia cách nay 91 kiếp, có thế giới gọi là Thù Thắng Quan, trong ấy có đức Phật gọi là Thế Chủ Vương Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Ðiều Ngự Sĩ, Phật, Bạc-già-phạm. Đức Phật Thế tôn kia thương xót con, cho nên vì con mà nói đại thần chú tâm này. Con liền thọ trì có oai thần lực vậy, thường vì vô lượng Tịnh Cư Thiên chúng, Tự Tại Thiên chúng, Ðại Tự Ðại Thiên Chúng, Ðại Phạm Thiên Vương và nhiều Thiên chúng, vô lượng trăm ngàn cung kính cúng dường tôn trọng ngợi khen, con đều giáo hóa họ, khiến họ đến thẳng đạo Vô thượng Bồ-đề Chánh Ðẳng Chánh Giác. Con nương sức công đức như thế nên liền thu hoạch mười ức Bất Không Diệu Trí Thượng Thủ Trang Nghiêm Ðại Tam-ma-địa. Do được định lực này hiện thấy mười phương vô lượng vô số chư Phật thế giới, hết thảy Như Lai và các chúng hội, đều đi đến cúng dường và nghe học Chánh pháp, lần lượt giáo hóa vô lượng hữu tình, đều khiến phát tâm thẳng đến Vô thượng giác, cho nên chú lực này không thể nghĩ bàn, hay cứu chúng sanh khỏi vô lượng khổ nạn, các kẻ hữu trí đều nên thọ trì.

Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu chỗ nào có thần chú tâm này thì phải biết là chỗ đó có các vị Tự Tại Thiên, Ðại Tự Tại Thiên, Phạm Thiên Vương… đứng đầu, cùng 12 ức chư thiên thần chúng thường cùng giữ gìn cung kính cúng dường như tháp thờ Phật, không để xảy ra các điều bạo ác, các hạng quỷ thần thảy đều dạo chơi nơi ấy.

Bạch Thế tôn! Nếu có cõi nước, thành ấp nào lưu hành Thần Chú Tâm Kinh Bất Không Quyến Tác như thế, nên biết rằng các loài hữu tình ở nơi ấy đều đã từng trồng các căn lành nơi vô lượng ức triệu trăm ngàn vị Phật, nay nương theo đại nguyện lực mà trở lại nơi ấy.

Bạch đức Thế tôn! Nếu có chúng sanh tạo các trọng tội, quen làm những việc xấu ác, hủy nhục các vị hiền thánh, phỉ báng Chánh pháp, do các tội ấy mà sẽ đọa vào đại địa ngục Vô gián, trải qua vô số kiếp thọ các sự khổ não kịch liệt. Chư Phật, Bồ Tát, Phật Ðộc giác, Thanh văn tuy đầy đủ thần thông cũng không thể cứu vớt những chúng sinh ấy. Nhưng nếu họ được nghe qua Tâm Kinh thần chú này rồi có thể sinh lòng hối hận, xấu hổ, về sau quyết không tái phạm tội cũ. Người như thế nếu có thể trải qua một ngày một đêm thọ trì trai giới và trì tụng Tâm chú này, thì đối với bao nhiêu ác nghiệp tội lỗi đã tạo, chỉ phải chịu quả báo nhẹ ngay trong đời này mà về sau không phải đọa vào địa ngục Vô gián. Làm sao thấy biết được người ấy chỉ thọ quả báo nhẹ ngay trong hiện tại mà về sau không phải đọa vào địa ngục? Ấy là nói những việc như người ấy bỗng nhiên mắc phải các bệnh rét lạnh hoặc nóng sốt, trải qua một ngày hoặc hai ngày, thậm chí cho đến bảy ngày; hoặc mắc phải những bệnh như đau mắt, đau tai, đau mũi, đau răng, đau môi, đau lưỡi, đau nướu, hoặc đau nơi ngực, hoặc đau bụng, đau lưng, đau vai, đau hông, đau sườn, hoặc đau âm khoan, đau vế gối, hoặc đau các khớp xương, hoặc đau tay, đau chân, đau đầu, đau mặt, đau yết hầu, cổ họng, hoặc đau vai, đau cánh tay, hoặc gặp các bệnh phong thấp, thời khí, bệnh trĩ, bệnh lỵ, bệnh sởi, hoặc bệnh suyễn, bệnh ăn không tiêu, bệnh ngoài da, ghẻ ngứa, hoặc các loại ung nhọt, ghẻ độc ngoài da, hoặc mắc các bệnh phù thũng trên thân, các chứng động kinh, tê thấp, hoặc bị quỷ mỵ quấy phá, hoặc bị trù ếm, hoặc bị chú trù rủa, hoặc bị thuốc độc, hoặc bị tù trói, gông cùm xiềng xích, hoặc bị đánh mắng, hoặc bị phỉ báng, hoặc bị mưu hại, hoặc bị khủng bố, hoặc gặp đủ các việc thêm, bớt đều gây bất lợi. Tóm lại mà nói, người ấy phải gặp đủ các việc khiến cho thân tâm đều khổ não cũng như gặp các ác mộng. Do những việc ấy mà thấy biết được rằng người ấy chỉ thọ quả báo nhẹ ngay trong đời hiện tại mà về sau không phải đọa vào địa ngục Vô gián. Bao nhiêu tội lỗi nghiệp chướng đã tạo, [sau khi thọ quả báo trong đời hiện tại như thế rồi] thảy đều tiêu trừ. Những chúng sanh như thế, nhờ vào chú lực này nên chỉ phải thọ quả báo nhẹ trong đời hiện tại, còn tội lỗi nặng nề thì được tiêu trừ, huống chi là các chúng sinh hữu tình có thân tâm thanh tịnh, nếu được nghe và trì tụng chú này, lẽ nào lại không được nhiều phước báo, tiêu trừ tội nghiệp đời trước, cho đến hiện nay cũng như trong tương lai đều thường được an vui sung sướng.

Kính bạch đức Thế tôn! Vì như có người trong bốn chúng (1) hoặc bốn chủng tộc (2) khởi tâm dua nịnh dối trá mà nghe và học thần chú tâm kinh này, rồi thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường, vì người khác ngợi khen, khiến cho họ tin nhận, cho đến tự mình đến bên tai của các loài súc sanh khẩn thiết niệm tụng, giúp cho chúng được nghe. Sau đó lại thẩm xét suy tư từng câu chữ của thần chú này, do không hủy báng nên không chấp giữ tướng, do không phân biệt nên không khởi các tâm khác, do không chậm trễ hành trì nên việc làm đạt đến chỗ vô vi, do xa lìa mọi sự nhiễm ô nên được tâm bình đẳng, do không có sự tăng giảm nên buông xả năm uẩn. Nhờ dựa vào phương tiện như vậy nên đối trước chư Phật lại tu tập tùy niệm, người ấy nhờ có sức công đức như thế nên ở nơi mười phương, mỗi phương đều có mười vị Phật hiện đến trước mặt người ấy giảng giải dạy dỗ, khiến cho ăn năn, hối hận, trừ dứt những tội đã làm trước kia, như có tâm nguyện gì cũng đều khiến cho được thành tựu trọn vẹn.

Nếu không thể làm được theo như nói trên mà chỉ sao chép thần chú tâm kinh này rồi đặt trong nhà, lễ bái cúng dường, cũng được vô lượng vô biên công đức.

Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào vì muốn vượt hơn kẻ khác, hoặc vì sợ vua chúa, hoặc vì sợ oán cừu, vì sợ ác thú, vì sợ ách nạn, hoặc vì tùy thuận theo người khác, hoặc vì cầu được sang quý, được nhiều tiền của, vì những điều ấy mà chịu lắng nghe thần chú tâm kinh này. Tuy chịu lắng nghe nhưng không có lòng cung kính, hoặc lại phỉ báng, khinh khi, chê bai, thì người có trí tuệ nên nhận biết rằng, chính là do oai đức thần lực của Bồ Tát Quán Tự Tại đã khiến cho chúng sinh ấy chịu lắng nghe thần chú này, để giúp họ được nhiều lợi lạc trong hiện tại cũng như tương lai, chứ hoàn toàn không phải do nơi tự lực của họ.

Kính bạch đức Thế Tôn! Thí như có người băm chẻ gỗ trầm để lấy xạ hương, hoặc các loại hương khác như chiên đàn, long não… dùng đủ mọi lời phỉ báng, khinh khi, chê bai, nhưng rồi lại mài trộn các hương ấy dùng thoa lên thân thể. Nhưng các thứ hương thơm như trầm, xạ, chiên đàn, long não… ấy không khởi lên ý nghĩ rằng: “Người này bêu xấu, lăng mạ ta, ta sẽ không cho họ được hương thơm”, bởi tính chất tự nhiên của những thứ ấy là tỏa ra hương thơm. Thần chú tâm này cũng giống như thế, tuy có chúng sinh phỉ báng, khinh tiện, chê bai hoặc khởi tâm dua nịnh, tà vạy như trên đã nói để sao chép, thọ trì, cung kính cúng dường, thì chú này cũng vẫn là nhân duyên căn lành của chúng sinh ấy, khiến cho trong đời sắp tới dù sinh vào nơi nào cũng đều được đầy đủ hương thơm nhiệm mầu của công đức Giới Ðịnh Huệ, lại có thể giúp kẻ ấy [hiện tại] được hương thơm [Giới Định Huệ] như thế. Oai đức của thần chú này rất khó nghĩ bàn, dù kẻ tin nhận hay người phỉ báng cũng đều có được sự ích lợi đầy đủ.

Kính thưa đức Thế tôn! Nếu có kẻ nam người nữ lòng lành, các vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di hoặc các hạng người khác, vào ngày mùng 8 thuộc tuần trăng sáng trong tháng, thọ trì trai giới, chuyên tâm tụng đại thần chú tâm Kinh này, chỉ cần được bảy biến không xen lẫn những câu chữ khác, nên biết rằng người ấy ngay trong đời này quyết định sẽ được 20 điều lợi ích thù thắng.

Những gì là 20 điều? Đó là:

1. Thân không có bệnh, yên ổn sung sướng.

2. Nếu do nghiệp lực đời trước, tuy có bệnh cũng được nhanh chóng khỏi bệnh.

3. Thân thể mềm mại, tinh tế, da thịt trắng trẻo, khuôn mặt tươi sáng đẹp đẽ.

4. Được hết thảy mọi người kính mến.

5. Thường tự âm thầm hộ trì các căn [không buông thả đắm nhiễm trần cảnh].

6. Thường có được nhiều tiền tài của báu, tùy ý hưởng thụ, sử dụng.

7. Đối với tiền tài của báu đã có được sẽ không bị vua chúa, giặc cướp hay các nạn lửa cháy nước trôi xâm phạm đến.

8. Khi thực hiện bất kỳ công việc, sự nghiệp gì cũng đều thành tựu tốt đẹp

9. Trong việc gieo trồng ruộng nương không sợ các nạn rồng độc, sương muối, bão lụt phá hoại.

10. Nếu có ruộng lúa mạ bất ngờ gặp thiên tai địch họa, dùng thần chú này chú niệm bảy biến vào tro sạch hoặc nước sạch, mang đến ruộng ấy rải quanh tám hướng, lúc ấy tai ương liền được dứt trừ.

11. Không bị các loại quỷ thần, la-sát bạo ác hớp đoạt tinh khí.

12. Thường được những người gặp gỡ, tiếp xúc hoan hỷ, ưa mến tôn trọng không hề nhàm chán.

13. Thường không lo sợ đối với tất cả những kẻ oán thù.

14. Đối với những kẻ mang oán thù từ trước đều nhanh chóng được giải trừ.

15. Không bị những kẻ trong loài người, loài phi nhân… xâm hại.

16. Các loại bùa chú trù ếm, thuốc độc đều không thể gây hại người ấy.

17. Phiền não, triền cấu không thường khởi sinh.

18. Không bị các nạn binh đao, thuốc độc, lửa cháy, nước trôi làm thương tổn.

19. Thường được chư thiên, thiện thần theo bảo vệ, ủng hộ.

20. Ðời đời kiếp kiếp sinh ra không xa lìa bốn đức từ, bi, hỷ, xả.

Người hành trì chú này được 20 điều lợi ích thù thắng như thế, lại còn được tám pháp nữa. Những gì là tám? Đó là:

1. Khi mạng chung được thấy đức Bồ Tát Quán Tự Tại hiện tướng tỳ-khưu đến trước mặt người trì chú vui mừng khen ngợi, phủ dụ.

2. Phút lâm chung được yên ổn, không có các sự đau khổ.

3. Khi sắp lìa đời mắt không trợn ngược, miệng không hả méo, tay buông thong thả, chân lìa tướng mỏi mệt, không tiết ra những chất dơ uế của đại tiểu tiện, không rớt nghiêng xuống giường.

4. Khi sắp lìa đời thường an trụ trong chánh niệm, tâm ý không loạn tưởng.

5. Khi lâm chung không che mặt mà chết

6. Khi sắp lìa đời được biện tài vô tận.

7. Sau khi lìa đời được tùy nguyện vãng sanh về cõi tịnh độ của chư Phật.

8. Thường được gần gũi không xa lìa bạn tốt.

Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, có thể từ bỏ rượu thịt và các món gia vị cay nồng, không ăn các món dư thừa dơ nhớp, thân thường thanh khiết, mỗi ngày ba thời chuyên tâm trì tụng thần chú tâm kinh Bất Không Quyết Tác này, người ấy sẽ được ngày đêm tăng trưởng công đức thù thắng.

Nếu có thể đối với các pháp buông xả tâm tham tiếc keo lận, lìa xa những ý niệm ganh ghét đố kỵ, hết lòng làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, quán xét các chúng sanh xem có đủ sức hay không đủ sức, rồi tùy theo đó mới vì họ mà thuyết dạy thần chú tâm kinh này, nên biết rằng những người như vậy sẽ nhanh chóng chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu có rơi vào hàng các Ðại Bồ Tát, ắt được gọi là Bồ-đề Tát-đỏa. Bồ-đề hay Giác là nói đến trí tuệ Bát-nhã; Tát-đỏa là nói về phương tiện. Có đủ hai pháp trí tuệ và phương tiện như thế nên đối với chúng sinh hữu tình có thể làm tất cả những việc lợi ích an vui.

Kính bạch đức Thế Tôn! Con nay vì muốn lợi ích an vui cho bốn bộ chúng và trừ dứt những tội nghiệp của các chúng sinh xấu ác đã tạo trước đây, nên đối trước đức Như Lai nói ra thần chú này. Cúi mong đức Thế Tôn thương xót cho phép.”

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Quán Tự Tại rằng: “Ðại chúng thanh tịnh, đã đến lúc nên nói. Ta cũng hoan hỷ với việc này. Thần chú tâm này trong đời tương lai sẽ là cha mẹ của hàng Bồ Tát, giúp cho sự nghiệp của chư Bồ Tát đều được nhanh chóng thành tựu, cũng khiến cho tất cả những sự khủng hoảng sợ sệt đều sớm dứt trừ.”

Lúc bấy giờ Đại Bồ Tát Quán Tự Tại được đức Phật cho phép nên vui mừng hớn hở, chú tâm chiêm ngưỡng tôn nhan Phật, rồi chắp tay cung kính bạch Phật:

“Chư Bồ Tát nên tôn trọng, cung kính cúng dường thần chú tâm này, dùng làm pháp môn giải thoát viên mãn tốt nhất, mang lại lợi ích an vui cho chúng sinh.

Những ai muốn thọ trì tâm chú này, trước hết nên kính lễ chư Phật và chư Bồ Tát, Ðộc giác, Thanh văn trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Lại nên kính lễ bậc Chánh chí Chánh hạnh, lại nên kính lễ các vị đại Thanh văn như Xá-lợi-phất… Lại nên kính lễ chư Ðại Bồ Tát như ngài Di-lặc… Lại nên kính lễ Phật Vô Lượng Quang. Lại nên kính lễ Tam bảo: Phật Pháp Tăng. Lại nên kính lễ Đại Bồ Tát Thánh Quán Tự Tại, bậc trọn đủ tâm đại bi.

Sau khi kính lễ như trên rồi, liền khởi tâm niệm rằng: “Thần chú tâm này tên gọi là Bất Không Quyến Tác, do đức Bồ Tát Quán Tự Tại đối trước Như Lai, ở giữa đại chúng đích thân diễn thuyết. Con nay đọc tụng thần chú này, nguyện cho con khi khởi làm tất cả sự nghiệp đều mau thành tựu, nguyện cho con tất cả những sự khủng hoảng sợ sệt đều sớm dứt trừ.”

Khởi niệm như vậy rồi, liền đọc tụng thần chú rằng:

Ðát Ðiệt Tha: Ám Triết Lạc Triết Lạc, Chỉ Lí Chỉ Lí, Chủ Rô Chủ Rô

Khể thủ Cụ Ðại bi giả: Tát Lạc Tát Lạc, Tử Lí Tử Lí, Chỉ Lí Chỉ Lí, Tỉ Lí Tỉ Lí

Khể thủ Ðại Liên Hoa Thủ: Yết Lã Yết Lã, Kiết Lị Kiết Lị, Khuất Lộ Khuất Lộ

Khể thủ Ðại tịnh hữu tình: Bột Ðiệt Bột Ðiệt, Tha Bà Tha Bà, Khẩn Ni Khẩn Ni

Khể thủ Cực tịnh hữu tình: Yết Lạc Yết Lạc, Chỉ Lị Chỉ Lị, Củ Rô Củ Rô

Khể thủ Ðắc đại thế giả: Triết Lã Triết Lã, San Triết Lã, San Triết Lã, Tì Triết Lã Tì Triết Lã, Y Triết Tra Y Triết Tra, Bạt Lạc Bạt Lạc, Tỉ Lị Tỉ Lị, Bộ Rô Bộ Rô, Y Hế Y Hế

Khể thủ Ðại bi Ðại thú Vương tướng: Ðạt Lạc Ðạt Lạc, Tát Lạc Tát Lạc, Triết Lạc Triết Lạc, Bác Lạc Bác Lạc, Hát Lạc Hát Lạc, Kha Kha Hế Hế, Hô Hô Ống Ca Lạc

Khể thủ Ðại Phạm Vương tướng: Ðạt Lạc Ðạt Lạc, Ðịa Lị Ðịa Lị, Ðổ Rô Ðổ Rô, Ðát Lạc Ðát Lạc, Tác Lạc Tát Lạc, Bác Lạc Bác Lạc, Phiệt Lạc Phiệt Lạc

Khể thủ Bách Thiên Quang Trang nghiêm thân: Thập Phiệt Lã Thập Phiệt Lã, Ðáp Bá Ðáp Bá, Bạc-già-phạm

Khể thủ Nhật Nguyệt Diêm Ma Phiệt Rô Nõa Củ La Thích Phạm, dữ Tài Ðẳng Thiên Tiên chúng sở cúng dường chi: Mạt Lạc Mạt Lạc, Nhỉ Lí Nhỉ Lí, Mẫu Rô Mẫu Rô, Tốt Rô Tốt Rô, Chủ Rô Chủ Rô

Khể thủ Tác Nại Ðồng Tử Rô Ðạt La Y Tỳ Sắc Nộ Ðạt Nại Ðà Tiên Na Dược Ca Tì Na Dược Ca chúng đa hình tướng: Ðạt Lạc Ðạt Lạc, Ðịa Lí Ðịa Lí, Ðổ Rô Ðổ Rô, Thác Lạc Thác Lạc, Yết Lạc Yết Lạc, Bát Lạc Bát Lạc, Xả Lạc Xả Lạc, Thứ Lạc Thứ Lạc, Hát Lạc Hát Lạc, Mạt Lạc Mạt Lạc, Phiệt Lạc Phiệt Lạc

Khể thủ Dữ nguyện Phổ Quán Thắng Quán Thế Tự Tại Ðại Tự Tại: Mẫu Hô Mẫu Hô, Mẫu Rô Mẫu Rô, Mẫu Da Mẫu Da, Muộn Giá Muộn Giá, Lạc Xoa Lạc Xoa

Khể thủ năng linh ngã cập nhứt thiết hữu tình giải thoát nhứt thiết bố úy, giải thoát nhứt thiết yểm cổ, giải thoát nhứt thiết tai hoạnh, giải thoát nhứt thiết tật bệnh, giải thoát nhứt thiết tà mị vọng lượng giải thoát nhứt thiết oan gia sát phược khủng hát chúy dã, giải thoát nhứt thiết vương nạn tặc nạn, giải thoát nhứt thiết thủy hỏa phong nạn, giải thoát nhứt thiết đao độc đẳng nạn giả: Yết Nõa Yết Nõa, Khẩn Ni Khẩn Ni, Khuất Nữu Khuất Nữu, Triết Lạc Triết Lạc

Khể thủ năng khai thị nhứt thiết căn lực giác chi đạo chi tứ thánh đế giả: Ðáp Ma Ðáp Ma, Táp Ma Táp Ma, Mạt Ta Mạt Ta

Khể thủ năng trừ chư đại hắc ám, sinh trưởng mãn túc lục Ba-la-mật-đa giả: Nhĩ Lí Nhĩ Lí, Tra Tra Tra Tra, Sá Sá Sá Sá, Trí Trí Trí Trí, Chú Chú Chú Chú

Khể thủ bị phục y nê da bì, cụ đại từ bi tự tại đại tự tại, năng phá nhứt thiết ác quỷ thần giả, tốc lai tốc lai cứu hộ ngã đẳng: Củ Lô Củ Lô, Bác Lạc Bác Lạc, Tác Lạc Tác Lạc, Yết Lạc Yết Lạc, Yết Tra Yết Tra, Mạt Tra Mạt Tra

Khể Thủ Trụ Tịnh Ðộ Cụ Ðại Bi Giả, Thân Bội Bạch Kiết Tường Lũ, Cảnh Ðới Chúng Bảo Anh Lạc, Thủ Quan Hoa Man Bảo Quan, Ư Bảo Quan Trung Ðương Vu Ðảnh Thượng Hữu Nhứt Thiết Trì Tượng, Thủ Chấp Hi Hữu Ðại Bảo Liên Hoa, Ư Chư Tịnh Lự Ðẵng Trì Giải Thoát Chúng Diệu Công Ðức, Giai Bất Khuynh Ðộng, Thiện Năng Thành Thục Nhứt Thiết Hữu Tình, Cụ Ðại Từ Bi, Năng Trừ Nhứt Thiết Nghiệp Chướng, Năng Cứu Nhứt Thiết Bệnh Khổ, Phổ Năng An Ủy Nhứt Thiết Hữu Tình: Ám Hiệt Lị Ðát Lai Lộ Ca Tỳ Ám Da. Úm Mộ Già Bá Xa, Hiệt Lị Ðạt Da, Úm Bát Lạc Ðể Hát Ða, Yểm Phái Tóa Ha, Nạp Mổ A Mộ Dà Da Tóa Ha, Nạp Mô A Thị Ða da Tóa ha, Nạp Mô A Bác, La Thị Ða Da Tóa Ha, Nạp Mô Phiệt Lạc Bát Lạc Trá Da Tóa Ha, Nạp Mồ Tát Bà Yết Ma Tất Ðạt Duệ Tóa Ha, Yểm Ðổ Da Tráng Tóa Ha.

Tụng thần chú tâm này nhất định có linh nghiệm. Thường hay thọ trì thần chú này, những chỗ mong cầu đều được thành tựu. Các vị cứ mỗi ngày ba thời, mỗi thời tụng 108 biến, nhất định trừ được năm tội vô gián. Tất cả nghiệp chướng đều được thanh tịnh.

Khi muốn tụng niệm, trước phải kiết giới. Muốn làm pháp kiết giới, lấy tro hoặc nước, hoặc hạt cải trắng, chú niệm vào bảy biến chú này rồi rải khắp bốn phương, sau đó mới đốt hương trầm thủy rồi chí tâm niệm tụng.

Các bệnh lạnh nóng và sốt rét nên chú niệm 21 biến vào dây gút, đeo trên cổ hoặc đeo trên tay tức được trừ lành. Những người có bệnh nên chú niệm vào bơ, dầu hoặc nước 21 biến chú này, rồi cho người bệnh ăn uống, liền được dứt bệnh… …

… …Các bệnh đau bụng nên chú niệm vào nước muối rồi cho cho người bệnh uống liền được dứt trừ. Những người trúng độc hoặc bị rắn, rít, sâu độc… cắn mổ, chú niệm vào nước rồi cho uống, lại chú niệm vào bùn dẻo rồi thoa lên, liền được trừ dứt.

Các bệnh đau mắt, nên chú niệm vào sợi chỉ trắng, đeo trên tai của người bệnh, liền được dứt trừ.

Các bệnh răng nướu, đau nhức, nên chú niệm vào cây yết-la-tỉ-la 21 biến rồi bỏ vào miệng mà nhai, đều được dứt trừ.

Những nơi có sự khủng hoảng sợ sệt, nên kiết giới mà ở trong đó. Giới pháp kết kia được thực hiện bằng cách chú niệm vào chỉ ngũ sắc 21 biến, đem giăng trên cái cọc nhọn đã được đóng sâu ở bốn góc, liền không còn khủng hoảng sợ sệt.

Muốn tự bảo vệ mình, nên dùng chú này chú niệm vào sợi chỉ rồi đeo trong thân thể, hoặc chú niệm vào nước tro rồi vẩy lên thân.

Nếu có các quỷ thần, yêu mị ám ảnh nơi thân, chú niệm vào chỉ ngũ sắc rồi thường đeo bên mình, các quỷ thần yêu mị liền phải tránh xa.

Tất cả các bệnh ghẻ, thủng v.v… dùng lá tất-bát-mạt (một loại lá lốt) hòa với mật, chú niệm vào 21 biến, dùng thoa liền được khỏi… …

… … Khi có những sự xung đột, oán thù, vu cáo oan uổng, hoặc các việc quan quyền áp bức phiền nhiễu, nên chú niệm vào nước sạch 21 biến, dùng rửa mặt và vẩy lên thân thể, liền được hòa giải… …

… Những nơi có nạn tật dịch, yêu quái, nên chú niệm vào bình nước rồi vẩy lên nơi ấy và trên thân thể, tất cả tai hoạn thảy đều trừ diệt.

Nếu bị trù yểm yêu mị, dùng nước trong bình mài với hương chiên đàn, chú niệm vào 21 biến rồi xoa nước ấy trên vị trí trái tim, ma mị liền dứt.

Nếu thường niệm tụng thần chú tâm này, các nghiệp chướng như bốn tội trọng, năm tội nghịch, tội báng bổ Chánh pháp… thảy đều được trừ dứt.

Nếu muốn bảo vệ nước nhà khỏi mọi tai ách, nên dùng 108 đóa hoa sen, mỗi đóa đều chú niệm vào một biến thần chú này, rồi cho vào hỏa đàn cúng dường các bậc hiền thánh, tai ách liền được dứt trừ, nước nhà yên ổn.

Nếu muốn kẻ khác phát khởi lòng từ không sanh tị hiềm tật đố, nên dùng 108 khúc gỗ thơm chiên-đàn, mỗi khúc dài hai tấc, đều chú niệm vào một biến thần chú này, rồi bỏ vào trong hỏa đàn cúng dường các bậc hiền thánh, có thể khiến cho người kia khởi tâm thương mến mà không sân hận.

Nếu sợ dịch tật quỷ mị bắt bớ nơi thân, nên lấy đổ-da dược, tỳ-đổ-da dược, na-củ-la dược, kiền-đà-na-củ-la dược, bà-thích-ni dược, úm-bạt-da-ba-ni dược, nhân-đạt-la-ba-ni dược, kiền-đà-tất-lị-dạn-cù dược, huyệt-yết-lam dược, nghiên-ngật-la dược, tỳ-sắc-nổ-ngật-lang-đa dược, tố-ma-la-thời dược, tố-nan-đà dược, xà-diên-để-được, bạch đàn hương dược, xá-lị-ma dược, xá-lị-bà dược, yết-tất-để-bà-thích-ni dược, yết-lệ-thứ-ca dược, kiền-đà-hiệt-yết dược, kim cang dược, hắc-lam dược, phiệt-lã-kha-khất-lan-đa dược, các thứ thuốc dược như vậy đâm giã thật nhỏ và rây thật mịn, làm thành hoàn lớn như trái táo, chú niệm vào 108 biến thần chú này, rồi để trên đảnh hoặc đeo nơi hai tay, tật dịch quỷ mị đều không vướng mắc được.

Nếu có trẻ nhỏ bị tà khí các loại yêu ma làm giật mình sợ hãi, chú niệm vào hoàn thuốc ấy 108 biến, rồi đeo dưới yết hầu, trẻ không giật mình sợ hãi nữa.

Nếu có người phụ nữ bạc phước, đến đâu cũng bị mọi người chán ghét, chú niệm vào hoàn thuốc này 108 biến, hòa vào nước tắm rửa nơi thân, các tướng xấu ác đều dứt, được mọi người yêu kính, các bệnh xấu ác ô uế trong thân cũng được dứt trừ.

Nếu có phụ nữ cầu sanh con trai, chú niệm vào hoàn thuốc này 108 biến rồi đeo trên thân, hoặc hòa với nước mà tắm, liền được sanh con trai.

Nếu chú niệm vào hoàn thuốc này rồi đeo trên thân thì đao độc, thủy hỏa, ác thú, oan gia, ếm mị, cổ đạo, hết thảy tai hoạnh đều không làm hại.

Nếu bị các bệnh ghẻ chốc, ung nhọt, chú niệm vào hoàn thuốc này 108 biến rồi hòa với nước thoa lên chỗ ấy liền được dứt trừ.

Nếu gặp ác phong bạo vũ, sương muối, mưa đá, chú niệm 21 biến vào nước thanh tịnh, rồi vẩy khắp bốn hướng, hoặc chú niệm vào nhánh cây yết-la-tì-la 21 biến, miệng vẫn tụng chú, hướng về bốn phương mà vung vẩy nhánh cây ấy, tai hoạn xấu ác liền dứt.

Ðại thần chú tâm Quán Tự Tại này, dù không thường xuyên thọ trì, chỉ y theo các pháp vừa nói mà tụng đọng cũng nhất định được linh nghiệm.

Nếu thường xuyên thọ trì thì làm việc gì cũng được thành tựu tốt đẹp.

Người muốn thọ trì thần chú tâm này, nên lấy một tấm lụa trắng mới dài mười thước, rộng năm thước, nguyên tấm không ráp nối, dùng để vẽ hình tượng Phật lên, về màu sắc chỉ dùng loại keo thơm để hòa trộn, không dùng các thứ keo khác.

Bên phải tượng Phật vẽ Bồ Tát Quán Tự Tại, hình tượng giống như Ðại Tự Tại Thiên, trên đảnh đầu có búi tóc, đội mão hoa, phủ áo phía cánh tay trên bên trái, dùng anh lạc, vòng xuyến để trang nghiêm thân thể. Người vẽ tượng cần phải tắm rửa bằng nước thơm sạch sẽ, mặc áo mới thanh tịnh, không ăn các món tạp uế, chuyên tinh trai giới rồi đến nơi thanh tịnh mà vẽ. Sau đó nên mang tượng đã vẽ đến an trí nơi thanh tịnh… …lập đàn rộng vuông vức mỗi bề chừng chừng một trượng, trong đàn ấy tán rải toàn hoa trắng. Dúng tám cái tịnh bình, mỗi cái chừng một lít, đựng đầy nước hoa thơm đặt ở tám hướng. Lại ở nơi tám hướng trải tám tòa bằng cỏ, trên mỗi tòa để một phần thức ăn. Bên cạnh tám tòa ấy, mỗi tòa cũng đều đặt tám phần thức ăn ở tám hướng. Những thức ăn cúng dường đó có thể dùng tất cả những món ngon nhất trên đời, chỉ trừ những món cay nồng và các thứ tạp uế như rượu thịt…

Sau đó xông đốt hương trầm rồi chí thành cúng dường. Người thọ trì chú, trước hết giữ suốt ba ngày ba đêm không ăn, nếu không đủ sức thì một ngày một đêm. Mỗi ngày ba lần tắm rửa sạch sẽ. Sau khi đại tiểu tiện, phải tắm gội sạch sẽ, mặc y mới thanh tịnh, ăn ba thứ bạch thực là sữa, bơ và gạo trắng ngon nhất. Ăn rồi súc miệng, xỉa răng sạch sẽ, đi đến trước tượng Phật, đốt hương trầm thủy chí thành đảnh lễ, chuyên tâm tụng Ðại thần chú tâm này trọn đủ 8.000 biến. Bấy giờ, hành giả tự thấy thân mình phóng hào quang sáng rực như ngọn núi lửa, thấy việc đó rồi vui mừng hớn hở. Lúc ấy Quán Tự Tại liền hiện trước mặt người kia, tùy sở nguyện cầu đều khiến mãn túc.

Nếu muốn tự mình được phép ẩn hình, nên chú niệm vào hùng hoàng hoặc an-thiện-na trọn đủ 8.000 biến, nghiền ra thành bột thoa quanh con mắt.

Nếu muốn bay lên hư không, dùng bột này thoa dưới chân. Do chú lực này, hành giả chứng Bất Không trí mà làm bậc Thượng thủ Trang nghiêm Ðẳng trì. (3) Ðã chứng được định trì này rồi thì làm việc gì cũng đều thành tựu tốt đẹp.”

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen ngợi Ðại Bồ Tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay, lành thay! Ông nay thương xót tất cả hữu tình mà nói thần chú này để khiến họ đều được lợi ích an vui. Ta rất hoan hỷ với việc này.”

Khi Bạc-già-phạm nói lời ấy rồi, Ðại Bồ Tát Quán Tự Tại, Tịnh Cư Thiên chúng, Tự Tại Thiên chúng, Ðại Tự Tại Thiên Chúng, Đại Phạm thiên vương và thiên chúng, Thanh văn và Bồ Tát đều hết sức hoan hỷ, tin nhận vâng làm theo.

Bất Không Quyến Tác thần chú tâm kinh

Sa-môn Thích Viên Đức dịch từ Hán văn ra Việt văn (1976).

Đánh máy vi tính: Chúc Huy Nguyễn Minh Hoàng, Chúc Hiền Nguyễn thị Diệu Minh.

Chú thích:

(1) Bốn chúng: tức 2 chúng xuất gia là tỳ-kheo, tỳ-kheo ni và 2 chúng tại gia là cư sĩ nam, cư sĩ nữ.

(2) Bốn đẳng cấp của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, là Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá, Thủ-đà-la.

(3) Bất Không Diệu Trí Thượng thủ Trang nghiêm đại tam-ma-địa.

    Xem thêm:

  • Kinh Thân Pháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 40 – Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cùla-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 23 – Kinh Tệ Túc (Pàyàsi Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tô Tất Địa Yết La - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đà La Ni Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai - Kinh Tạng
  • Vạn Thiện Đồng Quy Tập - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Bốn Pháp Của Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 41 Đến Phẩm 50 - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 3 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 31 Đến Phẩm 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng