Kinh Bổn Tương Ỷ Trí

Bổn Tương Uy Trí Kinh [本相猗致經]

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

***

Nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại rừng cây Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ kheo:

–Không thấy, không rõ nguồn gốc của hữu ái, nhưng nay thấy có từ hữu ái. Giả sử nguồn gốc của hữu ái này không có, nhưng nay lại có, nay thấy rõ ràng, nó vốn có nhân duyên đưa đến hữu ái.

Này Tỳ kheo, hữu ái có nguồn gốc chớ không phải không có nguồn gốc. Này Tỳ kheo, những gì là nguồn gốc của hữu ái?

–Đó là si.

Này Tỳ kheo, si cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của si?

–Đó là năm (triền) cái.

Này Tỳ kheo, năm triền cái cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của năm triền cái?

–Đó là ba ác hạnh.

Này Tỳ kheo, ba ác hạnh cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của ba ác hạnh?

–Đó là không thu nhiếp các căn.

Này Tỳ kheo, không thu nhiếp các căn cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của không thu nhiếp các căn?

–Đó là không có Chánh niệm.

Này Tỳ kheo, không có Chánh niệm cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của không có Chánh niệm là gì?

–Đó là bất tín.

Này Tỳ kheo, Bất tín cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của bất tín là gì?

–Đó là nghe điều ác, phi pháp.

Này Tỳ kheo, nghe điều ác, phi pháp cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của sự nghe điều phi pháp là gì?

–Đó là gần gũi người không hiền.

Này Tỳ kheo, người không hiền cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của người không hiền?

–Đó là hội họp cùng vui chơi với người không hiền.

Như vậy, này Tỳ kheo, do đầy đủ sự tụ hội với người không hiền, khiến cho đầy đủ người không hiền, do đầy đủ người không hiền nên khiến cho đầy đủ sự phi pháp, do đầy đủ sự phi pháp cho nên có đủ sự bất tín, do đủ sự bất tín nên khiến có đủ không chánh niệm, do có đủ không chánh niệm nên khiến có đủ sự không thu nhiếp căn, do có đủ sự không thu nhiếp căn, cho nên khiến cho có đủ sự phạm pháp của ba ác hạnh, do có đủ sự phạm pháp của ba ác hạnh, cho nên khiến có đủ năm triền cái, do có đủ năm triền cái cho nên khiến có đủ sự si mê, do có đủ sự si mê cho nên có đủ hữu ái của thế gian, như vậy sự ái lạc đầy đủ càng lúc càng tăng trưởng.

Trí tuệ giải thoát khỏi thế gian cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của trí tuệ giải thoát khỏi thế gian?

–Đó là bảy giác ý.

Bảy giác ý cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của bảy giác ý?

–Đó là bốn ý chỉ. Bốn ý chỉ cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của bốn ý chỉ?

–Đó là ba hạnh thanh tịnh. Này Tỳ kheo, ba hạnh thanh tịnh cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của ba hạnh thanh tịnh là gì?

–Đó là nhiếp thủ các căn. Nhiếp thủ các căn cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, gốc của nhiếp thủ các căn là gì?

–Đó là Chánh niệm.

Này Tỳ kheo, Chánh niệm cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của chánh niệm?

–Đó là gốc của Tín.

Này Tỳ kheo, Tín cũng có gốc chớ không phải không có. Này Tỳ kheo, những gì là gốc của Tín?

–Đó là nghe kinh pháp.

Nghe kinh pháp cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của sự nghe kinh pháp?

–Đó là tôn thờ bậc hiền giả.

Tôn thờ bậc hiền giả cũng có gốc chớ không phải không có. Những gì là gốc của sự tôn thờ bậc hiền giả?

–Đó là tụ hội với bậc hiền giả.

Như vậy, này Tỳ kheo, do tụ hội với bậc hiền giả mới có thể tôn thờ bậc hiền giả, nhờ tôn thờ bậc hiền giả, nên liền được nghe lời pháp, nhờ nghe lời pháp nên liền có đức tin, do có đức tin liền được chánh niệm, do có chánh niệm nên nhiếp thủ các căn, do nhiếp thủ các căn liền được ba (hạnh) thanh tịnh, nhờ ba hạnh thanh tịnh nên liền được bốn ý chỉ, nhờ được bốn ý chỉ, nên liền được bảy giác ý, nhờ có bảy giác ý liền có vô vi, giải thoát, được thoát khỏi thế gian như vậy, nhờ chuyển hóa nguồn gốc, khiến cho thoát khỏi thế gian.

Đức Phật nói như vậy, các đệ tử phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 74 – Kinh Trường Trảo (Dìghanakha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 03 – Kinh A Ma Trú (Ambattha Sutta) - Kinh Tạng
  • Phật thuyết Trì minh tạng Bát đại Tổng trì vương kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Bà La Môn Trốn Tránh Tử Vong - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 114 – Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Cha Mẹ Ân Trọng (Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Kinh Tạng
  • Thanh Quy Của Ngài Bách Trượng - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Quả Báo Trưởng Giả Bố Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 9 – Trưởng Lão Ni Kệ - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 25 – Kinh Ưu Đàm Bà La Sư Tử Hống (Udumbarika-Sìhanàdà Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 8 – Trưởng Lão Tăng Kệ - Kinh Tạng
  • Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 01 – Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 33 – Kinh Phúng Tụng (Sangiti Sutta) - Kinh Tạng