1
2

KINH CÔNG ĐỨC TẮM PHẬT

Dục Phật Công Đức Kinh

Đường Nghĩa Tịnh dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Nữ Trung Thể

Bản Việt dịch (2) của Nguyên Thuận

***

Kinh Công Đức Tắm Phật

Việt dịch: Thích Nữ Trung Thể

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:

Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngự trên đỉnh Linh Thứu cùng với một nghìn hai trăm năm mươi bí-sô; ngoài ra còn có vô lượng vô biên đại bồ-tát, tám bộ chúng trời, rồng… đều vân tập đầy đủ tại đây.

Bấy giờ, bồ-tát Thanh Tịnh Huệ ở trong đại chúng vì thương xót các loài hữu tình, liền suy nghĩ như vầy: “Chư Phật, Như Lai nhờ nhân duyên gì mà được thân thanh tịnh, đầy đủ các tướng tốt?”. Rồi bồ-tát lại nghĩ: “Các loài chúng sanh được diện kiến Như Lai, được gần gũi cúng dường ngài nên có vô lượng vô biên phước báu. Chẳng biết sau khi Như Lai nhập bát-niết-bàn, tất cả chúng sanh phải cúng dường như thế nào, tu tạo công đức gì để có thể tăng trưởng căn lành, mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề?”.

Sau khi suy nghĩ như thế, bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trạch áo bày vai phải, đảnh lễ dưới chân Phật rồi quỳ gối chắp tay mà thưa rằng:

-Bạch Thế Tôn! Con muốn thỉnh vấn, mong ngài hứa khả!

Đức Phật bảo:

-Thiện nam tử! Ông cứ hỏi đi, ta sẽ vì ông mà trả lời.

Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ liền thưa:

-Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà chư Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… được thân thanh tịnh, đầy đủ tướng tốt? Hễ chúng sanh nào được gặp Phật, thân cận cúng dường ngài thì có vô lượng vô biên phước báu. Nhưng sau khi Như Lai nhập diệt rồi, chúng sanh phải cúng dường như thế nào, tu tạo công đức gì để được tăng trưởng căn lành, mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề?

Khi ấy, Thế Tôn bảo bồ-tát Thanh Tịnh Huệ:

-Lành thay! Lành thay! Ông đã vì chúng sanh đời sau mà hỏi Như Lai như vậy. Nay ta sẽ vì ông phân biệt giảng thuyết. Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ rồi như lời dạy của ta mà tu hành!

Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ thưa:

-Dạ vâng! Bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn nghe!

Đức Phật dạy:

-Thiện nam tử! Nên biết nhờ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, trí huệ, từ bi hỷ xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở uý, nhất thiết Phật pháp, nhất thiết chủng trí, thiện thanh tịnh trí mà Như Lai chứng đắc thân thanh tịnh. Sau này, nếu chúng sanh nào trang nghiêm hương hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái… ở trước điện Phật, rồi dâng lên cúng dường Như Lai với tâm thành kính thanh tịnh; hoặc lấy nước thơm thượng diệu lau sạch tôn tượng, đốt hương vận tâm xông khắp pháp giới; hoặc bày đồ ăn thức uống, đánh trống tấu nhạc, đàn hát ca vịnh để tán thán công đức bất cộng của Như Lai, rồi phát nguyện thù thắng hồi hướng về Vô thượng Nhất thiết trí, thì công đức sanh ra vô lượng vô biên, không hề ngưng dứt cho đến khi chứng đắc quả Bồ-đề.

Vì sao như thế?

Vì phước trí của Như Lai không thể nghĩ bàn, không thể tính kể. Thiện nam tử! Chư Phật, Thế Tôn có đầy đủ ba thân: pháp thân, thọ dụng thân và hoá thân. Sau khi ta nhập niết-bàn, nếu muốn cúng dường ba thân này thì nên cúng dường xá-lợi. Có hai loại: một là xá-lợi thân cốt, hai là xá-lợi pháp tụng.

Đức Phật liền nói kệ :

Các pháp do duyên sinh

Như Lai dạy là nhân

Cũng do duyên diệt tận

Chính Đại sa môn thuyết.

Sau này, thiện nam tử, nữ nhân, năm chúng xuất gia: bí-sô, bí-sô-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni hãy nên tạo tượng Phật.

Nếu không đủ điều kiện tạc tượng xây tháp cao lớn nguy nga, thì cũng có thể tạo tượng kích thước bằng hạt lúa mạch; lấy xá-lợi bằng hạt cải hoặc chép pháp tụng an trí trong tốt-đổ-ba (tháp) khoảng bằng trái táo, sát can (đặt trên đỉnh tháp) như cây kim châm, cái như mảnh vỏ trấu. Nếu ai tùy theo khả năng của mình mà tạc tượng tạo tháp như trên, dù rất nhỏ, cũng thật đáng trân quý, rồi chí thành đảnh lễ cúng dường thì công đức không khác gì việc gần gũi cúng dường Như Lai lúc còn tại thế.

Thiện nam tử! Nếu chúng sanh nào có thể làm như trên để cúng dường, thì thành tựu được mười lăm công đức thù thắng:

Một: thường có tàm quý; hai: phát tâm tịnh tín; ba: có tâm chất trực; bốn: thân cận thiện hữu; năm: nhập huệ vô lậu; sáu: thường gặp chư Phật; bảy: hằng trì chánh pháp; tám: như lời Phật dạy mà tu hành; chín: vãng sanh Phật quốc thanh tịnh tùy theo ý thích của mình; mười: nếu sanh trong loài người sẽ được vào dòng danh gia vọng tộc, thường khởi tâm hoan hỉ, được nhiều người quý kính; mười một: nếu sanh trong loài người, tự nhiên biết niệm Phật; mười hai: chúng ma không thể tổn hại, xúc não; mười ba: có thể hộ trì chánh pháp đời sau; mười bốn: được chư Phật mười phương gia hộ; mười lăm: mau thành tựu ngũ phần pháp thân.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rằng:

Sau khi ta niết-bàn

Nếu cúng dường xá-lợi

Hoặc tạo tốt-đổ-ba

Hoặc tạc tượng Như Lai

Thì trên tượng tháp đó

Sơn vẽ mạn-đồ-la

Lấy vô số hương hoa

Rải lên trên cúng dường

Lấy nước thơm tịnh diệu

Rưới tắm sạch tôn tượng

Các ẩm thực thượng vị

Thành kính dâng cúng dường

Tán thán công đức Phật

Vô lượng khó nghĩ bàn

Đạt thần thông quyền trí

Mau vượt qua bờ giác

Chứng đắc thân kim cang

Đầy đủ ba hai tướng

Thêm tám mươi vẻ đẹp

Tế độ khắp quần sanh.

Sau khi Như Lai nói kệ rồi, bồ-tát Thanh Tịnh Huệ thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn! Chúng sanh đời sau tắm Phật bằng cách nào?

Phật bảo:

-Các ông nên khởi tâm chánh niệm đối với Như Lai, chớ kẹt vào nhị biên hay mê nơi không hữu; đối với việc lành nên khát ngưỡng không chán; nơi tam giải thoát môn là không, vô tướng, vô nguyện, hãy khéo tu trí huệ; thường cầu xuất ly chớ trụ sanh tử; đối với chúng sanh khởi đại từ bi, nguyện mau chứng đắc được ba thân.

Thiện nam tử! Ta đã giảng thuyết bốn chân đế, mười hai nhân duyên, sáu ba-la-mật rồi. Nay sẽ vì ông và các quốc vương, vương tử, đại thần, hoàng hậu, phi tần, trời, rồng, người, quỷ thần…dạy cách thức tắm Phật tượng. Trong tất cả các cách cúng dường, đây là cách cúng dường tối thắng nhất, hơn hẳn việc bố thí hằng hà sa số bảy báu. Khi tắm tôn tượng, phải dùng các loại hương quý như ngưu đầu chiên đàn, bạch đàn, tử đàn, trầm hương, huân lục, uất kim hương, long não hương, linh lăng hương, hoắc hương…mài thành bột nơi tảng đá sạch, rồi bỏ vào bình hòa với nước tinh khiết.

Lấy đất sạch đắp một cái đàn vuông hoặc tròn ở chỗ thoáng đãng, tùy thời mà làm đàn lớn hay nhỏ, trên đó đặt một cái bàn rồi thỉnh tượng Phật lên trên. Khi tắm Phật, phải dùng nước nóng thơm rưới lên tượng trước, rồi lấy nước tinh sạch đã được lọc trùng xối lại nhiều lần, tiếp đó dùng khăn mềm lau khô, rồi xông các loại hương thơm, sau đó thỉnh tượng về chỗ cũ.

Thiện nam tử! Nhờ công đức tắm Phật, hiện đời các ông được an vui, không bệnh, sống lâu, tất cả sở nguyện đều như ý, bạn bè quyến thuộc được an ổn, tránh được tám nạn, ra khỏi gốc khổ; tương lai không còn thọ thân nữ, mau thành Chánh giác.

Sau khi tắm và an trí tôn tượng, nên đốt các loại hương thơm cúng dường rồi chắp tay chí thành trước Phật mà tán thán:

Nay con tắm sạch tượng Như Lai

Trang nghiêm tịnh trí nhiều công đức

Nguyện cầu chúng sanh đời ngũ trược

Mau chứng Như Lai tịnh pháp thân

Giới, định, huệ, giải tri kiến hương

Xông khắp pháp giới nơi mười phương

Nguyện khói hương này cũng vô tận

Vô lượng vô biên Phật sự thành

Mong khổ ba đường đều dứt sạch

Xua tan nóng bức được thanh lương

Dõng mãnh khởi phát tâm Vô thượng

Tiến thẳng bờ giác, ái chẳng vương.

Phật nói kinh này xong, vô lượng vô biên bồ-tát đắc tam-muội vô cấu, vô lượng chư thiên đắc bất thoái trí, các chúng Thanh văn nguyện cầu thành Phật, tám vạn bốn nghìn chúng sanh đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Khi ấy, bồ-tát Thanh Tịnh Huệ bạch Phật rằng:

-Hạnh phúc thay! Thế Tôn đã thương xót, chỉ dạy chúng con cách thức tắm Phật! Nay con sẽ khuyến hóa quốc vương, đại thần, tất cả những người tín tâm ưa thích tu tạo công đức, mỗi ngày hãy tắm sạch tôn tượng để được nhiều lợi ích và thường nên đảnh lễ thọ trì, hoan hỉ phụng hành!

    Xem thêm:

  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Câu Lợi Già La Đại Long Thắng Phục Ngoại Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Thiện Ác Nghiệp Báo (Chư Kinh Yếu Tập) - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Chuẩn Đề Phần Tu Tất Địa Sám Hối Huyền Văn - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng