Kinh Công Đức Tắm Phật
Việt dịch: Nguyên Thuận
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ở trên đỉnh núi Linh Thứu gần thành Vương Xá, cùng câu hội với 1.250 vị đại Tỳ-kheo. Lại có vô lượng vô biên chư đại Bồ-Tát và thiên long bát bộ thảy đều đến vân tập.
Lúc bấy giờ Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát đang ngồi ở giữa đại chúng. Vì thương xót các chúng sanh, ngài tư duy như vầy:
“Do bởi nhân duyên gì mà chư Phật Như Lai được thân thanh tịnh và đầy đủ tướng tốt?”
Lại nghĩ như vầy:
“Tất cả chúng sanh khi gặp Như Lai và thân cận cúng dường, họ sẽ được vô lượng vô biên phước báo. Tuy nhiên, ta vẫn không biết sau khi Như Lai nhập Bát-niết-bàn, chúng sanh phải cúng dường như thế nào và tu công đức ra sao để khiến căn lành của họ mau có thể đạt tới cứu cánh vô thượng Bồ-đề?”
Khi nghĩ như thế xong, ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo lộ vai phải, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi quỳ hai gối, chắp tay, và bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Con có việc muốn thưa hỏi, kính mong Như Lai cho phép.”
Đức Phật bảo: “Này thiện nam tử! Ông hãy cứ hỏi. Ta sẽ tùy theo điều ông hỏi mà thuyết giảng cho.”
Lúc bấy giờ Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát bạch Phật rằng:
“Chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, do bởi nhân duyên gì mà được thân thanh tịnh và đầy đủ tướng tốt?
Lại nữa, tất cả chúng sanh khi gặp Như Lai và thân cận cúng dường, họ sẽ được vô lượng vô biên phước báo. Tuy nhiên, con vẫn không biết sau khi Như Lai nhập Bát-niết-bàn, chúng sanh phải cúng dường như thế nào và tu công đức ra sao để khiến căn lành của họ mau có thể đạt tới cứu cánh vô thượng Bồ-đề?”
Lúc bấy giờ Đức ThếTôn bảo Thanh Tịnh TuệBồ-Tát:
“Lành thay, lành thay! Ông vì chúng sanh đời vị lai mà có thể hỏi Ta việc như thế. Ông nay lắng nghe, hãy khéo tư duy, và thực hành theo lời Phật dạy. Ta sẽ phân biệt giảng giải cho ông.”
Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát thưa rằng:
“Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con vui thích muốn nghe.”
Phật bảo Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát:
“Này thiện nam tử! Ông phải biết rằng, do bởi bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ bi hỷ xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, tất cả Phật Pháp, và Nhất Thiết Chủng Trí của Như Lai đều chí thiện và thanh tịnh nên Như Lai được thân thanh tịnh.
Nếu ai với tâm thanh tịnh và làm muôn sự cúng dường cho chư Phật Như Lai–họ dâng hương hoa anh lạc, tràng phan lọng che, và an trí những cái gối nệm ở trước Phật cùng các đồ vật để trang nghiêm xung quanh; lấy nước thơm thượng diệu để tắm rửa Tôn tượng; thắp lên những nén hương và vận ý khởi tưởng mùi hương đó xông khắp Pháp Giới; dâng cúng thức ăn nước uống; lại dùng âm nhạc ca vịnh và tán thán công đức tối thắng của NhưLai; phát lời thệ nguyện thù thắng và hồi hướng đến vô thượng biển Nhất Thiết Trí–thì công đức có được là vô lượng vô biên và tương tục mãi cho đến khi chứng quả Bồ-đề.
Vì sao thế? Bởi phước trí của Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn, vô số vô lượng, và không ai có thể sánh bằng.
Này thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn đều đầy đủ ba thân. Đó là Pháp thân, báo thân, và hóa thân. Sau khi Ta nhập Niết-bàn, nếu ai muốn cúng dường ba thân này thì họnên cúng dường xá-lợi của Ta. Nhưng xá-lợi có hai loại:
1. Thân cốt xá-lợi
2. Pháp tụng xá-lợi”
Đức Phật liền nói kệ rằng:
“Các pháp do duyên sanh NhưLai nói nhân này Pháp kia nhân duyên tận Là lời chư Phật dạy
Nếu thiện nam tín nữ và hàng năm chúng đệ tử xuất gia nào muốn tạo tượng Phật, hoặc những ai không sức mà muốn đóng góp chút ít, thậm chí chỉ lớn bằng hạt lúa tẻ, hoặc xây một cái tháp chỉ lớn bằng quả táo, cột trụ nhỏ như kim, mái che nhỏ như vỏ trấu, xá-lợi nhỏ như hạt cải, hoặc biên chép bài Pháp tụng và đặt ở trong tháp đó, thì cũng như lấy kỳ trân dị bảo mà làm cúng dường. Hãy làm theo khả năng của mỗi người và nếu có thểchí thành cung kính thì cũng như chính Ta hiện thân không khác.
Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh nào mà có thể làm các sự cúng dường như thế, thì sẽ thành tựu 15 loại công đức thù thắng để tự trang nghiêm thân họ:
1. Luôn biết hổthẹn.
2. Phát khởi tín tâm thanh tịnh.
3. Lòng dạngay thẳng.
4. Gần gũi bạn lành.
5. Nhập trí tuệ vô lậu.
6. Thường thấy chư Phật.
7. Luôn thọ trì Chánh Pháp.
8. Có thể thực hành theo lời dạy.
9. Tùy ý vãng sanh vào quốc độ thanh tịnh của chư Phật.
10. Nếu sanh trong hàng người thì sẽ sinh trong gia đình tôn quý giàu sang, được mọi người cung kính, và ai thấy cũng đều hoan hỷ.
11. Khi sanh trong chốn nhân gian thì tự nhiên sẽ luôn tưởng nhớ Phật.
12. Bè lũ của ma quân không thể tổn hại và não loạn.
13. Có thể hộ trì Chánh Pháp ở trong đời Mạt Pháp.
14. Được mười phương chư Phật gia hộ.
15. Sớm được thành tựu ngũ phần Pháp thân.”
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:
“Sau khi Ta nhập diệt
Xá-lợi muốn cúng dường
Thì hãy xây dựng tháp
Và đặt tượng Như Lai
Tại nơi tượng tháp kia
Tô vẽ mạn-đà-la
Dùng đủ mọi hương hoa
Rải lên ở trên đó
Lấy nước thơm tịnh diệu
Tắm gội vào tượng Phật
Các ẩm thực thượng vị
Đem hết dâng cúng dường
Tán thán Phật công đức
Vô lượng chẳng nghĩ bàn
Phương tiện trí thần thông
Sẽ mau đến bờ kia
Chứng đắc thân kim cang
Đầy đủ ba hai tướng
Với tám mươi vẻ đẹp
Cứu độchúng quần sanh”
Khi Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát nghe bài kệ này xong, ngài bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Chúng sanh ở đời sau cần phải tắm tượng như thế nào?”
Phật bảo Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát: “Các ông cần phải khởi chánh niệm đối với Như Lai, đừng chấp thường chấp đoạn, hoặc mê muội nơi có và không. Ở trong các Pháp lành, hãy khát ngưỡng và không nhàm chán, đắc nhập ba môn giải thoát, khéo tu tập trí tuệ, luôn mong muốn ra khỏi Tam Giới và chớ trụ nơi sanh tử. Lại đối với chúng sanh mà khởi lòng từ bi rộng lớn và nguyện sẽ mau được thành tựu ba thân.
Này thiện nam tử! Ta đã thuyết giảng TứThánh Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, và Lục Độ Ba-la-mật cho ông. Bây giờ Ta lại vì ông cùng các quốc vương, hoàng tử, đại thần, hoàng hậu, cung phi, trời, rồng, người, và quỷ thần mà chỉdạy phương pháp tắm tượng. Trong các sựcúng dường, tắm tượng là đệ nhất và thắng hơn việc đem bảy báu nhiều như cát sông Hằng để bố thí.
Khi tắm tượng, hãy lấy các loại hương, như là hương ngưu đầu chiên đàn, hương chiên đàn trắng, hương chiên đàn tím, hương trầm thủy, hương huân lục, hương uất kim, hương long não, hương linh lăng, hương cây hoắc, hay những loại hương quý khác, rồi đặt chúng trên một miếng đá sạch và nghiền ra thành bột. Sau đó, hãy hòa chung hương bột với nước để làm thành nước hương và đổ vào trong bình sạch.
Lại nữa, tại một nơi thanh tịnh, hãy lấy đất sạch mà dựng làm Pháp đàn, hoặc tròn hay vuông, kích cỡ tùy theo hoàn cảnh. Trên đó an trí các đồ vật để tắm, còn tượng Phật thì đặt ở chính giữa. Kế đến, rưới nước hương nóng ấm để tẩy rửa tượng. Rồi tiếp tục rưới nước trong như thế cho đến khi tượng được sạch sẽ và thơm khiết. Nước sử dụng phải là nước sạch, vì như thế sẽ không làm hại côn trùng.
Trong lúc tắm tượng, có thể thấm ướt bàn tay vào nước đã tắm tượng, rồi cho những giọt nước từ hai đầu ngón tay nhỏ xuống ở trên trán của mình. Đây gọi là Nước Cát Tường.
Về phần nước đã tắm tượng, hãy xả nước chảy ở trên chỗ đất sạch và chớ để chân của mình giẫm đạp.
Khi đã tắm tượng xong, hãy lấy một cái khăn mềm mại mà lau tượng cho sạch. Sau đó, hãy đốt các nén hương quý để hương thơm lan tỏa khắp quanh tượng. Khi xong, hãy an trí tượng về chỗ cũ.
Này thiện nam tử! Do bởi tắm tượng Phật với phương thức như thế, nên có thể khiến các ông cùng hàng đại chúng trời người, hiện đời thọ hưởng giàu sang, an vui, không bệnh, và sống lâu. Mọi điều cầu mong, không gì là chẳng toại. Còn bạn bè thân quyến thì thảy đều an ổn. Lìa hẳn tám nạn, vĩnh viễn ra khỏi bể khổ, không thọ thân nữ, và mau thành Chánh Giác.
Khi đã an trí tượng và đốt các loại hương, mặt đối trước tượng, kiền thành chắp tay, và hãy đọc kệ tán thán rằng:
Con nay tắm gội chư Như Lai Tịnh trí công đức trang nghiêm tụ Nguyện chúng quần sanh đời năm trược Mau chứng Như Lai tịnh Pháp thân
Giới định tuệ giải tri kiến hương Mười phương sát độ luôn phảng phất Nguyện khói hương này cũng như vậy Vô lượng vô biên làm Phật sự
Cũng nguyện ba đường khổ ách dừng Trừ sạch nhiệt não được thanh lương Đều phát vô thượng Bồ-đề tâm Vĩnh rời sông ái lên bờ kia”
Khi Phật thuyết Kinh này xong, lúc bấy giờ trong đại chúng có vô lượng vô biên Bồ-Tát đắc Vô Cấu Tam-muội. Vô lượng thiên chúng đắc trí tuệ bất thối. Các vị Thanh Văn lập nguyện cầu Phật quả. 84.000 chúng sanh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc ấy Thanh Tịnh Tuệ Bồ-Tát bạch Phật rằng:
“Bạch ThếTôn! Thật là hạnh phúc thay khi được bậc Đại sư từ mẫn dạy chúng con phương pháp tắm tượng. Con nay sẽ khuyên bảo quốc vương, đại thần, và hết thảy những ai có tín tâm cùng yêu mến công đức, rằng trong mỗi ngày hãy tắm gội Tôn tượng thì sẽ được lợi ích lớn. Chúng con sẽ luôn thọ trì và hoan hỷ phụng hành.”