Phẩm Sơ Phát Tâm Công Ðức Thứ mười bảy
Lúc bấy giờ, Thiên-Ðế-Thích bạch Pháp-Huệ Bồ-Tát rằng:
Thưa Phật-tử! Bồ-Tát sơ phát bồ-đề tâm được bao nhiêu công-đức?
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói:
Nghĩa đó rất sâu, khó nói, khó biết, khó phân-biệt, khó tin hiểu, khó chứng, khó làm, khó thông-đạt, khó tư-duy, khó đạt-lượng, khó thu nhập.
Tuy nhiên, thừa oai-thần của đức Phật, tôi sẽ nói cho ông.
Này Phật-tử! Giả sử có người đem tất cả đồ sở-thích cúng-dường chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở mười phương trọn một kiếp; rồi sau đó dạy họ thọ-trì ngũ-giới thanh-tịnh. Cứ theo ý ông, công-đức của người này nhiều chăng?
Thiên-Ðế thưa: ‘Công-đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.’
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói: ‘Này Phật-tử! Công-đức của người này đem so với công-đức sơ-phát-tâm của Bồ-Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na-do-tha ức, một phần số, một phần ca-la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà.
Giả sử có người đem tất cả đồ sở-thích cúng-dường chúng-sanh trong mười vô-số thế-giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập-thiện. Cúng-dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy trụ tứ-vô-lượng-tâm. Cúng-dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ-vô-sắc-định. Cúng-dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu-Ðà-Hoàn. Cúng-dường trọn ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A-La-Hán. Cúng-dường trọn trăm ngàn na-do-tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích-Chi-Phật.
Này Phật-tử! Cứ theo ý của ông, công-đức của người này có nhiều chăng?
Thiên-Ðế thưa: ‘Công-đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.’
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói: ‘Này Phật-tử! Công-đức của người này đem so với công-đức sơ-phát-tâm của Bồ-Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na-do-tha ức, một phần số, một phần ca-la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà.
Giả-sử có người đem tất cả đồ sở-thích cúng-dường chúng-sanh trong mười vô-số thế-giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập-thiện. Cúng-dường như vậy trọn ngàn kiếp rồi dạy tứ-thiền. Cúng-dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy tứ-vô-lượng-tâm. Cúng-dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ-vô-sắc-định. Cúng-dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu-Ðà-Hoàn. Cúng-dường trọn ngàn ức kiếp rồi dạy trụ quả Tư-Ðà-Hàm. Cúng-dường trọn trăm ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A-Na-Hàm. Cúng-dường trọn trăm ngàn na-do-tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích-Chi-Phật.
Này Phật-tử! Cứ theo ý của ông, công-đức của người này có nhiều chăng?
Thiên-Ðế thưa: ‘Công-đức của người này chỉ có Phật là biết được thôi.’
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói: ‘Này Phật-tử! Công-đức của người này đem so với công-đức của Bồ-Tát sơ-phát-tâm chẳng bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà.
Tại sao thế? Này Phật-tử! Tất cả chư Phật lúc sơ-phát-tâm, chẳng phải chỉ vì đem tất cả đồ sở-thích cúng-dường chúng-sanh trong mười vô-số thế-giới ở mười phương trải qua trăm kiếp, nhẫn đến trăm ngàn na-do-tha kiếp mà phát bồ-đề tâm. Cũng chẳng phải chỉ vì giáo-hóa những chúng-sanh ấy tu ngũ-giới, thập-thiện, tứ-thiền, tứ-không, nhẫn đến khiến trụ nơi quả A-La-Hán và Bích-Chi-Phật mà phát bồ-đề tâm. Chính là vì khiến Chủng-tánh Như-Lai chẳng dứt, vì đầy khắp tất cả thế-giới, vì độ thoát tất cả chúng-sanh trong tất cả thế-giới, vì biết rõ cả sự thành hoại của tất cả thế-giới, vì biết rõ chúng-sanh cấu tịnh trong tất cả thế-giới, vì biết rõ sở-thích, phiền-não, tập-khí của tất cả chúng-sanh, vì biết rõ sự chết đây sanh kia của tất cả chúng-sanh, vì biết rõ căn tánh phương-tiện của tất cả chúng-sanh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng-sanh, vì trí biết rõ tam-thế chúng-sanh, vì biết rõ cảnh-giới bình-đẳng của tất cả Phật, vì những điều trên đây mà phát tâm vô-thượng bồ-đề.
Này Phật-tử! Giả-sử có người trong một khoảng một niệm có thể qua khỏi phương đông vô-số thế-giới, đi luôn như vậy trọn vô-số kiếp, số thế-giới của người này đã trải qua khó có ai biết được.
Người thứ hai, trong một niệm có thể qua khỏi tất cả thế-giới của người thứ nhứt đã trải qua trong vô-số kiếp, người này cũng đi luôn mãi trọn vô-số kiếp.
Cứ lần lượt tuần-tự như vậy đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. Thế là trong mười phương có cả thảy trăm người. Số thế-giới của trăm người này đã trải qua còn có thể biết được tế-hạn.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát vô-thượng bồ-đề tâm, không ai có thể biết tế-hạn được.
Này Phật-tử! Tại sao vậy? vì Bồ-Tát phát bồ-đề tâm không có tế-hạn. Nghĩa là vì muốn biết rõ thập-phương tất cả thế-giới, muốn biết diệu thế-giới tức là thô thế-giới, và thô tức là diệu, thế-giới ngửa tức là thế-giới úp, và úp tức là ngửa, tiểu thế-giới tức là đại thế-giới và đại tức là tiểu, thế-giới rộng tức là thế-giới hẹp và hẹp tức là rộng, một thế-giới tức là bất-khả-thuyết thế-giới và bất-khả-thuyết tức là một, bất-khả-thuyết thế-giới vào trong một thế-giới và một thế-giới vào trong bất-khả-thuyết, uế thế-giới tức là tịnh thế-giới, và tịnh tức là uế, muốn biết trong đầu một sợi lông tất cả thế-giới tánh sai-biệt, trong tất cả thế-giới một đầu lông một thể-tánh, muốn biết trong một thế-giới xuất-sanh tất cả thế-giới, muốn biết tất cả thế-giới không thể-tánh, muốn dùng một niệm mà biết hết tất cả thế-giới rộng lớn mà không chướng-ngại. Vì cớ trên đây mà phát tâm vô-thượng bồ-đề.
Lại ví-dụ: giả-sử có người trong khoảng một niệm có thể biết kiếp số thành hoại trong vô-số thế-giới ở phương Ðông, cứ niệm niệm biết như vậy trọn vô-số kiếp.
Người thứ hai trong khoảng một niệm có thể biết tất cả kiếp số của người thứ nhứt đã biết trong vô-số kiếp, rồi niệm niệm biết như vậy trọn vô-số kiếp.
Cứ tuần tự tăng lên đến người thứ mười, chín phương kia cũng như vậy.
Thế là có cả thảy trăm người. Kiếp số thành hoại của tất cả thế-giới trong mười phương qua sự hiểu biết của trăm người này, còn có thể biết được ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát chẳng phải chỉ vì biết sự thành hoại của bao nhiêu thế-giới đó mà phát tâm vô-thượng bồ-đề. Mà vì muốn biết rõ sự thành hoại của tất cả thế-giới không thừa không sót nên phát tâm.
Nghĩa là muốn biết kiếp dài tức là kiếp ngắn, ngắn tức là dài, dài ngắn bình-đẳng, một kiếp bình-đẳng với vô-số kiếp, vô-số với một củng vậy, kiếp có Phật bình-đẳng với kiếp không Phật, không với có cũng vậy, trong kiếp một Phật có bất-khả-thuyết Phật, trong kiếp bất-khả-thuyết Phật có một Phật, hữu-lượng kiếp bình-đẳng với vô-lượng kiếp, vô-lượng kiếp bình-đẳng với hữu-lượng kiếp, hữu-tận kiếp bình-đẳng với vô-tận kiếp, vô-tận với hữu-tận cũng vậy, bất-khả-thuyết kiếp bình-đẳng với một niệm, một niệm bình-đẳng với bất-khả-thuyết kiếp, tất cả kiếp vào phi-kiếp, phi-kiếp vào tất cả kiếp. Vì muốn trong một niệm biết hết kiếp số thành hoại của tất cả thế-giới trong ba thời quá-khứ, vị-lai và hiện-tại, nên phát tâm vô-thượng bồ-đề.
Ðây gọi là sơ-phát-tâm đại-thệ trang-nghiêm trí thần-thông rõ biết tất cả kiếp.
Lại ví-dụ: ‘Giả-sử có người, trong khoảng một niệm có thể biết những tri-giải sai biệt của tất cả chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở phương Ðông. Niệm niệm biết rõ như vậy mãn vô-số kiếp.
Người thứ hai trong khoảng một niệm có thể biết những tri-giải của tất cả chúng-sanh mà người thứ nhứt đã biết trọn vô-số kiếp. Lần lượt tuần-tự đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.
Những tri-giải riêng biệt của tất cả chúng-sanh trong mười phương như vậy, còn có thể biết được ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát tâm chẳng phải vì chỉ muốn biết bao nhiêu tri-giải của bao nhiêu chúng-sanh đó, mà vì muốn biết những tri-giải của các chúng-sanh trong tất cả thế-giới.
Nghĩa là Bồ-Tát phát tâm vô-thượng bồ-đề, vì muốn biết tất cả tri-giải sai-biệt vô-biên, tri-giải sai-biệt của một chúng-sanh bình-đẳng với tri-giải của vô-số chúng-sanh, vì muốn được trí phương-tiện biết rõ bất-khả-thuyết tri-giải sai-biệt, muốn biết rõ mỗi mỗi tri-giải sai-biệt của tất cả chúng-sanh trọn vẹn không thừa sót, muốn biết rõ tri-giải thiện, bất-thiện, quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, muốn biết rõ tri-giải tương-tợ và chẳng tương-tợ, muốn biết rõ tất cả tri-giải tức là một tri-giải, một tri-giải tức là tất cả tri-giải, muốn biết được sức tri-giải của Như-Lai, muốn biết rõ sự sai-biệt của hữu-thượng-giải, vô-thượng-giải, hữu-dư-giải, vô-dư-giải, đẳng-giải, bất-đẳng-giải, hữu-y-giải, vô-y-giải, cộng-giải, bất-cộng-giải, hữu-biên-giải, vô-biên-giải, sai-biệt-giải, vô-sai-biệt-giải, thiện-giải, bất-thiện-giải, thế-gian-giải, xuất-thế-gian-giải, muốn được vô-ngại ở nơi tất cả diệu-giải, đại-giải, vô-lượng-giải, chánh-vị-giải, muốn dùng vô-lượng phương-tiện biết rõ trọn vẹn thập-phương tất cả chúng-sanh-giới, mỗi chúng-sanh có nào là tịnh-giải, tế-giải, thô-giải, muốn biết rõ trọn vẹn thâm-mật-giải, phương-tiện-giải, phân-biệt-giải, tự-nhiên-giải, tùy-nhân-khởi-giải, tùy-duyên-khởi-giải.
Vì muốn được như trên đây mà Bồ-Tát phát tâm vô-thượng chắnh-đẳng chánh-giác.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm, có thể biết căn tánh sai-biệt của tất cả chúng-sanh trong vô-số thế-giới phương Ðông, niệm niệm biết như vậy trọn vô-số kiếp.
Người thứ hai, trong một niệm, có thể rõ biết tất cả sự biết về căn-tánh chúng-sanh trọn vô-số kiếp của người thứ nhứt.
Lần lượt tuần-tự đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.
Những căn-tánh sai-biệt của bao nhiêu chúng-sanh trong bao nhiêu thế-giới của trăm người đó rõ biết trọn vô-số kiếp, còn có thể biết được ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì biết bao nhiêu căn-tánh đó, mà chính vì muốn biết rõ trọn vẹn những căn-tánh sai-biệt của tất cả chúng-sanh trong tất cả thế-giới. Nói rộng ra, nhẫn đến muốn biết trọn vẹn tất cả lưới căn-tánh mà Bồ-Tát phát tâm vô-thượng bồ-đề.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những chỗ sở-thích của những chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở phương Ðông, niệm niệm biết như vậy trọn vô-số kiếp. Tuần tự nới rộng đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. Chỗ sở-thích của thập phương chúng-sanh này còn có thể biết được ngằn mé.
Công-đức thiện-căn của Bồ-Tát sơ-phát-tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát-tâm chẳng phải vì chỉ để biết chừng ấy sở-thích của bao nhiêu chúng-sanh đó, mà chính là vì muốn biết tất cả sở-thích của tất cả chúng-sanh trong tất cả thế-giới.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những phương-tiện của những chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở phương Ðông. Tuần tự nới rộng như vậy nhẫn đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.
Những loại phương-tiện cùng thập phương chúng-sanh đó còn có thể biết được ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát-tâm chẳng phải vì để biết bao nhiêu phương-tiện của thập phương chúng-sanh đó, mà chính là để biết trọn vẹn những phương-tiện của tất cả chúng-sanh trong tất cả thế-giới.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những tâm sai-biệt của những chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những tâm sai-biệt của những chúng-sanh trong thập-phương thế-giới, còn có thể biết ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết ngần ấy tâm sai-biệt, mà chính vì để biết trọn vẹn những tâm sai-biệt của tất cả chúng-sanh trong tất cả thế-giới.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những nghiệp sai-biệt của những chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những nghiệp sai-biệt của những chúng-sanh trong thập phương thế-giới, còn có thể biết ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết những nghiệp sai-biệt của bao nhiêu chúng-sanh đó, mà chính là vì để biết rõ trọn vẹn những nghiệp sai-biệt của tất cả chúng-sanh trong tất cả thế-giới và cả tam-thế.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm, có thể biết những phiền-não của chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở phương Ðông. Lần lượt nới rộng nói đến người thứ mười và chín phương kia, còn có thể biết được ngằn mé.
Công-đức căn lành của Bồ-Tát sơ-phát-tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết những phiền-não của bao nhiêu chúng-sanh đó, mà chính vì để biết rõ trọn vẹn những phiền-não sai-biệt của những chúng-sanh trong tất cả thế-giới.
Nghĩa là muốn biết rõ trọn vẹn nhửng phiền-não nhẹ, nặng, chủng-tử hiện-hành, tất cả chúng-sanh có vô-lượng phiền-não, các loại sai-biệt, các loại giác-quán để đói trị sạch tất cả những tạp-nhiễm.
Muốn biết trọn vẹn phiền-não y tựa vô-minh, phiền-não tương-ưng với ai, để dứt kiết-sử phiền-não của tất cả loài.
Muốn biết trọn vẹn tham-phần, sân-phần, si-phần và đẳng-phần phiền-não, để dứt căn-bổn phiền-não.
Muốn biết trọn vẹn ngã phiền-não, ngã-sở phiền-não, ngã-mạn phiền-não, để giác-ngộ hết tất cả phiền-não.
Muốn biết trọn vẹn từ điên-đảo phân-biệt sanh ra căn-bổn phiền-não, tùy phiền-não, nhơn thân-kiến sanh sáu mươi hai kiến chấp, để điều-phục tất cả phiền-não.
Muốn biết trọn vẹn cái phiền-não, chướng-phiền-não, để phát tâm đại-bi, tâm cứu hộ dứt tất cả phiền-não khiến tất cả trí-tánh thanh-tịnh.
Vì muốn được như vậy mà Bồ-Tát phát tâm vô-thượng bồ-đề.
Lại ví-dụ: Giả-sử có người trong khoảng một niệm đem các thứ thượng-vị ẩm-thực, y-phục, hoa hương, phan lọng, tăng-già-lam, cung-điện thượng-diệu, màn-trướng báu, những tòa sư-tử trang-nghiêm và những diệu-bửu cung kính cúng-dường vô-số chư Phật phương Ðông và những chúng-sanh trong vô-số thế-giới, luôn trọn vô-số kiếp và cũng khuyên những chúng-sanh đó đồng cúng-dường Phật. Ðến khi chư Phật nhập diệt đều xây tháp cao rộng trang-nghiêm để thờ xá-lợi và hình tượng của Phật trọn vô-số kiếp. Chín phương kia cũng đều như vậy.
Này Phật-tử! Công-đức của người trên đây, theo ý ông, có nhiều chăng?
Thiên-Ðế thưa: ‘Công-đức đó chỉ có đức Phật là biết được thôi’.
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói: ‘Công-đức đem sánh với công-đức của Bồ-Tát sơ-phát-tâm không bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà.
Nới rộng như thế tuần-tự đến người thứ mười. Công-đức cúng-dường của tất cả người trên đây cũng không bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà đối với công-đức của Bồ-Tát sơ-phát-tâm.
Tại sao vậy? Vì Bồ-Tát phát tâm chẳng phải chỉ hạn cúng-dường bao nhiêu đức Phật như vậy, mà chính vì để cúng-dường thập-phương tam-thế tất cả chư Phật.
Bồ-Tát phát tâm này rồi, có thể biết tất cả quá-khứ chư Phật lúc mới thành chánh-giác đến lúc nhập niết-bàn, có thể tin bao nhiêu thiện-căn của tất cả vị-lai chư Phật, có thể biết bao nhiêu trí-huệ của tất cả hiện-tại chư Phật.
Tam-thế chư Phật có bao nhiêu công-đức, Bồ-Tát này có thể tin được, thọ được, có thể biết, có thể tu, có thể được, có thể chứng, có thể trọn nên, có thể cùng chư Phật bình-đẳng một tánh.
Tại sao vậy? Bồ-Tát này vì chẳng dứt phật-chủng mà phát tâm, vì đày khắp tất cả thế-giới, vì độ thoát tất cả chúng-sanh, vì biết rõ sự thành hoại của tất cả thế-giới, vì biết rõ sự cấu-tịnh của tất cả chúng-sanh, vì biết rõ ba cõi thanh-tịnh của tất cả thế-giới, vì biết rõ sở-thích, phiền-não, tập-khí của tất cả chúng-sanh, vì biết rõ tất cả chúng-sanh chết đây sanh kia, vì biết rõ căn-tánh phương-tiện của tất cả chúng-sanh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng-sanh, vì trí biết rõ tam-thế của tất cả chúng-sanh.
Vì những điều trên đây mà Bồ-Tát phát tâm vô-thượng bồ-đề.
Do phát tâm nên thường được tất cả tam-thế chư Phật ức-niệm, sẽ được vô-thượng bồ-đề. Liền được tất cả tam-thế chư Phật ban diệu-pháp. Liền cùng tất cả tam-thế chư Phật thể-tánh bình-đẳng. Ðã tu pháp trợ-đạo của tất cả tam-thế chư Phật. Trang-nghiêm phật-pháp bất cộng của tất cả tam-thế chư Phật. Ðược trọn vẹn trí-huệ thuyết pháp của tất cả tam-thế chư Phật.
Tại sao vậy? Vì phát tâm như đây sẽ được thành Phật.
Nên biết người này đồng với tam-thế chư Phật, bình-đẳng với cảnh-giới của chư Phật, bình-đẳng với công-đức của chư Phật, được trí-huệ chơn-thật một thân cùng vô-lượng thân rốt ráo bình-đẳng của chư Phật.
Lúc vừa phát tâm liền được thập phương tất cả chư Phật đồng khen ngợi, liền có thể thuyết pháp giáo-hoá điều-phục chúng-sanh trong tất cả thế-giới, liền có thể chấn-động tất cả thế-giới, liền có thể chiếu sáng tất cả thế-giới, liền có thể dứt diệt những khổ ác đạo của tất cả thế-giới, liền có thể nghiêm-tịnh tất cả quốc-độ, liền có thể thị-hiện thành Phật trong tất cả thế-giới, liền có thể khiến tất cả chúng-sanh đều được vui mừng, liền có thể vào tất cả pháp-giới-tánh, liền có thể được trí-huệ quang-minh của tất cả Phật.
Bồ-Tát sơ-phát-tâm đây chẳng phải cầu được một ít trong tam-thế, như là Phật, phật-pháp, Bồ-Tát, bồ-tát-pháp, Ðộc-giác, độc-giác-pháp, Thinh-văn, thinh-văn-pháp, thế-gian, thế-gian-pháp, xuất-thế-gian, xuất-thế-gian-pháp, chúng-sanh, chúng-sanh-pháp, mà chỉ cầu được nhứt-thiết-chủng-trí, nơi các pháp-giới, tâm không chấp trước.
Lúc bấy giờ, do thần-lực của Phật, mười phương đều mười ngàn phật-sát vi-trần-số thế-giới chấn-động sáu cách, mưa hoa trời, hương trời, tràng hoa trời, y-phục trời, báu-trời, đồ trang-nghiêm-trời, trỗi kỹ-nhạc trời, phóng quang-minh trời và âm-thinh trời.
Lúc đó, mười phương, đều qua khỏi ngoài mười phật-sát vi-trần-số thế-giới, có mười ngàn phật-sát vi-trần-số Phật đồng hiệu Pháp-Huệ, và đều hiện thân ra trước Pháp-Huệ Bồ-Tát mà bảo rằng:
Lành thay! Lành thay! Này Pháp-Huệ! Nay ông có thể thuyết được pháp đó. Chúng thế-gian ở mười phương, đều mười ngàn phật-sát vi-trần-số chư Phật cũng thuyết pháp đó.
Lúc ông thuyết pháp đó, có mười ngàn phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát phát tâm vô-thượng bồ-đề. Chư Phật chúng thế-gian đều thọ-ký cho họ: qua khỏi ngàn bất-khả-thuyết vô-biên kiếp, đồng xuất thế thành Phật trong một kiếp và đồng hiệu Thanh-Tịnh-Tâm Như-Lai, thế-giới khác nhau.
Chư Phật chúng thế-gian sẽ hộ-trì pháp này, khiến chư Bồ-Tát thời vị-lai, người chưa nghe đều được nghe.
Như ở Ta-Bà thế-giới này, trên đảnh Tu-di thuyết pháp như vậy khiến các chúng-sanh nghe pháp thọ hóa, mười phương trăm ngàn ức-na-do-tha vô-lượng, vô-biên, tận pháp-giới hư-không-giới, trong tất cả thế-giới cũng nói pháp này giáo-hóa chúng-sanh. Bồ-Tát thuyết-pháp đồng tên Pháp-Huệ. Ðều do thần-lực của Phật, nguyện-lực của Phật, vì muốn hiển-thị phật-pháp, vì dùng trí-quang chiếu khắp, vì muốn khai xiển thật nghĩa, vì khiến chứng được pháp-tánh, vì khiến hội chúng đều hoan-hỷ, vì muốn khai thị nhơn phật-pháp, vì được tất cả Phật bình-đẳng, vì rõ pháp-giới vô-nhị, nên thuyết-pháp như vậy.
Lúc đó Pháp-Huệ Bồ-Tát quan-sát khắp tất cả chúng-hội mười phương thế-giới, muốn đều thành-tựu các chúng-sanh, muốn đều trừ sạch những nghiệp quả báo, muốn đều khai hiển thanh-tịnh pháp-giới, muốn đều nhổ trừ căn-bổn tạp-nhiễm, muốn đều tăng-trưởng tín giải rộng lớn, muốn đều khiến biết rõ căn-tánh vô-lượng chúng-sanh, muồn đều khiến biết pháp tam-thế bình-đẳng, muốn đều khiến quan-sát niết-bàn-giới, muốn tăng-trưởng thiện-căn thanh-tịnh của mình, thừa oai-lực của Phật mà nói kệ rằng:
Vì lợi thế-gian phát đại tâm
Tâm đó khắp cùng cả mười phương
Chúng-sanh, quốc-độ pháp tam-thế
Phật và Bồ-Tát biển tối-thắng.
Rốt ráo hư-không khắp pháp-giới
Chỗ có tất cả những thế-gian
Như các Phật-pháp đều qua đến
Phát tâm như vậy không thối-chuyển.
Từ-niệm chúng-sanh không tạm bỏ
Lìa những não hại khắp nhiêu ích
Quang-minh chiếu thế làm sở-quy
Thập-Lực hộ niệm khó nghĩ bàn.
Thập phương quốc-độ đều đến vào
Tất cả hình sắc đều thị-hiện
Như Phật phước trí rộng vô-biên
Tùy thuận tu nhơn không chấp trước.
Có cõi ngửa, hoặc nghiêng, hoặc úp
Thô diệu rộng lớn vô-lượng thứ
Bồ-Tát một khi phát đại-tâm
Ðều qua đến được không chướng-ngại.
Bồ-Tát thắng hạnh bất-khả-thuyết
Ðều siêng tu tập vô-sở-trụ
Thấy tất cả Phật lòng mến thích
Khắp vào biển pháp sâu của Phật.
Thương xót ngũ-thú các quần-sanh
Khiến trừ cấu uế khắp thanh-tịnh
Nối thạnh phật-chủng chẳng đoạn-tuyệt
Dẹp dứt cung ma không có thừa.
Ðã trụ Như-Lai bình-đẳng tánh
Khéo tu vi-diệu phương-tiện-đạo
Nơi Phật cảnh-giới sanh tín-tâm
Ðược Phật quán đảnh tâm không trước.
Nhớ nghĩ báo ân cho đức Phật
Lòng như kim-cương chẳng bị ngăn
Có thể chiếu rõ công-hạnh Phật
Tự-nhiên tu tập hạnh bồ-đề.
Các loài sai-biệt vô-lượng tưởng
Nghiệp quả và tâm cũng chẳng một
Nhẫn đến căn-tánh các loại khác
Một khi phát tâm đều thấy rõ.
Tâm đó rộng lớn khắp pháp-giới
Vô-y, vô-biến, như hư-không
Xu-hướng phật-trí, không sở-thủ
Rõ chắc thiệt-tế lìa phân-biệt.
Biết tâm chúng-sanh không sanh-tưởng
Rõ thấu các pháp không pháp-tưởng
Dầu khắp phân-biệt mà vô-biệt
Ức na-do cõi đều qua đến.
Vô-lượng chư Phật diệu-pháp-tạng
Tùy thuận quan-sát đều vào được
Căn hạnh chúng-sanh đều biết cả
Ðến chỗ như vậy là như Phật.
Nguyện lớn thanh-tịnh hằng tương-ưng
Thích cúng-dường Phật không thối-chuyển
Trời người thấy đó không nhàm chán
Thường được chư Phật chỗ hộ niệm.
Tâm đó thanh-tịnh vô-sở-y
Dầu quán thâm-pháp mà chẳng chấp
Tư-duy như vậy vô-lượng kiếp
Ở trong tam-thế không sở trước.
Tâm đó kiên-cố khó chế ngăn
Ðến Phật bồ-đề không chướng-ngại
Chí cầu diệu-đạo trừ mê hoặc
Ði khắp pháp-giới chẳng khổ nhọc.
Biết pháp ngữ ngôn đều tịch-diệt
Chỉ vào chơn-như tuyệt dị-giải
Chư Phật cảnh-giới đều thuận quán
Ðạt nơi tam-thế tâm vô-ngại.
Bồ-Tát mới phát tâm rộng lớn
Có thể qua khắp mười phương cõi
Pháp-môn vô-lượng bất-khả-thuyết
Trí-quang chiếu khắp đều sáng tỏ.
Ðại-bi rộng độ rất không sánh
Từ-tâm cùng khắp đồng hư-không
Mà với chúng-sanh chẳng phân-biệt
Thanh-tịnh như vậy đi thế-gian.
Thập phương chúng-sanh đều an-ủy
Tất cả chỗ làm đều chơn-thật
Hằng dùng tịnh-tâm lời chẳng khác
Thường được chư Phật đồng gia-hộ.
Quá-khứ chỗ có đều ghi nhớ
Vị-lai tất cả đều phân-biệt
Thập phương thế-giới khắp vào trong
Ðể độ chúng-sanh khiến ra khỏi.
Bồ-Tát đầy đủ diệu trí-quang
Khéo rõ nhơn-duyên không có nghi
Tất cả mê hoặc đều dứt trừ
Như vậy mà đi nơi pháp-giới.
Ma-Vương cung-điện đều dẹp phá
Chúng-sanh màn lòa đều trừ dứt
Lìa những phân-biệt tâm chẳng động
Khéo rõ cảnh-giới của Như-Lai.
Lưới nghi tam-thế đều đã trừ
Ðối với Như-Lai sanh tịnh-tín
Do tin được thành trí bất-động
Do trí thanh-tịnh hiểu chơn-thiệt.
Vì khiến chúng-sanh được xuất ly
Tận thời vị-lai khắp lợi-ích
Mãi mãi cần khổ tâm chẳng nhàm
Nhẫn đến địa-ngục cũng an-thọ.
Phước trí vô-lượng đều đầy đủ
Chúng-sanh căn dục đều rõ biết
Và những nghiệp-hạnh đều biết cả
Theo sở-thích họ vì thuyết-pháp.
Rõ biết tất cả không vô-ngã
Từ-niệm chúng-sanh thường không bỏ
Dùng một đại-bi vi-diệu âm
Vào khắp thế-gian mà diễn-thuyết.
Phóng đại quang-minh các mầu sắc
Chiếu khắp chúng-sanh trừ đen tối
Trong quang Bồ-Tát ngồi liên-hoa
Vì chúng xiển-dương pháp thanh-tịnh.
Nơi đầu một lông hiện các cõi
Chư đại Bồ-Tát đều sung mãn
Chúng-hội trí-huệ sai-khác cả
Ðều rõ biết được tâm chúng-sanh.
Thập phương thế-giới bất-khả-thuyết
Một niệm đi khắp hết tất cả
Lợi ích chúng-sanh cúng-dường Phật
Nơi chỗ chư Phật hỏi thâm-nghĩa.
Nơi chư Như-Lai tưởng là cha
Vì lợi chúng-sanh tu giác-hạnh
Trí-huệ thiện-xảo thông pháp-tạng
Vào nơi thâm-trí không sở-trước.
Tùy thuận tư-duy nói pháp-giới
Trải vô-lượng kiếp chẳng cùng tận
Trí dầu khéo vào không xứ sở
Không có mỏi nhàm không sở-trước.
Sanh trong nhà tam-thế chư Phật
Chứng được Như-Lai diệu pháp-thân
Khắp vì quần-sanh hiện các sắc
Ví như thuật-gia làm tất cả.
Hoặc hiện mới tu hạnh thù-thắng
Hoặc hiện sơ-sanh và xuất-gia
Hoặc hiện dưới cây thành bồ-đề
Hoặc vì chúng-sanh hiện nhập diệt.
Bồ-Tát trụ nơi pháp hi-hữu
Là Phật-cảnh chẳng phải nhị-thừa
Thân ngữ ý tưởng đều đã trừ
Các thứ tùy nghi đều hiện được.
Bồ-Tát chỗ được các phật-pháp
Chúng-sanh tư-duy phát cuồng loạn
Trí nhập thiệt-tế tâm vô-ngại
Khắp hiện Như-Lai sức tự-tại.
Ðây ở thế-gian không sánh bằng
Huống là lại thêm hạnh thù-thắng
Dầu chưa đầy đủ nhất-thiết-trí
Ðã được Như-Lai tự-tại-lực.
Ðã trụ nhứt-thừa đạo rốt-ráo
Sâu vào pháp vi-diệu tối-thượng
Khéo biết chúng-sanh thời, phi-thời
Vì lợi-ích nên hiện thần-thông.
Phân thân đầy khắp tất cả cõi
Phóng tịnh quang-minh trừ đời tối
Ví như Long-Vương khởi đại-vân
Khắp tuôn mưa mầu đều đầy thấm.
Quan-sát chúng-sanh như ảo-mộng
Do nghiệp-lực nên thường lưu chuyển
Ðại-bi xót thương đều cứu vớt
Vì nói vô-vi tịnh pháp-tánh.
Phật-lực vô-lượng đây cũng vậy
Ví như hư-không vô-lượng-biên
Vì khiến chúng-sanh được giải-thoát
Ức kiếp siêng tu không mỏi nhọc.
Quan-sát tư-duy diệu công-đức
Khéo tự-tại hạnh đệ-nhứt vô-thượng
Nơi các thắng-hạnh luôn chẳng bỏ
Chuyên niệm sanh thành nhứt-thiết-trí.
Một thân thị-hiện vô-lượng thân
Tất cả thế-giới đều đầy khắp
Tâm đó thanh-tịnh vô phân-biệt
Một niệm khó nghĩ, sức như vậy.
Nơi các thế-gian chẳng phân-biệt
Nơi tất cả pháp không vọng-tưởng
Quán sâu các pháp mà chẳng lấy
Hằng cứu chúng-sanh không sở-độ.
Tất cả thế-gian chỉ là tưởng
Ở trong các thứ đều sai khác
Biết cảnh-giới tưởng hiểm và sâu
Vì hiện thần-thông để độ thoát.
Ví như thuật-gia sức tự-tại
Bồ-Tát thần-biến cũng như vậy
Thân khắp pháp-giới và hư-không
Tùy tâm chúng-sanh đều được thấy.
Năng sở phân-biệt lìa cả hai
Tạp nhiễm thanh-tịnh không sở-thú
Hoặc phược hoặc giải trí đều quên
Chỉ nguyện khắp ban vui quần-chúng.
Tất cả thế-gian chỉ tưởng lực
Dùng trí mà vào tâm vô-úy
Tư-duy các pháp cũng như vậy
Suy cầu tam-thế bất-khả-đắc.
Hay vào quá-khứ trọn thời trước
Hay vào vị-lai trọn thời sau
Hay vào hiện-tại tất cả chỗ
Thường siêng quan-sát không chỗ có.
Tùy-thuận niết-bàn pháp tịch-diệt
Trụ nơi vô-tránh vô-sở-y
Tâm như thiệt-tế không gì sánh
Chuyên hướng bồ-đề trọn chẳng thối.
Tự-tại những thắng hạnh không thối khiếp
An trụ bồ-đề chẳng động lay
Phật và Bồ-Tát cùng thế-gian
Cùng tận pháp-giới đều sáng tỏ.
Muốn được tối-thắng đạo đệ nhứt
Là vua giải-thoát nhứt-thiết-trí
Nên phải mau phát bồ-đề tâm
Hết hẳn hữu-lậu lợi quần-sanh.
Xu-hướng bồ-đề tâm thanh-tịnh
Công-đức rộng lớn bất-khả-thuyết
Vì lợi quần-sanh nên khen thuật
Phật-tử các ngài nên nghe kỹ.
Vô-lượng thế-giới đều làm bụi
Trong mỗi hạt bụi vô-lượng cõi
Mỗi cõi chư Phật đều vô-lượng
Ðều hay thấy rõ không sở-thủ.
Khéo biết chúng-sanh không sanh-tưởng
Khéo biết ngữ-ngôn không ngữ-tưởng
Nơi các thế-giới tâm vô ngại
Ðều khéo biết rõ không sở-trước.
Tâm đó rộng lớn như hư-không
Việc trong tam-thế đều rõ suốt
Tất cả nghi-hoặc đều dứt trừ
Chánh-quán phật-pháp không sở-thủ.
Mười phương vô-lượng các quốc-độ
Một niệm qua đến lòng vô-trước
Liễu đạt thế-gian những pháp khổ
Ðều trụ vô-sanh chân-thiệt-tế.
Vô-lượng nan-tư chỗ chư Phật
Ðều đến hội đó để lễ Phật
Thường làm thượng-thủ hỏi Như-Lai
Bồ-Tát thật-hành những nguyện-hạnh.
Tâm thường nhớ đến Phật mười phương
Mà không sở-y không sở-thủ
Hằng khuyên chúng-sanh trồng thiện-căn
Trang-nghiêm quốc-độ khiến thanh-tịnh.
Tất cả chúng-sanh trong ba cõi
Dùng vô-ngại-nhãn đều quan-sát
Bao nhiêu tập tánh những căn giải
Vô-lượng vô-biên đều thấy rõ.
Chúng-sanh sở-thích đều rõ biết
Như vậy tùy nghi vì thuyết pháp
Nơi những nhiễm tịnh đều thông đạt
Khiến kia vô-số những tam-muộI
Bồ-Tát một niệm đều vào được
Trong đó tưởng trí và sở-duyên
Ðều khéo biết rõ được tự-tại.
Bồ-Tát được trí rộng lớn này
Mau đến bồ-đề không sở-ngại
Vì muốn lợi ích các quần-sanh
Mọi nơi tuyên dương đại-nhơn pháp.
Khéo biết thế-gian kiếp dài ngắn
Một tháng nửa tháng và ngày đêm
Quốc-độ riêng biệt tánh bình-đẳng
Thường siêng quan-sát chẳng phóng-dật.
Ðến khắp mười phương các thế-giới
Mà nơi phương xứ không sở-thủ
Nghiêm-tịnh quốc-độ đều không thừa
Mà chẳng phân biệt là nghiêm-tịnh.
Chúng-sanh thị-xứ hoặc phi-xứ
Và đến những nghiệp hoặc báo khác
Tùy thuận tư-duy vào Phật-lực
Nơi đây tất cả đều rõ biết.
Tất cả thế-gian những căn tánh
Những thứ nghiệp-hạnh vào ba cõi
Lợi-căn và trung cùng hạ-căn
Tất cả như vậy đều quan-sát.
Tịnh cùng bất-tịnh những tri-giải
Thắng, liệt và trung đều thấy rõ
Công-hạnh chỗ đến của chúng-sanh
Ba cõi tương-tục đều thuyết được.
Thiền-định giải-thoát các tam-muội
Nhiễm-tịnh nhơn khởi đều chẳng đồng
Và cùng đời trước khổ vui khác
Tịnh tu phật-lực đều hay thấy.
Chúng-sanh nghiệp hoặc nối các loài
Dứt các loài này được tịch-diệt
Những pháp hữu-lậu trọn chẳng sanh
Và tập chủng kia đều rõ biết.
Như-Lai phiền-não đều trừ hết
Ðại-trí quang-minh chiếu thế-gian
Bồ-Tát ở trong Phật thập-lực
Dầu chưa chứng được cũng không nghi.
Bồ-Tát ở trong một chưn lông
Niệm khắp mười phương vô-lượng cõi
Hoặc có tạp nhiễm hoặc thế-gian
Các thứ nghiệp hạnh đều rõ biết.
Trong một vi-trần vô-lượng cõi
Vô-lượng chư Phật và Phật-tử
Các cõi riêng khác không tạp loạn
Như một, tất cả đều thấy rõ.
Nơi một chưn lông thấy mười phương
Hết Hư-không-giới các thế-gian
Chẳng có một nơi không có Phật
Cõi Phật như vậy đều thanh-tịnh.
Ở trong chưn lông thấy cõi Phật
Lại thấy tất cả các chúng-sanh
Tam-thế sáu loài đều chẳng đồng
Ngày, đêm, giờ, tháng có phược giải.
Ðại-trí như vậy các Bồ-Tát
Chuyên tâm xu-hướng ngôi Pháp-Vương
Nơi cảnh Phật trụ thuận tư-duy
Mà được vô-biên đại-hoan-hỷ.
Bồ-Tát phân thân vô-lượng ức
Cúng-dường tất cả chư Như-Lai
Thần-thông biến-hiện thắng vô-tỉ
Chỗ Phật sở-hành đều trụ được.
Với vô-lượng Phật đều mến khen
Bao nhiêu pháp-tạng đều say nếm
Thấy Phật nghe pháp siêng tu hành
Như uống cam-lộ lòng vui đẹp.
Ðã được Như-Lai thắng tam-muội
Khéo vào các pháp trí tăng-trưởng
Tín tâm bất động như Tu-Di
Làm tạng công-đức cho quần-sanh.
Từ-tâm rộng lớn khắp chúng-sanh.
Ðều nguyện mau thành nhứt-thiết-trí
Mà luôn vô-trước, không sở-y
Lìa các phiền-não được tự-tại.
Trí rộng lớn thương xót chúng-sanh
Nhiếp khắp tất cả đồng với mình
Biết không, vô-tướng, không chơn thật
Mà lòng tu hành không lười trễ.
Bồ-Tát phát tâm lượng công-đức
Ức kiếp ca ngợi không hết được
Vì xuất-sanh các đức Như-Lai
Và quả Thinh-văn quả Ðộc-giác.
Mười phương quốc-độ các chúng-sanh
Ban cho an-vui vô-lượng-kiếp
Khuyên trì ngũ giới và thập thiện
Tứ-thiền, tứ-tâm, các định-xứ.
Lại trọn nhiều kiếp ban an vui
Khiến dứt phiền-não thành La-Hán
Những phước-đức đó dầu vô-lượng
Nhưng chẳng bằng công-đức phát tâm.
Lại dạy ức chúng thành duyên-giác
Ðược hạnh vô-tránh đạo vi-diệu
Ðem đó sánh với bồ-đề tâm
Toán-số thí-dụ không bằng được.
Một niệm qua được trần số cõi
Như vậy đi mãi vô-lượng kiếp
Số những cõi đó còn tính được
Công-đức phát tâm chẳng thể biết.
Quá-khứ, vị-lai và hiện tại
Bao nhiêu kiếp-số vô-lượng-biên
Những kiếp số này còn biết được
Công-đức phát tâm chẳng thể lường.
Do tâm bồ-đề khắp mười phương
Bao nhiêu phân-biệt đều biết cả
Một niệm tam-thế đều thấu tỏ
Vì lợi-ích vô-lượng chúng-sanh.
Thập phương thế-giới những chúng-sanh
Ý muốn, tri-giải và phương tiện
Ðến hư-không-giới đều lường được
công-đức phát tâm khó lường biết.
Bồ-Tát chí nguyện khắp mười phương
Từ-tâm lợi khắp các quần-sanh
Ðều khiến tu-hành Phật công-đức
Thế nên sức đó không ngằn mé.
Chúng-sanh: muốn, hiểu, lòng sở-thích
Căn-tánh, phương-tiện, hạnh riêng biệt
Nơi trong một niệm đều rõ biết
Nhứt-thiết-trí-trí tâm đồng đẳng.
Tất cả chúng-sanh các hoặc nghiệp
Ba cõi tương-tục không tạm dứt
Những ngằn mé này còn biết được
Công-đức phát tâm khó nghĩ bàn.
Phát tâm hay lìa nghiệp phiền-não
Cúng-dường tất cả chư Như-Lai
Nghiệp hoặc đã lìa tương-tục dứt
Khắp trong bình-đẳng đời được giải-thoát.
Một niệm cúng-dường vô-biên Phật
Cũng cúng vô-số các chúng-sanh
Ðều dùng hương hoa và tràng đẹp
Tràng phan lọng báu y-phục tốt.
Thức ngon tòa báu chỗ kinh-hành
Các thứ cung-điện đều nghiêm tốt
Tỳ-Lô-Giá-Na diệu bửu-châu
Như-ý ma-ni phát sáng chói,
Như vậy niệm niệm đem cúng-dường
Trọn vô-lượng kiếp bất-khả-thuyết
Người đó phước-tụ dầu lại nhiều
Chẳng bằng phát tâm công-đức lớn.
Ðã nói bao nhiêu những ví-dụ
Không có bằng được bồ-đề-tâm
Bởi vì tam-thế chư Như-Lai
Ðều từ phát tâm này mà có.
Phát tâm vô-ngại không chừng ngằn
Muốn cầu lượng đó không thể được
Nhứt-thiết-trí-trí nguyện tất thành
Bao nhiêu chúng-sanh đều độ trọn.
Phát tâm rộng lớn đồng hư-không
Sanh những công-đức đồng pháp-giới
Công-hạnh phổ-biến không khác: ‘như’
Trọn lìa chấp-trước bình-đẳng: ‘Phật’.
Tất cả pháp-môn đều vào cả
Tất cả quốc-độ đều qua được
Tất cả trí-cảnh đều thông-đạt
Tất cả công-đức đều thành-tựu.
Tất cả năng-xả luôn tương tục
Tịnh các giới-phẩm không sở-trước
Ðầy đủ vô-thượng công-đức lớn
thường siêng tinh-tấn bất-thối-chuyển.
Vào thâm thiền-định thường tư-duy
Trí-huệ rộng lớn đồng tương-ưng
Ðây là bực Bồ-Tát tối-thắng
Xuất sanh tất cả đạo Phổ-Hiền.
Tam-thế tất cả chư Như-Lai
Ðều dùng tam-muội đà-la-ni
Thần-thông biến-hóa đồng trang-nghiêm.
Mười phương chúng-sanh vô-biên-lượng
Thế-giới hư-không cũng như vậy
Phát tâm vô-lượng hơn số kia
Do đây hay sanh tất cả Phật.
Bồ-đề tâm là gốc thập-lực
Cũng là gốc tứ-biện vô-úy
Và mười tám phật-pháp bất-cộng
Tất cả đều từ phát tâm được.
Chư Phật thân sắc-tướng đoan-nghiêm
Nhẫn đến diệu-pháp-thân bình-đẳng
Trí-huệ vô-trước đáng cúng-dường
Ðều do phát tâm mà được có.
Tất cả Ðộc-Giác Thinh-Văn thừa
Sắc-giới tứ-thiền tam-muội lạc
Và vô sắc-giới tứ định-xứ
Ðều do phát tâm làm cội gốc.
Tất cả Trời người tự-tại vui
Nhẫn đến các loài các thứ vui
Tinh-tấn, định, huệ, căn, lực thảy
Tất cả đều do sơ-phát-tâm.
Từ nhơn phát khởi tâm rộng lớn
Thời hay tu-hành lục-độ hạnh
Khuyên các chúng-sanh tự-tại chánh-hạnh
Ở trong tam-giới thọ an-vui.
Trụ Phật-trí vô-ngại thiệt nghĩa
Bao nhiêu diệu-hạnh đều khai mở
Hay khiến vô-lượng các chúng-sanh
Ðều dứt hoặc nghiệp hướng niết-bàn.
Trí-huệ sáng chói như tịnh-nhựt
Các hạnh đầy đủ như trăng tròn
Công-đức luôn đầy như biển-cả
Không nhơ không ngại đồng hư-không.
Khắp phát vô-biên nguyện công-đức
Ðều ban vui tất cả chúng-sanh
Tận thuở vị-lai y nguyện hạnh
Thường siêng tu tập độ chúng-sanh.
Vô-lượng đại-nguyện khó nghĩ bàn
Nguyện khiến chúng-sanh đều thanh-tịnh
Không, vô-tướng, vô-nguyện, vô-y
Do vì nguyện-lực đều hiển rõ.
Rõ pháp tự-tánh như hư-không
Tất cả tịch-diệt đều bình-đẳng
Pháp-môn vô-số bất-khả-thuyết
Vì chúng-sanh nói không sở-trước.
Thập phương thế-giới chư Như-Lai
Ðều đồng tán-thán sơ-phát-tâm
Tâm này vô-lượng đức trang-nghiêm
Ðến được bờ kia đồng với Phật.
Như số chúng-sanh ngần ấy kiếp
Nói công-đức đó chẳng thể hết
Bởi ở nhà lớn của Như-Lai
Các pháp thế-gian không dụ được.
Muốn biết tất cả các phật-pháp
Phải nên mau phát bồ-đề-tâm
Tâm này hơn hết trong công-đức
Tất được Như-Lai vô-ngại-trí.
Chúng-sanh tâm hành đếm biết được
Quốc-độ vi-trần cũng đếm được
Ngằn mé hư-không có thể lường
Phát tâm công-đức không lường được.
Xuất-sanh tam-thế tất cả Phật
Thành-tựu thế-gian tất cả vui
Tăng-trưởng tất cả thắng công-đức
Dứt hẳn tất cả các nghi hoặc.
Khai-thị tất cả diệu cảnh-giới
Trừ hết tất cả các chướng-ngại
Thành-tựu tất cả cõi thanh-tịnh
Xuất-sanh tất cả trí Như-Lai.
Muốn thấy thập-phương tất cả Phật
Muốn ban vô tận công-đức tạng
Muốn diệt chúng-sanh tất cả khổ
Phải nên mau phát bồ-đề-tâm.