Phẩm Quang Minh Giác Thứ chín
Lúc bấy giờ, đức Thế-Tôn, từ dưới lòng hai bàn chưn, phóng ra trăm ức tia sáng chiếu khắp Ðại-thiên thế-giới: trăm ức Diêm-Phù-Ðề, trăm ức Phất-Bà-Ðề, trăm ức Cù-Gia-Ni, trăm ức Uãt-Ðơn-Việt, trăm ức đại-hải, trăm ức Luân-Vi-Sơn, trăm ức Bồ-Tát thọ sanh, trăm ức Bồ-Tát xuất gia, trăm ức Như-Lai thành chánh giác, trăm ức Như-Lai chuyển pháp luân, trăm ức Như-Lai nhập niết-bàn, trăm ức Tu-Di-Sơn, trăm ức Tứ-Vương-Thiên, trăm ức Ðao-Lợi-Thiên, trăm ức Dạ-Ma-Thiên, trăm ức Ðâu-Suất-Thiên, trăm ức Hóa-Lạc-Thiên, trăm ức Tha-Hóa-Thiên, trăm ức Sơ-Thiền-Thiên, trăm ức Nhị-Thiền-Thiên, trăm ức Tâm-Thiền-Thiên, trăm ức Tứ-Thiền-Thiên, nhẫn đến trăm ức Sắc-Cứu-Cánh-Thiên. Tất cả vật cảnh trong Ðại-Thiên thế-giới đều được quang-minh của Thế-Tôn soi sáng hiển hiện cả.
Như nơi đây hiện thấy đức Thế-Tôn ngồi tòa Liên-Hoa-Tạng-Sư-Tử, mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát vây quanh. Trong trăm ức Diêm-Phù-Ðề khác, cũng đều có Như-Lai an-tọa như thế cả.
Do thần lực của Phật, trong mười phương, mỗi phương đều có một đại Bồ-Tát cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội đến chỗ đức Phật ngự: Ðông-phương Kim-Sắc thế-giới có Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát, Nam-phương Diệu-Sắc thế-giới có Giác-Thủ Bồ-Tát, Tây-phương Liên-Hoa-Sắc thế-giới có Tài-Thủ Bồ-Tát, Bắc-phương Chiêm-Bặc-Hoa-Sắc thế-giới có Bửu-Thủ Bồ-Tát, Ðông-bắc-phương Ưu-Bát-La-Hoa-Sắc thế-giới có Bồ-Tát Công-Ðức-Thủ, Ðông-nam-phương Kim-Sắc thế-giới có Mục-Thủ Bồ-Tát, Tây-nam-phương Bửu-Sắc thế-giới có Tinh-Tấn-Thủ Bồ-Tát, Tây-bắc-phương Kim-Cang-Sắc thế-giới có Pháp-Thủ Bồ-Tát, Hạ-phương Pha-Lê-Sắc thế-giới có Trí-Thủ Bồ-Tát, Thượng-phương Bình-Ðẳng-Sắc thế-giới có Hiềm-Thủ Bồ-Tát.
Lúc đó, trong tất cả trăm ức đạo-tràng, nơi chư Phật ngự, trăm ức Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát đồng thời ứng thinh nói kệ rằng:
Nếu có ai thấy Phật
Giải-thoát lìa hữu lậu
Chẳng tham trước thế-gian
Người này chẳng chứng đạo.
Nếu ai biết Như-Lai
Thể-tướng vô-sở-hữu
Tu tập được rõ ràng
Người này mau thành Phật.
Nếu thấy thế-giới này
Tâm được chẳng dao-động
Với Phật-thân cũng vậy
Sẽ thành bực Thắng-Trí.
Nếu với Phật cùng Pháp
Ðược tâm trọn bình đẳng
Chẳng móng khởi nhị niệm
Sẽ lên bực Nan-Tư.
Nếu thấy Phật và thân
Bình đẳng mà an-trụ
Vô trụ vô sở nhập
Sẽ thành bực Nam-Ngộ.
Sắc, Thọ không có số
Tưởng, Hành, Thức cũng vậy
Nếu biết được như đây
Sẽ là Ðại-Mâu-Ni.
Kiến chấp thế, xuất thế
Tất cả đều vượt khỏi
Mà hay khéo biết pháp
Sẽ thành bực Ðại-Quang.
Nếu nơi đấng Toàn-Trí
Phát sanh tâm hồi hướng
Thấy tâm không chỗ sanh
Sẽ được bực Hồng-Danh.
Chúng-sanh không có sanh
Cũng lại không có hoại
Nếu được trí như vậy
Sẽ thành vô-thượng-đạo.
Trong một: hiểu vô-lượng
Trong vô-lượng: hiểu một
Rõ kia sanh lẫn nhau
Sẽ thành vô-sở-úy.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu ra ngoài thế-giới này suốt đến mười phương, mỗi phương đều chiếu mười quốc-độ. Trong những cõi đó, tất cả vật cảnh từ Diêm-Phù-Ðề đến Sắc-Cứu-Cánh-Thiên đều được chói sáng, và đều có đức Phật ngự trên tòa sư-tử như ở cõi này.
Do thần-lực của đức Phật, mười phương đều có một đại Bồ-Tát cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội đến chỗ Phật, cũng chính là Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v…
Bấy giờ, ở trước mỗi Như-Lai, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát đồng thời ứng thinh nói kệ rằng:
Chúng-sanh không trí-huệ
Tham-ái đâm thương độc
Vì cứu họ nên Phật
Cầu Bồ-Ðề vô-thượng.
Thấy các nơi các pháp
Ðều xa rời hai bên
Ðạo thành trọn chẳng thối
Chuyển pháp luân vô đẳng.
Bất-khả-tư-nghì kiếp
Tinh-tấn tu các hạnh
Vì độ các chúng-sanh
Là nguyện lực của Phật.
Ðạo-sư hàng quân ma
Dũng-kiện không ai hơn
Quang-minh diễn diệu-nghĩa
Từ-bi nên như vậy.
Dùng tâm-trí-huệ kia
Phá các chướng phiền não
Một niệm thấy tất cả
Là thần lực của Phật.
Ðánh trống lớn chánh pháp
Giác ngộ mười phương cõi
Ðều khiến đến bồ-đề
Sức tự-tại như vậy.
Chẳng hoại vô-biên cảnh
Mà đi ức cõi nước
Với cõi không trệ trước
Kia tự-tại như Phật.
Chư Phật như hư-không
Rốt ráo thường thanh-tịnh
Nghĩ nhớ lòng hoan hỉ
Kia các nguyện đầy đủ.
Trong mỗi mỗi địa ngục
Trải qua vô-lượng kiếp
Vì cứu độ chúng-sanh
Mà nhẫn được khổ này.
Chẳng tiếc nơi thân mạng
Thường hộ các phật-pháp
Vô ngã tâm điều nhu
Hay được đạo Như-Lai.
Lúc đó quang-minh của đức Phật chiếu quá mười phương thế-giới, rồi chiếu suốt trăm thế-giới ở mỗi phương trong mười phương. Nơi các thế-giới ấy đều có Như-Lai ngự tòa sư-tử như ở tại đây, và do thần-lực của đức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ-Tát, tức là Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… cùng mười Phật-sát-vi-trần-số Bồ-Tát đồng đến chỗ Phật.
Bấy giờ, trước mỗi đức Phật, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Phật rõ pháp như huyễn
Thông đạt không chướng ngại
Tâm tịnh lìa tham chấp
Ðiều phục các chúng-sanh.
Hoặc có thấy sơ sanh
Sắc đẹp như núi vàng
Trụ thân tối hậu này
Làm mặt nguyệt nhơn loại
Hoặc thấy Phật kinh hành
Ðủ vô-lượng công-đức
Niệm huệ đều thiện xảo
Bước đi Ðại-Sư-Tử.
Hoặc thấy mắt xanh biếc
Quan-sát khắp mười phương
Có lúc hiện vui cười
Vì thuận lòng quần chúng.
Hoặc thấy sư tử hống
Thân thù thắng vô tỉ
Thị hiện tối hậu sanh
Nói lời đều chơn thật.
Hoặc có thấy xuất gia
Giải thoát những hệ phược
Tu tập hạnh chư Phật
Thường thích quán tịch diệt.
Hoặc thấy ngồi đạo-tràng
Rõ biết tất cả pháp
Ðến bờ công-đức kia
Phiền não si đã hết.
Hoặc thấy thắng thượng phu
Ðầy đủ tâm đại-bi
Chuyển pháp luân vi diệu
Ðộ vô-lượng chúng-sanh.
Hoặc thấy sư tử hống
Oai quang rất thù-đặc
Siêu tất cả thế-gian
Thần thông lực vô đẳng
Hoặc thấy tâm tịch tịnh
Như ngọn đèn tắt hẳn
Hiện các loại thần thông
Ðấng thập lực như vậy.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu khỏi trăm thế-giới, suốt đến khắp ngàn thế-giới ở mỗi phương trong mười phương. Nơi mười phương thế-giới này cũng đều có đức Phật ngự đạo-tràng giữa chúng hội mười-phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần lực của đức Phật, mỗi phương trong mười phương đều có một đại Bồ-Tát, chính là Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, trước mỗi đức Phật, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Phật nơi pháp thậm thâm
Thông đạt không ai sánh
Chúng-sanh không thấy được
Phật tuần tự khai thị
Ngã tánh chưa từng có
Ngã sở cũng không tịch
Cớ sao chư Như-Lai
Lại được có thân thể
Ðấng giải-thoát Minh-Hạnh
Vô-số vô-đẳng luân
Các nhơn lượng thế-gian
Tìm lỗi không thể được.
Phật chẳng phải những loại
Uẩn, xứ, giới, sanh tử
Số pháp vẫn không thành
Nên hiệu Nhơn-Sư-Tử.
Tánh Phật vốn không tịch
Trong ngoài đều giải-thoát
Rời tất cả vọng niệm
Pháp vô-đẳng như vậy.
Thế tánh thường bất động
Không ngã không đến đi
Mà hay giác ngộ đời
Vô-biên đều điều phục.
Thường thích quán tịch diệt
Một tướng không có hai
Tâm Phật không tăng giảm
Hiện vô-lượng thần lực.
Chẳng làm hạnh nghiệp báo
Nhơn duyên của chúng-sanh
Mà rõ thấu vô ngại
Ðấng Thiện-Thệ như vậy.
Tất cả loài chúng-sanh
Lưu chuyển trong mười phương
Như-Lai không phân biệt
Ðộ thoát vô-biên loại.
Chư Phật thân Kim-Sắc
Chẳng cõi khắp các cõi
Tùy chúng-sanh sở thích
Diễn thuyết pháp tịch diệt.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu quá ngàn thế-giới, suốt khắp mười ngàn thế-giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nơi những thế-giới này cũng đều có đức Phật ngự nơi đạo-tràng giữa chúng hội mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần-lực của Phật, mỗi phương trong mười phương đều có một đại Bồ-Tát, chính là Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát, cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát, đồng câu hội đến chỗ đức Phật ngự.
Bấy giờ, trước mỗi đức Phật, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Phát khởi tâm đại-bi
Cứu hộ các chúng-sanh
Thoát hẳn chúng nhơn thiên
Nên làm việc như vậy.
Lòng thường tin ưa Phật
Tâm đó không thối chuyển
Gần gũi chư Như-Lai
Nên làm việc như vậy.
Chí thích công-đức Phật
Tâm đó trọn không thối
Trụ nơi huệ thanh-lương
Nên làm việc như vậy.
Trong tất cả oai-nghi
Thường nhớ công-đức Phật
Ngày đêm không tạm dứt
Việc như vậy nên làm.
Quán tam thế vô-biên
Học công-đức của Phật
Thường không lòng nhàm mỏi
Việc như vậy nên làm.
Quán thân như thiệt-tướng
Tất cả đều tịch diệt
Lìa ngã, không chấp ngã
Việc như vậy nên làm.
Bình-đẳng quán chúng-sanh
Chẳng móng niệm phân biệt
Vào nơi cảnh chân thật
Việc như vậy nên làm.
Bưng cả vô-biên cõi
Uống hết tất cả biển
Thần-thông đại trí lực
Việc như vậy nên làm.
Tư duy các quốc-độ
Tướng sắc và phi sắc
Ðều biết được tất cả
Việc như vậy nên làm.
Vi-trần mười phương cõi
Một trần là một Phật
Ðều biết được số đó
Việc như vậy nên làm.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu quá mười ngàn thế-giới, suốt khắp đến trăm ngàn thế-giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nỏi đó đều có đức Phật ngự giữa đạo-tràng chúng hội mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần lực của đức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ-Tát, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội đến chỗ Phật.
Bấy giờ, trước mỗi đức Phật, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Nếu dùng oai đức, sắc, chủng tộc
Ðể thấy đấng Ðiều-Ngự trong đời
Ðây là mắt bịnh thấy điên đảo
Người này chẳng biết pháp tối thắng.
Như-Lai sắc, hình những tướng tốt
Tất cả thế-gian chẳng lường được
Ức na-do kiếp đồng nghĩ lường
Sắc tướng, oai-đức chuyển vô biên.
Như-Lai chẳng lấy tướng làm thể
Chính là pháp tịch diệt vô tướng
Thân tướng oai nghi đều đầy đủ
Thế-gian tùy thích đều được thấy.
Phật pháp vi diệu khó lường được
Tất cả ngôn thuyết chẳng đến được
Chẳng phải hòa hiệp, bất hòa hiệp
Thể tánh tịch diệt không các tướng.
Phật thân vô sanh ngoài hí luận
Chẳng phải uẩn tụ, pháp sai biệt
Ðược sức tự-tại thấy quyết định
Sở hành vô úy lìa ngôn thuyết.
Thân tâm đều bình đẳng
Trong ngoài đều giải thoát
Nhiều kiếp trụ chánh niệm
Vô trước, không hệ-phược.
Bực tâm sạch sáng suốt
Sở hành không nhiễm trước
Trí nhãn đều cùng khắp
Rộng lớn lợi chúng-sanh.
Một thân là vô-lượng
Vô-lượng lại là một
Rõ biết các thế-gian
Hiện hình khắp tất cả.
Thân này không từ đâu
Cũng không nơi tích tụ
Vì chúng-sanh phân biệt
Thấy Phật có nhiều thân.
Tâm phân biệt thế-gian
Tâm này vô sở hữu
Như-Lai biết pháp này
Thấy thân Phật như vậy.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Thế-Tôn chiếu quá trăm ngàn thế-giới, suốt đến trăm vạn thế-giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nơi đó đều có đức Phật ngự đạo-tràng chúng hội mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần lực của đức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ-Tát, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, trước mỗi đức Phật, Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Như-Lai rất tự-tại
Siêu thế vô-sở-y
Ðủ tất cả công-đức
Ðộ thoát nơi các cõi.
Không nhiễm cũng không trước
Vô-tưởng vô-y-chỉ
Thể tánh không thể lường
Ai thấy cũng ca ngợi.
Quang-minh khắp thanh-tịnh
Trần lụy đều rửa bỏ
Bất-động lìa hai bên
Ðây là trí Như-Lai.
Thân tâm lìa phân biệt
Thời với tất cả pháp
Thoát hẳn những nghi trệ.
Trong tất cả thế-gian
Nơi nơi chuyển pháp-luân
Vô-tánh vô sở chuyển
Ðạo Sư phương tiện nói.
Nơi pháp không nghi lầm
Tuyệt hẳn những hí luận
Chẳng sanh tâm phân biệt
Là niệm Phật Bồ-đề.
Rõ biết pháp sai biệt
Chẳng chấp trước ngôn thuyết
Chẳng có một cùng nhiều
Ðây là thuận lời Phật.
Trong nhiều không một tánh
Một cũng không có nhiều
Bỏ cả hai như vậy
Khắp vào Phật công-đức.
Chúng-sanh và quốc-độ
Tất cả đều tịch-diệt
Vô-y vô phân biệt
Vào được Phật bồ-đề.
Chúng-sanh và quốc-độ
Ðồng dị đều chẳng được
Khéo quan-sát như vậy
Là biết nghĩa phật-pháp.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu quá trăm vạn thế-giới suốt đến một ức thế-giới ở mỗi phương trong mười phương. Nơi đó đều có đức Phật ngự giữa chúng hội mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần lực của đức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ-Tát, Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát, ở trước mỗi đức Phật, đồng thời ứng thinh nói kệ rằng:
Trí huệ vô đẳng pháp vô-biên
Vượt biển hữu lậu đến bờ kia
Thọ lượng quang-minh đều vô tỉ
Phương-tiện-lực của đấng công-đức.
Bao nhiêu phật-pháp đều rõ ràng
Thường quán tam-thế không nhàm mỏi
Dầu duyên cảnh-giới không phân biệt
Ðây phương-tiện của bậc nan-tư.
Thích quán chúng-sanh vốn vô-sanh
Khắp thấy các loài vốn không loài
Hằng trụ thiền-tịch chẳng hệ lụy
Ðây phương tiện của Vô-Ngại-Huệ.
Khéo léo thông đạt tất cả pháp
Chánh-niệm siêng tu đạo niết-bàn
Thích nơi giải-thoát lìa bất bình
Ðây phương tiện của bực tịch-diệt.
Hay khuyên người hướng Phật bồ-đề
Ðến nhứt-thiết-trí như pháp-giới
Khéo dạy chúng-sanh vào đế-lý
Ðây phương tiện ngươwi trụ tâm Phật.
Phật chỗ thuyết pháp đều thuận vào
Trí huệ quảng đại không chướng ngại
Tất cả xứ hành đều bước lên
Phương tiện tu tập của Tự-Tại.
Hằng trụ niết-bàn như hư-không
Tùy tâm hóa hiện đều cùng khắp
Ðây tựa vô tướng mà làm tướng
Phương tiện của bực Ðáo-Nan-Ðáo.
Sáng tối ngày tháng và năm kiếp
Thế-giới thỉ chung là thành hoại
Như vậy nhớ nghĩ đều rõ biết
Ðây phương tiện của Thời-Số-Trí.
Tất cả chúng-sanh có sanh diệt
Sắc phi-sắc cùng tưởng phi-tưởng
Bao nhiêu danh tự đều rõ biết
Ðây phương tiện của bực Nan-Tư.
Thời quá khứ, hiện-tại, vị-lai
Bao nhiêu ngôn thuyết đều rõ được
Mà biết ba thời đều bình đẳng
Ðây phương tiện của Vô-Tỷ-Giải.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu quá một ức thế-giới, suốt khắp mười ức thế-giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nơi đó đều có đức Phật ngự giữa đạo-tràng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần lực của đức Phật, mỗi phương đều có một vị đại Bồ-Tát, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… đều cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu hội nơi Phật ngự.
Bấy giờ, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát, ở trước mỗi đức Phật, đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Khổ hạnh lớn khó đều tu tập
Ngày đêm tinh cần không nhàm trễ
Ðã độ khó độ sư tử hống
Ðộ khắp chúng-sanh là hạnh Phật.
Chúng-sanh lưu chuyển biển ái-dục
Vô-minh che đậy rất khổ ngặt
Chí-Nhơn dũng mãnh đều dứt trừ
Thệ nguyện như vậy là hạnh Phật.
Thế-gian phóng dật say ngũ dục
Phân biệt sai lầm chịu những khổ
Phụng hành Phật-giáo đều nhiếp tâm
Nguyện độ chúng-sanh là hạnh Phật.
Chúng-sanh chấp ngã vào sanh tử
Cầu tột mé kia không thể được
Khắp thờ chư Phật được diệu pháp
Vì họ giảng pháp là hạnh Phật.
Chúng-sanh bơ vơ bịnh khổ vây
Thường trôi nẻo ác khởi ba độc
Ngọn lửa hừng lớn luôn đốt cháy
Tịnh tâm động chúng là hạnh Phật.
Chúng-sanh mê lầm mất chánh đạo
Thường đi đường tà vào nhà tối
Vì họ thắp sáng đèn chánh pháp
Luôn luôn soi sáng là hạnh Phật.
Chúng-sanh trôi chìm biển hữu lậu
Khổ lo không bờ chẳng ở được
Vì họ sửa sang đại pháp thuyền
Ðều khiến thoát khổ là hạnh Phật.
Chúng-sanh vô tri chẳng thấy cội
Mê lầm cuồng si trong hiểm nạn
Phật thương xót họ xây pháp-kiều
Khiến trụ chánh niệm là hạnh Phật.
Thấy các chúng-sanh ở đường hiểm
Khổ già bịnh chết luôn bức ngặt
Tu các phương tiện không hạn lượng
Thệ độ tất cả là hạnh Phật.
Nghe pháp tin hiểu không nghi lầm
Rõ tánh không tịch chẳng kinh sợ
Tùy hình lục đạo khắp mười phương
Cứu khắp quần mê là hạnh Phật.
Lúc bấy giờ, quang-minh của đức Phật chiếu quá mười ức thế-giới, suốt khắp đến trăm ức thế-giới, ngàn ức, vạn ức, trăm ngàn ức, na-do-tha ức, trăm na-do-tha ức, ngàn na-do-tha ức, trăm ngàn na-do-tha ức, nhẫn đến vô số, vô-lượng, vô-biên, vô-đẳng, bất khả số, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, tận pháp-giới, hư-không giới, tất cả thế-giới ở mười phương. Nơi mỗi thế-giới từ Diêm-Phù-Ðề đến Sắc-Cứu-Cánh Thiên mọi vật cảnh đều được hiển hiện. Nơi mỗi Diêm-Phù-Ðề đều có đức Phật ngự giữa đạo-tràng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát.
Do thần-lực của đức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ-Tát, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát v.v… đều cùng mười phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát đồng câu-hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát ở trước mỗi đức Phật, đều ứng thinh nói kệ rằng:
Một niệm quán khắp vô-lượng kiếp
Vô khứ vô lai cũng vô trụ
Như vậy rõ biết việc ba thời
Siêu xuất phương tiện thành thập lực.
Mười phương vô tỉ hồng danh tốt
Lìa hẳn các hạnh thường hoan hỉ
Khắp đến trong tất cả quốc-độ
Vì người tuyên dương pháp như vậy.
Vì lợi chúng-sanh cúng-dường Phật
Ðúng ý nguyện được quả tương tợ
Với tất cả pháp đều thuận biết
Khắp trong mười phương hiện thần-lực.
Tối sơ cúng Phật ý nhu nhuẫn
Nhập đại thiền định quán pháp tánh
Khuyên khắp chúng-sanh phát đạo tâm
Do đây mau thành quả vô thượng.
Mười phương cầu pháp lòng không đổi
Vì tu công-đức cho đầy đủ
Hai tướng có không đều dứt trừ
Người này thấy Phật đúng chơn thật.
Qua khắp các cõi nước mười phương
Nói rộng diệu pháp hưng lợi ích
Trụ nơi thật tế chẳng động dao
Công-đức người này đồng với Phật.
Pháp luân vi-diệu của Phật dạy
Tất cả đều là bồ-đề phần
Nếu được nghe rồi ngộ pháp tánh
Người như đây là thường thấy Phật.
Chẳng thấy thập lực không như huyễn
Dầu thấy nhưng chẳng thấy như lòa
Phân biệt chấp tướng chẳng thấy Phật
Rốt ráo lìa chấp mới thấy Phật.
Chúng-sanh tùy nghiệp đều sai khác
Mười phương trong ngoài khó thấy hết
Thân Phật vô ngại khắp mười phương
Chẳng thể thấy hết cũng như vậy.
Như trong không-giới vô-lượng cõi
Không lai không khứ khắp mười phương
Sanh thành diệt hoại vô-sở-y
Phật khắp hư-không cũng như vậy.