1
2

Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Việt dịch: Ban Phiên Dịch Pháp Tạng

QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại núi Thứu, thuộc thành Vương Xá, cùng với đại chúng Bí-sô 3 vạn 2 ngàn vị. Những vị này đều đắc quả A-la-hán, có đủ thần thông lớn. Tên của các vị ấy là: Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như, Mã-thắng, Ma-sắc-tỷ-noa, Đại-danh, Bạt-đa-bà, Xứng-thiên, Lu-cấu, Diệu-tý, Bố-lan-noa-chỉ-nẳng, Kiều-phạm-ba-đề, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Xá-lợi-tử, Đại Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Câu-hy-la, Kiếp-tân-na, Ma-ha Tôn-na, Di-đa-la-ni-tử, A-na-luật, Tôn giả Hỷ, Khẩn-tỷ-ly-noa, Tu-bồ-đề, Ly-bà-đế, Khư-di-la-phược-di-chỉ-nang, Ma-hạ-ra-nhi, Ba-ra-dã-ni-chỉ-nang, Phược-câu-khương-nang, A-nan-đà, La-hầu-la, Thiện-lai… Có tất cả 3 vạn 2 ngàn người câu hội.

Lúc bấy giờ tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y chừa vai phải, gối phải sát đất, chắp tay đảnh lễ bạch Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác các căn thanh tịnh, sắc diện viên mãn, chỗ ở trang nghiêm. Được công đức như vậy thật chưa từng có. Thế nào là sở hành diệu hạnh rộng lớn? Và sở hành của chư Phật thời quá khứ, tương lai như thế nào? Cúi xin Ngài giảng nói cho chúng con.

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

– Hay thay, hay thay! Thầy vì sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, với lòng từ thương xót mới có thể hỏi Như Lai nghĩa vi diệu ấy. Thầy hãy lắng nghe và suy nghĩ thật kỹ điều này. Bây giờ Như Lai Ứng cúng Chánh biến tri sẽ giảng nói.

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

– Thời quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì vô số kiếp đã qua, bấy giờ có đức Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Trước thời Phật Nhiên Đăng lại có đức Thế Tôn xuất hiện ở đời hiệu là Bát-ra-đa-ba-da-thâu Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời, hiệu Phát Quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tán-na-nan-nghĩa-ra-hộ Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tu-di-kiếp Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Nguyệt-diên Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Vô-cấu-diện Như Lai. Trước đức Phật này ra đời có đức Phật hiệu Vô-trước Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Long Chủ Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Nhật-diện Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Hưởng Âm Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tu-di-phong Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Kim Tạng Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Hỏa-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Bất-động-địa Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Lưu-ly-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Nguyệt-vương Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Nhật-âm Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tán-hoa-trang-nghiêm Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Cát-tường-phong Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Trì-hải-tuệ-tự-tại-thông-vương Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Thí-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Đại-hương-tượng-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Ly-nhất-thiết-cấu Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Dõng-mãnh-phong Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Bảo-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Trì-đa-đức-đắc-thông Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Quá-nhật-nguyệt-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tối-thượng-lưu-ly-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tuệ-hoa-khai-tâm-hạnh-xuất-sanh Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Đại-hoa-lâm-thông-vương Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Nhật-nguyệt-quang Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Phá-vô-minh-hắc-ám Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Chơn-châu-san-hô-cái Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Tam-thừa-pháp-tự-tại-vương Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Sư-tử-hải-phong-tự-tại-vương Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Phạm-âm-thanh-tự-tại-vương Như Lai. Trước đức Phật này có đức Phật ra đời hiệu Thế-tự-tại-vương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Trong pháp hội này có một Bí-sô tên Tác-háp, là một người có sự tin và hiểu số một, ghi nhớ rõ ràng số một, tu hành số một, tinh tấn số một, trí tuệ số một, đại thừa số một.

Bấy giờ Bí-sô Tác-pháp rời khỏi chỗ ở, đến trước Phật, cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên, dùng kệ ngợi khen sắc diện đoan nghiêm của Phật và phát nguyện rộng lớn:

– Như Lai vi diệu sắc đoan nghiêm

Tất cả thế gian không thể sánh

Hào quang vô lượng chiếu mười phương

Trời, trăng, ngọc sáng đều che khuất

Con nguyện được nghe âm thanh Phật

Pháp âm thanh tịnh cõi vô biên

Tuyên dương giới định và tinh tấn

Thông đạt pháp mầu thăm thẳm sâu

Trí tuệ mênh mông như biển cả

Nội tâm trong lắng dứt bụi trần

Siêu việt xa rời nơi nẻo ác

Bến bờ giác ngộ đã đến nơi

Cũng như chư Phật thời quá khứ

Oai quang chiếu khắp cõi ba ngàn

Làm thầy vĩ đại cứu quần sanh

Thoát khỏi sanh, già, vui an ổn

Thường hành lục độ, tu bố thí

Giới, nhẫn, tinh tấn và trí tuệ

Hữu tình chưa độ đều độ hết

Độ thoát xong rồi khiến thành Phật

Con đem tất cả đến cúng dường

Trăm ngàn câu chi na-do-tha

Hằng hà sa số hết chư Phật

Khiến con thành tựu quả Niết-bàn

Có những cõi Phật khắp mười phương

Thường phóng hào quang chiếu mọi miền

Thù thắng trang nghiêm không gì sánh

Con xin thành tựu cõi quần sanh

Bao nhiêu thế giới trong ba cõi

Chúng sanh đau khổ nẻo luân hồi

Được đến cõi con vui an lạc

Không lâu chứng thành Vô thượng giác

Con nguyền tinh tấn luôn quyết định

Thường vận từ tâm cứu hữu tình

Nguyện lớn muôn đời không gián đoạn

Độ tận chúng sanh khổ vô cùng.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan:

– Bí-sô Tác Pháp nói kệ xong, bạch đức Thế-tự-tại-vương Như Lai: “Nay con phát tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cúi xin đức Thế Tôn nói về công đức trang nghiêm của các cõi Phật. Nếu con được nghe, con sẽ luôn tự tu trì hạnh trang nghiêm cõi nước”. Đức Thế-tự-tại-vương Như Lai bảo Bí-sô Tác Pháp: “Ông tự suy nghĩ thử xem, tu phương tiện gì để có thể thành tựu sự trang nghiêm cõi Phật?”. Bí-sô bạch Phật: “Trí tuệ của con nhỏ nhoi, nông cạn, không thể biết rõ hạnh trang nghiêm cõi nước. Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cúi xin giảng nói cho con sự trang nghiêm các cõi Phật”. Đức Thế-tự-tại-vương Như Lai liền tuyên nói về 8 vạn 4 ngàn câu-chi na-do-tha tướng viên mãn rộng lớn, công đức trang nghiêm cõi Phật, trải qua hơn một kiếp mới xong.

Tôn giả A-nan nghe sự việc này rồi, bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Tuổi thọ của Phật Thế-tự-tại-vương dài hay ngắn mà sao có thể nói về cõi nước trải qua hơn một kiếp?

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

– Tuổi thọ của đức Phật đó là 40 kiếp. A-nan! Bí-sô Tác Pháp nghe Phật nói về việc trang nghiêm công đức của 8 vạn 4 ngàn câu-chi na-do-tha cõi Phật, thông suốt rõ ràng như là một cõi Phật, tức thời ở trong hội chúng đảnh lễ dưới chân Phật, từ biệt mà đi. Bí-sô đi đến một nơi thanh vắng, một mình ngồi tư duy, tu tập công đức trang nghiêm cõi Phật, phát nguyện lớn trải qua 5 kiếp. Bấy giờ Bí-sô Tác Pháp trở lại chỗ Thế-tự-tại-vương Như Lai, cung kính đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nay con đã thành tựu sự thực hành hạnh nguyện công đức trang nghiêm 8 vạn 4 ngàn câu-chi na-do-tha cõi Phật”. Thế-tự-tại-vương Như Lai bảo Bí-sô: “Lành thay! Lành thay! Hạnh nguyện tư duy của ông đã viên thành. Nay chính là lúc ông giảng nói cho đại chúng được biết. Lúc đó các Bồ-tát nghe pháp này xong sẽ được nhiều lợi ích tốt đẹp, có thể ở nơi cõi Phật trang nghiêm tu tập”.

Bí-sô Tác Pháp nghe thánh chỉ của Phật, sửa y chừa vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về đức Phật, thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Con xin phát nguyện:

* Con nguyện như Thế Tôn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cõi Phật nơi con ở sẽ đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm, nhiều không thể nghĩ bàn. Tất cả có bao nhiêu chúng sanh như cõi Diêm-ma-la hay ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều sanh về cõi của con, được tiếp nhận pháp con hóa độ, chẳng bao lâu họ sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả đều được thân màu vàng ròng.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con được giác ngộ, thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh trong 10 phương thế giới làm cho sanh vào cõi con như cõi Phật. Hàng trời người có các căn thanh tịnh, xa lìa sự phân biệt, tất cả đều được chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con được giác ngộ, thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh trong 10 phương thế giới, làm cho sanh vào cõi con, được thần thông lớn. Trải qua trong một niệm đi khắp tất cả trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi Phật, để cúng dường chư Phật, trồng sâu cội lành, làm cho tất cả đều chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ được Túc mạng thông, có thể quán sát được việc của trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp quá khứ và làm cho tất cả đều chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ được Thiên nhãn thanh tịnh, có thể thấy sắc tướng thô tế của trăm ngàn câu-chi na-do-tha thế giới, làm cho tất cả đều được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ được Tha tâm thông, có thể biết rõ tâm sở pháp của trăm ngàn câu-chi na-do-tha tâm chúng sanh; làm cho tất cả đều được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ được trụ nơi chánh tín, xa lìa vọng tưởng điên đảo, tu tập vững bền và tất cả đều được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ tu hạnh chân chánh, được vô lượng thiện căn, khắp cõi viên tịch không gián đoạn, tất cả đều được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ mặc dù ở địa vị Thanh văn, Duyên giác vẫn có thể đi vào nơi trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi báu, làm khắp các Phật sự; tất cả đều được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ được ánh sáng vô biên, chiếu sáng rực rỡ trăm ngàn câu-chi na-do-tha khắp các cõi Phật và tất cả đều được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con không bị chết yểu, sống đến trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp, tất cả đều được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ được đầy đủ tên gọi tốt đẹp, được nghe vô lượng vô số cõi nước chư Phật, tuy không danh, không hiệu, không tướng, không hình, không có sự ca ngợi nhưng thân tâm không dao động, không có sự chê bai hay nghi ngờ, tất cả đều được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có bao nhiêu chúng sanh được sanh vào cõi con, con sẽ làm cho họ nghĩ nhớ đến danh hiệu của con mà phát tâm chí thành bền vững, không lui sụt. Đến khi những người đó qua đời, con sẽ làm cho vô số Bí-sô hiện đến vây quanh nghinh tiếp họ. Chỉ trong thoáng chốc họ sẽ được sanh vào cõi con và tất cả đều được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, tất cả chúng sanh trong 10 phương vô lượng vô biên vô số thế giới nghe danh hiệu của con liền phát tâm Bồ-đề, trồng nhiều thiện căn thì tùy theo ý muốn được sanh vào cõi chư Phật nào, sẽ được sanh ngay cõi đó và được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, những chúng sanh nào được sanh vào cõi của con sẽ đầy đủ 32 tướng trượng phu, một đời được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, những chúng sanh nào được sanh vào cõi của con, nếu có nguyện lớn chưa muốn thành Phật mà làm Bồ-tát, con dùng oai lực làm cho người đó giáo hóa tất cả chúng sanh đều phát tín tâm, tu hạnh Bồ-đề, hạnh Phổ-Hiền, hạnh tịch diệt, hạnh thanh tịnh, hạnh tối thắng và tất cả hạnh thiện, làm cho tất cả đều đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, những chúng sanh nào được sanh vào cõi của con, ở nơi tất cả chỗ thừa sự cúng dường vô lượng trăm ngàn câu-chi na-do-tha Phật, trồng nhiều căn lành, tùy theo sự mong cầu, nguyện nào cũng được trọn vẹn, làm cho tất cả đều đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước của con đều được thành tựu tất cả trí tuệ, giỏi bàn luận nghĩa của các pháp bí yếu, chẳng bao lâu chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước của con phát tâm dõng mãnh, vận thần thông lớn đến vô lượng, vô biên, vô số cõi chư Phật trong thế giới, đem chơn châu, anh lạc, tràng phan, lọng báu, y phục, ngọa cụ, thực phẩm, thuốc thang, hương hoa, âm nhạc… cúng dường thừa sự, mong cầu giá ngộ, họ chóng thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước con phát tâm đạo lớn, muốn đem chơn châu, anh lạc, bảo cái, tràng phan, y phục, ngọa cụ, thực phẩm, thuốc thang, hương hoa, âm nhạc… thừa sự cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn ở thế giới phương khác mà không thể đến được, lúc đó con dùng nguyện lực vốn có làm cho chư Phật Thế Tôn ở phương khác kia đưa cánh tay đến cõi nước con nhận vật cúng dường; làm cho các Bồ-tát đó chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước con tùy theo ý không muốn rời xa cõi này mà muốn đem chơn châu, san hô, tràng phan, lọng báu, y phục, ngọa cụ, thực phẩm, thuốc thang, hương hoa, âm nhạc để cúng dường vô lượng chư Phật phương khác, họ suy nghĩ: “Nếu chư Phật đưa tay đến nhận vật cúng này, chư Phật sẽ nhọc nhằn, làm cho ta tổn phước”. Khi họ suy nghĩ như vậy, con sẽ dùng thần lực làm cho vật cúng này tự nhiên đến đầy đủ trước mặt chư Phật phương khác. Các Bồ-tát ấy chẳng bao lâu đều thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước con có thân cao 16 do-tuần, được sức na-la-diên, thân tướng tốt đẹp, trang nghiêm với ánh sáng rực rỡ, đầy đủ căn lành, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước con vì các chúng sanh thông suốt kho tàng giáo pháp, an lập vô biên tất cả trí tuệ, đoạn tận các kiết sử, tất cả đều chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước con dùng trăm ngàn câu-chi na-do-tha các loại trân bảo làm thành lò hương từ dưới đất tiếp lên đến tận hư không, họ thường dùng hương chiên-đàn vô giá xông khắp để cúng dường chư Phật 10 phương, làm cho họ chóng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, cõi nước chư Phật rộng lớn mênh mông, trang nghiêm sạch sẽ, sáng rực rỡ như gương, có thể chiếu kiến vô lượng vô biên tất cả cõi Phật. Chúng sanh trông thấy sanh tâm hy hữu, chẳng bao lâu chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát trong cõi nước con ngày đêm 6 thời thường được hạnh phúc an vui, còn hơn cả chư thiên, nhập môn bình đẳng tổng trì, thân chiếu sáng vô biên thế giới, chẳng bao lâu được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, vô lượng vô biên vô số tất cả thế giới người nữ nơi 10 phương, người nào chán nản muốn bỏ thân nữ mà được nghe tên con, liền phát tâm thanh tịnh, đảnh lễ quy y. Người ấy sau khi chết liền thành thân người nam, sanh trong nước của con, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, vô lượng vô biên vô số Thanh văn, Duyên giác ở khắp 10 phương mà được nghe tên con, tu trì giới thanh tịnh bền vững không lui sụt, chóng ngồi nơi đạo tràng, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, tất cả Bồ-tát nơi vô lượng vô số vô biên bất khả tư nghì cõi Phật khắp 10 phương được nghe tên con, 5 chi phần sát đất, đảnh lễ quy y. Họ sẽ được hư thiên, loài người, tất cả hữu tình tôn trọng, cung kính, gần gũi, hầu hạ, tăng thêm công đức, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

* Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, có những chúng sanh phát lòng tin thanh tịnh, vì các Sa-môn, Bà-la-môn nhuộm vải, cắt vải may thành y phục, hoặc sửa làm Tăng phục; hoặc tự tay làm, hoặc bảo người khác làm, làm xong hồi hướng. Nhờ sự cảm ứng, người này trong 81 đời được y tối thượng, luôn theo bên mình vô cùng đầy đủ. Đến thân cuối cùng sanh vào cõi nước con, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

***

QUYỂN TRUNG

Bấy giờ Bí-sô Tác Pháp bạch đức Thế Tôn:

– Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, tất cả chúng sanh nghe danh hiệu của con vĩnh viễn xa lìa tâm bức rức buồn phiền, được mát mẻ, nhẹ nhàng, thực hành hạnh chánh tín, được sanh vào cõi nước con, ngồi dưới cội cây báu, chứng Vô sanh nhẫn, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các chúng Bồ-tát ở nơi tất cả cõi Phật khắp mười phương nghe tên con tức thời chứng đắc thiền định vắng lặng. An trú định rồi, ở trong một niệm được thấy vô lượng vô biên bất khả tư nghì chư Phật Thế Tôn. Các Bồ-tát đó thừa sự cúng dường chư Phật và thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Thanh văn hay Bồ-tát ở nơi tất cả cõi Phật nếu được nghe tên con thì được chứng đắc Vô sanh nhẫn, thành tựu tất cả thiện căn bình đẳng, trụ vô công dụng hạnh, chẳng bao lâu đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các chúng Bồ-tát ở nơi tất cả cõi Phật mười phương nghe tên con sanh tâm hy hữu, những người này liền đạt thiền định Phổ biến Bồ-tát. An trú định này, ở trong một niệm được đến vô lượng vô số bất khả tư nghì các cõi Phật, cung kính tôn trọng cúng dường chư Phật, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các Bồ-tát ở trong cõi nước con có người thích nói pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc hiện thần túc, hoặc đến phương khác, tùy ý tu tập. Họ được thành tựu viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

– Bạch đức Thế Tôn! Sau khi con giác ngộ thành Chánh giác, các chúng Bồ-tát ở nơi tất cả cõi Phật mười phương nghe tên con tức thời đạt nhẫn thứ nhất, nhẫn thứ hai, cho đến Vô sanh pháp nhẫn, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ Bí-sô Tác Pháp đã hướng về đức Thế-tự-tại-vương Như Lai phát nguyện như vậy rồi, nương oai thần của Phật nói lời kệ:

– Đối trước Phật hôm nay

Con chân thành phát nguyện

Được thân Phật Thập lực

Oai đức thật cao vời

Làm vị đại quốc vương

Giàu sang và tự tại

Đem rất nhiều của cải

Bố thí khắp kẻ nghèo

Khiến các chúng sanh kia

Mãi mãi dứt lo buồn

Phát sanh nhiều căn thiện

Thành tựu quả Bồ-đề

Nếu con thành Chánh giác

Lập tên Vô Lượng Thọ

Chúng sanh nghe thấy tên

Được vào cõi nước con

Thân sắc vàng như Phật

Tướng tốt đẹp viên mãn

Mang tâm từ rộng lớn

Lợi ích khắp quần sanh

Ánh sáng trí tuệ con

Chiếu soi mười phương cõi

Tham sân phiền não tối

Các hữu tình trừ diệt

Địa ngục, quỷ, súc sanh

Bỏ hết ba đường khổ

Được sanh vào cõi con

Tu tập hạnh thanh tịnh

Được thân đầy ánh sáng

Như Phật chiếu muôn phương

Trời, trăng và ngọc báu

Sáng không thể sánh bằng

Con nguyện đời tương lai

Thường làm thầy mọi loài

Trong muôn ngàn thế giới

Sư tử rống oai hùng

Như Phật quá khứ kia

Đã hành hạnh từ mẫn

Khắp vô lượng vô biên

Vô số những hữu tình

Viên mãn điều đã nguyện

Tất cả đều thành Phật

Khi phát nguyện lớn này

Ba ngàn cõi đại thiên

Chấn động khắp mười phương

Trời, người trong cõi không

Tung rải các thứ hoa

Chiên-đàn và trầm thủy

Ca ngợi đại Bí-sô

Nguyện lực rất hy hữu

Chắc chắn sẽ thành Phật

Lợi ích khắp quần sanh.

Này A-nan! Khi ấy Bí-sô Tác Pháp đã phát nguyện như vậy trước Thế-tự-tại-vương Như Lai và trời người, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, A-tu-la… Bồ-tát an trú nơi trí tuệ chân thật, dõng mãnh tinh tấn, tu tập vô lượng công đức trang nghiêm cõi Phật. Bồ-tát nhập thiền định trải qua vô số kiếp, tu hạnh Bồ-tát, không sanh tâm tham lam, tâm sân hận, tâm ngu si và không có dục tưởng, sân tưởng, si tưởng; sắc, thanh, hương, vị, xúc tưởng. Tâm không mê loạn, miệng không câm ngọng, thân không biếng nhác, chỉ thích nhớ nghĩ sự tu thiện căn, hành hạnh vắng lặng của chư Phật thời quá khứ, vĩnh viễn xa lìa hư vọng, giữ vững luật nghi, thường dùng ái ngữ, mang lại sự lợi ích cho chúng sanh. Đối với Phật, Pháp, Tăng có niềm tin sâu xa, tôn trọng, cung kính, hòa thuận, mềm mỏng, y theo pháp môn chân đế gieo trồng các cội đức. Thông đạt không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô diệt. Khéo giữ nghiệp miệng, không nói lỗi người khác. Khéo giữ nghiệp thân, không làm mất luật nghi. Khéo giữ nghiệp ý thanh tịnh, không ô nhiễm. Có bao nhiêu làng xóm, phố chợ, quốc gia, bà con, nô tỳ nam nữ, vàng bạc châu báu, cho đến sắc, thanh, hương,vị, xúc… hoàn toàn không có sự đắm trước mà thường đem hạnh lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ làm lợi lạc chúng sanh. Đầy đủ khuôn phép, thiện căn tròn đầy. Nơi Bí-sô Tác Pháp ở, có vô lượng vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha kho tàng trân bảo từ đất phun ra. Bí-sô giáo hóa vô lượng vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha chúng sanh, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có vô lượng vô biên hạnh Bồ-tát như vậy, không thể nói hết được.

Này A-nan! Lúc đó Bí-sô tác pháp hành hạnh Bồ-tát, ở chỗ chư Phật cung kính tôn trọng, thừa sự cúng dường chưa từng gián đoạn, khi thì làm Tứ Đại Thiên Vương thườn đến chỗ Phật, cung kính lễ bái, thừa sự cúng dường; làm Dạ Ma Thiên Vương, Đâu Suất Thiên Vương, Hóa Lạc Thiên Vương, Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương cho đến Đại Phạm Thiên Vương… thường đến chỗ Phật cung kính lễ bái, thừa sự cúng dường.

Này A-nan! Ở Diêm Phù Đề Bí-sô Tác Pháp làm Chuyển luân vương nhận phép Quán đảnh và Đại thần quan tộc… thường đến chỗ Phật cung kính lễ bái, thừa sự cúng dường, làm Sát-đế-lợi, Bà-la-môn… đến chỗ Phật cung kính lễ bái, thừa sự cúng dường. Như vậy, trải qua vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức kiếp thân cận chư Phật, trồng nhiều cội đức, tích tập tuệ giác vô thượng.

Này A-nan! Khi Bí-sô Tác Pháp hành Bồ-tát hạnh, trong miệng thường phát ra mùi thơm Chiên-đàn. Các lỗ chân lông trên thân phát ra mùi thơm hoa Ưu-bát-la. Mùi thơm ấy tỏa khắp vô lượng vô biên bất khả tư nghì na-do-tha trăm ngàn do-tuần. Chúng hữu tình nghe mùi thơm này đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan! Khi Bí-sô Tác Pháp hành Bồ-tát hạnh, sắc tướng đoan nghiêm, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; lại dùng tất cả châu báu trang nghiêm hai tay. Trong tay thường xuất ra tất cả y phục, tất cả thức ăn, tất cả tràng phan, tất cả bảo cái, tất cả âm nhạc, cho đến tất cả vật cần dùng tối thượng, làm an lạc lợi ích tất cả chúng sanh, khiến họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ tôn giả A-nan nghe Phật dạy về hạnh Bồ-tát của Bí-sô Tác Pháp xong, thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Phải chăng Bí-sô Tác Pháp là Phật quá khứ, Phật tương lai hay Phật hiện tại?

Đức Thế Tôn bảo:

– Phật Như Lai đó không từ đâu đến, chẳng đi về đâu, không sanh không diệt, chẳng quá khứ, hiện tại hay tương lai, chỉ vì đáp đền hạnh nguyện độ sanh mà thôi.

Hiện tại ở phương Tây, cách Diêm Phù Đề trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi nước, có thế giới tên Cực Lạc, Phật hiệu Vô Lượng Thọ, thành Phật đến nay đã hơn 10 kiếp, đang thuyết pháp cho vô lượng vô số đại Bồ-tát và vô lượng vô số chúng Thanh văn, cung kính vây quanh Phật. Ánh sáng của Phật đó chiếu khắp phương Đông hằng hà sa số trăm ngàn câu-chi na-do-tha không thể đo lường cõi Phật. Như thế, các phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên, dưới cũng giống như vậy.

Này A-nan! Phật Vô Lượng Thọ hóa ánh sáng tròn đầy, hoặc một do-tuần, hai do-tuần, ba do-tuần, hoặc trăm do-tuần, ngàn do-tuần, trăm ngàn do-tuần, hoặc câu-chi na-do-tha trăm ngàn do-tuần, cho đến sáng đầy khắp vô lượng vô biên vô số cõi Phật.

Này A-nan! Ánh sáng đó có tên là Vô lượng quang, Vô ngại quang, Thường chiếu quang, Bất không quang, Lợi ích quang, Ái lạc quang, An ẩn quang, Giải thoát quang, Vô đẳng quang, Bất tư nghì quang, Quán nhất nguyệt quang, Đoạn nhất thiết thế gian quang, Vô cấu thanh tịnh quang,.. Ánh sáng như vậy chiếu khắp tất cả thế giới 10 phương. Hàng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân… được thấy ánh sáng này phát tâm Bồ-đề, đạt lợi ích an vui.

Đức Phật bảo A-nan:

– Nếu Ta nói về công đức, lợi ích của ánh sáng này trong suốt một kiếp cũng không hết được.

Này A-nan! Vô Lượng Thọ Như Lai có trăm nàn, vạn, 10 vạn, 100 vạn, một câu-chi, trăm câu-chi, ngàn câu-chi, số Khẩn-ca-la, số Tần-bà-la, số Na-do-tha, số A-do-tha, số Tỳ-bà-a, số Phệ-bà-na, số Nan-già, số A-tăng-kỳ, số thập a-tăng-kỳ, số trăm a-tăng-kỳ, số ngàn a-tăng-kỳ, số trăm ngàn a-tăng-kỳ, số A-ma-nhĩ-dã, số bất khả tư nghì… Như vậy vô lượng vô số chúng Thanh, dùng thí dụ, toán số để tính đếm cũng không thể tính được.

A-nan! Đại Mục Kiền Liên thần thông số một, có thể trong một ngày một đêm biết được có bao nhiêu người trong 3.000 đại thiên thế giới. Giả sử sức thần thông của trăm ngàn câu-chi Thanh văn đều như Mục Kiền Liên và mỗi một Thanh văn thọ trăm ngàn câu-chi na-do-tha tuổi thì tổng số tuổi thọ của tất cả các vị Thanh văn ấy không bằng một phần trăm của Thanh văn ở cõi Phật kia.

Này A-nan! Ví như biển cả sâu 8 vạn 4 ngàn do-tuần, rộng vô biên, giả sử có người lấy một sợi lông phân ra một phần trăm câu chi nhỏ như vi trần, lấy một phần lông nhỏ như vi trần đó nhúng vào trong nước và lượng nước dính vào trong phần sợi lông đó cũng vậy; như thế, đem sợi lông đó nhúng hết vào nước thì nước trên sợi lông đó nhiều hay nước trong biển nhiều?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Nước dính theo sợi lông không bằng một nửa đơn vị sợi lông nhỏ nhất, còn nước biển thì nhiều vô lượng.

Đức Phật bảo A-nan:

– Chúng Thanh văn nhiều như Mục Kiền Liên kia đem hết tuổi thọ của họ mà đếm được như nước trên đầu bụi lông, còn số chưa biết nhiều như nước trong biển cả. Như vậy Phật Vô Lượng Thọ có chúng đệ tử Thanh văn nhiều vô lượng, không thể tính đếm được. Cõi nước của Phật giàu có vô cùng và mọi người chỉ biết hưởng khoái lạc chứ không bao giờ có khổ đau, không có cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Diêm-ma-la và quả báo 8 nạn; chỉ có chúng Thanh văn, Bồ-tát, đại Bồ-tát thanh tịnh mà thôi.

Này A-nan! Cõi Phật Vô Lượng Thọ có nhiều loại trụ báu bằng trăm ngàn châu báu dùng để trang nghiêm như: trụ vàng, trụ bạc, trụ lưu ly, trụ pha-lê, trụ chân châu, trụ xa-cừ, trụ mã não. Có trụ do 2 thứ báu: vàng bạc hợp thành; trụ 3 thứ báu: vàng, bạc, lưu ly; trụ 4 thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha-lê; trụ 5 thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, chân châu; trụ 6 thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, chân châu, xa cừ; trụ 7 thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, chân châu, xa cừ, mã não.

Này A-nan! Cõi Phật Vô Lượng Thọ có nhiều loại cây báu:

Có cây gốc, rễ, cành, thân do vàng tạo thành; hoa, lá, quả, hạt do bạch ngân tạo thành.

Có cây báu gốc, rễ, cành, thân do bạch ngân tạo thành; hoa, quả, hạt do lưu ly tạo thành.

Có cây báu gốc, rễ, cành, thân do lưu ly tạo thành; hoa, quả, hạt do pha-lê tạo thành.

Có cây báu gốc, rễ, cành, thân do pha-lê tạo thành; hoa, quả, hạt do chơn châu tạo thành.

Có cây báu gốc, rễ, cành, thân do chơn châu tạo thành; hoa, quả, hạt do xa cừ tạo thành.

Có cây báu gốc, rễ, cành, thân do xa cừ tạo thành; hoa, quả, hạt do lưu ly tạo thành.

Có cây báu gốc, rễ, cành, thân do mã não tạo thành; hoa, quả, hạt do vàng tạo thành.

Có cây báu gốc bằng vàng, thân bằng bạch ngân, cành bằng lưu ly, ngọn bằng pha-lê, lá bằng chơn châu, hoa bằng xa cừ, quả bằng mã não.

Có cây báu gốc bằng bạch ngân, thân bằng lưu ly, cành bằng pha-lê, ngọn bằng chơn châu, lá bằng xa cừ, hoa bằng mã não, quả bằng vàng.

Có cây báu gốc bằng lưu ly, thân bằng pha-lê, cành bằng chơn châu, ngọn bằng xa cừ, lá bằng mã não, hoa bằng vàng, quả bằng bạch ngân.

Có cây báu gốc bằng pha-lê, thân bằng chơn châu, cành bằng xa cừ, ngọn bằng mã não, lá bằng vàng, hoa bằng bạch ngân, quả bằng lưu ly.

Có cây báu gốc bằng chơn châu, thân bằng xa cừ, cành bằng mã não, ngọn bằng vàng, lá bằng bạch ngân, hoa bằng lưu ly, quả bằng pha-lê.

Có cây báu gốc bằng xa cừ, thân bằng mã não, cành bằng vàng, ngọn bằng bạch ngân, lá bằng lưu ly, hoa bằng pha-lê, quả bằng chơn châu.

Có cây báu gốc bằng mã não, thân bằng vàng, cành bằng bạch ngân, ngọn bằng lưu ly, lá bằng pha-lê, hoa bằng chơn châu, quả bằng xa cừ.

Thế giới Cực Lạc này những hàng cây đều bằng 7 báu tạo thành.

Này A-nan! Cõi Phật Vô Lượng Thọ sạch sẽ trang nghiêm, rộng rãi, bằng phẳng và trật tự, không có gò nỗng, hầm hố, gai gốc, cát, đá, đất, sạn và các núi như: núi đen, núi tuyết, núi báu, núi vàng, núi Tu-di, núi Thiết-vi, núi đại Thiết-vi mà chỉ có vàng ròng thay cho đất.

Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Trời Tứ Đại Vương, trời Đao Lợi đều nương vào núi chúa Tu-di, vậy thì trời Dạ-ma… phải nương vào đâu?

Đức Phật bảo A-nan:

– Trời Dạ-ma, Đâu-suất, cho đến cõi Sắc, Vô sắc… tất cả các trời đều nơng vào hư không mà ở.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Cõi hư không không bờ bến, làm sao ở được? Nghiệp nhân quả báo không thể nghĩ bàn.

Đức Phật bảo A-nan:

– Quả báo thân của thầy cũng không thể nghĩ bàn. Nghiệp báo của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn. Thánh lực của chư Phật không thể nghĩ bàn. Cõi Phật Vô Lượng Thọ tuy không có biển cả nhưng có sông, suối chảy giao nhau khắp nơi. Dòng nước ấy rộng 10 do-tuần, 20 do-tuần, 30 do-tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần. Nước sâu 20 do-tuần, trong vắt và có đủ 8 công đức, phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm ngàn vạn loại tiếng âm nhạc vang khắp các cõi Phật. Tất cả chúng sanh nghe được âm thanh này cảm thấy rất vui vẻ, hài lòng. Hai bên bờ của dòng nước có vô số cây chiên đàn thơm; cây trái sum suê tươi tốt, hoa cỏ luôn thơm ngát, tỏa chiếu ánh sáng lấp lánh. Nếu chúng sanh ở cõi đó lội qua dòng nước này, muốn nước đến chân hay đến đầu gối, cho đến muốn đến cổ; muốn nước lạnh hay ấm, nước chảy nhanh hay chảy chậm thì nhất nhất dòng nước ấy đều theo ý của chúng sanh mà làm cho cảm nhận được sự khoái lạc. Trong dòng nước ấy phát ra nhiều loại thanh âm như tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tăng, tiếng chỉ quán, tiếng vô tánh, tiếng ba-la-mật, tiếng lực, tiếng vô úy, tiếng thông đạt, tiếng vô hành, tiếng vô sanh, tiếng vô diệt, tiếng tịch tĩnh, tiếng đại từ, tiếng đại bi, tiếng hỷ xả, tiếng quán đảnh… phát ra nhiều loại âm thanh vi diệu như vậy. Chúng sanh được nghe những âm thanh này rồi sẽ phát tâm thanh tịnh, không còn những sự phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn, tâm vĩnh viễn không bao giờ lui sụt nơi tuệ giác vô thượng. Những chúng sanh nào sống ở cõi Phật Vô Lượng Thọ sẽ không nghe tiếng địa ngục, tiếng ngạ quỷ, tiếng súc sanh, tiếng Dạ-xoa, tiếng đấu tranh, tiếng hung ác, tiếng lưỡi đôi chiều, tiếng sát sanh, tiếng trộm cắp và tất cả những xấu xa. Họ có sắc tướng xinh đẹp, phước đức vô lượng, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại. Lầu gác, cung điện, vườn rừng, ao hồ, y phục, đồ nằm của họ đầy đủ khoái lạc, tối thượng như ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Tất cả đều sung túc viên mãn.

Này A-nan! Chúng sanh ở cõi Cực Lạc khi họ nghĩ đến những đóa hoa thơm, muốn đem dâng lên cúng dường chư Phật, tức thời hoa thơm, anh lạc, hương bột, hương thoa, tràng phan, bảo cái và những âm nhạc tùy theo ý họ mà có đầy đủ trong trong cõi Phật. Nếu họ nghĩ đến thực phẩm, thuốc thang, y phục, nệm lót, mũ nón, hoa tai, chơn châu, lưới báu… tùy theo ý nghĩ, những vật đó sẽ đến khắp nơi trong cõi nước. Nếu họ nghĩ đến ngọc báu ma-ni… để trang hoàng cung điện, lầu gác, nhà cửa, phòng ốc, hoặc lớn hay nhỏ, cao hay thấp… khi nghĩ như vậy, mọi vật sẽ hiện ra trước mắt đầy đủ như ý.

Này A-nan! Ví như người có ít của báu, đem sánh với vua Sát-đế-lợi thọ Quán đảnh có đầy oai thế thì không đáng kể. Còn Sát-đế-lợi mà sánh với oai thế trời Đế Thích, nơi có oai thế thì không đáng kể. Trời Đế Thích so sánh với oai thế của trời Tha Hóa Tự Tại thì không đáng kể. Tất cả oai thế của trời Tha Hóa Tự Tại… và cõi Sắc hay Vô sắc với cõi nước Cực Lạc của Vô Lượng Thọ Như Lai đều không đáng kể tí nào. Thế nên công đức trang nghiêm cõi Cực Lạc không thể nghĩ bàn.

Này A-nan! Ở cõi Cực Lạc mỗi khi ăn thì gió thơm tự nổi dậy thổi lay cây báu, cây chạm vào nhau phát ra âm thanh vi diệu, giảng nói các ba-la-mật, khổ, không, vô thường, vô ngã. Gió lại thổi vào cây cho hoa rụng trên mặt đất đầy khắp cõi Phật cao đến 7 người, bằng phẳng, trật tự, trang nghiêm, mềm mại, sáng sạch. Người đi qua lại chỉ cần bước thật nhẹ, đất đã lún sâu 4 ngón tay như Ca-lân-na chạm vào thân an lạc. Sau bữa ăn, các hoa báu đó ẩn vào đất, không thấy nữa. Một thoáng sau, gió lại nổi lên thổi vào cây làm rụng hoa đầy khắp trên mặt đất như trước. Đầu đêm, cuối đêm cũng như vậy.

Này A-nan! Cõi Cực Lạc không có tối tăm, không có sao sáng, không có mặt trời, mặt trăng, không có ngày đêm, không có lấy hay bỏ, không có phân biệt, thuần nhất không xen tạp, chỉ có cảm nhận khoái lạc tối thượng và thanh tịnh. Người nam hoặc người nữ nào, hoặc đã sanh vào cõi Cực Lạc, hoặc sẽ sanh thì người đó chắc chắn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? – Vì trong cõi ấy không có 3 lỗi lầm:

1- Tâm không hư vọng

2- Địa vị không lui sụt

3- Thiện không mất đi.

Này A-nan! Phương Đông có hằng hà sa số thế giới chư Phật Như Lai đang biểu lộ tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng ánh sáng và nói lời thành thật ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.

Phương Nam cũng có hằng hà sa số thế giới chư Phật Như Lai đang biểu lộ tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng ánh sáng và nói lời thành thật, ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.

Phương Tây cũng có hằng hà sa số thế giới chư Phật Như Lai đang biểu lộ tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng ánh sáng và nói lời thành thật, ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.

Phương Bắc cũng có hằng hà sa số thế giới chư Phật Như Lai đang biểu lộ tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng ánh sáng và nói lời thành thật, ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.

Như vậy, 4 góc, thượng, hạ cũng có hằng hà sa số thế giới chư Phật Như Lai đang biểu lộ tướng lưỡi rộng dài phóng vô lượng ánh sáng và nói lời thành thật, ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.

Này A-nan! Vì sao chư Phật có sự biểu lộ như vậy? – Vì các Ngài muốn làm cho chúng sanh được nghe danh hiệu của đức Phật, khiến họ phát tâm thanh tịnh, nhớ nghĩ thọ trì, quy y, cúng dường, cầu sanh vào cõi Cực Lạc. Những người đó sau khi chết đều được sanh sang thế giới Cực Lạc, không thoái chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

A-nan! Nếu người thiện nam, thiện nữ nào nghe được kinh này mà hết lòng thọ trì, đọc tụng, ghi chép, cúng dường, ngày đêm liên tục cầu sanh cõi Cực Lạc thì người đó đến phút lâm chung được Vô Lượng Thọ Như Lai cùng các Thánh chúng hiện ngay trước mặt. Chỉ trong thoáng chốc, người đó được sanh sang thế giới Cực Lạc, không thoái chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan! Người thiện nam thiện nữ nào đã phát tâm Bồ-đề, giữ giới cấm thật bền chắc không phạm, mang nhiều lợi ích cho chúng hữu tình; thiện căn đã tạo đều ban bố cho mọi loài, làm cho họ được an lạc, nhớ nghĩ đến Như Lai Vô Lượng Thọ và cõi Cực Lạc ở phương Tây. Người đó đến khi chết được nhiều sắc tướng trang nghiêm như Phật, sanh trong cõi báu có Hiền thánh chung quanh, nhanh chóng được nghe pháp, vĩnh viễn không thoái chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan! Người thiện nam thiện nữ nào phát mười loại tâm:

1- Không trộm cắp

2- Không sát sanh

3- Không dâm dục

4- Không nói dối

5- Không nói thêu dệt

6- Không nói lời hung ác

7- Không nói lưỡi đôi chiều

8- Không tham

9- Không sân

10- Không si.

Ngày đêm luôn tư duy Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc với nhiều công đức trang nghiêm mà chí tâm quy y đảnh lễ cúng dường, người này khi lâm chung tâm không kinh sợ, không điên đảo, tức thời được sanh sang cõi nước Cực Lạc, có vô lượng vô số chư Phật Thế Tôn đang ca ngợi tán thán công đức danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ. Nghe pháp âm này rồi, người đó vĩnh viễn không còn thoái chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

***

QUYỂN HẠ

Này A-nan! Hằng hà sa số cõi nước ở phương Đông, trong mỗi một cõi như vậy có vô lượng vô số Bồ-tát và đại Bồ-tát cùng vô lượng vô số chúng Thanh văn đem các hương hoa, tràng phan, lọng báu để cúng dường Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc.

Hằng hà sa số cõi nước ở phương Nam, trong mỗi một cõi như vậy có vô lượng vô số Bồ-tát và đại Bồ-tát cùng vô lượng vô số chúng Thanh văn đem các hương hoa, tràng phan, lọng báu để cúng dường Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc.

Hằng hà sa số thế giới phương Tây, mỗi một cõi như vậy có vô lượng vô số Bồ-tát và đại Bồ-tát cùng vô lượng vô số chúng Thanh văn đem các hương hoa, tràng phan, lọng báu để cúng dường Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc.

Hằng hà sa số cõi nước phương Bắc, trong mỗi một cõi như vậy có vô lượng vô số Bồ-tát và đại Bồ-tát cùng vô lượng vô số chúng Thanh văn đem các hương hoa, tràng phan, lọng báu để cúng dường Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực lạc.

Bốn phương góc, thượng, hạ cũng như vậy. Mỗi phương đều đảnh lễ dưới chân Phật và ca ngợi công đức trang nghiêm thế giới Cực Lạc.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ tụng:

– Hằng hà sa thế giới phương Đông

Trong mỗi một cõi vô số lượng

Bồ-tát, Thanh văn phát đại tâm

Đem những hương hoa và lọng quý…

Đến nơi cõi nước rất trang nghiêm

Cúng dường Như Lai Vô Lượng Thọ

Chí thành kính lễ và xưng tán

Tối thắng hy hữu đại phước điền

Như thế phương Tây và phương Bắc

Bốn góc thượng hạ hằng sa cõi

Thanh văn, Bồ-tát số không cùng

Đều đem hoa hương đến dâng cúng

Đảnh lễ nhiễu quanh lòng kính ngưỡng

Ca ngợi Như Lai nguyện sâu xa

Chứa nhiều công đức trang nghiêm khắp

Cõi Cực Lạc vô lượng vô biên

Thế giới chư Phật tuy tốt đẹp

Không bằng thế giới Như Lai này

Và đem hoa trời cúng dường Phật

Hoa tỏa hư không thành lọng quý

Rộng lớn mênh mông trăm do-tuần

Sắc tướng trang nghiêm không thể sánh

Phủ che cõi báu đức Như Lai

Ai nấy cùng vui sanh hoan hỷ

Từ nơi quá khứ trăm ngàn kiếp

Tích tập vô lượng các thiện căn

Rủ bỏ thân luân hồi ba cõi

Khiến đến cõi thanh tịnh giải thoát

Bấy giờ đức Phật Vô Lượng Thọ

Giáo hóa phương khác tâm Bồ-tát

Thần thông ẩn mật phóng hào quang

Sáng từ miệng Phật ra muôn cõi

Ba mươi sáu ức na-do-tha

Chiếu khắp câu-chi ngàn cõi Phật

Tỏa sáng nhân thiên như vậy rồi

Tức nhập trong đảnh tóc Như Lai

Tất cả chúng sanh trong lúc ấy

Kính khen ánh sáng chưa từng có

Mỗi mỗi đều phát Bồ-đề tâm

Nguyện rời khổ lụy lên bờ giác.

Đức Thế Tôn nói kệ xong, lúc đó trong hội chúng có Bồ-tát Quán Tự Tại từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Nguyên nhân nào mà mơi miệng Phật Vô Lượng Thọ phóng vô lượng hào quang tỏa chiếu các cõi Phật? Kính xin đức Thế Tôn phương tiện giảng nói để cho các chúng sanh và Bồ-tát ở phương khác được nghe lời Ngài mà sanh tâm hy hữu đối với đạo quả giác ngộ và ý chí ưa thích quay về mong cầu vào địa vị bất thối.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Quán Tự Tại:

– Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho ông rõ: Đức Phật Như Lai đó vào thời quá khứ vô lượng vô biên vô số kiếp trước, khi còn là Bồ-tát, đã phát đại nguyện: “Tương lai sau khi Ta thành Chánh giác có vô lượng chúng sanh nào trong mười phương thế giới mà được nghe danh hiệu của Ta hoặc là đảnh lễ, nhớ nghĩ, hoặc ca ngợi, quy y, hoặc cúng dường hương hoa… Những chúng sanh đó sẽ chóng sanh vào cõi Ta và thấy ánh sáng này liền được giải thoát. Nếu các Bồ-tát thấy ánh sáng này liền được thọ ký chứng quả vị bất thoái, tay cầm hoa hương và những vật cúng dường, đến cõi vô biên tịnh nơi 10 phương cõi cúng dường chư Phật và làm Phật sự tăng thêm công đức. Chỉ trong thời gian ngắn trở về bổn quốc, thụ hưởng nhiều an lạc”. Thế nên hào quang nhập vào đảnh Phật.

Này A-nan! Phật Vô Lượng Thọ Ứng Chánh Đẳng Giác có cây Bồ-đề cao 1.600 do-tuần, bốn phía cành lá rộng 800 do-tuần, rễ bám vào đất 500 do-tuần, hoa quả tươi tốt sum suê được tạo thành vô lượng trăm ngàn sắc màu châu báu. Trên cây Bồ-đề lại có Nguyệt quang ma ni bảo, Đế-thích ma ni bảo, Như ý ma ni bảo, Trì-hải ma ni bảo, Đại lục bảo, Sô-tất-đế-ca bảo, Khánh bảo anh lạc, Đại lục bảo anh lạc, Hồng chơn châu anh lạc, Thanh chơn châu anh lạc và vàng bạc, kim cương… rất nhiều vật trang nghiêm.

Này A-nan! Mỗi buổi sáng, gió thơm tự thổi vào cây báu này, hàng cây va chạm nháu phát ra âm thanh vi diệu. Thanh âm ấy vang khắp vô lượng thế giới, chúng sanh nào được nghe sẽ khỏi những bệnh về tai, cho đến thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng sanh nào được thấy cây này, mãi đến khi thành Phật, trong suốt thời gian ấy không sanh bệnh về mắt. Chúng sanh nào ngửi được mùi thơm cây này, mãi cho đến ngày thành Phật, trong suốt thời gian ấy không sanh bệnh về mũi. Chúng sanh nào ăn được quả của cây này, mãi hco đến ngày thành Phật, trong suốt thời gian ấy lưỡi hoàn toàn không bệnh. Chúng sanh nào được ánh sáng của cây chiếu tỏa, mãi cho đến ngày thành Phật, trong suốt thời gian ấy thân không bị bệnh. Chúng sanh nào quán tưởng cây này, mãi cho đến ngày thành Phật, trong suốt thời gian ấy tâm được thanh tịnh, vĩnh viễn xa lìa bệnh phiền não, tham lam…

Đức Phật bảo A-nan:

– Như vậy, hoa trái, cây cỏ nơi cõi Phật và Phật sự đã làm cho chúng sanh, đều nằm trong đại nguyện của đức Phật đó thời quá khứ.

Này A-nan! Trong cõi Phật Vô Lượng Thọ, tất cả đời hiện tại và tương lai có các Bồ-tát và đại Bồ-tát, Phật đều làm cho họ trong một đời được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ngoại trừ Bồ-tát nào vì đã phát nguyện đời trước nên vào cõi sanh tử, rống lên tiếng rống sư tử oai hùng mang lại lợi ích cho chúng hữu tình, Phật làm cho họ tùy ý mà làm Phật sự.

Này A-nan! Tất cả Bồ-tát và chúng Thanh văn trong cõi Phật Vô Lượng Thọ đều có thân tướng tốt đẹp, chung quanh thân đầy ánh sáng rực rỡ chiếu khắp trăm ngàn do-tuần. Có hai Bồ-tát ánh sáng nơi thân họ tỏa chiếu đến 3.000 đại thiên thế giới.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Hai vị Bồ-tát thân tràn đầy ánh sáng ấy có danh hiệu là chi?

Đức Phật bảo A-nan:

– Bồ-tát thứ nhất tên Quán Tự Tại, Bồ-tát thứ hai tên Đại Tinh Tấn. Cả hai hiện đang làm nhiều lợi lạc cho chúng sanh nơi cõi này, sau khi mất họ sẽ sanh sang cõi Cực Lạc.

Này A-nan! Tất cả Bồ-tát trong cõi Cực Lạc có đầy đủ tướng tốt, dung mạo nhu hòa, thiền định trí tuệ thông đạt vô ngại, thần thông oai đức đều viên mãn. Họ thâm nhập pháp môn đắc Vô sanh nhẫn, biết rõ một cách rốt ráo pháp bí tàng của chư Phật. Thân tâm nhu nhuyến, điều phục các căn, an trú Đại thừa Niết-bàn vắng lặng. Không huân tập ngoại duyên mà thâm nhập trí tuệ chân chánh. Nương theo sự thực hành Thất giác chi, Bát thánh đạo của Phật mà tu hành. Năm loại mắt chiếu sáng điều chơn, rõ thông điều tục, biện tài tổng trì tự tại vô ngại. Hiểu rõ phương tiện vô biên ở thế gian, chỉ nói những lời chắc thật thấm đậm nghĩa lý, giải nói chánh pháp cứu độ các hữu tình, xa lìa những sự phân biệt, ba cõi bình đẳng, vô tướng, vô vi, không nhân, không quả, không thủ, không xả, không buộc, không mở, xa lìa điên đảo, như núi Tu-di vững chắc không lay động. Trí tuệ sáng suốt như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, mênh mông như biển cả, xuất ra những vật báu công đức, mạnh mẽ như lửa bốc cháy thiêu củi phiền não. Nhẫn nhục như đất, tất cả bằng phẳng. Trong sạch như nước, tẩy xóa những bụi trần. Như hư không vô biên vì tất cả đều không ngăn ngại. Như hoa sen vươn lên khỏi nước, tách rời tất cả bùn nhơ. Như tiếng vang rền sấm chớp phát ra pháp âm. Như mây đầy sương mù làm rơi mưa pháp. Như gió lay động cây phát ra hạt mầm Bồ-đề. Như trâu chúa khác với nhiều loại trâu. Như voi chúa oai hùng khó có thể lường được. Như ngựa thuần thục, cõi không bị lỗi. Như sư tử ngồi, không còn sợ hãi. Như cây Ni-câu có bóng râm rất lớn. Như núi Tu-di tám ngọn gió không thể lay động. Như chày kim cang phá tan núi tà. Như thân Phạm vương sanh ra Phạm chúng. Như chim đại bàng cánh vàng ăn rồng độc. Như chim trong hư không, chẳng dừng chân nơi chốn nào. Như mắt từ bi bình đẳng nhìn khắp pháp giới… Những Bồ-tát như vậy đầy khắp cõi nước. Họ thổi loa pháp, dựng cờ pháp, đánh trống pháp, thắp đèn pháp, xa lìa lỗi, trong sạch, không mê không lầm. Trong tay sanh ra vòng hoa, chuỗi ngọc, hương bột, hương thoa và tất cả vật cúng dường, đem đến trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi nước để cúng dường chư Phật. Đắc biệt trong tay sanh ra hoa báu, đem tung vào hư không hóa thành lọng báu rộng 10 do-tuần hoặc 20 do-tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần, rộng khắp các cõi. Trong giây lát trở về nước mình, không còn ái dục, không đắm trước, không thủ, không xả, thân tâm vắng lặng.

Đức Phật bảo A-nan:

– Những Bồ-tát này trong cõi ngũ trược của Ta không có. Thế nên trải qua trăm ngàn câu chi kiếp nói cũng không hết được.

Đức Phật bảo A-nan:

– Các Bồ-tát và đại Bồ-tát hiện đang ở trong cõi nước Ta đã từng gieo trồng các cội đức và cúng dường vô lượng chư Phật, sau khi qua đời đều được sanh sang thế giới Cực Lạc. A-nan! Thầy hãy đứng lên chắp tay hướng về phía Tây mà đảnh lễ.

Bấy giờ tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về phía Tây, đang lúc đảnh lễ, bỗng nhiên trông thấy thế giới Cực Lạc và Phật Vô Lượng Thọ với dung mạo quảng đại, sắc tướng đoann nghiêm như núi vàng ròng và nghe chư Phật Như Lai trong 10 phương thế giới tuyên dương ca ngợi vô lượng công đức của Phật Vô Lượng Thọ.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Cõi Phật Vô Lượng Thọ thanh tịnh chưa từng có, con cũng nguyện được sanh sang cõi kia.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

– Bồ-tát hay đại Bồ-tát nào được sanh trong cõi Cực Lạc là đã từng gieo trồng các cội đức và thân cận vô lượng chư Phật. Nếu thầy muốn sanh sang cõi ấy thì phải nên nhất tâm quy y chiêm ngưỡng đức Phật.

Đức Thế Tôn đang nói lời này thì từ nơi lòng bàn tay Phật Vô Lượng Thọ phóng ra vô lượng hào quang, chiếu đến phương Đông trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi nước. Nơi thế giới này có núi đen, núi tuyết, núi vàng, núi báu, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại Mục-chân-lân-đà, núi Tu-di, núi Thiết-vi, núi Đại Thiết-vi, biển cả, sông ngòi, núi rừng, cây cỏ và cung điện, trời, người. Hào quang ấy chiếu soi tất cả cảnh giới, ai cũng trông thấy, ví như mặt trời mọc chiếu khắp thế gian cũng như vậy.

Bấy giờ trong hội chúng Bí-sô, Bí-sô ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, Dược-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân… đều thấy muôn vàn sự trang nghiêm nơi thế giới Cực Lạc và thấy Vô Lượng Thọ Như Lai, có Thanh văn, Bồ-tát cung kính vây quanh, ví như núi chúa Tu-di xuất ra biển cả.

Khi ấy thế giới Cực Lạc ở tận phương Tây, cách xa trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi nước, nhờ oai lực Phật mà thấy như đang ở trước mặt; và thấy cả cõi nước đó sạch sẽ, bằng phẳng, trật tự. Ví như mặt biển, không có gò nỗng, núi non hiểm trở hay cây cỏ và những thứ nhơ bẩn. Ở đó chỉ có các thứ châu báu dùng để trang nghiêm và cùng Thánh hiền chung ở.

Này A-nan! Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc cùng các Bí-sô và chúng Thanh văn cũng được thấy thân Ta và các Bồ-tát, Thanh văn, chúng trời, người nơi thế giới Ta-bà này.

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Từ Thị:

– Ông có thấy những công đức trang nghiêm nơi thế giới Cực Lạc như cung điện, lầu gác, vườn rừng, điện đài, suối chảy, ao hồ chăng? Từ Thị, ông có thấy chư thiên cõi Dục, lên đến trời Sắc Cứu Cánh mưa các loại hoa thơm đầy khắp cõi Phật để làm trang nghiêm chăng? Ông có thấy Bồ-tát, Thanh văn, chúng Tịnh hạnh làm thanh âm Phật giảng nói pháp mầu vi diệu, tất cả cõi nước đều được nghe thanh âm đó và đạt nhiều lợi lạc chăng? Ông có thấy trăm ngàn câu-chi chúng sanh đến ở hư không có cung điện tùy thân chăng?

Bồ-tát Từ Thị thưa:

– Bạch đức Thế Tôn, những điều Phật dạy con đều thấy tất cả. Bạch đức Thế Tôn, tại sao tất cả chúng sanh ở cõi này chỉ có một loại? Tuy họ cũng tu thiện nhưng không cầu vãng sanh?

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Vì các chúng sanh này trí tuệ nông cạn, nhỏ hẹp, cho rằng phương Tây không bằng cõi trời, do đó mà họ không vui và không cầu sanh sang Cực Lạc.

Bồ-tát Từ Thị bạch Phật:

– Những chúng sanh này phân biệt sai lầm vì không cầu sanh sang cõi Phật thì làm sao thoát khỏi luân hồi?

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Trong nước Cực Lạc có sanh bằng bào thai không?

Bồ-tát Từ Thị thưa:

– Thưa không, bạch đức Thế Tôn. Vì người nào sanh trong cõi nước đó ví như chư thiên nơi cõi Dục, sống trong cung điện 500 do-tuần, sinh hoạt tự tại thì làm sao có sự sanh bằng bào thai? Bạch đức Thế Tôn, chúng sanh ở cõi này vì nguyên nhân nào mà sanh nơi bào thai?

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Những chúng sanh ở cõi này tuy trồng thiện căn nhưng không thể ly tướng, không cầu trí tuệ Phật mà sanh phân biệt sai lầm, đắm trước niềm vui ở đời và phước báo của cõi người. Thế nên họ sanh nơi bào thai. Có những chúng sanh nào dùng trí tuệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa sự phân biệt, cầu sanh cõi tịnh và hướng đến đạo quả giác ngộ của Phật. Những người này khi chết, trong khoảng sát-na đã ở nơi cõi tịnh của Phật, thân tướng đầy đủ và ngồi trên hoa sen báu thì làm sao có sự sanh nơi bào thai?

Từ Thị! Ông có thấy những kẻ ngu si không trồng thiện căn mà chỉ sử dụng trí thông minh, tài hùng biện của thế gian nên sanh phân biệt sai lầm, càng tăng thêm tâm tà thì làm sao ra khỏi đại nạn sinh tử? Lại có những chúng sanh tuy trồng thiện căn, cúng dường Tam bảo, làm ruộng phước lớn nhưng chấp tướng phân biệt, kết chặt tình sâu nặng mà cầu thoát khỏi luân hồi thì không bao giờ có thể đạt được.

Ví như vua Sát-đế-lợi được địa vị quán đảnh, mới tạo dựng một nhà ngục lớn, bên trong nhà ngục ấy được trang bị cung điện, nhà cửa, lâu đài, lan can, rèm cửa, giường tủ, ghế ngồi… Tất cả đều được trang hoàng bằng châu báu, đầy đủ tất cả những vật dụng cần dùng như y phục, thực phẩm… Lúc ấy vua Quán đảnh xua đuổi thái tử và nhốt trong ngục. Nhà vua cho tiền bạc, của cải, châu báu, gấm vóc, lụa là… tha hồ mà dùng.

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Ý ông nghĩ sao? Thái tử đó có vui vẻ không?

Bồ-tát Từ Thị thưa:

– Thưa không, bạch đức Thế Tôn, mặc dầu thái tử được sống trong cung điện lâu đài và đầy đủ thực phẩm, y phục, tiền tài, vàng bạc, châu báu, gấm vóc, tha hồ lấy dùng nhưng thân bị nhốt trong lao ngục, tâm chẳng được tự do, nên ông ta chỉ mong được thoát khỏi chốn đó.

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Nếu vua Quán đảnh không xá tội cho thái tử thì các quan, trưởng giả, nhân dân… của nhà vua có thể làm cho thái tử thoát khỏi ngục tù không?

Bồ-tát Từ Thị thưa:

– Vua đã không tha tội thì làm sao có thể thoát ra được?

Đức Phật bảo:

– Đúng thế, đúng thế! Các chúng sanh kia tuy tu phước, cúng dường Tam bảo mà lại phân biệt sai lầm, cầu quả báo chốn nhân thiên. Đến lúc được phước báo, ở chỗ lầu gác cung điện, đầy đủ y phục, nệm lót, thực phẩm, thuốc thang… tất cả vật cần dùng không thiếu, nhưng vẫn không thể ra khỏi ngục tù trong ba cõi, thường lưu chuyển trong luân hồi và không được tự tại. Giả sử cha mẹ, vợ con hay bà con nam nữ muốn cứu thoát thì người ấy vẫn không bao giờ có thể thoát khỏi nghiệp tà kiến. Vua có thể xá tội, đó là trường hợp nếu các chúng sanh chấm dứt phân biệt sai lầm, gieo trồng các gốc thiện, không chấp tướng chấp trước sẽ được sanh sang cõi Phật, được giải thoát vĩnh viễn.

Bồ-tát Từ Thị bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn, hiện ở thế giới Ta-bà này và các cõi khác có bao nhiêu Bồ-tát, đại Bồ-tát được sanh vào thế giới Cực Lạc, được gặp Phật Vô Lượng Thọ và thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Thế giới Ta-bà này của Ta có 72 câu-chi na-do-tha Bồ-tát và đại Bồ-tát, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, gieo trồng nhiều cội đức, sẽ được sanh vào cõi Cực Lạc và thân cận cúng dường Phật Vô Lượng Thọ, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này A-nan! Cõi Phật Nan Nhẫn có 18 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Bảo Tàng có 90 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Hỏa Quang có 22 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Vô Lượng Quang có 2 5 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Thế Đăng có 60 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Long Thọ có 1.400 đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Vô Cấu Quang có 25 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Sư Tử có 1.800 đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Cát Tường Phong có 2.100 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Nhân Vương có 1.000 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Hoa Tràng có một câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Quang Minh Vương có 12 câu-chi đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Cõi Phật Đắc Vô Úy có 69 câu-chi na-do-tha đại Bồ-tát sanh sang thế giới Cực Lạc. Tất cả đều gần gũi cúng dường Phật Vô Lượng Thọ, chẳng bao lâu sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo Từ Thị:

– Công đức trang nghiêm cõi nước Cực Lạc như thế, mãn vô lượng số kiếp nói cũng không thể hết. Có những người thiện nam, thiện nữ nào được nghe danh hiệu Phật Vô lượng Thọ mà phát tín tâm, nhất niệm quy y, chiêm ngưỡng, đảnh lễ, phải biết những người này chẳng phải là Tiểu thừa, ở trong giáo pháp của Ta được gọi là đệ tử số một. Nếu có Bí-sô, Bí-sô ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thiên long, Dược-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân… đối với kinh điển này ghi chép cúng dường, thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người khác, cho đến trong một ngày đêm tư duy về cõi Cực Lạc và công đức thân Phật. Những người này sau khi chết liền được sanh sang cõi Cực Lạc, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Từ Thị! Kinh điển này rất sâu xa vi diệu, mang lại lợi ích cho muôn loài. Có chúng sanh nào đối với chánh pháp này mà thọ trì, đọc tụng, ghi chép, cúng dường, những người này khi sắp chết, cho dù ở trong 3.000 đại thiên thế giới ngập đầy lửa lớn, vẫn có thể vượt qua và sanh về thế giới Cực Lạc. Những người này thời quá khứ đã từng được Phật thọ ký đạo Bồ-đề, và tất cả Như Lai cùng khen ngợi, tùy ý thành tựu tuệ giác vô thượng.

Này Từ Thị! Khó thay được gặp Phật ở đời, khó thay được nghe chánh pháp. Hãy làm theo những việc Như Lai đã làm. Nên bảo vệ, giữ gìn kinh này. Luôn làm điều lợi ích cho các loài hữu tình, chớ để chúng sanh bị rơi vào 5 đường và trang hoàng thêm chốn địa ngục. Hãy làm cho các hữu tình tu phước thiện, cầu sanh về cõi tịnh.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ:

– Nếu xưa không tu đường phước tuệ

Đời nay chánh pháp khó được nghe

Từng đã cúng dường các đức Phật

Vì thế các ngươi nghe nghĩa này

Nghe xong thọ trì và ghi chép

Đọc tụng, ngợi khen, giảng, cúng dường

Như vậy nhất tâm cầu cõi tịnh

Quyết định đi qua nước Cực Lạc

Giả sử lửa lớn đầy ba cõi

Trang hoàng địa ngục có gần kề

Các nạn như thế đều ra khỏi

Nhờ oai đức lực của Như Lai

Công đức lợi lạc ngài vô lượng

Chư Phật cùng Phật mới tỏ tường

Thanh văn, Duyên giác khắp thế gian

Thần lực của họ làm sao sánh

Giả sử tuổi thọ chúng hữu tình

Mạng trụ vô số câu-chi kiếp

Ca ngợi công đức thân Như Lai

Trọn cả cuộc đời khen không hết

Lời pháp nhiệm mầu đấng Chí tôn

Tất cả quần sanh đều lợi ích

Nếu người thọ trì và cung kính

Phật bảo người đây đúng bạn lành.

Khi đức Thế Tôn thuyết thời pháp này có 12 câu-chi na-do-tha người được xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, 800 Bí-sô lậu tận ý giải, tâm được giải thoát, chúng nhân thiên có 22 câu-chi na-do-tha người chứng quả A-na-hàm và có 25 câu-chi người được pháp bất thoái, có 40 câu-chi trăm ngàn na-do-tha người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, gieo trồng các thiện căn, nguyện sanh sang thế giới Cực Lạc gặp Phật Vô Lượng Thọ. Lại có 10 phương cõi nước hoặc sống đời hiện tại hay đời tương lai, người nào gặp Phật Vô Lượng Thọ đều có 8 vạn câu-chi na-do-tha người được Phật Nhiên Đăng thọ ký hiệu là Diệu Âm Như Lai, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các hữu tình đó đều là nhân duyên đại nguyện kiếp trước của Phật Vô Lượng Thọ, đều được sanh sang thế giới Cực Lạc.

Khi đức Phật dạy những điều này, 3.000 đại thiên thế giới chấn động 6 cách, trời mưa các loại hoa thơm ngập đến đầu gối. Có những vị trời ở trong hư không trỗi lên âm nhạc tuyệt diệu, phát ra âm thanh làm vui đẹp mọi người, cho đến chư thiên cõi Sắc đều được nghe và ngợi khen là điều chưa từng có.

Bấy giờ tôn giả A-nan và Bồ-tát Từ Thị cùng trời, rồng, bát bộ, tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Bồ Tát Sư Tử Trang Nghiêm Vương Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Lực Trang Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Thắng Quân Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Thỉnh Vấn Về Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Đà La Ni Nhứt Kế Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng