Kinh Phật Nói Về Tắm Tượng Phật

Phật Thuyết Quán Tiển Phật Hình Tượng Kinh

Tây Tấn Pháp Cự dịch

Bản Việt dịch của Thích Lệ Nhã – Thích Nguyên Nhã

***

Bấy giờ, Đức Phật bảo Ma-ha-sát-đầu, chư thiên và mọi người hãy một lòng lắng nghe. Đức Phật dạy:

– Thân người khó được, đạo vô vi cũng như vậy, gặp Phật ở đời lại khó hơn. Khi xưa, Ta từng làm bạch y trong a-tăng kì kiếp, tích lũy nhiều công đức, thường tự khắc chế bản thân, nên dù luân chuyển trong năm đường, nhưng vẫn không ham muốn vàng bạc châu báu, xả bỏ thân mình, bố thí mà không thương tiếc. Đến khi làm thái tử, Ta sinh vào nửa đêm ngày mồng tám tháng tư khi sao mai mọc. Vừa sinh ra, Ta bước đi bảy bước, đưa tay phải và nói: “Trên trời dưới đất chỉ Ta là tôn quí. Ta sẽ làm bậc thầy vô thượng của trời người”. Khi Ta sinh ra, mặt đất chấn động mạnh, chư thiên các cõi trời Tứ Thiên Vương cho đến Phạm Vương, Đao-lợi đều lấy mười hai loại hương hòa với nước ấm và các loại hoa quí để tắm cho Ta. Sau khi thành đạo, Ta diễn nói Phật pháp, cứu độ chúng sinh.

Đức Phật bảo chư thiên và mọi người:

– Chư Phật trong mười phương đều đản sinh, xuất gia học đạo, thành đạo, nhập niết-bàn vào nửa đêm ngày mồng tám tháng tư.

Đức Phật lại bảo:

– Sở dĩ lấy ngày mồng tám tháng tư là vì trong khoảng giao thời giữa mùa xuân và mùa hạ mọi tai ương đều tan biến, vạn vật sinh trưởng, khí độc không phát sinh, khí hậu ôn hòa, không nóng cũng không lạnh. Đây chính là ngày Phật đản sinh.

– Này các thiện nam, thiện nữ! Sau khi Ta diệt độ, các ngươi phải chí thành ghi nhớ công đức vô lượng của chư Phật. Nếu tắm tượng Phật như khi Ta còn tại thế thì được vô lượng công đức.

Đức Phật lại bảo:

– Khi còn tu đạo Bồ-tát, Ta từng làm trời Đế Thích ba mươi sáu lần, làm Chuyển luân thánh vương ba mươi sáu lần, làm Phi hành hoàng đế[1] ba mươi sáu lần. Tất cả đệ tử của Ta, hễ đã có lòng tin và ý tốt thì nên nhớ nghĩ công đức chư Phật trong mười phương. Nếu người nào lấy hương thơm, hoa quí thơm nấu nước tắm tượng Phật thì mọi sở nguyện đều được thành tựu, được chư thiên, long thần, ủng hộ và chứng minh.

Đức Phật lại bảo:

– Này các đệ tử! Khó sinh làm thân người, khó được nghe Phật pháp. Nếu có trời người nào có thể tự bớt đi phần tài sản năm nhà[2] của vợ con để tắm tượng Phật như Phật còn ở đời thì mọi sở nguyện đều được thành tựu. Như muốn cứu giúp đời, chứng đạo Vô vi, đời đời không còn sinh tử thì cũng sẽ được. Muốn cầu dõng mãnh tinh tấn như Phật Thích-ca Văn cũng sẽ được; muốn cầu như bồ-tát bất thoái chuyển Văn-thù Sư-lợi thì cũng thành tựu. Cầu làm Chuyển luân thánh vương bay đi giáo hóa chúng sinh thì cũng sẽ thành tựu; muốn cầu bích-chi Phật, a-la-hán thì cũng sẽ thành tựu; muốn cầu xa lìa ba đường ác, cầu sinh cõi trời, cõi người giàu có yên vui cũng sẽ được; muốn cầu nhiều con cháu, cầu sống lâu không bệnh cũng sẽ được thành tựu.

Thế nhưng con người ở thế gian lòng tham muốn như biển cả, thà cắt một miếng thịt trên thân chứ không chịu bố thí một đồng tiền cho người. Con người, khi sinh ra không mang lại một đồng tiền, đến chết cũng không mang theo, tài sản chắc chắn vẫn ở lại thế gian, khi chết không thể mang theo, chỉ khổ đau tiếc nhớ. Nhưng người tắm hình tượng Phật, thì có thể giữ gìn công đức tắm tượng này mãi mãi, dù sống chết nối tiếp cũng không đoạn mất.

Đức Phật bảo:

– Nếu người có mảy tâm lành mà tạo công đức này, thì tám bộ trời rồng, thiện thần đều ủng hộ. Tắm gội tượng Phật được phúc báo thân tâm thường thanh tịnh, rồi cũng nhờ nhân duyên này mà được thành Phật đạo (Đoạn kinh văn dưới đây, trong bản Tục tạng kinh Tây Tạng không có, nhưng bản đời Tống thì có).

Đức Phật bảo:

– Người dùng nước thơm tắm gội tượng Phật, thì được phúc đức và trí tuệ, công đức thanh tịnh vang khắp nơi. Người nào rải hoa đẹp cúng Phật thì được phúc đức trang nghiêm, dung mạo xinh đẹp không ai bằng. Người cầm tràng phan che Đức Phật thì được phúc đức, khi sinh ở chỗ nào cũng tự nhiên có được y phục đẹp đẽ.

Đức Phật bảo:

– Ta chí thành hành thiện tích lũy công đức, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ mới được thành Phật. Hôm nay có hiền giả tên đó… tâm từ, ý tốt, tin tưởng qui y Phật đạo, muốn cầu giải thoát, nên dùng các loại hương quí, hoa thơm tắm hình tượng Phật. Tất cả việc làm đó, hiền giả đều vì cha mẹ bảy đời, vợ con anh em trong năm hàng thân thuộc đang sống chịu khổ nạn, vì những kẻ đang vất vả trong năm đường ở mười phương, vì những người ngu si không tin Phật đạo. Nhờ việc làm này mà đời sau họ được sinh làm người đoan chính xinh đẹp, mọi người đều kính trọng, không dính bụi dơ, sinh nơi nào cũng thường được gặp Phật, pháp, tăng. Lại cũng khiến hiền giả đó có trí tuệ, thông suốt mười hai thể loại kinh[3], bốn bộ A-hàm[4], kinh An-ban thủ ý, ba mươi bảy phẩm trợ đạo[5], bốn ý chỉ[6], bốn ý đoạn[7], bốn thần túc[8] năm căn[9] năm lực[10], bảy giác chi[11] và bát chính đạo[12]. Nếu người nào chí tâm cầu Phật đạo, thì cũng sẽ mau thành tựu Bất thoái chuyển.

– Lại khiến hiền giả được thân sắc vàng với ba mươi hai tướng quí, tám mươi vẻ đẹp, mười chủng lực[13], bốn vô sở úy[14], mười tám món bất cộng[15], từ miệng phát ra tám loại âm thanh[16], bay đi quan sát các nơi đã đến, đến nơi nào cũng được các trời, rồng, quỉ thần, quỉ tử mẫu, quan thuộc ủng hộ, đi đâu cũng được an ổn. Nếu người ấy vào núi thì không gặp hổ, sói, vào quân đội thì không mang binh khí làm tổn thương, đi thuyền thì không gặp sóng gió, ngủ nghỉ không đau ốm, không bị quan huyện mời gọi đến. Nếu người đó vợ con sinh đẻ khó khăn thì kiến được an ổn, nếu đi buôn bán thì sinh lợi gấp trăm lần, không bị các tà khí làm hại, cũng không bị các nạn nước, lửa, trộm cướp, oan gia, trái chủ làm hại. Nếu tranh luận với ai thì sẽ khiến kẻ ấy qui phục. Lại giúp được tinh tiến không nửa đường lui sụt. Vì thực hành như bồ-tát thì sẽ đắc đạo như Phật.

Tang đời Tống ghi kinh này là kinh Ma-ha-sát-đầu do Thánh Kiên dịch. Nay xem trong Khai nguyên lục thì bản Tống có chỗ lầm lẫn, nên căn cứ vào Tục tạng kinh Tây Tạng mà đổi thành kinh Quán tẩy Phật hình tượng do Pháp Cự dịch. Lại nữa, kinh này trong tạng đời Tống, đầu tiên ghi là Ma-ha-sát-đầu v.v… cho đến hai trang kinh Hán văn đều là ghi là Ma-ha-sát-đầu. Đoạn này văn kinh hai bản kinh giống nhau. Nay lấy đoạn văn kinh trong bản Tây Tạng, từ câu “Bấy giờ, Đức Phật bảo Ma-ha-sát-đầu đến Nhờ nhân duyên này mà được thành Phật đạo”. Còn từ câu Đức Phật bảo: “Người dùng nước thơm tắm gội tượng Phật” đến hết kinh, thì ở trong bản tạng đời Tống đã có, nên vẫn giữ nguyên ở đây.

Chú thích:

[1] Phi Hành hoàng đế飛行皇帝: Tức chuyển luân thánh vương, vị vua có uy lực thống trị cả bốn châu thiên hạ, đầy đủ bảy báu và có nghìn người con làm quyến thuộc

[2] Ngũ gia五家: Tiền của vật chất là của chung năm nhà. Đó là vua chúa, giặc cướp, thủy tai, hỏa tai và con bất hiếu.

[3] Mười hai thể loại kinh十二部經: Tức mười hai chủng loại của tất cả các kinh điển mà Đức Phật đã thuyết trong đời Ngài. Gồm có: Trường hàng, trùng tụng, cô khởi, nhân duyên, bản sự, bản sinh, vị tằng hữu, thí dụ, luận nghị, tự thuyết, phương đẳng, thụ kí.

[4] Bốn bộ A-hàm四阿含: Tức bốn bộ kinh A-hàm. Gồm có: Tăng nhất A-hàm, Trường A-hàm, Trung A-hàm và Tạp A-hàm

[5] Ba mươi bảy đạo phẩm 三十七品: Cg: Ba mươi bảy bồ-đề phần pháp. Gồm có: Bốn niệm xứ, bốn chính cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chính đạo

[6] Bốn ý chỉ四意止: Tức bốn niệm xứ: Thân, thụ, tâm, pháp.

[7] Bốn ý đoạn四意斷: Tức bốn chính cần: 1. Tinh tiến để đoạn trừ điều ác đã sinh. 2. Tinh tiến để cho điều ác chưa sinh sẽ không nảy sinh. 3. Tinh tiến để cho điều thiện chưa sinh sẽ được nảy sinh. 4. Tinh tiến để cho điều thiện đã sinh càng thêm tăng trưởng.

[8] Bốn thần túc四神足: Gồm có: Tập định đoạn hành cụ thần túc, tâm định đoạn hành cụ thần túc, tinh tiến đoạn hành cụ thần túc và ngũ định đoạn hành cụ thần túc.

[9] Năm căn五根: Gồm có: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn

[10] Năm lực五力: Gồm có: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực

[11] Thất giác 七覺: Cg; Bảy bồ-đề phần, bảygiác chi. Gồm có: Trạch pháp giác chi, tinh tiến giác chi, hỉ giác chi, khinh an giác chi, niệm giác chi, định giác chi và xả giác chi.

[12] Bát trực hành đạo 八直行道: Tức Bát chính đạo. Gồm có: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính niệm, chính định, chính tuệ.

[13] Mười chủng lực十種力: Tức mười trí lực của Phật. Gồm có: 1. Trí lực biết chỗ đúng đạo lí hay không đúng đạo lí của sự vật. 2. Trí lực biết nhân quả nghiệp báo ba đời của chúng sinh. 2. Trí lực biết các môn thiền định giải thoát tam muội. 4. Trí lực biết các căn thắng liệt của chúng sinh. 5. Trí lực biết được sức hiểu biết sai khác của chúng sinh. 6. Trí lực biết mọi cảnh giới sai khác của chúng sinh. 7. Trí lực biết được chỗ sẽ đến của mọi đường chúng sinh. 8. Trí lực biết dùng thiên nhãn không chướng ngại. 9. Trí lực biết được túc mạng vô lậu. 10. Trí lực biết dứt hẳn tập khí.

[14] Bốn vô sở úy四無所畏: Tức bốn đức vô úy

[15] Mười tám món bất cộng十八不共: Tức mười tám pháp bất cộng. Các pháp này chỉ Đức Phật mới có. Đó là: Thân không sai sót, miệng không sai sót, ý niệm không sai sót, không có tư tưởng khác, vô bất định tâm, vô bất tri dĩ xả, dục vô giảm, tinh tiến vô giảm, niệm vô giảm, tuệ vô giảm, giải thoát vô giảm, giải thoát tri kiến vô giảm, tất cả thân nghiệp làm theo trí tuệ, tất cả khẩu nghiệp làm theo trí tuệ, tất cả ý nghiệp làm theo trí tuệ, trí tuệ biết đời quá khứ vô ngại, trí tuệ biết đời vị lai vô ngại, trí tuệ biết đời hiện tại vô ngại.

    Xem thêm:

  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Khổ Ấm - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Số - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Mộ Phách – Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Pháp Bố Thí - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Công Đức Nhiễu Quanh Tháp Phật Vòng Theo Bên Phải - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng