1
2

 Ngũ Ấm Thí Dụ Kinh

Hán dịch: Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch (1) của Trần Văn Nghĩa

Bản Việt dịch (2) của Thích Nữ Tịnh Quang

***

Kinh Thí Dụ Ngũ Uẩn

Việt dịch: Trần Văn Nghĩa

Tôi nghe như vậy, có một thời, Đức Phật đến thăm nước Mị Thắng.

Khi đi qua sông ngài thấy một đám bọt nước to tụ lại trôi theo dòng sông, ngài bèn nói với các tỳ kheo rằng : Chư Tỳ Kheo, đám bọt nước to tụ lại trôi theo dòng sông này , cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét thì biết đám bọt nước này là không hằng hữu, là hư vô, là không thật và tiêu tán một cách nhanh chóng . Vì sao vậy ? Vì bọt nước này không kiên cố. Cũng như vậy, các tỳ kheo à, tất cả các sắc mà ta thấy trong quá khứ, tương lai và hiện tại, ở trong hay ở ngoài, to hay nhỏ, tốt hay xấu, xa hay gần, nếu các tỳ kheo nhận xét kỹ càng thì sẽ thấy sắc là không hằng hữu, là hư vô và không thực, là bệnh , là kết, là sang, là giả tạo, nó không thật, không thường, nó là khổ não, là hư không, là phi thân, nó tiêu tan một cách nhanh chóng. Vì sao vậy ? Vì bản tính của sắc là không bền vững.

Chư Tỳ Kheo, lại như mưa tạo ra những bong bóng nước, những bong bóng này sinh sinh diệt diệt. Cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét thì biết những bong bóng nước này không hằng hữu, là hư vô, không thực và tiêu tan một cách nhanh chóng. Vì sao vậy, vì những bong bóng nước này không kiên cố. Chư Tỳ kheo à, cũng như vậy, tất cả những thống khổ của chúng ta trong quá khứ, tương lại và hiện tai, ở trong hay ở ngoài, to hay nhỏ, tốt hay xấu, xa hay gần, nếu các tỳ kheo, xem xét kỹ càng thì sẽ thấy thống khổ này không hằng hữu, là hư vô và không thực, là bệnh, là kết, là giả tạo, là sang, nó không thật, không thường, nó là khổ não, là hư không, là phi thân, nó tiêu tán một cách nhanh chóng. Vì sao vậy ? Vì cái bản tính của thống khổ là không bền vững.

Các Tỳ ¬kheo, lại như mùa hè nóng bức, ánh nắng mặt trời đang lúc giữa trưa, cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét, thì biết nóng bức này là không hằng hữu, là hư vô, là không thật và tiêu tán một cách nhanh chóng . Vì sao vậy ? Vì nóng bức này không kiên cố. Các Tỳ kheo à, cũng như vậy các ý tưởng của chúng ta trong quá khứ, tương lai và hiện tai, ở trong hay ở ngoài, to hay nhỏ, tốt hay xấu, xa hay gần, các tỳ kheo nếu xem xét và suy nghĩ kỹ càng thì sẽ thấy ý tưởng của chúng ta không hằng hữu, là hư vô và không thực, là dâm ô , là kết, là sang, là giả tạo, nó không thật, không thường, nó là khổ não, là hư không, là phi thân, nó tiêu tán một cách nhanh chóng. Vì sao vậy ? Vì cái bản tính của ý tưởng là không bền vững.

Các Tỳ kheo, lại như một người vào rừng tìm gỗ tốt, thấy một cây chuối to đẹp thật thẳng , bèn đốn cây xuống, cắt ngọn và lá đi , bóc từng lớp lớp vỏ đi để tìm gỗ tốt, nhưng tìm không thấy cái lõi cứng chắc của cây đâu cả. Cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét, thì biết cây chuối này là không hằng hữu, là hư vô, là không thật và tiêu tán một cách nhanh chóng. Vì sao vậy ? Vì cây chuối không có gì bền vững cả. Các tỳ kheo à, cũng như vậy tất cả các hành động của chúng ta trong quá khứ, tương lai và hiện tại, ở trong hay ở ngoài, to hay nhỏ, tốt hay xấu, xa hay gần. Các tỳ kheo nếu xem xét và suy nghĩ kỹ càng thì sẽ thấy hành động của chúng ta không hằng hữu, là hư vô và không thực, là dâm ô , là kết, là sang, là giả tạo. Nó không thật, không thường, nó là khổ não, là hư không, là phi thân, nó tiêu tán một cách nhanh chóng. Vì sao vậy ? Vì cái bản tính của hành động là không bền vững.

Các tỳ¬kheo, Lại như một thầy làm ảo thuật và những đệ tử ở một ngã tư đường biểu diễn ảo thuật cho công chúng xem, làm nhiều màn ảo thuật nào là đàn voi đi, đàn ngựa chạy… Cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét, thì biết những ảo thuật này là không hằng hữu, là hư vô, là không thật và vô hình tiêu tán một cách nhanh chóng . Vì sao vậy ? Vì những ảo thuật này không bền vững. Này các tỳ kheo, cũng như vậy tất cả các tâm thức của chúng ta trong quá khứ, tương lai và hiện tại, ở trong hay ở ngoài, to hay nhỏ, tốt hay xấu, xa hay gần, nếu các tỳ kheo xem xét và suy nghĩ kỹ càng thì sẽ thấy tâm thức này không hằng hữu, là hư vô và không thực, là dâm ô , là kết, là sang, là giả tạo. Nó không thật, không thường, nó là khổ não, là hư không, là phi thân, nó tiêu tán một cách nhanh chóng . Vì sao vậy ? Vì bản tính của tâm thức là không bền vững.

Sau đó Đức Phật nói bài kệ dưới đây ( dịch nghĩa bẵng văn xuôi ) :

Sắc như bọt nước tán tụ , thống khổ sinh diệt như bong bóng nước , ý tưởng như cái nóng của mùa hè, hành động trống bọng như thân cây chuối, ý thức như những ảo thuât, chư Phật nói như vậy. Hãy xem xét , tư duy một cách kỹ càng những yếu chỉ này. Quả thật tất cả là hư không , thấy tất cả các điều là vô thường , tất cả các uẩn là như vậy. Những bậc đại trí nói rằng : Khi ta đã đoạn tuyệt được với tam sự, thì biết cái thân này không có giá trị gì cả. Thân mệnh này đang ấm áp đây, khoảnh khắc chết đi bỏ lại thân xác này, thân xác này nằm ở dưới đất, như cỏ cây còn biết gì đâu, xem hình hài như vậy, còn mang những ảo vọng về tham lam ngu si gì nữa ? Để làm lòng ta áy náy bất an, tất cả đâu có gì là bền vững đâu ? Biết ngũ uẩn là như vậy, chư tỳ kheo hãy chuyên cần, nên ngày đêm tự giác suy niệm những chánh trí, thọ hành đạo tịch diệt, theo đuổi cái niềm tối an lạc.

Sau đó Đức Phật nói bài kệ dưới đây (dịch nghĩa bằng thơ lục bát ) :

Sắc như bọt nước hợp tan,
thống như bong bóng nước tàn lại sinh,
ý như hè nóng vô hình,
hành như cây chuối thân mình trống không,
thức là ảo thuật hư không,
Chư Phật nói vậy sai không tí gì.
Hãy đem tôn chỉ này suy,
trầm tư mặc tưởng tư duy cho tường.
Quả thật vạn sự vô thường,
hư không bản tính có chừa gì đâu,
ngũ âm không, có, một mầu.
Những người chân trí từ lâu nói rằng :
Bỏ đi tam sự thấy ngay,
Thân tàn nằm đó đắng chăng một hào ?
Đang đầy sức sống chan hòa,
chỉ trong giây phút đã vào thiên thu,
xác khô dưới đất nấm mồ,
vô tri vô giác cỏ khô cây tàn.
Ngắm nhin thân xác phũ phàng
Còn mang ảo mộng si tham làm gì.
Tâm hồn an lạc mất đi,
Đời này đâu có cái gì bền đâu ?
Ngũ uẩn hư ảo từ lâu,
Thiền môn tứ chúng hãy luôn chuyên cần
Ngày đêm suy niệm tâm thần,
Tự giác chánh trí luôn gần tâm can
Thọ hành đại đạo Nê hoàn,
Vui niềm an lạc hân hoan cõi thiền.

Đức Phật giảng như vậy , các tỳ kheo nghe xong vô cùng hoan hỷ.

    Xem thêm:

  • Kinh Thủy Mạt Sở Phiêu - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Thiên Sứ Của Vua Diêm La - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 51 Đến Phẩm 60 - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (Phẩm Tu Từ) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Môn Thiền Pháp Yếu Dụng - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 34 - Kinh Tạng
  • Kinh Lăng Già Tâm Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xây Tháp Bồ Tát Hiến Thân Cho Hổ Đói - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Tuệ Khai dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Diễn Ðạo Tục Nghiệp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Kinh Tạng
  • Bí Quyết Bồ Tát Như Ý Luân Quán Môn Nghĩa Chú - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Cấu Xưng - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng