Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn

Tống Pháp Thiên dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Huệ Thanh & Thích Nữ Tâm Chánh

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng Bí sô gồm năm trăm vị và chúng đại Bồ tát ở rừng Cù Thi La, xứ Câu Thiểm Di.

Lúc ấy, Vô Tỷ Ma Kiện Di Ca nữ sanh tâm sân giận, ganh ghét hoàng hậu Xá Ma Phạ Để nên đến bên vua Nhật Tử thưa:

– Thiên tử có biết không? Hoàng hậu Xá Ma Phạ Để và năm trăm cung nữ làm việc dâm dục với các Sa-môn. Nay thiếp xin báo cho Ngài biết. Xin Thiên tử biết cho, thật khó mà dung thứ!

Khi ấy, nghe Vô Tỷ Ma Kiện Di Ca nữ nói rồi, vua Nhật Tử sân giận đến tột độ, không thể nhẫn được, định giết phu nhân Xá Ma Phạ Để, bèn cầm cung giương lên bắn. Lúc đó, phu nhân Xá Ma Phạ Để nhập định từ tâm. Vua bắn tên lên giữa hư không, phát ra ngọn lửa sáng rỡ. Mũi tên ấy liền quay lại, rớt xuống bên trái nhà vua, được Phật bí mật hộ trì làm cho mũi tên không trúng thân, cũng không gây tổn hại.

Khi ấy, vua Nhật Tử kinh sợ, lông tóc dựng đứng, liền ngã quỵ xuống đất, sau đó đứng dậy dùng kệ hỏi phu nhân Xá Ma Phạ Để:

– Phu nhân là Thiên nữ

Quỷ nữ, La-sát nữ,

Hay Hiến-đà-bà nữ?

Ta hỏi hãy nói rõ

Nàng hành trì pháp nào

Chưa thấy, chưa từng nghe

Lại cũng chưa từng biết

Chưa có người nữ nào

Binh khí không làm hại

Ta có sức mạnh mẽ

Học giỏi về cung tên

Mũi tên ta bắn ra

Chưa từng không trúng đích

Tài bắn cung như ta

Khỉ, vượn và chim bay

Thân người và ụ đất

Chưa chỗ nào không trúng

Hôm nay ta bắn tên

Quay lại rớt trước mặt

Không thương tổn thân ta

Ta xin quy mạng nàng

Nguyện cứu thoát khổ não

Xin nghe lời thành thật

Vì ta muốn hại nàng

Bỏ qua, chớ sân giận

Nàng nghĩ làm việc tốt

Làm ta lìa khổ não

Vĩnh viễn không trở lại.

Bấy giờ, phu nhân Xá Ma Phạ Để trả lời vua Nhật Tử, liền nói kệ:

– Thiếp chẳng phải Thiên nữ

Chẳng phải Kiền-thát nữ

Chẳng phải quỷ, La-sát

Là Xá Ma Phạ Để

Thiếp là đệ tử Phật

Vì tâm đại từ bi

Nên thiếp làm việc thiện

Tâm hướng đến Thế tôn

Số ức trăm ngàn kiếp

Quán tâm thiện từ bi

Nên thiếp hành hạnh từ

Ngài bị nữ sắc buộc

Thấy đó như là thật

Như mạ non trưởng thành

Bị mưa đá làm hoại

Nếu lìa đắm nữ sắc

Thiếp đều rất ưa thích

Tất cả các Thế tôn

Đều xa lìa dâm dục

Lại nghe Thế tôn dạy

Phật và chúng Bồ tát

Duyên giác và Thanh văn

Đều xa lìa nữ sắc

Người ngu không thể biết

Đều bị ma hàng phục

Lìa ô nhiễm nữ sắc

Có thể được an lạc

Rốt ráo được giải thoát

Các chúng sanh vô trí

Không xa lìa ái dục

Tạo vô biên nghiệp tội

Đọa vào ba đường ác

Hầm lửa dục không đáy

Cháy hừng hực không tắt

Người trí ưa giải thoát

Không bị nhiễm nữ sắc

Thấy rồi liền trói buộc

Vui thích lời dối trá

Sa đọa nơi chúng sanh

Chết vào đường hiểm ác

Chớ nghe lời người nữ

Cũng không nên giận thiếp

Tâm ý sanh hoan hỷ

Tâm hướng đến Thế tôn

Ngài muốn được thấy Phật

Thiếp cùng đại vương đi

Đến nghe lời Ngài dạy

Ắt Ngài thuyết diệu pháp.

Bấy giờ, vua Nhật Tử bảo phu nhân Xá Ma Phạ Để:

– Giờ là đúng lúc. Nàng mau đến gặp Thế tôn.

Vua cùng quần thần, dân chúng đi đến chỗ Thế tôn. Đến nơi, mọi người đều thấy đức Đại Mâu Ni oai nghiêm rực rỡ như núi vàng lớn, ánh sáng chiếu soi cát tường trang nghiêm. Lại thấy chư đại Bồ tát, chư Bí sô, Bí sô ni, Ô ba tư ca, Ô ba sách ca, Thiên, Long, Dược xoa, Kiền-thát-bà, A-tố-la, Bích-lỗ-trà, Khẩn-na-la, Ma-hộ-la-nga, người, phi nhân đang vây quanh Thế tôn.

Khi ấy, đại vương cúi đầu đảnh lễ Thế tôn, thưa:

– Bạch Thế tôn! Con có việc chưa từng có, trước đây chưa từng nghe thấy. Hôm nay đến gặp Phật, xin Ngài từ bi giải rõ cho con

Thế tôn bảo:

– Đại vương! Ông nói việc chưa từng có phải không?

Vua lại bạch:

– Trong cung của con có xảy ra việc dâm dục. Vô Tỷ Ma Kiện Di Ca Nữ sanh tâm hủy báng, nói phu nhân Xá Ma Phạ Để cùng hành dâm với Thanh văn Sa môn. Con nghe nói vậy, sân giận tột độ, muốn giết hại phu nhân Xá Ma Phạ Để, lấy tên bắn. Trên mũi tên phát ra ngọn lửa sáng rỡ rồi trở lại rớt xuống bên trái con, cũng không làm thương tổn thân con.

Phu nhân Xá Ma Phạ Để lễ chân Thế tôn, thưa:

– Đức vua hỏi con: “Nàng là Thiên nữ, Long nữ, Kiền-thát-bà nữ, Tỳ xá tế nữ, quỷ nữ hay La-sát nữ? Tu hành hạnh gì mà được như vậy?”. Con thưa nhà vua: “Thiếp là phu nhân của đại vương, chẳng phải là Thiên nữ, Long nữ, Kiền-thát-bà nữ, Tỳ-xá-tế nữ, La-sát nữ. Thiếp là đệ tử của Thế tôn Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác, tâm hoàn toàn thuần thục, thanh tịnh như là chư Thiên”.

Khi ấy, phu nhân Xá Ma Phạ Để tán thán công đức của Thế tôn:

– Đức Phật Như Lai của con là bậc Ứng Chánh đẳng giác như vậy, có đại từ bi như vậy, đầy đủ đại phước huệ, thành tựu đại oai đức, được đại tự tại. Vì sao? – Vì Như Lai Ứng Chánh đẳng giác là bậc thầy của trời, người. Nguyện Ngài chứng giám lòng thành của con.

Bấy giờ, vua Nhật Tử ở trước Phật và chúng Bí sô phát lồ sám hối:

– Chúng con cũng như trẻ thơ dại khờ, tâm trí mê loạn như ở chỗ đen tối, như không có căn lành. Con nghĩ là đã hủy báng đệ tử Thanh văn của Như Lai. Lành thay, Thế tôn! Xin Ngài giải rõ chỗ nghi ngờ của con. Chúng con xin thọ trì.

Thế tôn dạy:

– Nhà vua nên phát tâm từ, thọ trì giới hạnh, làm lợi ích khắp hữu tình.

Vua Nhật Tử liền rời khỏi chỗ ngồi, chấp tay cung kính.

Phật dạy:

– Đại vương! Nhà vua hãy an tọa.

Khi ấy, vua Nhật Tử cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Vua Nhật Tử bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Tâm con hung hăng, nghe lời người nữ mà tạo ra nghiệp tội khổ, tự biết sau khi chết sẽ đọa địa ngục. Lành thay, bạch Thế tôn! Xin Ngài nói lỗi của người nữ.

Thế tôn bảo:

– Hành nghiệp của người nữ có rất nhiều loại, trá hiện tướng khác làm mê hoặc, tán loạn hữu tình: dua nịnh, dối trá, không chân thật, suy nghĩ điên đảo, quanh co, lừa dối, đi đứng hành động muốn gần kề, kéo dắt hữu tình, thường hành tà hạnh. Nhà vua nên tỉnh giác.

Vua thưa:

– Bạch Thế tôn! Nguyện Ngài dũ lòng từ bi, xin nói rõ. Sau này con sẽ không gần người nữ, cũng không do người nữ mà tạo nghiệp tội, vì không tạo tội nên không đọa địa ngục. Bạch Thế tôn! Con thường làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh.

Phật dạy:

– Đúng vậy! Đúng vậy!

Vua Nhật Tử lại thưa:

– Bạch Thế tôn! Ở bên Phật con được nghe giảng nghĩa của dục này. Thật là do người nữ nên bị quả báo xấu.

Phật dạy:

– Đại vương! Nữ sắc thật thâm sâu, là cha mẹ của oan gia, là cha mẹ của bạo ác. Nếu sanh tâm ưa thích thì đọa địa ngục. Vì thế, người nữ có lỗi như vậy.

Đại vương! Suy xét rõ ràng, người nam có lỗi dâm dục, đời sau cha mẹ quyến thuộc cũng có lỗi như vậy.

Vua Nhật Tử thưa:

– Bạch Thế tôn! Lành thay! Lành thay! Xin Ngài nói rõ cho con lỗi của người nam. Thế nào là lỗi của người nam, cha mẹ quyến thuộc cũng có lỗi đó?

Phật dạy:

– Đại vương! Hãy lắng nghe! Lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói cho đại vương. Đại vương! Lỗi của người nam có bốn loại.

Đại vương hỏi:

– Bốn lỗi đó là gì?

Thế tôn bảo:

– Đại vương! Người nam nào đam mê dâm dục sẽ bị dâm dục làm mê cuồng. Do mê cuồng nên tình ý điên đảo. Do điên đảo nên đối với người nữ rất ưa thích. Ở trong chúng Bí sô không muốn thấy nghe các vị Sa môn, Bà la môn hành trì giới đức. Do không muốn thấy nghe các vị Sa môn, Bà la môn hành trì giới đức nên cũng không thân cận, cũng không quy y, cũng không cúng dường. Đối với các vị Sa môn, Bà la môn không có trì giới, không có đức hạnh cũng lại xa lìa, lại không có tín căn, không tu đức hạnh, không hành bố thí, hoàn toàn không có trí tuệ, ít nghe, đức mỏng, ngã mạn, cống cao, làm việc làm của quỷ thần, lại thân cận kẻ vô trí, tham đắm pháp xấu ác, ưa thích đồ hôi dơ, xa lìa bạn lành. Dù có sanh lên cõi trời hay sanh vào loài người, đối với thân này cũng thường bị hủy hoại. Đối với Sa môn, Bà la môn không bảo hộ. Đối với Phật, Pháp, Tăng lại xa lìa. Đối với diệu quả Niết-bàn lại quay lưng. Thường nghĩ nhớ người nữ, ca múa, kỹ nhạc, uống rượu, đùa cợt… Bị trói buộc như vậy cho đến lúc qua đời, đọa vào địa ngục A-tỳ, bị lửa đốt rất nóng, kêu gào thảm thiết, bị dây trói buộc, chịu các thứ khổ. Ra khỏi địa ngục, sanh vào cõi Diễm-ma-la, sanh vào loài súc sanh, làm sư tử, hổ lang, các loài cầm thú ác, cho đến thân chim Bích-lộ-trà ở trên cây mũi nhọn.

Đại vương! Người nam nào hành pháp ngu như vậy sẽ bị quả báo này. Đây là lỗi đầu tiên của người nam.

Bấy giờ, Thế tôn nói kệ:

– Dâm dục ô uế gốc bất tịnh

Đời sau càng tăng thêm nghiệp khổ

Pháp sư thông tuệ quở trách dục

Làm cha mẹ cũng không lợi ích

Ví như hầm bất tịnh to lớn

Đầy nhẫy phẩn nhơ rất hôi thối

Như thây phình trướng ngoài gò mã

Người dâm dục cũng lại như vậy

Như ruồi bọ bu vào mụt ghẻ

Lừa, ngựa chạy ngủ trong phân dơ

Heo, chó ăn nuốt cá hôi thối

Đam mê người nữ cũng như vậy

Phá hoại tiếng tốt và đức hạnh

Thường phạm giới cấm không hổ thẹn

Không sanh thiên giới, đọa A-tỳ

Vì thế Pháp sư quở trách dục

Ví như người uống lầm thuốc độc

Mê loạn, điên cuồng, đau khắp thân

Không biết vô thường, các thứ độc

Người đam mê dục cũng như vậy

Tham ưa mùi vị thức ăn ngon

Thích nghe các thứ ca nhạc hay

Bỏ bê việc nhà không nghĩ đến

Chỉ gây nhân khổ, nghiệp luân hồi

Tham đắm dâm dục thường khen ngợi

Ngu mê không biết đãy đựng phân

Ngày đêm thường làm việc xấu xa

Phước mỏng trầm luân các đường ác

Khen ngợi dâm dục làm sai trái

Nhiều sân giận, tăng trưởng ngu si

Như đi trên ven đỉnh núi cao

Không biết khoảnh khắc là mất mạng

Khác biệt với người cõi Diêm Phù

Chết đọa trong vô biên biển nghiệp

Năm núi bao quanh núi Thiết Vi

Ánh sáng trời trăng đều không thấy

Như gió quay cuồng không hiểu biết

Qua lại ngang dọc mất lối đi

Như vậy trải qua sống ở đó

Tất cả thế gian không coi trọng

Các loại thiện nghiệp cũng không sanh

Có con trai gái không hiếu kính

Trái bỏ tôn thân, tạo ngũ nghịch

Ân cần hòa hợp với thê thiếp

Không nghĩ lưới tội lỗi giăng ra

Rơi vào trong tham si dục lạc

Xa lìa cha mẹ không trở lại

Quên báo ân dưỡng dục nhọc nhằn

Buông lung đùa giỡn tham đắm dục

Qua lại phiền não càng tăng thêm

Phá hoại tu hành sanh nghi ngờ

Không gặp Hiền Thánh tạo nhân lành

Ưa làm tà hạnh chịu cực khổ

Không nghĩ hình phạt bị sỉ nhục

Đấu tranh, lừa dối đến giết hại

Phá hoại của cải lìa bạn lành

Không sanh thiên giới và cõi người

Chết đọa vào địa ngục A-tỳ

Rừng sắt màu xanh giương mũi nhọn

Thành lửa đỏ rực cháy dữ dội

Cây kiếm, núi đao biến khắp đất

Đồng sôi, sắt nóng làm nước uống

Khổ lớn như vậy do dâm dục

Gốc trí tuệ Bồ-đề ẩn mất

Ông hướng người nữ sanh lo sợ

Chớ nên gần gũi bám víu theo

Nếu tương ưng cõi thiện trời người

Không lâu tự chứng đắc Bồ-đề.

Lại nữa, đại vương! Cha mẹ sanh con nhỏ, việc này rất gian nan, ai cũng biết được. Lúc ở trong bào thai, mẹ ôm vác mười tháng, chịu khổ não, đau đớn nhiều cách, đứng ngồi khó khăn, ăn uống có chừng mực. Dẫu sanh con như cắt tiết heo dê làm thịt, mẹ vẫn không nghĩ đến thân mình, chỉ lo cho con, bú mớm, nuôi dưỡng, không lúc nào khỏi ẵm bồng. Khi con đại tiểu tiện, mẹ phải rửa ráy, giặt giũ.

Dần dần con khôn lớn, cha mẹ dùng lời thành thật dạy dỗ cho con, cho đi học các nghề công xảo kỹ nghệ trong cõi Diêm Phù Đề, học chữ, tính toán, buôn bán kinh doanh. Lại làm cho con thân tâm được an lạc, mở rộng của cải, vật dụng, lụa là, làm cho giàu sang, kén chọn người đẹp để cưới vợ cho con với hy vọng con hiếu thuận, cung kính, phụng dưỡng cha mẹ, mà trở lại đứa con tâm ý điên đảo, mê loạn, đắm say sắc dục, hoàn toàn không tỉnh ngộ.

Còn ở trong gia tộc dòng họ chỉ riêng nghĩ đến thê thiếp, cùng nhau tham ái. Đối với cha mẹ trở thành bất hiếu, không kính trọng. Về sau, người cha tuổi già, thân thể suy yếu, mắt mờ, tai điếc, đứng ngồi khó khăn, cần có người dìu dắt mà đứa con trở lại oán ghét, khinh khi chán bỏ, dùng các thủ đoạn bức bách, đuổi cha ra khỏi nhà, chỉ lo cho gia đình bên vợ, hội họp vui vẻ.

Phật bảo đại vương:

– Người nam nào làm việc tà hạnh này, bỏ cha mẹ, quyết định sau khi qua đời sẽ đọa địa ngục A-tỳ, không có kỳ hạn ra khỏi. Đó là lỗi thứ hai.

Người nam nào bỏ nữ sắc, tâm ý trong sạch, cúng dường, hiếu kính cha mẹ, sau khi qua đời không đọa đường ác mà sanh lên các cõi trời, thọ phước an vui. Phước cõi trời hết, hạ sanh nhân gian cũng không chịu nghèo cùng hạ tiện, mà được giàu sang tốt đẹp.

Bấy giờ, Thế tôn nói kệ:

– Lìa dục, hạnh từ hiếu

Sau khi chết sanh thiên

Thân Phạm vương, Đế Thích

Thường an vui khoái lạc

Cúng dường cha mẹ già

Sau sanh vào cõi người

Đi buôn bán trên biển

An vui được châu báu

Cúng dường cha mẹ già

Tất cả đức tối thượng

Như lúa, trái cây chín

Rõ ràng phước không hết

Cúng dường cha mẹ già

Vĩnh viễn không gánh nặng

Thường được lừa, ngựa chở

Dao nhọn không thể hại

Cúng dường cha mẹ già

Không qua sông nước mặn

Lửa dữ cùng đao binh

Lại cũng không thể gần

Cúng dường cha mẹ già

Thường được vợ con lành

Lúa thóc và của cải

Lưu ly và vàng ngọc

Cúng dường cha mẹ già

Thường được ở cung trời

Vô số vườn hoan hỷ

Vây quanh ở bốn bên

Cúng dường cha mẹ già

Thường nghe giáo pháp Phật

Đủ sắc tướng đoan nghiêm

Ai nấy đều kính trọng.

Lại nữa, đại vương! Người nam nào tạo nghiệp phi pháp, tâm không chân thật, có nhiều tà kiến, đối với việc thiện không biết, vọng sanh điên đảo, thường được nhiều người ngu si khen ngợi. Đối với người có trí, thường sanh phẫn nộ, tội nghiệp càng nặng, vĩnh viễn mất lợi lớn. Khi Phật ở đời vĩnh viễn không được gặp. Ngã mạn, cống cao, nghèo cùng, hạ tiện…, mọi người không ưa thích. Đây là lỗi thứ ba của người nam.

Bấy giờ, Thế tôn nói kệ:

– Người nam hành dâm dục

Điên đảo phân biệt ngã

Ngu mê tội nghiệp nặng

Luân hồi đọa đường ác

Xa lìa công đức Phật

Không trí tuệ chọn lựa

Hư vọng cầu an lạc

Như hà mịch Lô-Ca (?)

Người ái dục ngu si

Dua nịnh nhiều hư dối

Mong cầu vui phi pháp

Thành chịu khổ địa ngục

Đắm dục thấy điên đảo

Thấp kém không biết gì

Như ở trong đêm tối

Không thấy được đường đi

Không lòng tin, hổ thẹn

Chỉ đam mê thinh sắc

Bồ tát và Thanh văn

Chưa từng đem cúng dường

Nếu gặp người chân chánh

Thuyết giảng pháp vi diệu

Khinh pháp không chịu nghe

Trầm luân trong địa ngục

Không trở lại thân người

Đoạn trừ các hạnh thí…

Mê đắm không tu hành

Mất Bồ-đề tối thượng.

Lại nữa, đại vương! Những người nam nào vì sinh sống, mê đắm dâm dục, ngu si nên chướng ngại, làm các nghề nghiệp công nghệ, hành chính, tính toán, ngâm vịnh, đàm luận, những người đó thân cận vua, quan, làm việc phi pháp, trách mắng hữu tình, dối gạt đủ điều, mong cầu tài lợi, tạo các ác nghiệp. Lại vì sinh sống nên làm các việc không đúng luật nghi, buôn bán trâu, lừa, lạc đà, ngựa, heo, dê, gà, chó, cho đến chú thuật, săn thỏ, đánh bắt các loài ở dưới nước ăn thịt. Hoặc lại kinh doanh, không chọn đường đi, đi vào những đường hiểm ác, hôi dơ, đường có giặc cướp, đao kiếm, cho đến trôi nổi trên biển cả chịu các khổ não, lạnh nóng, đói khát mà cầu tài lợi. Lại đối với Sa môn, Bà la môn xan tham, không chịu bố thí, một lòng mê đắm dục lạc. Lại bị người nữ hàng phục, xua đuổi, sai sử như nô bộc, thường ở chung, chưa từng xả bỏ, đứng ngồi nói chuyện, cùng nhau khắn khít, sanh ra luyến ái. Vì thế, nuôi dưỡng người nữ, sau khi qua đời đều vào địa ngục. Đó là lỗi thứ tư.

Bấy giờ, Thế tôn nói kệ:

– Người chạy theo ái dục

Say mê có vui gì?

Theo đuổi điều thấp hèn

Làm sao được an vui?

Chẳng phải việc chân chánh

Tự làm không biết trái

Không thẹn, như lừa, (lạc) đà

Ô uế không chịu nổi

Người này ít trí huệ

Không hiểu rõ tội căn

Chạy tranh giành người nữ

Như chó được phẩn dơ

Hôi thối không thể ưa

Người ngu si rất thích

Không biết lỗi dâm dục

Như mù không thấy sắc

Người ngu si đắm dục

Như chó theo phân dơ

Thanh, hương, vị, xúc, pháp

Tham đắm cũng như vậy

Người ngu si đắm dục

Luân hồi trong các đường

Như khỉ trói trong cọc

Không ra khỏi ba cõi

Người ngu mê đắm dục

Như quạ luyến thịt thối

Thường bị ác ma dẫn

Đọa lạc trong đường ác

Người ngu tham ưa vị

Ngon ngọt bị ràng buộc

Khác gì dòi nhà xí

Đâu biết là bất tịnh

Người trí được giải thoát

Nữ sắc không thể nhiễm

Thấy đó sanh kinh sợ

Xả bỏ như thây nát

Ngu si ôm tán loạn

Tham đắm dục không bỏ

Đi đường nóng gian khổ

Khát nước, uống nước mặn

Như vậy thấy người uống

Ngu si mê mất mạng

Người cố chấp đắm dục

Tội lỗi cũng như vậy

Thật do người nữ này

Như mắc bệnh phong hủi

Sanh trùng tự ăn nuốt

Tham dâm cũng như vậy

Nếu người nữ trang sức

Như hủ phân được vẽ

Chỉ thấy tướng bên ngoài

Đâu biết trong bất tịnh

Lại như dầu giặt áo

Đeo mang trên thân mình

Người nữ nào trang sức

Nhiễm ô cũng như vậy

Như dao được áo che

Như lửa được tro phủ

Người nữ nào trang sức

Trái phạm cũng như vậy

Lại như kiếp hỏa đến

Đại địa đều cháy rực

Cỏ cây không sống được

Sông biển khô cạn hết

Nơi ở quỷ Bộ-đa

Tu-Di và Thiết vi

Lục dục và sơ thiền

Phá hoại ai cứu được

Như vậy đắm nữ sắc

Lửa dâm cháy dữ dội

Thiêu đốt loài hữu tình

Trái phạm không thể cứu

Thân người mau bất tịnh

Do vật ô uế thành

Móng tay và lông tóc

Nước dãi và cứt ráy

Mồ hôi, đại tiểu tiện

Mỡ lá và màng não

Da thịt và xương tủy

Máu, gân, mạch nối nhau

Lá lách, thận, tim, phổi

Ruột, dạ dày, mật, gan,

Sanh tạng và thục tạng

Đàm đỏ và đàm trắng

Lại thêm tám vạn trùng

Trùng nhỏ nhít ăn nuốt

Thường ở trong thân người

Người ngu đâu hiểu biết

Đói thân sanh tham ái

Như ruồi bu máu mủ

Mùi hôi cho là thơm

Đau khổ cho là vui

Như vậy người đắm dục

Cầm gậy đánh đuổi nhau

Lửa dục tranh nhau đốt

Mê say đâu thể ngộ

Ngu si đắm vị ngọt

Như chó ở phòng trống

Như tiếng vọng không thật

Cuối cùng thành vọng tưởng

Lại như loài khỉ vượn

Thường bám chuyền trên cây

Cho đến lúc vô thường

Không lìa khỏi cành cây

Như vậy, người tham dục

Theo đuổi tìm cầu sắc

Đọa lạc vào đường ác

Không lìa khổ sanh tử

Người ngu si dâm dục

Sau khi họ qua đời

Ném vào trong nồi sắt

Trụ một kiếp như vậy

Chìm nổi như đậu nấu

Nồi đó lượng lớn nhỏ

Sáu mươi bốn câu-chi

Chúng sanh ở trong đó

Tất cả đều đọa lạc

So lường không thể biết

Nấu đốt ở trong nồi

Chịu khổ cả trăm kiếp

Hoặc hai, ba, bốn kiếp

Tùy theo nghiệp nặng nhẹ

Da thịt đều chín bấy

Xương như vỏ ốc trắng

Lại tùy theo nghiệp lực

Tay cầm móc bén nhọn

Ném vào máng thiết nóng

Chết đi rồi sống lại

Lại bị các ngục tốt

Tay cầm chày sắt giã

Xương tủy đều tan nát

Gió thổi liền sống lại

Hoặc dùng gậy sắt đánh

Bửa ra như búa chặt

Ba, bốn, năm thú sắt

Chạy theo sau cắn xé

Lại cũng có chim sắt

Chó sắt và chó sói

Răng mỏ bén như kiếm

Ăn tủy não tội nhân

Người nào tạo nghiệp tội

Đọa lạc vào sông phẩn

Hoặc rơi trên đao kiếm

Tất cả đều hôi dơ

Người nào tạo nghiệp tội

Đọa vào chỗ rất nóng

Kêu la gào dữ dội

Dây đen và đốt nóng

Người nào tạo tội nghiệp

Đọa vào nơi sông tro

Lại vào ngục Du-tăng

Đau khổ không chịu nổi

Người nào tạo tội nghiệp

Chết đọa trong địa ngục

Đói nuốt hòn sắt nóng

Khát lại uống nước đồng

Người nào tạo tội nghiệp

Đọa vào nơi núi sắt

Các núi cùng hợp lại

Làm thân nát như bột

Người nào tạo tội nghiệp

Thường chịu các khổ não

Bị quả báo như vậy

Không ai có thể cứu

Nơi này chẳng an lạc

Do đời trước tạo nghiệp

Cha mẹ và vợ con

Đâu thể cứu nhau được

Làm dâm dục thấp hèn

Thẳng đến ngục Vô gián

Khổ không thể chịu nổi

Ba đời Phật đều dạy

Vì thế người thấp hèn

Cùng ở với người nữ

Như vác túi đựng phân

Ngu si mang tận nơi

Người nam bị người nữ

Trói buộc như gông cùm

Địa ngục lửa thiêu thân

Không thể an vui được

Khoảnh khắc sanh trí tuệ

Như vậy nghe pháp Phật

Lìa tất cả dâm dục

Xuất gia được giải thoát.

Phật bảo:

– Đại vương! Người nam nào làm việc dâm dục sẽ đọa vào địa ngục, chịu khổ lớn này. Vì thế đại vương! Hãy luôn luôn tưởng nghĩ Phật, nghĩ Pháp; quán sát thân tâm, chớ để sanh lỗi lầm.

Vua Nhật Tử ở ngay chỗ Thế tôn phát lòng tin rộng lớn, thưa:

– Bạch Thế tôn! Thật là hy hữu! Như Lai Ứng Chánh đẳng giác khéo thuyết giảng lỗi của người nam, người nữ. Con xin thọ trì, quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Bí sô. Từ nay về sau, con xin xả bỏ các lỗi dao gậy do dâm dục gây ra mà thương xót, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Lúc nói lời này xong, trong hội vua Nhật Tử và các Bí sô, đại Bồ tát, Trời, Rồng, Dược xoa, A-tố-la, Bích-lộ-trà, Kiền-đạt-bà, Mạt-hô-lạc-ca, nhơn, phi nhơn.v.v… nghe Phật thuyết giảng đều rất vui mừng, làm lễ mà lui ra.

    Xem thêm:

  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Về Tám Điều Nuôi Lớn Công Đức - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xây Tháp Bồ Tát Hiến Thân Cho Hổ Đói - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Nguyệt Quang Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quở Trách Sắc Dục - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Kinh Ðại Sanh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Phó Phật Bát Niết Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Quán Kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng Phật - Kinh Tạng