Kinh Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi

Phật Thuyết Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi Kinh

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Nhãn

***

Nghe như vầy:

Một thời đức Phật đến vườn Nại-nữ, nước Duy-la-ly cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, năm ngàn Bồ Tát và vô số trời người. Khi Phật thuyết kinh trong chúng hội đều im lặng. Bồ Tát Long-thí đứng trước đức Phật rống tiếng Sư tử, tán thán đại thừa nói hạnh đời trước, tích công bồi đức không tiệc thân mạng, không tính toán ta hay người, không chỗ mong cầu. Long-thí Bồ Tát bạch Phật:

Thuở đời quá khứ, có một vị Bát-già-tuần (người có thần thông) sống tại cây đại thọ, tinh tấn tu hành không đắm trước, thường thương xót mọi người mười phương và các loài động vật. Ngài hành tứ đẳng tâm từ, bi, hỷ, hộ (xả); thường ăn trái chín và uống nước suối, không màng chuyện đời, vinh hoa không tham luyến. Ngài chứng ngũ thần thông tự tại an vui. Ngũ thần thông là gì? là Mắt có thể thấy xuyên suốt; Tai có thể nghe thấu triệt; thân có thể bay tự tại và hiểu được căn tánh chúng sanh tự biết gốc ngọn. Bát-già-tuần sống trong núi tụng tập nghĩa kinh ngày đêm không giải đãi.

Khi ấy, có một con rắn độc, thấy Bát-già-tuần ngày đêm tụng kinh tâm nó rất vui mừng. Nó đến trước Bát-già-tuần cúi đầu đảnh lễ và lấy cỏ làm đồ quét, miệng ngậm nước phung trên mặt đất. Mọi sự cung cấp hầu hạ đạo nhơn không chút biếng nhác, nó thường nằm bên trái nghe kinh không rời xa. Mỗi khi Bát-già-tuần tụng kinh rắn độc tụng theo. Như vậy, trong vòng vài tháng mùa đông đã đến. Hoa trái cây đại thọ héo úa lụi tàn. Bát-già-tuần suy nghĩ: “Mùa đông đến hoa quả cũng hết không có chỗ nương tựa, nay ta phải trở lại nhân gian”, nghĩ rồi sửa soạn y bát ra đi. Rắn độc thấy thế bi ai rơi lệ hỏi đạo nhơn:

-Ngài muốn đi đâu?

Đạo nhơn đáp:

-Thời tiết lạnh, lại không nhà cửa, hoa quả cũng lụi tàn không có gì để sống nên ta phải ra đi thành nội.

Rắn độc nghe lời lẽ thảm thiết, thưa với đạo nhơn:

Đạo nhơn sống ở đây con nương tựa như thái sơn, ngày đêm tâm được pháp lạc không mất. Nay Ngài bỏ con ra đi không chỗ cậy nhờ, xin nguyện lân mẫn thương xót thân con.

Đạo nhơn nói:

Ta có tứ đại thường phải nhờ thực phẩm mới tự tại vững vàng. Nay trong núi này không còn gì tuy có lòng từ nhưng không thể tự tại.

Rắn độc thưa:

Trong núi này cây cối cao ngất trời, nước suối luôn luôn chảy. Trăm chim hót vang thật vui thích vì sao mà bỏ nó? Xin đạo nhơn đừng thấy vậy mà vứt bỏ. Nếu phải ra đi thì cho con theo hầu hạ đạo nhơn, con không dám ở lại nơi vắng vẻ rồi cũng chết vì ưu sầu.

Đạo nhơn nói:

-Ngươi làm rắn độc mọi người thấy ngươi căm ghét muốn giết không có lòng ưa thích, hoặc trên đường đi hổ, sói, trùng độc, chim, thú chúng sẽ hại ngươi. Nay nếu ta cho ngươi đi theo thiệt sẽ ân hận mãi, tuy tâm ngươi không có gì nhưng không được tự tại. Nguyện cho ngươi ở đây tư duy đường đạo, tưởng niệm cái đức và tinh tấn tự mình nhẫn chịu mọi khổ ách nếu ta còn khỏe mạnh năm sau lại gặp nhau.

Đạo nhơn xót thương gạt lệ mà ra đi. Rắn độc lệ tuôn đầm đìa không cầm được, muốn nhìn đạo nhơn mãi không thôi, rồi leo lên cây trông theo đạo nhơn, nhìn theo từng bước đi đạo nhơn, lại tiếp tục leo tuốt ngọn cây trông cho đến khi hình bóng đạo nhơn mất hút dần. Rắn độc ngậm ngùi tự trách mình rằng: “Vì ta có tội đến nỗi mang thân rắn độc nên mất sự tốt đẹp gần gũi đạo nhơn. Đời trước quá ngu si, phạm nhiều tội ác, dâm dật, sân nhuế, ám muội bung lung, giải đãi, vô tri không chịu tinh tấn, mê loạn không dứt, tâm không định tĩnh. Không gặp Phật ở đời, xa lìa chánh pháp, mất đại trí tuệ, đi ngược ánh sáng, theo khổ nhập vào khổ xa bờ giác. Đọa vào ngũ đạo làm loài sâu bọ, bươm bướm, trùng bay… Nay làm thân rắn bị người khinh ghét lỗi đều do mình không do người khác. Sự giàu sang trên trời và thế gian cũng vô thường huống chi thân ta chứa nọc độc, quay vòng theo sanh tử như bánh xe”.

Bấy giờ, rắn độc tự trách móc nói lỗi của mình nên lòng được thanh thản và suy nghĩ: “Nay thân này nguy hại không cần tham tiếc, không có đắm trước thân này nữa”. Liền từ trên cây tự ném mình xuống, chưa rơi xuống đất va chạm giữa nhánh cây thân đứt làm hai. Lập tức mạng sanh về xung trời Đâu-suất, nó thấy ánh sáng hào quang rồi tư duy biết ngay đời trước: “Khi ta còn tại thế thân làm rắn độc theo hầu hạ đạo nhơn cải tà qui chính, không giải đãi hàng phục tâm ác ma, thấy thân mạng như đất cát biết mạng chẳng thường nên trên cây tự ném mình xuống, lúc mạng chung lại sanh nơi này”. Nghĩ rồi người ấy từ trên cung trời cùng các ngọc nữ, Thiên tử mỗi người cầm thiên hoa tung rãi lên xác rắn độc và người ấy tự nói:

-“Thân rắn này tuy độc hại nhưng đối với ta ân rất sâu dày không phải mỏng. Nhờ rắn độc tinh tấn hành pháp, tâm không đắm trước khi bỏ thân rắn được sanh lên cõi trời. Nay Ta xuống đây muốn đến đáp ơn này”. Nghĩ rồi đi đến Bát-già-tuần cúi đầu đảnh lễ cúng dường hương hoa, tán thán mọi công đức và khen ngợi:

Đạo nhơn không bạn lữ, không có người thân. Ngài hành đại tự bi giáo hoá tất cả khiến xa lìa tam đồ. Con vốn là rắn độc mà ngài coi như con ruột, nhớ nghĩ tất cả đại công đức con muốn đền đáp ân này, biết bao giờ có thể làm được. Nói rồi người ấy trở về cung trời Đâu-suất.

Cùng theo các Thiên nhơn

Đến trước Phật Di Lặc

Cùng cúi đầu đảnh lễ

Tâm mọi người an vui

Thấy Di Lặc hoan hỷ

Lễ xong đứng một bên

Di Lặc nhân nói pháp

Đều được vô sở sinh

Trên trời sau mạng chung

Lại sanh ở thế gian

Vị ấy liền tu phước

Làm người nữ thông minh

Tên gọi là Long-thí

Từ bỏ mọi dục tình

Khi đức Phật đến nhà

Giữa mày phóng hào quang

Lúc ở tại phòng tắm

Tâm ý rất kinh ngạc

Trên lầu nhìn ra xem

Thấy Phật công đức lớn

Các căn đều tịch tịnh

Ba mươi hai tướng hảo

Tâm nữ rất hoan hỷ

Nay có được an vui

Phải cúng dường Phật pháp

Liền phát Bồ-đề tâm

Khi ấy ma vương biết

Trong tâm nghĩ sầu lo:

“Nữ này phát đạo ý

Sẽ diệt cõi giới ta”

Nghĩ rồi biến làm cha

Nói nhiều chuyện gian xảo:

Nay Phật hiệp ở đời

Công đức có là bao

Bồ Tát nhiều cực khổ

La-hán mau đạt được

Thiếu nữ trả lời rằng:

Cha nói không nghĩa lý

Trí Phật như hư không

La-hán như hạt cải

Do vậy hãy so sánh

Đạo nhỏ không cao bằng

Phật đức như biển lớn

Độ người vô số kể

Ma vương bảo nữ nhơn:

Con cớ gì ngu si!

Bồ Tát rất cực khổ

Đắc đọa không có hạn

Giả sử muốn thành Phật

Phải không tiếc thân mạng

Tự mình buông xuống đất

Hoá thành nữ diệu kỳ

Tinh tấn không đắm trước

Đắc Vô-thượng-chánh-giác

Khi nữ đứng lan can

Hướng Phật chắp tay nói

Con nguyện bỏ tất cả

Xin Phật chứng lòng con

Tự mình nhảy xuống lầu

Kịp đắc Vô-sở-sanh

Biến thành thân người nam

A-nan liền kinh sợ

Chỉnh y phục chắp tay

Đứng trước bạch Thế-Tôn

Nay con nghĩ thật lạ

Những chuyện ấy thế nào?

Tất cả đều ngu si

Nguyện xin Phật giải bày

Phật mới bảo A-nan:

Ông thấy người nữ đó

Tự gieo mình xuống đất

Chuyển làm thân nam tử

Chẳng bỏ thân đời này

Đời trước cũng như vậy

Lại làm nhiều Phật sự

Tinh tấn không giải đãi

Quá khứ đến tương lai

Cúng dường như hằng hà

Nên chứng đắc thành Phật

Danh hiệu là Long Thượng

Tại đại hội đệ nhất

Độ thoát chúng trời, người

Số người không đếm xuể

Ví như mây trôi nổi

Bấy giờ Phật ở đời

Thật vô cùng an lạc

Ăn uống đều tự nhiên

Như cung trời Đao-lợi

Khi ấy thân Long-thí

Đứng phía trước đức Phật

Xin cha mẹ mình rằng:

Cho con làm Sa-môn

Cha mẹ liền đồng ý

Thị tùng năm trăm người

Và tám trăm thiên thần

Đều phát tâm Vô-thượng

Bấy giờ, ma buồn rầu

Hối hận không chỗ nói

Long-thí bạch Phật rằng:

Nguyện thương hết mọi người

Vì đoạn mười hai biển

Trừ bỏ các khổ ngọc

Độ tất cả ngu si

Nói nhiều đại chân bảo

Khi ấy Phật thuyết pháp

Năm trăm người thi tùng

Đều đắc Vô-sở-sanh

Và tám trăm chư Thiên

Đắc pháp nhẫn vắng lặng

Khi ấy nữ Long-thí

Liền đến trước đức Phật

Tự nói đời quá khứ

Cầu đạo rất khổ nhọc

Đã không tiết thân mạng

Vì tất cả chúng sanh

Công đức của Như Lai

Không thể nói cho hết

Thời ấy, Bát-già-tuần

Nay là đức Thế-Tôn.

Còn thân của rắn độc

Nay là thân Long-thí

Và năm trăm ngọc nữ

Nay là năm trăm người

Tám trăm chư thiên tử

Được chí Vô-đẳng-luân

Chỗ Bồ Tát thị hiện

Do vì có nhân duyên

Muốn tán thán công đức

Trọn không thể tận hết

Long-thí thân Bồ Tát

Khi rống tiếng Sư tử

Vô số chư thiên nhơn

Đều phát tâm Vô-thượng-chơn

Tất cả rất vui mừng

Trước Thế-Tôn đảnh lễ

    Xem thêm:

  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Câu Lợi Già La Đại Long Thắng Phục Ngoại Đạo - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Ngữ - Kinh Tạng
  • Bài Tụng Bồ Tát Long Thụ Khuyến Giới Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tối Thắng Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng