1
2
3

QUYỂN 2

Lời kinh: “Bấy giờ Đức Phật nói với trưởng lão Xá-lợi-phất:

Từ cõi Ta-bà này về hướng tây, cách đây hơn mười vạn ức cõi nước chư Phật có một thế giới tên là Cực-lạc”.

Lời tán:

6.2.2. Phần chính tông

Trong phần chính tông này lại chia làm sáu đoạn.

– Đoạn một, nói về nguồn gốc của cõi Tịnh. Đoạn này bắt đầu từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo trưởng lão Xá-lợi-phất… cho đến câu … đắc dữ hư thị chư thượng thiện hân câu hội nhất xư”.

– Đoạn thứ hai, nói về các nguyên nhân khác nhau có thể sinh về Cực-lạc. Đoạn này bắt đầu từ câu: “Xá-lợi-phất bất khả dĩ thiểu thiện căn… cho đến câu … nhược hữu chúng sinh văn thị thuyết giả ưng đương phát nguyện sinh bỉ quốc độ”.

– Đoạn thứ ba, dẫn chư Phật để chứng minh. Đoạn này bắt đầu từ câu “Xá-lợi-phất như ngã kim giả tán thán A-di-đà Phật … cho đến câu.… Xá-lợi-phất nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ cập chư Phật sở thuyết”.

– Đoạn thứ tư, ba đời phát nguyện. Đoạn này bắt đầu từ câu: “Xá-lợi-phất nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương… cho đến câu … kim hữu tín giả ưng đương phát nguyện sinh bỉ quốc độ”.

– Đoạn thứ năm, Đức Phật khen ngợi đều là việc hiếm có. Đoạn này bắt đầu từ câu: “Xá-lợi-phất như ngã kim giả xưng tán chư Phật… cho đến câu … Nhất thiết thế gian nan tín chi pháp”.

– Đoạn sáu, những điều Đức Phật vừa trình bày đều là những việc khó làm. Đoạn này bắt đầu từ câu: “Xá-lợi-phất đương tri ngã ư… cho đến hết kinh”.

Sau đây sẽ theo thứ tự trình bày ý nghĩa từ đoạn một đến đoạn sáu của phần chính tông này.

6.2.2.1. Đoạn thứ nhất: trình bày về nguồn gốc cõi Tịnh.

Năm hàng tiếp theo đây, văn chia làm hai phần. Thứ nhất, nói khái quát về cõi Tịnh; thứ hai, nói cụ thể về cõi Tịnh.

Nói khái quát về cõi Tịnh.

Trong phần này có bảy ý sẽ được trình bày theo thứ tự sau đây:

– Một, chỉ địa điểm.

– Hai, nói số lượng.

– Ba, nói tên gọi của cõi đó.

– Bốn, nói đức giáo chủ cõi đó.

– Năm, pháp được nói ở cõi đó.

– Sáu, chứng minh tên gọi của cõi nước.

– Bảy, tổng kết quá trình hình thành cõi Tịnh.

Sau đây sẽ trình bày ba ý đầu trong bảy ý vừa nêu.

Hai chữ “Phật cáo” là lời thông báo.

Trong bốn chữ “Tùng thị Tây phương”, riêng hai chữ “tùng thị” là chỉ cho địa điểm mà Đức Phật và đại chúng đang cư ngụ. Nghĩa là từ cõi Ta-bà này Đức Phật xa chỉ về cõi Tây phương Cực-lạc. Câu này có nghĩa là: Từ đây đến cõi Tây phương.

Năm chữ “quá thập vạn ức Phật” là nói về số lượng. Câu này có nghĩa là: Trải quam mười vạn ức Phật.

Câu “hữu thế giới danh viết Cực-lạc”, là nêu tên của cõi nước kia. Câu này có nghĩa là: Có thế giới tên là Cực-lạc. Nước Cực-lạc mà Đức Phật nói chính là nước này.

Trong kinh chủ yếu Đức Phật nói với tôn giả Thu Tử; cho biết đây chỉ là lời dẫn dụ, vì thực chất tất cả hàm sinh đều rất hớn hở và mến mộ cho nên không thể trình bày hết được. Tạm nêu ra nơi đây bảy môn.

– Một, giải thích tên gọi

– Chữ thế có nghĩa là có thể tan vỡ. Chữ giới có là giới hạn đã phân chia rõ ràng. Thế giới chính là cách nói khác của nơi mà chúng sinh đang sinh sống.

Cực-lạc: Lạc có nghĩa là có thể ở. Thức thứ sáu xứng với lạc thụ. Còn Thế cũng tương đương với giới. Đây là giải thích theo cách Trì nghiệp.

Cực: cảm nhận cái vui đến trạng thái tột đỉnh. Thế giới chính là không còn ý thức được (vô tình). Đây là giải thích theo cách Tương vi.

– Hai, trình bày thể chất

Hai chữ Cực-lạc có nghĩa là đạt đến trạng thái vui cùng tột. Thế chỉ chung cho những gì thuộc hữu tình lẫn vô tình đối với giáo pháp của Phật thì không bền chắc, có thể tan vỡ, cho nên gọi là thế. Tức là sắc căn cứ trên tâm mà tạm lập ra. Giới thì lấy bốn trần[34] và năm trần[35] làm thể chất. Dù ở cảnh giới của bậc thánh không có bụi nhơ, nhưng về nghĩa của chữ trần không có gì khác, nên cũng gọi là trần. Mặt khác, bốn tướng vi tế[36] thay đổi cũng gọi là Thế giới.

Ba, phân biệt thật và giả

Nếu đó là hóa Tịnh độ thì chỉ là giả. Vậy thì nhất định quả chính là sắc và pháp. Hữu tình chưa đoạn trừ được hạt giống ô uế, cho nên cũng không thể trở thành Tịnh độ. Nhưng biến tâm như Tam biến thổ điền[37] v.v… không trái với duy thức.

– Bốn, phân biệt lậu và vô lậu

Nếu là bản chất của Phật là Tịnh Độ thì chỉ thuộc vô lậu. Nếu chúng sinh và bồ-tát sinh về Tịnh độ đều do biến hóa ra thì chính là hữu lậu. Nghĩa là do thức thứ tám biến chuyển chứ thật chẳng phải có nhân.

– Năm, phân chia cấp bậc

Cực-lạc là thuộc về tâm. Thế giới thuộc về sắc pháp.

– Sáu, thuộc trong ba bậc

Cực-lạc thì thuộc về hành uẩn. Thế giới thuộc về sắc uẩn. Trong mười hai hành xứ thì Cực-lạc thuộc về pháp xứ. Thế giới thuộc về sắc xứ. Mười tám giới thuộc pháp giới và sáu cảnh.

– Bảy, giải thích nghi vấn

Hỏi: Sự vui sướng ở cõi nước Phật trong mười phương đều giống nhau; vì sao Đức Phật đặc biệt chỉ về cõi Tây phương và khuyên mọi người nên nguyện sinh về đó?

Đáp: Bởi vì phàm phu nghiệp lực nặng bất cứ ở đâu cũng sinh lòng tham; cho nên nếu phương nào cũng chỉ cho họ biết thì họ sẽ không gắn tâm chuyên chú. Vì thế mà kinh Pháp hoa ghi: “Chúng sinh bất cứ ở đâu cũng đắm đuối, cho nên chỉ cho họ cảnh Tây phương để họ từ bỏ tham đắm Mặt khác, ở Tây phương Tịnh độ có đức giáo chủ rất tôn thắng và nguyện lực rất rộng lớn. Đặc biệt khuyến hóa chúng sinh nguyện sinh về đó để chúng sớm đạt được thánh quả. Cho nên mới một mực chỉ về cõi ấy”.

Lời kinh: “Ở cõi ấy có Đức Phật hiệu là A-di-đà, hiện đang thuyết pháp”.

Lời tán:

– Trình bày đức hóa chủ và công việc thuyết pháp của Ngài.

Ba chữ “A-di-đà” như phần trên đã có giải thích. Từ đây trở về sau, sẽ trình bày về địa điểm thuyết pháp.

Nói hiện tại là để phân biệt với quá khứ và vị lai.

Thuyết có nghĩa là diễn thuyết.

Pháp có nghĩa là phương pháp chấp trì danh hiệu. Tức là giáo pháp.

Đức Phật A-di-đà thường vì chúng sinh diễn thuyết pháp mầu vi diệu khiến cho chúng sinh siêng năng tu hành. Vì thế lòng từ bi của Phật vô cùng rộng lớn và ước nguyện độ sinh rất sâu xa. Ngài đã hóa hiện báo thân ở sơ địa để hóa độ cho vô số chúng sinh đủ tất cả các căn cơ. Cho nên gọi là “Nay hiện đang thuyết pháp”.

Hỏi: Vì sao không nói bồ-tát mà chỉ nói Thanh văn?

Đáp: Bởi vì hàng bồ-tát hoàn toàn không có mầm móng ô uế, khi họ ở cõi Tịnh thì tất cả đều giống như nhau. Còn hàng Thanh văn tâm phân biệt vẫn còn cho nên đối với cõi uế thì mỗi người mỗi khác. Vì thế để làm cho họ phát khởi tâm ưa thích cho nên chỉ nói đến hàng Thanh văn.

Hỏi: Hàng Thanh văn rất đông và số người chứng ngộ cũng nhiều, tại sao Đức Phật không nói với ai khác mà chỉ nói cho một mình tôn giả Thu Tử?

Đáp: Giống như người giao trách nhiệm trong gia đình cho con trưởng, giao việc quốc gia cho bậc hiền thần. Tôn giả Thu Tử là trí tuệ tài năng hơn người, như vậy dù Đức Phật chỉ nói cho mình tôn giả thì có gì không đúng lý ư?

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thầy có biết vì sao cõi nước của Đức Phật kia gọi là Cực-lạc không?”.

Lời tán:

– Thứ sáu, Chứng minh tên gọi

Chữ cố có nghĩa là nguyên nhân. Vì ở phần trước chỉ nêu tên gọi Cực-Lạc mà chưa nói rõ hình tướng của Cực-lạc. Do đó, chưa thấy được điểm đặc biệt của cõi Cực-lạc thì khó mà phát tâm cầu sinh về. Tiếp theo đây sẽ trình bày cặn kẽ về cõi Tịnh, cho nên mới tự trình bày tên nước trước.

Lời kinh: “Chúng sinh sống ở nước kia không có các khổ mà ngược lại họ toàn hưởng thụ mọi điều vui sướng, cho nên gọi là Cực-lạc”.

Lời tán:

– Thứ bảy, đúc kết lại những thành quả ở Cực-lạc

Chúng sinh ở nước kia: chúng sinh có tất cả mười cách nói khác nhau. Hai chữ chúng sinh này chỉ là một trong mười cách gọi mà thôi. Chúng sinh do hoa sen hóa sinh thì hoàn toàn không có cái khổ của sinh. Mặt khác, vì bốn chi không biến đổi, nên không có cái khổ của lão. Do không có thân phần đoạn nên không có cái khổ vì bệnh. Thọ mạng không dứt nên không có cái khổ vì chết. Không có cha mẹ, bà con họ hàng nên không chịu cái khổ không thích mà gặp nhau. Mong muốn điều gì đều được mãn nguyện nên không có cái khổ vì cầu không được. Thân thể vẹn toàn, đẹp đẽ nên không khổ vì mặc cảm tàn phế, tật nguyền. Lại nữa, cõi Cực-lạc thời tiết bốn mùa không thay đổi nên không khổ vì nóng lạnh v.v… Cho nên nói, chúng sinh ở cõi nước kia hoàn toàn không có các khổ. Nghĩa là ở đó không có ba đường địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, con người không chịu các khổ. Giống như thân hữu lậu ở cõi Ta-bà luôn bị bốn con rắn quấn lấy, ba rồng hại mạng; các đại chống trái nhau sinh ra các bệnh tật, não nề; khi nghiệp báo hết thì cái chết tìm đến. Có thương yêu nhất định có chia ly, không oán ghét thì không gặp gỡ. Dọc thì mê mờ về lý, ngang thì bị các ấm trói buộc. Từ đó mọi người mãi mãi không có những việc ấy nữa. Vả lại, họ từ lâu tu hành bạch nghiệp[38] cho nên được sinh ở trong hoa sen hồng, thân hình đẹp lạ, không còn bốn tướng sinh, già, bệnh, chết. Vì tâm không còn phân biệt nên không còn gì gọi là thương, ghét. Chúng sinh ở đó muốn gì có nấy và ngược lại không mong không được. Ở cõi ấy chúng sinh dùng năm thứ hương dâng cúng Phật và dùng các đức để trang điểm cho thân thể, thế nên nói không có các khổ.

Chỉ thụ hưởng những sự vui sướng: Vừa mới đặt chân đến Tịnh độ, thì ngay lập tức có các vị thánh đón rước; liền sau đó hoa sen bừng nở và trong nháy mắt đã nhìn thấy thân Phật. Có gió từ đâu thổi đến và nghe tiếng xào xạc của cây báu. Hơn nữa, thấp thoáng đó đây những đám mây lành bồng bềnh rất đẹp lạ, nhiều vô số kể. Chúng nhân dùng những tà áo mềm mại đựng đầy hoa tươi đem đi những nơi xa cúng dường. Buổi sáng họ đến đỉnh lễ Phật, được pháp ấn rồi trở về nước. Buổi chiều họ tập trung đến điện vàng nghe bảo kệ rồi kinh hành. Nhưng vì nguyện lực rộng lớn đức của Phật nên dù người có căn tính nhanh lẹ hay kẻ ngu muội cũng đều được thấm nhuần. Vả lại, Cựu Liên sắp nở ra để đẩy những hoa tàn héo đi; người mới học được hóa sinh và thành tựu hạnh bất thối. Há chẳng phải gần thì đã dứt hết những cái khổ sở xấu xa mà diệu quả cũng không còn xa nữa ư? Cho nên nói chỉ thụ hưởng những sự vui sướng. Vì thế mà có tên là Cực.

Hỏi: Cõi kia có thuộc trong ba cõi không?

Đáp: Vì cõi ấy không có ham muốn nên không phải cõi Dục. Vì sống ở trên đất nên cũng chẳng phải Sắc giới. Vì có hình tướng nên không phải cõi Vô sắc.

Cõi ấy bên trong không có hạt giống nhơ uế, bên ngoài thể hiện là một nơi thanh tịnh. Ngoài ra có bốn dòng nước lần lượt xuất hiện vượt khỏi ba cõi, cho nên không thuộc trong ba cõi.

Lời kinh: “Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Ở nước Cực-lạc, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới và bảy hàng cây, tất cả đều là bốn thứ báu bao quanh”.

Lời tán:

6.2.2.1.1. Nói cụ thể về cõi Tịnh

Đoạn này văn chia làm hai phần nhỏ: thứ nhất, trình bày sự trang nghiêm ở cõi Tịnh; thứ hai trình bày công đức của thân Phật. Trong phần nhỏ thứ nhất lại chia ra làm tám mục nhỏ nữa.

6.2.1.1.1. Cây cối được trang sức bằng bốn thứ báu

Trong mục này lại chia làm hai ý nhỏ: Thứ nhất, chính thức nói về sự trang nghiêm. Thứ hai, đúc kết lại những thành quả của cõi Cực-lạc.

– Một, chữ “Hựu” giống như chữ “phục”, chữ “trùng”, có nghĩa là lại nữa. Nghĩa là ở trước Đức Phật đã nói với tôn giả Xá-lợi-phất:

“Cõi nước kia không có các khổ cho nên gọi là Cực-lạ”. Ở đây muốn trình bày rõ những điểm đặc sắc của cảnh trí ở Tịnh độ. Một lần nữa Đức Phật nói với tôn giả Thu Tử, nên kinh dẫn: “Lại nữa, Xá-lợi-phất”.

Ở cõi Cực-lạc có bảy lớp lan can: Xung quanh những hàng cây báu có bảy lớp lan can. Bề ngang gọi là Lan; chiều dọc gọi là Thuẫn. Chữ Lan nghĩa giống như chữ Hạm; có nghĩa là Lan can.

Hai chữ “trang nghiêm” là chỉ cho các vật báu bao quanh tất cả những hoa và rừng cây. Tại sao chỉ nói trang sức cho cây thôi.? Ở nước kia nơi nơi đều có các vật báu, tuy chỉ nói cây nhưng cũng có ý chỉ cho tất cả.

Bảy lớp lưới: chữ “nghiêm” ý nói nước kia có lưới phủ lên rừng cây và có những sợi tơ bằng vàng kết lại thành các đồ trang sức quý.

Kinh Quán ghi[39]: “Trên mỗi mỗi cây có bảy lớp lưới, đều là chân châu. Trong mỗi một ô lưới có năm trăm ức cung điện Diệu Hoa, chẳng khác gì với cung điện của Phạm vương. Và thấy các vị đồng tử ở cõi trời tự nhiên hiện trong đó. Cõi ấy dùng ma-ni báu làm chuỗi ngọc. Ánh sáng của ma-ni báu kia chiếu soi tới một trăm do tuần[40]. Cũng giống như ở Tịnh độ, khắp nơi trong cõi trời Phạm đều có lưới báu đó”.

Kinh Thuỵ tướng ghi: “Vô số lưới báu đều dùng tơ vàng, chân châu, trăm nghìn thứ báu đẹp lạ quý giá để trang nghiêm và phục sức. Bốn bên màng lưới rủ xuống bằng những linh báu. Ánh sáng chói lọi vô cùng trang nghiêm, diễm lệ; gió lành nhè nhẹ thổi lay các màng lưới. Tiếng diễn thuyết pháp vang vọng cả nước, tai nghe, tâm thích thú càng làm tăng thêm khoái lạc”.

Bảy lớp hàng cây: Trong cõi nước có bảy lớp cây báu mọc thành hàng; luôn luôn nở nhiều hoa đẹp lạ, không tàn úa. Lại có các giống chim muông linh dị ở trên các lầu các chúng thường bay theo các vị thánh. Vì thế gọi là bảy lớp hàng cây.

Đều là bốn báu: chữ Giai nghĩa giống như chữ Hàm; có nghĩa là đều. Cho nên thay vì nói Giai thị tứ bảo, thì cũng có thể nói Hàm thị tứ bảo.

Bốn thứ vật báu: thường chỉ cho bốn thứ: vàng, bạc, san hô và hổ phách.

Kinh Thuỵ Tướng ghi: “Cõi nước ấy có các loại cây bảy thứ báu mọc khắp thế giới. Nghĩa là có hai loại báu cho đến nhiều loại vật báu cùng nhau hợp lại tạo thành. Như loại cây bằng vàng thì dùng bạc làm cành, lá, hoa và quả. Cây bằng bạc thì dùng vàng làm cành, nhánh, hoa và quả. Thậm chí có loại cây dùng Tử kim làm gốc, bạc làm cọng, lưu li làm cành, thuỷ tinh làm nhánh, san hô làm lá, mã não làm hoa và sa cừ làm quả. Hoặc có loại cây gốc bằng bạc v.v.. tất cả đều giống như ở đây vừa nêu. Cây cối ở đây hàng đối hàng, cành với cành phản chiếu nhau, lá với lá soi sáng nhau làm cho màu sắc tươi tắn rực rỡ, không sao có thể xem cho hết được. Lúc nào cũng có gió mát thổi và mang theo năm thứ tiếng vang rền; cung, thương[41] tự nhiên đồng trổi những âm thanh réo rắc”.

Kinh Quán ghi: “Mỗi mỗi cây cao tám nghìn do tuần; mỗi lá cây dài, rộng hai mươi lăm do tuần tạo thành những sắc màu kỳ lạ. Trong mỗi hoa và lá đều có ánh sáng bảy báu”.

Nói đều làm bằng bốn báu, tức căn cứ theo quan điểm của kinh Quán này. Trong kinh nói lan can, mành lưới và hàng cây, ba thứ này đều do bốn thứ báu tạo thành. Bốn thứ báu như trong kinh này nói gồm có: vàng, bạc, lưu ly và Phả-chi-ca. Bốn thứ này cũng giống như văn trên đã trình bày cho nên gọi đều là bốn báu.

Châu tạp: hai chữ này đối với người xưa lại có nhiều cách giải thích khác nhau. Thứ nhất, nói lan can bao quanh cây báu cho nên gọi là bao quanh. Thứ hai, lan can, mành lưới, hàng cây đều bao quanh cõi nước, đâu đâu cũng trang nghiêm cả. Cho nên mới gọi là Châu tạp.

Hỏi: Vì sao ba thứ, lan can, mành lưới và hàng cây mỗi thứ chỉ nói có bảy lớp mà không nói năm, sáu hay tám, chín lớp v.v…?

Đáp: Ở đây mỗi thứ chỉ nói có bảy lớp là vì ý muốn nói người sinh về cõi nước kia đắc được bảy giác chi[42]. Bảy chi của thân và khẩu không tạo các tội lỗi cho nên có được bảy thánh tài[43].

Lời kinh: “Vì thế mà cõi nước kia có tên là Cực-lạc”.

– Hai, đúc kết lại thành quả của cõi

Lời tán:

Đây là lần thứ hai đúc kết lại thành quả của cõi Tịnh.

Lời kinh: “Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Ở nước Cực-lạc kia còn có ao bảy báu”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.2. Những hồ nước được trang trí bằng các loại báu

Trong phần này chia làm bảy ý nhỏ:

– Ao bảy báu sâu rộng.

– Nước đủ tám đặc tính.

– Đất làm bằng cát vàng.

– Ngọc xếp thành cấp bực.

– Lầu các bằng châu cao chót vót.

– Hoa sen báu che mặt nước.

– Đúc kết thành quả cõi Cực-lạc.

– Thứ nhất, Ao bảy báu sâu rộng

Nghĩa của chữ Hựu như trên đã có giải thích, ở đây không cần giải thích lại.

Thất bảo: là bảy thứ châu báu, gồm có: Thứ nhất là vàng. Vàng thì có năm loại vàng. Hoàng là loại vàng tốt nhất. Vàng này chôn lâu không mất, tinh luyện nhiều lần vẫn không bị hao mòn, theo cỏ không lìa, nó sinh ra bởi đất đai ở gần bên nó. Vì thế, chữ Kim (vàng) là hàm ý chỉ vàng luôn luôn lẫn lộn trong đất.

Thứ hai, là bạc. Bạc thì dễ biết không cần nói.

Thứ ba là lưu-li. Tiếng phạn gọi đủ là Phệ-lưu-li. Loại bảo vật có năm màu. Ngày nay người ta thường gọi ngắn gọn là lưu-li.

Thứ tư là Pha-lê. Luận Đại trí độ ghi: “Loại vật báu này xuất hiện trong các động ở trong núi, do băng tuyết trải qua hơn một nghìn năm hóa thành Pha-lê. Nhưng ở cõi Tịnh nhiệt độ ôn hòa không nóng cũng không lạnh, đất đai không có băng, vậy thì Pha-lê do cái gì hóa thành? Song Pha-lê là một loại tương tự như đá chứ chẳng phải đá thật. Vì thế ở Tịnh độ còn gọi là Chi-ca”.

Thứ năm là Xa-cừ. Tiếng Phạn gọi đủ là Mâu-sa-lạc-yết-lạp-sa. Đây là loại báu vật ở giữa có màu trong xanh.

Thứ sáu là Xích-chân-châu. Là loại ngọc trai có màu đỏ.

Thứ bảy là Mã-não. Tiếng phạn gọi đủ là Át-thấp-ma-yết-bà. Trung Quốc dịch là Chữ tạng.

Những phần văn dưới cũng sẽ có nói về bảy báu nhưng tất cả đều giải thích giống như ở đây vừa trình bày.

Trì là cái ao có hình cong. Ao này được xây dựng, trang trí, sơn quét bằng những loại đá quý. Cái ao khác với cái đầm. Ao ở cõi Cực-lạc ánh sáng tự nhiên chói lọi.

Kinh Thuỵ ứng ghi: “Ao ở Cực-lạc ngang rộng khoảng chừng từ mười do-tuần cho đến trăm nghìn do-tuần. Trên bờ ao có cây Chiên-đàn, hoa, lá đều tỏa hương thơm ngào ngạt”.

Lời kinh: “Nước trong ao ấy có đầy đủ tám đặc tính”.

Lời tán:

– Thứ hai, nước có đủ tám đặc tính

Nước trong ao có đủ tám đặc tính. Vì ở Tịnh độ phúc báu thù thắng nên nước ở đây cũng khác với nước ở nhân gian. Nước ở đây hàm chứa tám công hiệu đặc thù và năm tính chất của nước thường.

Tám đặc tính: một, lắng sạch; hai, vắng lạnh; ba, thơm ngọt; bốn, mát dịu; năm, thấm nhuần; sáu, ôn hòa; bảy, uống vào trừ được đói và khát; tám, uống rồi nuôi lớn các căn.

Kinh Thanh tịnh giác ghi: “Nước ở trong hồ ấy nông sâu tuỳ theo ý nghĩ, dâng lên hay rút xuống theo tâm mình”.

Kinh Quán ghi: “Nước tuỳ theo cộng, hoa sen mà dâng lên hoặc hạ xuống. Trong dòng nước phát ra âm thanh, hoặc nghe tiếng Tam tảo, không, vô ngã và các tiếng ba-la-mật v.v…”.

Lời kinh: “Dưới đáy ao toàn dùng cát vàng để trải trên đất”.

Lời tán:

– Thứ ba, cát vàng làm đất

Ven theo mặt nước từng lớp cát vàng óng ánh.

Kinh Vô lượng thọ ghi: “lớp này chồng lên lớp kia phản chiếu nhau. Nếu ao bằng vàng thì cát bằng bạc v.v…”.

Lời kinh: “Bốn bên đường đi đều do vàng, bạc, lưu-li và Pha- lê hợp thành”.

Lời tán:

– Thứ tư, dùng ngọc xây thành cấp bậc

Biên là xung quanh, là giới hạn bốn bên. Giai chính là bậc thềm. Đạo là con đường. Vậy Biên là cái đường trên bậc thềm.

Kim, ngân, lưu-li, pha-lê như trên đã có giải thích.

Hợp thành nghĩa là bốn thứ báu này hợp nhau tạo thành.

Lời kinh: “Bên trên ao có lầu các, tất cả cũng được trang trí bằng các thứ vàng, bạc, lưu-li, pha-lê, xa-cừ, xích-châu và mã-não”.

Lời tán:

– Thứ năm, lầu các bằng châu cao chót vót.

Thượng hữu lâu các giả: bên trên ao bảy báu cao ngất trời có lầu các.

Diệc dĩ: bên trên ao bảy báu có lầu các cao lồng lộng lại dùng những loại báu tạo thành, cho nên gọi là Diệc (cũng).

Thất bảo: vàng, bạc, lưu-li, pha-lê, xa-cừ, xích-châu, mã-não như các lần trước đã giải thích.

Nghiêm sức chi: được trang hoàng rất hùng tráng, mỹ lệ và lộng lẫy.

Luận Vô lượng thọ ghi: “Là cõi nước trang nghiêm”.

Kinh Quán ghi: “Nơi nơi đều có những loại báu, lầu các thiết kế bên trên ao. Lúc nào cũng có người tản bộ. Họ thường lên những lầu các ngắm nhìn toàn cõi Tịnh mà lòng vô cùng khoan khoái”.

Lời kinh: “Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe”.

Lời tán:

– Thứ sáu, hoa sen báu che mặt nước

Đoạn văn này chia làm bốn phần. Thứ nhất, nêu tên của hoa. Thứ hai, trình bày hình dáng và kích cỡ của hoa. Thứ ba, giải thích màu sắc của hoa. Thứ tư, trình bày hương thơm và sự thanh khiết của hoa.

Sau đây sẽ trình bày hai ý đầu.

Liên: là hoa sen thật. Xinh đẹp nên gọi là Hoa. Hoa sen ở đây không những lớn mà còn tròn, hình dạng giống như bánh xe.

Kinh Quán vô lượng thọ và Bình đẳng giác ghi: “Hoa lớn khoảng chừng từ hai mươi dặm cho đến sáu trăm vạn dặm[44]. Nhưng kinh này nói lớn, nhỏ cũng không lấy gì xác định cho chuẩn xác. Như vậy, trong kinh này nhất định vì đối lại với nhỏ mà nói lớn”.

Lời kinh: “Hoa màu xanh thì có ánh sáng màu xanh; hoa vàng có ánh sáng vàng; hoa đỏ có ánh sáng đỏ; hoa trắng có ánh sáng trắng; hương thơm tinh anh phảng phất”.

Lời tán:

Nguyên đoạn kinh này trình bày tiếp hai ý sau trong phần nói về “hoa sen che nước” ở trên đã nêu. Thứ ba nói về màu sắc, thứ tư nói về hương thơm. Như trong lời kinh đã nêu bốn màu, từ mỗi sắc phát ra ánh sáng khác nhau.

Quang: chính là ánh sáng rực rỡ mỗi thứ một khác.

Vi diệu: nhỏ nhiệm khác với bình thường.

Hương: là mùi thơm.

Khiết: là bản chất trong sạch hoàn toàn.

Cho nên mới gọi là hương thơm nhè nhẹ trong sạch hoàn toàn.

Kinh Thanh tịnh ghi: “Trên mỗi một lá, mỗi một hoa đều có đầy đủ những sắc báu khác nhau; vì sao chỉ có ánh sáng màu xanh v.v… thôi ư? Như vậy, mới biết ở kinh này chỉ đề cấp đến những màu chính mà thôi”.

Hỏi: Vì sao chỉ có bốn màu?

Đáp: Sở dĩ trong kinh chỉ nêu ra bốn màu vì chỉ đây là thật chứ chẳng phải giả. Đồng thời ngầm ý rằng người sinh về ở cõi Tịnh thì lòng ngay dạ thẳng, lời nói chân thật; chứng bốn niết-bàn[45], đạt được bốn trí[46]. Cho nên kinh nói: “Xá-lợi-phất! Những thành quả ở cõi Cực-lạc chất lượng đặc biệt như thế”.

Thứ bảy, tổng kết lại những thành quả của cõi Cực-lạc. Việc này giống như các phần ở trên đã trình bày, theo đó có thể biết được.

Lời kinh: “Lại nữa, Xá-lợi-phất! Ở cõi nước của Đức Phật kia luôn luôn trổi nhạc trời”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.3. Trong không trung vang rền tiếng nhạc

Trên không trung trổi nhạc, trong tiếng nhạc vang ra tiếng pháp. Người ở cõi nước ấy nghe được đều phát sinh thiện niệm.

Kinh Quán vô lượng thọ ghi: “Vô số nhạc cụ treo khắp hư không, không đánh mà tự kêu. Hoặc trên những cây báu, hoặc trên các tòa lầu đều treo nhạc cụ; tất cả tự phát ra tiếng nhạc và tuỳ theo ý thích chúng sinh đều trổi pháp âm. Trời, người nghe được đều phát tâm vào đạo. Hoặc ca ngâm pháp lục độ, hoặc tán thán pháp Tam thừa”.

Lời kinh: “Vàng rồng làm đất”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.4. Trên đất trải đầy vàng

Tâm không có hạt giống nhơ uế, đất toàn bằng vàng ròng. Đất ở đây mềm mại tự nhiên, cao thấp theo bước chân.

Kinh Quán vô lượng thọ ghi: “Đất ở đây giống như mặt trời đang treo lơ lững giữa từng không mênh mông. Đất mịn màng vừa đặt chân xuống thì liền lõm xuống; nhấc chân lên thì liền trồi lên trở lại. Lại nữa, ở nước kia không có núi Tu-di và các núi khác”.

Kinh Thuỵ tướng ghi: “Cõi nước của Đức Phật kia do bảy báu tự nhiên hợp lại tạo thành. Đất đai ở đó không có giới hạn, đẹp lạ vô cùng và hơn tất cả thế giới ở mười phương”.

Trong đoạn văn kinh này chỉ nói vàng là vì nói ngắn gọn, chứ kỳ thật ở đó có đủ bảy báu, vàng, bạc, lưu li v.v… Ở đó, các loại vật báu, những lụa là quý đẹp đầy chật cả đất. Trời, người đều đi đứng trên đó. Các thứ đều trang nghiêm thể hiện sự đặc biệt hiếm có ở cõi ấy vậy.

Lời kinh: “Ngày đêm sáu thời thường mưa hoa mạn-đà”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.5. Hoa mưa khắp trời

Ngày, đêm sáu thời: ngày và đêm tổng cộng có mười hai thời; ban ngày sáu thời và ban đêm sáu thời.

Hỏi: Ở Tây phương Tịnh độ cảnh trí đất đai vô cùng thù thắng, người ở đây không còn vô minh; cõi nước không có sáng, tối; vì sao lại nói có ngày và đêm?

Đáp: Hoa nơ, kim phổ và hóa sinh đó chính là lúc trời bình minh. Chim ngủ trong rừng ngọc quỳnh là hiện tượng bồ-tát làm cho trời tối. Thời gian ở Tây phương Tịnh độ không giống cõi Ta-bà, nên tối sáng đều khác nhau.

Chữ “Nhi” chỉ là tiếng trợ từ trong câu, không có nghĩa.

Chữ “Vũ” từ trên không trung rơi phấp phới gọi là Vũ (mưa).

Mạn-đà-la hoa là phiên âm của tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Thích ý hoa.

Hoa có màu sắc thắm tươi, hương thơm kỳ lạ; người ngửi, người thấy, thân tâm sảng khoái, đạo tâm tăng trưởng. Gió thổi hoa héo, đất liền nứt ra những hoa héo rơi xuống, rồi lại rơi hoa mới để trang điểm cho đất vàng.

Kinh Pháp hoa ghi: “Gió thổi hoa héo đi rồi lại rơi hoa đẹp mới khác. Hoa có bốn đặc tính. Thứ nhất, để trang điểm cho cõi Tịnh. Tượng trưng cho người sinh về nước này dùng thiện pháp để trang sức thân thể. Thứ hai, trang trí cho khán đài rực rỡ. Biểu hiện hơn cả chân thật pháp của hàng Nhị thừa. Thứ ba, trước hoa sau quả. Biểu trưng sinh về cõi nước kia trước là nhân, sau là quả. Thứ tư, mùi thơm bay xa, người ngửi được vui thích. Ý nói người sinh về cõi kia thì đức nghiệp thơm lừng, danh tiếng vang dội mười phương. Vì thế gọi là rơi hoa”.

Hỏi: Ở Tịnh độ rơi hoa trắng biểu hiện cho việc gì?

Đáp: Ý nói chỉ có người bạch nghiệp mới được sinh về Tịnh độ. Có người nói hoa tròn đỏ thì không phải là lý này. Kinh Pháp hoa ghi: “Chỉ có hoa sen trắng phóng hào quang trắng. Cưỡi trâu trắng tay cầm phất trần trắng v.v…”. Ở đây ý nói màu trắng màu chuẩn của các màu; cũng như nhất thừa là cội nguồn của các pháp. Cho nên, nếu nói tròn đỏ thì điều này không thể được.

Lời kinh: “Chúng sinh ở nước ấy vào mỗi sáng sớm, mỗi người dùng vạt áo đựng đầy hoa tươi đẹp cúng dường mười vạn ức Phật ở các nước khác”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.6. Mọi người đi đến các nước

Trong phần này chia làm ba ý: thứ nhất, mang hoa cúng dường Phật. Thứ hai, trở về nước kinh hành. Thứ ba, tổng kết những thành quả của cõi Cực-lạc.

– Một, lời kinh nói về ý này thật dễ hiểu.

Các dĩ y kích: mỗi người dùng vạt áo của mình. Y kích đồng nghĩa với chữ Y khâm, có nghĩa là vạt áo.

Thạnh chúng diệu hoa: nghĩa là đựng đầy những hoa tươi đẹp.

Cung dưỡng: dâng lên vật dụng gọi là Cung. Có sự trợ giúp là dưỡng, cho nên gọi là cung dưỡng.

Tha phương: chính là mười vạn ức Phật. Là chỉ tỉ số chư Phật được cúng dường. Theo các kinh khác thì nói dân chúng ở cõi Tây phương Cực-lạc ngồi cung điện bảy báu hay hoa sen báu trắng và nương vào thần thông, oai lực của Phật mà bay trên không đến mười phương thế giới kia, mang theo các hoa tươi đẹp, các vật quý tuỳ tâm cúng dường. Đồng thời nghe diệu pháp, thọ ký và những việc khác nữa.

Lời kinh: “Đến giờ ăn liền trở về bản quốc thọ thực và kinh hàn”.

Lời tán:

– Hai, trở về nước và kinh hành.

Đến giờ ăn họ liền trở về nước, thụ thực xong họ kinh hành. Kinh hành hoặc đi quanh bảo điện, hoặc đi quanh quỳnh lâm, hoặc tới hoặc lui. Giống như sợi lụa sống quấn qua, quấn lại. Cho nên gọi là kinh hành. Chân đi trên đất báu, miệng niệm kim kinh, cho nên gọi là kinh hành.

Kinh Thuỵ tướng ghi: “Những người được vãng sinh về đây, sắp đến giờ ăn bỗng dưng bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra trước mặt. Các bát như thế theo ý muốn mà tự đến; trăm món, ăn uống tự nhiên đầy cả bát. Tuy nói có thức ăn như vậy nhưng thật chất chẳng ai ăn bao giờ. Vì ở đó chỉ cần thấy sắc nghe mùi cũng đã giống như ăn rồi. Tự nhiên no đủ, thân tâm điều hòa mà hoàn toàn không bị mùi vị lôi cuống. Ăn xong, chén bát tự nhiên biến mất. Cứ như vậy đến giờ ăn thì chén bát lại xuất hiện. Và ngày nào cũng như ngày nào”.

Tại sao trong Quảng kinh nói việc ăn khác với đây? Vì ở cõi nước kia đều là do thị hiện mà có cho nên có gì không đúng?

Hỏi: Người ở Tây phương thù thắng, thân tự có ánh sáng, đã không có ánh sáng mặt trời mặt trăng; tại sao nói có giờ thọ trai?

Đáp: Chuông đồng tự nhiên rung, khánh ngọc vang tiếng; thánh chúng tự đến tham dự pháp hội nhiều như mây.

Hỏi: Thực là gì? Nếu thực có nghĩa là tư ích, vậy thì ở cõi Tịnh ăn cái gì?

Đáp: Nếu căn cứ theo thật báo ở Tịnh độ tức lấy thiền duyệt là thức ăn. Nếu nói theo hóa Tịnh độ tức lấy thức ăn giả để nuôi thân.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thành quả của cõi Cực-lạc có những tính chất đặc biệt như thế đấy”.

Lời tán:

– Ba, đúc kết thành quả ở cõi Cực-lạc.

Phần này đã có giải ở trên. Kể từ đây về sau không cần đề cập đến nữa.

Lời kinh: “Còn nữa! Này Xá-lợi-phất! Cõi nước kia còn có các giống chim đủ các sắc màu kỳ lạ”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.7. Các loại chim ngâm pháp mầu

Trong phần này chia làm hai ý nhỏ. Thứ nhất, trình bày những giống chim quý. Thứ hai, giải trừ những nghi ngờ chấp trước.

– Thứ nhất, trình bày các giống chim quý

Trong phần này lại chia làm năm mục nữa. Thứ nhất nói chung về các giống chim quý. Thứ hai, giải thích tên gọi. Thứ ba, truyền hòa nhã âm. Thứ tư, diễn nói pháp âm. Thứ năm, nghe và khởi niệm thiện.

– Một, trình bày các giống chim quý

Hai chữ “Phục thứ” cũng giống như hai chữ “Phục trùng”, có nghĩa là: còn nữa, lại nữa. Riêng chữ “thứ” có nghĩa là lần lượt. Vì theo thứ tự giải thích đi giải thích lại các nghi vấn nên ghép chung hai chữ lại mà gọi là Phục thứ.

Bỉ quốc: tức là cõi Tây phương vẫn hiển hiện ra đó không có gì biến đổi (thường hữu, hằng hữu).

Chủng chủng: nghĩa là không chỉ có một, cho nên gọi là Chủng chủng.

Kỳ diệu: giống như Kỳ dị, có nghĩa là kỳ lạ, đẹp lạ, đặc sắc, hiếm có.

Tạp sắc: lông có nhiều màu sắc khác thường.

Hỏi: Ở cõi Tịnh trang nghiêm thù thắng, hàng phàm phu còn không có, cớ sao có loài chim sinh ở đó?

Đáp: Sở dĩ có các giống chim quý như vậy là do Đức Phật Di-đà hóa sinh, để khen ngợi lợi ích pháp âm và để tô điểm cho cảnh giới thêm trang nghiêm. Vì thế, đoạn kinh dưới nói: “Vì muốn làm cho pháp âm lưu truyền nên mới biến hóa ra”.

Lời kinh: “Đó là các loại chim như: Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá-lợi, Ca-lăng, Tần-già và Cộng mạng”.

Lời tán:

– Hai, giải thích tên từng loại chim

Bạch hạc: đầu màu đỏ, lông trắng như sương tuyết. Khi nó hót tiếng lung lay chín cao; khi nó vũ đẹp bằng tám tiết. Vì nó khác hẳn với các loài chim nên gọi là Bạch hạc.

Anh vũ: là loại chim lông có màu xanh biếc, mỏ nó đỏ hồng, lông nó nhẹ và đẹp có thể bay xa, lưỡi nhỏ dài nhưng hót hay, cho nên gọi là Anh vũ.

Xá-lợi: là phiên âm từ tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Thu Tử điểu. Có nghĩa là chim Thu Tử. Giống chim này nhỏ nhưng rất đẹp; không những đã đẹp mà còn rất linh dị. Tuy nó không to lớn nhưng có thể bay tới vạn dặm, tiếng kêu lảnh lót và vang vọng nhiều lần.

Ca-lăng-tần-già: là phiên âm của tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Diệu Âm điểu. Có nghĩa là chim Diệu Âm. Vì loại chim này tiếng kêu trong trẻo, thân thể xinh đẹp. Người nghe được tiếng hót của nó nhất định phải để tâm, lắng lòng. Ai thấy nó cũng mê mẩn thỏa chí. Cho nên gọi là chim Diệu Âm.

Cộng Mạng: còn gọi là Mạng Mạng. Loại chim này tiếng nói pháp rất hay, bay lại nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Loại chim này rất đặc biệt, nó mặt người nhưng thân chim; một thân mà có hai đầu. Cho nên gọi là Cộng Mạng.

Lời kinh: “Những loại chim đó, ngày đêm sáu thời thường hót ra những âm thanh êm ái, dịu dàng”.

Lời tán:

– Ba, phát ra âm thanh hòa nhã

Trú dạ lục thời: ngày và đêm mỗi bên chia ra làm sáu thời. Cộng cả ngày lẫn đêm lại có mười thời. Ngày nay chúng ta gọi là hai mươi bốn giờ.

Xuất hòa nhã âm: hòa chính là nhu hòa; có nghĩa là ôn hòa, mềm mại, dịu dàng. Âm thanh dịu dàng của những giống linh điểu ở Tây phương không giống như tiếng hót của các loại chim thường ở trần gian. Âm giọng của chúng dịu dàng, tiếng kêu trong trẻo. Cho nên gọi là Xuất hòa nhã âm.

Lời kinh: “Trong tiếng hót ấy diễn sướng các pháp: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phận, bát chính đạo phận…”.

Lời tán:

– Bốn, nói pháp âm

Diễn sướng: chữ “Diễn” nghĩa là có cái dáng như dòng nước chảy mãi không gián đoạn. Chữ “Sướng” nói mãi không dừng.

Ngũ căn …: chính là ba mươi bảy pháp nồ-đề phần. Tuy trong kinh này không đề cập bốn pháp Niệm trụ, bốn pháp Chính cần và bốn pháp Thần túc. Nhưng sau đó có nói chữ đẳng. Chữ đẳng chính là ngầm chỉ cho ba pháp kia vậy. Nay giải thích pháp này tạm chia làm bảy nhóm.

Thứ nhất, Tứ niệm trụ: đó là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Bốn pháp này lấy Tuệ làm thể. Nghĩa là nhờ niệm lực mà tuệ mới trụ vào đối tượng.

Thứ hai, Tứ chính đoạn: đó là Luật nghi đoạn, Đoạn đoạn, Phòng hộ đoạn, Tu tập đoạn. Bốn pháp này lấy tinh tấn làm thể. Tinh tấn phát sinh công dụng tu đoạn trừ.

Thứ ba, Tứ thần túc: đó là Dục, Cần, Tâm, Quán. Bốn pháp này lấy định làm thể. Vì nhờ bốn pháp này mà tu định.

Thứ tư, Ngũ căn: đó là năm pháp Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ. Ngũ căn hay còn gọi là ngũ thể. Năm pháp này làm phát sinh điều thiện.

Thứ năm, Ngũ lực thể cũng chính là Ngũ căn. Vì khó phân biệt thế nào là ngũ lực thể, thế nào là ngũ căn cho nên mới tách ngũ căn ra thành năm loại riêng.

Thứ sáu, Thất giác chi: đó là bảy pháp Trạch pháp, Tinh tấn, Hỉ, Niệm, Định, Xả, Khinh an giác chi. Trong bảy pháp đó lại chia ba pháp Trạch pháp, Niệm, Định thuộc biệt cảnh tâm sở. Ba pháp Cần, Xả, Khinh an thuộc thiện tâm sở. Chỉ riêng Hỉ thì thuộc biến hành tâm sở.

Thứ bảy, Bát thánh đạo phận: đó là tám pháp chính Kiến, chính Tư duy, chính Ngữ, chính Nghiệp, chính Mệnh, chính Niệm và chính Tinh tấn. Trong đó bản chất của chính Tư duy lấy Tuệ làm tính. Vì nó là năng phát ngữ và chỉ Phật mới có. Chính Ngữ, chính Nghiệp lấy vô sân, vô si làm sở phát và thân ngữ là thể. Lấy vô tham làm sở phát nên gọi là chính mệnh. Muốn xa rời năm tà mệnh đều phải lấy vô biểu sắc và tư làm thể. Ngoài ra còn những chi khác đều gọi như cách thường gọi.

Hợp thể của ba mươi bảy pháp lại thì có chín chi pháp. Một Tuệ, hai Tinh tấn, ba Định, bốn Tín, năm Niệm, sáu Hỉ, bảy Xả, tám Khinh An và chín là Vô Biểu sắc. Như vậy, biến hành tâm sở có chỉ có một chi là Hỉ. Biệt cảnh tâm sở có ba chi là Niệm, Định và Tuệ. Thiện tâm sở có bốn chi là Tín, Cần, Xả và Khinh an. Sắc pháp một chi là Vô biểu sắc.

Vì đối với Thanh văn tu tập theo ba mươi bảy pháp bồ-đề khác nhau, cho nên bồ-đề phần gọi là bồ-tát pháp.

Như thị đẳng pháp: đó là các pháp vừa trình bày trên; cao thì có những pháp như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chính đạo; thấp thì có những pháp như Tứ niệm trụ, Tứ chính đoạn, Tứ thần túc… Vì chỉ chung cho tất cả những pháp ấy nên gọi là Các pháp như thế (như thị đẳng pháp). Hoặc những pháp tương tự như lục độ vạn hạnh v..v… Như vậy, nếu không phải những pháp như thế các pháp khác không diễn nói sao?

Lời kinh: “Chúng sinh ở cõi nước kia nghe âm thanh ấy rồi, tất cả đều đồng thah nhau niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng”.

Lời tán:

– Năm, nghe rồi khởi niệm thiện, niệm Tam bảo

Chữ Phật như trên đã giải thích.

Chữ Pháp phiên âm tiếng Phạn là Đạt-ma. Trung Quốc dịch là Pháp. Pháp chính là chấp trì và vật giải. Đó là các pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ.

Chữ Tăng: phiên âm của tiếng Phạn là Tăng-già. Trung Quốc dịch là Chúng. Chúng có nghĩa là Hòa hợp. Đó là Thân hòa hợp cùng ở chung, ngữ hòa hợp không tranh đấu; ý hòa hợp không trái nghịch; giới hòa hợp đồng tu; kiến hòa hợp đồng giải; lợi hòa cùng chia nhau. Một đoàn thể tỳ-kheo có đủ sáu đức tính hòa hợp này cho nên gọi là Tăng. Vì Phật, Pháp và Tăng đều đáng kính trọng nên gọi là Tam bảo.

Các loài chim truyền những pháp âm vi diệu làm cho người nghe được phát tâm thù thắng. Người niệm phương danh của Tam bảo thì tiêu trừ phiền não trong nhiều đời.

Hỏi: Linh cầm diễn nói rất nhiều pháp mà người niệm danh hiệu chỉ niệm một pháp, vậy pháp nào là bậc nhất?

Đáp: Linh cầm truyền diễn nhiều pháp là biểu hiện cho lời giảng vô cùng; còn người tuy chỉ niệm Tam bảo nhưng cũng đã gồm thâu hết tất cả các điều thiện.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thầy chớ cho rằng những loại chim kia chính là vì tội báo mà sinh”.

Lời tán:

– Thứ hai, Phá trừ các nghi ngờ chấp trước

Cũng như trong phần nói về các giống chim quý, phần này cũng chia làm năm ý nhỏ. Một, phủ nhận không phải thật báo. Hai, giải thích nguyên nhân. Ba, trả lời không có tên của ba đường. Bốn, hoàn toàn không có tên đường ác. Năm, chính thức công nhận do tâm hóa hiện.

Một, ngăn và nói không phải do nghiệp báo sinh

Chữ Nhữ là tiếng Đức Phật dùng để gọi tất cả các đệ tử của Ngài.

Chữ Vật cũng giống như chữ Mạt, có nghĩa là chớ, đừng. Trong câu kinh này nói, chớ cho rằng những giống linh điểu kia vì tội báo, ác nghiệp mà sinh ra. Là chứng minh linh điểu không phải sinh ra vì nghiệp báo. Vì sợ có người nghe nói ở Cực-lạc có linh cầm sẽ làm cho họ ngần ngại không nguyện sinh về. Nghĩa là ở Tịnh độ hoàn toàn không còn duyên ác. Vì sợ làm cho mọi người trong các pháp hội không phát tâm dõng mãnh. Thế nên mới ngăn rằng chớ nói những giống chim kia chính là vì tội báo mà sinh ra.

Lời kinh: “Vì sao như thế?”.

Lời tán:

Hai, giải thích nghi vấn

Bốn chữ Sở dĩ giả hà ý chỉ nguyên nhân. Chẳng phải là thật báo mà là lời giải thích. Hai chữ Nhân do giống như hai chữ Hà vị đều có nghĩa là Vì sao.

Lời kinh: “Ở nước của Đức Phật kia không có ba đường ác”.

Lời tán:

Ba, giải đáp không có tên của ba đường ác

Tam ác thú (ba đường ác): chính là đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Địa ngục phiên âm tiếng phạn là Na-lạc-ca. Trung Quốc dịch là Khổ khí. Đó là những dụng cụ dùng để hành hình chúng sinh.

Ngạ quỷ: là nhiều sự sợ hãi, luôn luôn bị đói khát, nên gọi ngạ quỷ.

Súc sinh hoặc gọi nhận lục phản, hi lục phản. Có nghĩa là sự nuôi dưỡng của con người. Hoặc nói bàng sinh; vì tạo nghiệp bàng sinh nên chịu quả báo cũng bàng sinh. Vì thế trình bày để phân biệt cho rõ ràng. Sáu đường nói rộng ra thì cũng có chia thành từng chương từng môn; như ở các kinh luận khác có nói.

Hỏi: Vì sao hoàn toàn không có đường ác?

Đáp: Vì khi được sinh về Tịnh độ thì nghiệp thiện và duyên lành rất sâu dày, vĩnh viễn không có thân hình nào khác. Hoàn toàn là những người đồng sinh. Khác với thắng cảnh ở cung trời vẫn phải vun bồi nghiệp thiện. Còn Cực-lạc là cõi nước thù thắng há người có nhân ác có thể sinh về được sao? Huống hồ Đức Phật kia có phát nguyện rằng giả sử khi ta thành Phật mà cõi nước của ta có ba đường ác thì ta nhất định không giữ ngôi chính giác. Vì thế mà cõi Cực-lạc hoàn toàn không có đường ác.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật kia còn không có tên của ba đường ác huống chi thật có ba đường ác”.

Lời tán:

Bốn, cũng không có tên gọi của ba đường ác

Tên gọi còn không có huống chi thật có các loại chim.

Lời kinh: “Những giống chim ấy đều là vì Đức Phật A-di-đà muốn pháp âm được tuyên dương ban trải khắp nơi nên mới hóa hiện ra”.

Lời tán:

Năm, chính thức trình bày tâm biến hóa

Đầu tiên mọi người trong pháp hội đều nghi ngờ. Đã không phải thân thật báo, những thắc mắc như vậy căn cứ vào đâu để giải thích.

Vì thế Đức Phật mới nói đoạn văn kinh này để giải đáp những phân vân ấy.

Hỏi: Với thân lực của Đức Phật A-di-đà thì có thể biến hóa ra nhiều thân Phật, để chúng sinh thấy tướng hảo phát tâm, nghe pháp âm ngộ đạo. Vì sao Đức Phật phải hóa hiện ra các loại chim muông để phát triển pháp môn?

Đáp: Vì hóa thân làm Phật chưa phải là việc hiếm có, kỳ lạ, cho nên mới biến hiện ra linh cầm khiến cho chúng sinh dễ thấy, mà nghĩ rằng gặp Phật rất khó vì thế phát tín tâm thù thắng. Đức Phật đã hóa hiện ra nhiều đường còn nói không đủ để làm khó. Huống chi Đức Phật tuỳ theo mỗi loại chúng sinh mà hóa thân làm đồng loại, nơi nơi đều nói pháp. Rừng quỳnh, lưới báu đều diễn pháp âm; trong tiếng nước chảy, gió mát đều nói chân giáo. Vì những nguyên nhân đó mới hóa hiện ra linh cầm.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất cõi nước của Đức Phật kia, những làng gió nhẹ thổi lay động những hàng cây báu, lưới báu phát ra những âm thanh vi diệu giống như trăm ngàn nhạc cụ cùng trổi một lúc”.

Lời tán:

6.2.2.1.1.8. Gió thổi ra tiếng nhạc

Trong đoạn văn này chia làm bốn phần. Thứ nhất, gió thổi lay cây báu. Thứ hai, âm thanh giống như tiếng nhạc. Thứ ba, người nghe sinh niệm thiện. Thứ tư, đúc kết những thành quả, trang nghiêm.

Một và hai

Vi phong: chính là tế phong, có nghĩa là gió diệu dàng, nhẹ nhàng chứ không phải những cơn cuồng phong, dông tố. Vì gió thổi lay động những hàng cây báu, lưới báu là nguyên nhân phát ra những âm thanh vi diệu.

Thí như: chữ Thí giống như chữ huống, cũng gần giống với như chữ do, có nghĩa là “Giống như”. Giống như trăm nghìn thứ nhạc đồng tấu một lúc. Những làng gió nhẹ từ từ thổi vào những hàng cây, mành lưới báu và âm thanh lan toả khắp mười phương, những âm thanh ấy êm ả, diệu dàng chan hòa với tiếng nhạc. Vì thế nên nói giống như trăm nghìn thứ nhạc trổi cùng một lúc.

Lời kinh: “Người nghe âm thanh đó tự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

Lời tán:

Ba, nghe tiếng nhạc khởi niệm thiện

Tự nhiên: thói quen lập đi lập lại không gián đoạn gọi là tự nhiên. Không phải không có nguyên nhân mà gọi là tự nhiên.

Sinh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng: Phật, Pháp, Tăng hay còn gọi là Tam bảo như ở trên đã có giải thích, cho nên có thể nói niệm Tam bảo. Niệm Phật có ba cách:

Một là tâm niệm, nghĩa là buộc niệm trong tâm. Hai là khinh thanh niệm, nghĩa là niệm ra tiếng nhưng rất nhỏ chỉ có một mình mình nghe. Ba cao thinh niệm, cách niệm này có mười công đức. Một xoa tan cơn buồn ngủ. Hai làm cho thiên ma sợ hãi. Ba tiếng niệm vang khắp mười phương. Bốn ba đường ác hết khổ. Năm những âm thanh bên ngoài không chen vào. Sáu tâm không tán loạn. Bảy dũng mãnh tinh tấn. Tám chư Phật hoan hỉ. Chín được định hiện tiền. Mười được vãng sinh về Tịnh độ. Nhưng cần phải nhận thức rõ bốn trường hợp niệm. Một tâm niệm nhưng miệng không niệm. Hai miệng niệm mà tâm không niệm. Ba tâm và miệng đều niệm. Bốn tâm và miệng đều không niệm. Trong bốn trường hợp niệm như vừa nêu, thì chữ niệm theo đúng nghĩa của văn kinh trình bày thuộc trường hợp một và ba.

Kinh Thuỵ tướng ghi: “Gió mát nhè nhẹ thổi không lạnh cũng không nóng. Thổi các mành lưới, những hàng cây, vang ra vô thượng pháp âm vi diệu. Người nào nghe được những pháp âm ấy thì trần cấu không nổi dậy, tự nhiên sảng khoái như đắc được thiền định”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật kia có những thành quả trang nghiêm như thế đó”.

Lời tán:

Bốn, đúc kết những thành quả đặc biệt của cõi Cực-lạc

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thầy nghĩ thế nào, Đức Phật kia vì sao có hiệu là A-di-đà?”.

Lời tán:

6.2.2.1.2. Nói về đặc điểm của thân Phật

Trong phần này văn chia làm hai phần. Thứ nhất, trình bày đặc điểm đức hóa chủ. Thứ hai, trình bày đặc điểm của thính chúng. Trong phần một, văn lại chia làm ba đoạn: Một, giải thích những thắc mắc về tên gọi của Đức Phật. Hai, chính thức giải thích Tên gọi. Ba, trình bày số kiếp thành Phật.

6.2.2.1.2.1. Đặc điểm của đức hóa chủ

6.2.2.1.2.1.1. Giải thích những thắc mắc về tên gọi của Phật

Trong phần này Đức Phật Thích-ca tự giải thích.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Đức Phật kia có vô lượng ánh sáng chiếu soi đến các cõi nước khắp mười phương, không có chỗ nào không sáng, vì thế mà có tên là A-di-đà”.

Lời tán:

6.2.2.1.2.1.2. Giải thích ý nghĩa tên A-di-đà

Vì hai lý do sau đây mà gọi là A-di-đà. Một căn cứ vào ánh sáng mà đặt tên. Hai căn cứ theo tuổi thọ mà gọi tên.

Căn cứ vào ánh sáng mà đặt tên. Nói về ánh sáng thì gồm có hai loại. Một là nội quang tức là trí tuệ bên trong có thể chiếu soi, thuộc về lý. Hai là ngoại quang ánh sáng của thân thể phát ra bên ngoài, thuộc về sự. Trong kinh này nói Đức Phật A-di-đà có vô lượng ánh sáng có thể chiếu soi khắp các cõi nước ở mười phương mà không bị ngăn ngại chính là chỉ cho ánh sáng của thân. Thể kim cang không hoại, thân vô ngại giải thoát giống như lưu-i trong sáng là biểu hiện cho một thể hoàn toàn trong suốt. Cảnh vật ở cõi kia đều hiện trong ánh sáng ấy. Lông cánh của các giống chim chỉ có một tầm nhưng khi chúng cất cánh bay thì to lớn không lường được.

Trong kinh Vô lượng thọ Phật nói: “Thân có nhiều ánh sáng cho đến nhiều vô lượng …. Ánh sáng ấy chiếu soi vào chúng sinh và người nào thấy ánh sáng kia ba cấu đều tiêu diệt. Giả sử người nào đang ở trong ba đường ác thấy được ấy sáng ấy thì mọi khổ đau đều chấm dứt, sau khi mạng chung đều được giải thoát”.

Luận Đại Trí độ ghi: “Các chúng bồ-tát ở cõi nước của Đức Phật A-di-đà thân thường phát ra ánh sáng đến mười vạn do tuần. Giống như thế ánh sáng của Đức Phật soi sáng đến khắp mời thế giới”.

Kinh Quán vô lượng thọ ghi: “Thân của Đức Phật kia có ánh sáng giống như ánh sáng sắc vàng Diêm-phù-đàn[47] của trăm nghìn vạn ức Da-ma thiên[48] ở Dục giới. Thân của Đức Phật kia bằng sáu mươi vạn ức Na-do-tha[49] Hằng hà sa[50] do-tuần. Tướng lông trắng giữa hai chân mày xoáy tròn duyên dáng bên phải giống như năm tòa núi Tu-di.[51] Mắt của Phật như nước ở bốn biển, trong sạch rõ ràng và các lỗ chân lông trên thân phóng ra ánh sáng rực rỡ cũng chẳng khác gì năm toà Tu-di. Hào quang tròn sáng của Đức Phật giống như trăm ức Tam thiên đại thiên thế giới[52]. Trong đạo hào quang tròn sáng của Đức Phật kia có năm trăm vạn ức Na-do-tha Hằng hà sa hóa Phật hiện trong ấy; cứ mỗi hóa Phật như vậy lại có vô số hóa bồ-tát theo làm thị giả. Đức Phật kia có tám vạn bốn nghìn tướng tốt, cứ mỗi tướng như vậy lại có tám vạn bốn nghìn hảo tuỳ hình, mỗi hảo tuỳ hình có tám vạn bốn nghìn đạo hào quang chiếu sáng đến khắp vô lượng thế giới ở mười phương. Vì Đức Phật có ánh sáng như vậy nên gọi là A-di-đà.

Thế gian càng gàn dở thì sự trong sáng càng gan góc hơn. Như người bị bệnh đau mắt không thấy được ánh nắng mặt trời; há đó là lỗi của ánh nắng mặt trời ư? Giống như người điếc không nghe được tiếng sấm động, chứ nào phải đó là lỗi của tiếng sét. Vì chúng sinh nghiệp lực sâu dày nên không Phật có hào quang mà không thấy được chứ nào phải lỗi của Phật”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Đức Phật kia và nhân dân của ngài tuổi thọ dài vô lượng vô biên A-tăng-kỳ-kiếp[53], cho nên gọi là Phật A-di-đà”.

Lời tán:

Xét theo tuổi thọ mà đặt tên

Thọ mạng: là chỉ cho tính chất giữ gìn liên tục của thức thứ tám. Tức là thuộc về tâm sở bất tương ưng hành.

Vô lượng: là chỉ cho số lượng không hạn chế.

Vô biên: là mênh mông bát ngát, không giới hạn.

A-tăng-kì kiếp: là phiên âm của tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Vô ương số kiếp[54], ý chỉ cho thời gian dài vô hạn.

Hỏi: Đức Phật kia và nhân dân của Ngài thân thể thuộc hữu vi, chưa thoát khỏi sự thay đổi biến dời của bốn tướng, thế nào khỏi một thời mai một?

Đáp: Xả bỏ hai lớp sinh tử để được thân ngũ ấm thường hằng. Hơn nữa, vì bi nguyện đã vô biên thì thân mạng làm sao có thể cùng tận được. Mặt khác, vì nghiệp sát đã đoạn trừ từ lâu cho nên thọ mạng mới kéo dài.

Hỏi: Đức Phật A-di-đà đã đạt được quả vị Phật nên thọ mạng vô lượng là điều tất nhiên, còn nhân dân của Ngài hiện đang ở giai đoạn tu nhân, thì làm sao cũng được tuổi thọ vô lượng như Ngài?

Đáp: Vì nghiệp xấu giảm nhẹ và ít, hạt giống thiện ngày một tăng nhiều, đã chẳng phải thân phần đoạn sinh tử, vĩnh viễn không còn sinh tử. Như vậy, nói thọ mạng đồng với Phật theo lý có gì không đúng. Cho nên, Kinh Vô lượng thọ ghi: “Tuổi thọ của Đức Phật kia lâu dài không sao tính kể cho xiết. Giả sử vô lượng chúng sinh trong mười phương thế giới đều chứng quả A-la-hán cùng chung hết lại để suy tính trải qua trăm nghìn vạn kiếp cũng không sao biết được tuổi thọ của Đức Phật kia là bao nhiêu. Bồ-tát, trời, người tuổi thọ cũng như vậy”.

Kinh Thanh tịnh giác ghi: “Đức Phật A-di-đà muốn giáo hóa cho tất cả các loại hữu tình trong mười phương đều sinh về cõi nước của Ngài và đều đạt được quả vị niết-bàn. Như hàng bồ-tát từ khi còn làm chúng sinh, cho đến lúc làm chúng sinh xong, lại lần lựa giáo hóa cho chúng sinh trong mười phương cũng được làm Phật. Chúng sinh ấy làm Phật rồi lại giáo hóa cho tất cả chúng sinh đồng đến niết-bàn rồi sau đó mới chứng niết-bàn; thế mới biết tuổi thọ vô lượng”.

Hỏi: Nhân dân ở cõi nước kia mang thân phần đoạn[55] hay là thân biến dị[56]?

Đáp: Nếu luận về cõi báo độ thì đó chính là thân Biến dị. Nếu giáo hóa trong nước Tịnh thì thân Phần đoạn vẫn còn chưa xả.

Hỏi: Đức Phật kia tuổi thọ lâu dài, kinh này tự nói nhưng chưa xét kĩ. Đức Phật thành Phật, làm Phật từ đó đến nay được bao nhiêu kiếp rồi?

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Phật A-di-đà thành Phật từ đó đến nay đã mười kiếp rồi”.

Lời tán:

Trình bày kiếp số thành Phật

Lời kinh: “Lại nữa, Xá-lợi-phất! Đức Phật kia có vô lượng vô biên đệ tử Thanh văn, tất cả đều là các bậc a-la-hán chẳng phải tính đếm mà có thể biết được. Các chúng bồ-tát số nhiều cũng như vậy”.

Lời tán:

6.2.2.1.2.2. Trình bày đặc điểm của thính chúng

Trong phần này chia là bốn mục. Thứ nhất, hai chúng tiểu, đại không đếm hết. Thứ hai, hai chúng mới và cũ, nhân và hạnh khác nhau. Thứ ba, khuyến khích sinh về nước kia. Thứ tư, khuyến sinh lợi ích.

6.2.2.1.2.2.1. Hai chúng tiểu và đại tính đếm không hết

Trong mục này lại chia làm hai ý nhỏ.

Một, trình bày số lượng chúng

Thanh văn đệ tử: do nghe pháp mà ngộ được đạo cho nên gọi là Thanh văn.

Đệ tử: trưởng thành sau Phật gọi là Đệ. Nhờ Phật mà được giải thoát nên gọi là Tử.

Giai a-la-hán: vì để khỏi nhầm lẫn với ba quả trước[57] nên nói đều là các bậc a-la-hán.

Phi toán số chi sở tri: nghĩa là số lượng chúng Thanh văn tính đếm không sao hết được.

Bồ-tát diệc như thị: chúng bồ-tát cũng giống như chúng Thanh văn nhiều không sao tính xuể.

Hỏi: Cõi uế trược chúng sinh nghiệp nặng khó giáo hóa Đức Phật chỉ dạy ba thừa đã đành, còn ở Tịnh độ người người đều có lòng tin sâu dày dễ khuyến hóa, vì sao lại nói chỉ có quả thứ tư?

Đáp: Thứ nhất, ý muốn nói sự giáo hóa của Đức Phật thấm nhuần đến hết thảy mọi căn cơ dù sâu hay cạn. Như người mắc năm tội nghịch, chỉ cần niệm danh hiệu Ngài mười lần cũng được sinh về cõi nước kia. Thứ hai, vì thể hiển sự trang nghiêm của hàng quyến thuộc cho nên nói có nhiều chúng vây quanh. Vì thế, dù đó là cõi Tịnh nhưng vẫn có chúng Thanh văn.

Kinh Pháp hoa ghi: “Khi Đức Phật kia ra đời dù không phải gặp thời ác nhưng vì bổn nguyện cho nên mới nói ba thừa”.

Kinh Quán vô lượng thọ ghi: “Người có căn tính tiểu thừa sinh về đến nước kia thì đắc được quả thứ tư”.

Hỏi: Nếu nói về chân tịnh báo độ thì hàng Nhị thừa không được ở đó; còn nếu nói về hóa hiện thì ở Tây phương Tịnh độ người chứng một trong bốn quả đều được sinh về; vì sao chỉ nói toàn là bậc a-la-hán mà không đề cập đến ba quả kia?

Đáp: Vì trong báo Tịnh độ thì hàng Thanh văn làm quyền hóa. Và đó căn cứ vào tính thù thắng của cõi nước kia. Sở dĩ không nói trong hóa Tịnh độ có đủ bốn quả là vì tất cả đều đạt đến gia hạnh vị có thể chế ngự được phân biệt nên được ở Tịnh độ.

Kinh Vô lượng thọ ghi: “Hàng Nhị thừa không được sinh về. Đây là căn cứ theo báo độ”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Cõi Phật kia đạt được những thành quả có tính chất đặc biệt như thế

Lời tán:

Hai, tổng kết lại những thành tựu đặc biệt của cõi Cực-lạc.

Lời kinh: “Lại nữa, Xá-lợi-phất! Những chúng sinh được sinh về cõi Cực-lạc đều là những bậc A-tì-bạt-trí”.

Lời tán:

6.2.2.1.2.2.2. Hai chúng cũ và mới nhân, hạnh khác nhau

Trong mục này giống như mục một nhỏ trước văn cũng chia làm hai phần.

Một, chúng mới sinh về đã đạt bất thối

A-tì-bạt-trí hay còn gọi A-duy-bạt-trí, là phiên âm của tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Bất thối chuyển. Có năm trường hợp không thối chuyển: Thứ nhất, lòng tin không thối chuyển. Thứ hai, địa vị không thối chuyển. Thứ ba, chứng đắc không thối chuyển. Thứ tư, công hạnh không thối chuyển. Thứ năm, phiền não không thối chuyển. Nghĩa là không bị phiền não làm thối lui.

Hỏi: Vì sao người được sinh về ở Tịnh độ không còn thối chuyển?

Đáp: Có năm điều kiện làm cho không bị thối chuyển. Một là không bị bệnh khổ ràng buộc. Hai là không có nghịch hạnh. Ba là thường tụng kinh pháp. Bốn là hay vun bồi các việc thiện. Năm là luôn luôn hòa thuận không có các việc tranh đấu. Vì năm việc này mà không bị thối chuyển. Ở cõi Ta-bà này con người có nhiều điều làm cho thối chuyển. Nhưng có thể tạm nói tối thiểu là năm điều. Ngược lại với năm điều này là năm điều không làm cho thối chuyển ở Tịnh độ. Mặt khác, vì ở Ta-bà thường bị cảnh dục lôi kéo nên có không ít điều làm cho thối chuyển.

Lời kinh: “Trong cõi nước của Đức Phật kia có rất nhiều bậc nhất xử bổ xứ. Số ấy rất nhiều chẳng thể tính đếm mà biết được. Cho nên chỉ có thể nói vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp để diễn tả số đó”.

Lời tán:

Hai, chúng được bổ xứ có địa vị cao

Nhất sinh bổ xứ: sinh thêm một lần nữa cho đủ số kiếp còn thiếu.

Bổ là bù đắp vào chỗ bị thiếu khuyết. Xứ là nơi chốn. Những bồ-tát này về tu nhân thì đã đến thập địa, về kiếp số thì đã đủ ba a-tăng-kì. Khi tuổi thọ đời này hết rồi liền thành Chính giác. Cho nên gọi là Nhất sinh bổ xứ.

Việc này các kinh khác diễn tả dễ hiểu hơn. Giống như ngài Di-lặc đang cư ngụ ở cõi trời, là vị bồ-tát tương lai sẽ thành Phật. Là người được đức Thích-ca bổ nhiệm làm Thế Tôn Đại Giác một đời và ở trong ba hội độ vô lượng chúng sinh. Việc này giống như ý trên mới vừa nói.

Kinh Vô lượng thọ ghi: “Nếu khi ta thành Phật mà các chúng bồ-tát ở các cõi nước khác sinh về nước của ta thì tất cả đều đạt đến địa vị nhất sinh bổ xứ. Vì Đức Phật kia có công lực bản nguyện như thế, cho nên những ai sinh về cõi nước của Ngài thì liền đạt được địa vị Nhất sinh bổ xứ”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Trong chúng sinh, nếu có người nào nghe được lời phát nguyện đó nên phát nguyện mong được sinh về cõi nước của Đức Phật kia”.

Lời tán:

6.2.2.1.2.2.3. Khuyên sinh về nước kia

Nếu có chúng sinh nào ở hiện tại, vị lai nghe được lời phát nguyện của Đức Phật kia thì ta đến nói với họ, nên phát nguyện mong được sinh về thế giới kia.

Hỏi: Đức Từ Thị ở cung trời vui sướng vô cùng, cung điện đẹp đẽ rất nhiều, cần gì phải cố khuyên nguyện sinh về Tây phương Tịnh độ?

Đáp: Nếu nói về cõi trời Đâu-suất thì nhất định thù thắng hơn cõi nhân gian này rồi, nhưng nếu so với cõi Tây phương thì cõi trời Đâu-suất nhỏ nhiệm, thua kém hơn nhiều. Hơn kém đã khác, Tây phương Đâu-suất bất đồng, cho nên khuyên nguyện sinh về Tây phương tức là khuyên bỏ cái kém mà cầu cái hơn vậy.

Hơn, kém khác nhau: ở Tịnh độ có mười điều thù thắng, còn ở Thiên cung có mời điều thấp kém. Mười điều thù thắng ở Tịnh độ là:

Một là chỗ ở của đức Hóa chủ thù thắng.

Hai là tuổi thọ của đức Hóa chủ lâu dài hơn.

Ba là cõi nước không có giới hạn.

Bốn là ở Tịnh độ không còn dâm dục.

Năm là không có người nữ chung sống ở đó.

Sáu là tu hành không lui sụt.

Bảy là ở Tịnh độ không còn nhơ uế.

Tám là cõi nước trang nghiêm.

Chín là niệm Phật dễ nhiếp tâm hơn.

Mười là chỉ cần mười niệm là được vãng sinh.

Mười điều hạn chế ở Thiên cung:

Một là cõi nước cư ngụ kém.

Hai là tuổi thọ giảm lần.

Ba là cảnh trí có giới hạn.

Bốn là cõi trời kia còn dâm dục.

Năm là nam nữ sống chung.

Sáu là tu hành còn bị thối chuyển.

Bảy là cõi nhơ uế chứ chưa hoàn toàn thanh tịnh.

Tám là cõi nước kém trang nghiêm hơn.

Chín là dùng niệm thiện để trụ tâm.

Mười tu hành khó khổ.

Vì có mười điều hơn, kém nhau như thế cho nên mới khuyên chúng sinh hãy nguyện sinh về cõi nước kia.

Lời kinh: “Vì nguyên nhân gì mà được cùng ở chung một chỗ với các vị Thượng Thiện Nhân như thế?”.

Lời tán:

6.2.2.1.2.2.4. Lợi ích của việc khuyên vãng sinh

Chư thượng thiện nhân: các bậc thượng thiện nhân.

Thiện có nghĩa là đời này và đời quá khứ làm lợi ích cho chúng sinh gọi là Thiện. Nhân gồm những vị Thanh văn đạt bất thối chuyển đã kể ở trước và các bậc bồ-tát nhất sinh bổ xứ. Những vị này đều có mặt trong cùng một pháp hội ở Tây phương.

Cùng một thầy học nghề nhất định phải nhờ vào điều kiện tốt. Hai nhà đang giao hảo với nhau mà trở nên thù địch là vì nghe theo bạn ác. Mẹ Mạnh Tử dời đến ở nơi tốt hơn; Khổng Tử không uống nước ở suối đạo. Bởi vì, lấy làm thẹn điều xấu mà ngưỡng mộ điều thiện. Theo người thiện thì giống như hương thơm của hoa lan phảng phất khắp nơi. Kết bạn với người ác thì giống như mùi hôi lẩn quẩn trong gió. Cho nên khuyến khích sinh về Tây phương là để sớm hôm gần gũi với các bạn lành vậy.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Không phải chỉ nhờ vào một ít căn lành, một ít phước đức, một ít nhân duyên mà có thể sinh về cõi nước kia được”.

Lời tán:

6.2.2.2. Từ đây trở xuống là phần hai: trình bày về nhân duyên khác nhau của cõi Cực-lạc.

Trong phần này văn kinh phân làm năm đoạn. Thứ nhất, ngăn người có chút ít căn lành. Thứ hai, nói nhiều nhân. Thứ ba, thánh chúng đến đón rước. Thứ tư, chúng sinh được sinh về. Thứ năm, kết luận lại lời khuyên vãng sinh.

6.2.2.2.1. Ngăn người có chút ít căn lành

Không thể chỉ bằng một ít căn lành nhỏ nhặt mà có thể được sinh về cõi Tịnh độ đặc biệt kia.

Hỏi: Chỉ cần niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà mười lần thì liền được vãng sinh Tịnh độ. Căn cứ theo lời kinh như vừa nêu thì thành quả lớn mà công nhỏ. Như vậy, vì sao người có chút ít nhân duyên lành không được sinh về cõi nước kia?

Đáp: Phật nói người niệm danh hiệu Phật mười lần được vãng sinh Tịnh độ là để tiếp dẫn những chúng sinh lười biếng. Lại bàn đến người có nhiều nhân duyên lành là đã bao gồm cả những người siêng năng, khuyến học; dù nói cặn kẻ hay nói tóm lược, về lý chẳng có gì không hợp cả.

*

Chú thích:

[34] Tứ trần gồm có: sắc, hương, vị và xúc.

[35] Ngũ trần: sắc, thanh, hương, vị và xúc.

[36] Tế tứ tướng là bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt của pháp hữu vi.

[37] Tam biến thổ điền 三變土田: ba lần biến đổi ruộng đất. Phẩm hiện Bảo Tháp kinh Pháp hoa kể rằng: Phân thân Phật ở mười phương của Thích-ca Như Lai, mỗi vị đều đem theo một vị Bồ-tát để cúng dường Tháp Đa Bảo. Lúc tới núi Linh Thứu, đức Thích-ca Như Lai bèn dùng thần lực ba lần biển đổi uế độ mà thành ra tịnh độ. Lần đầu biến đổi một cõi Ta-bà Thế giới, lần hai biến đổi hai trăm vạn ức Na-do-tha nước, cuối cùng biến thêm hai trăm vạn ức Na-do-tha nước thành cõi Tịnh độ. Dựa vào đó mà gọi là Tam biến thổ điền.

[38] Bạch nghiệp: đối với hắc nghiệp. Chỉ chung Thiện nghiệp, vì Thiện là pháp thanh bạch, hơn nữa cảm quả thanh bạch vô cấu, nên gọi là Bạch nghiệp.

[39] Kinh Quán: là gọi tắt. Gọi cho đủ là “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh

[40] Do tuần 由旬: là đơn vị đo độ dài thời xưa ở Ấn Độ. Tiếng Phạn: Yojana, có nghĩa là mang ách, phát xuất từ chữ gốc “Yuj” chỉ đoạn đường con bò mang ách đi một ngày.

[41] Cung, thương là hai trong năm thứ nhạc cụ thời xưa. Năm thứ nhạc cụ đó là: cung, thương, giác, chuỷ và vũ.

[42] Thất giác chi 七覺支: là bảy pháp có công năng giúp cho trí tuệ bồ-đề phát triển. Bảy pháp đó gồm: Niệm, Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỉ, Khinh An, Định và Xả.

[43] Thất thánh tài 七聖財: là bảy pháp thánh để thành tựu Phật đạo. Đó là Tín, Giới, Tàm, Quí, Văn, Thí,Huệ. Vì bảy pháp được giữ gìn này có công năng trợ giúp cho việc thành Phật, nên gọi là Tài.

[44] Dặm là chuyển ngữ từ chữ Lý. Đây là một đơn vị đo. Một dặm bằng năm trăm mét.

[45] Bốn Niết-bàn 四涅槃: 1. Bản lai tự tánh thanh tịnh Niết-bàn; 2. Hữu dư y Niết-bàn; 3. Vô dư y Niết-bàn; 4. Vô trụ xứ Niết-bàn.

[46] Bốn trí 四智: nói về bốn trí có rất nhiều thuyết khác nhau.

[47] Diêm-phù-đàn kim 閻浮檀金: Loại vàng từ dòng sông chảy qua rừng cây Diêm-phù có màu vàng đỏ ánh lên như tia lửa. Loại này quí nhất trong các loại vàng. Ở giữa núi Hương Tuý và dãy Hi-mã-lạp-sơn có dòng sông chảy qua rừng cây Diêm-phù, vàng nhặt ra từ sông này gọi là Diêm-phù đàn kim.

[48] Dạ-ma thiên 夜魔天: còn gọi là Tô-dạ-ma-thiên, Tu-dạ-ma-thiên, Tu-diệm-thiên. Là tầng trời thứ ba trong 6 tầng trời cõi Dục. Theo Chính Pháp Niệm Xứ 36, luận Thập Thế A-tì-đàm 6, Phật Địa Kinh Luận 5, Huệ Uyển Âm Nghĩa, thượng v.v… thì cõi này ánh sáng chói lọi, không phân ngày đêm, người ở trong đó luôn luôn được sự sung sướng không thể nghĩ bàn.

[49] Na-do-tha 那由他: còn gọi là Na-du-đa, Na-do-đa, Na-thuật, tên số đếm, tương đương với 1 ức. Một ức có ba cấp: 10 vạn, 100 vạn, 1000 vạn. Vì vậy xác định số đến của Na-do-tha cũng không giống nhau.

[50] Hằng hà sa 恒河沙: số cát của sông Hằng. Sông Hằng là dòng sông lớn ở Ấn Độ, trong kinh thường hay dùng số cát sông Hằng để chỉ cho cái gì có tính chất nhiều không tính đếm được. Có lẽ từ Hằng Hà mà người ta thường dùng bắt nguồn từ chữ Hằng hà sa này.

[51] Ngũ Tu-di 五須彌: năm toà núi Tu-di, dụ cho sự rộng lớn của tướng lông trắng giữa hai chân mày Đức Phật A-di-đà. Núi Tu-di cao 336 muôn dặm, mỗi bề cũng rộng như vậy, nhưng tướng lông trắng của Phật A-di-đà rộng lớn gấp 5 lần, cho nên gọi là Ngũ Tu-di chứ chẳng phải có năm tòa núi Tu-di khác. Trong bài tán về Đức Phật A-di-đà có câu: “Bạch hòa uyển chuyên ngũ Tu-di”, chắc cũng có ý giống như trong kinh này nói vậy.

[52] Tam thiên đại thiên thế giới 三千大千世界: Lấy núi Tu-di làm trung tâm, xung quanh có bảy núi tám biển, lại có núi Thiết-vi làm bức thành bao quanh ở bên ngoài, đó là một Tiểu thế giới. Gộp 1000 tiểu thế giới lại thì thành một tiểu thiên thế giới. Gộp 1000 Tiểu thiên thế giới lại thành một Trung thiên thế giới. Gộp 1000 Trung thiên thế giới lại thì thành một Đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới đó được hình thành bởi ba loại thiên: Tiểu thiên, Trung thiên và Đại thiên như vậy.

[53] A-tăng-kì 阿僧祇: là một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn không thể tính đếm được. Theo cách đọc thì một A-tăng-kì có một nghìn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu (1.000.000 bằng vạn ức, 1 ức bằng vạn vạn, 1 vạn bằng 10 luỹ thừa 4) tức là 10 luỹ thừa 47. Trong 60 đơn vị số mục Ấn Độ thì A-tăng-kì là số thứ 52. Nói A-tăng-kì kiếp là chỉ cho số kiếp nhiều không thể tính đếm được. Hay còn gọi là Vô số kiếp.

[54] Vô ương số kiếp 無央數劫: thời gian dài vô hạn. Ương la tận cùng, kiếp là thời gian rất dài. Vô ương số kiếp vốn là đơn vị thời gian biểu thị thời hạn rất lớn của Ấn Độ thời cổ. Phật giáo cũng dùng theo.

[55] Phần đoạn thân 分段身: Thân phần đoạn sinh tử. Thân phần đoạn sinh tử phải chịu luân hồi trong sáu đường, phải chịu các thứ quả báo khác nhau của phàm phu. Thân này có sự sai khác và hạn định về tuổi thọ và hình thể.

[56] Biến dịch thân 變易身: còn gọi Biến dịch sinh tử thân. Thân biến dịch sinh tử, là chính báo của các bậc A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát đại lực. Ba bậc thánh vừa kể thụ thân này ở cõi Tịnh độ.

[57] Ba quả trước: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Và quả thứ tư là quả A-la-hán.

    Xem thêm:

  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Đại Thánh Diệu Cát Tường Dạy Trừ Tai Giáo Linh Pháp Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thi Ca La Việt Lạy Sáu Phương - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kệ Lễ Tán Sáu Thời - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng